Trang chủ    Thực tiễn    Tỉnh Hòa Bình thực hiện chính sách dân tộc của Đảng: một số kết quả và giải pháp chủ yếu
Thứ hai, 16 Tháng 12 2019 12:01
2271 Lượt xem

Tỉnh Hòa Bình thực hiện chính sách dân tộc của Đảng: một số kết quả và giải pháp chủ yếu

(LLCT) - Quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, trongcông cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, Đảng bộ tỉnh Hòa Bình luôn quan tâm thực hiện tốt chính sách dân tộc. Đặc biệt, sau khi ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc, nhiều chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương và của tỉnh Hòa Bình đã được thực hiện ở vùng dân tộc thiểu số, đến nay đã đạt nhiều kết quả quan trọng trên các vực kinh tế - xã hội,xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vùng dân tộc thiểu số....

 

1.Kết quả đạt được từ thực hiện chính sách dân tộc ở tỉnh Hòa Bình      

Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số

Hòa Bình là tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc. Diện tích tự nhiên của Hòa Bình vào khoảng 4600 km2, dân số trên 83 vạn người, có 7 dân tộc chủ yếu cùng chung sống; dân tộc thiểu số chiếm 74,14% (dân tộc Mường chiếm đa số, trên 63%). Tính đến thời điểm tháng 4-2019, Hòa Bình gồm 10 huyện, 1 thành phố với 210 xã, phường, thị trấn, với 1999 thôn, bản, tổ dân tố, khu dân cư; có 52 xã thuộc khu vực I, 70 xã thuộc khu vực II, 88 xã thuộc khu vực III; có 101 xã đặc biệt khó khăn, xã vùng CT229; 1 huyện khó khăn được hưởng Chương trình hỗ trợ giảm nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ.

Thực hiện chủ trương và chính sách dân tộc của Đảng, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác dân tộc và chính sách dân tộc, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với sự vào cuộc và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tỉnh đã ưu tiên bố trí mọi nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng ở địa bàn vùng DTTS của tỉnh. Đến năm 2019, có 210/210 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có đường ô tô đến trụ sở UBND xã; 100% xã có điện, tỷ lệ hộ sử dụng điện thường  xuyên an toàn từ các nguồn đạt 95,2%; đầu tư tu bổ, nâng cấp, sửa chữa, kiên cố hoá các công trình thủy lợi hàng năm đảm bảo tưới tiêu cho trên 90% diện tích lúa và tưới ẩm co một số diện tích mầu và cây ăn quả tập trung; 100% số xã có trường mầm non, lớp mẫu giáo, trường tiểu học và trường trung học cơ sở; 100% số xã có trạm y tế; các công trình nhà văn hóa xã, khu thể thao trung tâm xã, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, bản được đầu tư xây dựng; trên 90% hộ nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; hệ thống chợ nông thôn được đầu tư xây dựng kiên cố; mạng lưới hạ tầng viễn thông được phát triển mạnh, rộng khắp: 100% xã có dịch vụ Internet băng thông rộng, tỷ lệ phủ sóng theo khu vực đạt 95%.

Dưới dự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể, sự tham gia tích cực của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, bằng các nguồn vốn hộ trợ trực tiếp từ ngân sách Trung ương, vốn các chương trình, dự án và nguồn vốn ngân sách tỉnh, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24 - NQ/TW, ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc, Hòa Bình đã có trên 2000 mô hình phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, phát triển ngành nghề nông thôn theo định hướng kết nối thị trường được triển khai thực hiện. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động từng bước giải quyết tình trạng thất nghiệp, góp phần đáng kể trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động trong vùng đồng bào dân tộc.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng: tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm 15,6%: từ 35% (giai đoạn 2005 - 2010) xuống còn 19,4% (giai đoạn 2010 - 2015); tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng tăng 22,5%: từ 31,5% (giai đoạn 2005 - 2010) lên 54% (giai đoạn 2010 - 2015); tỷ trọng ngành dịch vụ giảm 6,9%: từ 33,5% (giai đoạn 2005 - 2010) xuống 26,6% (giai đoạn 2010 - 2015).

 GRDP bình quân đầu người năm 2015 đạt khoảng 36,5 triệu đồng (gấp 2,8 lần so với năm 2010), cao hơn trung bình khu vực miền núi phía Bắc khoảng 10,5 triệu đồng và bằng 82% GRDP bình quân đầu người của cả nước. Đến năm 2019 là 50,07 triệu đồng, tăng 20%/năm trở lên.

Việc giao đất, giao rừng và quản lý các nông lâm trường ở vùng dân tộc thiểu số được triển khai có hiệu quả. Tỉnh đã thực hiện nghiêm túc Quyết định số 672/QĐ-TTg, ngày 26-4-2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc lập bản độ địa chính tỷ lệ 1:10.000, xét duyệt cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, quán triệt chủ trương mỗi mảnh đất, mảnh rừng đều có chủ. Trong 10 năm (2006 - 2016), tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 40,4% lên 51,2%, 206 xã có rừng đều xây dựng được bản Quy ước bảo vệ rừng.

Khác với giai đoạn 2005 - 2010, công tác phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2010 - 2015 đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo, huy động nguồn lực xã hội hóa, phát huy được nhiều sáng kiến, đề xuất được nhiều chính sách xây dựng nông thôn mới phù hợp với từng địa phương, từ đó phát triển nhiều ngành nghề, sản phẩm đem lại giá trị kinh tế cao như: Nghề nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ Hòa Bình, khai thác tiềm năng mặt hồ, tận dụng nguồn thức ăn có sẵn tại địa phương ở các xã Phúc Sạn, Tân Mai, Tân Dân (Mai Châu), Thái Thịnh (Thành phố Hòa Bình); Trồng mía tím nuôi cấy mô mới tại xã Ngọc Sơn đã cho ra những cánh đồng mía to, dài, ngọt mát, rút ngắn thời gian thu hoạch; Sản phẩm cam theo tiêu chuẩn VietGAP ở huyện Cao Phong; Mô hình “Phát triển cây bưởi đỏ, bưởi da xanh” tại huyện Tân Lạc; Mô hình chăn nuôi lợn thịt cho 40 hộ nghèo tại xã Toàn Sơn (Đà Bắc)...

Nhờ thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011- 2020 và lồng ghép các nguồn vốn thuộc chương trình, dự án để xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011-2015 giảm 3,85%/năm (năm 2010 là 35,51%; thực hiện năm 2015 là 12,26%) vượt so với mục tiêu đề ra là 3%/năm. Tỷ lệ học nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn bình quân giảm 4-5%/năm.

Phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục có nhiều tiến bộ. Đến nay Hoà Bình có 82/191 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, chiếm 42,9% tổng số xã của tỉnh (hoàn thành vượt chỉ tiêu Nghị quyết của tỉnh trước 1 năm), tăng 82 xã đạt chuẩn nông thôn mới so với năm 2011 và tăng 51 xã so với kết quả đến hết năm 2015; trung bình 01 xã đạt trên 13,34 tiêu chí (theo tiêu chí mới), đạt tỷ lệ 32,98% tổng số xã, đứng thứ nhất so với 6 tỉnh Tây Bắc, đứng thứ 3 so với 14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc; trong đó 17 xã đặc biệt khó khăn, xã vùng đặc thù thuộc diện đầu tư của Chương trình 135. Thành phố Hòa Bình đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và huyện Lương Sơn đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 96,3%, đứng thứ 5/14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc, thứ 3/6 tỉnh Tây Bắc.

Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số

Hòa Bình là địa bàn có sự đa dạng về thành phần dân cư và dân tộc. Người dân tộc thiểu số lại chiếm đa số trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là người Mường. Do vậy, trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ, số lượng và cơ cấu luôn được quan tâm, nhất là cơ cấu cán bộ người dân tộc thiểu số.

Công tác quy hoạch: Cán bộ người dân tộc thiểu số luôn chiếm đa số. Giai đoạn 2005 - 2010: Số lượng cán bộ đưa vào quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là 91 đồng chí, trong đó người dân tộc là 50 đồng chí, chiếm 55%; ở cấp huyện, thành phố là 795 đồng chí, trong đó người dân tộc là 510 đồng chí, chiếm 64%. Sang giai đoạn 2010 - 2015, tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số tăng hơn so với giai đoạn trước trong quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: 102 đồng chí, trong đó cán bộ dân tộc thiểu số 65 (chiếm 63,7%), tăng 8,7%. Ở cấp huyện, Kim Bôi và Lạc Sơn là hai huyện có tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số chiếm trên 90% trong quy hoạch Ban Chấp hành.

Công tác bố trí, sử dụng cán bộ: cán bộ là người dân tộc thiểu số của tỉnh chiếm tỷ lệ đa số và đảm đương nhiều cương vị lãnh đạo chủ chốt ở các cấp, các ngành. Tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiếu số trong Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh tăng từ 64% (giai đoạn 2005 - 2010) lên 71,69% (giai đoạn 2010 - 2015).

Nhờ vậy, hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc và miền núi được củng cố và nâng cao. Đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở vùng dân tộc và miền núi ngày càng trưởng thành, gắn bó với nhân dân, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn và phát huy, khối đại đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc ngày càng được củng cố và phát triển. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tin tưởng vào đường lối đổi mới, sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tích cực thi đua lao động, sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, bảo đảm quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vùng dân tộc thiểu số

Công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở vùng dân tộc và miền núi thực hiện có hiệu quả. Các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” được quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia vào nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự. Xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Triển khai thực hiện các phương án như: Phương án về đấu tranh giải quyết tình hình phức tạp về tội phạm ma túy trên địa bàn huyện Mai Châu; Kế hoạch về phân công lực lượng đấu tranh với các đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy và vận động xác minh, truy bắt các đối tượng truy nã phạm tội về ma túy trên địa bàn huyện Mai Châu…

Công tác quy hoạch, phát triển kinh tế kết hợp quốc phòng ở vùng sâu, vùng xa bảo đảm các yếu tố không ảnh hưởng, tác động đến quy hoạch xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng phủ tỉnh và tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư phát triển kinh tế không bị chồng chéo, không gây tốn kém, thiệt hạivề ngân sách nhà nước và địa phương; đầu tư hỗ trợ sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng, ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân các xã CT229, vùng lòng hồ sông Đà; quy hoạch đất đai, khai thác bảo vệ tài nguyên gắn với quy hoạch thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ tỉnh. Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án xây dựng mô hình “Làng, bản văn hóa - quốc phòng” ở địa bàn đặc biệt khó khăn trong khu vực phòng thủ tỉnh, đến năm 2015 đã xây dựng được 18 “Làng, bản văn hóa - quốc phòng”, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực.

Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa - xã hội trong tỉnh có nhiều chuyển biến, các chính sách an sinh xã hội, chăm lo người có công tiếp tục được quan tâm thực hiện. Chất lượng sự nghiệp y tế, giáo dục được nâng lên. Giá trị văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy. Hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm xây dựng và củng cố, hoạt động có hiệu quả…

Có thể thấy, sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24 - NQ/TW ngày 12-3-2003 và Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 1-7-2004 của Đảng, đến nay năm 2019, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân về công tác dân tộc được nâng lên, đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo sự đồng thuận giữa các ngành, các cấp và đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh. Hệ thống chính sách dân tộc được triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả, chuyển dần từ các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho từng hộ sang hỗ trợ cho cộng đồng, nhóm hộ, hỗ trợ người dân tự vươn lên thoát nghèo. Diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; sản xuất nông, lâm nghiệp có chuyển biến tích cực, một số vùng có điều kiện thuận lợi đang hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung... Nhìn chung hộ nghèo, hộ cận nghèo và người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhận được tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước phát triển, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách dân tộc trong  thời gian qua vẫn còn một số hạn chế:

Khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn và đô thị còn khá lớn; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao (tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh đến năm 2017 còn 18%, các xã đặc biệt khó khăn tỷ lệ hộ nghèo là 46,49%, hộ cận nghèo là 30,82%), kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao, ý thức tự lực, tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc vươn lên thoát nghèo còn hạn chế. Sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

 Chất lượng giáo dục, y tế còn hạn chế, mức thụ hưởng văn hóa của đồng bào còn thấp. Bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của một số dân tộc thiểu số còn bị mai một; tập tục lạc hậu còn tồn tại ở một số địa phương.

Đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ cán bộ nữ dân tộc thiểu số tham gia vào hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã còn thấp, chưa đạt chỉ tiêu 15% theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Kết quả huy động và sử dụng các nguồn lực đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ phát triển sản xuất chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.

Điều đó cho thấy công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc vẫn luôn giữ vị trí chiến lược và là sự nghiệp lâu dài gắn liền với quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn phải xác định rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ công tác dân tộc, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị; coi trọng công tác tuyên truyền, vận động quần chúng; triển khai thực hiện chính sách dân tộc đồng bộ nhưng có trọng điểm, phát huy những thế mạnh và tính chủ động của địa phương; chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số; gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh.

2. Một số giải pháp

Để thực hiện tốt chính sách dân tộc và công tác dân tộc của tỉnh Hòa Bình trong điều kiện mới, Tỉnh ủy, HĐND và Ủy ban nhân dân tỉnh xác định sẽ thực hiện tốt những giải pháp sau:

- Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác dân tộc; phát huy nội lực, xã hội hóa các nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

- Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; ưu tiên đầu tư tại các xóm, xã đặc biệt khó khăn; làm tốt công tác quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng các cụm dân cư tập trung gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

- Đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế theo chiều sâu dựa trên tiềm năng, lợi thế của từng vùng; ứng dụng khoa học công nghệ, từng bước chuyển sản xuất nông nghiệp truyền thống sang liên kết sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị

- Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về công tác dân tộc; công tác quy hoạch, đào tạo và bố trí sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số.

- Ưu tiên phát triển giáo dục đào tạo, dạy nghề cho đồng bào dân tộc, nhất là thanh niên dân tộc thiểu số.

- Quan tâm bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên: Có giải pháp hữu hiệu để hạn chế mức thấp nhất những tác động đến môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên khi triển khai thực hiện các dự án. Tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo vệ và phát triển rừng, nhất là đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn.

- Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tài liệu tham khảo

  1. Tỉnh ủy Hòa Bình (2013), Báo cáo số 227 -BC/TU, ngày 15/10/2013, Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Đề án số 03-ĐA/TU, ngày 14/01/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIV) về “củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh 2 xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu” (từ 2010 - 2013), Hoà Bình.
  2. Tỉnh ủy Hòa Bình (2013), Các văn bản chủ yếu của Tỉnh ủy Hòa Bình khóa XIV, nhiệm kỳ 2010 - 2015(lưu hành nội bộ), Quyển I (Các văn bản ban hành năm 2012), Hòa Bình.
  3. Tỉnh ủy Hòa Bình (2014), Báo cáo số 265-BC/TU, ngày 22/5/2014,Báo cáo công tác lãnh đạo của cấp uỷ đối với công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Hoà Bình.
  4. Tỉnh ủy Hòa Bình (2014), Các văn bản chủ yếu của Tỉnh ủy Hòa Bình khóa XIV, nhiệm kỳ 2010 - 2015, (lưu hành nội bộ), Quyển III (Các văn bản ban hành năm 2013), Hòa Bình.
  5. Tỉnh ủy Hòa Bình (2018), Báo cáo số 506-BC/TU, ngày 25/9/2018, Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 về công tác dân tộc, gắn với tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU, ngày 12/8/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc về công tác dân tộc, công tác tôn giáo và sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 104-KL/TU, ngày 23/9/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Hoà Bình.
  6. Tỉnh ủy Hòa Bình (2018), Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 25/9/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trong tình hình mới, Hòa Bình.
  7. Tỉnh ủy Hòa Bình (2019), Báo cáo số 394 - BC/BTCTU,ngày 06/5/2019 về Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ dân tộc thiểu số giai đoạn 2008 - 2018, Hoà Bình.
  8. Uỷ ban nhân dân tỉnh Hòa Bình (2019), Báo cáo số 295/BC-UBND, ngày 27/9/2019, Báo cáo Tổng kết Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011 - 2020, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, Hòa Bình.
  9. Uỷ ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, Ban Dân tộc (2019), Báo cáo số 367/BC-BDT, ngày 29/5/2019, Báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, Hoà Bình.

Vũ Thị Phương Thảo

Trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ, tỉnh Hòa Bình

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền