Trang chủ    Thực tiễn    Nhìn lại hoạt động ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế đất nước giai đoạn 2011- 2019
Thứ ba, 24 Tháng 12 2019 15:28
1784 Lượt xem

Nhìn lại hoạt động ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế đất nước giai đoạn 2011- 2019

(LLCT) -  Ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay. Bài viết khái quát và nhìn nhận lại những kết quả đã đạt được của hoạt động ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế giai đoạn 2011-2019. Trên cơ sở đó, kiến nghị, đề xuất các biện pháp phát huy những kết quả đó trong thời gian tới.

 

1. Nội dung chính và những kết quả của hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế giai đoạn 2011-2019

Hình thành đường lối, chính sách và các chủ trương lớn về đối ngoại

Đường lối đối ngoại được nêu trong Văn kiện Đại hội XI (năm 2011), Văn kiện Đại hội XII (năm 2016). Ngày 10-4-2013, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế, xác định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”(1). Trong tình hình mới, Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh tư tưởng chỉ đạo: “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”(2). Quán triệt các quan điểm nêu trên là cơ sở quan trọng để bảo vệ lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, trước hết là giữ vững hòa bình, độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và định hướng xã hội chủ nghĩa. Mặt khác, Việt Nam có thể tiếp tục mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế quốc tế, tranh thủ được các nguồn lực bên ngoài như: vốn đầu tư, KHCN hiện đại, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, phục vụ cho xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc.

Mở rộng, củng cố quan hệ quốc tế 

Từ năm 2011 đến nay, Việt Nam đã đẩy mạnh quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới. Năm 2012, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Bhutan và năm 2013 với các nước như: Antigua Barbuda, Cộng đồng thịnh vượng Dominica Liên bang Saint Kitts và Nevis, Swaziland đưa số lượng các nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao đến tháng 3-2019 là 189 nước thuộc tất cả châu lục và có quan hệ bình thường với tất cả nước lớn, các Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Nước mới nhất mà Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao là Nam Sudan (21-2-2019). Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 2 thực thể được nhiều nước thừa nhận, nhưng thực tế không độc lập: Palestine và Tây Sahara. Chưa có quan hệ ngoại giao với 4 quốc gia và 1 quan sát viên thuộc UN:

Tuvalu, Tonga, Bahamas, Malawi và Thành Vatican(3). Việt Nam đã phát triển quan hệ Đối tác Chiến lược với Đức (2011), Ý (2013), Pháp (2013), Indonesia (2013), Thái Lan (2013),

Singapore (2013), Malaysia (2015), Philippines (2015) và Úc (2018); Việt Nam quan hệ Đối tác Toàn diện với Ukraina (2011), Hoa Kỳ (2013), Đan Mạch (2013), Myanmar (2017), Canada (2017), Triều Tiên (2018), Brunei (2019), Hà Lan (2019).

Nối tiếp những nỗ lực của thời kỳ trước, năm 2012, Việt Nam nâng quan hệ với Liên bang Nga lên thành “đối tác chiến lược toàn diện”, đáp ứng nhu cầu hợp tác song phương trong thời kỳ mới. Từ nền tảng quan hệ đối tác chiến lược tốt đẹp, nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (tháng 9-2016), quan hệ hai nước đã đánh dấu một bước ngoặt mới: nâng mối quan hệ của hai nước lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện. Đây là minh chứng phản ánh sự phát triển sâu rộng, tin cậy và hiệu quả của quan hệ Việt Nam - Ấn Độ thời gian qua. Qua hai năm nâng cấp đối tác chiến lược toàn diện, quan hệ kinh tế, quốc phòng - an ninh hai nước từng bước đi vào chiều sâu, thực chất.

Như vậy, cho tới nay, Việt Nam đã thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược” với 13 nước, quan hệ “đối tác chiến lược trên một số lĩnh vực” với 2 nước, Việt Nam quan hệ Đối tác Toàn diện với 14 quốc gia. Trong số các nước trên có cả 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc và 8/10 nước cùng là thành viên CPTPP (không tính Việt Nam) với 4 nước là Đối tác chiến lược và 4 nước là Đối tác toàn diện; 2 nước còn lại chưa có quan hệ đối tác cao là Peru và Mexico. Với các nước khối ASEAN, hiện Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao cao cấp với 9/9 nước thành viên (không tính Việt Nam) với 5 nước là Đối tác chiến lược và 2 nước là Đối tác toàn diện; 2 nước còn lại là Campuchia và Lào là Quan hệ đặc biệt. Điều này góp phần nâng cao tầm vóc và chất lượng hợp tác với các quốc gia, củng cố hơn nữa vị thế quốc tế của Việt Nam và phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước. Vấn đề còn lại là nỗ lực cùng các nước hữu quan làm cho những khung khổ đó có nội hàm phong phú, biện pháp thiết thực, đưa quan hệ vào chiều sâu thực chất, tối đa hóa lợi ích cho các bên.

Riêng với Lào, Bộ Ngoại giao đã hợp tác hỗ trợ bạn trong việc tiến hành các hoạt động quốc tế lớn trong khuôn khổ ASEAN và ASEM, Bộ Ngoại giao đã giúp Lào tổ chức thành công các Hội nghị Đối tác Nghị viện các nước Á - Âu lần thứ 7 (ASEP7), Hội nghị ASEM 9 cuối năm 2010 thúc đẩy quá trình tôn tạo, tăng dày cột mốc biên giới, xử lý thỏa đáng vấn đề xây đập thủy điện trên dòng chảy chính của sông Mê Công, giúp bạn đào tạo cán bộ ngoại giao, phối hợp hoạt động trên các diễn đàn quốc tế, nhất là trong ASEAN. Với Vương Quốc Campuchia, Bộ Ngoại giao đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy quá trình đàm phán về những điểm còn lại cũng như về phân giới cắm mốc trên bộ, xử lý những sự khác biệt trên vấn đề Biển Đông. Trong số các nước lớn, Việt Nam đã duy trì và thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc, thiết lập khung khổ quan hệ với Hoa Kỳ, tăng cường quan hệ với Nga, Ấn Độ, Nhật Bản và EU, nhất là Đức, Pháp, Anh, Italia. Riêng với Mỹ thì từ sau khi thiết lập khuôn khổ “Đối tác toàn diện” (tháng 7-2013), quan hệ hai nước tiếp tục đạt những tiến triển mới, thực chất trên nhiều lĩnh vực cả về song phương và đa phương. Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, là nhà đầu tư lớn thứ 7, kim ngạch thương mại hai chiều tăng liên tục ở mức hơn 20% trong nhiều năm liên tục tuy vẫn còn một số vướng mắc như các vụ kiện bán phá giá, quý chế kinh tế thị trường..., Mỹ tiếp tục viện trợ phát triển cho Việt Nam thông qua cơ quan USAID nhằm chủ yếu hỗ trợ quá trình tăng trưởng và cải cách kinh tế của Việt Nam. Các cơ chế đối thoại chính trị ngoại giao, quốc phòng, an ninh góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Trao đổi đoàn diễn ra sôi động ở tất cả các kênh Chính phủ, Quốc hội và mở rộng sang đối ngoại Đảng.

Triển khai chủ trương hội nhập quốc tế, đẩy mạnh hoạt động trên các diễn đàn đa phương

Chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện được Đảng và Nhà nước đề ra, được Bộ Ngoại giao cùng các ngành hữu quan đã triển khai hết sức tích cực, hoạt động sôi nổi trên các điễn đàn khu vực và toàn cầu, trên cả các vấn đề chính trị - an ninh lẫn kinh tế - xã hội và cả trong việc đối phó với biến đổi khí hậu; đội ngũ cán bộ Việt Nam thích nghi nhanh chóng, hoạt động tích cực, năng động, một số người được vào làm việc tại các tổ chức khu vực và thế giới, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế và vai trò quốc tế của đất nước.

Tiếp tục coi việc đóng góp vào tăng cường tình đoàn kết và sự hợp tác trong ASEAN là một trong những hướng ưu tiên, Việt Nam một mặt, tích cực thực hiện các cam kết của mình, mặt khác góp phần thúc đẩy quá trình hình thành Cộng đồng ASEAN dựa trên ba trụ cột là cộng đồng chính trị - an ninh, cộng đồng kinh tế, cộng đồng văn hóa xã hội (31-12-2015); phát huy vai trò của ASEAN trên trường quốc tế, nhất là ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, cố gắng tranh thủ sự đồng thuận giữa các nước thành viên ASEAN về vấn đề Biển Đông trên cơ sở Tuyên bố DOC giữa 5 nước 6 bên ở Biển Đông, trước hết giữa ASEAN và Trung Quốc, thúc đẩy thỏa thuận COC (2018) và sớm hình thành Bộ quy tắc ứng xử (COC).

Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò ở Liên Hợp quốc và các tổ chức quốc tế, tích cực vận động và đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền, Chủ trì Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) ở Vienne, Hội đồng Kinh tế - Xã hội ECOSOC nhiệm kỳ 2016 - 2018 và ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 với số phiếu 192/193. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng tích cực vận động để nước ta tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc, phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng trong công tác chuẩn bị. Năm 2014, lần đầu tiên hai sỹ quan quân đội ta đã tham gia thể chế này, đồng thời hình thành Trung tâm huấn luyện ở Việt Nam với sự hỗ trợ của Liên Hợp quốc và một số nước, hiện nay là bệnh viện dã chiến cấp 2 ở Nam Xu Đăng... Năm 2017, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã vận động và tranh thủ được các nền kinh tế APEC chấp thuận để nước ta đăng cai Hội nghị Cấp cao lần thứ hai ở Đà Nẵng.

Góp phần đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Ý thức rõ trách nhiệm đóng góp vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 1-2016, Bộ Ngoại giao đã xây dựng và ban hành “Đề án Ngoại giao kinh tế đến năm 2020”. Đề án thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có hiệp định TPP và cộng đồng kinh tế ASEAN. Kiện toàn Ban chỉ đạo Ngoại giao kinh tế, sử dụng hiệu quả Quỹ Ngoại giao kinh tế theo phương châm “vừa diện vừa điểm”, xây dựng mạng ngoại giao kinh tế nhằm tăng cường việc trao đổi thông tin, hỗ trợ xử lý các vấn đề nảy sinh, chú trọng bồi dưỡng cho đội ngũ kỹ năng ngoại giao kinh tế. Công tác nghiên cứu, dự báo kinh tế được chú trọng, Bộ Ngoại giao thường xuyên cung cấp cho các cơ quan lãnh đạo thông tin cập nhật về tình hình kinh tế thế giới và khu vực cũng như các thông tin chuyên đề.

Ngoài việc hình thành Cộng đồng ASEAN, trong thời kỳ này, Việt Nam tích cực thúc đẩy quá trình đàm phán để đi đến ký kết thỏa thuận về việc hình thành hàng loạt Khu vực thương mại tự do (FTA): với EU, Liên minh kinh tế Á - Âu (Nga, Belarus, Kazakhstan), Hàn Quốc, Liên minh Thương mại tự do châu Âu (EFTA), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Hoa Kỳ, nay là CPTPP và 10 quốc gia khác; Hiệp định đối tác kinh tế khu vực (RCEP) giữa 10 nước ASEAN với 6 quốc gia khác.

Bộ Ngoại giao đã tích cực hỗ trợ quá trình này bằng những hoạt động vận động chính trị, cử người tham gia các cuộc đàm phán mang tính “Việt dã”. Một hướng lớn khác là Bộ Ngoại giao đã ra sức vận động các nước công nhận thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam, tới nay đã vận động được 48 nước công nhận, trong đó có 8 nước thành viên G-20 cũng như EFTA với tư cách cả khối. Mặt khác, Bộ Ngoại giao, trong đó có các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, đã tích cực, chủ động hỗ trợ các ngành xử lý các vụ tranh chấp thương mại, xúc tiến thương mại - đầu tư - du lịch, bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài...

Đồng thời, Bộ Ngoại giao đã chú trọng xây dựng các đề án và triển khai thực hiện các hoạt động thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa nước ta với các nhóm nước như Chương trình ngoại giao kinh tế Đông Bắc Á 2011 - 2012, Đề án thúc đẩy quan hệ kinh tế với khu vực Trung Đông 2008 - 2015, Chiến lược hợp tác với châu Phi đến năm 2020, Đề án phát triển quan hệ kinh tế với California (Hoa Kỳ), tổ chức Tuần Việt Nam ở Hàn Quốc năm 2012, Ngày Việt Nam và các diễn đàn doanh nghiệp tại Nhật Bản giai đoạn 2012 - 2014...

Đẩy mạnh “ngoại giao văn hóa” để phục vụ phát triển kinh tế

Hoạt động “ngoại giao văn hóa” để phục vụ phát triển kinh tế, Bộ Ngoại giao đã thông qua Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2020 nhằm: gắn kết ngoại giao văn hóa với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế; nâng cao vị thế đất nước tại các diễn đàn quốc tế đa phương liên quan; gắn ngoại giao văn hóa với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài; quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam; khai thác hiệu quả các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; tăng cường thu hút sự tham gia của xã hội; đẩy mạnh công tác nghiên cứu và đào tạo cán bộ; bảo đảm nguồn nhân lực, tài lực cho các hoạt động văn hóa(4).

Tiếp tục những nỗ lực trong thời kỳ trước, Bộ Ngoại giao đã tích cực hỗ trợ các ngành, các địa phương trong nước xây dựng hồ sơ, vận động UNESCO công nhận Hát Xoan (2011), Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng (2012), Đờn ca tài tử Nam Bộ (2013), Dân ca Ví Giặm Nghệ - Tĩnh (2014) .v.v.. là các di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Nhiều hoạt động văn hóa như Lễ hội Du lịch-Văn hóa, Ngày/Tuần Văn hóa Việt Nam, các hội chợ triển lãm... giới thiệu hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đã được tổ chức ở nhiều nước với sự tham gia và đóng góp tích cực của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.

Công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài

Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã tích cực tham gia hình thành các chính sách liên quan tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có chính sách sở hữu nhà ở, xuất - nhập cảnh, di trú, hồi hương, giữ gìn bản sắc dân tộc và tiếng Việt... Hàng năm, số lượng kiều bào về nước là trên dưới 1 triệu người. Đầu tư kinh doanh của kiều bào cũng có nhiều khởi sắc. Hiện nay có khoảng gần 3000 dự án với tổng số vốn đăng ký gần 4 tỷ đô la tập trung vào những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của đất nước, đặc biệt là những lĩnh vực công nghệ cao, tạo việc làm và thu nhập cho người dân trong nước. Lượng kiều hối của NVNONN có xu hướng tăng mạnh. Theo đó, trong 12 năm trở lại đây, số lượng kiều hối gửi về nước tăng 10%-15%/năm; năm 2017 là 13,8 tỷ USD (theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới), con số này trong năm nay là 15,9 tỷ USD, tương đương 6,6% GDP cả nước(5). Năm 2018, số kiều hối gửi về nước đã lên tới gần 16 tỷ USD, tăng gấp hơn 100 lần so với năm 1993(6).

Sự đóng góp của bà con kiều bào với nhiều cách thức khác nhau. Đến nay, có trên 200 dự án của bà con Việt kiều với tổng số vốn đầu tư gần 5 tỷ USD... Trên thực tế, nhiều nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học ở khắp nơi trên thế giới dù tuổi cao vẫn miệt mài đóng góp cho công cuộc phát triển, hợp tác quốc tế về khoa học của đất nước, đào tạo nhiều cán bộ khoa học cho quê hương. Trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, rất nhiều doanh nhân người Việt ở nước ngoài, các hiệp hội, mạng lưới đã và đang tích cực đưa hàng Việt Nam ra thị trường thế giới, đồng thời đưa các doanh nghiệp nước ngoài, các công ty đa quốc gia vào Việt Nam đầu tư, sản xuất, kinh doanh... Đáng chú ý, đầu tư từ nguồn kiều hối trong những năm gần đây tăng mạnh, tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao mức sống của nhân dân, trước hết là những gia đình được nhận(7).

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài hàng năm tổ chức chương trình “Xuân Quê hương” cho bà con, các cuộc gặp mặt đầu Xuân giữa đại biểu cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tổ chức các chuyến thăm huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1, các cuộc gặp mặt của thanh niên..., hỗ trợ bà con tiến hành các hoạt động hướng về cội nguồn. Bộ cũng đã xây dựng Đề án hỗ trợ cộng đồng người Việt ở Campuchia để giúp đỡ bà con giải quyết khó khăn.

2. Phát huy những kết quả trong hoạt động ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế thời gian tới

Trong những năm tới, công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế sẽ tiếp tục là một nội dung ưu tiên, xuyên suốt của hoạt động ngoại giao. Tuy nhiên, đây không chỉ là việc riêng của ngành ngoại giao mà là công việc của cả nước mà các nhà ngoại giao cùng với các cơ quan đại diện ngoại giao là những người đi tiên phong. Với mục tiêu tiếp tục nâng cao vai trò và hiệu quả của công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế, trên cơ sở đánh giá bối cảnh kinh tế thế giới, thực trạng và yêu cầu phát triển của kinh tế Việt Nam, triển khai Nghị quyết Đại hội XII, và tiếp theo là Đại hội XIII của Đảng và Chương trình hành động về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế cần được đẩy mạnh một cách quyết liệt, tập trung mọi nguồn lực vào các trọng tâm ưu tiên, vì vậy cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây để  thúc đẩy hoạt động ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế:

Thứ nhất, về mặt nhận thức, cần xác định rõ hơn chức năng và nhiệm vụ của cơ quan ngoại giao trong quản lý nhà nước đối với các hoạt động kinh tế đối ngoại, mối quan hệ giữa Bộ Ngoại giao với Ủy ban quốc gia về hội nhập kinh tế quốc tế, với các Bộ, ngành hữu quan khác. Đặc biệt, cần nâng cao nhận thức đối với yêu cầu tăng cường vai trò và trách nhiệm của các cơ quan đại diện trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại trong tình hình mới.

Thứ hai, tiếp tục gắn kết nhuần nhuyễn ba trụ cột chính trị đối ngoại, kinh tế đối ngoại và văn hóa đối ngoại, phục vụ phát triển kinh tế. 

Thứ ba, xử lý tốt mối quan hệ với các nước lớn, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai Ngoại giao phục vụ phát triển.

Thứ tư, chủ động và tích cực triển khai những nhiệm vụ của ngành ngoại giao trong Chương trình hành động của Chính phủ về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững; tăng cường hoạt động ngoại giao kinh tế đa phương trong các tổ chức quốc tế, các diễn đàn, cơ chế hợp tác đa phương, tiểu khu vực và khu vực.

Thứ năm, tăng cường vai trò tham mưu, tư vấn cho các cơ quan và doanh nghiệp. Với kinh nghiệm quốc tế của mình, ngành ngoại giao có thể tư vấn cho các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong một số lĩnh vực cụ thể.

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài góp phần xây dựng đất nước.

Thứ bảy, tăng cường năng lực bộ máy tổ chức và nguồn lực thực hiện công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế; tăng cường công tác thông tin, tham mưu, dự báo, cung cấp thông tin kinh tế.

Từ năm 2001 đến nay, với phương châm “đột phá - mở đường, tham mưu - thông tin, song hành - hỗ trợ, đôn đốc triển khai”, các hoạt động ngoại giao kinh tế đã góp phần quan trọng, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Trên bình diện song phương, việc đưa quan hệ với các nước ngày càng đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững đã góp phần tạo môi trường thuận lợi cho quá trình mở cửa, thu hút viện trợ, đầu tư cho phát triển đất nước, tạo môi trường thuận lợi và bình đẳng cho hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam. Trên bình diện đa phương, việc Việt Nam tham gia tích cực, có nhiều sáng kiến và đóng góp thực chất vào các diễn đàn quốc tế và khu vực đã nâng cao đáng kể vị thế đối ngoại của Việt Nam và mang lại những kết quả thiết thực trong quan hệ kinh tế với các đối tác quan trọng. Bên cạnh việc đồng hành, phối hợp các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế về kinh tế - thương mại - đầu tư, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng tích cực tuyên truyền về chính sách, môi trường đầu tư của Việt Nam đến các nhà đầu tư quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện tăng cường thông tin, nghiên cứu để kịp thời tham mưu cho Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành vĩ mô, lựa chọn các giải pháp hiệu quả để khắc phục các khó khăn kinh tế, thu hút ODA, FDI(8).

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2019

 (1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.83-84.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.153.

(3) Quan hệ ngoại giao của Việt Nam, https://vi.wikipedia.org.

(4) Bộ Ngoại giao, Về việc phê duyệt chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2020, của Thủ tướng Chính phủ, số: 208/QĐ-TTg Hà Nội, ngày 14 tháng 2 năm 2011, http://vbpl.vn/bongoaigiao.    

(5) Mai Phương: công tác về người Việt Nam ở nước ngoài 2019 sẽ hướng vào 3 trọng tâm chính.

(6), (7) Tạp chí của Hội liên lạc với Người Việt Nam ở nước ngoài, Thủ tướng mong muốn ngày càng nhiều kiều bào đầu tư về nước, https://nhipcaudautu.vn.

 TS Nguyễn Thị  Thúy

Viện Hàn lâm Khoa học và xã hội Việt Nam

                                            ThS Nguyễn Minh Đức

Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền