Trang chủ    Thực tiễn    Cơ cấu dân số vàng, già hóa dân số và thách thức đối với sự phát triển của Việt Nam
Thứ ba, 24 Tháng 12 2019 15:30
4199 Lượt xem

Cơ cấu dân số vàng, già hóa dân số và thách thức đối với sự phát triển của Việt Nam

(LLCT) -  Tiếp theo giai đoạn quá độ dân số với mức sinh và mức tử thấp cũng như tổng tỷ suất sinh bình quân đạt mức 2,1con/người phụ nữ, Việt Nam bước vào giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” và “già hóa dân số”. Trong khi cơ cấu dân số vàng mang lại những cơ hội to lớn cho tiết kiệm và tăng trưởng kinh tế thì già hóa dân số nhanh ở Việt Nam lại đặt ra thách thức về một “dân số chưa giàu nhưng đã già” trong vòng 15 - 20 năm nữa. Bài viết mô tả tiến trình hình thành cơ cấu dân số vàng, già hóa dân số trong giai đoạn 2009 - 2034, phân tích các cơ hội và thách thức từ hai tiến trình này cũng như cung cấp các gợi ý chính sách để tận dụng cơ hội cho sự phát triển và thích ứng của hệ thống chính sách với tình hình mới của dân số Việt Nam.

Đặc điểm lớn nhất của biến đổi xã hội về dân số trong quá trình hiện đại hóa là kinh tế - xã hội càng phát triển thì mức sinh càng xuống thấp. Sau khi mức sinh giảm xuống và đạt mức sinh thay thế, tùy theo bối cảnh kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, các xã hội bước vào thời kỳ già hóa dân số trong khoảng 10-20 năm sau đó. Già hóa dân số là một quá trình mang tính quy luật trong tiến trình phát triển văn minh nhân loại.

1. Già hóa dân số và biến đổi cấu trúc tuổi của dân số

Trước khi các xã hội bước vào thời kỳ quá độ dân số, mức tử vong và mức sinh tự nhiên đều cao và ổn định. Ở giai đoạn trước thời kỳ quá độ dân số, biến động quy mô dân số phụ thuộc chủ yếu vào biến động mức tử vong vì mức sinh luôn ở mức cao như một hằng số. Trong các xã hội nông nghiệp, khi sản xuất chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi bị phụ thuộc lớn vào diễn biến thời tiết, thường vào  những năm mất mùa, mức tử vong lên rất cao. Một yếu tố khác làm cho mức tử vong của các xã hội nông nghiệp truyền thống cao là dịch bệnh, vì khi đó khoa học kỹ thuật và y học chưa phát triển. Khi các xã hội đi vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những biến động cơ bản về dân số bắt đầu diễn ra. Cách mạng công nghiệp làm cho năng suất lao động tăng lên mạnh mẽ, kể cả trong sản xuất nông nghiệp. Nạn đói hầu như biến mất; y học cũng bắt đầu phát triển mạnh cùng với cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật... làm cho mức tử vong cao ở các xã hội nông nghiệp lạc hậu không còn ảnh hưởng đáng kể trong các xã hội công nghiệp hóa. Do đó, ở giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ dân số, mức tử vong của dân số đã giảm mạnh mẽ. Trong giai đoạn đầu này, khi mức sinh vẫn cao và mức tử vong lại giảm mạnh, đã khiến cho quy mô dân số tăng lên đột ngột, dẫn đến tình trạng bùng nổ dân số.

Tuy nhiên, khi các xã hội đi sâu vào quá trình công nghiệp hóa, các cặp vợ chồng bắt đầu chuyển đổi nhận thức rằng việc sinh nhiều con là không cần thiết nữa khi mà hầu như những đứa con sinh ra đều có thể lớn lên, trưởng thành. Mặt khác, trong xã hội công nghiệp, chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp nuôi con tốn kém. Do đó, nhu cầu sinh nhiều con không còn phổ biến trong xã hội và làm mức sinh giảm xuống. Khi cả mức tử vong và mức sinh đều xuống thấp, thì có thể coi xã hội đó đã đi qua thời kỳ quá độ dân số. Đây là thời kỳ mà xã hội chuyển từ giai đoạn có mức sinh và mức tử vong đều cao sang giai đoạn có mức sinh và mức tử vong đều thấp.

Mặt khác, nhằm thúc đẩy mức sinh giảm xuống nhanh hơn so với việc giảm xuống từ từ, các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển đã thực hiện các chương trì kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ). Các cặp vợ chồng chủ yếu chỉ có từ 1-2 con. Quy mô gia đình nhỏ trở thành một chuẩn mực xã hội. Mức tử vong và mức sinh ở hầu hết các nước này đều xuống rất thấp và ổn định. Hiện nay, phần lớn các nước này, bao gồm cả Việt Nam, đã đi qua thời kỳ quá độ dân số.

Thời điểm kết thúc thời kỳ quá độ dân số ở Việt Nam là vào năm 2005, khi chúng ta đạt được mức sinh thay thế, hoàn thành mục tiêu do Nghị quyết trung ương 4 khóa VII năm 1993 đề ra sớm trước 10 năm. Trong khoảng 15 năm vừa qua, Việt Nam có mức sinh và mức tử vong đều tương đối ổn định và thấp. Tỷ suất sinh dao động trong khoảng 17-19 phần ngàn; và tỷ suất chết dao động trong khoảng từ 6-7 phần nghìn. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của Việt Nam trong 5 năm vừa qua ở mức trên dưới 1%, tương ứng với mức tăng tuyệt đối khoảng hơn 900.000 người/năm.

Mức sinh xuống thấp, trẻ em ngày càng ít đi và tuổi thọ được nâng lên là những yếu tố đang tác động mạnh tới biến đổi cấu trúc tuổi của dân số Việt Nam. Những năm 90 của thế kỷ XX trở về trước, khi mức sinh của đất nước còn khá cao, số con trung bình của một phụ nữ xấp xỉ 4 con trở lên, thì tỷ trọng trẻ em (độ tuổi 0-14) trong cấu trúc dân số luôn ở mức trên dưới 40%. Khi đó, tỷ trọng người già (độ tuổi 60 trở lên) chỉ dao động ở mức 5-6%. Trong thời kỳ những năm 90 trở về trước, ước tính tỷ trọng dân số phụ thuộc khoảng 45%, và tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động (15-59) khoảng 55%. Trong thời kỳ đó, tỷ số phụ thuộc dân số dao động trong khoảng từ 80-85%. Như vậy, trong cấu trúc dân số với 100 người trong độ tuổi lao động thì có hơn 80 người phụ thuộc.

Đầu những năm 90, khi chúng ta tiến hành mạnh mẽ Chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), mức sinh bắt đầu giảm nhanh. Số con trung bình của một phụ nữ đã giảm từ mức 3,8 con xuống còn 2,3 con trong giai đoạn 10 năm từ 1989-1999. Mức sinh sau đó tiếp tục giảm chậm cho đến nay và số con trung bình của một phụ nữ ở mức xấp xỉ 2,0 con. Mức sinh giảm dẫn đến tỷ trọng trẻ em trong dân số cũng giảm và giảm nhanh. Tỷ trọng trẻ em trong dân số giảm xuống dưới mức 30% từ năm 2005. Ở thời điểm này, tỷ trọng nhóm dân số người già (60+) ước tính khoảng 6-7%. Tổng tỷ trọng dân số phụ thuộc giảm từ khoảng 45% (1989), xuống còn khoảng 35% (2005). Như vậy, tỷ trong dân số trong độ tuổi lao động đã tăng từ khoảng 55 lên 65% trong cùng thời kỳ đó. Thời điểm này, trong cấu trúc dân số, với 100 người trong độ tuổi lao động thì có khoảng 55 người phụ thuộc.

Để tính toán những ảnh hưởng tích cực từ việc tăng tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động, hay còn gọi là dư lợi dân số, Tổ chức Liên Hợp quốc sử dụng khái niệm tỷ số phụ thuộc dân số(1). Tỷ số này được đo bằng tổng số trẻ em (0-14 tuổi) và người già (từ 65 tuổi trở lên) trên 100 người trong độ tuổi lao động (15-64). Khi tỷ số phụ thuộc dân số nhỏ hơn 50, các nhà khoa học gọi đó là thời kỳ dân số “vàng”, khi đó số người trong tuổi lao động (15-64) nhiều gấp đôi số người phụ thuộc (trẻ em và người già). Thời kỳ dân số “vàng” ở Việt Nam được tính bắt đầu từ năm 2007 và sẽ kéo dài đến khoảng năm 2040 khi kết thúc già hóa dân số và đi vào thời kỳ dân số già. Như vậy, thời kỳ dân số “vàng” ở Việt Nam kéo dài khoảng 35 năm.

Tuy nhiên, số liệu Bảng 1 cho thấy, tỷ trọng người già (65+) trong cấu trúc dân số đang tăng nhanh. Điều này đã đưa Việt Nam bước vào thời kỳ già hóa dân số. Các nhà nghiên cứu khoa học ước tính Việt Nam đã bước vào thời kỳ già hóa dân số từ năm 2012.

Già hóa dân số là thời kỳ quá độ chuyển từ cấu trúc dân số trẻ sang cấu trúc dân số già. Được coi là dân số già khi tỷ trọng nhóm dân số 60+ trở lên bắt đầu đạt ngưỡng 20% hoặc nhóm dân số 65+ trở lên bắt đầu đạt ngưỡng 14%. Như vậy, thời kỳ mà tỷ trọng nhóm dân số 65+ ở Việt Nam tăng từ 7 lên 14%  ước tính kéo dài từ 2012-2037, khoảng 25 năm. Ở hầu hết các nước phát triển trước đây, thời kỳ già hóa dân số thường kéo dài từ 50-100 năm. Khi Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, từ năm 2037 trở đi, tỷ trọng trẻ em trong cấu trúc dân số sẽ thấp hơn 20%.

Thực tiễn biến đổi cấu trúc tuổi của dân số Việt Nam đang đặt ra nhiều thách thức với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Từ nguyên tắc về sự phù hợp giữa hạ tầng xã hội và kiến trúc thượng tầng, cơ cấu tổ chức kinh tế - xã hội của đất nước cũng phải nhanh chóng đổi mới để phù hợp với một xã hội già hóa và dân số già. Nếu như Nhật Bản hay Singapore bước vào thời kỳ dân số già khi họ đã trở thành các nước công nghiệp phát triển, có hệ thống an sinh xã hội tốt và hệ thống y tế phát triển thích hợp với cơ cấu dân số già, thì thách thức đối với chúng ta là khi đất nước bước vào thời kỳ dân số già, chúng ta thậm chí có thể chưa kịp hoàn thành quá trình công nghiệp hóa. Xã hội chưa có đủ tích lũy kinh tế cần thiết cho một xã hội dân số già. Ở cấp độ gia đình, tình trạng này tương tự như một người hết tuổi lao động nhưng không có lương hưu, tích lũy không đáng kể và không có con cái trợ giúp kinh tế khi về già. Đây là một thách thức đang đặt ra với Việt Nam.

2. Biến đổi cấu trúc tuổi của dân số và tăng trưởng kinh tế

Tiềm năng tăng trưởng của một nền kinh tế phụ thuộc vào mức tăng năng suất lao động và tỷ lệ tăng trưởng nguồn nhân lực(2). Nguồn nhân lực ở đây có thể được hiểu là nhóm dân số trong độ tuổi lao động. Khi một quốc gia có cấu trúc dân số trẻ, số người bước vào độ tuổi lao động thường lớn hơn nhiều lần so với số người bước ra khỏi độ tuổi lao động. Mức chênh lệch giữa hai nhóm này sẽ giảm dần khi các quốc gia bước vào thời kỳ già hóa dân số. Tỷ lệ giữa số lao động tăng thêm hàng năm so với quy mô dân số trong độ tuổi lao động là tỷ lệ tăng trưởng nguồn nhân lực. Một nghiên cứu về giai đoạn 1965 - 2009 ở các nước Đông Á cho thấy với 1% gia tăng dân số trong độ tuổi lao động có thể đem lại 1,264% tăng trưởng GDP bình quân đầu người(3). Ở các quốc gia đang có cấu trúc dân số già hoặc đang trong quá trình già hóa dân số, tỷ lệ tăng trưởng này có xu hướng giảm dần. Khi tỷ lệ này xuống quá thấp hay dao động ở mức trên dưới 0,5% thì nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Đây là một phát hiện mới của các nhà nghiên cứu khoa học trên thế giới trong 5 năm vừa qua. Kết quả nghiên cứu này giúp góp phần giải thích tại sao hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới trong những năm gần đây vẫn không thể phục hồi lại tốc độ tăng trưởng kinh tế sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào năm 2008(4). Sau khi phân tích có hệ thống các số liệu thống kê về tương quan giữa tỷ lệ tăng trưởng nguồn nhân lực và tăng trưởng kinh tế ở các nền kinh tế phát triển, các nhà nghiên cứu đều thấy một trong những điều kiện tốt nhất cho tăng trưởng của một nền kinh tế là khi tỷ lệ tăng trưởng nguồn nhân lực hàng năm ở mức 2%(5). Con số này cũng có ý nghĩa là những quốc gia đang ở thời kỳ có tỷ lệ này ở mức 2% là các quốc gia ở thời điểm tốt nhất của thời kỳ có cấu trúc dân số “vàng”. Tại thời điểm này, tỷ trọng nhóm dân số trong độ tuổi lao động (15-64) đạt tới 67-70%, và tỷ trọng nhóm dân số trong độ tuổi phụ thuộc chỉ khoảng 30-33%.

Khuynh hướng giảm dần tỷ lệ tăng trưởng nguồn nhân lực ở Việt Nam đã bắt đầu từ cuối thập niên đầu của thế kỷ XXI. Báo cáo của Viện Khoa học lao động và xã hội năm 2018 cho thấy, trong giai đoạn 2012 - 2017, bình quân một năm lực lượng lao động chỉ tăng 520.000 người chưa đủ 1%. Trước đó, giai đoạn 2002 - 2007 là 1,06 triệu người, tương đương 2 % lực lượng lao động. Kết quả phân tích các số liệu thống kê về biến đổi cấu trúc tuổi của dân số Việt Nam trong giai đoạn từ 2009-2034 cho thấy, tỷ lệ tăng trưởng nguồn nhân lực ở Việt Nam có xu hướng giảm nhanh và sẽ giảm xuống ở mức khoảng từ 0,37-0,71%. Từ sau năm 2034, khi Việt Nam có cấu trúc dân số già, yếu tố tăng trưởng nguồn nhân lực sẽ tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là thời kỳ mà chúng ta không còn cơ hội dân số “vàng”.

Kết quả phân tích số liệu trình bày trên Biểu đồ 1 được tính toán với giả định là tuổi về hưu của người lao động là 65 tuổi (để so sánh quốc tế). Khi thực hiện phân tích số liệu với tuổi nghỉ hưu như hiện nay là 60 tuổi, thì chúng ta có được các con số thấp hơn nhiều (xem Biểu đồ 2). Từ sau năm 2029, tỷ lệ tăng trưởng nguồn nhân lực ở Việt Nam bắt đầu xuống dưới mức 0,5%. Những số liệu này gợi ý rằng, chúng ta cần sớm có các quy định để tăng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 65 tuổi để có thêm nguồn nhân lực cho nền kinh tế, cũng như giảm gánh nặng cho quỹ hưu trí và cho ngân sách Nhà nước nói chung.

Như đề cập ở trên, tiềm năng tăng trưởng của một nền kinh tế phụ thuộc vào mức tăng năng suất lao động và tỷ lệ tăng trưởng nguồn nhân lực.

Qua phân tích các số liệu khảo sát PAPI năm 2018, cũng như các số liệu thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình mới công bố năm 2018(6), có thể ước tính tỷ lệ số người dân trong độ tuổi lao động ở Việt Nam chưa tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) trở xuống còn chiếm khoảng 40%, trong đó, tỷ lệ chưa học xong tiểu học chiếm khoảng 17%. Những số liệu này có thể góp phần giải thích tại sao năng suất lao động trong nền kinh tế Việt Nam còn tương đối thấp. Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tụt hậu so với cả Lào và Campuchia về năng suất lao động.

Kết quả một số nghiên cứu trên Thế giới cho thấy “cơ hội dân số vàng” đã đóng góp đến 30% chỉ số điểm tăng trưởng kinh tế ở các nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn quốc hay Singapore. Các nghiên cứu này cũng khẳng định rằng “lợi tức nhân khẩu học” từ “cơ hội dân số vàng” không tự nó đến. Nhiều nước khi có “cơ hội dân số vàng” đã tận dụng thành công cơ hội này bằng cách đầu tư lớn và hiệu quả cho giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Các yếu tố đó tác động tích cực đến kỹ năng, trình độ của lực lượng lao động trong việc xây dựng nền kinh tế thị trường phát triển nhanh và bền vững(7).

Việt Nam đang trong giai đoạn về đích hoàn thành quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong khi đó một bộ phận lớn người lao động còn có học vấn thấp như nêu trên là một vấn đề rất đáng quan ngại. Bên cạnh đó, năm 2019, tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt mức 22,2% trong tổng số lực lượng lao động(8).  Không phải ngẫu nhiên khi Chính phủ chỉ rõ một trong ba rào cản phát triển của đất nước hiện nay là chất lượng nguồn nhân  lực. Các số liệu này gợi ý rằng, để có thể cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao hơn phục vụ cho sự nghiệp hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cũng như cho phát triển bền vững, Việt Nam cần sớm có Luật Phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Để có thể trở thành một xã hội công nghiệp sau năm 2030, trình độ học vấn của đa số người lao động phải đạt từ mức tốt nghiệp phổ thông trung học cơ sở trở lên. Hơn nữa, trong bối cảnh già hóa dân số khi mức giảm tỷ lệ tăng trưởng nguồn nhân lực là một xu hướng không thể đảo ngược, việc xây dựng chính sách nhằm tập trung nhiều nguồn lực đầu tư hơn cho giáo dục phổ thông là hết sức cấp bách trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

3. Một số phương hướng

Giai đoạn “Cơ cấu dân số vàng” và “Già hóa dân số” của Việt Nam diễn ra trong khoảng 2009 - 2034, đồng thời đây cũng là thời kỳ Việt Nam phấn đấu hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa theo hướng hiện đại (vào năm 2030) như Nghị quyết số 23 năm 2018 của Bộ Chính trị về Định hướng Chính sách công nghiệp quốc gia(9). Hai tiến trình này đặt trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước và những tác động  từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư cho thấy việc tận dụng cơ hội và hóa giải thách thức đòi hỏi tư duy lại vai trò của các tiến trình dân số trong phát triển, đưa các biến lượng dân số vào hoạch định Chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 đồng thời lồng ghép các yếu tố dân số vào các kế hoạch phát triển quốc gia và vùng, miền. Cơ hội cơ cấu dân số vàng phải được hiện thực hóa bằng các hành động chính sách, chiến lược cụ thể theo lộ trình. Không có môi trường chính sách phù hợp và ổn định thì ngay cả trong điều kiện tốt nhất, đất nước cũng sẽ bỏ lỡ cơ hội tăng trưởng cao khi cơ hội dân số “vàng” bắt đầu.

-Về chuyển đổi trọng tâm từ Dân số - KHHGĐ sang Dân số và phát triển

Tiến trình Cơ cấu dân số vàng và Già hóa dân số đang và sẽ chi phối mọi mặt phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, bao gồm cả mặt tăng trưởng của nền kinh tế từ nay đến 2030. Trong giai đoạn này, cần thiết coi Cơ hội cơ cấu dân số vàng như một (nguồn) động lực của phát triển. Về mặt chiến lược, Việt Nam cần dứt khoát và nhanh chóng chuyển từ KHHGĐ sang Dân số và Phát triển. Phải rà soát để bãi bỏ các văn bản pháp quy và hành chính chứa đựng các quy định hạn chế việc sinh con. Chú trọng nghiên cứu khoa học và áp dụng công nghệ cải thiện chất lượng nòi giống (chất lượng dân số). 

- Về đảm bảo số lượng và chất lượng lực lượng lao động

Cần thiết duy trì tương quan dương giữa tỷ lệ tham gia lực lượng lao động 15 - 64 với tỷ lệ tăng dân số hàng năm. Mở rộng biên độ độ tuổi của lực lượng lao động với lộ trình cụ thể để nâng độ tuổi về hưu của người lao động lên 65 tuổi đối với nam giới và 60 tuổi đối với nữ giới với mốc thời gian hoàn thành trước năm 2034.  Hiện nay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang trình 02 phương án: phương án 1 (tăng chậm), thì tuổi nghỉ hưu của nam giới đạt 62 vào năm 2028 và nữ giới 60 tuổi vào năm 2035 (sau 8 và 15 năm); phương án 2 (tăng nhanh) nam đạt 62 vào năm 2026 và nữ đạt 60  vào năm 2030 (sau 6 và 10 năm). Tuy nhiên cả hai phương án đều bộc lộ một khoảng trống là độ tuổi về hưu của nam giới chỉ dừng ở 62, trong khi các nước trong khu vực đều lấy độ tuổi 65. Như vậy cần tiếp tục có lộ trình tăng độ tuổi về hưu của nam giới lên đến 65 tuổi. Lộ trình tăng tuổi về hưu của nữ sẽ được tiếp tục để bảo đảm bình đẳng giới trong tương lai. Không nên làm ngược lại là lấy tiêu chí đảm bảo bình đẳng giới hiện tại để cản trở việc bổ sung lực lượng lao động trong tương lai.

Thúc đẩy nền kinh tế có khả năng tạo việc làm mà trước tiên đó là thúc đẩy khu vực kinh tế ngoài nhà nước vốn là khu vực kinh tế chịu trách nhiệm chính trong tạo việc làm. Số liệu điều tra của Ngân hàng Thế giới năm 2018 cho thấy, khu vực này chiếm 84,9% việc làm; trong khi khu vực nhà nước chỉ chiếm 9,6% và có khuynh hướng giảm, khu vực FDI chiếm 5,4%. Tuy nhiên 4 trên 5 việc làm trong khu vực ngoài nhà nước là ở lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, hộ gia đình hoặc lao động tự do  là những việc làm có năng suất thấp, mức lương thấp, ít được hưởng các chế độ phúc lợi xã hội, hầu như không có sự đảm bảo về việc làm(10). Hoàn toàn có lý do để tin tưởng rằng hầu hết người lao động làm các việc này thuộc về nhóm 78% chưa được đào tạo tay nghề, học vấn thấp, hay nói một cách khác là lao động giản đơn. Không ít trong số họ là thanh niên, lực lượng lao động trẻ sẽ tiếp tục làm việc trong vòng 30 năm nữa.

- Nâng cao trình độ học vấn, hướng nghiệp và đào tạo, đào tạo lại nghề nghiệp

Chất lượng nguồn lao động đang là một rào cản đối với phát triển và phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Chiều cạnh quan trọng nhất của chất lượng lao động là trình độ học vấn chung của dân số trong độ tuổi lao động. Đất nước không thể tận dụng “cơ hội dân số vàng” nếu không đầu tư nhiều hơn vào hiệu quả cho giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Với số trẻ em sinh ra ít đi thì giáo dục tiểu học (6 -10 tuổi) sẽ bớt dần áp lực từ gia tăng dân số, thay vào đó là giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông (11 - 15 tuổi và 16 - 18 tuổi). Đây là thời điểm quan trọng để có lộ trình thúc đẩy và hoàn thành phổ cập giáo dục bậc trung học cơ sở và tiến tới phổ cập trung học phổ thông cho đến năm 2034 (Để so sánh, từ năm 2005, 97,0% thanh niên Hàn Quốc đã tốt nghiệp trung học phổ thông 12 năm)(11). Đây là yếu tố quan trọng để thanh niên Việt Nam trong hai thập niên tiếp theo đảm bảo khả năng tìm việc làm trên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị gia tăng cũng như việc làm đòi hỏi nhiều trí thức và năng lực tái đào tạo thường xuyên hơn.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2019

(1) UNFPA, 2010, Tận dụng cơ hội dân số ‘vàng’ ở Việt Nam: Cơ hội, thách thức và các gợi ý chính sách, Hà Nội, tháng 12-2010.

(2), (4) Ruchir Sharma, 2016: Quốc gia thăng trầm. Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế. Bản dịch tiếng Việt (2018), Công ty TNHH MTV Sách Phương Nam,  Nxb Thế giới.

(3) Song, Sijia, Demographic Changes and Economic Growth: Empirical Evidence from Asia. Honors Projects Paper 121. http://digitalcommons.iwu.edu

(5) Ibid.

(6) Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Trung tâm Nghiên cứu, Thông tin và Dữ liệu. Niên giám thống kê dân số - kế hoạch hóa gia đình 2006-2016, Hà Nội, 2018.

(7) UNFPA, 2010: Tận dụng cơ hội dân số vàng ở Việt Nam: Cơ hội, thách thức và các gợi ý chính sách. Hà Nội, tháng 12-2010.

(8) Tổng cục thống kê (2019): Thông cáo báo chí về tình hình lao động việc làm quý I năm 2019, https://www.gso.gov.vn, tải về ngày 27-5-2019.

(9) Ban Chấp hành Trung ương khóa XII(2018). Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22-3-2018 của Bộ Chính trị Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

(10) Ngân hàng thế giới (2018): Tương lại việc làm Việt Nam. Khai thác xu hướng lớn cho sự phát triển thịnh vượng hơn.

(11) Bùi Mạnh Hùng: Vài nét về giáo dục Hàn Quốc và kinh nghiệm đối với Việt Nam, Tạp chí Khoa học, Đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh, số 34 năm 2012.

TS Bùi Phương Đình

TS Hà Việt Hùng

Viện Xã hội học và phát triển,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền