Trang chủ    Thực tiễn    Nâng cao năng lực tiếp cận công lý của nạn nhân nữ bị xâm hại tình dục ở Việt Nam
Thứ năm, 23 Tháng 1 2020 22:56
1583 Lượt xem

Nâng cao năng lực tiếp cận công lý của nạn nhân nữ bị xâm hại tình dục ở Việt Nam

(LLCT) -  Trong những năm gần đây, tình trạng xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái xảy ra ngày càng trở nên phức tạp hơn trong phạm vi cả nước. Nhiều vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục của phụ nữ và trẻ em gái không được trình báo với cơ quan chức năng hoặc khi vụ việc được trình báo thì tỷ lệ bỏ cuộc cao. Thực trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ yếu là từ năng lực tiếp cận công lý của nạn nhân còn hạn chế. Trên cơ sở phân tích thực trạng phụ nữ và trẻ em gái bị xâm hại tình dục từ khía cạnh năng lực tiếp cận công lý của các nạn nhân, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực tiếp cận công lý của nạn nhân nữ bị xâm hại tình dục ở Việt Nam hiện nay.

1. Tiếp cận công lý của nạn nhân nữ bị xâm hại tình dục

Tiếp cận công lý (Access to Justice) là một trong những quyền cơ bản của con người, được hiểu là: “Quyền của người dân được tìm kiếm và đạt được sự đền bù hoặc khắc phục thông qua cơ chế chính thức và không chính thức, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người”(1), theo đó trong hoạt động tố tụng hình sự, tiếp cận công lý được xem xét trên hai phương diện: một là, quyền được xét xử công bằng (the right to a fair trial)(2); hai là, quyền tìm kiếm sự đền bù hoặc sự khắc phục (remedy) cho những bất công hay thiệt hại mà một cá nhân hay một nhóm cá nhân, đặc biệt là cho những nhóm xã hội dễ bị tổn thương phải gánh chịu(3). Vì thế, tiếp cận công lý là quyền mà mọi người dân được phép yêu cầu nhà nước sử dụng mọi biên pháp để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi xảy ra tranh chấp hoặc bị xâm hại về các quyền lợi của mình.

Có ba yếu tố quan trọng để đảm bảo các nạn nhân nữ bị xâm hại tình dục có thể đạt được sự đền bù, khắc phục cho những bất công, thiệt hại mà họ phải gánh chịu, đó là: 1) khung pháp lý phù hợp ghi nhận các quyền và nghĩa vụ công dân; 2) bộ máy các cơ quan (thiết chế ) vận hành tốt khung khổ pháp lý; 3) sự hiểu biết cũng như khả năng theo đuổi tiến trình giải quyết vụ việc của các nạn nhân. Trong đó, yếu tố thứ ba được Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) gọi là khả năng đòi hỏi sự đền bù/khắc phục (capacity to demand justice remedies) của công dân(4), nó được coi là nền tảng thứ ba trong việc tiếp cận công lý(5).

Khả năng đòi hỏi và theo đuổi vụ việc hay là năng lực tiếp cận công lý của nạn nhân nữ bị xâm hại tình dục thường được đo lường thông qua hai chiều cạnh chính, đó là: sự hiểu biết pháp luật (legal awareness) và sự sẵn có cùng tính hiệu quả của hệ thống trợ giúp và tư vấn pháp lý (legal aid and legal counsel system). Trong đó, sự hiểu biết về pháp luật thường được đo lường dưới các chiều cạnh như: (1) Sự hiểu biết về các quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể; (2) Sự hiểu biết về cách thức tìm kiếm sự đền bù, khắc phục khi các quyền và lợi ích đó bị vi phạm, như: hiểu biết về các cơ chế, thủ tục cần phải tiếp cận hoặc áp dụng để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng.

Ngoài ra, năng lực tiếp cận công lý của nạn nhân nữ bị xâm hại tình dục còn bao gồm các yếu tố đảm bảo điều kiện vật chất và tinh thần giúp các nạn nhân dám lên tiếng tố cáo vụ việc và giúp họ có khả năng theo đuổi vụ việc đến cùng, đặc biệt khi họ tham gia vào hệ thống tư pháp hình sự, gồm: (i) các nguồn lực về vật chất để trang trải cho các chi phí khi họ tham gia vào quá trình tố tụng như: chi phí đi lại, ăn ở hay chi phí đền bù vì họ có thể phải bỏ việc để tham gia vào chuỗi tiếp cận công lý, v.v..; (ii) các điều kiện về tinh thần, như: các quan niệm, chuẩn mực văn hóa của gia đình và xã hội để họ được động viên, trợ giúp hay ít nhất không bị cô lập, xấu hổ, tủi nhục hay sợ hãi khi công khai và theo đuổi vụ việc.

2. Thực trạng phụ nữ và trẻ em gái bị xâm hại tình dục

Trong những năm gần đây, tình trạng xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái xảy ra ngày càng đa dạng, phức tạp trong phạm vi cả nước. Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, tình trạng vụ án liên quan đến xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em gái có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây (Bảng 1).

Theo số liệu thống kê trên,  mỗi năm cả nước có khoảng 2 nghìn trẻ em bị bạo lực, trong đó số trẻ em gái bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%(7), riêng trong giai đoạn từ 2013 đến 2017, mỗi năm trung bình có 1.600 - 1.800 vụ xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện(8). Mặc dù số lượng vụ việc được phát hiện và đưa ra xét xử về xâm hại tình dục lớn song đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Tình trạng tội phạm ẩn còn rất lớn bởi nhiều vụ việc không được trình báo. Kết quả điều tra của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và tổ chức ActionAid tiến hành khảo sát (2016) tại 5 tỉnh thành phố cho thấy, có 51% phụ nữ được hỏi thừa nhận rằng họ đã từng bị quấy rối tình dục ít nhất một lần(9) và có 80% số vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục được trình báo liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em. Trong khi đó, số liệu khảo sát của Tòa án nhân dân tối cao cho thấy, trong số các vụ án xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em mà Tòa án các cấp đưa ra xét xử hàng năm thì các vụ án liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em chiếm 78,99% số vụ và chiếm 73,68% số bị cáo bị xét xử(10) (Biểu đồ 1).

Nhiều vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em gái không được trình báo với các cơ quan chức năng hay khi vụ việc được trình báo thì tỷ lệ bỏ cuộc lại rất cao và số vụ bị kết án lại rất thấp. Ngoài ra, nhiều vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em gái vẫn chưa được phát hiện và xử lý bởi các cơ quan chức năng. Ngay cả khi các vụ việc được trình báo thì các bước tiếp cận hệ thống tư pháp chính thức (hay “chuỗi công lý”) cũng thường bị ngắt giữa chừng với tỷ lệ bỏ cuộc cao và chỉ có vài vụ việc bị kết án(14).

Thực trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ năng lực tiếp cận công lý của nạn nhân còn hạn chế. Những hạn chế trong nhận thức về pháp luật chính là rào cản cản trở phụ nữ và trẻ em gái bị xâm hại tình dục trình báo vụ việc với các cơ quan chức năng và theo đuổi vụ việc đến cùng để tìm kiếm công lý bằng con đường chính thức thông qua hệ thống tư pháp hình sự. Các kết quả điều tra cho thấy, đa số các nạn nhân thường thiếu kiến thức hoặc kinh nghiệm cần thiết để hiểu và vận dụng các quy định pháp luật khi tham gia vào hệ thống tư pháp hình sự. Phần lớn nạn nhân của tội xâm hại tình dục là trẻ em (những người dưới 18 tuổi), do vậy năng lực pháp lý để tự đưa ra quyết định của nạn nhân rất hạn chế. Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, phần lớn trên 50% nạn nhân của các vụ án xâm hại tình dục trẻ em trên phạm vi cả nước có độ tuổi từ 13 đến dưới 16 tuổi; trẻ em có độ tuổi từ 6 đến dưới 13 tuổi chiếm khoảng 35%, trẻ em dưới 6 tuổi chiếm khoảng 10%(15). Nghiên cứu của tác giả Trần Văn Thưởng cho thấy, 65,1% trẻ em bị xâm hại tình dục thuộc các tỉnh miền Đông Nam Bộ có độ tuổi từ 6 đến dưới 13 tuổi; 21,2% trẻ em có độ tuổi từ 13 đến dưới 16 và 13,7% trẻ em có độ tuổi dưới 6 tuổi(16). Phần lớn nạn nhân là trẻ em có độ tuổi tương đối nhỏ nên các em thường không nhận thức đầy đủ về hành vi mà tội phạm gây ra với mình. Khi bị dụ dỗ, bị đe dọa phần lớn các em không biết tố giác tội phạm. Đối với người bảo trợ cho các em và ngay cả với nạn nhân là người trưởng thành, việc hiểu biết pháp luật chưa đầy đủ và không nắm rõ các cơ chế, thủ tục cần áp dụng khi tham gia tố tụng hình sự  đã gây ra những rào cản lớn khiến nạn nhân không trình báo vụ việc với các cơ quan chức năng hay không theo đuổi vụ việc đến cùng.

Tài chính cũng được xem là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc các nạn nhân bị xâm hại tình dục có trình báo vụ việc với cơ quan chức năng hay không và việc họ có theo đuổi vụ việc đến cùng hay không. Nhiều trường hợp, gia đình của nạn nhân chấp nhận thỏa thuận với người gây án để không đưa vụ việc ra ánh sáng. Quá trình xét xử vụ án xâm hại tình dục những năm qua cho thấy, việc xử lý vụ án liên quan đến xâm hại tình dục đôi khi gặp khó khăn do phía người bị hại không hợp tác với cơ quan chức năng. Gia đình nạn nhân có thể thỏa thuận, nhận tiền đền bù của bị cáo để thay đổi lời khai, phủ nhận lời khai trước đó với các cơ quan chức năng và một mực bảo vệ bị cáo, cho rằng bị cáo không thực hiện hành vi xâm hại tình dục đối với họ như trong hồ sơ vụ án đã thể hiện(17).

Bên cạnh đó, nhiều nạn nhân của vụ án xâm hại tình dục không có khả năng chi trả cho các chi phí khi họ tham gia tố tụng, đặc biệt với các nạn nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn, chi phí tham gia chuỗi tiếp cận công lý có thể vượt quá khả năng chi trả của họ. Nghiên cứu của tác giả Trần Văn Thưởng cho thấy, đa số nạn nhân là trẻ em bị xâm hại tình dục tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ thường có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Trong tổng số mẫu khảo sát có 56,4% trẻ em không được cha mẹ quan tâm quản lý; 14,1% trẻ em sống trong gia đình có bố mẹ ly hôn(18). Số liệu khảo sát trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tỉnh Kiên Giang (2016) cho thấy, 83,3% trẻ em bị xâm hại tình dục là trẻ em trong các hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn ( trong đó 37,5% trẻ bị xâm hại tình dục là trẻ em thuộc hộ nghèo; 16,7% là trẻ em thuộc hộ cận nghèo và 29,2% là trẻ em trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn)(19). Mặt khác, những nạn nhân của vụ án xâm hại tình dục khi theo đuổi vụ việc có thể bị ảnh hưởng đến công việc, thậm chí bị mất việc làm. Nạn nhân là trẻ em có thể bị buộc phải từ bỏ việc học hành, do đó những cân nhắc về lợi ích kinh tế, tinh thần có thể khiến họ không trình báo vụ việc hoặc từ bỏ không theo đuổi vụ việc đến cùng.

Cũng giống như nhiều quốc gia trên thế giới, phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam luôn phải đối mặt với các rào cản mang tính văn hóa. Do đó, phần lớn các nạn nhân bị quấy rối và tấn công tình dục luôn phải đối mặt với cảm giác lo âu, bất lực và bị trầm cảm kéo dài; không chỉ những người xung quanh mà ngay bản thân nạn nhân thường tự đổ lỗi cho mình khi để xảy ra vụ việc. Họ cho rằng, chính những hành vi của mình là nguyên nhân dẫn đến những hậu quả đau lòng. Nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Hiếu cho thấy, 31,5% nạn nhân của nạn xâm hại tình dục trực tiếp đổ lỗi cho mình; 14,6% nạn nhân đổ lỗi cho các thuộc tính cá nhân như quá tin tưởng; 3,9% nạn nhân đổ lỗi cho các hành vi của mình, như không ngăn chặn từ đầu;13% nạn nhân tự trách cơ thể mình hoặc giới tính của mình(20). Trong khi đó, xã hội Việt Nam vẫn còn những định kiến, quy chuẩn văn hóa không ủng hộ việc phụ nữ hoặc trẻ em gái lên tiếng đấu tranh với các hành vi xâm hại tình dục. Nhiều người tin rằng, việc bị xâm hại có thể do họ ăn mặc quá gợi cảm, việc đề cao trinh tiết, việc sợ bị làm ảnh hưởng đến thanh danh của gia đình, đến cuộc sống hôn nhân sau này đã khiến nhiều nạn nhân nữ khi bị xâm hại thường giấu giếm, không dám thổ lộ với người thân và không trình báo với cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, đa số phạm nhân của tội phạm tình dục là người quen biết: chỉ khoảng 12 % là người lạ, hơn 80% phạm nhân là người quen có thể là người trong gia đình với nạn nhân như: cha đẻ, cha dượng; ông, bác, chú, anh em ruột và anh em họ hay hàng xóm(21). Do đó, để bảo vệ danh tiếng cho gia đình, nhiều người chấp nhận trở thành nạn nhân, không dám tố giác tội phạm và vì thế họ bị xâm hại nhiều lần. Nghiên cứu hồ sơ các vụ án liên quan đến xâm hại tình dục cho thấy, khi người bị xâm hại tình dục trong gia đình là phụ nữ, trẻ em gái họ thường có thái độ cam chịu hoặc không dám tố cáo với cơ quan chức năng, đặc biệt khi người xâm hại họ là người thân; họ không sẵn sàng cung cấp chứng cứ để chứng minh họ bị xâm hại tình dục khi cơ quan chức năng yêu cầu. Điều này gây nhiều khó khăn cho tòa án trong việc thụ lý và giải quyết vụ việc nhằm trả lại công lý cho nạn nhân(22).

3. Một số giải pháp nâng cao năng lực tiếp cận công lý của nạn nhân nữ bị xâm hại tình dục

Thứ nhất, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho nạn nhân nữ bị xâm hại tình dục.

Việc thiếu hiểu biết về các quyền và nghĩa vụ của mình, hay việc không hiểu biết, không có khả năng vận dụng các quy định pháp luật, thiếu hiểu biết về cơ chế, thủ tục pháp lý sẽ là rào cản lớn khiến các nạn nhân chấp nhận sự im lặng, không dám tố cáo tội phạm cũng như từ bỏ việc không theo đuổi vụ việc đến cùng. Theo đó, cần có nhiều hình thức để phổ biến thông tin pháp luật, nâng cao hiểu biết cho các nạn nhân để họ tự tin, mạnh dạn hơn trong việc tố cáo hành vi xâm hại tình dục. Các cơ quan chức năng và tổ chức của cộng đồng cần phối hợp để xác định chiến lược tuyên truyền, giáo dục pháp luật dựa trên nghiên cứu về nhu cầu và sự hiểu biết pháp luật của từng nhóm nạn nhân cụ thể. Các hình thức phổ biến pháp luật cần đáp ứng nhu cầu hiểu biết pháp luật để giải quyết những vấn đề cụ thể của các nạn nhân, đặc biệt là nạn nhân nghèo hay các nhóm xã hội dễ bị tổn thương khác. Phát huy tối đa vai trò của truyền thông đại chúng, đặc biệt là các mạng xã hội để tuyên truyền và hỗ trợ pháp luật cho nạn nhân một cách thuận tiện, nhanh chóng và ít tốn kém nhất.

Thứ hai, chính quyền các cấp và các tổ chức đoàn thể cần tuyên truyền, giáo dục nhằm thay đổi hành vi, quan điểm, định kiến văn hóa làm giảm áp lực, khuyến khích nạn nhân đứng lên tố giác tội phạm cũng như giúp họ ổn định về mặt tinh thần, vượt qua những khó khăn khi phải đối mặt với vụ việc, trong đó đặc biệt phát huy vai trò của cơ quan thông tấn, báo chí tham gia vào các phong trào xóa bỏ định kiến văn hóa.

Thứ ba, mở rộng diện bao phủ và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức trợ giúp pháp lý, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Theo UNDP, hệ thống trợ giúp và tư vấn pháp lý có ý nghĩa vô cùng to lớn và ngày càng được đề cao trong việc bảo đảm sự tiếp cận công lý. Hệ thống này có vai trò kép đó là, hỗ trợ quần chúng hiểu biết về pháp luật và giúp đỡ quần chúng trong việc theo đuổi các vụ việc ở các hệ thống tư pháp nhằm tìm kiếm sự đền bù, khắc phục khi các quyền và lợi ích hợp pháp bị vi phạm. Mặc dù có vai trò rất quan trọng nhưng trên thực tế, tỷ lệ các nạn nhân nữ bị xâm hại tình dục ở nước ta được tiếp cận, hỗ trợ về pháp lý còn rất thấp. Số liệu điều tra trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang (2016) cho thấy, chỉ có 18,1% số trẻ em bị xâm hại tình dục được trợ giúp tư pháp(23); một nghiên cứu thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội (2014) cho thấy, trong số những người được phỏng vấn từng bị quấy rối tình dục, chỉ có 1,9% cho biết họ sẽ tìm kiếm trợ giúp tư pháp chính thức(24). Do đó, để nâng cao năng lực tiếp cận công lý cho nạn nhân nữ bị xâm hại tình dục cần đảm bảo tính sẵn có và tính hiệu quả của các dịch vụ trợ giúp pháp lý cho nạn nhân nữ bị xâm hại tình dục. Chính quyền các cấp cần thực hiện ngay các biện pháp để tăng cường hệ thống tư vấn và trợ giúp pháp lý như: “(i) Xây dựng một chiến lược tư vấn và trợ giúp pháp lý dựa trên nghiên cứu nhu cầu về vấn đề này trong xã hội, trong đó đặc biệt chú ý đến nhu cầu của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương; (ii) Phát triển các phương pháp mới trong giải quyết các tranh chấp; (iii) Tận dụng các cơ chế bán chuyên nghiệp cũng như các hệ thống hiện có ở cơ sở để mở rộng khả năng tiếp cận với dịch vụ pháp lý một cách bình đẳng cho quần chúng; (iv) Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ sở trợ giúp pháp lý nhà nước và phi nhà nước trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho quần chúng; (v) bảo đảm tính bền vững của các chương trình trợ giúp pháp lý bằng cách mở rộng phạm vi chủ thể cung cấp dịch vụ này tới các đoàn luật sư, hội luật gia, các văn phòng, công ty luật tư nhân, các trường luật cũng như các tổ chức xã hội khác”(25).

Thứ tư, thay đổi quy trình, thủ tục trong một số giai đoạn của quá trình tố tụng hình sự nhằm đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, giúp nạn nhân bị xâm hại tình dục dễ dàng hơn khi tham gia tìm kiến công lý thông qua hệ thống tư pháp chính thức.

Quy trình tố tụng với các thủ tục phức tạp, rườm rà đã khiến nhiều nạn nhân từ bỏ ý định tiếp cận công lý thông qua hệ thống tư pháp hình sự, đặc biệt đối với các vụ án tình dục. Do đó, để đảm bảo hiệu quả của giai đoạn trình báo, tố giác tội phạm, quá trình giám định pháp y đối với các vụ án tình dục được thực hiện một cách nhanh chóng, các cơ quan chức năng cần thiết lập một cơ quan hỗ trợ nạn nhân và gia đình nạn nhân, giúp họ dễ dàng và nhanh chóng hoàn tất thủ tục, hồ sơ, cung cấp đầy đủ chứng cứ, đặc biệt trong thực hiện giám định pháp y sớm. Bởi với quy định pháp luật như hiện tại, việc nhanh chóng tiến hành giám định pháp y sẽ có vai trò vô cùng quan trọng trong giải quyết các vụ án liên quan đến xâm hại tình dục.

Thiếu hiểu biết về pháp luật, không được trợ giúp tư vấn pháp lý kịp thời và hiệu quả cùng với những hạn chế về nguồn lực và tâm lý e ngại, sợ bị lên án, bị cô lập khiến nhiều nạn nhân nữ bị xâm hại tình dục không dám chủ động khai báo vụ việc với các cơ quan chức năng và theo đuổi vụ việc đến cùng. Do đó, các cơ quan chức năng và cả cộng đồng cần nhanh chóng thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao năng lực tiếp cận công lý cho nạn nhân nữ bị xâm hại tình dục, để bản thân họ dám đứng lên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình đồng thời góp phần vào cuộc chiến chống lại các tội xâm phạm tình dụng ở nước ta hiện nay.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2019

(1) UNDP: Programming for Justice: Access for All A Practitioner’s - Guide to a Human Rights-Based Approach to Access to Justice, UNDP Regional Centre in Bangkok, 2005, p.5.

(2) Lawyers Committee for Human Rights: “What is a Fair Trial? A Basic Guide to Legal Standards and Practice”, 2000, https://www.humanrightsfirst.org.

(3) Đào Trí Úc và Vũ Công Giao: Công lý và quyền tiếp cận công lý, Nxb Hồng Đức, 2018, tr.107-108,

(4), (5), (25) Vũ Công Giao: “Tiếp cận công lý và các nguyên lý của nhà nước pháp quyền”, Tạp chí Khoa học Đại học quốc gia Hà Nội, Luật học, số 25, 2009, tr.190-191.

(6) Tòa án nhân dân tối cao: Số vụ án xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em gái được đưa ra xét xử cấp sơ thẩm giai đoạn (2011-2018)

(7), (11) Trần Văn Duy: “Hoàn thiện cơ chế thực hiện chính sách và pháp luật trong việc đấu tranh và phòng chống tội phạm xâm phạm tình dục phụ nữ, trẻ em - Dưới góc độ tiếp cận quyền con người”, http://tks.edu.vn, ngày 9-9-2019.

(8) Nguyễn Hoàng Tùng: “Nghiên cứu quy định về tội xâm hại tình dục trẻ em trong Bộ luật Hình sự 2015 - Giải pháp phòng ngừa của ngành Công an”, http://csnd.vn, ngày 28-8-2019

(9), (24) UNFPA:  “Bài phát biểu của Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Hội thảo “Công lý cho nạn nhân bị bạo lực””, https://vietnam.unfpa.org, ngày 7-12-2018.

(10), (17), (22) Phòng Xây dựng Văn bản-Vụ Thống kê Tổng hợp Tòa án nhân dân tối cao: “Các giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm về xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái”, http://hvta.toaan.gov.vn, ngày 18-9-2019. 

(12) Nguyễn Minh: “Pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em Cơ chế phối hợp chưa rõ ràng”, http://daibieunhandan.vn, ngày 2-7-2019.

(13) Thái Vũ và Hùng Lan: “Tọa đàm về Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS năm 2015 về các tội xâm hại tình dục”, https://tapchitoaan.vn, ngày 24-7-2019.

(14) Eileen Skinnider, Ruth Montgomery và Stephanie Garrett: Xét xử tội hiếp dâm - Hiểu cách ứng phó của hệ thống tư pháp hình sự đối với bạo lực tình dục ở Thái Lan và Việt Nam, (Ngô Thu Hương dịch), UN Women, UNDP và UNODC, 2017, tr.2.

(15) Tạ Thị Minh Kiên: “Đặc điểm của nạn nhân trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em và giải pháp phòng ngừa”, Tạp chí Cảnh sát nhân dân, Chuyên đề Thông tin Tội phạm học, số 5, 2015, tr.1.

(16), (18), (21) Trần Văn Thưởng: “Các tội xâm phạm tình dục trẻ em trên địa bàn miền Đông Nam Bộ: tình hình, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa”, Luận án tiến sỹ chuyên ngành luật học, Học viện khoa học xã hội - Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam, 2018, tr.50.

(19), (23) Sở lao động thương binh xã hội tỉnh Kiên Giang: Báo cáo điều tra trẻ em có hoàn cảnh đặc bệt khó khăn năm 2016.

 

(20) Nguyễn Thị Hiếu: “Xâm hại tình dục xuất hiện ngày càng nhiều: nguyên nhân do đâu?”, http://isee.org.vn, ngày 10-5-2019.

PGS, TS Trương Hồ Hải

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS Đặng Viết Đạt

Học viện Chính trị Khu vực IV

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền