Trang chủ    Thực tiễn    Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam giai đoạn 2011-2018 và giải pháp cho giai đoạn tiếp theo
Thứ năm, 23 Tháng 1 2020 23:04
9269 Lượt xem

Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam giai đoạn 2011-2018 và giải pháp cho giai đoạn tiếp theo

(LLCT) -  Đại hội XI của Đảng chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng. Sau 8 năm thực hiện, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định như: bước đầu đổi mới cách thức kết hợp các yếu tố đầu vào để chuyển dịch tăng trưởng theo hướng từ chiều rộng sang chiều sâu; chất lượng tăng trưởng đang dần được nâng cao, tăng trưởng diễn ra ổn định hơn. Tuy nhiên, quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng nước ta vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Bài viết chỉ rõ những nguyên nhân của hạn chế và đưa ra giải pháp đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng Việt Nam trong thời gian tới.

1. Thành quả đạt được trong đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam giai đoạn 2011-2018

Thứ nhất, cách thức sử dụng các yếu tố tạo ra tăng trưởng kinh tế theo hướng từ chiều rộng sang chiều sâu đã được đổi mới bước đầu

- Ở góc độ đầu vào, tăng trưởng kinh tế ngày càng dựa vào năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), với mức đóng góp tăng từ 14% GDP năm 2011 lên 47,3% (năm 2015) và 43,5% (năm 2018)(1), bình quân cả giai đoạn đạt 33,66% GDP, cao hơn nhiều so với giai đoạn 2006-2010 (23%) và cơ bản đạt mức chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020 (30-35%) mà Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đề ra. Theo đó, đóng góp của các yếu tố vật chất (vốn và lao động) đang có xu hướng giảm: từ 86% GDP (năm 2011) xuống 52,7% (năm 2015) và 56,5% (năm 2018)(2). Điều này cho thấy, mô hình tăng trưởng kinh tế đã từng bước chuyển sang kết hợp chiều rộng với chiều sâu.

- Ở góc độ đầu ra, tăng trưởng kinh tế dựa vào hai động lực chính là tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối. Trong đó, tiêu dùng cuối đóng góp cao nhất, với bình quân 73,09% GDP/năm, cao hơn mức 72,10%/năm giai đoạn 2006-2010 và chủ yếu đến từ tiêu dùng của dân cư. Tích lũy tài sản đóng góp vào tăng trưởng GDP với mức 27,33%/năm, thấp hơn so với mức 38,49%/năm giai đoạn 2006-2010. Bên cạnh đó, xuất khẩu ròng lần đầu tiên đã có đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế với mức bình quân 1,77%/năm(3), cao hơn nhiều so với giai đoạn 2006-2010 (-11,65%) và vượt chỉ tiêu đề ra.

- Ở góc độ cấu trúc nền kinh tế: Cấu trúc kinh tế chuyển đổi tích cực, hiện đại và phù hợp với xu thế chung. Cụ thể, đóng góp của các ngành khai thác tài nguyên và giá trị gia tăng thấp có xu hướng giảm: ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp nhất và giảm dần từ 19,57% GDP năm 2011 xuống còn 14,68% năm 2018(4), bình quân cả giai đoạn 17,21%/năm; đóng góp của ngành công nghiệp khai thác khoáng sản giảm và liên tiếp nhận giá trị âm trong các năm 2013, 2016, 2017, 2018. Điều này cho thấy, ở mức độ nhất định, tăng trưởng kinh tế nước ta đang dần thoát khỏi mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên và chuyển dần sang mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào công nghiệp chế biến, chế tạo.

- Ở góc độ thể chế: thể chế kinh tế từng bước được hoàn thiện và trở thành nhân tố dẫn xuất các nguồn lực khác vào tăng trưởng kinh tế. Hệ thống luật pháp nói chung và luật kinh tế của nước ta ngày càng hoàn thiện, phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế và hội nhập kinh tế. Nhờ đó, môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận tiện và minh bạch hơn, quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành kinh tế được bảo đảm hơn, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp gia nhập thị trường, góp phần giảm chi phí xã hội trong sản xuất và đời sống, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn qua.

Thứ hai, chất lượng tăng trưởng kinh tế đang dần được nâng cao

- Tăng trưởng kinh tế ổn định hơn: Trong điều kiện biến đổi khí hậu và xu hướng bảo hộ mậu dịch của các nước trên thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta tương đối ổn định và khá cao: 6,24% (năm 2011), 6,68% năm 2015 và 7,08% (năm 2018), cao hơn một số nước có nền kinh tế mới nổi trong khu vực (bảng 1).

Số liệu bảng 1 cho thấy, năm 2013 tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thấp hơn các nước khá nhiều: 2,38% (so với Trung Quốc); 1,58% (Campuchia); 2,98% (Myanmar); 0,98% (Ấn Độ); sau đó giảm dần, đến năm 2015 khoảng cách tương ứng còn 0,22%; 0,32%; 0,32% và 1,32%. Từ năm 2016 - 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vượt Myanmar; năm 2017 chỉ chậm hơn Campuchia song mức chênh lệch thấp (0,19%); năm 2018, tốc độ tăng trưởng nước ta chỉ thấp hơn so với Campuchia và Ấn Độ nhưng khoảng cách chênh lệch rất ít (0,02%). Năm 2017 - 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam lần đầu tiên tăng nhanh hơn Trung Quốc. Điều này cho thấy, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam là phù hợp và đang phát huy tác dụng. Nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng cao qua các năm nên GDP bình quân đầu người tăng liên tục đạt 1.517 USD năm 2011; 2.109 USD năm 2015 và 2.587 USD năm 2018(5), gấp 1,7 lần so với năm 2011. Tốc độ tăng GDP/người giai đoạn 2011-2018 đạt 9,41%/năm, cao hơn mức 9,26%/năm giai đoạn 2001-2010.

- Hiệu quả tăng trưởng của nền kinh tế có dấu hiệu được cải thiện: Hiệu quả sử dụng vốn cao hơn giai đoạn 2006-2010. Nếu giai đoạn 2006 - 2010, để tạo ra một đồng GDP tăng thêm cần 6,96 đồng vốn, thì đến giai đoạn 2011-2018 chỉ phải cần ra 6,22 đồng(6). Năng suất lao động của toàn nền kinh tế tăng qua các năm, đạt 102 triệu đồng năm 2018, cao gấp 1,85 lần năm 2011; tốc độ tăng năng suất giai đoạn này đạt mức 4,8%/năm, cao hơn mức 3,4%/năm giai đoạn 2006-2010. Các năm 2016-2018, tốc độ tăng năng suất lao động đạt bình quân 5,75%/năm, vượt mục tiêu đề ra (5%/năm giai đoạn 2016-2020).

- Khả năng duy trì tăng trưởng trong dài hạn được chú trọng

Cùng với tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người tăng qua các năm, góp phần nâng cao mức sống của người dân, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, từ 12,6% (năm 2011) xuống 6,8% (năm 2018) (hình 1).

Bên cạnh đó, vấn đề phục hồi, tái tạo môi trường, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu đã và đang ngày càng được quan tâm hơn. Tỷ lệ phủ xanh rừng tăng qua các năm và đến năm 2018 đạt mức che phủ 41,65% - đạt mục tiêu đề ra.

2. Những hạn chế trong đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam giai đoạn 2011-2018 và nguyên nhân

a) Những hạn chế trong đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

Một là, chuyển đổi cách thức sử dụng các yếu tố tạo ra tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu chưa tạo ra sự khác biệt

- Ở góc độ đầu vào, mô hình tăng trưởng kinh tế vẫn mang đặc trưng tăng trưởng theo chiều rộng, thâm dụng vốn. Giai đoạn 2011-2018, yếu tố vốn và lao động đóng góp trên 2/3 GDP, riêng tăng vốn vẫn đóng góp trên 54% GDP. Đóng góp của TFP mặc dù tăng song vẫn chiếm tỷ lệ thấp trong GDP so với các nước trong khu vực. Chẳng hạn, tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc là 51,5%, Trung Quốc: 52%, Thái Lan: 53%, Indonesia và Malaysia: 49%(7). Đặc biệt, Việt Nam chưa khai thác được lợi thế của nhân tố lao động vào tăng trưởng GDP, dẫn đến đóng góp của lao động vào GDP giảm khá nhanh, từ 25,4% (năm 2011) xuống còn 5% (năm 2018), thấp hơn rất nhiều so với mức đóng góp từ 20% - 30%, thậm chí 40% của lao động vào tăng trưởng GDP của các nước trong khu vực tương đồng về quy mô dân số(8).

- Ở góc độ đầu ra, mô hình tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI. Giai đoạn 2011-2018, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI/tổng kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế xấp xỉ 70%. Trong đó, có 5 năm (2012; 2014; 2016-2018) Việt Nam đạt thặng dư thương mại, song đều thuộc các doanh nghiệp FDI, ngược lại, các doanh nghiệp trong nước luôn giữ vị trí nhập siêu. Trong cơ cấu hàng xuất khẩu, nhóm hàng chế biến, chế tạo chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu, song chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp FDI. Ngoài ra, đầu tư từ khu vực FDI gia tăng qua các năm và đến năm 2018 chiếm tỷ trọng 23,4% tổng vốn đầu tư toàn xã hội(9). Điều này cho thấy, mô hình tăng trưởng kinh tế ở góc độ đầu ra của nước ta đang có nguy cơ phụ thuộc vào khu vực FDI, trở nên nhạy cảm và bấp bênh trước những tác động của thị trường thế giới và phần giá trị gia tăng của sản xuất và xuất khẩu mà Việt Nam nhận được rất thấp.

- Ở góc độ cấu trúc nền kinh tế, mô hình tăng trưởng kinh tế về cơ bản chưa có sự thay đổi đáng kể, được thể hiện qua:

+ Cấu trúc tăng trưởng theo ngành: tăng trưởng kinh tế vẫn dựa vào các ngành kinh tế truyền thống và các ngành công nghiệp gia công. Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011-2018 được quyết định bởi công nghiệp và dịch vụ, song chỉ 10% các ngành dịch vụ là có hàm lượng khoa học, còn 90% là các ngành thương mại, dịch vụ truyền thống và có giá trị gia tăng thấp. Ngành công nghiệp có 66% là đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo, song, tỷ lệ nội địa chiếm chưa đầy 40% nên chủ yếu vẫn là gia công, lắp ráp. Ngành nông nghiệp vẫn chủ yếu là nông nghiệp truyền thống, tỷ lệ nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chế biến rất ít.

 + Cấu trúc tăng trưởng theo thành phần kinh tế: tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào thành phần phi chính thức (kinh tế cá thể) với mức đóng góp trên 30% GDP, còn doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ chỉ đóng góp khoảng 8% GDP(10) và khu vực có hiệu quả thấp (kinh tế nhà nước). Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có tốc độ tăng trưởng cao qua các năm (9,56%/năm) và đang có xu hướng lấn át khu vực kinh tế tư nhân.

- Ở góc độ thể chế, nhìn chung hệ thống thể chế ở nước ta chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, một số điểm còn chồng chéo, mâu thuẫn dẫn đến khó thực hiện trong thực tế, thường xuyên phải sửa đổi. Ngoài ra, thủ tục hành chính còn phức tạp; chưa đối xử công bằng giữa các chủ thể tham gia nền kinh tế... Những hạn chế này đã làm giảm hiệu lực điều hành của Nhà nước, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế  cũng như gây lãng phí, thất thoát các nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế.

Hai là, chất lượng tăng trưởng kinh tế nhìn chung còn nhiều hạn chế

- Hiệu quả tăng trưởng của nền kinh tế còn thấp, biểu hiện ở:

+ Hệ số ICOR cao hơn so với một số nước trong khu vực cùng trình độ công nghệ và thời kỳ tăng trưởng: các quốc gia và vùng lãnh thổ chỉ cần từ 2,7 - 4,1 đồng để tạo ra 1 đồng GDP tăng thêm thì Việt Nam cần tới gần 6,2 đồng mới tạo ra được 1 đồng GDP tăng thêm, tức là hiệu suất đầu tư của nước ta chỉ chưa bằng 1/2 so với các nước(11).

+ Năng suất lao động dù tăng song vẫn thấp nhất trong khu vực, khoảng cách tuyệt đối năng suất lao động với các nước ngày càng gia tăng. Thí dụ như, Singapore tăng từ 132.566 USD (2011) lên 141.276 USD (2018); Malaysia từ 42.397 USD (2011) lên 47.545 USD (2018); Thái Lan từ 14.985 USD (2011) lên 18.973 USD (2018); Indonesia từ 10.480 USD lên 13.707 USD; Philippines từ 6.609 USD lên 8.385 USD(12).

+ Tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào gia công nên không bền vững. Chênh lệch giữa tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất và tăng trưởng GDP đã giảm, từ 5- 6% giai đoạn 2006-2010 xuống còn từ 3-3,5% giai đoạn 2011-2018(13). Điều này phản ánh nền kinh tế vẫn tăng trưởng dựa vào gia công, phụ thuộc vào nguyên liệu, vật tư nhập khẩu từ nước ngoài. Xu hướng gia công không chỉ trong ngành công nghiệp mà cả ngành nông nghiệp. Đây là yếu tố làm các ngành suy giảm hiệu quả và ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế.

- Năng lực cạnh tranh của Việt Nam giai đoạn 2011-2018 thấp, có xu hướng giảm và không ổn định. Đến năm 2018 xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã giảm 12 bậc so với năm 2011. Trong các nước ASEAN, xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia và Lào, thấp hơn các nước còn lại với khoảng cách ngày càng xa. Thí dụ như, năm 2011, Việt Nam kém Thái Lan 26 bậc, kém Malaysia 44 bậc, kém Philippines 13 bậc, kém Singapore 63 bậc; năm 2018 khoảng cách tương ứng là: 39, 52, 21 và 75(14).

- Khả năng duy trì tăng trưởng kinh tế trong dài hạn còn nhiều bất cập, biểu hiện ở:

+ Hiệu ứng tác động của tăng trưởng đến con người có xu hướng giảm. Giai đoạn 2006-2010: 1% tăng thu nhập bình quân đầu người cải thiện được 16% về phát triển con người, thì đến giai đoạn 2011-2018 chỉ cải thiện được 13%(15). Bên cạnh đó, chênh lệch phân phối thành quả tăng trưởng đến các tầng lớp dân cư có xu hướng gia tăng và người nghèo được hưởng lợi ít nhất từ thành quả tăng trưởng kinh tế.

+ Ô nhiễm môi trường gia tăng. Tốc độ phát thải khí nhà kính cao nhất trong khu vực, chất lượng môi trường đất, nước và không khí suy giảm nghiêm trọng. Nguy cơ mất cân bằng sinh thái, cạn kiệt tài nguyên ngày càng rõ rệt. Theo các nhà nghiên cứu, ô nhiễm môi trường đã làm thiệt hại khoảng 5% GDP, tương đương 10 tỷ USD, chủ yếu là làm giảm giá trị tăng trưởng của các ngành sản xuất, chi phí cải tạo môi trường và sức khỏe cộng đồng.

b) Nguyên nhân của hạn chế

Một là, đổi mới sáng tạo đang trong giai đoạn đầu, trình độ công nghệ, đầu tư cho khoa học và chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo cùng với nguồn nhân lực phù hợp có khả năng sử dụng, kiểm soát và sáng tạo công nghệ là yếu tố quyết định tăng trưởng trong dài hạn. Song ở Việt Nam, trình độ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chất lượng nguồn nhân lực còn thấp.

Hai là, thực hiện “ba đột phá” chiến lược chưa đạt mục tiêu đề ra. Thể chế kinh tế thị trường còn nhiều bất cập, chưa tạo được đột phá thúc đẩy kinh tế - xã hội. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao còn nhiều hạn chế. Hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển: Hạ tầng giao thông còn mất cân đối trong đầu tư phát triển, việc kết nối giữa các lĩnh vực giao thông còn yếu gây áp lực cao cho hệ thống đường bộ. Hạ tầng điện do thiếu vốn để đầu tư, nhất là công trình lưới điện nên cũng chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất. Hệ thống thủy lợi nhìn chung chưa đồng bộ, xuống cấp nghiêm trọng...

Ba là, tái cơ cấu một số ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế còn bất cập

- Tái cơ cấu các ngành kinh tế chưa tạo ra được sự thay đổi mang tính tích cực trong cơ cấu giữa các ngành kinh tế và trong nội ngành: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp diễn ra chậm so với sức ép hội nhập, nhu cầu thị trường và biến đổi khí hậu. Sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào kinh tế hộ nhỏ lẻ, phân tán và lạc hậu. Tái cơ cấu ngành công nghiệp chưa quyết liệt, chưa thực sự đi vào chiều sâu. Tăng trưởng ngành công nghiệp vẫn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố vốn, tài nguyên, lao động trình độ thấp. Công nghiệp công nghệ cao đóng góp chưa đến 6% GDP nền kinh tế. Các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu chưa được tổ chức theo chuỗi giá trị, mới chỉ tham gia các công đoạn có giá trị gia tăng thấp. Ngành dịch vụ tái cơ cấu chậm triển khai, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là dịch vụ có giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học, công nghệ cao. Chưa tạo ra sự gắn kết giữa công nghiệp - nông nghiệp và dịch vụ...

- Tái cơ cấu đầu tư công còn dàn trải và chưa hiệu quả

Đầu tư công chưa hướng mạnh vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các công trình, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Nhiều dự án chậm được triển khai, chậm tiến độ, tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản kéo dài gây lãng phí, kém hiệu quả.

Bốn là, chính sách tăng trưởng chưa có lợi cho tầng lớp yếu thế; hiệu lực, hiệu quả bảo vệ môi trường trong thực tiễn còn kém

Trong thời gian qua, một số chính sách tăng trưởng chưa có lợi cho tầng lớp yếu thế trên một số khía cạnh. Thí dụ như, việc thu hồi đất nông nghiệp để xây dựng các khu công nghiệp, chợ đầu mối, khu đô thị... Việc giải quyết chính sách đền bù, giải tỏa cũng như đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân bị thu hồi đất chưa thỏa đáng dẫn đến tình trạng một số nơi, người nông dân có biểu hiện bị bần cùng hóa. Bên cạnh đó, mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào công nghiệp và kinh tế đô thị dẫn đến tình trạng các địa phương có lợi thế về nông nghiệp, các tỉnh thuần nông trở thành những địa bàn yếu kém nhất trong cả nước.

Vấn đề gắn tăng trưởng với bảo vệ môi trường đã được đề cập sớm, hệ thống pháp luật, chính sách về môi trường đã được ban hành và thực thi trong thực tế, song đang bộc lộ những bất cập, chưa theo kịp những biến đổi nhanh của thực tiễn kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Hơn nữa, ý thức chấp hành bảo vệ môi trường của các chủ thể sản xuất kinh doanh chưa cao. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong bảo vệ môi trường chưa chặt chẽ. Điều này đã làm giảm hiệu lực và hiệu quả bảo vệ môi trường, khiến ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, làm giảm chất lượng tăng trưởng kinh tế.

3. Một số giải pháp đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới

Để tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu, trong đó, chú trọng chiều sâu, Nhà nước cần tập trung giải quyết những vấn đề sau:

- Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế và chất lượng nguồn nhân lực. Các ngành, các cấp và các địa phương phải xác định được đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao là động lực chính của đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng tăng trưởng theo chiều sâu. Từ đó, có biện pháp phát triển phù hợp, như: Đẩy mạnh nghiên cứu và triển khai trong các cơ sở khoa học của Nhà nước, doanh nghiệp. Nâng tỷ lệ đầu tư từ ngân sách cho khoa học - công nghệ lên trên 2% vào năm 2020 và khoảng 3% vào năm 2030. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực khoa học - công nghệ thông qua việc thu hút, trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ, nhất là các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành và cán bộ khoa học - công nghệ trẻ tài năng. Nâng cao khả năng hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp cũng như các cơ sở sản xuất.

- Tiếp tục thực hiện quyết liệt ba đột phá chiến lược. Trước hết, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo hướng hiện đại phù hợp với đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế và hội nhập. Tập trung rà soát, xây dựng hệ thống luật pháp kinh tế theo hướng đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận; tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp theo hướng thể chế hóa quyền tài sản của tổ chức, cá nhân và nhà nước đã được quy định trong Hiến pháp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng thực chất hơn, tạo điều kiện thuận lợi để các chủ thể kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân tiếp cận thị trường, tiếp cận các nguồn lực; phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường; nâng cao chất lượng xây dựng và thực thi pháp luật trong thực tiễn. Bên cạnh đó, phát triển và sử dụng tốt nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đặc biệt là giáo dục đại học và nghề nghiệp sao cho phù hợp nhu cầu của thị trường lao động, và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thu hút, bố trí, tạo môi trường làm việc cũng như sự tôn trọng và cơ hội phát triển cho đội ngũ lao động chất lượng cao. Đồng thời, đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Trước mắt, tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng trọng yếu, phát triển kết cấu hạ tầng ở địa bàn đô thị và những vùng còn khó khăn.

- Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực kinh tế trên phạm vi cả nước và từng địa phương, doanh nghiệp với tầm nhìn dài hạn, có lộ trình cụ thể. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh trạnh, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, phải hiện đại hóa và thương mại hóa khu vực nông nghiệp; đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất nông, lâm, thủy sản theo hướng phát triển theo chuỗi từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, xuất khẩu; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nhất là công nghệ giống, quy trình sản xuất và các khâu chế biến, phân phối với ba nhóm sản phẩm quốc gia, cấp tỉnh và địa phương; điều chỉnh quy hoạch, quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng biến đổi khí hậu. Đối với ngành công nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng hiện đại trong điều kiện Cách mạng công nghiệp 4.0. Trước hết, cơ cấu lại ngành công nghiệp đến năm 2030 theo hướng ưu đãi đối với các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp xanh; nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng trong các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo; mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm công nghiệp. Đối với ngành dịch vụ, tái cơ cấu theo hướng phục vụ mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu và hội nhập quốc tế. Vì vậy, tập trung phát triển khu vực dịch vụ chất lượng cao, chú trọng phát triển các phân ngành dịch vụ có tính sáng tạo cao như các hoạt động nghiên cứu và phát triển; nâng cao khả năng cạnh tranh và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp dịch vụ; nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, giảm bớt khâu trung gian trong phân phối sản phẩm.

Thực hiện cơ cấu lại đầu tư, nhất là đầu tư công có hiệu quả. Đối với vốn đầu tư công, nguồn vốn này tập trung đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng, trọng điểm, cấp thiết và cấp bách của quốc gia làm động lực phát triển kinh tế - xã hội và lan tỏa vùng, miền. Ưu tiên đầu tư từ ngân sách cho miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng thường xuyên bị thiên tai, vùng hải đảo và các vùng khó khăn khác. Đối với đầu tư khu vực tư nhân, Nhà nước có cơ chế khuyến khích các chủ thể kinh tế khu vực tư nhân tăng cường thiết bị có công nghệ hiện đại, phát triển những sản phẩm giá trị cao; đầu tư nghiên cứu khoa học - công nghệ trong nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đối với nguồn vốn FDI, thu hút có chọn lọc, ưu tiên dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ cũng như liên kết với doanh nghiệp trong nước để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

- Thực hiện chính sách tăng trưởng hài hòa, nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường và bảo đảm an ninh quốc phòng. Thực hiện chính sách tăng trưởng hài hòa sẽ khắc phục được một số bất cập trong chính sách quá chú trọng tăng trưởng kinh tế thời gian vừa qua. Các chính sách cần được tập trung theo hai hướng: (i) Tạo điều kiện cho mọi tầng lớp dân cư, vùng động lực hay chậm phát triển đều được tham gia vào tăng trưởng kinh tế và hưởng lợi trực tiếp từ thành quả tăng trưởng; (ii) Thực hiện kịp thời việc phân phối lại thành quả tăng trưởng giữa các tầng lớp dân cư, giữa các vùng miền trong cả nước. Bên cạnh đó, giảm thiểu các tác động tiêu cực của hoạt động kinh tế đến môi trường. Đồng thời, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2019

(1) Viện Năng suất Việt Nam: Báo cáo Năng suất Việt Nam 2017, tr.28; Tổng cục Thống kê năm 2018.

(2), (3), (6), (13), (15) Tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2011, 2015, 2018.

(4) Tổng cục Thống kê: Niên giám thống kê 2018, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2019, tr.186.

(5), (9), (10) Thời báo Kinh tế Việt Nam: Kinh tế 2018-2019 Việt Nam và Thế giới, Nxb Tài chính, Hà Nội, 2019, tr. 99, 99, 102.

(7) Nguyễn Quỳnh Hoa: “Cảnh báo từ chỉ số TFP”, https://doanhnhansaigon.vn.

(8) Nguyễn Kế Tuấn: Kinh tế Việt Nam năm 2010. Nhìn lại mô hình tăng trưởng giai đoạn 2001-2010, Nxb Đại học Kinh tế quốc dân, 2011, tr.112.

(11) Chu Văn Cấp: “Tái cơ cấu đầu tư: Một nội dung quan trọng hàng đầu của tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2020”, Tạp chí Phát triển và Hội nhập, số 3 (tháng 3-4/2012), tr.56-57.

(12) Hội nghị Cải thiện năng suất lao động quốc gia, ngày 07-8-2019

(14) Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF): Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu các năm 2011-2018.

TS Nguyễn Thị Miền

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền