Trang chủ    Thực tiễn    Đạo Tin Lành ở Tây Nguyên và vấn đề đặt ra hiện nay
Thứ năm, 23 Tháng 1 2020 23:07
9639 Lượt xem

Đạo Tin Lành ở Tây Nguyên và vấn đề đặt ra hiện nay

(LLCT) -  Đạo Tin Lành được du nhập vào Tây Nguyên từ cuối những năm 20 thế kỷ XX. Hiện nay, đạo Tin Lành đã có được vị trí quan trọng trong đời sống tôn giáo ở khu vực này và đáp ứng được nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Tuy nhiên, hoạt động của đạo Tin Lành ở Tây Nguyên cũng đang đặt ra những vấn đề cần được quan tâm giải quyết, như: tình trạng thiếu nơi sinh hoạt tôn giáo, hoạt động lợi dụng đạo Tin Lành của những lực lượng xấu. Nhận diện được những vấn đề đang đặt ra để Đảng và Nhà nước ta có được những quyết sách cho phù hợp.

Đạo Tin Lành chính thức được du nhập vào Việt Nam năm 1911. Công việc truyền giáo do Hội Truyền giáo Phúc Âm Liên hiệp (Christian and Missionary Alliance - C&MA), tổ chức đến từ Bắc Mỹ, thực hiện. Sau đó không lâu, các giáo sĩ thuộc C&MA đã bắt đầu truyền giáo vào vùng dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Đạo Tin Lành phần nào đáp ứng nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của người dân, góp phần xóa bỏ các hủ tục, đưa đến những tiến bộ về đạo đức, lối sống... nhưng cũng tạo ra một số phức tạp.

1. Tình hình đạo Tin Lành ở Tây Nguyên hiện nay

Sau khi Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) được Nhà nước công nhận vào năm 2001, nhất là sau Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg, ngày 4-2-2005 của Thủ tướng Chính phủ Về một số công tác đối với đạo Tin Lành được ban hành, tình hình đạo Tin Lành ở Tây Nguyên diễn biến theo hướng tích cực; số người theo đạo gia tăng nhưng không đột biến, không tạo những điểm nóng xã hội. Đến năm 2015, khu vực có 440.149 người theo đạo Tin Lành(1), phân bố như bảng (trang sau).

Đến năm 2018, Tây Nguyên có 600 nghìn tín đồ theo đạo Tin Lành (450 nghìn tín đồ là người dân tộc thiểu số), 1.665 điểm nhóm (1.300 điểm nhóm đã được cấp đăng ký), 300 chi hội, 120 nhà thờ, nhà nguyện(2). 18 tộc người thiểu số theo đạo Tin Lành, bao gồm: Ê Đê (133.593 người), Gia Rai (82.604), Bah Nar (35.309), K’Ho (74.864), M’Nông (23.284), Xê Đăng (6.473),Vân Kiều, Mạ, H’Mông, H’Lăng, Giẻ Triêng, Dao, Nùng, Tày, Sán Chỉ, Chăm, S’Tiêng, Thái. Hiện tại, có hơn 30 tổ chức, hệ phái đạo Tin Lành cùng tồn tại ở khu vực này.

Các tổ chức, hệ phái đã được Nhà nước công nhận có đông tín đồ hơn cả, như: Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam), chiếm 87% tổng số tín đồ; Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam, chiếm 4,1%.

Thực hiện Chỉ thị Về một số công tác đối với đạo Tin Lành năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay tình hình đạo Tin Lành ở Tây Nguyên đã từng bước ổn định, hoạt động tuân thủ pháp luật, đáp ứng nhu cầu tôn giáo của người dân. Hơn 90% tín đồ được sinh hoạt tôn giáo tự do trong các chi hội hay điểm nhóm; nhiều nhà thờ, nhà nguyện được trùng tu, sửa chữa hay xây mới; nhiều mục sư, truyền đạo được thụ phong.

Bên cạnh đó, hoạt động đạo Tin lành tại Tây Nguyên còn một số vấn đề cần giải quyết:

Thiếu nhà thờ, nhà nguyện đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của người dân

Tây Nguyên hiện nay có đông đảo tín đồ đạo Tin Lành, đặc biệt là đồng bào DTTS, với 600 nghìn người, 1.665 điểm nhóm, 300 chi hội, nhưng chỉ có 120 nhà thờ, nên rất thiếu nơi sinh hoạt tôn giáo cho người dân(3). Nhiều tổ chức, hệ phái đạo Tin Lành phải tổ chức sinh hoạt tại những địa điểm ngoài cơ sở thờ tự, nơi công cộng, khách sạn, thậm chí là nhà riêng, từ đó đặt ra khó khăn cho chính quyền các địa phương trong quản lý xã hội(4). Do đó, việc cơi nới, mở rộng, thậm chí là xây mới nhà thờ, nhà nguyện; mua bán, chuyển nhượng đất đai để xây cơ sở tôn giáo khi chưa được phép của chính quyền đã và đang diễn ra. Trong khi đó việc hỗ trợ xây dựng nơi sinh hoạt tôn giáo còn gặp nhiều khó khăn do thực lực của các tổ chức đạo Tin Lành, cũng như khó khăn chung của các địa phương(5).

Tình hình phức tạp trong chính đạo Tin Lành

Do có nhiều tổ chức, hệ phái đạo Tin Lành hoạt động rất khác nhau, nên tạo ra những phức tạp trong tình hình tôn giáo. Có những nhóm hoạt động ổn định, tuân thủ pháp luật, tôn trọng sự lãnh đạo quản lý của Nhà nước, có đóng góp cho cộng đồng. Trong khi đó, một số nhóm hoạt động không ổn định, thiếu hiểu biết về pháp luật dẫn đến những vi phạm. Một số tổ chức, hệ phái tranh giành ảnh hưởng, công kích lẫn nhau để phát triển tín đồ, mở rộng địa bàn truyền giáo gây nên những bất ổn trong cộng đồng, đặc biệt là ở vùng DTTS.

Nhiều tổ chức, hệ phái chưa được công nhận. Có đến 20 tổ chức, hệ phái, với hơn 18 nghìn tín đồ chưa được công nhận(6), cũng có nghĩa là bộ phận này hiện đang “ngoài vòng quản lý” của chính quyền, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất trật tự xã hội. Thí dụ như vụ việc “Hội thánh Đức Chúa Trời mẹ” năm 2018.

Hoạt động lợi dụng đạo Tin Lành

Các lực lượng xấu thường xuyên tìm mọi cách lợi dụng vấn đề tôn giáo, trong đó có đạo Tin Lành để gây rối xã hội, chống phá cách mạng nước ta. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa, cởi mở trong quan điểm, chính sách đối với đạo Tin Lành của Đảng và Nhà nước; việc lợi dụng đạo Tin Lành ở Tây Nguyên ngày càng mạnh và tinh vi.

Hai cuộc bạo loạn chính trị xảy ra tại các tỉnh Tây Nguyên tháng 2-2001 và tháng 4-2004 là những trường hợp điển hình cho thấy âm mưu và hành động lợi dụng đạo Tin Lành, dân tộc của các thế lực phản động. Nghe theo những lời kích động, xúi giục của những phần tử phản động ở nước ngoài với âm mưu thành lập “Nhà nước Đê ga độc lập” và “Tin Lành Đê ga”(7) ở Tây Nguyên, đứng đầu là Ksor Kơk, hàng ngàn người DTTS từ các bản làng xa xôi, bằng những phương tiện thô sơ, kể cả công nông tiến về biểu tình, gây bạo loạn ở các thành phố, thị trấn thuộc các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk gây mất trật tự, an toàn xã hội.  

Những năm sau đó, các vụ việc phức tạp liên quan đến tôn giáo, dân tộc vẫn diễn ra. Trong sáu tháng đầu năm 2006, đã có khoảng 70 vụ việc xảy ra: Gia Lai 33 vụ (chiếm 47%); Đắk Lắk 15 vụ (21%); Lâm Đồng 11 vụ (15,7%); Kon Tum 6 vụ (8,5%); Đắk Nông 3 vụ (4,3%)(8).

Gần đây, lực lượng FULRO và “Tin Lành Đê ga có dấu hiệu hoạt động trở lại. Tại tỉnh Gia Lai, những nhân vật thuộc “Tin Lành Đê ga” đứng đầu và tuyên truyền các tà đạo, như Tà đạo Hà Mòn, Thanh Hải Vô thượng sư, Bơ khắp Brâu, gây phức tạp tình hình, tiềm ẩn nguy cơ gây nên các cuộc biểu tình và bạo loạn chính trị.

2. Một số kiến nghị đề xuất

Để nâng cao hiệu quả công tác tôn giáo và công tác đối với Tin Lành, đặc biệt là thực hiện hiệu quả Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ở Tây Nguyên, trong thời gian tới chúng ta cần tập trung làm tốt những nhiệm vụ sau:

Một là, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước trong cán bộ, đảng viên và nhân dân

Từ khi thực hiện đường lối đổi mới đất nước đến nay, Đảng và Nhà nước đã có những quan điểm, chính sách đổi mới về tôn giáo, tín ngưỡng. Những quan điểm, chính sách đó đã đi vào cuộc sống, đáp ứng nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân và góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về công tác tôn giáo chỉ rõ: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”(9).

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo do Nhà nước ta ban hành năm 2016 khẳng định: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.

2. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo”(10).

Đối với đạo Tin Lành, chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước được thể hiện thông qua Chỉ thị số: 01/2005/CT-TTg, ngày 4-2-2005 về một số công tác đối với đạo Tin Lành của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, chúng ta từng bước bình thường hóa hoạt động của đạo Tin Lành ở nước ta, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số Tây Nguyên và Tây Bắc. Cần tiếp tục được tuyên truyền, quán triệt để nâng cao nhận thức về tôn giáo, về đạo Tin Lành cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ làm công tác tôn giáo, chức sắc, tín đồ tôn giáo và nhân dân.

Hai là, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo

Ở nhiều nơi thuộc Tây Nguyên hiện nay, đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo thiếu về số lượng, hầu hết chưa được đào tạo cơ bản về công tác tôn giáo, làm hạn chế việc giải quyết những công việc liên quan đến tôn giáo và đạo Tin Lành. Thực tế cho thấy đa số cán bộ, công chức không muốn làm công tác tôn giáo vì nhiệm vụ này khó khăn, phức tạp. Vì vậy, việc tăng cường củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo là yêu cầu cấp thiết. Đảng, Nhà nước và các địa phương trong khu vực cần tiếp tục chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo. Cụ thể là thông qua đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ trong thực tiễn; đồng thời quan tâm chính sách đãi ngộ, kể cả động viên khen thưởng. Mục tiêu là có được đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo có năng lực công tác tốt, nắm chắc pháp luật và am hiểu về tôn giáo. Đây là điều kiện tiên quyết bảo đảm làm cho chính sách, pháp luật đổi mới về tôn giáo của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống trên cả nước, cũng như ở Tây Nguyên.

Ba là, phát huy đóng góp của đạo Tin Lành cho phát triển vùng đồng bào DTTS

Đạo Tin Lành là tôn giáo cải cách hiện đại, rất quan tâm và có đóng góp tích cực cho xã hội, điều này thể hiện rất rõ ở những nước có đông tín đồ đạo Tin Lành, như: Mỹ, Đức, Hàn Quốc, thậm chí là Trung Quốc trước đây.

Ở nước ta, trong thời kỳ trước năm 1975, đạo Tin Lành đã có đóng góp tích cực cho hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo thông qua nhiều trường học, bệnh viện. Ở Tây Nguyên, Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) đã thành lập Bệnh viện Phong năm 1951 ở Buôn Mê Thuột; Bệnh viện Tin Lành Đà Lạt năm 1959, và năm 1960 một bệnh viện đa khoa được xây dựng ở Pleiku. Đến năm 1975, Hội Thánh đã có 5 bệnh viện và Chẩn y viện. Các tổ chức đạo Tin Lành khác, như: Giáo hội Cơ đốc Phục lâm, Hội Truyền giáo Cơ đốc, Giáo hội Báp tít cũng đã có những hoạt động xã hội thiết thực.

Hiện nay, các tổ chức đạo Tin Lành tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo góp phần thực hiện an sinh xã hội, như: giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo, cứu trợ khẩn cấp, tặng xe lăn cho người khuyết tật. Tuy nhiên, những kết quả này chưa tương xứng với khả năng đóng góp của họ.

Một trong những chủ trương rất mới của Đảng và Nhà nước là phát huy nguồn lực của các tôn giáo đóng góp cho xã hội, vì vậy việc phát huy đóng góp của đạo Tin Lành cho sự phát triển của Tây Nguyên, nơi có rất đông đảo đồng bào DTTS theo đạo là rất cần thiết.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2019

(1) Số liệu này do các tỉnh thống kê báo cáo. Số lượng tín đồ này ít hơn so với thực tế, vì có một bộ phận đáng kể tín đồ thuộc các tổ chức đạo Tin Lành chưa được công nhận, mà các tỉnh chưa thống kê được. Số người theo đạo Tin Lành ở Tây Nguyên hiện tại khoảng 600 nghìn.

(2) Thông tin từ Ban Tôn giáo Chính phủ.

(3) Số tín đồ đạo Tin Lành ở khu vực hiện đã tăng gần 10 lần, trong khi đó số nhà thờ lại giảm đi gần ½ do yếu tố lịch sử.

(4) Xem: Nguyễn Khắc Đức: Một số vấn đề về đạo Tin Lành ở Việt Nam, Nxb Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2018, tr.93.

(5) Xem Vũ Thị Thu Hà (Chủ biên): Giá trị và chức năng của Tin Lành trong vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2018, tr.173.

(6) Trong cả nước, hiện có hơn 70 tổ chức, hệ phái hay nhóm Tin Lành chưa được công nhận với số lượng khoảng 200 nghìn người.

(7) Cái gọi là “Tin Lành Đê ga” là một tổ chức chính trị phản động được tuyên truyền ở Tây Nguyên năm 1999.

(8) Xem: Đoàn Triệu Long: Đạo Tin Lành ở miền Trung Tây Nguyên, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.205.

(9) ĐCSVN: Văn kiện hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.488.

(10) Ban Tôn giáo Chính phủ: Tài liệu giới thiệu Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2017, tr.10.

 

TS Nguyễn Khắc Đức

Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền