Trang chủ    Thực tiễn    Sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long
Thứ năm, 23 Tháng 1 2020 23:13
1898 Lượt xem

Sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long

(LLCT) -  Sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt  Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong quá trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) thực chất là sự tham gia của người dân trong quá trình XDNTM. Dựa trên khung khổ lý luận hiện có và kết quả khảo sát, bài viết đánh giá thực trạng sự tham gia của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong quá trình XDNTM ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); đồng thời đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả tham gia của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong quá trình XDNTM ở khu vực ĐBSCL hiện nay.

Sự tham gia của người dân trong quá trình XDNTM được hiểu là tất cả hành vi, hoạt động của người dân và các đoàn thể của người dân (Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội) thông qua thể chế, cơ chế chính thức nhằm gây ảnh hưởng đối với quá trình hoạch định, tổ chức thực hiện, đánh giá và điều chỉnh chính sách, dự án XDNTM, qua đó góp phần bảo đảm tính bền vững của XDNTM(1). Theo định nghĩa này, sự tham gia của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong quá trình XDNTM là một phương diện quan trọng thể hiện sự tham gia của người dân trong quá trình XDNTM. Sự tham gia của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong quá trình XDNTM ở khu vực ĐBSCL thể hiện trên các khía cạnh chủ yếu: (i) tiếp cận thông tin; (ii) nêu sáng kiến và phản biện xã hội; (iii) triển khai tự quản ở ấp và tự quản xã hội trong XDNTM; (iv) hợp tác với chính quyền trong cung ứng dịch vụ công; (v) giám sát; (vi) đánh giá kết quả XDNTM.

1. Ưu điểm về sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng Sông Cửu Long

Thứ nhất, việc tiếp cận thông tin của đội ngũ cán bộ Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong quá trình XDNTM có nhiều ưu điểm. Mức độ nắm bắt thông tin về chính sách XDNTM ở cơ sở của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội có vai trò rất quan trọng. Bởi vì, đây là cơ sở để thực hiện sự phối hợp giữa các tổ chức này với chính quyền trong quá trình XDNTM, cũng là cơ sở để MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện các chức năng của mình, như chức năng tuyên truyền, chức năng giám sát và chức năng phản biện... Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 78% số người được hỏi (là cán bộ Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội) cho biết họ có nắm bắt được thông tin về Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM; có 86% số người được hỏi cho biết, họ có biết về bộ tiêu chí XDNTM; 87% số người được hỏi cho biết có biết về chương trình, kế hoạch XDNTM của huyện và xã; 62% số người được hỏi cho biết, họ có biết về kết quả XDNTM(2). Về phương thức tiếp cận thông tin, có 63% cho rằng, họ tiếp cận thông tin về XDNTM thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; có 31% cho rằng do bản thân tổ chức mình chủ động tìm kiếm, còn lại là thông qua các phương thức khác. Về ý nghĩa và tác dụng của việc tiếp cận thông tin, có 79% số người được hỏi cho rằng, việc nắm bắt đầy đủ thông tin về XDNTM giúp cho MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia chủ động hơn và có hiệu quả trong quá trình XDNTM.

Thứ hai, hoạt động nêu sáng kiến chính sách và phản biện trong quá trình XDNTM. Nêu sáng kiến chính sách và phản biện của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội là những hoạt động đã được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật và Quyết định của Trung ương. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 36% số người được hỏi cho biết, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội có nêu sáng kiến trong quá trình XDNTM, trong đó nêu sáng kiến liên quan đến dự án XDNTM chiếm tỷ lệ cao nhất (67%)(3). Về hiệu quả của hoạt động nêu sáng kiến chính sách, có 85% số người được hỏi cho rằng, sáng kiến của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã được chính quyền tiếp thu. Về hoạt động phản biện xã hội, tỷ lệ cán bộ Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội cho rằng có tham gia phản biện đối với dự thảo kế hoạch thực hiện XDNTM; dự thảo quy hoạch XDNTM; dự toán ngân sách về XDNTM; dự thảo báo cáo đánh giá kết quả XDNTM tương ứng là: 28%; 13%; 5%; 3% và 51%. Có tỷ lệ 54% số người được hỏi cho rằng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội chủ động thực hiện phản biện và 41% cho rằng do chính quyền gửi dự thảo mời các tổ chức này phản biện.

Thứ ba, việc thực hiện chức năng giám sát, phản ánh, kiến nghị với tổ chức Đảng và chính quyền về những vấn đề có liên quan trong quá trình XDNTM có nhiều ưu điểm. Có 91% số người là cán bộ MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đánh giá hoạt động giám sát của các tổ chức này là “tốt”. Về nội dung giám sát, số người được hỏi cho rằng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia giám sát đối với việc triển khai, thực hiện các dự án XDNTM; thu chi ngân sách liên quan đến XDNTM; tổ chức và hoạt động của tổ chức Đảng, chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức; việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tương ứng là: 30%; 8%; 31%; 26%. Có tỷ lệ khác nhau giữa cán bộ MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội  và người dân khi đánh giá về hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong quá trình XDNTM, có 76% số người được hỏi là cán bộ Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội cho rằng hoạt động giám sát của Ban Thanh tra Nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong quá trình XDNTM là hiệu quả. Trong khi đó, 58% số người dân được hỏi đánh giá hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng là hiệu quả(4). Về hoạt động phản ánh, nêu kiến nghị về những vấn đề có liên quan trong quá trình XDNTM của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, có 55% số người được hỏi cho biết, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thường xuyên nêu phản ánh, kiến nghị với tổ chức Đảng, chính quyền về các vấn đề có liên quan đến XDNTM. Về phương thức nêu phản ánh và kiến nghị, có 60% cho rằng, các tổ chức này nêu phản ánh và kiến nghị thông qua đối thoại định kỳ do tổ chức đảng và chính quyền tổ chức; có 40% cho rằng, các tổ chức này phản ánh và nêu ý kiến thông qua việc chủ động gửi văn bản kiến nghị. Về nội dung phản ánh và kiến nghị, có 84% số người cho rằng, các tổ chức này phản ánh và kiến nghị với tổ chức Đảng và chính quyền về những vấn đề mà người dân bức xúc. Về mức độ tiếp thu, xử lý các phản ánh, kiến nghị từ MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, có 100% số người được hỏi cho rằng, tổ chức Đảng và chính quyền quan tâm xử lý và tiếp thu những phản ánh và kiến nghị của các tổ chức này(5).

Thứ tư, tổ chức tự quản ở ấp và tự quản xã hội thông qua công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức các phong trào, mô hình hoạt động đã được coi trọng. Theo các quy định hiện hành, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội có vai trò quan trọng trong tổ chức tự quản ở khu dân cư cũng như tự quản xã hội thông qua tuyên truyền, vận động và tổ chức các phong trào, mô hình hoạt động. Trong quá trình XDNTM, người dân ở ấp đã phát huy vai trò tự quản trên nhiều nội dung và lĩnh vực khác nhau. Trong thời gian qua, trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL đã xuất hiện nhiều mô hình tự quản có hiệu quả ở ấp, thu hút sự tham gia của nhiều người dân, như mô hình “tiếng mõ an ninh”, phong trào “tứ trụ”, cổng rào an ninh, trật tự các tổ tố giác và phòng chống tội phạm, tổ tự quản dòng tộc về an ninh trật tự trong đồng bào Khmer, phong trào chung tay bảo vệ và xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp gắn với đặc thù của miền sông nước... Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 54% số người dân được hỏi cho rằng, họ có tham gia quản lý các dự án XDNTM sau khi các dự án hoàn thành(6). Về tự quản xã hội thông qua các phong trào, hoạt động do MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức, trên cơ sở Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động, trong quá trình XDNTM, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã triển khai thực hiện nhiều nội dung, phong trào trong XDNTM. Hoạt động tự quản xã hội thông qua MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thể hiện qua công tác tuyên truyền, thực hiện các mô hình tự quản và hoạt động tình nguyện trên các lĩnh vực khác nhau. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 58% số người được hỏi (là cán bộ Mặt trận và các đoàn thể) cho rằng, các tổ chức này có thành lập các tổ tự quản, đội tự quản, mô hình tự quản trong XDNTM; 82% số người được hỏi đánh giá hoạt động của các tổ tự quản, đội tự quản là “hiệu quả”; 100% số người được hỏi cho rằng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tổ chức các hoạt động tình nguyện trong quá trình XDNTM(7).

Thứ năm, việc hợp tác với chính quyền trong cung ứng dịch vụ công và giải quyết các vấn đề xã hội bước đầu đã được coi trọng. Ngoài việc tự chủ tổ chức các phong trào và triển khai các hoạt động nhằm góp phần cung ứng dịch vụ công và giải quyết các vấn đề xã hội, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội có thể hợp tác với chính quyền trong cung ứng dịch vụ công (về an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, tư vấn pháp luật...) và giải quyết các vấn đề xã hội (tội phạm và tệ nạn xã hội, nghèo đa chiều...) thông qua việc chính quyền cung cấp kinh phí để Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện một số dự án hay công việc nào đó. Về phương diện này, kết quả nghiên cứu cho thấy, có 53% số người được hỏi cho rằng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã được chính quyền giao thực hiện một dự án và được cung cấp kinh phí tương xứng; có 61% số người được hỏi cho rằng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã được chính quyền giao thực hiện một công việc cụ thể và được cung cấp kinh phí tương xứng(8).

Thứ sáu, việc tham gia đánh giá kết quả thực hiện chính sách XDNTM và lấy ý kiến về mức độ hài lòng của người dân đối với các tiêu chí XDNTM đã được coi trọng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 92% số người được hỏi cho rằng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã được chính quyền xin ý kiến đánh giá về kết quả thực hiện chính sách XDNTM; có 62% số người được hỏi cho rằng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã triển khai lấy ý kiến của người dân đối với 17 nội dung theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

2.  Hạn chế và bất cập về sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ nhất, việc tiếp cận thông tin về XDNTM của đội ngũ cán bộ Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội còn một số hạn chế cả về nội dung và mức độ. Kết quả khảo sát cho thấy, mức độ tiếp cận và nắm bắt thông tin của đội ngũ cán bộ MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với một số nội dung liên quan đến XDNTM còn hạn chế do việc thực hiện công khai, minh bạch thông tin của chính quyền ở một số nơi còn chưa tốt. Cụ thể là, số người được hỏi cho biết họ nắm bắt được thông tin liên quan đến quy hoạch XDNTM; dự án XDNTM; dự toán và quyết toán các dự án XDNTM tương ứng là: 45%; 42%; 42%. Có 69% số người được hỏi cho biết, họ biết không đầy đủ về chương trình, kế hoạch XDNTM của xã; 93% cho biết, họ không biết đầy đủ về quy hoạch XDNTM; 76% cho biết họ không biết đầy đủ về dự án XDNTM; 89% cho biết, họ không biết đầy đủ về dự toán và quyết toán các dự án XDNTM(9).

Thứ hai, việc nêu sáng kiến chính sách và phản biện xã hội còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Kết quả khảo sát cho thấy, có 64% số người được hỏi cho biết, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở không nêu sáng kiến liên quan đến XDNTM; có 36% số người được hỏi cho rằng, chính quyền cơ sở không tham vấn và lắng nghe ý kiến của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội về các vấn đề liên quan đến XDNTM. Tỷ lệ cán bộ Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trả lời cho biết có tham gia phản biện đối với dự thảo kế hoạch XDNTM; dự thảo quy hoạch XDNTM; đề án XDNTM; dự toán ngân sách XDNTM không cao, thậm chí là rất thấp, tương ứng là 28%; 13%; 5%; 3%. Về nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế trong thực hiện chức năng phản biện xã hội, có 44,4% số người được hỏi cho rằng là do năng lực phản biện của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội còn chưa cao; 24% cho rằng là do thiếu kinh phí; 14,4% cho rằng là do cơ chế chưa rõ; 13,4% cho rằng do thiếu thông tin và 6% cho rằng do chính quyền chưa tạo điều kiện(10).

Thứ ba, việc thực hiện chức năng giám sát, góp ý, phản ánh, kiến nghị với tổ chức Đảng và chính quyền về những vấn đề có liên quan trong quá trình XDNTM còn một số hạn chế. Có 29% số người được hỏi cho rằng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ít khi nêu phản ánh, kiến nghị với tổ chức đảng và chính quyền về những vấn đề có liên quan trong quá trình XDNTM. Báo cáo hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2018 cho thấy, có 37,78% số người được hỏi rằng, Ban Thanh tra Nhân dân hoặc Ban Giám sát đầu tư cộng đồng giám sát việc xây mới, tư sửa công trình(11). Nghiên cứu của tác giả về phương diện này cho kết quả khả quan hơn, nhưng cũng cho thấy một số vấn đề cần quan tâm về hiệu lực và hiệu quả giám sát của Ban Thanh tra Nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong XDNTM. Cụ thể, có 24% cán bộ Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội cho biết, giám sát của Ban Thanh tra Nhân dân và Ban Giám sát Đầu tư của cộng đồng là chưa hiệu quả; có 42% số người dân được hỏi cho biết, giám sát của Ban Thanh tra Nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng là chưa hiệu quả(12).

Thứ tư, chức năng tổ chức tự quản ở ấp và tự quản xã hội của MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội còn nhiều hạn chế. Việc xây dựng hương ước, quy ước đã phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, ở một số nơi, chưa thật sự phát huy sự tham gia của người dân trong xây dựng hương ước, quy ước. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 34% số người được hỏi cho rằng, họ không tham gia vào quá trình xây dựng hương ước, quy ước. Ý thức tự giác của người dân trong thực hiện tự quản theo hương ước, quy ước còn bất cập khi có gần 40% số người được hỏi cho rằng, mức độ tự nguyện thực hiện theo hương ước, quy ước của các hộ gia đình là chưa tốt(13). Tự quản của người dân ở ấp thông qua việc thành lập và hoạt động của các tổ, đội, hội tự quản vẫn còn nhiều hạn chế khi có đến 46% số người được hỏi cho biết, họ không là thành viên của bất cứ đội, nhóm tự quản nào ở trong ấp(14). Việc thực hiện tự quản xã hội thông qua hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội còn nhiều hạn chế khi hiệu quả của công tác tuyên truyền giáo dục của các tổ chức này chưa cao. Nghiên cứu cho thấy, chỉ có 5% số người được hỏi cho rằng, họ tiếp cận thông tin về XDNTM là thông qua công tác tuyên truyền của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội(15). Bên cạnh đó, ngoài một số ưu điểm thì một số phong trào, mô hình tự quản do các tổ chức này triển khai vẫn còn mang tính hình thức, thiếu tính bền vững.

Thứ năm, việc tổ chức lấy ý kiến đánh giá từ người dân của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội còn một số bất cập. Những bất cập ở phương diện này thể hiện ở chỗ: (i) còn tỷ lệ đáng kể người dân chưa tham gia đánh giá kết quả thực hiện chính sách XDNTM khi có đến 50% số người được hỏi cho rằng, họ không tham gia đánh giá hiệu quả chính sách, dự án XDNTM;(16) (ii) chưa đa dạng hóa các “kênh” khác nhau để người dân tham gia đánh giá và phản hồi ý kiến; (iii) tính tự chủ và độc lập của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc lấy ý kiến về mức độ hài lòng của người dân đối với kết quả XDNTM trước khi công nhận đạt chuẩn nông thôn mới còn chưa cao; (iv) việc lấy ý kiến đánh giá từ người dân đối với kết quả XDNTM và ý kiến hài lòng của người dân đối với kết quả đạt được trong XDNTM của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội chủ yếu được thực hiện trước khi xã làm thủ tục để được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới, mà chưa được tiến hành thường xuyên sau khi đã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới.

3. Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới ở Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế về phát triển nông thôn và XDNTM theo hướng coi trọng hơn sự tham gia của người dân, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội trong quá trình phát triển nông thôn và XDNTM. Cụ thể là: (i) thể hiện và quán triệt quan điểm “lấy người dân làm trung tâm” trong quá trình XDNTM; (ii) nhận thức rõ sự tham gia của người dân (bao gồm MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội) trong quá trình XDNTM là yếu tố then chốt, quyết định để đảm bảo vai trò chủ thể của cư dân nông thôn trong quá trình XDNTM, từ đó cả trong xây dựng thể chế và thực thi thể chế về XDNTM coi trọng sự tham gia thật sự của người dân; (iii) thể hiện rõ quan điểm về ba trụ cột chính quyền – thị trường (doanh nghiệp) và xã hội (người dân, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội) trong phát triển nông thôn và XDNTM trong các nghị quyết, chính sách về phát triển nông thôn và XDNTM; (iv) nhấn mạnh và đảm bảo tính đồng bộ, toàn diện trong XDNTM theo hướng coi trọng hơn việc xây dựng nông thôn mới về chất lượng quản trị địa phương, về công khai minh bạch, về dân chủ và sự tham gia của người dân; (v) coi trọng đúng mức đơn vị ấp/thôn trong XDNTM và trong phát huy dân chủ ở cơ sở; (vi) đổi mới và điều chỉnh bộ tiêu chí đánh giá XDNTM theo hướng ngoài các tiêu chí hiện hành, cần bổ sung một số tiêu chí, như: mức độ liêm chính của hệ thống chính trị; mức độ đảm bảo công khai, minh bạch thông tin trong hoạt động của chính quyền; mức độ tuân thủ pháp luật trong hoạt động của hệ thống chính trị (pháp quyền); mức độ bảo đảm sự tham gia của người dân; mức độ thực hiện trách nhiệm giải trình; mức độ phát triển của các tổ chức xã hội mang tính công ích ở cơ sở và tính tự chủ của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân trong hoạt động; mức độ sử dụng internet của người dân và hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của chính quyền; chất lượng và hiệu quả tự quản của người dân ở cơ sở. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để hình thành bộ tiêu chí đánh giá thôn/làng/ấp nông thôn mới kiểu mẫu; (vii) Xây dựng và ban hành luật thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; (viii) nghiên cứu để ban hành thể chế quy định về thực hiện dân chủ ở ấp/thôn/làng; (ix) có văn bản hướng dẫn cụ thể và thống nhất về nội dung và hình thức tham gia của người dân cũng như MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở trong quá trình XDNTM.

Thứ hai, đổi mới phương thức triển khai chính sách XDNTM theo hướng “từ trên xuống” sang kết hợp “từ trên xuống” và “từ dưới lên”. Cụ thể là: (i) chuyển từ “lấy chính quyền làm trung tâm” sang “lấy người dân làm trung tâm” trong XDNTM. “Lấy người dân làm trung tâm” trong XDNTM có nghĩa là, việc hoạch định, thực thi mọi chính sách, kế hoạch, dự án về XDNTM đều phải vì lợi ích của nhân dân và xuất phát từ nhu cầu, mong muốn của người dân; XDNTM phải thật sự hướng đến mục tiêu cốt lõi, hàng đầu đó là thực hiện tốt, duy trì tốt, phát triển tốt lợi ích cơ bản của đông đảo cư dân nông thôn; lấy việc người dân ủng hộ hay không ủng hộ, tán thành hay không tán thành, vui hay không vui, đồng ý hay không đồng ý, hài lòng hay không hài lòng làm tiêu chí cơ bản để đánh giá tất cả các hoạt động liên quan đến XDNTM; (ii) thực hiện tốt công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền cũng như trong tất cả các khâu, các nội dung của quá trình triển khai chính sách XDNTM; (iii) thông qua hình thức nhất định để phát huy vai trò tư vấn, giám định và phản biện của người dân, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với dự thảo chính sách, quy hoạch, kế hoạch, dự án XDNTM. (iv) tôn trọng, bảo đảm quyền tham gia của người dân và MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội trong tất cả các khâu, các nội dung của quá trình XDNTM, từ xây dựng kế hoạch, quy hoạch, dự án đến thực hiện, giám sát và đánh giá việc thực hiện; (v) thực hiện sự hợp tác giữa chính quyền và doanh nghiệp, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong XDNTM; (vi) thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho cấp dưới, phát huy đầy đủ vai trò tự quản, tự chủ của người dân thôn/làng/ấp.

Thứ ba, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong XDNTM. Về đại thể, trong quản trị địa phương nói chung và trong XDNTM nói riêng, chức năng và vai trò chủ yếu của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội là: (i) đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích các tầng lớp nhân dân; (ii) phát triển chính sách công thông qua hoạt động nêu sáng kiến chính sách, tư vấn và phản biện xã hội; (iii) giám sát và góp ý, phản ánh, kiến nghị; (iv) đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân và vận động nhân dân thực hiện chính sách; (v) tuyên truyền, giáo dục; (vi) tham gia giải quyết các vấn đề xã hội và cung ứng dịch vụ công; (vii) đánh giá quản trị địa phương, bao gồm đánh giá hiệu quả thực thi chính sách XDNTM;(17) (viii)  làm nòng cốt trong việc phát huy dân chủ”(18). Những chức năng và vai trò nói trên của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đều quan trọng, nhưng trong điều kiện mới hiện nay, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trên cơ sở chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích của các tầng lớp nhân dân để coi trọng hơn các chức năng, như phát triển chính sách công, nhất là hoạt động nêu sáng kiến chính sách và phản biện xã hội; chức năng giám sát và góp ý, phản ánh, kiến nghị; chức năng đánh giá quản trị địa phương và phát huy dân chủ. Trong quá trình XDNTM, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cần coi trọng hơn các hoạt động, như nêu sáng kiến chính sách, phản biện xã hội; giám sát, góp ý, phản ánh, kiến nghị với tổ chức đảng và chính quyền; đánh giá chính sách; hợp tác với chính quyền trong cung ứng dịch vụ công và thực hiện tốt vai trò nòng cốt của mình phát huy dân chủ cũng như tăng cường sự tham gia của người dân. Để thực hiện có hiệu quả các chức năng và hoạt động của mình, bên cạnh tiếp tục đổi mới thể chế pháp luật về tổ chức, hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cũng như bản thân MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội cần đổi mới về tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, còn đòi hỏi cấp ủy Đảng và chính quyền đề cao trách nhiệm của mình trong lãnh đạo và phối hợp với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.

____________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2019

(1) Nguyễn Trọng Bình: “Về nội dung và hình thức tham gia của người dân ở cơ sở trong quá trình xây dựng nông thôn mới”, Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội, số 8/2018,

(2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (12), (13), (14), (15) Nguyễn Trọng Bình (chủ nhiệm): “Nâng cao hiệu quả tham gia của người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long”, Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu đề tài cấp bộ năm 2018 - 2019.

(11) Báo cáo hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2018, http://papi.org.vn.

(17) Nguyễn Trọng Bình: “Vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và tổ chức xã hội trong quản trị địa phương”, Tạp chí Mặt trận, số 8/2018.

(18) Kết luận số 62-KL/TW ngày 8-12-2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Hà Nội, 2009.

 

TS Nguyễn Trọng Bình

Học viện Chính trị khu vực IV

TS Trần Văn Thắng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền