Trang chủ    Thực tiễn    Công tác dân vận ở tỉnh Vĩnh Phúc - Một số kết quả và thách thức đặt ra
Thứ năm, 27 Tháng 2 2020 16:21
1748 Lượt xem

Công tác dân vận ở tỉnh Vĩnh Phúc - Một số kết quả và thách thức đặt ra

(LLCT) - Vĩnh Phúc là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội nhanh hàng đầu của Việt Nam hiện nay. Những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội của Vĩnh Phúc đã có tác động sâu rộng và đa chiều và tới nhiều lĩnh vực, hoạt động của địa phương. Một trong những bằng chứng sinh động đó là sự tác động đến lĩnh vực công tác dân vận của Tỉnh. Đồng thời, công tác dân vận ở Tỉnh Vĩnh Phúc vừa là nhân tố góp phần tạo động lực; vừa là mục tiêu, kết quả cụ thể của quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Bài viết tập trung phân tích, chỉ ra những kết quả và thách thức đặt ra đối với công tác dân vận của tỉnh Vĩnh Phúc trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội với phương châm: nhanh, hài hòa và bền vững.

1. Một số nét phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc

Tỉnh Vĩnh Phúc có diện tích tự nhiên 1.235,15 km2, dân số 1.079.500 người. Trên địa bàn có 7 dân tộc anh, em sinh sống, bao gồm: Kinh, Sán Dìu, Nùng, Dao, Cao Lan, Mường. Tỉnh Vĩnh Phúc có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 2 thành phố. Vĩnh Phúc có 137 đơn vị cấp xã gồm 15 phường, 12 thị trấn và 110 xã, có 37% dân số sống ở đô thị và 63% dân số sống ở nông thôn. Tính đến thời điểm cuối năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2018 của Tỉnh ước đạt 8,06%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: nông nghiệp 8,17%; công nghiệp 60,71%; dịch vụ 31,12%. Thu ngân sách đạt 30,841 tỷ đồng. Đến hết năm 2018 toàn tỉnh có 103/112 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 92% tổng số xã trên toàn Tỉnh và là một trong số ít các Tỉnh trong cả nước có tỷ lệ cao về số xã đạt chuẩn nông thôn mới(1).

Từ một địa phương thuần nông, Vĩnh Phúc trở thành tỉnh có tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ chiếm 90%; là trung tâm sản xuất ô tô, xe máy hàng đầu của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin có nhiều chuyển biến; an ninh quốc phòng được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 15,37%/năm; thu ngân sách tăng nhanh, từ 100 tỷ đồng năm 1997 lên trên 40.000 tỷ đồng năm 2017. Trong phát triển công nghiệp với kết quả mang tính đột phá, từ có 1 khu công nghiệp đến nay đã hình thành được gần 20 khu công nghiệp với quy mô hơn 8.000 ha, trong đó có nhiều tập đoàn lớn đã đến đầu tư tại tỉnh(2).

Công tác quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị và nông thôn mới được quan tâm đẩy mạnh. Đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã hoàn thành và phê duyệt hầu hết các quy hoạch, là cơ sở cho việc xây dựng hạ tầng, triển khai các dự án một cách đồng bộ và quản lý chặt chẽ. Lĩnh vực giáo dục đào tạo, dân số, lao động, việc làm và giảm nghèo, y tế và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, các hoạt động văn hóa xã hội khác cũng đều đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng vào việc phát triển bền vững, nâng cao từng bước đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Vĩnh Phúc có 40/112 xã dân tộc, miền núi với 301 thôn/bản; đồng bào dân tộc thiểu số có 8.372 người, chiếm 4,7% dân số toàn tỉnh. Giáo hội Phật giáo tỉnh có 422 tăng ni, nhà tu hành; 417 cơ sở thờ tự, trong đó có 125 cơ sở có sư trụ trì và kiêm chủ trì; số lượng tín đồ khoảng 140 nghìn. Đạo Công giáo có 12 xứ, 52 họ giáo, 47 nhà thờ; 13 linh mục, 264 chức việc và khoảng 23 nghìn tín đồ. Đạo Tin lành có 1 mục sư và 35 tín đồ ở sinh hoạt tại thành phố Phúc Yên(3).

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVI xác định: Tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đổi mới mô hình tăng trưởng, xây dựng Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm công nghiệp và dịch vụ của Vùng và cả nước(4). Vĩnh Phúc sau hơn 20 năm tái lập tỉnh đang gia tốc trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được, địa phương cũng nảy sinh không ít những bất cập - hệ quả tiêu cực, không mong muốn của quá trình phát triển.

Vĩnh Phúc cũng là một trong những địa phương có sự quan tâm và đạt được nhiều kết quả trong công tác dân vận. Bộ máy dân vận trên địa bàn Tỉnh được củng cố, kiện toàn về tổ chức và từng bước nâng cao năng lực công tác. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân không ngừng đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; tăng cường vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia vào các phong trào cách mạng, thi đua yêu nước; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, công tác dân vận ở Vĩnh Phúc vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa ngang tầm với yêu cầu, đòi hỏi của giai đoạn mới. Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi tập trung phân tích những kết quả và bất cập trong hoạt động công tác dân vận của tỉnh Vĩnh Phúc trong điều kiện bối cảnh kinh tế - xã hội có nhiều biến đổi nhanh.

2. Một số kết quả trong công tác dân vận của tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua

Một là, Vĩnh Phúc đã tập trung kịp thời xây dựng và ban hành các văn bản triển khai các chỉ thị, nghị quyết và chính sách, pháp luật của Trung ương liên quan đến công tác dân vận. Trong 5 năm qua, toàn Tỉnh đã xây dựng và ban hành 2.510 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động giám sát và công tác dân vận trên địa bàn Tỉnh. Ban Dân vận Tỉnh ủy đã chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu tham mưu đề xuất với Trung ương và Thường vụ Tỉnh ủy về những vấn đề liên quan đến công tác dân vận đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống dân vận các cấp trên địa bàn Tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động tham mưu giúp cấp ủy theo dõi, đôn đốc việc triển khai, sơ kết, tổng kết, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương và Tỉnh về công tác dân vận; cụ thể hóa các văn bản mới của Trung ương về công tác dân vận; nắm bắt tình hình nhân dân, phát hiện, đề xuất giải pháp giải quyết những vấn đề phát sinh ở cơ sở. Các cấp ủy Đảng trong Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận ở cơ sở, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ làm công tác vận động quần chúng ở cơ sở (cấp tỉnh 23 văn bản, cấp huyện 93 văn bản, cấp cơ sở 859 văn bản).

Hai là, việc xây dựng phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận trên địa bàn Tỉnh đã có những bước tiến đáng kể. Trong năm 2018, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận được các cấp ủy quan tâm. 100% cán bộ cấp tỉnh; 56,8% cán bộ cấp huyện, 96,4% thành viên khối dân vận cơ sở; 4.999/8.562 thành viên tổ dân vận đã được tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân vận do tỉnh, huyện tổ chức. Đối với đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội cấp cơ sở  của Tỉnh, tính hết năm 2018 có 1.435 cán bộ. Trong đó, trình độ chuyên môn trên đại học là 4 đồng chí (0,3%); đại học 426 đồng chí, (29,7%); cao đẳng 119 đồng chí (8,3%); trung cấp 650 đồng chí (63%); sơ cấp 297 đồng chí (20,7%); chưa qua đào tạo 229 đồng chí (6%)(5).

Ba là, công tác dân vận trong phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội để nắm bắt tình hình cơ sở, tham mưu kịp thời cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo đã được tăng cường. Nội dung công tác dân vận đã bám sát yêu cầu, nhiệm vụ chính trị góp phần tích cực vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Công tác dân vận thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Cựu Chiến binh tỉnh, Hội Nông dân tỉnh) đều có nhiều chuyển biến tích cực.

Công tác tập hợp và vận động quần chúng của Tỉnh từng bước được đổi mới, đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Công tác giám sát việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được tích cực thực hiện. Việc kiện toàn tổ chức, đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp dân, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo; bố trí địa điểm, cơ sở vật chất phục vụ công tác tiếp dân... đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ năm 2014 đến nay, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp của tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức phản biện hơn 1.100 văn bản. Có 100% Mặt trận Tổ quốc cấp huyện tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền cùng cấp tổ chức các hội nghị đối thoại với người dân và doanh nghiệp. Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã chủ trì tổ chức 70 cuộc giám sát và tham gia phối hợp 175 cuộc giám sát; Mặt trận Tổ quốc cấp huyện đã lập 200 đoàn giám sát và tiến hành 1.900 cuộc giám sát. Mặt trận Tổ quốc cấp cơ sở đã chủ trì giám sát 750 cuộc và phối hợp tham gia giám sát hơn 1.200 cuộc phản biện xã hội; tham gia góp ý 110 dự thảo văn bản(6).

Bốn là, công tác dân vận của các chủ thể chính quyền và lực lượng vũ trang ở Tỉnh đã có bước chuyển đáng kể. Sau 10 năm thực hiện Quy chế công tác dân vận trên địa bàn tỉnh, hoạt động công tác dân vận của các địa phương, đơn vị, cấp cơ sở đã từng bước đi vào nền nếp; các tổ chức trong hệ thống chính trị đã xác định rõ trách nhiệm trong việc phối hợp thực hiện công tác dân vận; vị trí, vai trò của công tác dân vận ngày càng được khẳng định. Năm 2018 - năm dân vận chính quyền, tập trung vào việc nâng cao đạo đức công vụ, chủ động giải quyết hiệu quả các khiếu nại tố cáo, kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân, góp phần ổn định tình hình, tạo sự đồng thuận trong nhân dân tham gia tích cực thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Mức độ hài lòng của người dân đối với các thủ tục hành chính công ở tỉnh Vĩnh Phúc là khá cao. Kết quả khảo sát của Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, có 76,67% ý kiến được hỏi đã khẳng định: hài lòng về toàn bộ quá trình thực hiện làm thủ tục về lĩnh vực đất đai. Đối với lĩnh vực cấp giấy đăng ký kinh doanh, tỷ lệ người được hỏi khẳng định hài lòng là 91,11%. Tỷ lệ người dân hài lòng đối với lĩnh vực cấp giấy đăng ký kết hôn là 92,22%. Tỷ lệ người dân được hỏi hài lòng đối với lĩnh vực cấp giấy phép xây dựng nhà ở là 83,86%(7).

 Phần lớn các Sở, Ban, ngành và 137 xã/ phường/thị trấn của trên địa bàn Vĩnh Phúc đã thực hiện tốt cơ chế “một cửa” liên thông. Tổng số thủ tục hành chính được công khai giải quyết là 1.724 (cấp tỉnh là 1.308; cấp huyện 288; cấp xã 128). Toàn tỉnh có 137 Ban Thanh tra nhân dân với 1.312 thành viên; 135 Ban Giám sát đầu tư cộng đồng với 1.145 thành viên; 1.145 tổ hòa giải với 9.349 thành viên. Trong năm 2017, Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng đã tổ chức 364 cuộc giám sát. Bên cạnh đó có 1.145 ý kiến, kiến nghị gửi các cơ quan chức năng giải quyết, đã giải quyết được 534 ý kiến, kiến nghị. Các nội dung giám sát tập trung vào các lĩnh vực: dự toán, quyết toán ngân sách; giám sát xây dựng công trình do dân đóng góp, quản lý sử dụng đất đai; giám sát thu chi ngân sách địa phương và các khoản đóng góp của dân; kết quả thanh tra kiểm tra...thực hiện hòa giải 1.200 vụ, việc mâu thuẫn trong cộng đồng, tỷ lệ hòa giải thành công 75%(8). Bên cạnh đó, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, công an, kiểm sát, tòa án...trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ khiếu nại, tố cáo và phản ánh các vụ việc của người dân cũng được đề cao. Từ năm 2008 đến năm 2017 cấp huyện của Vĩnh Phúc đã giải quyết 7.470/9.095 đơn thư (đạt 82,13%); cấp xã đã giải quyết 7.541/8.051 (đạt 93,4%). Trong năm 2018, số người trực tiếp đến cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh để khiếu nại, tố cáo, phản ánh giảm 2,5%; số lượt đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh giảm 0,5%; số vụ việc giảm 2,7%; toàn tỉnh đã xem xét giải quyết đạt tỷ lệ 91,2% (9). Đây chính là những bằng chứng sinh động cho thấy công tác dân vận chính quyền ở tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều kết quả tích cực.

 Năm là, thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng  được 960 mô hình, điển hình dân vận khéo. Trong đó, lĩnh vực kinh tế có 353 mô hình, điển hình; lĩnh vực văn hóa - xã hội có 401 mô hình, điển hình; lĩnh vực an ninh - quốc phòng có 151 mô hình, điển hình và xây dựng hệ thống chính trị với 55 mô hình, điển hình. Mỗi mô hình, điển hình đều có phương pháp chỉ đạo, cách thức triển khai, tổ chức thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở. Bên cạnh đó, công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có sự cộng hưởng đóng góp không nhỏ đối với sự thành công của các phong trào: xây dựng đời sống văn hóa; xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Sáu là, trong thực hiện công tác dân vận, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã luôn nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và giải quyết ngay từ cơ sở(10). Việc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trở thành hoạt động quan trọng, điểm sáng trong công tác dân vận góp phần tăng cường sự hiểu biết, chia sẻ giữa cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân. Đặc biệt, định kỳ ngày 10 và ngày 25 hàng tháng Chủ tịch Ủy ban hân dân tỉnh và Bí thư Tỉnh ủy tham gia điều hành việc tiếp dân. Thực tế những năm qua cho thấy, trình độ dân trí đã không ngừng nâng lên, do đó nhu cầu tiếp nhận thông tin của người dân là rất lớn. Việc lắng nghe, đối thoại với nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ngày càng trở nên cần thiết và quan trọng, được dư luận đồng tình, hoan nghênh. Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác dân vận của chính quyền; thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ cơ sở; duy trì, thực hiện có nền nếp việc đối thoại trực tiếp với nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân dân; kịp thời chỉ đạo giải quyết những vấn đề bức xúc ở cơ sở.

3. Một số thách thức đặt ra trong công tác dân vận ở tỉnh Vĩnh Phúc

Một là, trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 cuộc ngừng làm việc tập thể, nguyên nhân là do người lao động yêu cầu chủ sử dụng lao động thực hiện các chính sách theo quy định. Trong năm, trên địa bàn Tỉnh vẫn còn xảy ra một số vụ việc khiếu kiện đông người và diễn biến phức tạp tại một số nơi khi nhà nước thu hồi đất để chuyển đổi mục đích sử dụng; việc quản lý kinh tế, tài nguyên, đất đai khoáng sản và môi trường; tranh chấp đất đai, đòi lại đất cũ và liên quan đến cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng(11). Theo dự báo trong thời gian tới, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh có thể phát sinh tăng và diễn biến phức tạp, chủ yếu trong lĩnh vực đất đai, khai thác khoáng sản, môi trường, tập trung ở những địa bàn thu hồi đất đai của dân để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Hai là, một số cấp ủy Đảng ở cơ sở chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, nhất là công tác kiểm tra, đôn đốc, cụ thể hóa việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về công tác dân vận. Không ít cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực ở địa phương. Đồng thời, chưa chủ động chỉ đạo giải quyết, xử lý những tồn tại, sai phạm trong các lĩnh vực như: đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường; còn lúng túng bị động trong chỉ đạo, xử lý giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị. Một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị địa phương chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức đến công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân.

Ba là, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng, cấp ủy còn chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm. Do vậy, việc nắm bắt tình hình nhân dân, dân tộc tôn giáo có lúc, có việc chưa kịp thời, chính xác. Trong hệ thống dân vận tỉnh Vĩnh Phúc có nơi chưa chủ động tham mưu kịp thời và hiệu quả cho cấp ủy lãnh đạo giải quyết vấn đề. Công tác dân vận có những biểu hiện còn chậm, thiếu chủ động và có giải pháp khả thi trong việc tham gia giải quyết những vấn đề liên quan đến xung đột đất đai, đạo lạ, tranh chấp trong nội bộ tôn giáo...

 Bốn là, không ít đảng viên, cán bộ chưa thực sự quan tâm và làm tốt công tác dân vận trong thực thi công vụ. Đặc biệt, trình độ, năng lực chuyên môn, ý thức trách nhiệm, cơ chế chính sách cho hệ thống cán bộ làm công tác dân vận không ít bất cập. Vẫn còn 38/137 xã, phường, thị trấn chưa bố trí đúng trưởng khối dân vận, 326 cán bộ (16,4%) chủ chốt Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội chưa qua đào tạo về chuyên môn và 229 đồng chí (16%) chưa qua đào tạo về lý luận chính trị. Phần lớn cán bộ làm công tác dân vận trên địa bàn tỉnh được đào tạo từ các chuyên ngành khác, do đó chưa có bằng đại học cử nhân dân vận. Công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ dân vận mặc dù được tiến hành hàng năm, tuy nhiên chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Nguyên nhân là do đội ngũ cán bộ cơ sở chưa được đào tạo bài bản, phù hợp với chức trách và nhiệm vụ công tác dân vận trong tình hình mới.

Năm là, việc thực hiện đối thoại, tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương vẫn còn không ít bất cập, nhất là ở cấp cơ sở; không ít nơi có chất lượng, hiệu quả thấp, việc theo dõi tình hình còn chủ quan, thiếu kịp thời chính xác. Bên cạnh đó, công tác phân loại đơn thư, tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, có thái độ thách thức với người dân của một số cán bộ trong thực thi công vụ... dẫn đến khiếu kiện kéo dài vượt cấp, khiếu kiện đông người. Một số cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo phản ánh còn hạn chế về năng lực, trình độ chưa cập nhật các văn bản pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước. Việc bố trí cán bộ thực hiện nhiệm vụ tiếp dân, đối thoại còn khó khăn do chưa bố trí biên chế định biên, còn kiêm nhiệm. Cần phải có hệ thống giải pháp đồng bộ hơn, quyết liệt hơn để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối thoại tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp. Thống nhất về tư tưởng chính trị, xem đây thực sự là khâu đột phá trong công tác dân vận hiện nay.

Sáu là, trách nhiệm của các cơ quan truyền thông đại chúng trên địa bàn tỉnh trong định hướng dư luận xã hội, cung cấp thông tin kịp thời những vụ việc liên quan đến công tác dân vận còn không ít bất cập. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhất là pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo... còn không ít bất cập. Trong khi đó, hệ thống chính sách pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh chóng và phức tạp của tình hình thực tiễn. Ý thức tuân thủ pháp luật khi tham gia khiếu nại, tố cáo, phản ánh của một bộ phận người dân chưa cao; một số công dân không nắm được thời hạn và thời hiệu giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật; các quy định về xác định hành vi vi phạm của người tố cáo sai sự thật và chế tài xử lý đối với đối tượng này chưa cụ thể rõ ràng. Chưa có hướng dẫn, quy trình về giải quyết kiến nghị phản ánh. Chất lượng áp dụng pháp luật trong giải quyết khiếu nại tố cáo có việc còn hạn chế, thiếu kịp thời. Chất lượng công tác tổng hợp, báo cáo về tình hình khiếu nại, tố cáo, phản ánh, tiếp dân ở cấp huyện, xã còn bất cập.

Bảy là, sự phối kết hợp giữa các cơ quan chuyên môn trong thực hiện công tác dân vận còn chưa được thực hiện tốt. Đặc biệt là, sự phối hợp của các cấp các ngành, các cơ quan đơn vị trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh của người dân còn hạn chế, thực hiện chưa nghiêm. Công tác dân vận của chính quyền đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, song còn chưa đáp ứng yêu cầu. Sự phối hợp giữa chính  quyền và đoàn thể trong công tác dân vận ở nhiều nơi vẫn còn hình thức, kém hiệu quả. Hiệu quả công tác giám sát, phản biện của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc chưa cao. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện nhiệm vụ dân vận còn không ít bất cập. Một số vụ việc kết luận của Thanh tra chưa chính xác, kịp thời, thiếu tính thuyết phục; chưa kiên quyết xử lý nghiêm đối với cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật khi chậm trễ, thiếu trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh.

Tám là, có sự chênh lệch về nhận thức và kết quả thực hiện công tác dân vận giữa các địa phương trên địa bàn Tỉnh. Sự chênh lệch này không chỉ có nguyên nhân từ điều kiện sản xuất, mức sống, trình độ dân trí... mà còn do công tác tuyên truyền và chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị các cấp của địa phương. Bên cạnh đó, những nhân tố làm dân vận quan trọng ở cơ sở đông về số lượng nhưng không mạnh về chất lượng và hiệu quả hoạt động, do chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận chưa được xác định rõ ràng. Đồng thời, chính sách đối với cán bộ cơ sở chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến công việc chồng chéo, hội họp nhiều mà hiệu quả giải quyết công việc kém. Phần lớn công việc của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở là phổ biến, quán triệt, tổ chức thực hiện chỉ thị, nghị quyết của cấp trên chứ chưa thật sự quan tâm nắm bắt, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích của nhân dân tại cơ sở. Nếu có thể so sánh giữa các tổ chức làm công tác dân vận trong hệ thống chính trị thì chính quyền làm dân vận là còn nhiều bất cập nhất. Chẳng hạn, việc thực hiện chủ trương thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng thì công tác dân vận được quan tâm. Trong khi đó việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng sống, bảo đảm quyền lợi của người dân thì dân vận chính quyền có xu hướng đẩy sang cho các chủ thể dân vận khác. Không những vậy, trong quá trình chuẩn bị chủ trương dự án đầu tư, hệ thống dân vận vì nhiều lý do khác nhau chưa có sự chủ động vào cuộc sớm, vào cuộc ngay từ đầu cùng với các ngành chức năng khác.

Vĩnh Phúc là một điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, tuy nhiên cũng kéo theo nhiều hệ lụy - vấn đề xã hội và tình huống dân vận phức tạp cần được giải quyết kịp thời, chất lượng và hiệu quả hơn. Từ thực tiễn Vĩnh Phúc cho thấy, nhiều vấn đề mới nảy sinh trong quá trình đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế đòi hỏi phải nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận của Đảng như: Mối quan hệ giữa Đảng và dân trong quá trình thực hiện kinh tế thị trường với việc giải quyết sự phân hóa giàu nghèo và thực hiện công bằng xã hội; công nghiệp hóa, hiện đại hóa với việc dịch chuyển lớn cơ cấu, thành phần giai cấp, phân công lao động trong xã hội; vấn đề nông dân phải dành đất cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thiếu việc làm, thất nghiệp, đời sống, thu nhập thấp... Đây thực sự là những vấn đề cơ bản, chiến lược, cấp bách cần phải được quan tâm nghiên cứu nhiều hơn cả về lý luận và thực tiễn.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2019

(1), (3) Ban Dân vận Tỉnh ủy Vĩnh Phúc: Kết quả công tác dân vận năm 2018, phương hướng nhiệm vụ công tác dân vận năm 2019, 2019.

(2) Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc: Niêm giám thống kê 2017.

(4) Tỉnh ủy Vĩnh Phúc: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Vĩnh Phúc, 2015.

 (5), (6), (9) Tỉnh ủy Vĩnh Phúc: Sơ kết 5 năm thực hiện quyết định số 217-QĐ/TW, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị và tổng kết công tác dân vận năm 2018, 2018a.

(7) Sở Nội vụ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc: Báo cáo kết quả khảo sát sự hài lòng của người dân đối với một số dịch vụ công năm 2017 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, 2018.

(8), (11) Tỉnh ủy Vĩnh Phúc: Báo cáo Kết quả thực hiện chỉ thị 35-CT/TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, 2018d.

(10) Trong  ngày tiếp công dân của Chủ tịch UBND tỉnh có khoảng 70% liên quan đến đất đai, 20% liên quan đến thực hiện chính sách an sinh xã hội, 5% liên quan đến vấn đề tư pháp - hộ tịch, còn lại là những vấn đề khác.

PGS, TS Nguyễn Tất Giáp

TS Đỗ Văn Quân

Viện Xã hội học và Phát triển,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền