Trang chủ    Thực tiễn    Nhận thức của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong việc thực hiện công tác dân số và phát triển trong giai đoạn mới
Thứ năm, 27 Tháng 2 2020 16:27
1465 Lượt xem

Nhận thức của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong việc thực hiện công tác dân số và phát triển trong giai đoạn mới

(LLCT) - Ngay sau khi Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới được ban hành, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 137/NQ-CP để thực hiện Nghị quyết số 21 về công tác dân số trong tình hình mới. Trong đó, xác định dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu, là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết, vừa lâu dài và là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Dựa vào nguồn số liệu điều tra thuộc đề tài cấp Viện năm 2019(1) với mẫu nghiên cứu là 256 cán bộ lãnh đạo, quản lý của 3 tỉnh/thành phố là: Hà Nội, Yên Bái, Nghệ An, bài viết tập trung mô tả và nhận diện nhận thức của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý (LĐQL) và từ đó gợi ý một số khuyến nghị hướng đến nâng cao nhận thức của cán bộ LĐQL trong việc triển khai công tác dân số trong thời kỳ mới.

Sau nhiều năm kiên trì thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, dân số của nước ta đã có nhiều đặc điểm khác biệt so với giai đoạn đầu khi chúng ta bắt đầu thực hiện chính sách này từ những năm 1960. Những thay đổi nhanh chóng về quy mô, cơ cấu, phân bổ và chất lượng dân số đã, đang và sẽ ảnh hướng lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia. Chính vì vậy Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới được ban hành ngày 25-10-2017, trong đó xác định: “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”(2). 

Tuy nhiên để đưa công tác dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số thành nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp nhằm triển khai thành công công tác dân số trên địa bàn toàn quốc và từng địa phương không phải là việc đơn giản. Bởi “một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đúng và đầy đủ về tính chất lâu dài, khó khăn, phức tạp, tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình;... Trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số vẫn còn nặng về kế hoạch hóa gia đình, chưa chú trọng các mặt cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và tác động qua lại của các yếu tố này với phát triển(3)”. Mặt khác, do tình hình dân số, đặc điểm kinh tế - xã hội ở các vùng, các tỉnh có nhiều điểm khác nhau nên mỗi địa phương cần sắp xếp thứ tự ưu tiên trong việc thực hiện mục tiêu và vận dụng sáng tạo 7 giải pháp mà Nghị quyết số 21 đề ra nhằm triển khai tốt công tác dân số trong thời kỳ mới.

Để  Nghị quyết số 21 của Đảng về công tác dân số trong giai đoạn mới có tính khả thi trong thực tiễn thì việc tiến hành đánh giá, đo lường mức độ nhận thức của đội ngũ cán bộ LĐQL về công tác dân số và phát triển có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.

1. Các chiều cạnh đo lường nhận thức của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý về việc triển khai công tác dân số và phát triển

Trong nghiên cứu, chúng tôi coi nhận thức của đội ngũ cán bộ LĐQL về việc triển khai nhiệm vụ công tác dân số và phát triển trong giai đoạn mới là quá trình, trong đó đội ngũ cán bộ LĐQL tái hiện hiện thực vào trong tư duy để tạo ra kiến thức, tri thức, niền tin, ý thức,... về việc triển khai nhiệm vụ của công tác dân số dưới sự tác động của bối cảnh xã hội nhất định.

Chủ thể của nhận thức cần được đo lường ở đây là đội ngũ cán bộ LĐQL trong hệ thống chính trị, trong đó bao gồm: cán bộ LĐQL nhà nước, cán bộ, lãnh đạo quản lý các cơ quan ban đảng, cán bộ LĐQL trong các tổ chức chính trị - xã hội thuộc các cấp khác nhau. Đối tượng của nhận thức là việc triển khai công tác dân số và phát triển trong giai đoạn mới.

Để đo lường nhận thức của đội ngũ cán bộ về việc triển khai nhiệm vụ công tác dân số và phát triển trong giai đoạn mới chúng ta cần xác định được các chiều cạnh, các thành tố cơ bản cũng như lựa chọn các thang đo phù hợp.

Cùng với sự phát triển của ý thức con người, các thành phần cơ bản của nhận thức ngày càng đa dạng. Theo quan điểm của các nhà khoa học, các thành tố cơ bản của nhận thức bao gồm: (1) Những kiến thức, tri thức (những điều các cá nhân thấy, biết, ghi nhớ do học tập, trải nghiệm hay vì những cảm xúc hoặc lý trí mà biết), được phát triển thông qua sự tương tác với môi trường vật chất và văn hóa(4). (2) Niềm tin là thành tố cơ bản của nhận thức. Theo quan điểm triết học, niềm tin được thể hiện trên bốn phương diện là bản thể luận, nhận thức luận, giá trị luận và thực tiễn luận. (3) Ý thức: Trong lý thuyết Santiago thì ý thức là một trải nghiệm sống động, tỉnh táo bộc phát ở những cấp độ nhất định của quá trình nhận thức ở mức độ phức tạp đòi hỏi phải có một não bộ và hệ thần kinh cao cấp. Ý thức là một kiểu đặc biệt của quá trình nhận thức nảy sinh khi nhận thức đạt đến một trình độ phức hợp nhất định(5). Ngoài ra nhận thức còn bao gồm những nhận định, đánh giá, hay quá trình hoạch định và tư duy.

Soi chiếu từ lý luận về nhận thức đã phân tích ở trên, khi đo lường, đánh giá nhận thức của đội ngũ cán bộ LĐQL về việc triển khai công tác dân số và phát triển trong giai đoạn mới chúng tôi tập trung đo lường, đánh giá nhận thức của đội ngũ cán bộ LĐQL trên các chiều cạnh chính như sau:

Thứ nhất, nghiên cứu đo lường mức độ nhận thức của cán bộ lãnh đạo, quản lý về dân số, các đặc trưng của dân số trên quy mô cả nước cũng như thực trạng dân số tại địa phương nơi cán bộ công tác.

Thứ hai, nghiên cứu đo lường, đánh giá mức độ nhận thức của đội ngũ cán bộ LĐQL về Nghị quyết số 21 Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về công tác dân số trong tình hình mới.

Thứ ba, nghiên cứu đo lường, đánh giá mức độ nhận thức của đội ngũ cán bộ LĐQL về việc triển khai nghị quyết 21 NQ/TW Về công tác dân số trong tình hình mới tại các địa phương. Trong đó chúng tôi tìm hiểu về mức độ nhận thức của đội ngũ cán bộ LĐQL đối với các hoạt động triển khai Nghị quyết số 21 và ý kiến đánh giá của họ đối với công tác này; đánh giá nhận thức của đội ngũ cán bộ về trách nhiệm của bản thân trong việc triển khai công tác dân số và phát triển tại địa phương cũng như đánh giá khả năng nắm kiến thức để có thể triển khai Nghị quyết trong thực tế.

Khi đo lường nhận thức của đội ngũ cán bộ LĐQL về một chiều cạnh cụ thể nào đó liên quan đến việc triển khai công tác dân số và phát triển trong giai đoạn mới, nghiên cứu hướng đến đo lường, đánh giá các thành tố cơ bản của nhận thức bao gồm: các kiến thức, tri thức, các dạng thông tin mà đội ngũ cán bộ LĐQL của các địa phương biết, tiếp nhận, ghi nhớ, lưu giữ được; những điều mà đội ngũ cán bộ LĐQL đang tin vào, nghĩa là tìm hiểu xem họ đang tin vào điều gì;  điều họ biết, tin có phù hợp với các đặc trưng về dân số hay thực tiễn triển khai công tác dân số tại địa phương không? Họ có nhận định, đánh giá như thế nào về thực trạng dân số và việc triển khai công tác dân số? Họ ý thức như thế nào về việc triển khai công tác dân số và phát triển trong giai đoạn mới và họ có ý thức như thế nào về trách nhiệm của bản thân trong việc triển khai công tác dân số và phát triển trong giai đoạn mới? Với mỗi thành phần của nhận thức chúng tôi sẽ sử dụng các thang đo khác nhau phù hợp với tính chất vấn đề.

Với các yếu tố thông tin, kiến thức và tri thức, nghiên cứu vận dụng thang đo Bloom để đánh giá lượng và loại thông tin, kiến thức tri thức về việc triển khai công tác dân số trong giai đoạn mới mà đội ngũ cán bộ LĐQL biết, được tiếp cận. Theo đó chúng tôi cần tìm hiểu đội ngũ cán bộ LĐQL biết những loại thông tin gì, từ nguồn nào? Họ biết ở mức độ như thế nào?

Với yếu tố niềm tin, nghiên cứu tìm hiểu họ tin vào những điều gì và điều họ tin có đúng với nhứng gì đang diễn ra trong thực tế hay không?

Với yếu tố ý thức, nghiên cứu tìm hiểu họ có ý thức như thế nào đối với việc triển khai nhiệm vụ công tác dân số và phát triển trong giai đoạn mới?

Với các yếu tố nhận định, đánh giá, lựa chọn, nghiên cứu tập trung tìm hiểu đội ngũ cán bộ LĐQL nhận định, đánh giá như thế nào về thực trạng dân số và việc thực hiện công tác dân số tại địa phương? Đồng thời, nghiên cứu tìm hiểu quan điểm của đội ngũ cán bộ về việc triển khai công tác dân số và phát triển trong giai đoạn mới.

2. Thực trạng nhận thức của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý về việc triển khai công tác dân số trong giai đoạn mới

Thứ nhất, về tốc độ gia tăng dân số của nước ta. Mặc dù tốc độ dân số của nước ta đã chậm lại trong nhiều năm qua nhưng trên thực tế đa số đội ngũ cán bộ LĐQL trong mẫu nghiên cứu đều khẳng định tốc độ gia tăng dân số của nước ta vẫn duy trì ở mức cao. Ngay cả với các địa phương có tốc độ gia tăng dân số thấp thì đội ngũ cán bộ LĐQL vẫn tin rằng tốc độ gia tăng dân số tại địa phương vẫn duy trì ở mức cao. (Yên Bái là một ví dụ: Trong nhiều năm qua địa phương này có tốc độ gia tăng dân số thấp hơn mức trung bình của cả nước. Nhưng 28% đội ngũ cán bộ của tỉnh Yên Bái trong mẫu nghiên cứu đánh giá “Tốc độ gia tăng dân số trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì ở mức cao” là đúng và 59,3%  cán bộ cho rằng nhận định trên đúng một phần.) Như vậy, một bộ phận lớn đội ngũ cán bộ LĐQL vẫn có nhận định chưa thật phù hợp với tốc độ gia tăng dân số trên quy mô cả nước và tốc độ gia tăng dân số của địa phương. Do đó nhiều cán bộ LĐQL vẫn còn hiểu nhầm mục tiêu của công tác dân số trong thời kỳ mới là ưu tiên giảm mức sinh. Nhiều người tin rằng, mục tiêu của công tác dân số trong thời kỳ mới theo Nghị quyết số 21 là giảm mức sinh.  Điều đó cho thấy quan điểm của công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình là giảm sinh vẫn còn sâu đậm trong tâm tưởng của một bộ phận đội ngũ cán bộ LĐQL.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nghi nhận quan điểm đối lập khi cho rằng chính sách dân số hiện tại có thể cho phép các gia đình được sinh con theo ý muốn. Như vậy cả hai quan điểm này đều không phù hợp với tốc độ gia tăng dân số hiện tại của nước ta và chưa phù hợp với quan điểm của Nghị quyết số 21 về công tác dân số của Đảng.

 Thứ hai, về cơ cấu dân số. Liên quan đến các đặc trưng về cơ cấu dân số theo giới tính và độ tuổi, đội ngũ cán bộ LĐQL trong mẫu nghiên cứu có những đánh giá, nhận định tương đối sát hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy có sự khác biệt trong nhận thức của đội ngũ nam cán bộ LĐQL và đội ngũ nữ cán bộ LĐQL về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Sự khác biệt này thể hiện thông qua các con số thống kê. Tỷ lệ nữ cán bộ LĐQL “đồng ý” với nhận định “tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của nước ta đã ở mức nghiên trọng” cao hơn nam cán bộ LĐQL (tỷ lệ tương ứng là 62,4% và 47,8%). Vẫn còn một tỷ lệ lớn (43,5%) nam cán bộ LĐQL đánh giá “chỉ đúng một phần”về nhận định “tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh đã ở mức nghiêm trọng”. Họ vẫn chưa nhận thức đúng hoàn toàn về tình trạng mất cân bằng giới tính trong cơ cấu dân số nước ta hiện nay. Đa số nam cán bộ LĐQL “đồng ý” có sự gia tăng về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh nhưng một phần trong số họ vẫn chưa nhận thức được mức độ nghiêm trọng của tình trạng này.

Thứ ba, liên quan đến chất lượng dân số. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhận thức của đội ngũ cán bộ LĐQL về đặc trưng này của dân số còn tương đối hạn chế. Nhiều nhận định, quan điểm của cán bộ LĐQL về chất lượng dân số vẫn còn chưa sát với tình hình thực tế của địa phương hay của cả nước, đặc biệt là nhận thức liên quan đến tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em. Như vậy, so với quy mô, cơ cấu dân số thì chất lượng dân số vẫn là một lĩnh vực mà sự hiểu biết của đội ngũ cán bộ LĐQL còn nhiều hạn chế.

Thứ tư, liên quan đến phân bố dân cư và chất lượng quản lý dân cư. Đa số đội ngũ cán bộ LĐQL đã nhận thức được những bất cập liên quan đến sự phân bố dân cư và công tác quản lý nhập cư. Tuy nhiên, liên quan đến những lĩnh vực cụ thể như những khó khăn trong tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản của người nhập cư thì phần lớn đội ngũ cán bộ LĐQL chưa có nhận thức phù hợp. Mặc dù các công trình nghiên cứu đều chỉ ra những khó khăn của người nhập cư trong tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản do chính sách quản lý dân cư hiện tại nhưng đa số những thông tin này vẫn chưa đến được với đội ngũ cán bộ LĐQL. Nhiều người vẫn cho rằng, không có sự khác biệt trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản giữa người nhập cư và người bản địa là đúng.

3. Một số hàm ý chính sách nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý trong triển khai công tác dân số trong thời kỳ mới

Thứ nhất, để đội ngũ cán bộ LĐQL hiểu rõ về tốc độ gia tăng dân số trên quy mô cả nước và tại mỗi địa phương, đồng thời nâng cao nhận thức của họ về mục tiêu của công tác dân số trong thời kỳ mới, khi tuyên truyền về dân số và công tác dân số cần lưu ý để đội ngũ cán bộ hiểu rõ về tốc độ gia tăng dân số của cả nước cũng như của từng địa phương nhằm tránh việc hiểu nhầm về mục tiêu của công tác dân số. Việc cho rằng mục tiêu của công tác dân số trong thời kỳ mới là hướng đến giảm mức sinh hay tăng mức sinh bằng cách cho phép các gia đình được sinh con theo ý muốn đều là nhận định, quan điểm không phù hợp, có thể ảnh hưởng không tốt tới việc thực hiện triển khai công tác dân số trong thời kỳ mới. Do đó trong tuyên truyền cần phân tích rõ về tốc độ gia tăng dân số và mục tiêu của công tác dân số trong thời kỳ mới.

Thứ hai, đẩy mạnh truyền thông liên quan đến chất lượng dân số. Nâng cao chất lượng dân số được coi là một trong ba đột phá chiến lược để thực hiện mục tiêu dân số trong giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu này trong những năm qua còn nhiều hạn chế. Điều này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ sự nhận thức chưa đầy đủ, đúng đắn của đội ngũ cán bộ LĐQL về thực trạng chất lượng dân số nước ta. Theo đó, cần đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý về lĩnh vực này nhằm tạo chuyển biến trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện triển khai công tác dân số trong giai đoạn mới.

Thứ ba, cần đẩy mạnh các công trình nghiên cứu về khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nhập cư cũng như các công trình nghiên cứu về hệ thống quản lý dân cư mới. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông tuyên truyền thông qua việc học tập trên lớp, thông qua hội nghị phổ biến nghị quyết của Đảng và đặc biệt thông qua phương tiện truyền thông hiện đại để phổ biến sâu rộng các thông tin liên quan đến sự phân bố dân cư và hệ thống quản lý nhập cư. Do đó, rất cần nâng cao chất lượng của các hội nghị phổ biến nghị quyết của Đảng bởi trên thực tế có 79,9% đội ngũ cán bộ LĐQL trong mẫu nghiên cứu chỉ ra rằng, họ tiếp nhận các thông tin về dân số và nghị quyết thực hiện công tác dân số thông qua các hội nghị phổ biến nghị quyết của Đảng. Tuy nhiên, để bổ sung cho hình thức phổ biến thông tin qua hội nghị cần phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt thông qua các trang mạng xã hội để cập nhật phổ biến thông tin về dân số đến đội ngũ cán bộ LĐQL. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, khi có nhu cầu tìm hiểu thông tin liên quan đến dân số, phần lớn đội ngũ cán bộ LĐQL lựa chọn tìm hiểu thông tin thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng hay qua mạng internet.

Thứ tư, việc đẩy mạnh tuyên truyền về Nghị quyết 21 là điều cần thiết bởi. Kết quả nghiên cứu cho thấy, đa số đội ngũ cán bộ LĐQL tự đánh giá mình biết sơ qua về Nghị quyết số 21. Tuy nhiên vẫn còn 4% cán bộ LĐQL “không biết” hay “không quan tâm” đến Nghị quyết số 21 về công tác dân số trong thời kỳ mới. Vẫn còn một bộ phận cán bộ LĐQL chưa hiểu rõ mục tiêu của Nghị quyết số 21. Do đó, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến quan điểm mục tiêu và giải pháp thực hiện công tác dân số theo tinh thần của Nghị quyết số 21, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ LĐQL về các kế hoạch thực hiện triển khai nghị quyết tại các địa phương.

Thứ năm, cần có những nghiên cứu đánh giá về thực trạng và hiệu quả của hoạt động sáp nhập bộ máy liên quan đến thực hiện công tác dân số tại mỗi địa phương. Trong thực tế, chủ trương sáp nhập Trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình vào trung tâm y tế đa chức năng đang được thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Việc sáp nhập bộ máy tổ chức được kỳ vọng sẽ giúp cho công tác y tế, dân số hỗ trợ nhau tốt hơn, nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số. Theo đó, đến nay nhiều địa phương đã tiến hành sáp nhập trung tâm dân số vào trung tâm y tế thành trung tâm y tế đa chức năng. Tuy nhiên, mỗi tỉnh, thành phố đang sáp nhập theo các mô hình khác nhau. Nơi thì thành lập phòng dân số trong trung tâm y tế, nơi sẽ thành lập khoa, nơi sẽ thành lập gộp mảng dân số vào chung với mảng khác(6). Do đó, việc sáp nhập đã tạo ra nhiều luồng ý kiến, quan điểm trái chiều.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, còn hai luồng quan điểm tương đối đối lập nhau về hiệu quả của hoạt động sáp nhập trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình quận, huyện vào trung tâm y tế đa chức năng. 151 cán bộ (60,6%) LĐQL trong mẫu nghiên cứu cho rằng, việc sáp nhập làm tăng hiệu quả tổ chức nhân sự và 154 cán bộ (chiếm 62,6%) cho rằng việc sáp nhập làm tăng hiệu quả chất lượng hoạt động triển khai nhiệm vụ công tác dân số. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn 39,1% cán bộ cho rằng, hoạt động này không làm tăng hiệu quả về tổ chức nhân sự thậm chí còn giảm đi và 37,4 % cán bộ cho rằng, hiệu quả chất lượng hoạt động triển khai nhiệm vụ công tác dân số không thay đổi hoặc giảm đi. Do đó, để có bộ máy vừa tinh gọn, hiệu quả nhằm thực hiện triển khai tốt công tác dân số chúng ta cần có nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng về việc thực hiện chủ trương này trong thực tế.

_______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2019

(1) Đề tài“Nhận thức của cán bộ lãnh đạo, quản lý đối với việc triển khai nhiệm vụ công tác dân số và phát triển trong giai đoạn mới”, Viện Xã hội học và Phát triển chủ trì, 2019.

(2), (3), Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 21-NQ/TW, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, về công tác dân số trong tình hình mới, https://thuvienphapluat.vn.

(4) Knud S.Larsen, và Lê Văn Hảo: Tâm lý học xuyên văn hóa, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2015, tr.195.

(5) Fritjof Capra những mối quan hệ tiềm ẩn, (Nguyễn Nguyên Hy dịch), Nxb Tri thức, 2017, tr.65, 66.

(6) “Sáp nhập trung tâm dân số vào trung tâm y tế đa chức năng”, http://giadinh.net.vn.

PGS, TS Đặng Thị Ánh Tuyết

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS Hoàng Thị Quyên

Học viện Chính trị khu vực IV

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền