Trang chủ    Thực tiễn    Xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0
Thứ tư, 18 Tháng 3 2020 11:07
3728 Lượt xem

Xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0

(LLCT) - Hiện nay, khoảng 65% người dân Việt Nam sinh sống ở nông thôn, trong đó đại đa số là nông dân. Là nhân vật trung tâm của xã hội nông thôn, họ chính là chủ thể của mọi quá trình kinh tế - văn hóa - xã hội diễn ra tại khu vực này. CMCN 4.0 tác động mạnh mẽ đến nhận thức, phương thức lao động sản xuất, cơ cấu xã hội, môi trường sống và vai trò của nông dân. Cơ hội mà cuộc cách mạng này mang lại rất to lớn, nhưng nguy cơ, thách thức đối với người nông dân cũng không hề nhỏ. Do đó, đặt ra yêu cầu phải nâng cao trình độ mọi mặt, nâng cao thu nhập và đời sống, vị thế và vai trò của nông dân để họ có thể đứng vững trước vòng xoáy của toàn cầu hóa và CMCN 4.0.

Từ khóa: Cách mạng công nghiệp 4.0, giai cấp nông dân Việt Nam.

1. Cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp

CMCN 4.0 với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học với sự đột phá của Internet vạn vật và Trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới. CMCN 4.0 với đặc điểm là tận dụng một cách triệt để sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin. Làn sóng công nghệ mới này diễn ra với tốc độ khác nhau tại các quốc gia trên thế giới, nhưng đang tạo ra tác động mạnh mẽ, ngày một gia tăng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, làm thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất của xã hội.

Bản chất của CMCN 4.0 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh, công nghệ cao để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất, nhấn mạnh những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn nhất như công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, tự động hóa, người máy...

CMCN 4.0 diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn thế giới, thông qua các công nghệ hiện đại như internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), điện toán đám mây, dữ liệu lớn... Cuộc cách mạng này tạo động lực thúc đẩy các ngành sản xuất phát triển theo chiều sâu, giảm tiêu hao năng lượng và nguyên liệu, giảm tác hại cho môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của sản xuất. Đặc biệt, CMCN 4.0 đã tác động toàn diện đến tất cả các lĩnh vực sản xuất, trong đó có nông nghiệp; tác động sâu sắc đến các giai cấp, tầng lớp trong xã hội, trong đó có nông dân.

Đối với ngành nông nghiệp, ứng dụng những thành tựu công nghệ hiện đại của CMCN 4.0 có thể giúp giải quyết những thách thức mà ngành đang phải đổi mặt: thứ nhất, điều kiện sản xuất ngày càng khó khăn hơn (diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp do quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ; lực lượng lao động trong nông nghiệp có xu hướng giảm do chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tình trạng già hóa dân số; biến đổi khí hậu khiến cho việc canh tác theo lối truyền thống ngày càng khó khăn và bấp bênh...); thứ hai, mức thu nhập của người tiêu dùng ngày càng tăng nên nhu cầu về chất lượng của nông sản, tính đa dạng, phong phú và thân thiện với môi trường sống ngày càng cao.

Khái niệm Nông nghiệp 4.0 hiện nay được sử dụng tương đối phổ biến, hàm ý chỉ hệ thống các hoạt động nông nghiệp trong bối cảnh CMCN 4.0. Nông nghiệp 4.0 còn có nhiều tên gọi khác như nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác..., được coi là hàm số của: Nông nghiệp thông minh x Công nghệ thông minh x Thiết kế thông minh x Doanh nghiệp thông minh.

Nông nghiệp 4.0 là một quy trình khép kín bằng công nghệ mà con người không cần có mặt trực tiếp bao gồm tự động hóa từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển và chế biến; giống chất lượng cao, phân bón thông minh, thuốc trừ sâu thảo dược; canh tác chính xác; ứng dụng điện toán đám mây để truy xuất nguồn gốc nông sản... Bản chất của nông nghiệp 4.0 sẽ là kết nối internet suốt chuỗi giá trị, tạo ra nhiều sản phẩm mới, tối ưu hóa quy trình sản xuất, thay đổi phương thức quản trị để sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn.

Trong bối cảnh CMCN 4.0, phát triển nông nghiệp sẽ tập trung ứng dụng các công nghệ chính như: Công nghệ nhà kính là một trong những loại công nghệ được áp dụng phổ biến nhất trong nông nghiệp, giúp tránh được điều kiện khí hậu bất lợi, bảo đảm luôn giữ được môi trường ổn định cho cây trồng vật nuôi, chống côn trùng, bệnh tật lây lan. Công nghệ canh tác: trong đó các kỹ thuật trồng cây thủy canh dựa trên cơ sở cung cấp dinh dưỡng qua nước; kỹ thuật khí canh dựa trên cơ sở cung cấp dinh dưỡng dưới dạng phun sương mù và kỹ thuật trồng cây trên giá thể - dinh dưỡng chủ yếu được cung cấp chủ yếu ở dạng lỏng thông qua giá thể trơ (sỏi nhỏ, tro trấu, xơ dừa...). Công nghệ tưới với hệ thống tưới nhỏ giọt là biện pháp tưới tiêu tiết kiệm nước nhất, giảm đến 30-60% nước so với phương pháp tưới tiêu truyền thống. Công nghệ sinh học đã góp phần tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao hơn. Công nghệ bảo quản và chế biến nông sản đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý và tổ chức sản xuất, góp phần quan trọng trong việc quản lý và tổ chức sản xuất, góp phần quản lý tốt hơn chất lượng nông sản, tăng giá trị nông sản. Công nghệ thông tin nhằm kiểm soát tự động hóa tất cả các khâu của quá trình sản xuất, làm tăng khả năng thích ứng và tiếp cận của nông dân trước những biến động về thời tiết và thị trường.

Tóm lại, việc ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại của CMCN 4.0 vào sản xuất nông nghiệp thông minh là một xu hướng tất yếu nhằm phát huy lợi thế của ngành nông nghiệp, tăng năng suất và chất lượng nông sản, cải thiện và nâng cao đời sống của nông dân, góp phần đảm bảo an ninh lương thực bền vững.

Hiện nay, Việt Nam chưa có mô hình hoàn chỉnh về nông nghiệp 4.0, nhưng đã áp dụng công nghệ 4.0 ở một số khâu  sản xuất như: cảm biến nhiệt độ, độ ẩm đang được một số cơ sở ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao áp dụng thông qua các chương trình hợp tác quốc tế; ứng dụng công nghệ IoT có phần mềm Agricheck, phần mềm VIFARM kết nối toàn câu cho từng bao gói sản phẩm, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất, chế biến, thời gian bảo quản... Xu hướng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đang ngày càng định hình ở nước ta, cụ thể: thứ nhất, xu hướng tái cơ cấu nông nghiệp - giảm lúa, tăng màu; thứ hai, xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao; thứ ba, xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ và sản xuất nông sản sạch; thứ tư, xu hướng dồn điền đổi thửa - hình thành cánh đồng lớn, sản xuất tập trung; thứ năm, xu hướng xây dựng nông thôn mới. Thống kê cho thấy, Việt Nam hiện có 29 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hoạt động tại 12 tỉnh, thành phố, trong đó Lâm Đồng là tỉnh áp dụng công nghệ cao lớn nhất cả nước. Bên cạnh đó, diện tích nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam ngày càng tăng, từ mức 21.300 ha (năm 2010) lên 43 nghìn ha (năm 2017). Số lượng các sáng chế về nông nghiệp hữu cơ tăng từ 20 sáng chế (năm 2000) lên 104 sáng chế (năm 2015).

2. Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến giai cấp nông dân Việt Nam

Ở Việt Nam hiện nay, có khoảng 65% người dân sống ở nông thôn, trong đó đại đa số là nông dân. Là nhân vật trung tâm của xã hội nông thôn, nông dân chính là chủ thể của mọi quá trình kinh tế - văn hóa - xã hội diễn ra ở nông thôn. Đảng và Nhà nước ta đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt và có nhiều chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Những chính sách này tác động mạnh mẽ đến vị thế chủ thể của người nông dân. Đặc biệt, ngày 5-8-2008, Hội nghị Trung ương 7 khóa X ban hành Nghị quyết số 26/NQTW được coi là một bước ngoặt quan trọng trong việc xác định rõ hơn vị trí trọng yếu của vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nghị quyết đã khẳng định: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.”(1). Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân chính là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới hiện đại, văn minh.

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, nông nghiệp nước ta đã phát triển theo hướng hiện đại hơn; nông thôn được nâng cấp xanh, sạch, đẹp hơn; đời sống của người nông dân được cải thiện rõ rệt, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh những thành tựu to lớn đạt được, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn tồn tại một số hạn chế, yếu như sau: Thứ nhất, nhận thức về vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn hạn chế, trong cả đội ngũ cán bộ, công chức, hệ thống chính trị và toàn xã hội. Thứ hai, nông nghiệp phát triển chưa bền vững, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh, hiệu quả sản xuất nông sản còn thấp. Sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ; thiếu liên kết trong hợp tác sản xuất, kinh doanh giữa hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp gây trở ngại cho việc cơ giới hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, áp dụng khoa học - công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất. Thứ ba, nông dân Việt Nam tuy chiếm đa số trong cơ cấu xã hội song thu nhập, đời sống của họ còn thấp so với trung bình cả nước; khoảng cách mức sống giữa nông thôn và thành thị ngày càng rộng, do đó xu hướng.ời bỏ nghề nông tăng lên, một bộ phận khá lớn nông dân tìm cách di cư ra các đô thị, khu công nghiệp để mưu sinh, lập nghiệp.

CMCN 4.0 tác động mạnh mẽ đến nhận thức, phương thức lao động sản xuất, cơ cấu xã hội, môi trường sống và vị thế, vai trò làm chủ của nông dân. Cơ hội mà cuộc cách mạng này mang lại rất lớn nhưng nguy cơ, thách thức mà nó đặt ra đối với nông dân cũng không nhỏ. Trước ảnh hưởng mạnh mẽ của toàn cầu hóa và CMCN 4.0, nông dân là lực lượng yếu thế, dễ bị tổn thương và chịu nhiều thiệt thòi. Sự bất ổn trong đời sống của nông dân sẽ dẫn đến sự bất ổn trong đời sống chính trị - xã hội của mỗi quốc gia. Từ đó, đặt ra yêu cầu phải nâng cao trình độ mọi mặt, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân, nâng cao vị thế vai trò của họ để nông dân có thể đứng vững trước vòng xoáy của toàn cầu hóa và CMCN 4.0.

Cuộc cách mạng này mang đến cho nông dân rất nhiều cơ hội phát triển: Thứ nhất, việc ứng dụng rộng.ãi thành tựu công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp giúp nâng cao năng suất, chất lượng, giá thành nông sản, qua đó nâng cao thu nhập cho nông dân. Thí dụ, nông dân sẽ được hưởng lợi kép từ việc ứng dụng IoT trong nông nghiệp: IoT giúp giảm chi phí sản xuất và tiết kiệm vật tư nhờ sử dụng tối ưu nguồn lực; nâng cao năng suất nhờ có dữ liệu chính xác hơn và đưa ra quyết định đúng đắn hơn. Thứ hai, sự phát triển mạnh mẽ của CMCN 4.0 đòi hỏi nông dân phải không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt để thích ứng, tồn tại và phát triển (trình độ tư duy, trình độ nhận thức, trình độ học vấn, ứng dụng khoa học công nghệ, khả năng hợp tác, liên kết, năng lực tiếp cận thị trường, thông tin....) Trên cơ sở đó, vai trò và vị thế của nông dân trong xã hội sẽ được nâng cao. Thứ ba, những thành tựu mà CMCN 4.0 mang lại sẽ giúp cải thiện cơ bản môi trường sống, cơ sở hạ tầng nông thôn - địa bàn sinh sống chủ yếu của nông dân.

Bên cạnh những cơ hội trên, thách thức CMCN 4.0 mang lại cho nông dân cũng không nhỏ, cụ thể:

Thứ nhất, đối với phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Nông nghiệp trong CMCN 4.0 là nền nông nghiệp hiện đại, thân thiện với môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững “tăng giá trị, giảm đầu vào”. Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Việt Nam phải đối mặt với nhiều bài toán nan giải, cụ thể là thể chế, chính sách; vốn đầu tư; cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ; chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp; vấn đề quyền sở hữu đất nông nghiệp, rào cản về thị trường tiêu thụ..

Thứ hai, đối với việc làm - thu nhập của nông dân: trong bối cảnh CMCN 4.0, tình trạng dư thừa lao động nông nghiệp, bất bình đẳng giữa nông dân công nghệ thấp với nông dân công nghệ cao sẽ diễn ra phổ biến, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Khi tự động hóa thay thế cho con người trong nhiều khâu của quá trình sản xuất, chế biến nông sản thì lao động nông nghiệp sẽ bị dư thừa. Trong bối cảnh CMCN 4.0, đội ngũ nông dân sẽ có sự phân hóa rõ rệt trong cơ cấu dân cư nông thôn Việt Nam theo xu hướng giảm về số lượng và nâng cao về chất lượng. Một bộ phận nông dân sẽ tiếp tục ở lại nông thôn lâu dài để sản xuất nông nghiệp. Đây là nhóm nông dân có kinh nghiệm sản xuất giỏi trở thành những nhà nông chuyên nghiệp, sản xuất chuyên môn hóa với tay nghề cao, năng suất cao. Nhóm nông dân này sẽ từng bước liên kết, hợp tác chặt chẽ với nhau tiến đến sản xuất hàng hóa đồng đều trên quy mô lớn, tăng cường khả năng cạnh tranh, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Một bộ phận lớn nông dân tiếp tục ở lại sống trên địa bàn nông thôn nhưng từng bước chuyển sang hoạt động sản xuất phi nông nghiệp. Đây là bộ phận nông dân nhạy bén với thị trường, có đầu óc kinh doanh, ngày càng tăng về số lượng.

Thứ ba, năng lực thích ứng với CMCN 4.0 của nông dân nước ta còn hạn chế. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao trong khi trình độ của nông dân nước ta còn thấp. Theo số liệu tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành nông lâm thủy sản giai đoạn 2010 - 2017 chiếm 2,5% tổng quy mô tuyển sinh. Lao động trong ngành nông nghiệp chiếm hơn 40% lao động toàn xã hội nhưng chỉ có 7,93% đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật, trong đó 3,58% đã qua đào tạo nhưng không có bằng, chứng chỉ; 1,87% sơ cấp nghề; 1,24% trung cấp và trung cấp nghề; 0,69% cao đẳng và cao đẳng nghề và 0,46% đại học trở lên(2). Theo dự báo, đến năm 2020, Việt Nam thiếu khoảng 3,2 triệu nhân lực nông nghiệp đã qua đào tạo. Trình độ thấp khiến cho phần lớn lao động nông nghiệp không đủ năng lực để tiếp cận, làm chủ và ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Mặt khác, việc đào tạo đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta còn nhiều bất cập. Khó khăn nhất của nông dân hiện nay là trình độ nghề, kiến thức sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nhất là trình độ ứng dụng kỹ thuật canh tác nông nghiệp công nghệ cao còn thấp.

Thứ tư, đối với vấn đề an sinh xã hội của nông dân. Nông nghiệp là ngành sản xuất phụ thuộc lớn vào điều kiện tự nhiên. Nông dân là lực lượng yếu thế, chịu nhiều thiệt thòi và rủi ro trước vòng xoáy của toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế và CMCN 4.0. Hệ thống an sinh xã hội đối với nông dân Việt Nam hiện nay còn thiếu và yếu, cần phải được hỗ trợ tăng cường trong tương lai để giúp nông dân có thể đối phó với những biến động lớn của biến đổi khí hậu và thị trường tiêu thụ nông sản...

3. Những giải pháp cơ bản giúp nông dân Việt Nam thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0

Để góp phần phát triển giai cấp nông dân Việt Nam, nâng cao vị thế và vai trò của giai cấp này trong bối cảnh CMCN 4.0, cần thực hiện hệ giải pháp đồng bộ như sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị các cấp, của toàn xã hội và chính người nông dân và về vị trí, vai trò của nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Để làm được điều đó, vai trò của truyền thông khuyến nông và công tác nông vận rất quan trọng và cần thiết. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nông dân nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vai trò chủ thể trong sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, chủ thể xây dựng nông thôn mới; nhận thức được tính tất yếu, cơ hội và thách thức mà CMCN 4.0 mang lại cho nông nghiệp, nông dân; nhận thức về hội nhập kinh tế, quốc tế...

Thứ hai, xây dựng và phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững. Đây là một trong những chủ trương và định hướng quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Để thực hiện chủ trương trên, cần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, coi đây là giải pháp mang tính đột phá nhằm tạo ra sản lượng nông sản lớn, năng suất cao, chất lượng tốt và thân thiện với môi trường. Người nông dân cần chủ động trong sản xuất, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết và khí hậu, từ đó mở rộng quy mô sản xuất. Nông nghiệp công nghệ cao còn giúp giảm giá thành sản phẩm, đa dạng hóa thương hiệu và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Chính những lợi ích như vậy mà sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã và đang trở thành hình mẫu cho nền nông nghiệp thế kỷ XXI. Trước yêu cầu của CMCN 4.0, nông nghiệp Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc mà cần tiếp cận nhanh, song cần tránh nóng vội, đốt cháy giai đoạn. Cần lấy các doanh nghiệp làm nòng cốt, nông dân làm chủ thể và khoa học công nghệ làm then chốt. Cần tập trung giải quyết khâu vốn và thị trường đầu ra, lựa chọn bước đi và loại hình công nghệ phù hợp với điều kiện của nước ta và cuối cùng, cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng tốt đội ngũ các nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ cao.  Chính phủ nước ta đã có các động thái ban đầu trong tiếp cận và thúc đẩy ứng dụng công nghệ 4.0 như việc ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg (4-5-2017) về tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0..iêng trong ngành nông nghiệp, trong những năm gần đây, Chính phủ đã có nhiều chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, điển hình là Quyết định số 1895/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020; Quyết định số 575/QĐ-TTg (4-5-2015) “Phê duyệt quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.

Thứ ba, đổi mới thể chế, chính sách hỗ trợ cho nông dân tận dụng những cơ hội, hạn chế những rủi ro mà CMCN 4.0 đem lại. Đổi mới thể chế, chính sách cần tập trung vào những vấn đề cốt lõi: vốn đầu tư; sở hữu đất đai; đào tạo nghề cho nông dân; nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; thị trường tiêu thụ nông sản; an sinh xã hội của nông dân; hạ tầng cơ sở nông thôn...

Thứ tư, bản thân người nông dân phải nỗ lực vươn lên, nâng cao trình độ văn hóa, trình độ ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, hình thành những phẩm chất cần thiết để thích ứng với CMCN 4.0. Trước hết, nông dân cần có sự đột phá về tư duy sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, thân thiện với môi trường, sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị để làm tăng khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng cho sản phẩm. Bên cạnh đó, cần có sự đột phá trong công tác đào tạo và dạy nghề cho nông dân cả về nội dung và phương pháp đào tạo theo hướng thiết thực, hiệu quả, hiện đại.

Thứ năm, tăng cường liên kết hỗ trợ giữa các chủ thể: nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông. Liên kết có chặt chẽ, bền vững thì nông dân mới được hưởng lợi ích thực sự và giảm thiểu rủi ro trước những biến động của thị trường và biến đổi khí hậu. Mỗi “nhà” có vai trò đặc biệt, cần phát huy tối đa để mang lại hiệu quả liên kết. Nhà doanh nghiệp được coi là “đầu tàu”, là động cơ của mối liên kết. Doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng liên kết “3 nhà” còn lại để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất; hỗ trợ đầu vào và thu mua sản phẩm cho nông dân; từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản. Các nhà khoa học có vai trò quan trọng trong việc tạo “đầu vào” chất lượng cao, giảm giá thành sản phẩm nhờ cải tiến công nghệ..., đặc biệt là liên kết với người nông dân để “xã hội hóa” các công nghệ hiệu quả. Còn Nhà nước, là nhạc trưởng để tạo ra một hành lang pháp lý phù hợp, bảo đảm cho sự liên kết “3 nhà” còn lại chặt chẽ và hiệu quả.

Cần có những cơ chế hợp lý trong việc giải quyết tranh chấp trong liên kết giữa các nhà, đặc biệt là hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nhà doanh nghiệp và nhà nông. Cần có chế tài phù hợp để hỗ trợ giải quyết tranh chấp, với những trường hợp thiệt hại do các nguyên nhân bất khả kháng, cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ thiệt hại cho các bên tham gia liên kết.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận số 12-2019

(1) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.123.

(2) Ban chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản Trung ương: Báo cáo tóm tắt kết quả chính thức tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016, tr.81.

ThS Đỗ Thị Phương Hoa

Khoa Lý luận Chính trị, Trường Đại học Thương mại

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền