Trang chủ    Thực tiễn    Công nghiệp chế biến thủy sản - Tiềm năng phát triển và những vấn đề đặt ra đối với Thành phố Cần Thơ
Thứ năm, 19 Tháng 3 2020 21:48
4642 Lượt xem

Công nghiệp chế biến thủy sản - Tiềm năng phát triển và những vấn đề đặt ra đối với Thành phố Cần Thơ

(LLCT)  Công nghiệp chế biến thủy sản là một trong những ngành công nghiệp chủ lực của Thành phố Cần Thơ. Trong thời gian qua, ngành đã phát triển khá tốt nhờ đẩy mạnh sản xuất nguyên liệu, mở rộng diện tích nuôi trồng và gia tăng sản lượng thủy sản, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm thủy sản chế biến... Để phát huy tiềm năng, thế mạnh vốn có, trong thời gian tới, Cần Thơ cần tập trung vào giải quyết những hạn chế về trình độ khoa học công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, xây dựng quy hoạch phát triển hợp lý,...-

 

Từ khóa: công nghiệp chế biến thủy sản, Thành phố Cần Thơ.

Đối với hầu hết các nước, ngành thủy sản có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đặc biệt là những nước có vùng biển và vùng nước nội địa phong phú như Việt Nam. Nhận thấy rõ vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển ngành thủy sản đối với kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy kinh tế biển nói chung, ngành thủy sản nói riêng. Thí dụ như, Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở chủ trương của Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, quy định quan trọng hỗ trợ ngành thủy sản, như: Quyết định số 332/QĐ-TTG ngày 3-3-2011của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 đã đặt mục tiêu phát triển dài hạn cho ngành thủy sản Việt Nam; Nghị định 36/2014/NĐ-CP ngày 29-4-2014 của Chính phủ về nuôi, chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra; Nghị định 17/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; Quyết định số 1690/QĐ - TTg ngày 16-9-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020. Triển khai Quyết định này, các cơ quan có thẩm quyền đã xây dựng và thực hiện các dự án, đề án, chương trình: Dự án Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Đề án phát triển nuôi biển đến năm 2020; Đề án phát triển nuôi cá.ô phi đến năm 2020; Đề án phát triển công nghiệp cơ khí đóng, sửa chữa tàu cá đến năm 2020; Đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành thủy sản đến năm 2020; Chương trình bố trí lại dân cư và xây dựng các làng cá ven biển, hải đảo theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; Đề án xây dựng lực lượng kiểm ngư đến năm 2020; Đề án phát triển quản lý nghề cá cộng đồng; Đề án phát triển nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật ngành thủy sản giai đoạn 2010-2020; Đề án đổi mới xây dựng các hợp tác xã và liên minh hợp tác xã nghề cá đến năm 2020...

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, những năm qua, ngành thủy sản Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế. Tỷ trọng của thủy sản trong khối nông, lâm, ngư nghiệp và trong nền kinh tế tăng qua các năm. Năm 2018, tổng sản lượng thủy sản đạt 7,7 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt 9 tỷ USD; 10 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu đạt 7,1 tỷ USD. Với kết quả đó, Việt Nam đã trở thành nhóm nước có giá trị xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Ngành thủy sản đã trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn, cải thiện đời sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo; đóng góp vào việc giữ gìn an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc. Ngành thủy sản đã chủ động trong hội nhập quốc tế, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tiếp cận với trình độ công nghệ, quản lý tiên tiến của khu vực và thế giới. Sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt và đứng vững trên thị trường hơn 140 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có một số thị trường quan trọng như: EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga,...; qua đó tạo dựng được uy tín trên thị trường thế giới.

Bên cạnh những thuận lợi, ngành thủy sản Việt Nam cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể là: quy hoạch và kiểm soát quy hoạch trong cả chuỗi còn thiếu đồng bộ, ảnh hưởng lớn đến chất lượng tăng trưởng cũng như khả năng cạnh tranh; chất lượng con giống và nguồn cung con giống không ổn định; chi phí con giống, thức ăn, hóa chất, nhiên liệu cao; hiệu quả chế biến còn thấp, phần lớn phụ phẩm thủy sản đang bị lãng phí; chất lượng sản phẩm chế biến không đồng đều, chưa bảo đảm yêu cầu an toàn thực phẩm và tiêu chí vệ sinh của nhà nhập khẩu; tình trạng manh mún, thiếu vốn, hạn chế về trình độ quản trị doanh nghiệp và tính liên kết lỏng lẻo; giá trị gia tăng của ngành chế biến còn thấp, chậm được cải thiện,...

Là thành phố trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long và cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mê Kông, với những vùng đất ngập nước quy mô lớn, đa dạng sinh thái, Cần Thơ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất thủy sản hàng hóa tập trung. Nuôi trồng thủy sản đã trở thành một nghề truyền thống và không ngừng phát triển ở Cần Thơ. Diện tích mặt nước có khả năng nuôi thủy sản nước ngọt chủ yếu phân bố ở các quận, huyện: Bình Thủy, Cái.ăng, Ninh Kiều, Ô Môn, Thốt Nốt, Cờ Đỏ, Phong Điền, Thới Lai, Vĩnh Thạnh.

Trong những năm qua, cơ cấu sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của Cần Thơ từng bước chuyển dịch theo hướng tập trung chuyên canh, luân canh phù hợp với từng địa bàn, với các mô hình sản xuất có hiệu quả như lúa - cá, lúa - màu, kinh tế vườn kết hợp du lịch, nuôi thủy sản chuyên canh, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả gắn với nhu cầu thị trường. Trong nội bộ ngành, giá trị sản xuất thủy sản có tốc độ tăng nhanh.

Ngành chế biến thủy sản Cần Thơ phát triển mạnh, sử dụng công nghệ khá tiên tiến, hiện đại, sản lượng tăng nhanh. Đây được xem là ngành công nghiệp chủ lực của thành phố, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung, bình quân hằng năm khoảng 35-40% tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp và trên 45% giá trị kim ngạch xuất khẩu. Hiện nay, thành phố Cần Thơ có trên 30 nhà máy chế biến thủy sản sử dụng lao động kỹ thuật và máy móc công nghệ tương đối hiện đại (công suất bình quân 100 tấn/ngày/ nhà máy).

Công nghiệp chế biến thủy sản thành phố Cần Thơ phát triển nhanh dựa trên các thế mạnh:

(1) Nguồn nguyên liệu phong phú từ nuôi trồng thủy sản nước ngọt được cung cấp tại chỗ, kịp thời. Nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp chế biến thủy sản là khâu rất quan trọng trong toàn bộ quá trình sản xuất; kinh doanh thủy sản; nguồn nguyên liệu ổn định, giá cả cạnh tranh thì ngành công nghiệp chế biến thủy sản có cơ hội phát triển tốt.

(2) Nguồn lao động dồi dào, nhân công.ẻ.

(3) Thị trường tiêu thụ rộng lớn và ngày càng được mở rộng. Thành phố hiện có hơn 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Trong đó, 2 mặt hàng chủ lực là gạo và thủy sản chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của thành phố.

Số liệu thống kê tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2019 của thành phố Cần Thơ cho thấy: (1) diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 6.225 ha, trong đó có: diện tích nuôi cá tra thâm canh, bán thâm canh ước đạt 811 ha; (2) nuôi thủy sản lồng bè ước đạt 337 bè, tập trung chủ yếu ở các quận Ô Môn, Thốt Nốt, Bình Thủy; (3) sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 164.776 tấn; (6) chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ước thực hiện tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,76%, một số sản phẩm đạt mức tăng trưởng khá như: Phi lê đông lạnh tăng 21,14%; tôm đông lạnh tăng 16,35%.

Song, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành công nghiệp chế biến thủy sản thành phố cũng gặp không ít khó khăn và còn một số hạn chế về trình độ công nghệ, kỹ thuật và năng lực cạnh tranh, nhất là đối với những thị trường yêu cầu cao...

Để phát huy tiềm năng, lợi thế của thành phố Cần Thơ, thúc đẩy công nghiệp chế biến thủy sản phát triển nhanh, bền vững, cần nghiên cứu tìm ra những giải pháp khắc phục hạn chế, vượt qua khó khăn, thách thức. Trong đó, cần tập trung giải quyết hai vấn đề lớn:

Thứ nhất, vấn đề nguyên liệu

Thực tế cho thấy, từ nhiều năm nay, công nghiệp chế biến thủy sản thành phố Cần Thơ gặp phải tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào, nguồn cung ứng nguyên liệu không ổn định, nhiều nhà máy chế biến hoạt động không hết công suất. Vấn đề gia tăng nguồn nguyên liệu cho chế biến thủy sản, tuy luôn được ngành thủy sản thành phố quan tâm đầu tư phát triển, nhưng vẫn tồn tại những thách thức không nhỏ. Đó là, (1) những vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm; (2) tình trạng phát triển nguyên liệu từ nuôi trồng thủy sản vẫn còn tính tự phát, chưa thực sự theo quy hoạch và mang tính may rủi cao trong việc giải quyết các sự cố phát sinh về bệnh dịch và môi trường.

Số liệu của Cục Thống kê thành phố Cần Thơ về diện tích nuôi thủy sản và sản lượng thủy sản giai đoạn 2015 - 2018 như sau:

Từ bảng số liệu trên, ta thấy: diện tích nuôi trồng thủy sản giảm qua các năm, song sản lượng thủy sản tăng. Lý do của thực trạng trên là do sử dụng giống mới hiệu quả hơn, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản phát triển, năng suất nuôi trồng tăng...

Sản lượng của một số sản phẩm thủy sản chế biến đều tăng qua các năm (Bảng 2).

Do đó, để giải quyết vấn đề này cần tập trung vào các giải pháp sau:

Một là, cần có quy hoạch và tuân thủ quy hoạch phát triển hợp lý nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng thủy sản nhằm tăng tổng sản lượng thủy sản dùng cho công nghiệp chế biến. Cụ thể là, theo Quyết định số 102/QĐ-UBND, ngày 16-1-2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thì quy hoạch diện tích nuôi thủy sản toàn thành phố đến năm 2020 là 12.500 ha, đến năm 2030 là 14 nghìn ha. Tốc độ tăng trưởng bình quân về diện tích giai đoạn 2016-2020 là 3,12%/năm, sản lượng nuôi thủy sản toàn thành phố đến năm 2020 đạt 236.500 tấn và đến năm 2030 đạt 263 nghìn tấn. Cơ cấu sản lượng các đối tượng chủ yếu là cá tra chiếm 84,5%, kế đến là các đối tượng cá nuôi trong mương, vườn chiếm 9,1% các đối tượng nuôi còn lại khoảng 6,4%.

Giá trị sản xuất nuôi thủy sản (theo giá hiện hành) đến năm 2020 đạt 5 nghìn tỷ đồng, tăng lên 6.500 tỷ đồng vào năm 2030. Trong đó, tỷ trọng giá trị sản lượng từ cá chiếm khoảng 99% (cá tra chiếm khoảng 83%), còn lại là tôm và thủy sản khác.

Hai là, bố trí quy hoạch các nhà máy chế biến gắn liền với quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung. Doanh nghiệp phải ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân và các cơ sở nuôi trồng thủy sản... với giá cả hợp lý. Nguyên liệu phải đáp ứng yêu cầu khắt khe của công nghiệp chế biến, cũng như thị trường, bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, chế biến và tiêu thụ thủy sản

Theo Quyết định số 102/QĐ-UBND, ngày 16-1-2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ thì hiện tại công suất thiết kế đã dư thừa so với thực tế sản xuất. Vì vậy, hướng phát triển trong thời gian tới là: phát huy công suất hiện có, đồng thời đổi mới dây chuyền công nghệ theo hướng hiện đại, tự động hoá cao và chế biến những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Cần Thơ cần phải tích cực thực hiện các giải pháp sau:

- Đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng thủy sản chế biến để hướng tới các thị trường lớn, yêu cầu cao.

- Không ngừng nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu hàng thủy sản chế biến.

- Đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Phát triển các trung tâm nghiên cứu và dự báo thị trường, thường xuyên cung cấp thông tin về thị hiếu tiêu dùng, yêu cầu chất lượng, giá cả và dự báo xu thế, khuynh hướng phát triển thị trường...

- Về cơ cấu thị trường xuất khẩu thủy sản, theo Quyết định số 102/QĐ-UBND ngày 16-1-2017, gồm:

(1) Thị trường châu Âu: duy trì tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường này ở mức 37% giá trị xuất khẩu đến năm 2030. Ngoài các thị trường chính là Hà Lan, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Ý, cần mở rộng sang các nước Đông Âu, đặc biệt là Ukraina và Cộng hòa Liên bang Nga.

(2) Thị trường châu Mỹ: Duy trì từ 19%-20% giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản, chủ yếu là thị trường Mỹ và Braxin.

(3) Thị trường châu Á: tỷ trọng xuất khẩu ở mức 37%-37,5% mỗi năm. Chủ yếu là ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

(4) Các thị trường khác như: châu Phi, châu Úc, Trung Đông duy trì ở mức 6% - 6,5% mỗi năm.

Ngoài ra, vấn đề vốn đầu tư và chính sách tín dụng đối với các doanh nghiệp chế biến thủy sản ở thành phố Cần Thơ cũng đang là vấn đề “nóng” cần quan tâm giải quyết một cách thỏa đáng.

Phát huy lợi thế và sử dụng hiệu quả tiềm năng đất, mặt nước... của thành phố Cần Thơ để phát triển công nghiệp chế biến thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là vấn đề có tầm chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận số 12-2019

(1) Cục Thống kê Thành phố Cần Thơ: Niên giám thống kê thành phố Cần Thơ 2018, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2019, tr.364, 366.

(2) Nguồn: Cục Thống kê thành phố Cần Thơ: Niên giám thống kê Thành phố Cần Thơ 2018, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2019, tr.392.

ThS Phan Việt Châu

Học viện Chính trị khu vực IV

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền