Trang chủ    Thực tiễn     Kết hợp phát triển kinh tế biển với bảo vệ chủ quyền biển, đảo - Giải pháp then chốt trong thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển
Thứ năm, 02 Tháng 4 2020 15:55
3177 Lượt xem

Kết hợp phát triển kinh tế biển với bảo vệ chủ quyền biển, đảo - Giải pháp then chốt trong thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển

(LLCT) - Sau 12 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và 9 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá và đóng góp lớn vào công cuộc đổi mới đất nước, tạo nền tảng vững chắc cho tiến trình tiến ra biển và bảo vệ chủ quyền vùng biển, hải đảo của Tổ quốc. Bài viết đánh giá những thành tựu và hạn chế của quá trình giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế biển với bảo đảm an ninh, quốc phòng và bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia qua thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020. Trên cơ sở đó, đề xuất giải pháp thiết thực trong tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Từ khóa: kinh tế biển; chủ quyền biển, đảo; Chiến lược phát triển bền vững.

Trong hơn 10 năm, Đảng ta ban hành hai Nghị quyết liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền quốc gia vùng biển: Nghị quyết số 09 (2007) về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, Nghị quyết số 36 (2018) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong bối cảnh tình hình phức tạp ở Biển Đông hiện nay, việc giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia được coi là giải pháp then chốt trong thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

1. Kết quả kết hợp phát triển kinh tế biển với bảo đảm an ninh, quốc phòng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia

Về kinh tế

Thực hiện Chiến lược biển Việt Nam nói riêng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 nói chung, kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá, góp phần to lớn vào công cuộc đổi mới đất nước, tạo nền tảng vững chắc cho tiến trình tiến ra biển, bảo vệ chủ quyền vùng biển, hải đảo của Tổ quốc.

- Quy mô kinh tế vùng ven biển phát triển theo chiều hướng tính cực; có sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng CNH,HĐH, đóng góp lớn vào xuất khẩu, thu về ngoại tệ cho quốc gia.

Các ngành kinh tế biển như khai thác và chế biến thủy sản; khai thác tài nguyên, khoáng sản; kinh tế hàng hải; kinh tế du lịch và nghỉ dưỡng biển phát triển cả bề rộng và bề sâu; trong đó, ngành khai thác, chế biến dầu khí được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn.

Kinh tế ven biển đã chú trọng đến phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng, hướng tới phát triển kinh tế biển xanh. Đến nay, quy mô kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47 - 48% GDP cả nước; trong đó, GDP của kinh tế “thuần biển” đạt khoảng 20 - 22% tổng GDP cả nước, đóng góp của các ngành kinh tế diễn ra trên biển chiếm 98%, chủ yếu là khai thác dầu khí, nuôi trồng, đánh bắt hải sản, vận tải biển, du lịch biển.

- Xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp thúc nhằm tạo động lực cho phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam

Đến năm 2017, cả nước đã có 17 khu kinh tế ven biển, với tổng diện tích tự nhiên gần 845 nghìn ha, thu hút khoảng 78,6 tỷ USD vốn đầu tư. 58 khu công nghiệp tập trung ven biển được xây dựng với tổng diện tích đất gần 13,6 nghìn ha, chiếm 40% tổng số khu công nghiệp cả nước và đạt tỷ lệ lấp đầy 59% (toàn quốc đạt 68%).

Đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp, xây mới hạ tầng tạo động lực cho phát triển kinh tế vùng ven biển, gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển

Cơ sở hạ tầng kinh tế biển được chủ trọng đầu tư, gồm: hệ thống cảng và dịch vụ biển với 45 km cầu cảng; hệ thống sân bay ven biển gồm 8 cảng hàng không quốc tế, 6 cảng hàng không nội địa và hệ thống sân bay quân sự vùng ven biển, đảo; hệ thống đường bộ ven biển và các tuyến nối nội địa với các vùng biển.

Hệ thống các cảng cá, bến cá và dịch vụ hậu cần nghề cá được quan tâm phát triển: Đến nay, nước ta có 79 cảng cá, trong đó 57 cảng thuộc vùng ven biển và 18 cảng cá thuộc tuyến đảo; có 81 bến cá; 702 cơ sở đóng sửa tàu thuyền, 10 cơ sở gia công sản xuất lưới sợi quy mô lớn, trên 643 kho lạnh, 120 nhà máy sản xuất nước đá có khả năng cung cấp nước đá 2.875 tấn/ngày; có 81 chợ cá, 564 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu và nhiều cơ sở chế biến thủy sản thủ công, quy mô nhỏ ở các địa phương ven biển.

Phát triển hệ thống điện tái tạo, sử dụng năng lượng điện gió với 48 dự án điện gió (tổng công suất đăng ký 4.916 MW), trong đó, 3 dự án với tổng công suất 52 MW đã đi vào hoạt động.

Khai thác về địa chính trị và địa kinh tế để đẩy mạnh phát triển các vùng biển, ven biển, đảo của Tổ quốc. Thực hiện quy hoạch phát triển hướng tới khai thác thế mạnh địa kinh tế của các vùng: vùng biển và ven biển phía Bắc; vùng biển và ven biển Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ; vùng biển và ven biển Đông Nam Bộ; vùng biển và ven biển Tây Nam Bộ.

Như vậy, kinh tế biển nước ta đã có khởi sắc; các khu kinh tế biển đã và đang xây dựng, hệ thống cảng biển, giao thông biển cũng được quan tâm phát triển... Các lĩnh vực kinh tế biển đều được chú trọng, phát triển khá đồng bộ, bao gồm: khai thác và chế biến dầu khí, kinh tế hàng hải, kinh tế hải sản và nuôi trồng hải sản; du lịch biển đảo và các khu nghỉ dưỡng ven biển, phát triển khu công nghiệp, đô thị ven biển.

Tăng cường xây dựng lực lượng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển

Để bảo vệ chủ quyền và an ninh vùng biển, Đảng và Nhà nước chú trọng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, tạo ra thế trận chiến tranh nhân dân, phát huy lực lượng toàn dân bảo vệ chủ quyền quốc gia, trong đó, lực lượng vũ trang chính quy giữ vai trò nòng cốt, lực lượng ngư dân trên biển có vai trò quan trọng. Lực lượng hải quân được hiện đại hóa, lực lượng cảnh sát biển được xây dựng để bảo đảm an ninh trên biển; lực lượng kiểm ngư bảo vệ môi trường vùng biển. Động viên ngư dân bám biển ở những ngư trường truyền thống như vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, vì sự hiện diện của họ chính là những “cột mốc sống”, khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển. Việc thành lập một số huyện đảo góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế và tăng cường khả năng phòng thủ, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia. 

Thông qua các phong trào đưa tuổi trẻ lập thân, lập nghiệp nơi đảo xa, chúng ta đưa dân ra sống và làm việc ở các đảo như Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị) và một số đảo ở Trường Sa, thực hiện dân sự hóa đời sống trên đảo.

Xây dựng các lực lượng chấp pháp (cảnh sát biển, kiểm ngư, lực lượng cứu hộ) để thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền khác của quốc gia trên biển. Phát huy vai trò nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông.

2. Hạn chế, yếu kém

Nhìn một cách tổng thể, sự phát triển của kinh tế biển Việt Nam vẫn chưa xứng tầm với các điều kiện và lợi thế sẵn có. Những hạn chế, yếu kém của kinh tế biển thời gian qua được thể hiện ở những mặt sau:

- Kinh tế biển phát triển thiếu bền vững, đóng góp của kinh tế biển và ven biển vào GDP cả nước từ 48% (năm 2005) giảm xuống còn 30,19% (năm 2017). Thu nhập bình quân của người dân sống ở 28 tỉnh, thành ven biển trong giai đoạn từ năm 2006 đến 2016 tăng từ 627 USD/người (năm 2006) lên 3.035 USD/người (năm 2016), nhưng vẫn thấp hơn thu nhập bình quân/người của cả nước cùng thời kỳ tương ứng là 637 USD/người (2006) và 3.049 USD/người (2016)(1).

- Quy mô phát triển kinh tế biển chưa tương xứng với tiềm năng và những giá trị mà biển đem lại.

+ Các ngành kinh tế có liên quan trực tiếp tới khai thác biển như chế biến dầu khí, chế biến thủy hải sản, đóng và sửa chữa tàu biển, thông tin liên lạc... có quy mô chỉ chiếm khoảng 2% kinh tế biển và 0,4% tổng GDP cả nước. Kết cấu hạ tầng các vùng biển, ven biển, đảo tuy được quan tâm nhưng vẫn còn hạn chế. Hệ thống cảng biển nhỏ bé, manh mún, mạng lưới tàu thuyền, trang thiết bị còn lạc hậu và chưa đồng bộ nên hiệu quả thấp. Sự đóng góp của kinh tế hàng hải vào GDP cả nước còn rất nhỏ và có xu hướng giảm, cụ thể 1,05% (năm 2010), 0,98% (năm 2015) và 0,97% (năm 2017)(2).

+ Hoạt động kinh tế vùng ven biển chưa phát triển mạnh, công tác đầu tư cho phát triển kinh tế vùng ven biển còn dàn trải, quy mô đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng.

+ Kinh tế thủy sản còn gặp nhiều rủi ro và thiếu tính bền vững, tàu thuyền chủ yếu là vỏ gỗ, máy cũ, trang bị lạc hậu, khả năng vươn khơi còn yếu. Vì vậy, tỷ trọng đóng góp của ngành thủy sản vào GDP chưa cao, đạt trung bình 1,99% giai đoạn 2007-2010, 1,91% giai đoạn 2011-2015, 1,8% trong hai năm 2016-2017 và có xu hướng giảm trong thời gian gần đây(3).

+ Ngành dầu khí có xu hướng chững lại, ngành vận tải biển và dịch vụ vận tải biển chưa phát huy thế mạnh, năng lực dịch vụ cảng còn yếu, kết cấu còn thấp. Đóng góp của ngành dầu khí vào kinh tế cả nước giảm rõ rệt: giai đoạn từ 2007 - 2010 đóng góp mức bình quân là 10,83%, năm 2017 là 2,76%(4).

+ Dịch vụ biển đang trong giai đoạn đầu tư hạ tầng dịch vụ, nhiều vùng mức đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng; chi phí logistics ở mức khá cao, tương đương khoảng 21% so với GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59%(5).

+ Việc phát triển các khu kinh tế biển còn dàn trải, chưa xứng tầm. Quá trình đầu tư phát triển và xây dựng các khu công nghiệp vùng ven biển còn chậm; hiệu quả sử dụng đất thấp, cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư chưa đủ mạnh; an sinh xã hội trong các khu công nghiệp chưa được giải quyết thỏa đáng. Đến nay, chưa có khu kinh tế nào được giới đầu tư quốc tế, nhất là các công ty đa quốc gia, quan tâm; các khu kinh tế hiện vẫn chủ yếu dựa vào nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và từ các tập đoàn kinh tế quốc doanh; chưa thể hiện được mối liên kết, tương hỗ trong quá trình hoạt động, mặc dù một số khu có vị trí địa lý và hạ tầng giao thông thuận lợi.

- Hệ thống cơ sơ sở hạ tầng còn manh mún, chưa có đường cao tốc Bắc - Nam ven biển; hệ thống đường sắt lạc hậu.

- Môi trường bị ô nhiễm trầm trọng. Việc khai thác tài nguyên khoáng sản titan vùng ven biển bừa bãi đã phá vỡ môi trường, môi sinh vùng cát ven biển; hiện tượng biển lấn, sa mạc hóa diễn ra nhanh chóng, điển hình là sự cố môi trường biển nghiêm trọng xảy ra cuối tháng 4-2016 ở vùng biển miền Trung.

- Việc bảo vệ chủ quyền quốc gia gặp không ít khó khăn. Diễn biến tình hình Biển Đông trong hai thập niên đầu của thế kỷ XXI cho thấy, tình hình Biển Đông ngày càng trở nên phức tạp. Trung Quốc thường xuyên vi phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông với cường độ lớn và tính chất vô cùng quyết liệt. Biển Đông đã trở thành một trong những nơi thể hiện sự cạnh tranh chiến lược và chia sẻ lợi ích của Trung Quốc, các nước lớn như Mỹ, Nhật và các nước Đông Nam Á.

3. Quan điểm và giải pháp tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Tiếp tục khẳng định mục tiêu chiến lược biển: “Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển. Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp và người dân Việt Nam”(6).

3.1 Quan điểm

Nhận thức đầy đủ, sâu sắc vị trí, vai trò của kinh tế biển đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh và chủ quyền quốc gia nói riêng và sự phát triển bền vững, trường tồn của đất nước nói chung. Dưới góc độ địa - kinh tế - chính trị, hiện nay, khi tiềm lực đất nước mạnh hơn, kinh tế biển có sức cạnh tranh đáng kể, để đóng góp lớn hơn vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển kinh tế biển, đảo phải gắn với ba mảng không gian: vùng ven biển, vùng trung du, miền núi, vùng biển. Mỗi bước phát triển của kinh tế biển phải gắn với việc tăng cường tiềm lực quốc phòng, khả năng phòng thủ nhằm bảo đảm chủ quyền quốc gia trên vùng biển đảo của Tổ quốc. Khi tiềm lực quân sự mạnh, khả năng phòng thủ vững chắc, sẽ cho phép mở rộng không gian kinh tế biển, khai thác tiềm năng không gian biển cho phát triển đất nước, trong đó, tập trung chủ yếu vào các mảng không gian: không gian vùng bờ (ven biển và ven bờ); không gian biển; không gian đảo; và không gian đại dương. Sự hình thành mạng lưới cảng biển cùng các tuyến đường bộ, đường sắt dọc ven biển và nối với các vùng sâu trong nội địa (đặc biệt là các tuyến đường xuyên Á) sẽ cho phép vùng biển và ven biển nước ta có khả năng chuyển tải hàng hóa xuất nhập khẩu tới mọi miền của Tổ quốc, đồng thời thu hút cả vùng Tây - Nam Trung Quốc, Lào, Đông Bắc Thái Lan và Campuchia. Những chuyển biến rõ ràng cũng tạo cho chúng ta tổ chức phát triển không gian biển một cách tối ưu, trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế và nguồn lợi từ biển để phát triển kinh tế-xã hội trên từng vùng lãnh thổ.

Vì vậy, định hướng phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển trong thời gian tới là:

- Phát triển mạnh vùng ven biển nhằm tạo động lực lan tỏa hỗ trợ phát triển vùng trung du, miền núi, đồng thời tạo cơ sở cho phát triển một nền kinh tế biển vững chắc và lâu dài mang tầm chiến lược. Đây chính là tiền đề quan trọng, quyết định trong chiến lược kinh tế biển gắn với nền quốc phòng và an ninh trên biển phù hợp với xu thế phát triển của một quốc gia biển. Vùng ven biển là “bàn đạp” tiến ra biển, là hậu phương hỗ trợ các hoạt động trên biển thông qua các trung tâm kinh tế hải đảo. Cho nên, dọc ven biển phải kiến tạo các cực phát triển mạnh (trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội..., tức là các đô thị lớn ven biển) có bán kính ảnh hưởng rộng, có khả năng đối trọng với các cực phát triển lớn trong khu vực Biển Đông; các hành lang kinh tế ven biển, lôi kéo không chỉ nội vùng và lân cận, mà còn vào sâu nội địa và lan ra xa ngoài biển.

- Phát triển bền vững kinh tế biển theo hướng CNH, HĐH, xây dựng kinh tế biển thành ngành kinh tế mũi nhọn và là một khâu đột phá về kinh tế, là hướng làm giàu của các tỉnh vùng biển và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của cả nước.

- Từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành theo hướng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi hải sản.

- Kết hợp phát triển kinh tế biển với bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia. Phát triển kinh tế biển phải góp phần tăng cường khả năng phòng thủ và bảo vệ chủ quyền quốc gia và ngược lại, tăng cường tiềm lực quân sự không chỉ tăng khả năng phòng thủ, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia mà thúc đẩy kinh tế biển phát triển.

3.2. Một số giải pháp

Về kinh tế

Một là, quán triệt Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế biển, lấy kinh tế biển để thúc đẩy sự phát triển của cả nước, tạo ra việc làm thu hút lao động và thúc đẩy thuỷ sản phát triển.

Đẩy mạnh khai thác tiềm năng kinh tế biển, chuyển từ khai thác các sản phẩm hữu hình sang khai thác các nguồn lợi to lớn, vô hình như vị trí địa lý, lợi thế của các cảng biển, hải đảo là đầu mối liên kết kinh tế giữa các vùng trong nước với các nước trong khu vực.

Để đạt được mục tiêu mà Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra, cần đánh giá nguồn lực được xem xét từ góc độ tạo ra động lực, đánh thức và thúc đẩy các nguồn lực phát triển (gồm nguồn lực hữu hình là tài nguyên thiên nhiên vùng biển và ven biển, nguồn lực con người, cơ sở hạ tầng kinh tế biển và nguồn lực tài chính; nguồn lực hữu hình là lợi thế so sánh từ vị trí địa chiến lược về kinh tế). Cần xây dựng nguồn động lực tạo ra các đòn bẩy kinh tế và chính sách khơi dậy các nguồn lực bên trong và bên ngoài phát triển, đưa tiềm năng thành hiện thực. Vì vậy, cần đẩy mạnh xây dựng các khu kinh tế biển, khu công nghiệp hướng vào thị trường khu vực và thế giới, theo mô hình: Cảng biển + khu kinh tế hoặc khu công nghiệp + các đô thị ven biển.

 Phát triển kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực. Cần có chính sách liên kết, hợp tác giữa các vùng, địa phương trong việc bố trí cơ cấu ngành nghề, phân công lao động.

Đầu tư xây dựng một cách đồng bộ kết cấu hạ tầng kết nối đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không tại các vùng kinh tế trọng điểm, các trung tâm đô thị ven biển.

Hai là, phát triển ngành thủy sản bền vững theo hướng CNH, HĐH

Xây dựng ngành thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn và là một khâu đột phá về kinh tế, là hướng làm giàu của các tỉnh trong vùng. Từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành theo hướng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm, cua và các đặc sản cho nhu cầu du lịch và xuất khẩu. Phát triển nghề cá gắn với việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phân bổ lao động dân cư nông thôn miền biển. Đẩy mạnh công tác khuyến ngư, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh phát triển thủy sản theo hướng phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Trong lĩnh vực đánh bắt, khai thác, lấy chủ thuyền là đơn vị sản xuất kinh doanh cơ bản (chủ thuyền có thể là hộ hoặc nhóm hộ gia đình); trong chế biến, lấy quy mô hộ gia đình hoặc doanh nghiệp tư nhân. Kinh tế nhà nước, tập thể chủ yếu giữ vai trò chế biến, dịch vụ, từ đó mới thúc đẩy khuyến ngư phát triển. Phát triển các ngành nghề thủy sản nhằm nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn vùng biển vững chắc, phát triển khai thác xa bờ, nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao phục vụ nhu cầu du lịch và xuất khẩu. Mở rộng và nâng cao hiệu quả chế biến nội địa và xuất khẩu, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống nhân dân.

Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho ngư dân các địa phương bám biển khai thác tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa như: chính sách bảo hiểm tàu thuyền, ngư cụ; hỗ trợ, cung cấp xăng dầu; thực hiện bảo hiểm xã hội cho chủ tàu, người lao động để họ yên tâm bám biển, góp phần khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo này.

Cần ban hành các chính sách xây dựng cơ sở vật chất cho nghề cá, kể cả chính sách xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân sản xuất, khai thác thủy sản.

Đào tạo, bồi dưỡng cho ngư dân kiến thức về kỹ thuật hàng hải; giúp ngư dân nắm vững luật pháp quốc tế trong khai thác xa bờ; kỹ năng tự vệ trước những hành động ngăn cản, phá hoại tàu thuyền của ngư dân khi khai thác ở vùng biển Hoàng Sa.

Tích cực tạo ra động lực trong sản xuất kinh doanh thuỷ sản, kết hợp thuỷ sản với nông - lâm nghiệp, nghề muối, thủ công nghiệp; kết hợp các dự án phát triển thuỷ sản với các chương trình giải quyết việc làm và xây dựng vùng kinh tế mới ven biển là một hướng đi rất thiết thực và có triển vọng lớn, phát huy nhanh hiệu quả các tiềm năng.

Ba là, đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch

Làm tốt quy hoạch và liên kết giữa các vùng miền và các quốc gia, tạo điều kiện để phát triển mạnh du lịch biển, đảo. Xây dựng đồng bộ bản đồ quy hoạch tổng thể phát triển du lịch biển, đảo Việt Nam, từ quy hoạch tổng thể, chi tiết các khu, điểm du lịch để khai thác hợp lý tiềm năng du lịch biển đảo của khu vực.

Đẩy mạnh liên kết với các trung tâm du lịch lớn của cả nước, xây dựng vùng biển, đảo trở thành điểm đến của du khách mọi miền đất nước. Phải kết nối các tuyến du lịch biển, đảo với tuyến du lịch khám phá các di tích lịch sử và văn hóa trong nước và quốc tế.

Phát triển du lịch khám phá đảo, đặc biệt là du lịch ra quần đảo Trường Sa, góp phần đưa Trường Sa gần với đất liền, đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.

Về bảo vệ tài nguyên, môi trường

Phát triển kinh tế là điều kiện cốt yếu để vùng biển nói riêng và cả nước nói chung thoát khỏi đói nghèo, nhằm phát triển con người toàn diện và là cơ sở để xây dựng và phát triển xã hội theo hướng văn minh, hiện đại. Việc phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, hướng tới nâng cao chất lượng sống của con người và sự phát triển xã hội vùng ven biển. Để thực hiện phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, cần giải quyết tốt các giải pháp sau:

+ Quán triệt nhiệm vụ bảo vệ môi trường là nội dung quan trọng, không thể tách rời trong phát triển kinh tế; không thể phát triển kinh tế bằng mọi giá mà coi nhẹ bảo vệ môi trường;

+ Coi trọng công tác nghiên cứu, dự báo và thực hiện các giải pháp ứng phó với quá trình biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên và bảo vệ môi trường phù hợp với đặc điểm từng vùng nhằm giảm thiểu thiệt hại cho con người và

xã hội;

+ Xử lý triệt để những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đẩy mạnh cải tạo môi trường;

+ Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đặc biệt là quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, nước, khoáng sản và các nguồn tài nguyên khác;

+ Tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển trên tất cả các lĩnh vực, từ bảo đảm chủ quyền, an ninh đến hoạt động kinh tế (hàng hải, đánh cá, dầu khí, du lịch...), nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên.

 Về xây dựng tiềm lực an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia

- Quán triệt quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam là thông qua đàm phán để giải quyết vấn đề Biển Đông và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa; kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, không dựa vào nước này để chống lại hoặc làm đối trọng với nước kia. Việt Nam quan tâm và sẵn sàng tham gia vào mọi cố gắng song phương và đa phương nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và lợi ích chính đáng của các bên có liên quan.

- Phát huy sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh để bảo vệ chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Phát triển kinh tế biển, gắn liền với đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam là nhiệm vụ vừa có ý nghĩa cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài. Vì vậy, cần:

+ Hiện đại hóa lực lượng hải quân nhằm tăng cường khả năng phòng thủ vùng biển đảo. Xây dựng các lực lượng chấp pháp trên biển như kiểm ngư, cảnh sát biển ngày càng lớn mạnh để vừa quản lý vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vừa hỗ trợ ngư dân hoạt động kinh tế trên biển;

+ Phát huy vai trò của cộng đồng ngư dân, khơi dậy truyền thống và sự tinh thông nghề nghiệp, với nhiều ưu điểm nổi bật như: đức tính cần cù lao động, chịu đựng gian khổ, tìm tòi, học hỏi, tiết kiệm; có tinh thần đoàn kết nội bộ; có bản lĩnh trong cuộc sống, có truyền thống gắn bó keo sơn, đoàn kết, trung thành, trọng lẽ phải... trong phát triển kinh tế và kết hợp với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển hiện nay. Nghiên cứu chính sách an sinh xã hội (đặc biệt là chính sách bảo hiểm xã hội) phù hợp với đặc điểm hoạt động kinh tế trên biển của ngư dân, bởi lẽ, họ không chỉ là những người mưu sinh mà chính là những “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển, nhất là vùng biển thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

+ Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước và sự ủng hộ của quốc tế, trong đó lực lượng ngư dân có vai trò rất quan trọng trong cuộc đấu tranh giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải và vùng trời Tổ quốc. Lực lượng vũ trang là chỗ dựa cho ngư dân và các thành phần kinh tế sản xuất và khai thác tài nguyên biển. Xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế và đời sống của cư dân ven biển. Phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân ven biển.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận số 1-2020

(1), (2), (3), (4), (5) http://cafef.vn/kinh-te-bien.html.

(6) ĐCSVN: Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, 2018.

PGS, TS Trương Minh Dục

Học viện Chính trị khu vực III

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền