Trang chủ    Thực tiễn    Một số khó khăn, thách thức trong phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam
Thứ bảy, 18 Tháng 4 2020 14:45
84539 Lượt xem

Một số khó khăn, thách thức trong phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam

(LLCT) - Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu: kinh tế số ở Việt Nam đến năm 2025 đạt 20% GDP, năm 2030 chiếm trên 30% GDP. Để đạt mục tiêu này, cần xây dựng và thực hiện đồng bộ hệ thống giải pháp phù hợp. Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá những khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế số, bài viết nêu ra một số gợi ý nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số ở Việt Nam thời gian tới.

(Nguồn: vtc.gov.vn)

Từ khóa: kinh tế số, Cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ thông tin.

1. Kinh tế số và nền kinh tế số ở Việt Nam

Kinh tế số (digital economy), còn được gọi là kinh tế internet (internet economy), kinh tế mới (new economy) hoặc kinh tế mạng (web economy) là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số”, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua internet(1). Nền kinh tế số với hiệu suất kinh tế vượt trội và các mô hình kinh tế mới đang tạo ra những biến đổi căn bản trong tất cả các lĩnh vực và ngành kinh tế, từ nông nghiệp, công nghiệp đến dịch vụ; từ sản xuất, phân phối và lưu thông hàng hóa đến các yếu tố hỗ trợ, như: giao thông vận tải, logistic, tài chính, ngân hàng... Trong nền kinh tế số, các doanh nghiệp sẽ dần chuyển đổi từ quy trình sản xuất, kinh doanh truyền thống sang mô hình liên kết các khâu sản xuất, thương mại và sử dụng. Điều này sẽ làm tăng năng suất cũng như hiệu quả lao động; đồng thời tạo ra quy mô và tốc độ tăng trưởng cho các nền kinh tế.

Kinh tế số thể hiện rõ ở các hiện tượng như: công nghệ chuỗi khối (blockchain), nền tảng số, phương tiện truyền thông xã hội, doanh nghiệp điện tử (thương mại điện tử, các ngành truyền thống như sản xuất hoặc nông nghiệp có sử dụng công nghệ số hỗ trợ...); các doanh nghiệp liên quan đến phát triển phần mềm, ứng dụng, phát triển nội dung số và truyền thông, các dịch vụ và đào tạo liên quan, cùng với các doanh nghiệp tham gia sản xuất và phát triển thiết bị công nghệ thông tin và truyền thông(2).

Mặc dù khái niệm kinh tế số đã được sử dụng khá lâu, nhưng từ khi Cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, xu hướng số hóa hay công cuộc chuyển đổi số dần tác động mạnh mẽ tới tất cả lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Do đó, các nền kinh tế thay đổi trên hai bình diện: (i) Phương thức sản xuất: nguồn lực, hạ tầng, cách thức vận hành sản xuất, kinh doanh...; (ii) Cấu trúc kinh tế. Trong đó, đáng chú ý là bên cạnh các nguồn lực truyền thống xuất hiện nguồn lực phát triển mới như tài nguyên số, của cải số. Quyền lực tài chính đang dần chuyển sang quyền lực thông tin. Sức mạnh của một quốc gia được đo bằng sự phát triển của công nghệ cao, thông tin và trí tuệ con người. Kinh tế số mang lại sự tăng trưởng bền vững, bởi công nghệ sẽ đem lại những giải pháp tốt, hiệu quả trong sử dụng các loại tài nguyên, xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường... Đồng thời, với chi phí tham gia thấp và dễ tiếp cận, kinh tế số cũng tạo ra cơ hội cho nhiều người ở mọi thành phần, khu vực hơn, qua đó, góp phần làm giảm khoảng cách giàu nghèo, giải quyết nhiều vấn đề xã hội thông qua đo lường tâm trạng xã hội, sự tham gia của người dân vào hoạch định chính sách... Nhận thức được xu thế đó, hầu hết các nền kinh tế phát triển trên thế giới đều đưa ra chiến lược phát triển công nghệ số, trong đó, chú trọng việc nghiên cứu áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh... nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế(3).

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số khá nhanh trong khu vực. Xu hướng số hóa, chuyển đổi và ứng dụng công nghệ số ở Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng và rộng khắp trên nhiều lĩnh vực, từ thương mại đến giao thông, ngân hàng, y tế, giáo dục, du lịch, giải trí... và đã có những đóng góp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước. Hiện có khoảng 30 nghìn doanh nghiệp phần cứng, phần mềm, nội dung số và các dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin (ICT) với tổng doanh thu năm 2017 đạt 91,6 tỷ USD, gấp 12 lần so với năm 2010 (7,6 tỷ USD). Công nghiệp phần mềm với khoảng 10 nghìn doanh nghiệp, có tốc độ tăng trưởng cao (15% - 20%/năm), doanh thu năm 2017 đạt 3,7 tỷ USD. Việt Nam có hơn 50 công ty Fintech cung cấp dịch vụ thanh toán tiền gửi và tiền điện tử. Trong kinh doanh nội dung số, công nghiệp quảng cáo trực tuyến đạt doanh thu 390 triệu USD năm 2016, doanh thu trò chơi trực tuyến đạt khoảng 500 triệu USD(4). Các doanh nghiệp vận tải cũng ra mắt nhiều ứng dụng để cạnh tranh với Grab, Uber, như: FastGo, Be, VATO... Về du lịch, có sự tham gia của một loạt các startup Việt như: Mytour, Luxstay... cạnh tranh cùng với những tên tuổi lớn như Booking, Agoda hay AirB&B(5). Hằng năm, có hàng chục nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực số. Nhiều doanh nghiệp đã chứng tỏ được năng lực, thực hiện nhiều dự án công nghệ cao. Việt Nam trở thành thị trường đón nhận nguồn đầu tư đứng thứ 3 trong khu vực, với 600 triệu USD từ năm 2018 đến nửa đầu 2019. Số lượng các thương vụ đầu tư ít hơn nhưng giá trị cao hơn trong năm 2019. Một số thương vụ đầu tư vào MoMo, Sendo, Topica từ các nhà đầu tư quốc tế góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến của các đầu tư(6).

Với sự tăng trưởng vượt bậc về doanh thu và quy mô thị trường, hiện thương mại điện tử là một trong những cấu phần trọng yếu nhất của nền kinh tế số ở Việt Nam. Thương mại điện tử phát triển nhanh chóng cả về hình thức lẫn quy mô thị trường, trở thành một trong mười thị trường phát triển có tiềm năng nhất thế giới về tăng trưởng thương mại điện tử. Năm 2017, có 21 doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử nhận đầu tư nước ngoài với tổng số vốn lên đến 83 triệu USD, cao nhất trong tất cả các ngành nghề nhận được huy động vốn đầu tư. Xu hướng sáp nhập và mua lại giữa các doanh nghiệp thương mại điện tử tại Việt Nam cũng đã tăng trưởng đều cả ở giá trị và số lượng thương vụ. Năm 2018, thương mại điện tử ở Việt Nam tăng trưởng 30% với tổng doanh thu bán lẻ đạt 8 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ như hiện nay, ngành thương mại điện tử của Việt Nam được dự báo có thể tăng lên tới 30% - 50%/năm, quy mô thị trường có thể đạt từ 13 đến 15 tỷ USD trong năm 2020.

Việt Nam có mạng lưới hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và internet phát triển nhanh chóng, bao phủ rộng khắp và hiện đại; mật độ người dùng cao, hiện có khoảng 72% dân số đang sử dụng điện thoại thông minh, 68% số người Việt Nam xem video và nghe nhạc mỗi ngày trên thiết bị di động, có 70% số thuê bao di động đang sử dụng 3G hoặc 4G... Dựa trên số liệu của tập đoàn Miniwatts Marketing, Việt Nam hiện xếp thứ 13 trong top 20 quốc gia có số dân sử dụng mạng internet đông nhất thế giới. Năm 2018, Việt Nam đạt 41/100 điểm, đứng thứ 14 trong bảng xếp hạng về độ phủ dịch vụ đám mây.

Ngoài ra, sau hơn 10 năm triển khai Chính phủ điện tử, Việt Nam cơ bản hoàn thành việc kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản của các bộ, ngành, địa phương với Văn phòng Chính phủ. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo bắt đầu hình thành một cách đầy đủ. Hơn 3 nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp hình thành trong 2 năm qua, cùng với đó là 40 quỹ tổ chức đầu tư mạo hiểm, mạng lưới nhà đầu tư thiên thần.

2. Một số khó khăn, thách thức đối với sự phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam

Thứ nhất, môi trường thể chế và pháp lý cho phát triển kinh tế số ở nước ta còn yếu, chưa chặt chẽ, đồng bộ, minh bạch và mang tính kiến tạo. Sự chuyển đổi nhanh của các mô hình kinh doanh trong nền kinh tế số đã dẫn tới một số quy định pháp luật không theo kịp. Do sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ, kinh tế số cùng các phương thức kinh doanh và các ý tưởng sáng tạo mới làm cho các cơ quan quản lý nhà nước tỏ ra khá lúng túng trong quản lý các hoạt động kinh tế số. Thí dụ như: vấn đề quản lý và thu thuế đối với các hoạt động thương mại trực tuyến, nhất là kinh doanh qua các mạng xã hội và cung cấp dịch vụ xuyên biên giới; vấn đề bảo đảm quyền lợi cho người lao động và người tiêu dùng qua thế giới mạng; việc xử lý, giải quyết những tranh chấp, xung đột về hoạt động cũng như lợi ích của các chủ thể tham gia các hoạt động kinh doanh, thương mại và dân sự trên môi trường số. Cũng như môi trường kinh doanh truyền thống, nếu chúng ta không có môi trường pháp lý tốt để giải quyết tranh chấp thì các doanh nghiệp số sẽ chuyển sang nơi có điều kiện bảo đảm hơn. Ngoài ra, nếu chính sách quản lý quá chặt thì với đặc thù có thể kinh doanh xuyên biên giới, các doanh nghiệp nước ngoài, vốn không bị quản lý bởi chính sách của Việt Nam và với tiềm năng tài chính của mình có thể tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng với các doanh nghiệp trong nước.

Thứ hai, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực công nghệ thông tin - nhân tố quan trọng nhất trong cạnh tranh và phát triển kinh tế số - còn ít về số lượng, chưa bảo đảm về chất lượng. Việt Nam đang có sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, truyền thông chất lượng cao, nhân lực cho các lĩnh vực công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI). Giáo dục Việt Nam chưa theo kịp xu thế phát triển vũ bão của kinh tế số, kinh tế sáng tạo của trong Cách mạng công nghiệp 4.0. Vấn đề này nếu không được quan tâm đầu tư thích đáng trong thời gian tới thì sẽ là một trở lực lớn cho phát triển kinh tế số ở nước ta. Ngoài ra, theo các tính toán, trong 15 năm tới khoảng 50% công việc tại các nước phát triển sẽ được thay thế bởi các quy trình tự động hóa; tỷ lệ này cao hơn ở các nước đang phát triển như Việt Nam, vì giá trị gia tăng của lực lượng lao động thấp so với mức trung bình thế giới. Do đó, nhu cầu đào tạo và đào tạo lại nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số trở nên cấp bách.

Thứ ba, hạ tầng viễn thông chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong nền kinh tế số, dữ liệu là tài nguyên. Từ dữ liệu, các mô hình số hóa tạo ra những dịch vụ cá nhân hóa tối ưu và tận dụng hiệu quả nguồn lực xã hội nhàn rỗi. Tuy nhiên, hệ thống dữ liệu ở Việt Nam còn phân tán, chưa chia sẻ và kết nối liên thông. Do đó, Việt Nam đối mặt với thách thức lớn đến từ việc xây dựng một hệ cơ sở dữ liệu chung của quốc gia. Hiện một số bộ, ban, ngành đã tự xây dựng cơ sở dữ liệu cho mình nhưng khả năng liên thông chúng với nhau vẫn còn hạn chế. Việt Nam hiện chỉ có 9 trung tâm dữ liệu chuyên dụng cho doanh nghiệp, ít hơn rất nhiều so với các nước láng giềng, như: Thái Lan, Singapore, Indonesia... Đây là nút thắt quan trọng cần giải quyết, bởi việc có được nguồn dữ liệu đầu vào tốt là nền tảng căn bản để tạo lợi thế cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước, giúp họ tìm ra lời giải cho bài toán làm thể nào để Việt Nam cạnh tranh sòng phẳng với các dịch vụ công nghệ xuyên biên giới trên thế giới.

Thứ tư, việc bảo đảm an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin ở nước ta đang đối mặt với nhiều nguy cơ. Nền kinh tế số dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, internet chứa đựng nguy cơ lớn về bảo mật, an toàn thông tin, tài chính và tính riêng tư của dữ liệu, của các chủ thể tham gia kinh tế số. Việt Nam là một trong những quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất và cũng dễ bị tổn thương khi bị tấn công mạng. Trung tâm ứng cứu sự cố máy tính Việt Nam (VNCERT) cho biết, có tổng cộng 10 nghìn vụ tấn công mạng nhằm vào internet Việt Nam năm 2017, gây thất thoát 12.300 tỷ đồng. Theo nghiên cứu, thống kê của hãng bảo mật Kaspersky, Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất thế giới trong năm 2018. Điều này cho thấy, có một lỗ hổng rất lớn của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin. Điều này sẽ cản trở mục tiêu đưa kinh tế số trở thành một trong những trụ cột chính của nền kinh tế nước ta. Đặc biệt, trong một thế giới ngày càng kết nối, khi kỹ thuật số trở nên phổ biến, việc ngăn chặn và giải quyết vấn đề tấn công qua mạng ngày càng trở nên cấp bách vì không chỉ là vấn đề an ninh, an toàn kinh tế, bảo mật thông tin của cá nhân, doanh nghiệp... mà còn là vấn đề an ninh và lợi ích của quốc gia.

3. Giải pháp phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam thời gian tới

Ngày 27-9-2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW, trong đó đặt ra mục tiêu cho nền kinh tế số tại Việt Nam là đến năm 2025 đạt 20% GDP và đến năm 2030 chiếm trên 30% GDP. Để góp phần đạt mục tiêu này, đồng thời hạn chế những khó khăn, thách thức cho sự phát triển kinh tế số ở Việt Nam, chúng ta cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, xây dựng, hoàn thiện các thể chế, chính sách, pháp luật để tạo môi trường và không gian thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển kinh tế số. Trong đó, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, có cơ chế, chính sách hoàn thiện để điều chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tương thích với nền kinh tế số. Xây dựng các chính sách hỗ trợ huy động các nguồn lực, có những chính sách ưu đãi về thuế cho ngành phần mềm, các khu công nghệ cao, các công viên phần mềm.

Tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư, kinh doanh trong môi trường kinh tế số; tạo lập, khuyến khích và bảo đảm sân chơi bình đẳng, lành mạnh giữa các loại hình doanh nghiệp và thành phần kinh tế, giữa doanh nghiệp với nhau về môi trường khởi nghiệp, đầu tư, về quyền và nghĩa vụ thuế; cải cách và hoàn thiện hệ thống luật pháp theo yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển nền kinh tế số, tuân thủ các chuẩn mực quốc tế trong môi trường kinh tế số. Việc xây dựng hành lang pháp lý cho các hoạt động kinh tế số cũng cần tính đến xu thế phát triển và tác động của các đồng tiền kỹ thuật số, như: Bitcoin, Libra Coin, hay sự nở rộ của thị trường Forex trong giao dịch kinh tế và thị trường tài chính ảo. Cùng với đó là hoàn thiện hệ thống luật pháp và cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính liên quan trực tiếp tới kinh tế số, như: xây dựng luật văn bản điện tử, chữ ký số...

Xây dựng và thực hiện các chính sách kết nối cộng đồng khoa học - công nghệ trong nước với nước ngoài, đặc biệt với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Cần cơ cấu lại mạnh mẽ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, sàng lọc, lựa chọn và phân loại cơ cấu đầu tư theo hướng không dễ dãi trong thu hút đầu tư, hướng tới các dự án đầu tư có chất lượng, những ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp công nghệ cao, cam kết lâu dài, mang lại giá trị gia tăng lớn, có định hướng vào R&D tại chỗ và chuyển giao công nghệ tiên tiến cho Việt Nam.

Hai là, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế số. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin được xem là một trong những mối thách thức lớn đối với sự phát triển nền kinh tế số của Việt Nam. Vì vậy, cùng với việc thay đổi chương trình đào tạo theo kịp các xu thế công nghệ mới, đẩy nhanh việc xã hội hóa giáo dục công nghệ thông tin bằng việc tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên sớm tiếp cận lĩnh vực này, cần thay đổi giáo dục theo hướng tăng tính tự học, tự cập nhật và học suốt đời. Cùng với việc nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng cứng, Việt Nam cần tập trung đầu tư mạnh mẽ cho khoa học - công nghệ và giáo dục, coi trọng đổi mới giáo dục - đào tạo theo yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số. Điều này bao gồm xây dựng chiến lược đào tạo và thu hút tài năng công nghệ trong và ngoài nước, phát triển nguồn nhân lực công nghệ, nhất là công nghệ thông tin cả về lượng và chất, đổi mới và cập nhật, tiếp thu chương trình, giáo trình đào tạo của thế giới gắn với xu thế phát triển kinh tế số, nhất là đào tạo nhân lực công nghệ thông tin, tài chính công nghệ trong thời đại số, tạo điều kiện để học sinh các cấp sớm tiếp cận tri thức về công nghệ thông tin và những lĩnh vực công nghệ cốt lõi của Cách mạng công nghiệp 4.0. Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ nhân lực cho nền kinh tế số, có khả năng bảo vệ, hỗ trợ và thúc đẩy các lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam trong môi trường hội nhập quốc tế vào kinh tế số toàn cầu.

Ngoài ra, cần chú trọng bồi dưỡng, phổ biến, trang bị kiến thức cho đội ngũ doanh nhân Việt Nam đáp ứng yêu cầu của kinh tế số cũng như thích ứng với hội nhập vào thị trường thế giới. Có kiến thức và tư duy về kinh tế số là quan trọng nhưng có tư duy hội nhập, thích ứng với thị trường kinh tế số quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0 càng quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ trước môi trường cạnh tranh ngày càng quyết liệt và mang tính quốc tế qua không gian mạng. Tư duy quản trị và vận hành doanh nghiệp chuyên nghiệp, theo quy chuẩn quốc tế cũng cần được chú ý định hình trong mỗi doanh nghiệp và toàn nền kinh tế.

Ba là, xây dựng và công bố quy hoạch ngành về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, từ đó, ban hành các quy định, tiêu chuẩn trao đổi thông tin giữa các cơ quan, đơn vị để tạo sự liên kết, đồng bộ trong quá trình đầu tư và phát triển hạ tầng dựa vào ứng dụng công nghệ thông tin. Đẩy mạnh Chương trình Chính phủ điện tử, bao gồm: giao thông, du lịch sẽ thúc đẩy quá trình ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực. Đẩy mạnh công tác số hóa trong các ngành, các lĩnh vực, bao gồm: việc xây dựng kết cấu hạ tầng dữ liệu quốc gia; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính liên quan đến số hóa, điện tử hóa, minh bạch hóa thông tin. Bên cạnh đó, cần xây dựng hạ tầng thanh toán điện tử bằng các giải pháp hạn chế sử dụng tiền mặt; hỗ trợ sự phát triển của thương mại điện tử, hợp đồng điện tử, chữ ký số. Để tạo điều kiện cho phát triển thương mại điện tử thì hệ thống thanh toán điện tử quốc gia, hạ tầng chứng thực chứng từ điện tử và hỗ trợ xác thực thông tin giao dịch, các hệ thông quản lý, giám sát giao dịch điện tử, các cơ chế giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm trong giao dịch điện tử... cần sớm được hoàn thiện.

Bốn là, chú trọng công tác bảo vệ an ninh kinh tế, an ninh thông tin, an ninh mạng, giám sát và phòng, chống các loại tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao. Tập trung bảo đảm an ninh thông tin, an ninh mạng không chỉ ở cấp quốc gia mà còn ở từng cơ quan, đơn vị các cấp và từng doanh nghiệp, nhất là hệ thống tài chính - tiền tệ và các cơ quan chính phủ được số hóa. Cùng với xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng viễn thông hiện đại, trở thành nền tảng của nền kinh tế số, cần chú trọng việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng, bình đẳng trong cơ hội tiếp cận các cơ hội phát triển nội dung số. Ngoài ra, việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng sẽ giúp Việt Nam có được sự tin tưởng của các đối tác nước ngoài, là môi trường an toàn để đầu tư kinh doanh, đồng thời cũng là cơ hội để chúng ta phát triển các sản phẩm phục vụ an ninh mạng.

Chủ động tìm hiểu và tham gia các cơ chế, sáng kiến hợp tác, liên kết quốc tế và khu vực ở các lĩnh vực liên quan đến phát triển kinh tế số, nhất là bảo đảm an ninh, an toàn không gian mạng, bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư, ngăn chặn và chống các loại tội phạm lợi dụng công nghệ... Ở khía cạnh này, cần coi trọng thúc đẩy hợp tác, liên kết trong các thiết chế đa phương ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu, như Liên Hợp quốc, ASEAN... nhằm xây dựng những quy tắc phối hợp và ứng xử chung, các hiệp định, công ước và thỏa thuận hợp tác, phối hợp trên những vấn đề liên quan nảy sinh từ sự phát triển của kinh tế số nhằm bảo đảm an ninh thông tin, an ninh mạng.

Nghiên cứu đã xác định những nét khái quát về kinh tế số và nền kinh tế số ở Việt Nam; đồng thời xác định rõ những khó khăn, thách thức đối với sự phát triển nền kinh tế số ở nước ta, từ đó, đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam thời gian tới. Đây là vấn đề cần thiết nhằm tập trung các nguồn lực, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số, góp phần tạo thêm nội dung, động lực mới cho công cuộc đổi mới đất nước và thực hiện thành công đường lối CNH, HĐH, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận số 1-2020

(1) Kinh tế số là gì?, https://unitrain.edu.vn.

(2), (4) Think Tank Vinasa: Việt Nam thời chuyển đổi số, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2019.

(3) Phạm Việt Dũng: “Kinh tế số - cơ hội bứt phá cho Việt Nam”, http://www.tapchicongsan.org.vn.

(5) Trọng Đạt: “Chuyển đổi số và hiện trạng phát triển kinh tế số ở Việt Nam”, https://vietnamnet.vn/vn.

(6) Duy Anh: “Nắm giữ 12 tỷ USD, nơi ẩn giấu đại gia bất ngờ nhất Việt Nam”, http:///vietnamnet.vn/vn.

TS Bùi Thanh Tuấn

Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, Bộ Công an

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền