Trang chủ    Thực tiễn    Bài học kinh nghiệm xây dựng đồng thuận xã hội
Thứ tư, 24 Tháng 7 2013 14:48
2628 Lượt xem

Bài học kinh nghiệm xây dựng đồng thuận xã hội

(LLCT) - Xây dựng đồng thuận xã hội không chỉ là nhu cầu, mong muốn chủ quan của giai cấp cầm quyền mà nó là yêu cầu khách quan cho sự tồn tại và phát triển của xã hội. Do vậy, tổng kết những bài học kinh nghiệm từ thực tế hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI là bài học quý cho công tác quản lý xã hội nước ta trong những năm tiếp theo.

Khái niệm đồng thuận xã hội lần đầu tiên được Đảng ta sử dụng tại Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX(1). Thuật ngữ này sau đó được sử dụng thường xuyên trong các văn kiện của Đảng. Đồng thuận xã hội vừa được coi như một phương thức để tạo dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vừa được coi như một mục tiêu của xây dựng xã hội. Tại Đại hội XI, Đảng ta khẳng định: “Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung... để tập hợp, đoàn kết mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội”(2).          

Từ quan điểm trên, chúng tôi cho rằng, đồng thuận xã hội ở nước ta hiện nay có những nội dung cơ bản sau:       

Một là, cơ sở để xây dựng đồng thuận xã hội là mục tiêu: “một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Mọi người Việt Nam dù khác nhau về giai cấp, dân tộc, tôn giáo, lập trường, chính kiến... đều lấy mục tiêu đó làm điểm tương đồng để đoàn kết, gắn bó cùng nhau xây dựng đất nước.    

Hai là, đồng thuận xã hội được xây dựng trên phạm vi quốc gia, dân tộc; thành phần bao gồm tất cả các giai cấp, tầng lớp trong xã hội, cả người Việt Nam sống ở trong và ngoài nước.

Ba là, trong khi xác định mục tiêu xây dựng đất nước (như trên) làm điểm tương đồng, Đảng ta vẫn chấp nhận “những ý kiến, quan điểm khác nhau” với điều kiện, các ý kiến, quan điểm đó không trái với lợi ích chung của dân tộc.            

Bốn là, phương thức để tạo đồng thuận xã hội được Đảng ta xác định gồm ba phương thức cơ bản: một, “giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội” (giải pháp về kinh tế); hai, “các cấp ủy đảng và chính quyền phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến... có cơ chế, pháp luật để nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của mình” (giải pháp về chính trị); ba, “xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp... đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa khoan dung” (giải pháp về tư tưởng)(3).   

Như vậy, các phương thức, giải pháp mà Đảng ta đưa ra để xây dựng sự đồng thuận xã hội ở nước ta là toàn diện, đồng bộ, bao gồm cả giải pháp về kinh tế, chính trị, tư tưởng. Ba giải pháp đó có mối quan hệ biện chứng với nhau, bổ trợ cho nhau, trong đó giải pháp thứ nhất là quan trọng nhất.       

Trong bối cảnh chung sự khủng hoảng chính trị tại nhiều khu vực, sự trì trệ, suy thoái của nền kinh tế thế giới. Hai năm qua, là những năm đầy khó khăn, thách thức với nước ta. Trên các phương diện của đời sống xã hội, chúng ta chứng kiến nhiều sự đồng thuận, cả những sự bất đồng trên một số lĩnh vực.   

Những sự kiện tạo sự đồng thuận cao trong xã hội:          

Một là, chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế,trong nhiều năm qua, theo đánh giá của các chuyên gia, các nhà quản lý, nền kinh tế nước ta có những biểu hiện của sự suy giảm. Biểu hiện cụ thể như: tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm có xu hướng giảm dần; tăng trưởng kinh tế thiên về chiều rộng, dựa chủ yếu vào gia tăng số lượng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên; hiệu quả sử dụng các nguồn lực (vốn, tài nguyên thiên nhiên, đất đai...) và năng suất lao động thấp. Chi phí sản xuất, tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm ở mức cao và có xu hướng tăng lên... Trước thực trạng đó, Nghị quyết Đại hội XI đã xác định chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng thay đổi mô hình tăng trưởng, phát triển bền vững. Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (10-2011) tiếp tục xác định rõ hơn những nội dung của tái cơ cấu nền kinh tế. Trong đó, ba lĩnh vực chủ yếu tái cấu trúc được xác định gồm: tái cấu trúc đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính, trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước. Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba, khóa XIII (5-2012). Mặc dù còn những ý kiến khác nhau về nội dung cụ thể của Đề án, nhưng chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế nhận được sự đồng thuận cao trong toàn xã hội.         

Hai là, thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 (5-2011). Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trong cùng một ngày. Cuộc bầu cử đã diễn ra đúng pháp luật, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, an toàn, tiết kiệm, phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng chính quyền. Với tỷ lệ 99,51%(4) cử tri đi bầu cử, đã thể hiện sự quan tâm, đồng thuận của nhân dân với chủ trương xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước ta.

Ba là, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ là giá trị thiêng liêng nhất của mỗi người Việt Nam. Bảo vệ những giá trị ấy là nhiệm vụ của toàn dân tộc, trong đó, vai trò của Đảng, Nhà nước là rất quan trọng. Những năm qua, sự khẳng định quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của những người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta(5), đặc biệt, kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII thông qua Luật Biển Việt Nam đã nhận được sự đồng thuận của tuyệt đại đa số các tầng lớp nhân dân, cả người Việt Nam ở trong và ngoài nước. Sự đồng thuận không chỉ trên phương diện kiên quyết khẳng định, bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước mà còn ở phương thức bảo vệ (dựa trên các quy định của luật pháp quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp, khoản 3, điều 4 Luật Biển Việt Nam).         

Bốn là, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay.Hơn 80 năm kể từ khi thành lập, hơn 60 năm lãnh đạo đất nước, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, công tác xây dựng Đảng có nhiều khuyết điểm, yếu kém; thậm chí, có những yếu kém trầm trọng, kéo dài, nếu không giải quyết kịp thời sẽ “thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”(6). Biểu hiện rõ nhất là tình trạng: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”(7). Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã ra nghị quyết về Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Đảng ta đã khẳng định quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi những tiêu cực, yếu kém trong Đảng: “kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng”(8). Để thực hiện mục tiêu đó, cơ quan và những cá nhân giữ vị trí cao nhất của Đảng (Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, các ủy viên Bộ Chính trị) đã gương mẫu, nghiêm túc tiến hành phê bình và tự phê bình trước Đảng, trước dân. Nhận rõ những thiếu sót, khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa. Đây cũng là sự kiện được dư luận đồng thuận cao, không chỉ cán bộ, đảng viên của Đảng mà cả đông đảo các tầng lớp nhân dân. Vì, Đảng ta là đảng duy nhất cầm quyền, sự trong sạch, vững mạnh của Đảng có tác động đến toàn xã hội, đến sự thành bại của sự nghiệp cách mạng.      

Năm là, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai đã quy tụ được đông đảo kiều bào hướng về Tổ quốc.Được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 26 đến 30-9-2012, Hội nghị đã thu hút được gần 1000 đại biểu đại diện cho hơn 4 triệu kiều bào đang sinh sống, làm việc, học tập ở nước ngoài về tụ hội. Với chủ đề: “Tầm nhìn đến năm 2020 - Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hội nhập và phát triển cùng đất nước”. Hội nghị là dịp để bà con người Việt ở khắp năm châu thể hiện tình cảm, sự đoàn kết chung tay xây dựng, bảo vệ đất nước. Đây cũng là sự khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta “Người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của dân tộc”. Người Việt Nam không phân biệt dân tộc, giai cấp, tôn giáo, thành phần xuất thân, lý do ra nước ngoài... đều đồng lòng vì mục tiêu xây dựng: “Một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.        

Ngoài ra, kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIII (11-2012) thông qua nhiều luật, nghị quyết được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng thuận rất cao như: Nghị quyết về việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ quan trọng nhất của Nhà nước các cấp được Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân...   

Hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, ngoài những sự kiện tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, cũng còn một số sự kiện còn những bất đồng nhất định:     

Thứ nhất, công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.Trong 2 năm qua, điểm nổi bật về sự mâu thuẫn, bất đồng có tác động đến phạm vi toàn xã hội đó chính là công tác thu hồi đất đai. Tiêu biểu là hai vụ việc xảy ra tại Tiên Lãng (Hải Phòng) và Văn Giang (Hưng Yên).   

Trong quá trình CNH, HĐH đất nước, việc thu hồi đất nông nghiệp phục vụ cho phát triển công nghiệp, đô thị là việc làm tất yếu. Tuy nhiên, giá trị đền bù và phương thức thu hồi không phù hợp đã tạo ra sự bất đồng trong một bộ phận nhân dân bị thu hồi; thậm chí, đã xảy ra cả những mâu thuẫn, xung đột đáng tiếc. Tình trạng người dân khiếu kiện đông người, kéo dài xảy ra trên các vùng, miền chủ yếu liên quan đến đất đai cho thấy, chính sách đất đai và việc thực thi chính sách đất đai của nước ta còn nhiều bất cập. Người dân không đồng thuận với chính sách đền bù, phương thức thu hồi đất. Đất đai là tư liệu sản xuất chủ yếu của nông dân; do vậy, việc thu hồi đất phải đi liền với chính sách việc làm, tạo sinh kế lâu dài cho giai đoạn hậu thu hồi. Đây là lĩnh vực gây nhiều bức xúc, tạo ra nhiều điểm nóng xã hội, nếu không có chính sách phù hợp nó còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác.     

Thứ hai, những bất đồng về tính an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2.Sự cố đập thủy điện Sông Tranh 2 bắt đầu diễn ra vào cuối tháng 3-2012, khi tại đây xảy ra sự rò rỉ nước qua thân đập với khối lượng lớn. Sau đó, liên tục các đợt động đất với cường độ khác nhau. Theo số lượng thống kê của Viện nghiên cứu vật lý địa cầu, trước khi có đập thủy điện, tại khu vực này chỉ xảy ra 8 đợt động đất. Từ khi có đập thủy điện, chỉ trong vòng một năm (tháng 11-2011 đến tháng 11-2012) đã xảy ra hơn 70 trận động đất. Vấn đề gây bất an cho người dân sinh sống tại vùng hạ lưu của đập thủy điện chính là những ý kiến khác nhau, thậm chí đối lập nhau giữa các nhà khoa học, nhà quản lý, chính quyền đối với sự an toàn của đập thủy điện. Ngay tại phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIII vẫn có những ý kiến khác nhau về tính an toàn của đập thủy điện. Ở đây, sự bất đồng liên quan đến kết luận về tính an toàn của đập thủy điện và kèm theo đó là sinh mạng của hơn 40 nghìn người dân sống ở vùng hạ lưu.          

Từ thực tiễn trên, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm:   

Một là,để tạo lập được đồng thuận xã hội phải đặt lợi ích chung của toàn dân tộc ở vị trí tối cao. Cả quá khứ và hiện tại đều chứng minh rằng, khi nào giai cấp cầm quyền biết đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết thì được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Người dân sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, gạt qua những bất đồng cục bộ vì lợi ích tối cao của dân tộc. Quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là một thí dụ tiêu biểu. Người Việt dù khác nhau về quan điểm, lập trường, chính kiến; dù trong nước hay ngoài nước đều đồng thuận với quyết tâm đó của Đảng, Nhà nước.  

Hai là,mức độ đồng thuận của nhân dân với các quyết sách của Đảng, Nhà nước phụ thuộc một cách quyết định vào việc giải quyết hài hòa các lợi ích. Hầu hết những nơi, những vụ việc gây ra bất đồng đều do quyền lợi của người dân không được bảo đảm. Hai vụ việc (Tiên Lãng, Văn Giang) là những thí dụ điển hình về mâu thuẫn lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân bị thu hồi đất. Bài học rút ra là chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phải vì lợi ích của số đông quần chúng nhân dân, khi đó, sẽ được nhân dân đồng tình ủng hộ.       

Ba là,sự đồng thuận của xã hội cũng phụ thuộc vào sự phù hợp giữa chính sách của Đảng, Nhà nước với quy luật, yêu cầu phát triển khách quan. Thực tế kiểm nghiệm cho thấy, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phù hợp với lợi ích của đại đa số nhân dân thì được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Nhưng, cũng có trường hợp, quyết định không có lợi cho dân nhưng vẫn được dân đồng thuận đó là các quy định ban hành phù hợp với quy luật, yêu cầu phát triển khách quan. Thí dụ, Nhà nước quản lý giá xăng dầu, khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, cơ quan quản lý đồng ý cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tăng giá. Quyết định này làm cho đời sống người dân thêm khó khăn nhưng vẫn nhận được sự đồng thuận vì nó phù hợp với quy luật khách quan. Hay, việc một số địa phương quyết định thay đổi giờ học, giờ làm việc nhằm làm giảm ùn tắc giao thông. Quyết định này lúc đầu tạm thời gây ra sự xáo trộn, khó khăn cho một số gia đình. Tuy nhiên, đại đa số nhân dân vẫn đồng thuận vì nó phù hợp với lợi ích chung của toàn xã hội.        

Bốn là,việc xây dựng, ban hành chính sách phải xuất phát từ điều kiện cụ thể, phù hợp với thực tế Việt Nam. Trong năm 2012, một số quy định của các cơ quan nhà nước ban hành đã không nhận được sự đồng thuận của nhân dân, thí dụ Thông tư số 33/2012/TT-BNNPTNT, ngày 20-7-2012 và Thông tư số 34/2012/TT-BNNPTNT, ngày 20-7-2012 của Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn(9). Cả hai Thông tư này đưa ra các quy định không phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện tại. Do vậy, bản thân Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ra văn bản bãi bỏ hai Thông tư nói trên.

Đồng thuận xã hội là một trạng thái tâm lý xã hội không bất biến và một chiều. Trong đồng thuận lớn cũng hàm chứa cái bất đồng nhỏ; trong bất đồng lớn cũng hàm chứa những cái đồng thuận nhỏ. Thí dụ, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc được đông đảo nhân dân đồng thuận, nhưng bên cạnh đó cũng còn những ý kiến khác nhau về phương thức thực hiện (mong muốn có hành động kiên quyết hơn, mạnh mẽ hơn, hình thức đa dạng, phong phú hơn...). Trong trường hợp Văn Giang (Hưng Yên), người dân bất đồng về chính sách bồi thường, giải pháp hỗ trợ sản xuất, đời sống sau thu hồi đất... nhưng, người dân cũng đồng thuận về chủ trương phát triển công nghiệp, phát triển đô thị. Điều đó cho thấy, các cơ quan có thẩm quyền cần nhận thức được mối quan hệ giữa đồng thuận và bất đồng để có phương thức xử lý cho phù hợp.        

Xây dựng đồng thuận xã hội không chỉ là nhu cầu, mong muốn chủ quan của giai cấp cầm quyền mà nó là yêu cầu khách quan cho sự tồn tại và phát triển của xã hội. Do vậy, tổng kết những bài học kinh nghiệm từ thực tế hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI là bài học quý cho công tác quản lý xã hội nước ta trong những năm tiếp theo.

__________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2013

(1) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.24-25.       

(2),(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.239-240, 240.       

(4) Vân Thiêng, Lại Hoa: Công bố kết quả bầu cử Quốc hội và HĐND, http://www.na.gov.vn.  

(5) Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội ngày 29-6-2012; của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại buổi tiếp xúc cử tri Quận 4 Thành phố Hồ Chí Minh ngày 18-10-2012; trước đó, phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII, ngày 25-11-2011.         

(6),(7),(8) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia,  Hà Nội, 2012, tr.21-22, 22, 26.          

(9) Thông tư số 33/2012/TT-BNNPTNT, ngày 20-7-2012 Quy định điều kiện vệ sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm với cơ sở kinh doanh thịt và phụ phẩm ăn được của động vật dạng tươi sống dùng làm thực phẩm và Thông tư số 34/2012/TT-BNNPTNT, ngày 20-7-2012 Quy định điều kiện vệ sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở thu gom, bảo quản, kinh doanh trứng gia cầm ở dạng tươi sống dùng làm thực phẩm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hai Thông tư này có những quy định không phù hợp với thực tế Việt Nam như quy định chỉ được bán thịt gia súc, gia cầm trong 8 giờ sau giết mổ; kinh doanh trứng gia cầm phải được khử trùng, đóng gói đúng quy cách trước khi đem bán...

ThS Nguyễn Văn Quyết

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền