Trang chủ    Thực tiễn    Phát triển mô hình sinh kế bền vững dựa trên tiềm năng tri thức bản địa các tộc người thiểu số ở vùng Đông Bắc
Thứ tư, 20 Tháng 5 2020 15:06
4434 Lượt xem

Phát triển mô hình sinh kế bền vững dựa trên tiềm năng tri thức bản địa các tộc người thiểu số ở vùng Đông Bắc

(LLCT) - Sinh kế là hoạt động kiếm sống của con người thông qua việc sử dụng các nguồn lực (con người, tự nhiên, vật chất, tài chính, xã hội...). Khi hoạt động sinh kế thích ứng, hoặc tránh được các tác động tiêu cực từ môi trường dễ bị tổn thương, đồng thời bảo đảm duy trì, phát triển được các nguồn lực trong cả hiện tại và tương lai thì được coi là sinh kế bền vững. Trên cơ sở Lý thuyết khung sinh kế bền vững DFID, bài viết phân tích về mô hình sinh kế bền vững dựa trên tiềm năng tri thức bản địa của đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh Đông Bắc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Từ khóa: sinh kế bền vững, tri thức bản địa, dân tộc thiểu số, vùng Đông Bắc.

Vùng Đông Bắc gồm 9 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh. Đây là vùng núi và trung du với nhiều khối núi và dãy núi đá vôi hoặc núi đất, có độ cao khoảng 100 - 150 m, có vùng đồng bằng bị chia cắt bởi gò đồi. Vùng Đông Bắc có nhiều sông chảy qua, trong đó các sông lớn là sông Hồng, sông Chảy, sông Lô, sông Gâm (thuộc hệ thống sông Hồng), sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam (thuộc hệ thống sông Thái Bình), sông Bằng, sông Kỳ Cùng... Vùng biển Đông Bắc là khu vực có nhiều đảo nhất Việt Nam, chiếm đến 2/3 số lượng hải đảo của cả nước ta. Rừng vốn từng đóng vai trò quan trọng trong sinh kế, đời sống văn hóa của hầu hết các tộc người vùng Đông Bắc. Tuy nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm, nhưng vì địa hình cao, lại có nhiều dãy núi hình cánh cung mở ra ở phía Bắc, nên vào mùa Đông có gió Bắc thổi mạnh, rất lạnh. Vùng núi ở Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn có thể có lúc nhiệt độ xuống dưới 0°C và có băng giá, đôi khi có tuyết rơi(1).

Vùng Đông Bắc có khoảng 20 tộc người cùng sinh sống, trong đó, người  Tày, Nùng chiếm đa số. Các tộc người ở Đông Bắc thuộc các nhóm ngôn ngữ: Nam Á, Thái - Ka Đai, Hán - Tạng. Các tộc người nhóm ngôn ngữ Việt - Mường, Tày - Thái và Ka Đai cư trú chủ yếu ở các huyện vùng thấp, nhóm ngôn ngữ H’mông - Dao và Hán - Tạng cư trú ở vùng cao.

1. Khái niệm sinh kế và sinh kế bền vững

Sinh kế

Năm 1983, trong công trình “Rural development:  Putting  the  last  first”, Chambers và Robert chính thức sử dụng khái niệm “sinh kế”(2). Từ đó đến nay, các nhà khoa học và các cơ quan phát triển đã tiếp nhận khái niệm này và cố gắng đưa vào thực thi. Khung phân tích sinh kế bền vững của DFID định nghĩa: “sinh kế bao gồm các khả năng, các tài sản (bao gồm cả các nguồn lực vật chất và xã hội) và các hoạt động cần thiết kiếm sống”(3).

Sinh kế bền vững được Robert Chambers và Gordon Conway (1992) định nghĩa như sau: “Sinh kế bao gồm năng lực, tài sản và các hoạt động kiếm sống. Một sinh kế bền vững là một sinh kế có thể đối phó và phục hồi trước những sức ép và cú sốc, duy trì hoặc nâng cao năng lực, tài sản và cung cấp các cơ hội kiếm sống bền vững cho thế hệ tiếp theo, đóng góp lợi ích vào sinh kế của những người khác tại địa phương và trên toàn cầu trong ngắn và dài hạn”(4).

Lý thuyết khung sinh kế bền vững DFID

Khung phân tích sinh kế bền vững của Bộ Phát triển Quốc tế Anh (Department for International Development - DFID) được các học giả và các cơ quan phát triển ứng dụng rộng rãi trong phân tích về sinh kế và đói nghèo. Khung phân tích này đề cập đến các yếu tố và thành tố hợp thành sinh kế bao gồm: (1) Các ưu tiên mà con người thể nhận biết được; (2) Các chiến lược mà họ lựa chọn để theo đuổi các ưu tiên đó; (3) Các thể chế, chính sách và tổ chức quyết định đến sự tiếp cận của họ đối với các loại tài sản hay cơ hội và các kết quả mà họ thu được; (4) Các tiếp cận của họ đối với năm loại vốn và khả năng sử dụng hiệu quả các loại vốn mình có; (5) Bối cảnh sống của con người, bao gồm các xu hướng kinh tế, công nghệ, dân số, các cú sốc và mùa vụ(5).

Khung phân tích sinh kế bền vững đề cập đến khái niệm “vốn” (capital), cho rằng có năm loại tài sản vốn, hay hình thức vốn, để bảo đảm an ninh sinh kế hay giảm nghèo, bao gồm: (a) Vốn vật chất là cơ sở hạ tầng và các loại hàng hóa mà người sản xuất cần để hậu thuẫn sinh kế; (b) Vốn tài chính ngụ ý về các nguồn lực tài chính mà con người sử dụng để đạt được các mục tiêu sinh kế của mình; (c) Vốn xã hội là các nguồn lực xã hội mà con người sử dụng để theo đuổi các mục tiêu sinh kế của mình, bao gồm: quan hệ, mạng lưới, thành viên nhóm, niềm tin, sự phụ thuộc lẫn nhau và trao đổi cung cấp các mạng an ninh phi chính thống quan trọng; (d) Vốn con người đại diện cho các kỹ năng, tri thức, khả năng làm việc và sức khỏe tốt, tất cả cộng lại tạo thành những điều kiện giúp con người theo đuổi các chiến lược sinh kế  khác nhau và đạt được các mục tiêu sinh kế. Ở cấp độ hộ gia đình, vốn con người là số lượng và chất lượng lao động của hộ và loại vốn này tùy thuộc vào quy mô của hộ, trình độ giáo dục và kỹ năng nghề nghiệp, khả năng quản lý, tình trạng sức khỏe, tri thức về các cấu trúc sở hữu chính thống và phi chính thống (như các quyền, luật pháp, chuẩn mực, cấu trúc chính quyền, các thủ tục...); (e) Vốn tự nhiên là tất cả những nguyên vật liệu tự nhiên để tạo dựng sinh kế. Có rất nhiều nguồn lực tạo thành vốn tự nhiên bao gồm cả các nguồn lực đất đai, nước, rừng, đa dạng sinh học, và những nguồn tài nguyên không thể tái tạo được như khoáng sản(6).

2. Tri thức bản địa

Thuật ngữ “tri thức bản địa” được Robert Chambers dùng lần đầu tiên trong một ấn phẩm xuất bản năm 1979. Sau đó, được Brokensha và D.M.Warren sử dụng vào năm 1980 và tiếp tục được sử dụng, phát triển cho đến ngày nay(7).

Khác với “tri thức hàn lâm” được hình thành chủ yếu qua các nhà thông thái, được hệ thống hóa và truyền lại qua học vấn và sách vở, tri thức bản địa được hình thành, tồn tại và phát triển trong quá trình lao động sản xuất, ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội của mọi thành viên trong cộng đồng; được bổ sung, hoàn thiện dần dần, được truyền từ đời này sang đời khác thông qua nhiều hình thức như: kinh nghiệm, ca hát, câu đố, tập tục, thói quen... Tri thức bản địa và tri thức khoa học có sự khác biệt(8).

Về định nghĩa tri thức bản địa và vai trò của nó đối với sự phát triển trong xã hội đương đại cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau. Theo Mcelwee Pamela, một định nghĩa về tri thức bản địa là một thách thức. Một nhóm được Ủy ban quốc tế của các Hiệp hội khoa học, một cơ quan khoa học toàn cầu đã nói rằng: Kiến thức truyền thống là một khối tích lũy các kiến thức, hiểu biết, các tập quán và các cách diễn đạt được duy trì và phát triển bởi những con người có lịch sử lâu dài trong tương tác với môi trường tự nhiên. Những cách hiểu, lý giải và các ý nghĩa tinh vi này là một phần của một phức hệ văn hóa bao gồm ngôn ngữ, tên gọi và các hệ thống phân loại, các thói quen sử dụng tài nguyên, lễ nghi, tín ngưỡng và thế giới quan... Tri thức truyền thống tạo cơ sở cho việc ra quyết định của người địa phương về nhiều khía cạnh cơ bản của cuộc sống hàng ngày: săn bắn, đánh cá, hái lượm, nông nghiệp và chăn nuôi; chuẩn bị thức ăn, bảo tồn và phân phối thức ăn, xác định vị trí, lấy nước và dự trữ nước; đấu tranh chống lại bệnh tật và thương vong; giải nghĩa các hiện tượng thời tiết và khí tượng; sản xuất các công cụ và quần áo; xây dựng và bảo dưỡng nhà ở; định hướng và đi lại trên đất liền và biển; quản lý các mối quan hệ sinh thái của xã hội và tự nhiên, thích nghi với các thay đổi về môi trường, xã hội...(9)

Phân loại tri thức bản địa

Các nhà nghiên cứu Việt Nam và thế giới thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau phân loại tri thức bản địa khác nhau, chưa có sự thống nhất.

Theo Simon Brascoupe’ và Howard Mann(10), tri thức bản địa bao gồm các lĩnh vực: 1) Nông nghiệp và nghề làm vườn; 2) Thiên văn học; 3) Lâm nghiệp; 4) Sức khoẻ con người, những bài thuốc y học chữa bệnh truyền thống; 5) Kiến thức về những động vật, con cá và những hệ sinh thái; 6) Sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường bền vững; 7) Những hệ thống phân loại truyền thống cho sự sống và các nguồn tài nguyên khác; 8) Hệ thống kiến thức và những phong tục truyền miệng; 9) Tinh thần, niềm tin; 10) Các biểu tượng, ký hiệu; 11) Văn hóa và nghệ thuật truyền thống.

Theo PGS, TS Hoàng Xuân Tý(11), tri thức bản địa bao gồm các lĩnh vực: 1) Tri thức về trồng trọt; 2) Tri thức về chăn nuôi; 3) Tri thức về quản lý rừng và tài nguyên cộng đồng; 4) Tri thức về dinh dưỡng và sức khoẻ con người; 5) Tri thức về tổ chức cộng đồng và truyền thụ kinh nghiệm cho con cháu.

Theo GS, TS Ngô Đức Thịnh(12), tri thức bản địa bao gồm: 1) Tri thức về tự nhiên và môi trường (kể cả vũ trụ); 2) Tri thức về bản thân con người (cơ thể học, dưỡng sinh, trị bệnh); 3) Tri thức về sản xuất, khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên; 4) Tri thức về ứng xử xã hội và quản lý cộng đồng; 5) Tri thức về sáng tạo nghệ thuật.

Theo PGS, TS Phạm Quang Hoan(13), tri thức bản địa bao gồm các lĩnh vực: 1) Tri thức về sử dụng, bảo vệ và quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, chủ yếu là rừng, đất đai và nguồn nước; 2) Tri thức trong sản xuất nông nghiệp; 3) Tri thức về các nghề thủ công truyền thống; 4) Tri thức về y học dân gian và chăm sóc sức khoẻ; 4) Tri thức về điều hành và quản lý xã hội.

3. Các nguồn lực sinh kế của các tộc người thiểu số vùng Đông Bắc

Nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực là một yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn sinh kế cho người dân. Yếu tố con người/người lao động trong sản xuất được đánh giá bởi nhiều yếu tố như độ tuổi, trình độ học vấn và đào tạo chuyên môn, trình độ tay nghề, năng suất lao động...

Giáo dục phổ thông là nền tảng cơ bản của phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số nói chung, và ở vùng Đông Bắc nói riêng. Kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số của Ủy ban Dân tộc thực hiện năm 2015 cho thấy: Các tỉnh vùng Đông Bắc có tổng số 4.578 trường học, trong đó có 1.384 trường mầm non, 1.388 trường tiểu học, 1.027 trường trung học cơ sở, 127 trường trung học phổ thông, 101 Trường phổ thông cấp 1-2.

Nguồn lực vật chất

Nguồn lực vật chất được hiểu là cơ sở hạ tầng (phương tiện vận chuyển, đường xá, xe cộ, các tòa nhà và chỗ ở an toàn, nguồn cấp nước và hệ thống xử lý rác thải, năng lượng, truyền thông), các công cụ và công nghệ (các công cụ và thiết bị sản xuất, hạt giống, phân bón, thuốc trừ sâu, tập quán sản xuất).

Tính riêng đường giao thông nông thôn ở các tỉnh Đông Bắc, kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số của Ủy ban Dân tộc thực hiện năm 2015 cho thấy: Các tỉnh vùng Đông Bắc có tổng số 14.560 thôn, trong đó thôn có đường nhựa: 4.186; thôn có đường bê tông: 4.847; thôn có đường rải sỏi: 1.303; thôn có các loại đường khác: 3.656; không xác định: 567.

 Nguồn lực tài chính

Nguồn lực tài chính được hiểu là tiền tiết kiệm, các khoản tín dụng và vay nợ (chính thức và không chính thức), các khoản tiền chuyển về, lương hưu, lương định kỳ.

Nguồn lực tự nhiên

Nguồn lực tự nhiên chủ yếu là các loại đất canh tác, sản xuất, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, rừng tự nhiên (và rừng trồng), khí hậu, sinh vật... Nguồn lực này là yếu tố đặc biệt quan trọng ảnh hưởng tới sinh kế, và trực tiếp ảnh hưởng tới đời sống hàng ngày của con người.

Tính riêng đất ở và đất sản xuất, kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số của Ủy ban Dân tộc thực hiện năm 2015 cho thấy: Các tỉnh Đông Bắc có 9.881 hộ dân tộc thiểu số thiếu đất ở, 43.403 hộ dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất.

Nguồn lực xã hội

Nguồn lực xã hội được hiểu là các mối quan hệ giúp gia tăng sự tin tưởng và khả năng hợp tác, mở rộng khả năng tiếp cận của các thành viên hộ gia đình dân tộc thiểu số tới các thể chế chính trị, kinh tế và dân sự. Ví dụ sự hỗ trợ, tương tác của xã viên trong hợp tác xã, quan hệ thân tộc, quan hệ cộng đồng dân tộc... Là thành viên của các tổ chức đoàn thể, hội, nhóm, cộng đồng tôn giáo, dân tộc... như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên... Các yếu tố cấu thành nguồn lực xã hội có quan hệ qua lại với nhau. Nguồn lực xã hội của mỗi hộ gia đình dân tộc thiểu số phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, giới tính của các thành viên trong hộ, các hội nhóm, cộng đồng mà các thành viên trong hộ tham gia, môi trường văn hóa xã hội, nơi hộ sinh sống.

Nguồn lực xã hội ảnh hưởng đến các nguồn lực khác, như: nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, nguồn lực vật chất,...bằng cách nâng cao hiệu quả các mối quan hệ kinh tế, giảm ảnh hưởng của vấn đề thông tin không cân xứng và lòng tin trong kinh tế thị trường,...Nó cũng là kênh giảm nhẹ ảnh hưởng của các cú sốc hay bù đắp cho sự thiếu hụt các nguồn lực khác thông qua mạng lưới quan hệ.

Nguồn lực xã hội rất khó đo lường và định lượng. Chẳng hạn, không thể đánh giá nguồn lực xã hội bằng cách đếm số tổ chức xã hội tại địa phương. Không chỉ số lượng mà bản chất và chất lượng của các tổ chức này cũng rất quan trọng. Do đó, người ta thường tìm hiểu xu hướng, liệu hoạt động của các tổ chức xã hội này tốt hơn hay xấu hơn trước, xét trên khía cạnh hỗ trợ cho phát triển sinh kế hộ gia đình dân tộc thiểu số? Liệu các quan hệ xã hội có cản trở hay hỗ trợ phát triển sinh kế của hộ gia đình dân tộc thiểu số?(15).

4. Phát huy giá trị tri thức bản địa trong phát triển sinh kế bền vững

Tri thức bản địa của người các tộc người thiểu số ở Việt Nam là một phức hợp những kinh nghiệm được hình thành trong thế ứng xử giữa hoạt động của cộng đồng trong một vùng môi trường có các điều kiện tự nhiên cụ thể để sinh tồn. Nó được chọn lọc và truyền từ đời này qua đời khác trong cộng đồng. Tri thức bản địa có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển, nhưng cũng có những mặt hạn chế. Sự hạn chế này xuất phát từ đặc tính địa ph­ương (tính bản địa, tính tộc ngư­ời) rất cao, nên khó phổ biến rộng rãi đến các tộc người khác, vùng khác.

Thông thường, tri thức bản địa được phân thành hai nhóm: các tri thức dưới dạng “kỹ thuật”; các tri thức dưới dạng văn hóa tín ngưỡng, luật tục... Trong việc thực hành phát triển tại các khu vực nông thôn và miền núi, các tri thức về kỹ thuật được kết hợp với các tri thức khoa học hiện đại để thiết lập các dự án kinh tế - xã hội; các tri thức về văn hóa - xã hội được sử dụng cho mục đích quản lý các nguồn lợi, bảo vệ môi trường sinh thái trong khu vực của cộng đồng...

Tri thức bản địa đã và đang đóng góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vấn đề của địa phương và tộc người. Những tri thức về nông nghiệp (kỹ thuật xen canh, chăn nuôi, đa dạng cây trồng, chăm sóc sức khỏe vật nuôi, chọn giống cây trồng); chăm sóc sức khoẻ con người (bằng các phuơng thuốc truyền thống); sử dụng và quản lý tài nguyên thiên nhiên (bảo vệ đất, thuỷ lợi và các hình thức quản lý nước khác); giáo dục (kiến thức truyền miệng, các ngôn ngữ địa phương)... đã có những tác dụng nhất định trong xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, không phải tri thức bản địa nào cũng được sử dụng như nhau và phát huy hiệu quả trong bối cảnh mới. Do vậy, không thể chỉ lựa chọn và áp dụng tri thức khoa học, cũng không thể chỉ dựa vào tri thức bản địa, vấn đề đặt ra là phải kết hợp hai nguồn tri thức ấy vì mục tiêu phát triển bền vững. Điều đó có nghĩa là, khi triển khai các dự án, chúng ta phải nghiên cứu để lồng ghép và chuyển tải những kinh nghiệm trong bảo vệ đất, tính lịch sản xuất, trong xen canh, luân canh...; những tri thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên... vào việc trồng, bảo vệ rừng, xây dựng mô hình VAC (vườn ao chuồng), VACR (vườn, ao, chuồng, rừng); xây dựng các mô hình vườn nhà, vườn rừng. Từ đó góp phần vào việc thay đổi nhận thức và thế ứng xử trong không gian sinh tồn của người dân vùng cao, chuyển từ tập quán khai thác thiên nhiên một chiều sang tập quán đầu tư và tái tạo thiên nhiên. Bên cạnh đó, những tri thức trong việc chăm sóc sức khoẻ cộng đồng; trong điều hành, quản lý con người, quản lý làng bản, xã hội với việc đề cao vai trò của người già, của tính cộng đồng, tính nhân văn..., của những quan hệ bền chặt trong gia đình, dòng họ... là những kinh nghiệm quý trong việc xây dựng nông thôn có tăng trưởng về kinh tế nhưng vẫn bảo đảm được công bằng xã hội và bảo vệ được môi trường. Đó chính là mục tiêu của phát triển bền vững mà chúng ta đang hướng tới(16).

Tóm lại, tri thức bản địa gắn bó mật thiết với cuộc sống của các tộc người thiểu số, được trải nghiệm trong lịch sử nên phần lớn là những tri thức liên quan đến môi trường, cách thức sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, tổ chức và quản lý xã hội... Tri thức bản địa được phản ánh đậm nét trong những bài dân ca, truyền thuyết và những thực hành văn hóa của người dân tộc thiểu số. Để phát triển sinh kế bền vững cho các tộc người thiểu số không thể chỉ dựa vào những kinh nghiệm tri thức bản địa sẵn có của người dân và cộng đồng. Điều tất yếu phải làm là chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật hiện đại vào đời sống và sản xuất trên cơ sở phù hợp với giá trị văn hóa, tri thức bản địa của từng tộc người. Mục tiêu/kết quả sinh kế bền vững của tộc người thiểu số là: nâng cao thu nhập, nâng cao phúc lợi, giảm rủi ro tổn thương, cải thiện an ninh lương thực, sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2020

(1) https://dantocmiennui.vn.

(2) ChambersvàRobert: “Rural development: Putting the last first”, Longman Scientific & Technical, co-published in the United States with John Wiley & Sons, Inc., NewYork, 1983, p.37-38.

(3) Department for International Development (DFID): “Sustainable livelihoods guidance sheets”, 1999, https://www.ennonline.net.

(4) Chambers, R. and Conway, G.R: Sustainable Rural Livelihoods: Practical Concepts for the 21st Century”, Discussion Paper 296, Institute of Development Studies, 1992.

(5), (6) Xem: Department for International Development (DFID) (1999): “Sustainable livelihoods guidance sheets”, https://www.ennonline.net; Nguyễn Văn Sửu (2010): “Khung sinh kế bền vững: Một cách phân tích toàn diện về phát triển và giảm nghèo”, Tạp chí Dân tộc học, số 2, tr.3-12.

(7), (11) Hoàng Xuân Tý và Lê Trọng Cúc (chủ biên): Kiến thức bản địa của đồng bào vùng cao trong nông nghiệp và quản lý tài nguyên thiên nhiên, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội, 1998, tr.12.

(8) Vũ Trường Giang: “Tri thức bản địa”, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 6, 2012, tr.55-56.

(9) Alan, R. Emery and Associates: Guidelines for Environmental Assessments and Traditional Knowledge. A Report from the Centre for Traditional Knowledge of the World Council of Indigenous People, Ottawa, 1997.

(10) Simon Brascoupe’ and Howard Mann: A Community Guide to Protection Indigenous Knowledge, http://www.ainc-inac.gc.ca, 2001.

(12) Ngô Đức Thịnh: “Thế giới quan bản địa”, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 4, 2004, tr.7.

(13) Phạm Quang Hoan: “Tri thức địa phương (tri thức truyền thống) của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam trong đời sống xã hội đương đại”, in trong: Thông báo Dân tộc học năm 2005, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.40.

(14) Đây là số liệu thống kê chung theo các tộc người của cả nước. Chúng tôi chưa có điều kiện tính toán, chia tách thu nhập của các tộc người thiểu số ở các tỉnh vùng Đông Bắc.

(15) Trần Lệ Bích Hồng: Ảnh hưởng của chính sách xóa đói giảm nghèo tới sinh kế của hộ nghèo dân tộc thiểu số ở huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, Luận án Tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế Nông nghiệp, trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên, 2018, tr.41-42.

 

(16) Vũ Trường Giang: “Bảo tồn tri thức bản địa của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam”, Tạp chí Dân tộc, số 111, 2010, tr.28-29.

TS Vũ Trường Giang

Học viện Chính trị Khu vực I

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền