Trang chủ    Thực tiễn    Phát triển đô thị bền vững ở vùng Tây Nam Bộ - Mục tiêu, vấn đề và giải pháp
Thứ hai, 27 Tháng 7 2020 12:32
2307 Lượt xem

Phát triển đô thị bền vững ở vùng Tây Nam Bộ - Mục tiêu, vấn đề và giải pháp

(LLCT) - Phát triển đô thị bền vững đang là xu hướng của thế giới, đồng thời là yêu cầu cấp bách ở Việt Nam hiện nay. Trong những năm vừa qua, phát triển đô thị ở vùng Tây Nam Bộ theo hướng bền vững nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập, đòi hỏi phải có những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ hơn trong việc xác lập, vận dụng các tiêu chí phát triển đô thị bền vững đến việc hiện thực hóa các chủ chương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển đô thị bền vững vùng Tây Nam Bộ.

Từ khóa: phát triển đô thị bền vững, đô thị vùng Tây Nam Bộ.

1. Phát triển đô thị bền vững

Hiện nay trên thế giới có nhiều lý thuyết và quan điểm khác nhau về phát triển đô thị: thành phố sống tốt, thành phố toàn cầu, thành phố phát triển bền vững, thành phố thông minh…và nhiều cách đánh giá khác nhau. Tuy có nhiều điểm khác biệt, nhưng nhìn chung khi nói đến phát triển đô thị là đề cập đến sự phát triển hài hòa giữa các yếu tố kinh tế, môi trường và xã hội một cách bền vững với mục tiêu cuối cùng là đời sống cư dân đô thị phải khá giả hơn lên, sống tiện nghi hơn và hạnh phúc hơn.

Phát triển đô thị bền vững dựa trên nguyên tắc hợp nhất các phương diện: kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái, cơ sở hạ tầng, không gian, quản lý để tìm ra vùng chung/tiếng nói chung đảm bảo yêu cầu: công bằng, sống tốt và tính bền vững. Mối quan hệ giữa các tiêu chí phát triển đô thị bền vững là một thể thống nhất chặt chẽ, hữu cơ với nhau. Thiếu một trong các nhóm tiêu chí (Bảng 1) cũng như những tiêu chí trong mỗi nhóm tiêu chí đều có thể dẫn tới đô thị sẽ không phát triển lành mạnh và càng không thể phát triển đô thị bền vững(1).

Tất cả những tiêu chí này là cơ sở tham khảo để Việt Nam có thể đề ra một triết lý phát triển đô thị bền vững phù hợp. Đó là:1) Lấy con người làm trung tâm của sự phát triển; 2) Cân bằng giữa mục tiêu phát triển kinh tế và môi trường tự nhiên; 3) Cân đối giữa tăng trưởng kinh tế và xã hội; 4) Phát triển hài hòa giữa con người với công nghệ - kỹ thuật; 5) Đảm bảo phát triển đa văn hóa và đời sống đạo đức, tinh thần của các nhóm người khác biệt nhau; 6) Đảm bảo an ninh, hòa bình, trật tự và ổn định xã hội; 7) Đảm bảo sự tham gia dân chủ của người dân trong tiến trình phát triển đô thị; 8) Công bằng xã hội trong đời sống kinh tế; 9) Đảm bảo hài hòa giữa các thế hệ; 10) Phát triển không gian hợp lý; 11) Phát triển cân đối đô thị - nông thôn.

2. Mục tiêu phát triển đô thị bền vững ở vùng Tây Nam Bộ

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam năm 2019, đồng bằng sông Cửu Long  có tổng diện tích 40.548,2km², với dân số 21,49 triệu người. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng chỉ chiếm 13% diện tích cả nước nhưng có gần 18% dân số cả nước. Trong đó, tỷ lệ dân số thành thị khoảng 25,5%, chỉ cao hơn Trung du và miền núi Bắc Bộ (18,5%)(2). Hiện nay, toàn vùng Tây Nam Bộ có hơn 160 đô thị nằm dọc các hệ thống sông chính nên nguy cơ bị ảnh hưởng trước biến đổi khí hậu là rất lớn. Đô thị vùng Tây Nam Bộ có 8 đặc điểm sau: 1) ra đời muộn nhất so với cả nước; 2) có tốc độ phát triển khá nhanh chóng, chỉ thua khu vực Đông Nam Bộ; 3) phát triển đồng loạt và rộng khắp; 4) có sự ưu đãi về tài nguyên dồi dào, thương nghiệp phát triển; 5) Tính chất đô thị sông nước, tận dụng được hệ thống sông ngòi, kênh rạch, đường biển; 6) là đô thị của vùng sinh thái đồng bằng châu thổ với loại hình kinh tế nông nghiệp làm chủ đạo; 7) ngay từ khi mới hình thành, đô thị vùng Tây Nam Bộ đã mang chức năng kinh tế khá rõ; 8) đang có xu hướng mất dần lợi thế, nhất là về chức năng đô thị kinh tế(3).

Nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của  vùng Tây Nam Bộ nói chung và đô thị vùng Tây Nam Bộ nói riêng theo hướng bền vững, trong thời gian qua Đảng ta đã ban hành Nghị quyết dành riêng cho khu vực, như: Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 20-1-2003 về Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001-2010; Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17-2-2005 về Xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước... Để hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định, nghị quyết như, Quyết định số 01/1998/QĐ-TTg ngày 5-1-1998 về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long đến 2010 đã xác định các giải pháp quan trọng: i) Về thu hút đầu tư, huy động vốn, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ và môi trường, mở rộng thị trường phục vụ sản xuất và dân sinh phải được các địa phương các bộ, ngành liên quan đề xuất với Chính phủ thông qua các chính sách và giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội; ii) Ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thực hiện đầu tư tập trung nhằm đạt hiệu quả thiết thực, tạo động lực phát triển cho vùng; và iii) Thực hiện chính sách khuyến khích kinh tế cao đối với những ngành, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường và hướng về xuất khẩu(4). Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 492/2009/QĐ-TTg ngày 16-4-2009 về việc Phê duyệt Đề án thành lập vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó nêu rõ quan điểm phát triển là: i) Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và toàn vùng kinh tế trọng điểm, trên cơ sở phát triển hiệu quả, toàn diện các khu vực đồng bằng, ven biển và kinh tế biển, trong thế liên kết với các địa phương khác trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và hợp tác với các địa phương vùng khác trong cả nước; ii) Chủ động hội nhập sâu rộng, đẩy mạnh mở rộng giao thương kinh tế với các nước trong khu vực và quốc tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng; iii) Gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, giảm dần sự chênh lệch về phát triển xã hội giữa các khu vực và giữa các dân tộc; iv) Phát triển kinh tế kết hợp với bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững; và v) Phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với tăng cường, củng cố an ninh - quốc phòng, giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội(5).

Trong Quyết định số 1581/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã xác lập 10 mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long là: 1) Phát huy vai trò, vị thế và tiềm năng của Vùng theo mô hình đa cực tập trung kết hợp các hành lang kinh tế đô thị, với thành phố Cần Thơ là đô thị hạt nhân và trung tâm của vùng; 2) Phát triển cấu trúc không gian toàn Vùng với hành lang kinh tế sông Tiền, sông Hậu, Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, cụm các đô thị trung tâm và các đô thị nhỏ được phân bố đều dựa trên các vùng nông nghiệp, công nghiệp và du lịch; 3) Phát triển các đô thị mới có tính chất, chức năng dịch vụ phát triển công nghiệp, du lịch, thương mại gắn với đặc thù từng vùng; 4) Xây dựng hệ thống đô thị trên toàn Vùng, liên kết, hỗ trợ giữa các vùng đô thị trung tâm và các trục hành lang kinh tế đô thị; 5) Phát triển các vùng nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp tập trung chuyên môn hóa; hình thành các trục hành lang kinh tế công nghiệp và dịch vụ, tạo động lực cho các tỉnh trong Vùng phát triển nhanh và bền vững; 6) Phát triển các vùng du lịch, các trung tâm du lịch tầm quốc tế, quốc gia gắn với đặc trưng văn hóa, đô thị và cảnh quan tự nhiên; 7) Phát triển cân bằng, hài hòa giữa đô thị và nông thôn; 8) Hình thành hệ thống hạ tầng xã hội đa dạng và linh hoạt trên cơ sở hệ thống hạ tầng kỹ thuật gắn kết hệ thống dân cư, đô thị trên toàn vùng, kiểm soát môi trường chặt chẽ, có các đầu mối xử lý chất thải, nghĩa trang, nguồn nước sạch, năng lượng, kết hợp kiểm soát lũ tại vùng với các giải pháp giảm thiểu ảnh hưởng thay đổi bất thường của thiên nhiên đối với các đô thị ven biển, ven sông; 9) Hình thành các chương trình, dự án chiến lược có sức lan tỏa và thúc đẩy sự phát triển vùng; 10) Xây dựng khung thể chế bao gồm mô hình quản lý và kiểm soát phát triển không gian, kiến trúc cảnh quan vùng có hiệu quả(6).

Vào năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 19-7-2012 về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020. Mục tiêu chủ yếu của quy hoạch này là: Xây dựng, phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa và thủy sản của cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững; phát triển mạnh kinh tế biển và phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiến kịp mặt bằng chung của cả nước; là địa bàn, cầu nối để chủ động hội nhập, giao thương, hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực; bảo đảm vững chắc an ninh chính trị, quốc phòng và trật tự, an toàn xã hội(7).

Nhằm hoàn thiện mục tiêu phát triển bền vững, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 245/QĐ-TTg ngày 12-2-2014 về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, quan điểm phát triển là: i) Phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển theo chiều sâu gắn với đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; ii) Đầu tư có trọng điểm vào một số lĩnh vực mà vùng có lợi thế cạnh tranh như sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản chất lượng cao, du lịch sinh thái, du lịch biển và du lịch văn hóa lễ hội, dịch vụ và kinh tế biển, đảo; iii) Phát triển đồng bộ hệ thống các đô thị, khu dân cư và hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hướng thân thiện với môi trường sinh thái; iv) Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển các lĩnh vực xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, giảm chênh lệch về phát triển xã hội giữa các khu vực và giữa các dân tộc; v) Tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; vi) Thực hiện phát triển bền vững, gắn phát triển kinh tế - xã hội với sử dụng tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái; chủ động phòng tránh và ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; và vii) Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội(8).

Gần đây ngày 17-11-2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó khẳng định Tầm nhìn đến năm 2100: đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng, trên cơ sở phát triển phù hợp nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; hệ thống cơ sở hạ tầng được quy hoạch, phát triển đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn trước thiên tai; tài nguyên thiên nhiên được sử dụng hợp lý; đa dạng sinh học và truyền thống văn hóa lịch sử được duy trì và tôn tạo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Đồng thời, Nghị quyết cũng nhấn mạnh: chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên trong cải tạo nâng cấp và phát triển đô thị; rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, quản lý đầu tư phát triển đô thị trong bối cảnh gia tăng nguy cơ rủi ro từ biến đổi khí hậu; nâng cao nhận thức, tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương trong điều hành, quản lý phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu(9).

3. Một số vấn đề đặt ra và giải pháp

Do đang trong bước đầu tiếp cận với lộ trình phát triển đô thị bền vững, đô thị vùng Tây Nam Bộ với đặc thù sông nước của vùng đồng bằng sông Cửu Long, đang đặt ra những vấn đề sau đây:

Một là, chưa xác định rõ mối quan hệ giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch các ngành. Chất lượng quy hoạch đô thị chưa cao, công tác quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch có mặt chưa tốt, còn nhiều bất cập; quy trình, nội dung quy hoạch chưa kịp thời đổi mới theo hướng lồng ghép nội dung phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; chưa tạo ra nền tảng đồng bộ về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhằm thu hút sự tham gia đầu tư của toàn xã hội để kịp thời thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; công tác triển khai quy hoạch và quản lý đô thị còn thiếu đồng bộ trong các khâu: vốn, quỹ đất, thời gian, mức độ ưu tiên...

Hai là, hạ tầng đô thị không đồng bộ, thiếu vắng các đô thị hiện đại và bền vững. Phần lớn các đô thị ở vùng Tây Nam Bộ đều là đô thị chỉnh trang mở rộng hay được nâng cấp từ thị trấn đã có từ trước. Nhiều đô thị chưa đạt được tầm vóc vị thế để trở thành đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực... Các dịch vụ xã hội thiết yếu về nhà ở, y tế, giáo dục, điện, nước... còn nhiều hạn chế; tình trạng ngập úng, sạt lỡ, nước thải, ô nhiễm môi trường, xây dựng trái phép, lấn chiếm đất công, mất an ninh trật tự xã hội... có xu hướng gia tăng.

Ba là, tình trạng lãng phí đất đai trong các đô thị chưa được khắc phục, hiệu quả đầu tư xây dựng còn thấp ảnh hưởng đến phát triển bền vững và diện mạo đô thị vùng Tây Nam Bộ. Nguồn lực cho phát triển đô thị còn dàn trải, thiếu hụt. Nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật đô thị lớn, việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong xã hội còn hạn chế. Hệ thống cây xanh công viên, mặt nước ở không ít đô thị chưa được quan tâm.

 Bốn là, công tác quản lý đô thị vùng Tây Nam Bộ chưa theo kịp thực tiễn, chưa đáp ứng xu thế phát triển đô thị bền vững. Nguồn nhân lực cho công tác quản lý đô thị thiếu hụt; công tác quản lý đô thị từng lúc, từng nơi còn hạn chế do nhiều nguyên nhân khác nhau. Công tác quản lý cơ sở dữ liệu đô thị ở vùng Tây Nam Bộ còn nhiều hạn chế, nguồn dữ liệu đô thị đang bị phân tán ở nhiều ngành khác nhau như: xây dựng, giao thông - vận tải, tài nguyên - môi trường, thống kê... Vì thế, các tiêu chí, chỉ tiêu thống kê, đánh giá phát triển đô thị của các ngành, các địa phương có nhiều điểm khác biệt, khó chuẩn hóa để sử dụng chung trên nền tảng số hóa. Trong khi đó, chưa có văn bản pháp luật cụ thể quy định về công tác thu thập dữ liệu cho khu vực đô thị; nhiều ngành, lĩnh vực thiếu hoặc không có cán bộ chuyên trách để thực hiện được công tác xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị.

Năm là, đô thị ở vùng Tây Nam Bộ đang phải đối mặt với các vấn đề biến đổi khí hậu.Tình trạng biến đổi khí hậu - nước biển dâng đang đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững  đô thị vùng Tây Nam Bộ. Trong khi đó, tình trạng phát triển  các khu dân cư, đô thị tự phát vẫn còn diễn ra, làm suy giảm cảnh quan môi trường văn hóa - sinh thái của đô thị vùng Tây Nam Bộ.

Sáu là, phát triển đô thị hiện chưa thể hiện rõ bản sắc địa phương và đặc điểm khí hậu vùng Tây Nam Bộ. Bên cạnh đó, đô thị hóa ở vùng Tây Nam Bộ hôm nay chưa tạo được nhiều ngành nghề mới cho lao động nông nghiệp. Chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế; trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng của phần lớn người lao động chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế-xã hội của vùng Tây Nam Bộ, chưa đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động, nhất là các doanh nghiệp sử dụng công nghệ - kỹ thuật hiện đại.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đô thị bền vững ở vùng Tây Nam Bộ cần phải tính tới và thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, cần khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phục vụ phát triển đô thị bền vững; xây dựng chính sách khuyến khích xã hội hóa trong các lĩnh vực nhằm huy động, khuyến khích mọi nguồn lực trong và ngoài nước tham gia phát triển đô thị bền vững.

Hai là, tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc triển khai thực hiện các đề án, chương trình, kế hoạch xây dựng đô thị bền vững. Cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần đề cao tinh thần trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, quán triệt đến từng tổ chức, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và nhân dân về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển đô thị bền vững, tạo sự đồng thuận, thống nhất về quan điểm và các nội dung thực hiện.

Ba là, để thúc đẩy quá trình phát triển đô thị bền vững ở vùng Tây Nam Bộ thì công tác quy hoạch xây dựng đô thị phải có giá trị thực tiễn cao, quy chế và thể chế luật lệ phải thích hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội tương ứng với từng địa phương. Quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quản lý đô thị phát triển là nội dung cần được ưu tiên và nâng tầm nhìn dài hạn. Quy hoạch cần được đặt trong hệ thống phối hợp toàn diện với nhiều ngành liên quan và địa phương chủ quản để đảm bảo tính khả thi của quy hoạch.

Bốn là, trong quá trình phát triển đô thị bền vững ở vùng Tây Nam Bộ, việc xây dựng chính quyền đô thị là yếu tố cốt lõi để đảm bảo công tác quản lý đô thị hiệu quả. Trong đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý đô thị, phòng chống suy thoái ô nhiễm môi trường, tăng cường quản lý đất đai, quản lý xây dựng đô thị.

Năm là, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển đô thị bền vững. Tăng cường giáo dục nếp sống văn minh, gia đình văn hóa mới đối với cư dân đô thị; phát triển dân số hợp lý, nâng cao sức khỏe cộng đồng; khuyến khích người dân sử dụng các nhiên liệu sạch trong sinh hoạt thay cho các loại nhiên liệu gây ô nhiễm, tạo thói quen ưu tiên sử dụng giao thông công cộng...

Sáu là, quan tâm đầu tư hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu; gắn kết phát triển kinh tế với phát triển các lĩnh vực xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế, du lịch, văn hóa, xây dựng nông thôn mới, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa khu vực thành thị và nông thôn.

Bảy là, tăng cường công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đô thị. Đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm, kiên quyết triệt phá những băng, nhóm tội phạm, tội phạm công nghệ cao, tội phạm có tổ chức, tội phạm ma túy, môi trường, tội phạm kinh tế... Đồng thời, tăng cường đầu tư phát triển giao thông công cộng, áp dụng kỹ thuật quản lý giao thông thông minh có chức năng điện tử, viễn thông, truyền phát, điều khiển đường bộ và phương tiện giao thông...

Tám là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại các các cấp, các ngành, tổ chức ở đô thị; tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin của đô thị theo hướng hiện đại, an toàn, chuẩn hóa, đồng bộ, liên thông, bảo đảm khả năng tiếp cận và sử dụng cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân...

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2020

(1) Lê Hồng Kế: Phát triển đô thị quốc gia bền vững, 2016, www.hids.hochiminhcity.gov.vz.

(2) Tổng cục Thống kê Việt Nam: Tình hình kinh tế - xã hội năm 2019. https://www.gso.gov.vn.

(3) Trần Ngọc Thêm và cộng sự: Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ, Nxb Văn hóa-Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2014.

(4) Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 01/1998/QĐ-TTg ngày 5-1-1998 về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến 2010.

(5) Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 492/2009/QĐ-TTg ngày 16-4-2009 về việc Phê duyệt Đề án thành lập vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

(6) Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 1581/2009/QĐ-TTg ngày 9-10-2009 về việc Phê duyệt Quy hoạch xây dựng Đồng bằng sông Cửu Long đến 2020 và tầm nhìn đến 2050.

(7) Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 939/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phù phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long.

(8) Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 245/QĐ-TT của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long.

 

(9) Chính phủ Việt Nam: Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

PGS, TS Phạm Minh Anh

TS Đỗ Văn Quân

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền