Trang chủ    Thực tiễn     Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tộc người thiểu số vùng Tây Bắc hiện nay
Thứ hai, 27 Tháng 7 2020 12:57
3145 Lượt xem

Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tộc người thiểu số vùng Tây Bắc hiện nay

(LLCT) - Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc nói chung và di sản văn hóa tộc người thiểu số nói riêng là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tây Bắc là khu vực có nhiều tộc người thiểu số với nền văn hóa đa dạng, là một nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Việc bảo tồn, phát huy nguồn di sản đặc biệt này để phát triển đã đạt được nhiều kết quả nhưng còn nhiều hạn chế, bất cập. Từ đánh giá những kết quả cũng như hạn chế, bài viết đưa ra một số kiến nghị để bảo tồn, phát huy tốt hơn di sản văn hóa tộc người thiểu số vùng Tây Bắc.

Từ khóa: văn hóa tộc người, Tây Bắc.

1. Quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các tộc người

Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng khẳng định: “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa”(1). Mục tiêu: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”(2) và “Xây dựng văn hoá trong chính trị và kinh tế... vì sự phát triển bền vững của đất nước, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(3) được Đại hội XII của Đảng đề ra, tiếp tục thể hiện quan điểm của Đảng về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập. Nhờ đó, văn hoá từng bước trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo của Đảng, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện, trong đó có nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Theo đó, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc là nhiệm vụ then chốt của chiến lược phát triển văn hóa. Các nhiệm vụ cụ thể là: (1) Tập trung điều tra toàn diện, nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và văn hóa phi vật thể; các loại hình nghệ thuật cổ truyền đặc sắc, văn hóa dân gian của từng địa phương, từng vùng văn hóa, từng vùng dân tộc; nghề thủ công truyền thống, lễ hội tiêu biểu, kho tàng Hán Nôm. Kết hợp phải hài hòa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững; (2) Điều tra, sưu tầm, xây dựng ngân hàng dữ liệu về văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể tiêu biểu; (3) Đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại để bảo quản, giữ gìn lâu dài tài liệu, hiện vật tại các bảo tàng, cơ quan lưu trữ tư liệu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật ở trung ương và địa phương; (4) Thực hiện các hình thức tôn vinh các nghệ sĩ, nghệ nhân tiêu biểu và cơ chế chính sách để các nghệ nhân phổ biến, truyền dạy nghề cho các thế hệ(4). Việc bảo tồn phải gắn với công tác đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.

“Tộc người là một cộng đồng người được hình thành trong lịch sử, mang ba tiêu chuẩn chủ yếu sau đây: cùng chung tiếng nói; cùng có chung một ý thức tự giác tộc người biểu hiện ở tên tự gọi chung; có những yếu tố văn hóa thống nhất...”(5).  Trong đó, văn hóa tộc người là tổng thể các yếu tố văn hóa mang tính đặc thù tộc người, nó thực hiện chức năng cố kết tộc người và phân biệt tộc người này với tộc người kia. Trong văn hoá tộc người, các yếu tố đầu tiên được nhận diện là ngôn ngữ, trang phục, các tín ngưỡng và nghi lễ, vốn văn học dân gian, tri thức dân gian về tự nhiên xã hội, về bản thân con người và tri thức sản xuất, khẩu vị ăn uống, tâm lý dân tộc(6)... Nói cách khác, văn hóa tộc người là “những khía cạnh tiêu biểu của tộc người đó tạo nên những nét khác biệt với văn hóa các tộc người khác”(7). Văn hóa tộc người là một bộ phận, là cơ sở hình thành của văn hóa dân tộc vì mỗi quốc gia dân tộc (nation) có nhiều tộc người (ethnic). Trong đó, có một tộc người chiếm đa số và nhiều tộc người thiểu số. Văn hóa tộc người thiểu số trong nhiều trường hợp và nhiều điều kiện bị lãng quên, mai một hoặc không được tôn trọng. Do đó, “Nếu coi thống nhất của văn hóa từ đa dạng, thì muốn củng cố sự thống nhất ấy, phải trên cơ sở bảo tồn và phát triển tính đa dạng của văn hóa, mà ở đây thể hiện rõ nhất là đa dạng văn hóa tộc người và văn hóa địa phương (văn hóa vùng). Sẽ không có sự thống nhất văn hóa nào vững chắc và lành mạnh lại dựa trên cơ sở thuần nhất hóa hay đơn nhất hóa văn hóa”(8). Nói cách khác, văn hóa các tộc người cần được đối xử công bằng dựa trên cơ sở đa dạng văn hóa vì mục tiêu phát triển bền vững. Để thực hiện được mục tiêu đó, một số nhiệm vụ cần làm là: (i) Chấp nhận đa dạng văn hóa; (ii) Giữ gìn ngôn ngữ tộc người; (iii) Giữ gìn bản sắc văn hóa tộc người; (iv) Ý thức tự giác tộc người; (v) Văn hóa góp phần phát triển kinh tế - xã hội(9).

2. Thực trạng bảo tồn và phát huy văn hóa tộc người thiểu số vùng Tây Bắc hiện nay

Tây Bắc gồm 11 tỉnh và các khu vực: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Tây Thanh Hóa, Tây Nghệ An. Với vị trí địa lý tiếp giáp với hai nước là Lào và Trung Quốc, đường biên giới dài, Tây Bắc là một vùng biên cương, là “phên dậu” với vị trí chiến lược, thường xuyên phải đương đầu với các thế lực xâm lược. Tây Bắc là địa bàn sinh sống của 30 dân tộc, thuộc 3 ngữ hệ khác nhau(10).

Các tộc người có khi sống tập trung thành từng thôn, bản, có khi rải rác, đan xen, cộng cư nhưng vẫn tạo thành nhiều vùng tộc người với các thôn bản còn lưu giữ được các giá trị văn hóa đặc sắc, với những tiềm năng to lớn. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL ngày 8-6-2015 công nhận Tây Bắc có 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, Sơn La có 2 di sản: Lễ Hết Chá của người Thái, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu và Nghệ thuật Xòe Thái tỉnh Sơn La; Điện Biên có 3 di sản: Lễ Kin pang then của người Thái trắng (thị xã Mường Lay), Tết Nào pê chầu của người Mông đen (xã Mường Đăng, huyện Mường Ẳng), Lễ hội Đền Hoàng Công Chất (xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên); Lai Châu có 1 di sản: Nghệ thuật Xòe Thái (tỉnh Lai Châu); Yên Bái có 1 di sản: Nghệ thuật Xòe Thái (Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ).

Thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, việc bảo tồn và khai thác di sản văn hóa vùng Tây Bắc phục vụ mục tiêu phát triển bền vững có nhiều kết quả tốt đẹp. Cụ thể:

Một là, cấp ủy và chính quyền các cấp vùng Tây Bắc đã quán triệt, cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc thành các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể. Các địa phương đã ban hành các nghị quyết, đề án về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu xây dựng các đề tài, đề án, trong đó đặc biệt chú trọng đến phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số, như: Nghị quyết số 02/NQ-TU, ngày 28-6-2016 của Tỉnh ủy Lai Châu về giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016-2020; Đề tài khoa học của Ban Dân vận Tỉnh ủy Lai Châu về “Nghiên cứu tập tục tín ngưỡng của dân tộc vùng cao và các giải pháp bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”; Đề tài của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lai Châu về “Giải pháp bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Mông, góp phần ổn định đời sống vật chất, đời sống tinh thần của đồng bào trên địa bàn tỉnh Lai Châu”; Đề án của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu về kiểm kê lập danh mục bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống 13 dân tộc trên địa bàn tỉnh; Đề tài Sưu tầm và xuất bản thành ấn phẩm sáng tác của cộng đồng các dân tộc tỉnh Điện Biên (văn học dân gian và văn học viết), Đề án về kiểm kê di sản văn hóa các tộc người thiểu số tỉnh Điện Biên, Đề án giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Lai Châu... Nhìn chung, các đề án, đề tài về cơ bản đã thực hiện được công tác kiểm kê, đánh giá hiện trạng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn, thực hiện việc sưu tầm để bảo lưu văn hóa, văn học dân gian các tộc người nơi đây.

Hai là, công tác bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể các dân tộc đã được các địa phương quan tâm thực hiện, đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay, Lai Châu sưu tầm trên 31 nghìn hiện vật, trong đó có gần 1.900 hiện vật văn hóa dân tộc; kiểm kê lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể 13 dân tộc cư trú thành cộng đồng; phối hợp tổ chức mở được 13 lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể các dân tộc. Sưu tầm, bảo tồn tri thức dân gian của hai dân tộc (Dao và Hà Nhì); 6 làn điệu dân ca, dân vũ của các dân tộc: Thái, Si La, Lự, Mông, Hà Nhì, Dao; phục dựng 16 lễ hội của các dân tộc, đồng thời hằng năm duy trì tổ chức 40 lễ, lễ hội(11). Trong năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn 7 lễ hội truyền thống các dân tộc thiểu số cần được phục dựng, bảo tồn. Trong đó, có 5 lễ hội vùng Tây Bắc, gồm: Lễ hội truyền thống dân tộc Lào, tỉnh Điện Biên; Lễ hội truyền thống dân tộc La Chí, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang; Lễ hội truyền thống dân tộc Nùng, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang; Lễ hội truyền thống dân tộc Thái, tỉnh Yên Bái; Lễ hội truyền thống dân tộc Shi La, tỉnh Lai Châu.

Ba là, các cấp ủy và chính quyền địa phương đã quan tâm, chú trọng khai thác vốn văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số, được cụ thể hóa bằng việc tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật, các hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng. Đến nay toàn tỉnh Lai Châu có trên 1 nghìn đội văn nghệ, trong đó có 665 đội hoạt động thường xuyên và hiệu quả. Hầu hết các địa phương trong tỉnh duy trì tốt việc tổ chức ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc trong các dịp lễ, tết, nhiều địa phương tổ chức vào dịp Quốc khánh 2-9 hằng năm(12). Ở Điện Biên, các sắc màu văn hóa tộc người cũng được chú trọng khai thác và phát triển trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật quần chúng và đỉnh cao là lễ hội hoa ban, bắt đầu tổ chức thường niên từ tháng 3 năm 2016 tại thành phố Điện Biên Phủ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn phát huy di sản văn hóa tộc người thiểu số còn một số hạn chế như sau:

Một là, các giải pháp còn chưa được tiến hành đồng bộ và triệt để, vì thế hiệu quả của giải pháp chưa cao. Tuy các cấp ủy, chính quyền đã có nhận thức đúng đắn về vai trò của việc bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc nhưng một bộ phận nhân dân và các cấp ủy, chính quyền còn chưa có nhận thức đầy đủ, dẫn đến tình trạng mức độ quan tâm còn thấp, hiệu quả chưa cao. Trong đó, công tác tuyên truyền trong nhân dân, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số về bảo tồn di sản văn hóa chưa được chú trọng. Một số nội dung cần bảo tồn gấp, như: ngôn ngữ, sáng tác văn học dân gian, tri thức bản địa của các dân tộc chưa được quan tâm toàn diện, dẫn đến hiệu quả bảo tồn còn thấp. Vùng người Lào, người Khơ Mú ở Pa Thơm, Mường Lói, Phu Luông (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), vùng người Mông (Phình Sáng, Tuần Giáo, Điện Biên); vùng người Thái ở Chiềng Mai (Mai Sơn, Sơn La) hay vùng người Giáy ở xã San Thàng (thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu) khi được hỏi về lịch sử tộc người, lịch sử địa bàn cư trú hay các thực hành văn hóa tộc người đều không đưa ra được những câu trả lời thỏa đáng(13).

Hai là, chưa khai thác tốt di sản văn hóa tộc người trong phát triển kinh tế - xã hội. Văn hóa được xem như một nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, là một nguồn vốn trong các chiến lược phát triển. Các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, văn hóa tộc người... đã trở thành những nguồn lực quan trọng trong kinh tế du lịch, như: Sa Pa, bản Lác... Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc còn thiếu sự “vào cuộc” của các bên tham gia: nhà quản lý, chủ dự án, chuyên gia và cộng đồng được hưởng lợi hoặc bị thiệt thòi từ dự án. Tình trạng bản sắc văn hóa dân tộc Tây Bắc của nhiều tộc người bị mai một nghiêm trọng. Các dân tộc ít người nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ me như: Kháng, Mảng, Khơ Mú… đang có nguy cơ bị “Thái hóa”. Các dân tộc ở vùng biên giới với Trung Quốc lại có nguy cơ bị “Hán hóa”, “Choang hóa”… Còn các dân tộc ở vùng ven đô thị, ven đường giao thông lại có nguy cơ “Kinh hóa”. Người Hà Nhì ở Ý Tý (Lào Cai), Mường Tè (Lai Châu) bỏ trang phục truyền thống của dân tộc mình và mặc trang phục của người Hà Nhì - Trung Quốc sản xuất bằng vải công nghiệp. Tương tự như vậy, người Mông ở biên giới phía bắc cũng bỏ trang phục sản xuất thủ công để mua trang phục mà nguyên liệu được sản xuất bằng phương pháp công nghiệp của Trung Quốc. Nghệ nhân giỏi về âm nhạc truyền thống đã mất đi, lớp trẻ rất ít biết sử dụng nhạc cụ của cha ông để lại, nhiều thanh niên không thuộc một bài, một làn điệu dân ca. Chính vì vậy, chưa giải quyết hài hòa và thỏa đáng mối quan hệ giữa bảo tồn di sản với phát tiển kinh tế - xã hội.

Ba là, chưa chú trọng việc giáo dục nhận thức về di sản văn hóa tộc người trong phát triển kinh tế - xã hội cho bà con dân tộc thiểu số. Theo nghiên cứu, nhận thức về giá trị của di sản văn hóa tộc người trong phát triển kinh tế - xã hội của chính người dân tộc thiểu số còn chưa thật toàn diện. Ví dụ, tại xã Noong Luống, huyện Điện Biên tỉnh Điện Biên năm 2017, trong một gia đình có ba đời làm thầy mo và làm thầy giáo, đến thế hệ cháu chắt hiện nay không ai biết chữ Thái. Gia đình không cho con tiếp tục học chữ Thái, ngôn ngữ, văn hóa Thái, vì lý do học chữ Thái, giỏi văn hóa Thái cũng không kiếm được tiền để sống. Tại vùng người Khơ Mú ở bản Pa Xa Xá và bản Xa Cuông (xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), trong bản chỉ còn 1-2 cụ già 70, 80 tuổi hiểu biết về lịch sử tụ cư, về phong tục thờ cúng tổ tiên, phong tục cúng bản, về tín ngưỡng vật linh... của tộc người mình.

3. Những kiến nghị nhằm bảo tồn, khai thác di sản văn hóa tộc người vì mục tiêu phát triển bền vững văn hóa vùng Tây Bắc

Từ thực trạng bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tộc người ở Tây Bắc, tác giả đề xuất các kiến nghị trong việc bảo tồn, khai thác di sản văn hóa tộc người nhằm mục tiêu phát triển bền vững văn hóa vùng Tây Bắc như sau:

Thứ nhất, thực hiện giáo dục song ngữ tiếng Việt và tiếng dân tộc

Vùng Tây Bắc trước đây, tiếng Thái được xem là “ngôn ngữ giao tiếp vùng” và đa số các tộc người ở đây đều nói được tiếng Thái. Tiếng Thái, văn hóa Thái đã trở thành một nét đặc sắc gắn với địa danh miền Tây Bắc. Với lợi thế dân số đông, sống tập trung và có một nền văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc, văn hóa Thái đã tạo ra một sức thu hút và sức lan tỏa cao ở khu vực này. Tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, trong cộng đồng người Khơ Mú và người Lào ở xã Pa Thơm và xã Mường Lói, đa phần người Lào và người Khơ Mú đều nghe nói được tiếng Thái, bên cạnh việc duy trì tiếng Lào và tiếng Khơ Mú. Tiếng Việt chủ yếu sử dụng trong môi trường trường học và hành chính. Trong gia đình, chủ yếu vẫn sử dụng tiếng dân tộc. Hiện tượng này một phần là do ở các vùng Pa Thơm và Mường Lói, đặc biệt là Pa Thơm, giao thông đi lại khó khăn, người dân chủ yếu vẫn sống bằng canh tác tự túc tự cấp, ít có giao du với bên ngoài. Nhiều học sinh khi được hỏi: Nếu để lựa chọn học tiếng Việt hoặc tiếng Khơ Mú, em sẽ học tiếng gì thì đa số câu trả lời là: Tiếng Việt. Lý do chủ yếu đưa ra là: (1) sách giáo khoa, giáo viên sử dụng tiếng Việt trong dạy học; (2) có cảm giác xấu hổ khi nói tiếng Việt không thành thạo và khi sử dụng tiếng nói của dân tộc mình. Do đó, việc giáo dục ngôn ngữ dân tộc hiện nay được thực hiện chủ yếu trong môi trường gia đình một cách tự nhiên, bởi lẽ, ông bà, thậm chí bố mẹ không nói được tiếng Việt nên việc sử dụng tiếng dân tộc như một đòi hỏi bắt buộc khi thực hiện giao tiếp. Trong 15 đến 20 năm tiếp, khi các bậc cao niên không còn nữa, thay vào đó là lớp người đã sử dụng thành thạo tiếng Việt, việc giáo dục về ngôn ngữ, văn hóa trong gia đình người dân tộc thiểu số không được thực hiện. Ở Việt Nam nói chung và Tây Bắc nói riêng, với các tộc người thiểu số, nhu cầu sử dụng tiếng Việt là chính đáng, phục vụ mục tiêu phát triển, còn tiếng mẹ đẻ có giá trị như là một “công cụ duy trì bản sắc của từng dân tộc”, đảm bảo tính đa dạng của văn hóa quốc gia dân tộc. Với quan điểm đó, các nghiên cứu về chính sách đã khẳng định: “Nhà nước luôn kiên trì đặt vấn đề đồng bào dân tộc thiểu số phải được giáo dục tiếng mẹ đẻ theo như yêu cầu của họ và trách nhiệm của chính quyền nhân dân là phải đáp ứng nhu cầu ấy. Chỉ có như vậy, một quốc gia đa dân tộc, đa văn hóa mới đủ điều kiện đảm bảo cho quốc gia phát triển bền vững trong xu thế hội nhập của toàn thế giới”(14).

Thứ hai, tăng cường giáo dục đa dạng văn hóa cho các chủ thể văn hóa dân tộc thiểu số

Chấp nhận đa dạng văn hóa, hội nhập để phát triển là một vấn đề quan trọng trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tộc người, bởi lẽ, không có một nền văn hóa nào có thể phát triển được nếu nền văn hóa ấy bị cô lập hay lựa chọn “khép kín”, “đóng cửa”. Việc giao lưu và tiếp biến văn hóa một cách có chọn lọc sẽ là một tất yếu hành trình của mỗi nền văn hóa. Do đó, “Trong một quốc gia đa dân tộc, mỗi một quần thể dân tộc đều có thể bảo lưu ngôn ngữ, văn hóa của dân tộc mình, đồng thời họ cũng cần hòa nhập vào ngôn ngữ và văn hóa chung của quốc gia”(15). 

Cuối thế kỷ XX trở lại đây, đặc biệt là từ những năm 60, giáo dục đa dạng văn hóa đã trở thành một nội dung quan tâm đặc biệt trong hệ thống giáo dục ở các quốc gia đa tộc người như Nga, Canada, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Singapore, mặt khác, trong các nghiên cứu cơ bản về chính sách ở các quốc gia này cũng được thực hiện nhằm mục tiêu giải quyết các vấn đề về dân tộc và bảo đảm sự phát triển hài hòa. Học giả Mỹ Jame A.Banks, “mục tiêu căn bản của giáo dục về đa dạng văn hóa là làm cho những cộng đồng người thuộc các nền văn hóa, màu da, tôn giáo, giai tầng xã hội khác nhau có thể duy trì mối quan hệ tương hỗ trong hòa bình và thỏa hiệp, từ đó đạt được hiệu quả cộng sinh”(16). Ở Việt Nam nói chung và khu vực Tây Bắc nói riêng, di sản văn hóa dân tộc thiểu số là sản phẩm sáng tạo do cộng đồng các dân tộc thiểu số trong trường kỳ lịch sử sáng tạo ra, trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của văn hóa Việt Nam, làm nên một nền văn hóa Việt Nam đa dạng, giàu bản sắc. Giáo dục đa văn hóa là việc giáo dục nhiều loại văn hóa, không phải chỉ là văn hóa của một tộc người nào đó mà là tổng hợp văn hóa của nhiều tộc người. Do đó, mỗi người không chỉ được giáo dục về văn hóa của tộc người đa số mà cần tiếp thu văn hóa của các tộc người thiểu số. Để có thể hình thành được tư tưởng này, việc thấu hiểu, chấp nhận và tôn trọng văn hóa lẫn nhau để cùng phát triển là điều hết sức cần thiết. Giáo dục đa văn hóa nên được thực hiện ở cấp độ toàn dân, quần chúng hóa. Điều đó có nghĩa là tất cả mọi người sống trong một quốc gia, không phân biệt giới tính, nghề nghiệp, khu vực cư trú, địa vị xã hội… đều cần thiết phải được giáo dục về đa văn hóa. Đây chính là một việc làm quan trọng đối với việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói riêng và các quốc gia đa tộc người nói chung(17).

Thứ ba, bảo vệ môi trường sinh thái - cơ sở của các thực hành văn hóa

Văn hóa của mỗi một cộng đồng, một dân tộc được xây dựng dựa trên điều kiện tự nhiên mà tộc người đó sinh sống. Ở Tây bắc, người Thái sinh tụ chủ yếu ở vùng thung lũng, gần nguồn nước và họ đã tạo ra những tri thức nước rất đặc sắc với hệ thống mương phai lái lín lốc cọn, những đặc sắc văn hóa ẩm thực, văn hóa ứng xử xung quanh môi trường nước này. Người Khơ Mú cư trú chủ yếu ở vùng rẻo giữa, canh tác chủ yếu trên các nương rẫy, tạo ra một nền văn minh nương rẫy với hệ thống các tri thức, tập tục xung quanh môi trường này. Người Mông do lịch sử di cư và tập tính tộc người, họ sống chủ yếu ở vùng rẻo cao khuất nẻo, trên các cao nguyên đá, chính vì thế, họ có một nền văn hóa rực rỡ từ ẩm thực, kiến trúc, trang phục đến các lễ hội, tập tục trong hôn nhân, tang ma. Chẳng thế mà dân gian có câu: Thái ăn theo nước, Xá (Khơ Mú) ăn theo lửa và Mông ăn theo sương mù. Rõ ràng là, văn hóa của mỗi tộc người được nảy sinh từ chính điều kiện sinh tụ của họ và hiển nhiên, để lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống đó, bảo vệ môi trường sinh thái là một điều căn bản, cấp thiết. Khi môi trường nương rẫy không còn thì có còn những tập tục về cúng rừng hay tri thức làm nương của người Khơ Mú; không còn các con sông, con suối, không còn những lạch nước tự nhiên để sinh hoạt, người Thái không còn tri thức bản địa về hệ thống tưới tiêu.

Thứ tư, nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng từ các thôn bản dân tộc thiểu số nhằm xây dựng các sản phẩm du lịch bền vững bảo đảm nguyên tắc mối quan hệ tương hỗ giữa kinh tế và văn hóa

Những năm gần đây, Tây Bắc đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ của nhiều tổ chức trong và ngoài nước trong việc phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng. Ví dụ như du lịch cộng đồng bản Nà Củng, Xã Mường Xo, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu; bản Mai Hịch, xã Mai Hịch, huyện Mai Châu, Hòa Bình. Hai bản này được xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng theo hướng bền vững do các dự án EU (bản Nà Cọ) và dự án Trung tâm Sức khỏe và Phát triển cộng đồng COHED (bản Mai Hịch) nhằm đảm bảo sự phát triển cộng đồng ở góc độ rộng lớn hơn và cơ sở lập kế hoạch không chỉ có sự tham gia, mà còn có sự kiểm soát của cộng đồng. Đây là những dự án đã được kiểm nghiệm trong thực tế, được thực tế chứng minh về tính khả thi là những mô hình đáng để chúng ta quan tâm tìm hiểu và ứng dụng. Hiện nay, sản phẩm văn hóa cộng đồng của người Thái, người Mường đã được quan tâm hỗ trợ và xây dựng để đưa đến du khách; các cộng đồng tộc người khác có điều kiện cư trú tập trung thành thôn bản, như: người Mông, người Khơ Mú, người Lào, người Hà Nhì… cũng có thể được nghiên cứu đánh giá và xây dựng với sản phẩm du lịch cộng đồng đặc thù. Các bản Che Căn (Mường Phăng, Điện Biên), Bản Mển (Thanh Nưa, Điện Biên), Cọ Mỵ (Điện Biên), Bản Bó (Chiềng An, Sơn La), bản Hùn (Chiềng Cọ, Sơn La), bản Hon (Tam Đường, Lai Châu)... đã ít nhiều xây dựng được mô hình du lịch cộng đồng theo mô hình nhà nước và nhân dân cùng làm. Theo đó, mỗi thôn bản thường làm theo mô hình cử ra 15-20 người tham gia làm du lịch cộng đồng với các công việc như cung cấp sản phẩm ẩm thực, hướng dẫn tham quan... Xét về phát triển kinh tế, việc tổ chức du lịch cộng đồng có thể nói đã làm thay đổi diện mạo của thôn bản, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt. Các sản phẩm của nghề thủ công truyền thống, sản phẩm văn hóa ẩm thực truyền thống, âm nhạc dân vũ truyền thống của đồng bào có điều kiện trở thành những sản phẩm kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho người dân, làm thay đổi nhận thức về việc giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống.

Tuy nhiên, trong quá trình khai thác du lịch cộng đồng, việc phát triển thiếu bền vững hay “phát triển nóng” vẫn diễn ra, gây nhiều tác động tiêu cực. Việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng trong cộng đồng dân tộc thiểu số là cần thiết, khả thi nhưng rõ ràng, việc khai thác như thế nào, trách nhiệm của chính quyền đến đâu, sự phối hợp các bên liên quan, sự phân chia lợi nhuận, quyền và trách nhiệm của cộng đồng như thế nào là việc mỗi địa phương cần xây dựng phương án riêng, phù hợp với tình hình địa phương một cách rõ ràng. Để làm được điều này, sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các viện nghiên cứu về du lịch và các tổ chức phát triển là hết sức cần thiết trong việc thu thập, phân tích thông tin, định hướng nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm... để cùng với cộng đồng từng bước xác định các cơ hội thích hợp với địa phương, bảo đảm phát triển bền vững, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc(18).

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2020

(1) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.63.

(2), (3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.126, 128.

(4) Chiến lược phát triển văn hóa, thể dục thể thao, du lịch và gia đình đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2012, tr.161.

(5) Phan Hữu Dật: Một số vấn đề về dân tộc học Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 1998, tr.456.

(6) Trần Quốc Vượng (chủ biên): Văn hóa học đại cương và cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, 1996, tr.107.

(7) http://www.vnuhcm.edu.vn/daotao/saudaihoc/Luanvan/phamthihongxuan.

(8) Ngô Đức Thịnh: Văn hóa, văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2006, tr.845.

(9) Vương Xuân Tình, Trần Thị Hồng Hạnh: Phát triển bền vững văn hóa tộc người (qua nghiên cứu một làng người Dao ở tỉnh Lạng Sơn và một làng người Sán Dìu tại tỉnh Thái Nguyên), Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc phục vụ phát triển bền vững do ĐHKHXH và Nxb TP.Hồ Chí Minh và ĐH Bansomdejchaopraya Rajabhat tổ chức, 2010, tr.286-287.

(10) Phạm Văn Lực: Giới thiệu sơ lược lịch sử các dân tộc ở Tây Bắc - Việt Nam, http://app.utb.edu.vn.

(11), (12) Trường Giang: Tiếp tục bảo tồn, khôi phục và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số, http://laichau.dcs.vn.

(13) Phỏng vấn của tác giả khi điền dã.

(14) Trần Trí Dõi: Chính sách giáo dục ngôn ngữ vùng dân tộc thiểu số và vấn đề phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc phục vụ phát triển bền vững, tr.241.

(15), (16) Ha Kinh Hùng, Đằng Tinh: Thông luận giáo dục học dân tộc, Nxb Khoa học giáo dục (Tài liệu tiếng Trung Quốc), Bắc Kinh, 2002, tr.39, 105.

(17) Nguyễn Thị Thu Hoài: Giáo dục đa văn hóa gắn với việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc thiểu số - những gợi ý cho Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Giảng dạy, nghiên cứu Việt Nam học và tiếng Việt, những vấn đề lý thuyết và thực tiễn, Nxb Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, 2016.

 

(18) Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị, về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, về công tác dân tộc trong tình hình mới.

TS Nguyễn Thị Thu Hoài

Khoa Việt Nam học,

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền