Trang chủ    Thực tiễn    Tiếp tục thực hiện phân cấp quản lý hành chính nhà nước đến năm 2015
Thứ hai, 29 Tháng 7 2013 08:01
5831 Lượt xem

Tiếp tục thực hiện phân cấp quản lý hành chính nhà nước đến năm 2015

(LLCT)- Cải cách hành chính nhà nước, xu hướng xã hội hóa, sự phát triển của kinh tế thị trường, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ và nhân dân được nâng cao là những điều kiện, tiền đề và yêu cầu đặt ra phải phân cấp hơn nữa trong quản lý hành chính nhà nước. Theo đó, các cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới được trao thêm nhiều thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm về các vấn đề có liên quan dưới sự quản lý thống nhất của Trung ương. Trong quá trình thực hiện phân cấp, các cơ quan cấp trên phải tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức được phân cấp thông qua các quy định của pháp luật và hệ thống trách nhiệm báo cáo.

1. Kết quả thực hiện chủ trương của Đảng về phân cấp trong thời gian qua

Việc đẩy mạnh thực hiện phân cấp trong thời gian qua đã khẳng định chủ trương của Đảng qua các kỳ đại hội về phân cấp là phù hợp với yêu cầu hội nhập và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đại hội VI của Đảng (1986) đã chỉ ra việc xoá bỏ cơ chế kế hoạch hoá tập trung, bao cấp chuyển sang cơ chế quản lý mới theo hướng: “phải kiên quyết thực hiện phân cấp quản lý theo nguyên tắc tập trung dân chủ” như một tất yếu khách quan. Đại hội VII (1991) tiếp tục khẳng định: “Xác định lại chức năng, nhiệm vụ của cấp tỉnh, huyện, xã để sắp xếp lại tổ chức của mỗi cấp; đề cao quyền chủ động và trách nhiệm của địa phương, đồng thời bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của nhà nước trung ương”. Đại hội VIII (1996) tiếp tục hoàn thiện những quan điểm, nguyên tắc về phân cấp Trung ương - địa phương: phân định trách nhiệm, thẩm quyền giữa các cấp chính quyền theo hướng phân cấp rõ hơn cho địa phương, kết hợp chặt chẽ quản lý ngành và quản lý lãnh thổ, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ.

Bên cạnh việc tiếp tục khẳng định những quan điểm, chủ trương chung về phân cấp Trung ương - địa phương, Đại hội IX (2001) chủ trương phân cấp đối với một số lĩnh vực cụ thể như ngân sách nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản và khẳng định: Phân công, phân cấp, nâng cao tính chủ động của chính quyền địa phương, kết hợp chặt chẽ quản lý ngành và quản lý lãnh thổ, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; tổ chức hợp lý hội đồng nhân dân; kiện toàn các cơ quan chuyên môn của ủy ban nhân dân và bộ máy chính quyền xã, phường, thị trấn.

Kế thừa và phát huy các quan điểm về phân cấp nêu trên, Đại hội X và XI đã đặt ra một số yêu cầu:

- Phân cấp mạnh cho cấp dưới gắn với việc hướng dẫn và thực hiện thanh tra, kiểm tra của cấp trên; khẩn trương rà soát để giảm đến mức thấp nhất quan hệ "xin - cho" trong quản lý kinh tế; tiếp tục cải cách mạnh thủ tục hành chính theo hướng phân cấp và làm rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng đơn vị và người đứng đầu cơ quan (Đại hội X).

- Thực hiện phân cấp hợp lý cho chính quyền địa phương đi đôi với nâng cao chất lượng quy hoạch và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của Trung ương, gắn quyền hạn với trách nhiệm được giao (Đại hội XI).

Thực hiện chủ trương của Đảng về phân cấp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 08/2004/NQ-CP ngày 30-6-2004 về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Từ đó, đã tạo khung pháp lý cho các bộ, ngành triển khai thực hiện việc phân cấp các vấn đề thuộc ngành, lĩnh vực được phân công quản lý. Sau thời gian thực hiện Nghị quyết 08 của Chính phủ, đến nay, về cơ bản, việc phân cấp đã mang lại hiệu quả trên nhiều lĩnh vực như: quản lý quy hoạch; đầu tư; ngân sách nhà nước; tài sản nhà nước; đất đai; doanh nghiệp nhà nước; đăng ký kinh doanh; quản lý các hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công; tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức...

Trong giai đoạn 2001 - 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17-9-2001 phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2001 - 2010; trong đó, đã đặt ra mục tiêu cụ thể là: Đến năm 2005, về cơ bản xác định xong và thực hiện được các quy định mới về phân cấp quản lý hành chính nhà nước giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương; xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm và tổ chức bộ máy chính quyền ở đô thị và nông thôn.

Đến giai đoạn 2011 - 2020, để thể chế hoá chủ trương phân cấp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 8-11-2011 về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020; trong đó, nội dung các nhiệm vụ của Chương trình đều thể hiện yêu cầu tiếp tục phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương trên từng ngành, lĩnh vực.

Việc triển khai phân cấp quản lý được thực hiện một cách có hệ thống, thống nhất giữa các cấp, các ngành và đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Các địa phương được phân cấp đã coi đó như là nhiệm vụ thường xuyên trong thực thi thẩm quyền, trách nhiệm quản lý hành chính nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực ở địa phương. Nhìn chung, kết quả thực hiện phân cấp các lĩnh vực này tương đối khả quan, đem lại hiệu lực, hiệu quả tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.

Kết quả phân cấp từ năm 2005 đến nay, các bộ, ngành đã có 163 loại công việc được phân cấp, tập trung vào 6 lĩnh vực: quản lý quy hoạch, kế hoạch và đầu tư phát triển; quản lý ngân sách và tài sản nhà nước; quản lý đất đai, tài nguyên; quản lý doanh nghiệp; quản lý các hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công; quản lý tổ chức bộ máy và công chức, viên chức. Nhiều nội dung phân cấp đã được thể chế hóa vào các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành và các nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng bộ, cơ quan ngang bộ. Các quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ đã giải quyết được ở một mức độ nhất định vấn đề phân cấp quản lý về ngành, lĩnh vực giữa các cơ quan Trung ương với chính quyền địa phương.

2. Những vấn đề đặt ra đối với việc phân cấp quản lý hành chính nhà nước hiện nay

- Các vấn đề chuyển giao và tiếp nhận phân cấp chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng và chưa có cách tiếp cận hợp lý. Các nội dung phân cấp chưa được nghiên cứu đầy đủ trong các Đề án phân cấp. Các bộ, ngành còn thiếu chủ động trong việc đề xuất trực tiếp những vấn đề cần phân cấp liên quan đến chức năng, thẩm quyền của mình. Việc xác định các nhiệm vụ cần phân cấp vẫn được xem xét trên “nền” của nhiệm vụ cũ. Chưa tiến hành rà soát toàn bộ nhiệm vụ của chính quyền các cấp, từ đó xác định các loại nhiệm vụ nào không cần thiết hoặc khó khả thi để loại bỏ.

- Phân cấp chưa đồng bộ, nên không đạt được kết quả mong đợi. Trên thực tế, việc phân cấp nhiệm vụ chưa đồng bộ với phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm quản lý tài chính, nhân sự và các vấn đề khác. Trong thời gian qua, chủ yếu thực hiện phân cấp về nhiệm vụ, còn thiếu quy định các điều kiện thực hiện nhiệm vụ. Từ đó, đã tạo ra sự lúng túng, rối loạn không đáng có trong phân cấp, nhất là ở chính quyền cấp dưới khi được phân cấp.

- Phân cấp chưa phù hợp với tình hình quản lý ở địa phương, đặc biệt chưa tương xứng với năng lực của chính quyền cấp dưới. Thực tế ở nhiều lĩnh vực, phân cấp nhiệm vụ diễn ra quá nhanh, trong khi chính quyền cấp dưới chưa đủ năng lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; các điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn để thực thi nhiệm vụ. Khi phân cấp chưa tính đến các điều kiện và đặc điểm đặc thù về kinh tế - xã hội tại các địa phương. Do đó, không thể phân cấp đồng loạt giống nhau giữa các địa phương, mà đòi hỏi phải tính đến sự phù hợp với các đặc điểm đặc thù để bảo đảm tính khả thi trong thực hiện phân cấp.

- Phân cấp chưa đi đôi với nâng cao chất lượng quy hoạch và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của Trung ương, gắn quyền hạn với trách nhiệm được giao; chưa thực hiện nghiêm túc việc tự báo cáo, tự giải trình và còn thiếu những cơ chế để bảo đảm sự quản lý thống nhất của Trung ương. Thí dụ như cơ chế giám sát, đánh giá từ cấp trên để kịp thời đưa ra các quyết định điều chỉnh cần thiết; cơ chế kết hợp giữa báo cáo của cấp dưới với việc giám sát từ cấp trên là rất cơ bản, có ý nghĩa bảo đảm thực hiện phân cấp có hiệu quả. Việc đẩy mạnh phân cấp, nêu cao trách nhiệm độc lập tự quyết định chỉ được tiến hành và thực hiện tốt khi xây dựng được chế độ báo cáo, giải trình để có thông tin cho việc quản lý và giám sát, đánh giá.

- Phân cấp quản lý chưa gắn với các giải pháp xóa bỏ quan hệ “xin-cho” trong việc thực hiện thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước. Tồn tại này đặt ra các vấn đề cần thực hiện như: giảm một cách hợp lý các loại giấy phép và đơn giản hóa các thủ tục trong hoạt động cấp phép; ban hành các tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức thay cho việc cấp phép hoặc xin phép, cho phép. Bãi bỏ các thủ tục không cần thiết; xóa dần các hình thức xét duyệt, bút phê, thỏa thuận, chấp thuận, cho ý kiến; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát sau phân cấp và tự giải trình, báo cáo thực hiện phân cấp.

3. Tiếp tục phân cấp quản lý hành chính nhà nước đến năm 2015

Mục tiêu của phân cấp quản lý hành chính nhà nước là tăng cường nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương trong việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm giải quyết các công việc phát sinh tại cơ sở, những vấn đề mà phạm vi và đối tượng điều chỉnh giới hạn trong địa bàn do chính quyền địa phương quản lý. Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan, bảo đảm sự quản lý thống nhất của Chính phủ, đồng thời đề cao vai trò chủ động, tinh thần trách nhiệm của chính quyền địa phương. Với mục tiêu đó, đẩy mạnh phân cấp quản lý hành chính nhà nước phải bảo đảm các quan điểm và nguyên tắc sau:

- Bảo đảm tính dân chủ và tính phục vụ của nền hành chính nhà nước, theo đó hiệu quả của sự phân cấp và chất lượng của công tác quản lý phải được phản ánh bằng các tiêu chí như sự thuận lợi cho người dân, bảo đảm các yêu cầu về tính thuận tiện, nhanh chóng, đơn giản, tiết kiệm.

- Phải tiếp tục phát huy sự chủ động, nâng cao trách nhiệm của chính quyền cấp tỉnh trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước. Đồng thời, phải bảo đảm sự quản lý thống nhất của Chính phủ.

- Phải tuân thủ nguyên tắc kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ; phân định rõ nhiệm vụ quản lý nhà nước của bộ, ngành và của chính quyền cấp tỉnh. Đảm bảo xác định rõ việc, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm, gắn với chức năng, nhiệm vụ của mỗi cấp, mỗi cơ quan, tổ chức.

- Phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong từng giai đoạn, phù hợp với đặc điểm, đặc thù của ngành, lĩnh vực, điều kiện và khả năng phát triển của từng khu vực, vùng lãnh thổ, loại hình đô thị, nông thôn.

- Phải bảo đảm phù hợp khả năng quản lý, điều hành của từng cấp và điều kiện, khả năng cân đối các nguồn lực cần thiết để thực hiện; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý các ngành, lĩnh vực.

Trên cơ sở mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc phân cấp quản lý nhà nước, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước đến năm 2015 cần tập trung vào một số ngành, lĩnh vực sau:

- Phân cấp quản lý về ngân sách nhà nước:

Đẩy mạnh phân cấp trong lĩnh vực quản lý ngân sách nhằm tạo sự đồng bộ giữa phân cấp thực hiện nhiệm vụ với phân cấp quản lý các nguồn lực về tài chính. Để thực hiện nội dung này, trong thời gian tới cần nghiên cứu xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước; trong đó các nội dung phân cấp quản lý nhà nước về ngân sách nhà nước cần tập trung vào giải quyết một số vấn đề chủ yếu sau:

Phân cấp quản lý ngân sách nhà nước gắn với đổi mới phân cấp quản lý kinh tế - xã hội và định hướng sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Bổ sung cơ chế quản lý theo kế hoạch tài chính trung hạn; quản lý nhà nước về tài chính và ngân sách nhà nước theo kết quả sản phẩm đầu ra.

- Phân cấp quản lý về doanh nghiệp nhà nước:

Hiện nay, việc phân định và phân công, phân cấp thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước chưa rõ thẩm quyền, trách nhiệm, đặc biệt trong việc quản lý, giám sát vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đối với doanh nghiệp nhà nước cần giải quyết các vấn đề sau:

Xác định cơ quan đầu mối có trách nhiệm và có đủ thẩm quyền để điều phối thực hiện công tác giám sát, tổng hợp tình hình hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước và phân tích, đánh giá kết quả hoạt động của doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước.

Xác định rõ quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp theo nguyên tắc cấp nào, cơ quan nào có thẩm quyền quyết định vấn đề gì thì cấp đó, cơ quan đó phải chịu trách nhiệm về vấn đề đó.

Tăng cường trách nhiệm của bộ quản lý ngành, lĩnh vực, ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc giám sát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật; đánh giá việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ được giao, kết quả, hiệu quả sản xuất kinh doanh; quản lý, sử dụng, bảo toàn, phát triển vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.

Nghiên cứu ban hành quy chế quản trị công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu theo hướng hội đồng thành viên, chủ tịch công ty có toàn quyền và chịu trách nhiệm về việc lựa chọn, bổ nhiệm và miễn nhiệm tổng giám đốc, giám đốc trên cơ sở quy định cụ thể các tiêu chuẩn tuyển chọn, bổ nhiệm, đánh giá kết quả hoạt động của tổng giám đốc, giám đốc; tách bạch chức năng, nhiệm vụ giữa chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch công ty với tổng giám đốc, giám đốc.

- Phân cấp quản lý sự nghiệp công trong các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường.

Vấn đề phân cấp quản lý sự nghiệp công được đặt ra là phù hợp với yêu cầu khách quan trong bối cảnh đẩy mạnh khuyến khích các hoạt động xã hội hóa trong khu vực sự nghiệp. Theo định hướng đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa, trước mắt, tập trung đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước đối với các dịch vụ sự nghiệp công trong một số ngành, lĩnh vực: giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường theo hướng sau:

+ Chính phủ: Ban hành chính sách, cơ chế phát triển các hoạt động sự nghiệp dịch vụ công; quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập; ban hành danh mục phí, lệ phí và cơ chế thu, quản lý, sử dụng phí, lệ phí dịch vụ sự nghiệp công thuộc các ngành, lĩnh vực; quy định nội dung, hình thức, tiêu chí và phương pháp giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ công.

+ Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt chiến lược phát triển dịch vụ sự nghiệp công theo đề nghị của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực; ban hành khung mức phí, lệ phí, giá dịch vụ đối với các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước kiểm soát giá; ban hành quy chế giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ công theo từng ngành, lĩnh vực; phê duyệt quy hoạch mạng lưới tổ chức các đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ công thuộc các ngành, lĩnh vực có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ đặc thù cần chỉ đạo thống nhất toàn ngành, lĩnh vực theo đề nghị của bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

+ Bộ quản lý ngành, lĩnh vực: Quy định tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện thành lập và hoạt động của đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; hướng dẫn xây dựng, phê duyệt hoặc ban hành giá dịch vụ do Nhà nước kiểm soát giá sau khi thống nhất với Bộ Tài chính; hướng dẫn đăng ký, kê khai và công khai giá dịch vụ sự nghiệp công; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn mức thu và sử dụng phí, lệ phí trong hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công thuộc ngành, lĩnh vực do bộ, ngành mình quản lý theo quy định của pháp luật chuyên ngành và pháp luật về phí, lệ phí; phê duyệt quy hoạch mạng lưới tổ chức các đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ công khác thuộc các ngành, lĩnh vực do bộ quản lý (trừ phạm vi thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ); tổ chức quản lý quy hoạch mạng lưới tổ chức các đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ công thuộc các ngành, lĩnh vực sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

Trình hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức phí, lệ phí các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công tại địa phương theo khung mức phí và lệ phí đã ban hành.

Quyết định giá các dịch vụ do đơn vị sự nghiệp dịch vụ công cung cấp trên địa bàn tỉnh theo phân cấp quản lý của Chính phủ và theo hướng dẫn của bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Bộ Tài chính.

Tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ công hoạt động trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ công và Quy chế giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ công.

Quyết định quy hoạch mạng lưới tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Đối với các ngành, lĩnh vực chưa có quy hoạch mạng lưới tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập, ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập sau khi thống nhất với bộ quản lý ngành, lĩnh vực và Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính.

Các đơn vị sự nghiệp công lập chỉ được thành lập để thực hiện chức năng, nhiệm vụ phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực mà loại dịch vụ công đó Nhà nước chưa chuyển giao cho các tổ chức ngoài khu vực nhà nước đảm nhiệm hoặc loại dịch vụ công đó các tổ chức ngoài khu vực nhà nước không thực hiện hoặc không đủ khả năng thực hiện.

- Phân cấp quản lý về công chức, viên chức:

+ Tiếp tục thực hiện việc phân cấp quản lý công chức, viên chức cho các bộ, ngành và địa phương. Đối với các đơn vị trực thuộc bộ, ngành và ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nếu có đủ điều kiện và khả năng cũng có thể được phân cấp một số nội dung liên quan đến quản lý đội ngũ công chức, viên chức. Đồng thời, vẫn phải bảo đảm sự thống nhất về quản lý nhà nước đối với đội ngũ công chức, viên chức của Chính phủ. Các nội dung phân cấp có thể là tuyển dụng, đánh giá, thực hiện chính sách tiền lương, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết chế độ hưu trí và thôi việc...

+ Phân cấp việc tuyển dụng và quản lý viên chức phù hợp với cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong từng ngành, lĩnh vực.

+ Bãi bỏ các quy định thỏa thuận khi chuyển viên chức đang làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập sang công chức làm việc tại các cơ quan hành chính nhà nước.

- Phân cấp quản lý về đầu tư:

+ Đối với đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ:

Hoàn thiện quy chế phân cấp quản lý về đầu tư, bảo đảm quản lý tập trung và thống nhất về quy hoạch, định hướng phát triển, cơ chế, chính sách và cân đối nguồn lực một cách chủ động; đồng thời với việc phân cấp một cách hợp lý theo từng nguồn vốn, phù hợp với quy chế phân cấp quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội.

Đối với đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ cần quy định rõ về quyền quyết định đầu tư của từng cấp gắn với quyền phân bổ nguồn lực và cân đối vốn. Sửa đổi, hoàn thiện quy chế thẩm định dự án, thẩm định vốn, quyết định đầu tư, khắc phục tình trạng mất cân đối vốn như hiện nay; sửa đổi, hoàn thiện quy trình tổng hợp, thẩm quyền quyết định và giao kế hoạch đầu tư hằng năm; cơ chế quản lý đối với kế hoạch trung hạn.

Xây dựng và ban hành nghị định về kế hoạch đầu tư trung hạn để có điều kiện theo dõi, quản lý dự án đầu tư trong trung hạn
(3 năm đối với thời kỳ 2013 - 2015, 5 năm kể từ năm 2016 trở đi). Xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn đối với vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương chủ động bố trí có hiệu quả và hợp lý vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ và các nguồn vốn khác cho các mục tiêu phát triển của bộ, ngành, địa phương.

+ Đối với đầu tư nước ngoài:

Bổ sung cơ chế để Thủ tướng Chính phủ có thể tạm dừng cấp mới giấy chứng nhận đầu tư trong một số lĩnh vực như: sân golf, kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng, khai thác khoáng sản, trồng rừng, thành lập khu công nghiệp.

Bổ sung cơ chế để Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể tạm dừng, đình chỉ hoặc thu hồi các giấy chứng nhận đầu tư đã cấp trong trường hợp cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư thực hiện không đúng trình tự, thủ tục; hoặc khi phát hiện dự án có tác động không tốt đến kinh tế, xã hội, môi trường.

- Phân cấp quản lý về đất đai:

Rà soát, sửa đổi thẩm quyền quyết định quy hoạch, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo hướng vừa bảo đảm quyền quản lý thống nhất của Trung ương, vừa bảo đảm quyền chủ động của địa phương. Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp; giới hạn thẩm quyền của ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất.

Tăng cường thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về đất đai ở địa phương trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Điều chỉnh thẩm quyền và trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tranh chấp về đất đai phù hợp với Luật Khiếu nại năm 2011.

- Để thực hiện các định hướng phân cấp nêu trên, cần tiến hành đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau:

+ Tập trung hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về ngành, lĩnh vực theo mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước đến năm 2015.

+ Trong quá trình thực hiện phân cấp quản lý nhà nước và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật đối với ngành, lĩnh vực, cần đáp ứng các yêu cầu chủ yếu sau:

Giảm hợp lý các loại giấy phép và đơn giản hóa thủ tục trong hoạt động cấp phép.

Ban hành các tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức thay cho việc cấp phép hoặc xin phép và cho phép trong giải quyết công việc trên cơ sở các tiêu chí, điều kiện cụ thể, rõ ràng.

Rà soát, cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính và chỉnh sửa quy trình giải quyết công việc với dân, với doanh nghiệp còn chưa phù hợp.

Giảm mạnh hình thức xét duyệt, bút phê đối với những vấn đề đã được phân cấp để cấp dưới tự quyết định và chịu trách nhiệm.

Loại bỏ tối đa cơ chế thỏa thuận, chấp thuận hoặc cho ý kiến đối với những vấn đề đã được quy định bằng tiêu chuẩn, quy trình, điều kiện và đã được phân cấp quản lý.

Bảo đảm công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền trong hoạt động quản lý nhà nước; đặc biệt là việc cấp phép và các quy trình thủ tục giải quyết công việc của dân, doanh nghiệp.

Quy định trách nhiệm tự báo cáo, tự giải trình việc thực hiện sau phân cấp theo chức năng, thẩm quyền, trách nhiệm được quy định.

+ Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tin học vào tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức.

+ Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát và thực hiện sự điều phối cần thiết của Trung ương đối với các địa phương sau phân cấp.

+ Định kỳ đánh giá các nội dung phân cấp quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực để kịp thời điều chỉnh các nội dung đã phân cấp và rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với điều kiện thực tế thực hiện phân cấp trong từng giai đoạn.

________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2013

TS Trần Anh Tuấn

Thứ trưởng Bộ Nội vụ

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền