Trang chủ    Thực tiễn     Đời sống tôn giáo, tín ngưỡng vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay
Thứ sáu, 21 Tháng 8 2020 16:08
21084 Lượt xem

Đời sống tôn giáo, tín ngưỡng vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay

(LLCT) - Những thập niên gần đây, đời sống tôn giáo, tín ngưỡng vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Việt Nam có những biến động lớn, biểu hiện như: sự tăng cường truyền giáo của các tôn giáo lớn, sự xuất hiện của các hiện tượng tôn giáo mới, sự phai nhạt thực hành tín ngưỡng truyền thống, sự tiếp biến thiếu chọn lọc sinh hoạt tín ngưỡng của các dân tộc khác,... Những biến đổi đó đã tạo nên sắc thái tôn giáo, tín ngưỡng đa dạng, phức tạp ở vùng đồng bào DTTS Việt Nam, đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm trong công tác dân tộc, tôn giáo.

Từ khóa: tôn giáo, tín ngưỡng, dân tộc thiểu số.

1. Tình hình đời sống tôn giáo, tín ngưỡng vùng dân tộc thiểu số

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Các DTTS ở Việt Nam sinh sống đan xen, tập trung chủ yếu ở vùng xâu, vùng xa, vùng biên giới - địa bàn có vị trí trọng yếu về an ninh và quốc phòng của đất nước. Những năm gần đây, vùng đồng bào các DTTS ở nước ta là khu vực thường xuyên xảy ra những bất ổn về mặt chính trị - xã hội. Trong đó, tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị xã hội và sự phát triển bền vững vùng DTTS.

Trong các cộng đồng DTTS ở Việt Nam, có hai dân tộc có đông đảo người dân tin theo tôn giáo đã lâu đời là cộng đồng người Khmer theo Phật giáo Nam tông và người Chăm theo Hồi giáo. Còn lại đại đa số các DTTS khác ở Việt Nam đều có truyền thống tín ngưỡng đa thần, thờ cúng rất nhiều các vị thần linh khác nhau.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào các DTTS ở Việt Nam có những biến động lớn liên quan đến sự mở rộng ảnh hưởng của các tôn giáo lớn như đạo Tin lành, Phật giáo, Công giáo.

Khu vực miền núi phía Bắc là địa bàn cư trú của khá đông các tộc người thiểu số ở Việt Nam, trong đó các dân tộc Thái, Mường, Mông, Tày, Nùng, Dao,... là những dân tộc có số dân tương đối đông. Đồng bào các DTTS ở khu vực này trước đây đa phần theo tín ngưỡng dân gian thờ cúng tổ tiên, tôn thờ thần sông, thần núi, thần mưa, thần gió,... Từ năm 1986 trở lại đây, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở khu vực này có khá nhiều những diễn biến phức tạp. Hiện nay, khu vực này đã có sự hiện diện của các tôn giáo như Công giáo, Tin lành và Phật giáo. Những năm gần đây, đạo Tin lành xâm nhập “ồ ạt” trong cộng đồng người Mông, đạo Công giáo đang cố gắng củng cố lại đức tin và phát triển, mở rộng thêm số lượng tín đồ, Phật giáo cũng đang nỗ lực thúc đẩy sự tái hiện diện tại khu vực này(1).

Khu vực duyên hải miền Trung: là địa bàn tập trung khá đa dạng các dân tộc, trong đó, đáng chú ý là cộng đồng người Chăm (tập trung ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận) theo Bà la môn giáo và Hồi giáo. Trong những năm gần đây, một số ít đồng bào Chăm đã từ bỏ tôn giáo truyền thống để theo các tôn giáo khác như Tin lành, Công giáo và Bahai. Bên cạnh đó, còn có hiện tượng người Chăm cải đạo, chuyển đạo từ Bà la môn giáo hay từ Hồi giáo cũ (Bàni) sang theo Hồi giáo mới (Islam). Mặc dù hiện tượng cải đạo, chuyển đạo trong cộng đồng người Chăm ở khu vực này không nhiều nhưng cũng đã gây nên những bất ổn nhất định trong cộng đồng(2).

Khu vực Tây Nguyên hiện là địa bàn cư trú của 46/53 tộc người ở Việt Nam, trong đó các DTTS có dân số đông là Giarai, Êđê, Bana. Từ rất sớm, Công giáo và đạo Tin lành đã được truyền vào khu vực này (Công giáo từ những năm 1850, đạo Tin lành từ cuối những năm 20 của thế kỷ XX) nhưng phát triển khá cầm chừng. Tuy nhiên, những thập niên gần đây, hai tôn giáo này, đặc biệt là Tin lành phát triển rất nhanh, có tính đột biến trong nhiều vùng đồng bào DTTS. Một bộ phận đồng bào DTTS trước đây đã từng theo Công giáo, qua một thời gian nhạt đạo nay trở lại đạo. Đồng thời, hai tôn giáo này cũng thu hút được rất đông tín đồ là người DTTS ở cả những vùng trước đây vốn chưa hề có sự hiện diện của tôn giáo, thậm chí cả trong các vùng căn cứ kháng chiến cũ và thu hút được một bộ phận cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, Phật giáo cũng được quan tâm thúc đẩy mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở khu vực này. Giáo hội Phật giáo đã từng tổ chức các cuộc đại quy y cho hàng ngàn đồng bào DTTS ở các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, Phật giáo không có được nhiều thuận lợi như Tin lành và Công giáo trong việc duy trì sinh hoạt, củng cố đức tin cho đồng bào(3).

Khu vực Tây Nam Bộ là địa bàn cư trú chủ yếu của người Khmer. Bên cạnh người Khmer, DTTS ở vùng này còn có người Chăm, người Hoa. Nói đến người Khmer ở khu vực Tây Nam bộ là nói đến Phật giáo Nam tông. Phật giáo Nam tông đã ăn sâu vào mạch sống của dân tộc này và trở thành một phần không thể thiếu trong bản sắc văn hóa của dân tộc Khmer. Tuy nhiên, những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân, vai trò của Phật giáo Nam tông đã dần giảm sút trong đời sống của cộng đồng dân tộc Khmer. Bên cạnh đó, với nỗ lực truyền giáo của đạo Tin lành, một bộ phận người Khmer đã từ bỏ Phật giáo truyền thống sang theo đạo Tin lành(4).

Như vậy, nhìn một cách tổng thể, ở tất cả các khu vực có đồng bào DTTS sinh sống, đời sống tôn giáo của đồng bào đều có những biến động rất lớn liên quan đến các tôn giáo như Phật giáo, Tin lành và Công giáo. Sự hiện diện đột biến của các tôn giáo này tại các khu vực mà trước đây chưa từng có ảnh hưởng của nó (hoặc có nhưng rất ít) đã gây nên những xáo trộn rất lớn cho đời sống xã hội của đồng bào trên nhiều phương diện. Không thể phủ nhận được rằng, sự có mặt của các tôn giáo như Công giáo, Tin lành, Phật giáo trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào các DTTS đã đem lại cho đồng bào các dân tộc một lối sống mới có nhiều yếu tố tiến bộ, góp phần làm thay đổi nếp sống và phong tục, tập quán lạc hậu,... Tuy nhiên, bên cạnh những ảnh hưởng tích cực thì việc các tôn giáo độc thần như Công giáo, đạo Tin Lành và các hiện tượng tôn giáo mới cực đoan du nhập và phát triển mạnh mẽ trong vùng đồng bào DTTS thời gian gần đây đã gây nên những tổn thương cho văn hóa truyền thống của các tộc người, gây xung đột giữa cộng đồng theo tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống với cộng đồng theo tôn giáo mới du nhập, đặc biệt là sự lợi dụng tôn giáo của các thế lực chính trị khác nhau với âm mưu thành lập các “quốc gia tự trị” của người DTTS đã và đang tiềm ẩn những bất ổn chính trị - xã hội rất lớn ở một số khu vực. Hiện trạng này đặt ra không ít vấn đề cần quan tâm cho công tác dân tộc, tôn giáo trong vùng đồng bào DTTS ở nước ta.

Bên cạnh sự khởi sắc của các tôn giáo truyền thống, “hiện tượng tôn giáo mới” cũng xuất hiện ở nhiều nơi trong vùng đồng bào DTTS nước ta.

Ở khu vực miền núi phía Bắc: trước tiên phải nhắc đến hiện tượng Vàng Chứ khởi nguồn từ năm 1987 trong một bộ phận người Mông ở các tỉnh Tuyên Quang, Điện Biên, Lai Châu và Sơn La rồi sau đó lan rộng sang các tỉnh Lào Cai, Hà Giang. Sau đó, một bộ phận tín đồ của hiện tượng này đã chuyển sang theo đạo Tin lành (Hệ phái Tin lành Việt Nam Miền Bắc). Tiếp sau đó là sự xuất hiện của khá nhiều hiện tượng khác. Hiện nay, ở các tỉnh miền núi phía Bắc có sự hiện diện của các hiện tượng như: “San Sư Khẹ Tọ”, “Con Đường Mới”, “Zê Sùa”, “Bà Cô Dợ”, “Hội thánh Đức Chúa Trời”, “Sề Chu Hà Ly Cha” và một số hiện tượng tôn giáo mới liên quan đến thờ cúng Chủ tịch Hồ Chí Minh,... Đặc biệt, đáng chú ý là sự xuất hiện và hoạt động của hiện tượng Dương Văn Mình. Hiện nay, hiện tượng Dương Văn Mình đã có mặt ở 5 tỉnh là Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Cạn và Lào Cai, số lượng tín đồ không ngừng tăng lên và theo dự báo của chính quyền một số địa phương, thời gian tới, số lượng tín đồ của hiện tượng này vẫn sẽ tiếp tục gia tăng(5).

Ở khu vực Tây Nguyên: Từ năm 1986 đến nay cũng xuất hiện khá nhiều hiện tượng tôn giáo mới. Các hiện tượng tôn giáo mới này đã thu hút được số lượng người DTTS tin theo khá đông. Có thể kể ra tên gọi của một số hiện tượng như: “Hà Mòn”, “Pờ Khắp Brâu”, “Amí Sara”, “Ngọc Phật Hồ Chí Minh”, “Việt Nam Thánh Mẫu”, “Tâm Linh Đạo”, “Tâm Linh Hồ Chí Minh”, “Đạo Trời Thái Bình”, “Bửu Tòa Tam Giáo”, “Tổ Tiên Chính Giáo Đại Đạo”, “Nhất Quán Đạo”, Thiên Đạo”, “Vô Vi”, “Canh Tân Đặc Sủng”, “Thanh Hải Vô Thượng Sư”, “Pháp Môn Diệu Âm”, “Pháp Môn Di Lặc”,... Trong đó, một số tổ chức trong nội dung hoạt động mang nặng yếu tố mê tín dị đoan như “Hà Mòn”, “Amí Sara”, “Pơ Khắp Brâu”(6),...

Các hiện tượng tôn giáo mới xuất hiện trong vùng đồng bào DTTS cũng gây nên không ít những xáo trộn trong đời sống của đồng bào, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, đặc biệt trong đó có một số hiện tượng như Dương Văn Mình, Zê Sùa, Hà Mòn, Thanh Hải Vô Thượng Sư,... bị lợi dụng vào mục đích chính trị, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn định xã hội.

Như vậy, có thể thấy, sự phát triển mở rộng phạm vi ảnh hưởng của các tôn giáo lớn và sự xuất hiện đa dạng các hiện tượng tôn giáo mới tại vùng đồng bào các DTTS những năm gần đây đã tạo nên những sắc thái tôn giáo mới, đa dạng, phức tạp ở vùng đồng bào DTTS Việt Nam.

Sự mở rộng ảnh hưởng của các tôn giáo và sự xuất hiện của các hiện tượng tôn giáo mới làm cho đời sống tín ngưỡng của đồng bào các DTTS cũng có nhiều biến động lớn. Qua nghiên cứu, khảo sát thực tế ở các khu vực vùng đồng bào DTTS cho thấy, với bộ phận đồng bào DTTS theo Phật giáo thì cùng với niềm tin Phật giáo, đồng bào vẫn giữ niềm tin đa thần truyền thống. Vì vậy, song song với việc thực hiện các nghi lễ Phật giáo, bộ phận đồng bào này vẫn thực hành các nghi lễ tín ngưỡng truyền thống. Với bộ phận đồng bào theo Công giáo và Tin lành thì có sự khác biệt hơn. Một bộ phận trong đó khi tin theo niềm tin tôn giáo thì đồng thời đoạn tuyệt hoàn toàn với niềm tin và sự thực hành các nghi lễ tín ngưỡng truyền thống. Bên cạnh đó, vẫn có một bộ phận đồng bào dù đã tin theo Công giáo và Tin lành nhưng ít nhiều vẫn giữ niềm tin và thực hành một số nghi lễ tín ngưỡng truyền thống chứ không hẳn đã đoạn tuyệt hoàn toàn. Tuy nhiên, ở bộ phận đồng bào theo Công giáo và Tin lành còn thực hiện một số nghi lễ tín ngưỡng truyền thống (tưởng nhớ tổ tiên, tham gia lễ hội truyền thống, cúng ma,...) thì việc thực hành các nghi lễ này cũng không còn thường xuyên như ở bộ phận đồng bào không theo đạo(7).

Ở bộ phận đồng bào các DTTS theo tín ngưỡng truyền thống, đời sống tín ngưỡng của họ cũng có rất nhiều thay đổi. Nhiều nghi lễ tín ngưỡng truyền thống của đồng bào các dân tộc đã bị mai một, phai nhạt không còn được thực hành trong đời sống. Sự mai một dần các nghi lễ truyền thống đã đưa lại những tác động trên cả hai mặt cho đời sống văn hóa của đồng bào. Mặt tích cực là một số hủ tục được loại bỏ, làm cho đời sống của đồng bào văn minh, tiến bộ hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cùng với sự mai một các nghi lễ tín ngưỡng là sự phai nhạt dần các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có không ít giá trị đã từng là những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên bản sắc văn hóa tộc người(8).

Những năm qua, cùng với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng lễ hội của đồng bào các DTTS đã được quan tâm phục hồi, phát huy mạnh mẽ. Tuy nhiên, vấn đề rất lớn đặt ra hiện nay ở nhiều địa phương là sự phục hồi các sinh hoạt tín ngưỡng lễ hội của đồng bào lại đang diễn ra không đúng cách, làm cho sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội bị hành chính hóa, vô hồn hoặc là chỉ chú ý phục hồi, khai thác nó phục vụ cho mục đích phát triển du lịch mà làm mất đi cái hồn, cái thiêng của sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội.

Trong bối cảnh mới của dân tộc và thời đại, cùng với quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, nhiều giá trị văn hóa của các tộc người đã được đan xen, tiếp biến, thẩm thấu lẫn nhau. Quá trình này đã làm cho sinh hoạt tín ngưỡng của các cộng đồng dân tộc được bổ sung thêm nhiều yếu tố mới phong phú hơn, đa dạng hơn. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực đó, nhiều yếu tố tiêu cực cũng nảy sinh trong sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào. Một số sinh hoạt tín ngưỡng mang đậm đặc trưng văn hóa truyền thống dân tộc lại không được quan tâm duy trì, phục hồi, thay vào đó là sự tiếp biến thiếu chọn lọc các sinh hoạt tín ngưỡng xa lạ với văn hóa truyền thống. Nhiều giá trị trong sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng dần bị mai một, bị biến dạng làm mất dần bản sắc văn hóa dân tộc. Thực tế đó đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết không chỉ cho công tác tín ngưỡng mà còn cho cả quá trình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS.

2. Một số kiến nghị

Từ thực trạng những vấn đề mới nảy sinh trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng vùng đồng bào DTTS nước ta hiện nay, tác giả xin khuyến nghị một số giải pháp như sau:

-  Hoàn thiện và thực hiện chính sách dân tộc phải gắn với chính sách tôn giáo, tín ngưỡng

Do vấn đề dân tộc và vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng là hai lĩnh vực nhạy cảm luôn gắn bó chặt chẽ với nhau, liên quan tới các yếu tố chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, xã hội, văn hóa của các tộc người cũng như của quốc gia, nên trong quá trình hoạch định và triển khai chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo cần chú ý đến mối quan hệ cũng như sự tác động hữu cơ của hai vấn đề và các lĩnh vực này.

Hiện nay ngoài cộng đồng người Khmer, người Chăm đã có một tôn giáo chủ lưu, thì ở khu vực miền núi phía Bắc, đạo Tin lành cũng dần xác định vị trí trong cộng đồng người Mông, ở khu vực Tây Nguyên là Công giáo và đạo Tin lành trong cộng đồng người Bana, Giarai, Êđê,... Có thể nói, bên cạnh nhu cầu chuyển đổi đức tin của một bộ phận đồng bào DTTS là có thật thì các thế lực chính trị phản động cũng đang âm mưu tôn giáo hóa vùng DTTS ở nước ta để dần hình thành những cộng đồng tộc người với một tôn giáo chủ lưu, dễ bề cho việc lợi dụng, kích động tư tưởng tôn giáo - dân tộc cực đoan. Vì vậy, với các cộng đồng dân tộc đã có tôn giáo chủ lưu từ trong truyền thống như cộng đồng người Khmer, người Chăm, thì hệ thống chính trị các cấp cần phát huy vai trò của tôn giáo truyền thống để củng cố cộng đồng, bảo lưu giá trị văn hóa truyền thống của tộc người; thúc đẩy vai trò tích cực của tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội và gắn kết cộng đồng tộc người với quốc gia, dân tộc.

Với các cộng đồng DTTS đang trong quá trình chuyển đổi đức tin từ tín ngưỡng đa thần sang theo một tôn giáo, nếu để quá trình tôn giáo hóa dân tộc và dân tộc hóa tôn giáo diễn ra theo xu hướng mỗi dân tộc sẽ chỉ có một tôn giáo thì sẽ vô cùng bất lợi, về lâu dài sẽ tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn định an ninh chính trị của đất nước nếu những cộng đồng dân tộc này bị tác động bởi các tư tưởng tôn giáo, dân tộc cực đoan. Do đó, chính sách dân tộc, tôn giáo cần hướng tới nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào các DTTS nhưng cần hết sức lưu ý làm sao để đồng bào các DTTS có thể có nhiều lựa chọn niềm tin, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của đồng bào, tạo nên sự đa dạng đức tin trong mỗi tộc người, tránh để hình thành xu hướng mỗi cộng đồng dân tộc chỉ theo một tôn giáo.

-   Nhận thức lại về vấn đề tôn giáo

Nhận thức về tôn giáo ở vùng đồng bào DTTS còn rất cứng nhắc. Hầu hết mới chủ yếu chỉ tập trung phê phán truyền đạo trái pháp luật, đấu tranh, phê phán việc lợi dụng tôn giáo mà chưa thấy tôn giáo xâm nhập và phát triển trong vùng đồng bào dân tộc còn là do nhu cầu của đồng bào, là tất yếu của va chạm văn hóa; chủ yếu mới thấy mặt tiêu cực trong sự phát triển của đạo Tin lành và một số hiện tượng tôn giáo mới mà chưa thấy mặt tích cực của nó (đem đến cho đồng bào một lối sống mới văn minh, tiến bộ). Vì vậy, cần xem sự phát triển của các tôn giáo trong vùng đồng bào DTTS là một tất yếu khách quan trong quá trình mở rộng giao lưu văn hóa. Từ đó cần chú ý tạo điều kiện để tôn giáo hoạt động bình thường, tạo nên sự giao thoa, đan xen và tiếp biến các giá trị văn hóa truyền thống; cần quan tâm phát huy giá trị văn hóa, đạo đức và nguồn lực của các tôn giáo phục vụ quá trình xây dựng, phát triển đời sống xã hội của đồng bào DTTS.

Quan tâm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tôn giáo với tín ngưỡng truyền thống của đồng bào các dân tộc. Khuyến khích xu hướng các tôn giáo “hòa đồng”, tiếp biến với các giá trị văn hóa tộc người. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn nhằm xây dựng hệ thống dữ liệu cơ bản và hoàn thiện cơ sở pháp lý để tiếp tục thực hiện các chính sách bảo đảm cho các tôn giáo phát triển bình đẳng, không để nảy sinh thêm và làm trầm trọng hơn những mẫu thuẫn cục bộ đã có giữa những người theo và không theo tôn giáo, giữa những người có tín ngưỡng và không tín ngưỡng, giữa tín đồ người DTTS và tín đồ người Kinh, giữa các tổ chức tôn giáo, giữa những người theo các tôn giáo lớn và những người theo các hiện tượng tôn giáo mới; giữa tín đồ của các tôn giáo và chính quyền.

Tăng cường quản lý và phát triển những mối quan hệ tôn giáo, tín ngưỡng tốt đẹp giữa các dân tộc ở trong nước và liên/ xuyên biên giới; xây dựng các cộng đồng dân cư ổn định và phát triển ở vùng biên giới, đồng thời không để hình thành những cộng đồng liên kết theo các tổ chức tôn giáo quá tập trung và rộng lớn ở vùng biên giới, nhất là những nơi có nhiều đồng tộc và đồng đạo cư trú liền kề dọc đường biên.

Tôn trọng, sử dụng đội ngũ trí thức, những người có uy tín của tôn giáo trong DTTS để họ lãnh đạo, tập hợp tín đồ ủng hộ, phối hợp với chính quyền thực hiện tốt các chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo, đồng thời chống lại những tổ chức lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng hoạt động trái pháp luật.

Với các hiện tượng tôn giáo mới, cần bình tĩnh nhìn nhận, đánh giá khách quan, phân biệt nhu cầu tín ngưỡng chân chính của đồng bào với các hành vi lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng. Nếu các hiện tượng tôn giáo mới xuất hiện trên cơ sở nhu cầu đức tin của đồng bào và đáp ứng được các điều kiện quy định của pháp luật thì cần phải tôn trọng và tạo điều kiện từng bước cho hoạt động bình thường, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của người dân.

- Quán triệt thực hiện nguyên tắc bình đẳng tôn giáo trong vùng đồng bào DTTS

Những năm qua, ở vùng đồng bào DTTS nước ta thực hiện nguyên tắc bình đẳng tôn giáo còn một số vấn đề cần được quan tâm giải quyết. Có thể nêu hai vấn đề lớn như sau:

Thứ nhất, khi đã công nhận và cho phép các tổ chức của đạo Tin lành hoạt động trong vùng đồng bào DTTS thì với những tổ chức đã đáp ứng đủ các quy định của pháp luật, cần nhanh chóng tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt tôn giáo của đồng bào như vấn đề đất đai, xây dựng cơ sở thờ tự, vấn đề người hướng dẫn việc đạo, kinh sách...

 Thứ hai, với các tôn giáo mới xuất hiện đáp ứng được nhu cầu của đồng bào, không trái với thuần phong, mỹ tục, không đi ngược lại lợi ích của dân tộc và không xâm phạm an ninh quốc gia thì cần tôn trọng sự tìm kiếm niềm tin của đồng bào, thực hiện bình đẳng trong lựa chọn đức tin, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh chân chính của đồng bào các DTTS.

- Nhận thức lại vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào các DTTS

Cần xem xét lại cách bảo tồn giá trị văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của đồng bào các DTTS. Tránh hai thái cực: hoặc là bảo tồn cả những phong tục, tập quán lạc hậu, hủ tục; hoặc là bảo tồn không có “hồn”, xơ cứng.

Cần chủ động, hướng dẫn, tạo điều kiện cho quá trình “hiện đại hóa” tín ngưỡng truyền thống của đồng bào các DTTS để loại bỏ dần những hủ tục lạc hậu, giữ gìn, bảo tồn các giá trị bản sắc văn hóa tộc người. Nâng cao nhận thức cho đồng bào các DTTS để đồng bào tự nhận thức và tự giác xóa bỏ hủ tục lạc hậu, không bị lợi dụng vào các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng không chân chính. Vấn đề bản sắc tộc người cũng cần có nhận thức lại để tránh rơi vào trì trệ, lạc hậu. Quá trình sinh sống cộng cư, giao lưu, hội nhập, các cộng đồng dân tộc tiếp thu, tiếp biến giá trị văn hóa lẫn nhau là xu thế tất yếu. Do vậy, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tộc người phải làm sao cho những giá trị văn hóa đó được thực hành sống động trong đời sống thực tiễn, đem lại những lợi ích thiết thực cho đồng bào, đồng thời bảo đảm những giá trị đó cũng luôn được bổ sung, làm giàu thêm bởi những giá trị mới phù hợp.

- Phát triển đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của đồng bào DTTS vẫn là nền tảng cơ bản để giải quyết những vấn đề nảy sinh từ tôn giáo tín ngưỡng.

Phát triển đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào trước tiên cần tập trung phát triển kinh tế, ưu tiên thúc đẩy CNH, HĐH. Khi đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào cũng sẽ dần hạn chế được những hủ tục, lạc hậu. Đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao cũng tạo tiền đề cho đồng bào tiếp nhận những giá trị văn hóa mới, tiến bộ, phù hợp, đồng thời cũng nhận thức rõ hơn giá trị văn hóa tộc người cần được bảo tồn, phát huy.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2020 

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8) Khảo sát của đề tài: “Những vấn đề mới trong tôn giáo, tín ngưỡng ở vùng dân tộc thiểu số nước ta hiện nay”. Mã số: CTDT: 34.18/16-20, thực hiện năm 2018, 2019 tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, khu vực Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và khu vực Tây Nam Bộ.

Tài liệu tham khảo:

1. Lê Văn Lợi (Chủ biên): Giải quyết vấn đề dân tộc, tôn giáo ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2018.

2. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam: Báo cáo tổng hợp đề tài: Vấn đề tôn giáo trong phát triển bền vững Tây Nguyên, mã số: TN3/X6, Hà Nội, 2014.

3. Nguyễn Văn Minh: Các hiện tượng tôn giáo mới ở vùng dân tộc thiểu số Tây Nguyên hiện nay, Tạp chí Khoa học xã hội số 4/2016.

4. Nguyễn Ngọc Mai: Biến đổi tôn giáo truyền thống ở các tộc người thiểu số miền núi phía Bắc Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 9/2014.

PGS, TS Hoàng Thị Lan

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS Cao Phan Giang

Học viện Chính trị khu vực I

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền