Trang chủ    Thực tiễn    Khai thác tốt tài nguyên đất đai, tạo động lực phát triển Tây Nguyên bền vững
Thứ hai, 29 Tháng 7 2013 08:05
2840 Lượt xem

Khai thác tốt tài nguyên đất đai, tạo động lực phát triển Tây Nguyên bền vững

(LLCT)- Tây Nguyên có vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng, đồng thời là vùng giàu tài nguyên, có tiềm năng phát triển kinh tế to lớn. Đất đỏ bazan màu mỡ; nhiều loại tài nguyên khoáng sản quý; hệ động, thực vật đa dạng, phong phú; nơi có những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, đủ điều kiện hình thành, phát triển một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, phát triển du lịch, điện năng, khai khoáng, công nghiệp chế biến gỗ, nông sản, sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, có khả năng thu hút mạnh mẽ đầu tư, đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội với nhiều lợi thế nổi trội so với các vùng miền trong cả nước.           

 

Nhận thức đúng vị thế của Tây Nguyên trong tổng thể chiến lược phát triển chung, những năm qua Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng tạo động lực thúc đẩy quá trình phát triển Tây Nguyên(1). Nhờ sự nỗ lực và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã vượt qua muôn vàn khó khăn thách thức, khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh, từng bước đưa Tây Nguyên từ một vùng chậm phát triển, tốc độ tăng trưởng thấp, cơ cấu kinh tế lạc hậu, đời sống khó khăn trở thành vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn với những sản phẩm chủ lực có thị phần và giá trị xuất khẩu cao như chè, cà phê, cao su, gỗ, nguyên liệu giấy... Nhiều công trình công nghiệp có giá trị được xây dựng như thủy điện, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến, công nghiệp khai khoáng, sản xuất và chế biến hàng tiêu dùng; hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi hoàn thành đã làm thay đổi căn bản diện mạo Tây Nguyên. Các chương trình xóa đói, giảm nghèo, chăm sóc y tế, giáo dục được thực hiện có hiệu quả; đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng cao, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát triển.     

Kinh tế tăng trưởng khá, tốc độ bình quân giai đoạn 2001 - 2010 đạt 11,9%/năm. Công tác hỗ trợ phát triển sản xuất, giải quyết vấn đề đất đai, tạo công ăn việc làm, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân được Đảng, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo sâu sát. Đã có hơn 85% số buôn làng các dân tộc thiểu số tại chỗ định canh, định cư ổn định vững chắc, hơn 50% số buôn làng thuộc diện nghèo đói đã vươn lên đạt mức khá và trung bình(2).  

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng và có ý nghĩa về nhiều mặt, nhưng Tây Nguyên hiện vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Sau hơn 25 năm đổi mới, Tây Nguyên vẫn còn là vùng nghèo, chậm phát triển so với cả nước. Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số (người bản địa) thiếu cả đất ở và đất sản xuất, không gian sinh sống của các buôn làng đang bị thu hẹp; tranh chấp, khiếu kiện về đất đai ngày càng phức tạp và có xu hướng gia tăng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tuy được tập trung đầu tư khá lớn và thực sự đã góp phần làm thay đổi diện mạo Tây Nguyên, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển. Trình độ dân trí tuy đã được nâng lên, nhưng tỷ lệ người không biết chữ còn cao, còn có khoảng cách lớn so với các vùng miền khác. Tình hình an ninh nông thôn và nhiều vấn đề bức xúc về kinh tế - xã hội một thời gian dài chưa được giải quyết thỏa đáng, lại bị các thế lực thù địch lợi dụng kích động đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn khó lường...

Những yếu kém, bất cập trên đây có nhiều nguyên nhân, nhưng xét về mặt chủ quan, là do: một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên ở cơ sở xã, phường chưa nắm vững và quán triệt hết ý nghĩa, tầm quan trọng của các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về phát triển Tây Nguyên. Năng lực quản lý, điều hành chưa theo kịp yêu cầu của sự phát triển. Một số nơi cấp ủy, chính quyền các cấp chưa nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, chưa chú trọng đúng mức xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc, vùng trọng điểm. Nhiều trường hợp xử lý các vấn đề nhạy cảm về tôn giáo và dân tộc còn đơn giản và nóng vội. Không ít cán bộ lợi dụng những hạn chế, bất cập về chính sách đất đai và trình độ hiểu biết chưa đầy đủ về pháp luật của người dân để trục lợi, cụ thể là những vấn đề liên quan đến thu hồi đất.    

Công tác quản lý và sử dụng đất đai một thời gian dài có nhiều bất cập và thiếu sót nhưng khắc phục chưa kiên quyết và kém hiệu quả. Công tác quy hoạch và sử dụng đất rừng, phát triển các nông trường, lâm trường, quy hoạch phát triển thủy điện, phát triển trang trại, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường... còn nhiều sơ hở, hạn chế. Hậu quả là rừng bị tàn phá, nhất là rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn, làm cho đất sản xuất, đất ở của đồng bào bị xâm lấn nghiêm trọng.       

 Di dân tự do và bố trí lại về mặt chiến lược cơ cấu dân cư trên địa bàn Tây Nguyên đang là vấn đề bức xúc đặt ra. Vấn đề di dân tự do không được quản lý và kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến nạn phá rừng, lấn đất, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn giữa đồng bào Kinh và đồng bào dân tộc tại chỗ, giữa đồng bào dân tộc tại chỗ với đồng bào các dân tộc anh em ở mọi miền đất nước di cư đến đây. Mâu thuẫn về đất đai đã kích động và thổi bùng tâm lý ích kỷ dân tộc, chia rẽ khối đại đoàn kết giữa đồng bào Tây Nguyên với các dân tộc anh em trong một bộ phận dân cư. Các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng những mâu thuẫn trên để chống phá Đảng và Nhà nước ta, làm cho tình hình Tây Nguyên càng thêm phức tạp. 

Từ tình hình thực tế trên, Bộ Chính trị xác định: Tập trung xây dựng Tây Nguyên sớm trở thành vùng kinh tế trọng điểm, giai đoạn đầu có lực lượng sản xuất phát triển đạt trình độ trung bình so với cả nước, tốc độ tăng trưởng hợp lý, chuyển dịch cơ cấu kinh tế vững chắc. Nâng cao đời sống văn hóa, trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc; bảo đảm an sinh xã hội; sớm đưa nông thôn Tây Nguyên thoát ra khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, phát triển bền vững(3).         

Để đạt được các mục tiêu trên, cần phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, nhưng trước mắt cần tập trung khẩn trương tháo gỡ và giải quyết một số vấn đề cấp bách sau:    

Thứ nhất, để thực sự tạo động lực cho Tây Nguyên phát triển ổn định và bền vững, cần triệt để tuân thủ chiến lược về quy hoạch tổng thể chung của toàn vùng. Trong kế hoạch, phải xác định rõ đối tượng cần được ưu tiên tập trung đầu tư phát triển trước hết là đồng bào các dân tộc bám trụ lâu dài trên địa bàn Tây Nguyên. Vì vậy, phải coi việc phát triển ổn định vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của toàn vùng. Giữ được rừng, lo được đất sản xuất và đất ở ổn định, hiểu được đặc điểm tâm lý, phong tục tập quán khi giải quyết những vấn đề do thực tiễn đặt ra, nâng cao về chất đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào chính là góp phần giữ vững được trận địa lòng dân trên địa bàn Tây Nguyên. Tạo thế và lực để phát triển ổn định.      

Thứ hai, cần kiên quyết giữ gìn và bảo vệ rừng, bảo vệ không gian sinh tồn và phát triển bền vững. Tàn phá rừng tức là tàn phá môi trường và điều kiện sinh tồn và phát triển của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, bởi phong tục tập quán lâu đời của các dân tộc nơi đây là sống nhờ rừng, dựa vào rừng. Vì vậy, để phát triển Tây Nguyên, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là phải kiên quyết gìn giữ, bảo vệ cho được diện tích rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, tái tạo lại và trồng mới diện tích rừng bị tàn phá. Chú trọng nghiên cứu các chính sách thích hợp nhằm vận dụng mô hình quản lý rừng theo hình thức lâm nghiệp cộng đồng. Gắn việc giữ gìn, bảo vệ rừng với việc giao đất giao rừng, khoán công việc bảo vệ rừng cho một bộ phận nông dân thiếu đất sản xuất, cho từng hộ đồng bào dân tộc đang gắn bó với rừng. Tạo điều kiện để một bộ phận đồng bào chuyển sang lĩnh vực sản xuất - kinh doanh sản phẩm của rừng, ổn định cuộc sống nhờ nguồn thu nhập từ rừng. Chính quyền và các ngành chức năng, trên cơ sở nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra công tác bảo vệ rừng. Kiên quyết nghiêm trị những kẻ phá rừng; khuyến khích, động viên những người có ý thức và trách nhiệm cao trong việc giữ gìn, bảo vệ rừng.       

Thứ ba, khẩn trương tiến hành kiểm kê thực trạng sử dụng đất của đồng bào và tất cả các tổ chức kinh tế trên địa bàn để có hướng xử lý một cách căn bản. Trên cơ sở kế hoạch tổng thể chung về quản lý và sử dụng đất, khẩn trương rà soát lại quỹ đất hiện có, giao đất bảo đảm đủ đất để đồng bào sản xuất, ổn định cuộc sống. Để duy trì và ổn định cuộc sống cả về trước mắt và lâu dài, cần nhanh chóng thực hiện tốt chính sách định canh, định cư. Nghiêm cấm việc chuyển nhượng đất bất hợp pháp. Gắn giao đất, giao rừng với việc tổ chức không gian sống và tạo lập lại các buôn làng bị dịch chuyển trong quá trình thu hồi đất. Trong mọi kế hoạch, dự án cần đặc biệt quan tâm lối sống, phong tục tập quán, văn hóa truyền thống các dân tộc. Kết hợp tốt giữa giao đất, giao rừng với vấn đề xây dựng nông thôn mới, xây dựng hạ tầng về kinh tế - xã hội. Đảng và Nhà nước tạo những điều kiện tốt nhất để đồng bào các dân tộc có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, bình đẳng, đoàn kết với các dân tộc anh em trong cộng đồng dân tộc Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây chính là pháo đài thép tạo sức đề kháng mạnh mẽ trước mọi âm mưu đen tối của các thế lực thù địch.

Thứ tư, trên cơ sở bố trí chiến lược về dân cư, cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp. Chuyển một bộ phận đồng bào thiếu đất hoặc không có đất vào làm việc tại các nông, lâm trường, các trang trại chăn nuôi đại gia súc, các ngành chế biến nông lâm sản, dịch vụ. Đây là cơ hội để sắp xếp lại lao động, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai, góp phần thay đổi cơ cấu lao động, cơ cấu dân cư, tạo điều kiện nâng cao mặt bằng dân trí và chất lượng cuộc sống cho đồng bào.           

Ngoài việc thu hút lao động vào các nông, lâm trường, các doanh nghiệp, cần vận dụng sáng tạo nhiều giải pháp, lồng ghép các dự án, các chương trình, mục tiêu quốc gia để đầu tư phát triển sản xuất. Hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng mô hình liên kết làm ăn với đồng bào, trên cơ sở nguồn lực đất đai, lao động tại chỗ, doanh nghiệp hỗ trợ vốn, bao tiêu sản phẩm. Mở rộng và tăng cường mạng lưới khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn đồng bào khai thác tốt nhất những lợi thế từ tài nguyên đất, rừng; ứng dụng khoa học - công nghệ và tổ chức lại sản xuất trong từng buôn làng, phát triển kinh tế hàng hóa ở vùng nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất, sớm hòa nhập vào nền kinh tế thị trường.    

Thứ năm, để khai thác tốt nguồn lực đất đai, phát triển Tây Nguyên ổn định, bền vững, Nhà nước cần có chính sách thực sự hấp dẫn, ưu tiên, khuyến khích các thành phần kinh tế, kể cả đẩy mạnh xã hội hóa. Tập trung nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn Tây Nguyên. Trọng tâm là đầu tư hoàn thiện hạ tầng nông thôn, xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm và các cơ sở dịch vụ sản xuất thiết yếu tại các buôn làng. Trong đó, ưu tiên trước hết cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Tập trung nâng cao một bước về chất lượng giáo dục, nâng cao trình độ dân trí, giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề cho con em đồng bào các dân tộc, cho đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là số cán bộ người đồng bào dân tộc, bảo đảm trong một tương lai gần, đại bộ phận con em đồng bào có đủ trình độ tay nghề, đủ năng lực chuyên môn tham gia làm việc ở tất cả các doanh nghiệp, các nông, lâm trường, các đơn vị sản xuất - kinh doanh, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ chủ chốt các thôn, bản.         

Cần có những chính sách ưu đãi về vốn, giúp đồng bào tập trung phát triển sản xuất - kinh doanh. Đây là việc làm không mới, nhưng rất cần phải có những chính sách và giải pháp mới. Trên cơ sở tổ chức, định hướng sản xuất - kinh doanh giữa các doanh nghiệp với từng hộ nông dân, Nhà nước cần kết hợp với doanh nghiệp hướng dẫn cách thức làm ăn và đầu tư vốn. Hạn chế đến mức thấp nhất để nông dân tự vay vốn, tự tổ chức sản xuất - kinh doanh không hiệu quả, dẫn đến thua lỗ, không có khả năng hoàn vốn.       

Thứ sáu, tiếp tục quán triệt và nâng cao một bước nhận thức của cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên về chính sách bố trí lại dân cư, trong đó có cả vấn đề di dân tự do. Lâu nay, việc phát triển các nông, lâm trường và vấn đề di dân tự do không được quản lý và kiểm soát chặt chẽ làm cho công tác quản lý xã hội, quản lý đất đai trở nên phức tạp. Tuy là di dân tự do, không có sự kiểm soát và sắp xếp của Nhà nước, nhưng đồng bào cũng là một bộ phận cư dân trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đồng bào đã chọn Tây Nguyên làm nơi sinh sống, Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp trên địa bàn Tây Nguyên cần quan tâm, từng bước sắp xếp, đưa họ vào vùng quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức lại thành làng, bản, bảo đảm các điều kiện sống thiết yếu, giúp họ sớm hòa nhập với xu thế phát triển chung của Tây Nguyên.           

Chú trọng sự tương trợ giữa các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, đơn vị bộ đội, cán bộ, nhân dân và đồng bào Kinh với các buôn làng vùng đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Xem đây là hình thức gắn kết quan trọng nhằm thắt chặt tình đoàn kết giữa đồng bào Tây Nguyên với cả nước, sớm đưa Tây Nguyên tiến kịp các vùng miền khác của cả nước.

__________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2013

(1) Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18-1-2002 về phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm an ninh quốc phòng vùng Tây Nguyên giai đoạn 2001-2010; Thông báo Kết luận số 48-TB/TW ngày 16-7-2004 về phát triển vùng Tây Nguyên toàn diện, bền vững. Kết luận số 12-KL/TW ngày 24-10-2011 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phát triển Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020; Quyết định số 936/QĐ-TTg ngày 18-7-2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên đến 2020.          

(2) Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.         

(3) Kết luận số 12-KL/TW ngày 24-10-2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa IX phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020.    

GS, TS Trương Giang Long

Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền