Trang chủ    Thực tiễn    Kinh tế xanh – con đường phát triển bền vững đất nước
Thứ hai, 29 Tháng 7 2013 08:13
9340 Lượt xem

Kinh tế xanh – con đường phát triển bền vững đất nước

(LLCT)- Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và sau đó là Kết luận Hội nghị Trung ương 3 khoá XI đã xác định nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế nhằm đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững. Trên thế giới, con đường phát triển kinh tế bền vững mà cộng đồng quốc tế đang thừa nhận hiện nay là kinh tế xanh hay gọi cách khác là tăng trưởng xanh. Đây là khái niệm mới không chỉ với Việt Nam mà cả trên thế giới.

1. Quan niệm và nhận thức của cộng đồng quốc tế về kinh tế xanh  

Ý tưởng về “kinh tế xanh”được Chương trình môi trường của Liên Hợp quốc (UNEP) khởi xướng năm 2008, khi mà thế giới đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng: khủng hoảng về khí hậu và đa dạng sinh học (gia tăng phát thải khí nhà kính và mất cân bằng sinh thái), khủng hoảng nhiên liệu (cú sốc giá nhiên liệu năm 2007 - 2008), khủng hoảng lương thực (giá lương thực, thực phẩm tăng cao và tình trạng thiếu lương thực ở một số khu vực), khủng hoảng nước sạch (khan hiếm nước sạch), và nghiêm trọng nhất là khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008 - 2009. Mô hình kinh tế cũ, trong đó các hoạt động kinh tế dựa chủ yếu vào nhiên liệu hoá thạch và tăng trưởng nhanh nhờ sử dụng quá mức các nguồn lực tự nhiên mà không quan tâm đến vấn đề môi trường và xã hội, đã không còn phù hợp. Vì thế, thế giới phải tìm kiếm một mô hình kinh tế mới, một phương thức phát triển kinh tế mới vừa giúp tăng trưởng kinh tế sau một giai đoạn suy giảm do ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng, vừa đảm bảo chất lượng môi trường và giảm nguy cơ mất cân bằng sinh thái và rủi ro khí hậu, đảm bảo sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên bền vững và không làm gia tăng sự mất công bằng trong xã hội, tạo điều kiện để phát triển bền vững.   

Xuất phát từ quan điểm này, nhiều tổ chức và diễn đàn quốc tế đã tập trung thảo luận về chủ đề kinh tế xanh, như gần đây được nhấn mạnh tại Hội nghị về phát triển bền vững 2012 (Rio+20) tại Brazil.     

 Khái niệm “kinh tế xanh” cho đến nay vẫn chưa thật sự rõ ràng, còn nhiều cách hiểu và cách gọi khác nhau (các nước phương Tây xác định là mô hình kinh tế xanh, các nước đang phát triển hướng đến chiến lược tăng trưởng xanh, Trung Quốc tiến hành chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế với nội hàm phát triển xanh và xây dựng văn minh sinh thái làm trọng điểm, mô hình ở Thái Lan có tên gọi là “nền kinh tế đầy đủ”...). Dù với tên gọi nào thì tựu chung các quan điểm, nhận thức thống nhất là: Kinh tế xanh cùng với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường là ba trụ cột của phát triển bền vững và là sự lựa chọn tốt nhất cho sự phát triển bền vững của các quốc gia. Kinh tế xanh là nền kinh tế thân thiện với môi trường, dựa vào năng lượng sạch, giảm phát thải khí nhà kính để giảm thiểu biến đổi khí hậu; là nền kinh tế tăng trưởng theo chiều sâu, hao tổn ít nhiên liệu, đổi mới công nghệ, tăng cường các ngành công nghiệp sinh thái; hướng đến mục đích là tăng trưởng bền vững, xóa đói giảm nghèo và phát triển công bằng. UNEP định nghĩa “kinh tế xanh” là một mô hình kinh tế giúp nâng cao đời sống con người, cải thiện công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu những rủi ro môi trường và cân bằng sinh thái.  

Về quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh:Trong khi các nước phát triển tập trung chuyển đổi sang một xã hội ít các bon (nhấn mạnh đến yếu tố môi trường) thì các nước kém phát triển hơn lại nhấn mạnh vào yếu tố tăng trưởng trong xã hội ít các bon. Vì thế, ngoài khái niệm “kinh tế xanh”, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển còn quan tâm hơn tới khái niệm “tăng trưởng xanh” do mục đích tăng trưởng luôn được đặt lên hàng đầu đối với các nền kinh tế này. Nhìn chung, việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh có hai con đường chính: Các nước phát triển có điều kiện tài chính, nguồn nhân lực và công nghệ thì có thể chuyển đổi sang nền kinh tế xanh thông qua đầu tư, phát triển những lĩnh vực mới trong nền kinh tế có thể giúp phát triển xã hội, môi trường bền vững; trong khi đó, các nền kinh tế đang phát triển phải tốn nhiều chi phí và thời gian hơn bằng cách điều chỉnh dần dần để nền kinh tế truyền thống trở nên thân thiện hơn với môi trường.           

Hiện nhiều nước đang đi tiên phong trong việc xây dựng nền kinh tế xanh (như Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc...), với các biện pháp chính là: 1) Tăng đầu tư và chi tiêutrong các lĩnh vực thúc đẩy phát triển kinh tế xanh: năng lượng, giao thông, xây dựng, nông nghiệp, du lịch, văn hóa, xử lý chất thải...;
2) Nâng cao nhận thức về các thách thức của nền kinh tế truyền thống cũng như cơ hội, thuận lợi của nền kinh tế xanh và sự phát triển bền vững; đồng thời nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan nhà nước và đầu tư đào tạo kỹ năng cho đội ngũ lao động phục vụ trong nền kinh tế xanh; 3) Mở rộng thị trường cho các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường thông qua các chính sách khuyến khích người tiêu dùng quan tâm tới sản phẩm xanh và có ghi nhãn sinh thái; 4) Giảm chi tiêu chính phủ vào các lĩnh vực sử dụng nguồn lực tự nhiên không thể tái tạo; 5) Phát triển mạng lưới các tổ chức, cơ quan giúp quản lý việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh; đồng thời thiết lập hệ thống quy định pháp luật và chính sách giúp thúc đẩy kinh tế xanh; 6) Sử dụng công cụ thuế, phí để giảm thiểu tác động tiêu cực về môi trường, áp dụng cơ chế mua bán phát thải khí nhà kính; áp thuế, phí đối với việc sử dụng năng lượng kém hiệu quả, thuế sở hữu và sử dụng phương tiện giao thông...; đưa các ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường và cuộc sống vào để tính toán chi phí hàng hoá, dịch vụ, từ đó tạo điều kiện để thị trường hóa và từng bước chuyển đổi sang sản xuất hàng hoá, dịch vụ thân thiện môi trường; 7) Tăng cường hợp tác quốc tế để thiết lập các cơ chế ràng buộc điều chỉnh các hoạt động kinh tế có ảnh hưởng tới phát triển bền vững...    

Như vậy, kinh tế xanh đang trở thành một xu thế trên thế giới có thể áp dụng cho tất cả các nền kinh tế nhằm đối phó với các cuộc khủng hoảng hiện tại và ngăn chặn nguy cơ xảy ra các khủng hoảng trong tương lai. Việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh được xem là một chiến lược để các nước hướng tới phát triển bền vững; trong đó phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường được bảo đảm hài hoà.    

2. Việt Nam trước yêu cầu chuyển đổi theo định hướng kinh tế xanh           

Sự nghiệp CNH, HĐH đất nước đã đạt được những thành tựu quan trọng, luôn thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh (bình quân trên 7%/năm trong 20 năm qua), trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 10 nước có mức tăng trưởng cao. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp, chưa bền vững, sức cạnh tranh yếu, hiệu quả thấp, phát triển kinh tế phụ thuộc nhiều vào các yếu tố đầu vào truyền thống, nhất là vốn và khai thác tài nguyên, phát sinh nhiều chất thải gây ô nhiễm môi trường; tình hình an ninh lương thực, an sinh xã hội, dịch bệnh diễn biến phức tạp trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Thực tế cho thấy mô hình tăng trưởng hiện tại của Việt Nam cần phải có sự điều chỉnh, phải tìm kiếm mô hình hoặc một phương thức tăng trưởng kinh tế mới. Mặt khác, trong xu thế phát triển chung của thế giới và mục tiêu Việt Nam phấn đấu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, việc lựa chọn và thực hiện theo định hướng tăng trưởng xanh là cần thiết, phù hợp với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế trong giai đoạn sắp tới; phù hợp với quan điểm và định hướng phát triển bền vững đã được khẳng định tại Đại hội XI của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 là: "Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược... Gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh”. Nhà nước ta đã xác định rõ những định hướng chiến lược tạo tiền đề về cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng, như: Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020; Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050; và Chính phủ đang trong quá trình xây dựng Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến 2050.   

Việt Nam đang hội tụ những điều kiện thuận lợi là lợi thế so sánh trong phát triển kinh tế xanh. Việt Nam nằm ở khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới, hướng ra biển Đông - một trong những tuyến đường hàng hải sôi động nhất trên thế giới; gần với khu vực Đông Bắc Á đang là tiên phong trong tăng trưởng xanh của thế giới (Nhật Bản, Hàn Quốc). Nền chính trị ổn định, xã hội thân thiện, dân số gần 90 triệu người, trong đó tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cao, người dân thông minh, ôn hòa, chăm chỉ, là động lực để thực hiện những đột phá về phát triển kinh tế. Vị trí địa hình tự nhiên và tính đa dạng sinh học cao mở ra cơ hội phát triển một số ngành kinh tế xanh mũi nhọn, đồng thời phát triển và sử dụng các loại năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thủy triều, năng lượng sinh học... Cảnh quan thiên nhiên phong phú với nhiều khu vực được công nhận là di sản thiên nhiên của thế giới, truyền thống văn hoá lịch sử đậm đà bản sắc dân tộc mở ra cơ hội để phát triển du lịch giải trí và xây dựng một nền công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước những năm qua cũng tạo ra nội lực để chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế; mặt khác, chúng ta đi sau các nước trong việc tiếp cận nền kinh tế xanh nên có thể học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm của các nước đã thành công; đồng thời có được sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế trong việc nghiên cứu phát triển xây dựng mô hình.       

Tuy nhiên, Việt Nam sẽ đối mặt với một số thách thức trong phát triển kinh tế xanh: Thứ nhất, đây là khái niệm mới, chưa có hệ thống lý thuyết kinh tế, còn nhiều cách hiểu khác nhau. Do vậy việc phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam là quá trình mày mò, thử nghiệm, sáng tạo và áp dụng phù hợp, có lộ trình; Thứ hai, nền kinh tế đang dựa vào khai thác tài nguyên là chính, các ngành kinh tế gây ô nhiễm môi trường đang chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, công nghệ sản xuất ở Việt Nam hiện nay so với thế giới là công nghệ cũ, lạc hậu, tiêu hao năng lượng mà việc thay đổi công nghệ trong sản xuất là quá trình không dễ thực hiện ngay; Thứ ba, nguồn vốn đầu tư cho thực hiện kinh tế xanh ở Việt Nam còn hạn chế, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, chi tiêu công bị cắt giảm, các doanh nghiệp hạn chế về vốn; Thứ tư, nhận thức về kinh tế xanh còn hạn chế, thói quen sản xuất và tiêu dùng cũ cũng là một rào cản trên con đường phát triển xanh của Việt Nam.   

3. Một số nội dung cơ bản về phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam và giải pháp huy động, tập trung nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế xanh           

Việc tiếp cận nền kinh tế xanh phải được xem xét trong tổng thể các góc độ kinh tế, quản lý môi trường và xã hội. Bài nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Trường Đảng cao cấp Nico Lopez - Cu Ba, ngày 9-4-2012 trong khuôn khổ chuyến thăm Cu Ba đã nêu bật một số tư tưởng quan trọng tạo tiền đề nghiên cứu lý luận về việc phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thật sự vì con người... Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội... Chúng ta cần một xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau... Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hoà với thiên nhiên để đảm bảo với môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai”.

Thứ nhất, dưới góc độ kinh tế, kinh tế xanh của Việt Nam là một phương thức thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững dựa trên những yếu tố bền vững. Quá trình này phải diễn ra một cách hài hòa và hợp lý, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam, nghĩa là phải điều chỉnh dần dần theo hướng tiết kiệm và sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên, bảo vệ môi trường; giảm thiểu những tác động tiêu cực đến việc làm, thu nhập người lao động nhằm tránh gây ra những mâu thuẫn xã hội. Để nền kinh tế trở nên thân thiện môi trường hơn, cần giảm bớt việc dựa vào các yếu tố không bền vững và tăng dần các yếu tố bền vững để phát triển. Hay nói cách khác, là việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thu hẹp khu vực “kinh tế nâu”, mở rộng khu vực “kinh tế xanh” trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và các lợi thế so sánh.     

Thứ hai, dưới góc độ quản lý môi trường, phải đảm bảo sự cân bằng giữa yêu cầu tăng trưởng kinh tế nhanh với đòi hỏi tiết kiệm và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, thông qua quá trình: tập trung phát triển và đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường; xây dựng và thực hiện lộ trình hạn chế sử dụng năng lượng hoá thạch, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường, xử lý chất thải, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Thứ ba, dưới góc độ xã hội, là quá trình gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội. Việt Nam đang thực hiện quá trình vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi xã hội... Ở mức độ cao hơn, phải thực hiện xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Chỉ có như vậy thì mới định hướng được thị trường (thúc đẩy tiêu dùng xanh) và qua đó định hướng được hoạt động sản xuất (sản xuất xanh).     

Để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện tổng hoà các nhóm giải pháp như tuyên truyền, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng môi trường pháp lý, thúc đẩy đổi mới công nghệ, phát triển ngành dịch vụ môi trường, phát triển các nguồn năng lượng sạch, xây dựng ý thức con người... Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến giải pháp về nguồn lực, vì quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng theo định hướng kinh tế xanh về mặt cối lõi là quá trình vừa vẫn phải nâng cao hiệu quả các lĩnh vực của nền kinh tế truyền thống (tránh xáo trộn về mặt kinh tế - xã hội), mặt khác và cũng là quan trọng nhất là phải chuyển dịch nguồn lực sang các lĩnh vực mới có hiệu quả kinh tế cao hơn, thân thiện với môi trường hơn và đảm bảo sự phát triển bền vững hơn.   

- Về quan điểm: Phải biết kết hợp hài hoà giữa việc thu hút nguồn lực (trên cơ sở lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá) và chuyển đổi cơ cấu đầu vào theo hướng giảm dần tỷ trọng đóng góp của yếu tố vốn vật chất, sau đó là lao động và gia tăng dần vai trò của yếu tố năng suất tổng hợp trên cơ sở phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao, kết hợp với ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Đồng thời, việc phân bổ nguồn lực tăng trưởng phải theo các tín hiệu và nguyên tắc của thị trường.           

- Về cách thức đầu tư tạo động lực phát triển kinh tế xanh: 1) Trước hết là nguồn tài chính công làm đòn bẩy (bằng các gói kích thích kinh tế đầu tư cho các khu vực kinh tế xanh và tái cơ cấu nền kinh tế theo lộ trình, kế hoạch, có trọng tâm trọng điểm). Từ đó tạo sức lan tỏa, dẫn dắt các nguồn vốn tư nhân sẽ chiếm vai trò chính trong giai đoạn sau; 2) Thí điểm áp dụng cơ chế chính sách đặc thù, đột phá cho một số khu vực, địa phương có tiềm năng và cơ hội, đáp ứng các yêu cầu cho phát triển xanh, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm về chính sách và tạo nguồn lực, động lực để áp dụng trên phạm vi rộng; 3) Xây dựng và phát triển mô hình đô thị sinh thái, khu công nghiệp xanh, tòa nhà xanh, chuỗi cửa hàng Việt Nam xanh.           

- Về hướng đầu tư: Tập trung vào các ngành kinh tế có thể phát huy lợi thế so sánh của Việt Nam như: nông nghiệp sinh thái; đa dạng hóa và phát triển các nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo từ thiên nhiên; phát triển du lịch giải trí, sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao..., trong đó chú ý nghiên cứu phát triển công nghiệp văn hóa. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao, hướng đến xây dựng nền kinh tế tri thức; phát triển công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường; tập trung giải quyết những hậu quả môi trường có liên quan trực tiếp đến an sinh xã hội (như nguồn nước ô nhiễm, bãi thải than...), nâng cao năng lực quản lý giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường...          

- Cách thức huy động: 1) Tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính cũng như kỹ thuật từ cộng đồng quốc tế cho các khu vực kinh tế xanh, vì hiện nay ưu tiên của các tổ chức quốc tế của Liên Hợp quốc và nguồn vốn ODA của các nước phát triển đang chuyển dịch vào lĩnh vực này; 2) Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi tối đa (về vốn đầu tư, thuế, phí,...) để khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào phát triển các lĩnh vực của kinh tế xanh, vào phát triển năng lượng sạch, bảo vệ môi trường, xử lý rác thải và đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường; 3) Lồng ghép việc huy động nguồn lực đầu tư phục vụ phát triển xanh trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, khu vực và từng địa phương; 4) Tăng cường quản lý nhà nước, khai thác có hiệu quả, đúng mục đích, tránh tiêu cực, thất thoát Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; các nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường của các địa phương và các ngành, nhất là các ngành có phát thải ô nhiễm cao như khai thác than, khoáng sản, sản xuất thép...; 5) Nghiên cứu thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển bền vững trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước và rà soát lại hệ thống các quỹ chính sách hiện hành để đảm bảo tính tập trung, tránh dàn trải; 6) Ưu đãi về chính sách để phát triển hoạt động tài chính, tín dụng liên quan đến bảo vệ môi trường, kể cả đối với việc phát triển khoa học công nghệ thân thiện với môi trường.

____________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2013

 

PGS, TS Phạm Minh Chính

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền