Trang chủ    Thực tiễn    Biến đổi quy mô và cơ cấu di dân của đồng bào các dân tộc thiểu số từ Đổi mới đến nay
Thứ năm, 24 Tháng 9 2020 16:12
1856 Lượt xem

Biến đổi quy mô và cơ cấu di dân của đồng bào các dân tộc thiểu số từ Đổi mới đến nay

(LLCT) - Từ Đổi mới đến nay, cùng với nhiều biến đổi to lớn trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, di dân các dân tộc thiểu số (DTTS) cũng có nhiều biến đổi về quy mô và cơ cấu di dân theo các dòng khác nhau. Sự biến đổi trong quy mô và cơ cấu di dân của các DTTS đã có đóng góp tích cực cho bản thân người di dân và sự phát triển của nơi đến, nhưng di dân cũng góp phần làm gia tăng khoảng cách kinh tế - xã hội giữa nơi đi và nơi đến, giữa thành thị và nông thôn và giữa các vùng kinh tế - xã hội. Các kết quả của nghiên cứu trình bày trong bài viết góp phần gợi ý cho các chính sách phát triển ở Việt Nam, cần chú trọng hơn đến vấn đề di dân và đô thị hóa hiện nay để bảo đảm di dân và đô thị hóa sẽ đóng góp tốt nhất cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

Từ khóa: di dân, di dân DTTS.

Di dân là một yếu tố tất yếu trong quá trình phát triển, di dân tạo cơ hội về kinh tế và giáo dục tốt hơn cho người di dân, góp phần cải thiện cuộc sống của người di dân và gia đình họ. Di dân không chỉ góp phần tăng trưởng kinh tế tại nơi đến mà còn đặt ra những thách thức cho sự phát triển đòi hỏi cần có những chính sách phù hợp dựa trên bằng chứng để đảm bảo di dân đóng góp cho phát triển của cá nhân, cộng đồng và cả xã hội. Các cuộc điều tra Di cư nội địa quốc gia ở Việt Nam được tiến hành nhằm cung cấp thông tin về thực trạng di dân ở Việt Nam, các xu hướng và những khác biệt theo các đặc điểm kinh tế - xã hội. Trong đó, các kết quả từ các cuộc điều tra Di cư nội địa quốc gia giai đoạn 2004-2015 đã cho thấy nhiều sự biến đổi trong quy mô và cơ cấu di dân, đặc biệt là trong đồng bào DTTS, thể hiện cụ thể ở các khía cạnh sau:

1. Biến đổi trong quy mô di dân của người dân tộc thiểu số đến Tây Nguyên

a. Di dân DTTS đến Tây Nguyên tăng trong giai đoạn trước năm 2015

Từ khi Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới (1986) đến nay, quy mô và cơ cấu di dân của đồng bào DTTS đã có nhiều sự biến đổi. Nhìn chung, di dân trong cả nước giảm, tuy nhiên quy mô số người di dân của một số dân tộc như: Tày, Thái, Mường, Mông, Khme, Sán Chay tăng. Cá biệt là di dân trong dân tộc Khmer: số người di cư tăng hơn mười lần, từ 12.200 người (2004) lên đến 12.700 người (2015). Theo kết quả phân tích số liệu cuộc điều tra năm 2004 về lựa chọn di dân của dân tộc Kinh và đồng bào DTTS ở các vùng nông thôn, có 81,3% số người di dân DTTS đã lựa chọn vùng nông thôn khác (Tây Nguyên), trong khi đó chỉ có 16,5% người di dân dân tộc Kinh di chuyển tới các vùng nông thôn khác. Có 18,7% người di dân DTTS lựa chọn di chuyển đến các vùng đô thị trong khi có tới 83,5% người di dân dân tộc Kinh di chuyển tới đô thị.

Có thể nói, quy mô của đồng bào các DTTS gia tăng là một hiện tượng mang tính quy luật, phù hợp với những biến động to lớn của đất nước trong thời kỳ đổi mới. Trong suốt 30 năm qua, quy mô di dân của các DTTS tăng lên liên tục; điều này đã được minh chứng qua phân tích kết quả số liệu các cuộc điều tra Di cư nội địa ở phạm vi quốc gia trong 2 năm 2004 và 2015(1). Đặc trưng nhất của quá trình di dân này là quy mô của loại hình di dân theo kế hoạch của Nhà nước và do các cơ quan Nhà nước tổ chức thực hiện ngày càng giảm, trong khi đó, quy mô của loại hình di dân tự do (người dân tự lựa chọn các địa bàn di dân đến) có xu hướng gia tăng (chỉ riêng Tây Nguyên di dân đến là 90%)(2).

b. Di dân DTTS đến Tây Nguyên có xu hướng giảm trong giai đoạn 2015-2017 và tiếp tục giảm cho tới nay

Phân tích các số liệu Điều tra Di dân nội địa Việt Nam năm 2015 cho thấy, chỉ có 30,4% số người DTTS di dân từ các vùng nông thôn có lựa chọn di chuyển tới Tây Nguyên.

Từ so sánh số liệu của hai cuộc điều tra cấp quốc gia, có thể đi đến nhận định rằng, trong giai đoạn hơn 10 năm từ 2004 đến năm 2015 những người di dân DTTS theo hướng nông thôn đến nông thôn có cơ cấu không thay đổi đáng kể nhưng theo tiêu chí địa bàn di dân đến có những thay đổi lớn. Tỷ trọng những người di dân DTTS đến Tây Nguyên giảm hơn 50% (từ 81,3% (2004) xuống còn 30,4% (2015). Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, quy mô di dân tự do vào Tây Nguyên ước tính giảm 5 lần (84,3% (2005-2012) xuống còn 15,7% (2013-2017). Hiện trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song một trong những nguyên nhân quan trọng là đã có một thời kỳ dài, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nghiêm ngặt các chính sách liên quan đến cư trú và quản lý hộ khẩu, đã gây cản trở cho người di dân nhất là người di dân­ là DTTS. Các chính sách này đã tác động nhất định hạn chế cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, điện thắp sáng, trường học, đất đai và nhà ở của người di dân. Cũng trong cùng một thời gian, ngoài việc nhận thức chưa đúng, chưa thật đầy đủ về mặt tích cực của di dân tự do; tiếp cận về “quyền” của người di dân cũng chưa được Đảng, Nhà nước ta thật sự chú trọng sử dụng đầy đủ trong vấn đề di dân. Người di dân nói chung, đồng bào DTTS nói riêng gặp nhiều rào cản trong việc đi lại, định cư ở nơi ở mới. Về mặt khách quan, Tây Nguyên, sau một thời gian dài khai thác, các tài nguyên đã không là “vùng đất hứa” như trước, rừng nguyên sinh đã bị thu hẹp, nguồn nước và đất đai canh tác cũng ngày càng trở nên khó khai thác, không gian sinh tồn trở nên chật hẹp, thậm chí đã xảy ra một số vụ tranh chấp, xung đột giữa người mới di dân đến và người dân tộc tại chỗ… Trong bối cảnh ấy, tỷ trọng số người di dân là DTTS có sự lựa chọn đến Tây Nguyên đã giảm hơn một nửa. Người di dân DTTS đã lựa chọn các điểm đến ở ngay các nội tỉnh, nội vùng miền núi phía Bắc và vùng nông thôn đồng bằng sông Hồng (là những nơi không quá xa xôi lại thuận tiện cho việc canh tác, định cư).

2. Biến đổi trong quy mô và cơ cấu di dân của người dân tộc thiểu số đến các tỉnh miền núi phía Bắc

Sự chuyển hướng di dân các DTTS lên các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc và vượt qua biên giới sang Trung Quốc là đặc điểm nổi bật từ những năm 2018 lại đây

Di dân lao động qua biên giới ở vùng trung du và miền núi phía Bắc mới xuất hiện và có số lượng tăng dần trong khoảng trên mười năm trở lại đây. Nó phản ánh việc chuyển đổi loại hình di dân từ lâu dài sang tạm thời, từ di dân nội địa sang di dân quốc tế. Di dân từ chỗ chủ yếu theo loại hình di dân lâu dài, di chuyển cả hộ gia đình hay nhiều hộ gia đình từ các tỉnh miền núi phía Bắc cùng nhau di chuyển và dự định ở lại lâu dài ở Tây Nguyên hay các tỉnh Đông Nam Bộ; còn di dân tạm thời, người di dân thường di chuyển theo nhóm bạn, người quen, người thân trong thôn/bản. Mục đích chủ yếu của họ là tìm việc làm, tăng thu nhập, và không có ý định ở lại lâu dài. Trong vòng 1 năm, những người di dân có thể về thăm gia đình từ 1 - 2 lần trở lên. Những người di dân với mục đích lao động theo mùa vụ hàng năm từ 3 - 6 tháng cũng thuộc nhóm di dân tạm thời.

Báo cáo kết quả hai cuộc điều tra Di cư nội địa năm 2004 và 2015 cho thấy, những người di dân chủ yếu thuộc nhóm di dân tạm thời. Xu hướng biến đổi trong vòng 10 năm trở lại đây là, số hộ di dân tự do theo hình thức cả gia đình tới địa bàn cư trú mới và có ý định ở lại lâu dài ngày càng thuyên giảm, xu hướng di dân tự do theo hình thức tạm thời ngày càng tăng cả về quy mô và cơ cấu. Các kết quả này cũng phù hợp với các số liệu trong báo cáo năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã công bố. Hai cuộc điều tra Di cư nội địa năm 2004 và 2015 chưa khảo sát tới loại hình di dân quốc tế (di dân lao động qua biên giới). Di dân qua biên giới của đồng bào DTTS trong những năm qua là loại hình di dân lao động. Trong bối cảnh của mở rộng giao lưu và hợp tác kinh tế giữa các quốc gia, các quy định khắt khe về việc đi lại qua cửa khẩu giữa các nước như trước đây được nới lỏng, việc gia tăng lực lượng lao động của đồng bào các DTTS sang bên kia biên giới là hiện tượng xã hội bình thường.

Hiện nay, các nước có chung biên giới với ta là Trung Quốc, Thái Lan, đang tập trung lao động có trình độ cao chủ yếu ở sâu trong lục địa. Lao động có trình độ đào tạo bị cuốn hút vào các vùng đó. Hơn nữa, Trung Quốc và Thái Lan đang trải qua quá trình già hóa dân số. Theo số liệu năm 2018, tỷ lệ số người trên 65 tuổi của Thái Lan và Trung Quốc lần lượt là 12% và 11% dân số. Việt Nam mới bước vào giai đoạn đầu của quá trình già hóa dân số và đang ở thời kỳ có cơ cấu dân số vàng nên rất dồi dào về nguồn lao động trẻ. Chính vì vậy, nhóm di dân qua biên giới là đồng bào DTTS gia tăng là hoàn toàn có thể cắt nghĩa được. Những số liệu này cũng được minh chứng qua kết quả khảo sát ở 2 tỉnh Lạng Sơn và Hà Giang. Có gần 50% người lao động DTTS qua bên kia biên giới. Ở Sơn La và Nghệ An, tỷ lệ số người lao động qua biên giới sang Trung Quốc là 30%. Đặc điểm của dòng di dân lao động sang Trung Quốc là người lao động phổ thông, di dân tạm thời, di dân theo mùa vụ, có ở mọi lứa tuổi, cả lao động nam và lao động nữ. Những tỉnh có chung đường biên giới với Trung Quốc (Hà Giang, Lạng Sơn) thường là những tỉnh có một số lượng lớn người di dân lao động. Việc di dân lao động sang Trung Quốc mang lại sự cải thiện đáng kể cho hầu hết các gia đình di dân; Kết quả khảo sát ở 2 tỉnh Hà Giang và Lạng Sơn cho thấy, có 2/3 số người được hỏi cho rằng, cuộc sống gia đình họ đã được cải thiện rất nhiều so với trước khi họ đi lao động sang Trung Quốc.

Trong khoảng thời gian 10 năm vừa qua, nhất là 5 năm trở lại đây, quy mô người di dân DTTS tới Tây Nguyên đã giảm đi rất nhiều. Ước tính, tỷ trọng số người di dân DTTS từ các tỉnh miền núi phía Bắc tới Tây Nguyên đã giảm xuống chỉ còn 20- 30% và còn có xu hướng tiếp tục giảm. Sở dĩ có xu hướng đó là bởi: Những diện tích đất đai màu mỡ ở Tây Nguyên dường như đã bị khai thác hết; nhu cầu về lao động ở các tỉnh bên kia biên giới có xu hướng tăng lên; người lao động phổ thông có thể mang lại thu nhập gấp 1,5 lần đến 2 lần so với lao động trong nước; việc lao động đi qua biên giới đã được thuận lợi hơn, ít bị cấm đoán hơn so với trước kia.

Ngoài những đặc điểm chung của di dân DTTS của cả nước, các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc cũng có những nét nổi bật đặc thù riêng. Đó là di dân quốc tế lao động qua biên giới sang Trung Quốc, Lào. Trong hai loại hình di dân là lao động hợp pháp và bất hợp pháp thì đáng xem xét là loại hình di dân bất hợp pháp; tức là di dân lao động không có giấy tờ (visa), không có sự cho phép/ đồng ý của chính quyền/quốc gia nơi xuất/nhập cư; những người này thường thực hiện đầy đủ các thủ tục xuất nhập cảnh theo quy định nhưng có hành vi phá hợp đồng lao động, bỏ trốn khỏi nơi làm việc, cư trú bất hợp pháp tại nơi đến di dân sau khi đã hết hợp đồng lao động.

Di dân không hợp pháp do không được pháp luật của nước sở tại bảo vệ, có thể dẫn tới nhiều rủi ro về sức khỏe, rơi vào tệ nạn xã hội, dễ bị lam dụng tình dục, bị bóc lột sức lao động, bị mất thu nhập v.v.. Kết quả phân tích số liệu khảo sát 300 lao động người DTTS ở huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang cho thấy, có gần 70% số người đã qua biên giới nhưng không có bất cứ loại giấy tờ nào. Theo Báo cáo tình hình lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc giai đoạn 2013- 2017 của công an Huyện Sơn Động năm 2017; năm 2013, số lao động là người DTTS đi qua biên giới là 500 người, thì đến cuối năm 2017 là 1.640 người(3). Nếu tính theo số liệu của Tổng cục thống kê năm 2015, tỷ trọng số người  di dân là DTTS chiếm khoảng 10% hằng năm và với quy mô dân số DTTS của Huyện Sơn Động là 40.000 người có thể ước tính số người di dân lao động DTTS hàng năm là 4.000 người.

3. Xuất hiện dòng di dân từ Tây Nguyên đến các đô thị/ khu công nghiệp vùng Đông Nam Bộ

Đề tài đã thu thập số liệu thống kê về một số đặc điểm kinh tế- xã hội của 600 người dân trong độ tuổi lao động ở 8 xã của 2 tỉnh Đắk Lắk và Kon Tum bao gồm cả những người không di dân, những người di cư nội tỉnh, nội vùng và những người di dân đến vùng khác. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhóm di dân đến vùng khác chủ yếu là các đô thị/khu công nghiệp ở vùng Đông Nam Bộ, chiếm tỷ lệ cao nhất: 46,7%, tiếp đến là Duyên hải miền Trung 0,5%. Tổng cộng lại thấy rằng con số này lớn hơn rất nhiều so với di dân nội tỉnh, nội vùng (di dân nông thôn- nông thôn), cũng cho thấy sự khác biệt nổi bật so với các dòng di dân ở các tỉnh miền núi phía Bắc chỉ xuôi về Tây Nguyên theo tiêu chí di dân nông thôn - nông thôn.

Số liệu này cũng phù hợp với những sự phân tích kết quả của 2 cuộc điều tra Di cư nội địa Việt Nam năm 2004 và 2015 cũng như các số liệu của Báo cáo Chính phủ năm 2018.

4. Xu hướng gia tăng các dòng di dân của người dân tộc Khmer, Chăm từ Tây Nam Bộ đến các tỉnh, thành khu vực Đông Nam Bộ và di dân quốc tế sang Campuchia

Xu hướng di dân của người Chăm và người Khmer từ Tây Nam Bộ đến các đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh khác của Đông Nam Bộ đã tăng lên rõ rệt từ những năm 2000 đến nay. Xu hướng này tiếp tục tăng trong thời gian tới đây và đây là đặc điểm khác biệt cơ bản so với các tỉnh miền núi phía Bắc khi dân di cư đã ồ ạt vào vùng nông thôn Tây Nguyên để khai thác đất đai trong thời gian trước đây. Trong vòng 5 năm lại đây, theo số liệu phân tích của đề tài khảo sát, ước tính số lao động của người Khmer đi làm ở vùng Đông Nam Bộ chiếm tỷ trọng gần 30% dân số trong độ tuổi lao động (tương đương khoảng 20% dân số của vùng). Xu hướng này có nhiều yếu tố khách quan. Đó là một tỷ trong khá lớn những người trẻ đến thành phố để học nghề sau đó phần lớn trong số họ ở lại làm việc, số khác do kết hôn; thu nhập từ nông nghiệp của họ nơi sở tại ngày càng thấp do biến đổi khí hậu, thu nhập bấp bênh; thiếu hoặc không có đất canh tác; số đông người lao động phải đi làm thuê trong khi việc làm trong nông nghiệp ngày càng khan hiếm; việc làm phi nông nghiệp trên toàn vùng đều ít, không thu hút đủ cho người lao động tìm đến làm việc.Trong khi đó các nhân tố hấp dẫn ở Thành Phố Hồ Chí Minh và các thành phố, khu công nghiệp Đông Nam Bộ lại đang giang tay mời gọi..

Di dân của người Khmer: Trong giai đoạn trước năm 1986 một bộ phận nhỏ người Khmer di dân qua biên giới sang Campuchia, sau đó thì dừng hẳn. Trong vài năm lại đây, hiện tượng di chuyển qua biên giới lại diễn ra, tuy nhiên, dòng di dân có xu hướng xoay ngược trở lại. Trong vài năm lại đây, xuất hiện người hồi hương, có nghĩa là, những người di dân sang Campuchia trước đây nay quay trở lại (địa bàn nhập cư chủ yếu là tỉnh Sóc Trăng).

Di dân của người Chăm: Di dân của người Chăm sang nước ngoài là khá phổ biến và đa dạng. Ngoài số không đáng kể người đi học đạo Hồi Islam, loại công việc chủ yếu của người Chăm ở nước ngoài là buôn bán nhỏ mang tính thường xuyên và lâu dài (không mang tính thời vụ như công việc phổ thông ở nông thôn tại một số tỉnh ở bên kia biên giới Trung Quốc của các tỉnh miền núi phía Bắc). Số nhỏ không đáng kể khác là những người đi xuất khẩu lao động hoặc một số người lấy chồng nước ngoài.

Tây Nam Bộ là vùng có tỷ trọng DTTS chiếm không quá 8% dân số cả vùng. Theo kết quả của Tổng điều tra dân số 2019, quy mô DTTS vùng này thấp hơn nhiều so với miền núi Trung phía Bắc (56,2%) và vùng Tây Nguyên (37,7%). Về cơ cấu chỉ có 3 dân tộc thiểu số, chủ yếu là Khmer, Chăm và Hoa. Đông nhất là người Khmer, sống tập trung ở 2 tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh và một số huyện giáp với biên giới Campuchia. Nhìn chung, việc di dân lao động của người DTTS Khmer và Chăm ở Tây Nam Bộ là khá nhỏ.

Như vậy, các kết quả của nghiên cứu phần nào đã phác họa được bức tranh di dân của người DTTS trong giai đoạn 2004-2015 và dự báo một số xu hướng di dân của người DTTS trong thời gian tới. Đây là những tất yếu khách quan của quá trình phát triển xã hội Việt Nam từ đổi mới đến nay, đòi hỏi Đảng và Nhà nước khi xây dựng và hoạch định các chính sách quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, từng địa phương, cần tính tới dân số di dân để đảm bảo khai thác được lợi thế của di dân cho sự phát triển cũng như thích ứng với tình hình di dân của địa phương, đảm bảo quyền bình đẳng tiếp cận đến dịch vụ xã hội cơ bản (như nhà ở, giáo dục, y tế và vay vốn) của người di dân.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2020

* Bài viết là kết quả khảo sát và phân tích số liệu của hai cuộc điều tra Di cư nội địa ở phạm vi quốc gia trong 2 năm 2004 và 2015.

(1) Báo cáo tổng hợp: “Di dân các dân tộc thiểu số: Những vấn đề đặt ra và giải pháp”. Trên cơ sở phân tích số liệu cấp 2 hai năm: 2004 và năm 2015, tr. 164.

(2) Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn: Báo cáo tình hình di dân tự do; Báo cáo tại Hội nghị “Giải pháp ổn định dân di dân tự do trên địa bàn cả nước và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại Tây Nguyên”; Đắk Lắk, tháng 12-2018.

(3) Công an huyện Sơn Động: Báo cáo tình hình lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc giai đoạn 2013- 2017.

GS, TS Nguyễn Đình Tấn

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền