Trang chủ    Thực tiễn    Vận dụng mối quan hệ biện chứng giữa ý thức tự giác của người dân và vai trò quản lý của Nhà nước trong thực tiễn xây dựng đất nước
Thứ ba, 29 Tháng 9 2020 16:42
5171 Lượt xem

Vận dụng mối quan hệ biện chứng giữa ý thức tự giác của người dân và vai trò quản lý của Nhà nước trong thực tiễn xây dựng đất nước

(LLCT) - Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, việc phát huy tính tự giác của người dân và sức mạnh quản lý của Nhà nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính quyết định cho sự thành công của sự nghiệp cách mạng . Ý thức tự giác của người dân sẽ góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, ngược lại hiệu quả quản lý nhà nước sẽ góp phần nâng cao tính tự giác của người dân. Đây là mối quan hệ biện chứng và tương hỗ cho nhau. Để vận dụng hiệu quả mối quan hệ này trong thực tiễn Việt Nam hiện nay, cần phải áp dụng nhiều giải pháp khác nhau, trong đó cần nhấn mạnh đến các giải pháp nhằm nâng cao sức mạnh quản lý của Nhà nước, tăng nặng các chế tài xử phạt nhằm nâng cao ý thức tự giác của người dân. 

Cảnh sát giao thông Lạng Sơn phát khẩu trang miễn phí cho lái xe và hành khách trên xe

Từ khóa: mối quan hệ, ý thức tự giác, quản lý của nhà nước.     

1. Mối quan hệ biện chứng giữa ý thức tự giác của người dân và vai trò quản lý của Nhà nước

Ý thức tự giác của người dân là yếu tố đặc biệt quan trọng để thực hiện thành công những chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Nâng cao ý thức tự giác của người dân là nhiệm vụ to lớn trong quá trình cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Chính vì vậy, trong các giải pháp để thực hiện những nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước, việc nâng cao ý thức tự giác của người dân luôn được đề cao. Thực hiện tốt nhiệm vụ này không chỉ góp phần thực hiện thành công chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn góp phần hoàn thiện nhân cách, phát triển toàn diện con người Việt Nam trong thời đại mới. Đúng như Đảng ta đã khẳng định: “Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật”(1).

Định hướng trên đây của Đảng đã và đang dẫn dắt cả hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trong đó có việc nâng cao ý thức tự giác, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Mỗi thành tố cấu thành hệ thống chính trị có vai trò, trách nhiệm khác nhau, trong đó vai trò quản lý của Nhà nước là nhân tố đặc biệt quan trọng. Nó thể hiện ở khả năng tác động toàn diện tới mọi mặt đời sống của người dân, khả năng điều chỉnh hành vi mạnh mẽ bằng nhiều biện pháp khác nhau, từ việc thay đổi cơ sở kinh tế - xã hội đến các biện pháp giáo dục, thuyết phục và cả những biện pháp cứng rắn, cưỡng bức mang tính đặc thù mà chỉ nhà nước mới có. Điều này tạo ra mối quan hệ biện chứng mang tính khách quan, tác động qua lại lẫn nhau giữa ý thức tự giác của người dân và vai trò quản lý của Nhà nước. Ý thức tự giác của người dân được nâng cao sẽ góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của Nhà nước. Ngược lại, hoạt động hiệu quả của Nhà nước sẽ góp phần nâng cao ý thức tự giác của người dân.

Đây là mối quan hệ phổ biến trong xã hội có nhà nước. Nó tồn tại ở mọi nhà nước trong lịch sử. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia, mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, tùy theo những điều kiện cụ thể mà mối quan hệ này có những biểu hiện khác nhau, có thể nhấn mạnh hơn mặt này hoặc mặt khác để có thể phát huy hiệu quả sức mạnh quản lý của nhà nước và ý thức tự giác của người dân. Có những lúc, tính tự giác của người dân được phát huy cao độ, nhưng có những lúc cần phải phát huy cao độ sức mạnh quản lý của bộ máy nhà nước.

Như V.I.Lênin đã từng chỉ ra: “Nhưng một sự thống nhất ý chí hết sức chặt chẽ có thể được đảm bảo bằng cách nào? Bằng cách làm cho ý chí của hàng nghìn người phục tùng ý chí của một người. Sự phục tùng đó có thể giống việc chỉ huy nhẹ nhàng của một viên nhạc trưởng, nếu như những người tham gia công việc chung đều tự giác và có kỷ luật một cách lý tưởng. Và sự phục tùng đó có thể được thực hiện bằng những hình thức độc tài gay gắt, nếu không có một kỷ luật và một sự tự giác lý tưởng”(2).

Sự “phục tùng” ý chí của hàng nghìn người với một người có thể nâng lên thành sự “phục tùng” ý chí của toàn dân đối với Đảng và Nhà nước ta. Đó chính là sự chấp hành, thi hành nghiêm minh chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Những biện pháp để có được sự “phục tùng” này sẽ “nhẹ nhàng” như “một viên nhạc trưởng” khi người dân có ý thức tự giác cao. Những biện pháp “nhẹ nhàng” có thể hiểu là các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, các biện pháp nhằm thay đổi các cơ sở kinh tế - xã hội tạo điều kiện cho sự hình thành ý thức tự giác của người dân. Ngược lại, biện pháp có thể là “độc tài gay gắt” nếu ý thức tự giác của người dân còn thấp, chống đối, đi ngược lại chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các biện pháp “độc tài gay gắt” có thể hiểu đó là những biện pháp cưỡng chế, bắt buộc, là những chế tài xử phạt nghiêm minh đối với những hành vi vi phạm pháp luật.

Điều quan trọng nhất là cần nhận rõ khi nào cần ưu tiên, nhấn mạnh đến các biện pháp “nhẹ nhàng”, khi nào cần nhấn mạnh đến các biện pháp “độc tài gay gắt”. Nhận rõ và sử dụng hợp lý các giải pháp này sẽ góp phần vận dụng hiệu quả mối quan hệ biện chứng giữa ý thức tự giác của người dân và vai trò quản lý của Nhà nước, tạo những tác dụng mang tính cộng hưởng giữa sức mạnh của nhân dân và vai trò quản lý của Nhà nước. Nếu không nhận rõ và không giải quyết hài hòa, hợp lý mối quan hệ này sẽ dẫn đến những tác dụng ngược, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển chung của xã hội. Điều này sẽ xảy ra khi ý thức tự giác của người dân cao nhưng nhà nước vẫn áp dụng các biện pháp “độc tài gay gắt” dẫn đến những phản ứng tiêu cực từ phía người dân. Đó có thể là sự bất mãn, lo sợ hoặc thiếu tôn trọng, thậm chí là sự phản kháng chống lại những hoạt động của nhà nước. Điều này thường thấy ở những chính quyền độc tài, quan liêu, xa rời quần chúng. Ngược lại, khi ý thức tự giác của người dân thấp, tình trạng vi phạm pháp luật, vô tổ chức, vô kỷ luật cao đòi hỏi nhà nước phải áp dụng các biện pháp “độc tài gay gắt” nhưng nhà nước lại nhu nhược, thiếu quyết đoán, sử dụng các biện pháp “nhẹ nhàng” sẽ dẫn tới tình trạng “nhờn thuốc”, coi thường pháp luật của nhiều người, làm suy yếu vai trò quản lý của nhà nước.

2. Vận dụng vào thực tiễn xây dựng đất nước hiện nay

Để vận dụng hiệu quả mối quan hệ này cần kết hợp nhuần nhuyễn các giải pháp “nhẹ nhàng” và những giải pháp mang tính “độc tài gay gắt” trong quản lý của Nhà nước nhằm phát huy cao độ sức mạnh và ý chí của nhân dân và hiệu quả quản lý của Nhà nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nó đòi hỏi các cơ quan chức năng phải nắm rõ tình hình chung của đất nước trong từng thời điểm cụ thể, nắm rõ đặc điểm tâm lý, tính cách, truyền thống văn hóa, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để từ đó đề ra những biện pháp quản lý hiệu quả nhất. Để nắm bắt các giá trị đặc sắc của truyền thống văn hóa dân tộc có ảnh hưởng và chi phối trực tiếp tới ý thức tự giác của người dân, cần hiểu rõ truyền thống yêu nước của nhân dân ta. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”(3). Truyền thống quý báu này tùy theo từng thời điểm mà có cách thức và hình thức biểu hiện khác nhau, nhưng đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc, là cơ sở vững chắc để hình thành ý thức tự giác của người dân Việt Nam cả ở trong quá khứ và hiện tại. Và nếu biết khai thác hiệu quả, nó sẽ là động lực to lớn thúc đẩy sự nghiệp cách mạng của Việt Nam tiến lên phía trước.

Điều này đã được thể hiện rõ trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Với lòng yêu nước nồng nàn, với mục tiêu chung duy nhất là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả nước đã vùng lên làm cuộc cách mạng Tháng Tám thành công, giành chính quyền về tay nhân dân, tiến hành cuộc trường kỳ kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tính tự giác và ý chí quật cường của nhân dân đã được phát huy cao độ để làm nên những chiến thắng lịch sử. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét: “Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước. Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở vùng tạm bị chiếm, từ nhân dân miền ngược đến miền xuôi, ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc”(4).

Truyền thống cao đẹp này luôn được các thế hệ người dân Việt Nam giữ gìn, tiếp nối. Tuy nhiên, không phải vì thế mà truyền thống cao đẹp này lúc nào cũng được phát huy giống nhau, được thể hiện đầy đủ, rõ nét, thậm chí có những lúc nó bị một bộ phận những kẻ thoái hóa biến chất phản bội, chà đạp, đi ngược lại truyền thống yêu nước của nhân dân ta. 

Bước vào thời kỳ đổi mới, nhiệm vụ cách mạng đang chuyển sang một trang sử mới, tất cả vì dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Bên cạnh lợi ích chung là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lợi ích cá nhân cũng ngày càng được đề cao. Sự đề cao lợi ích cá nhân, cùng với sự tác động từ những mặt trái của cơ chế thị trường và sự lạc hậu của cơ sở kinh tế với nền sản xuất nhỏ lẻ, manh mún đã và đang tác động tiêu cực đến ý thức của người dân, trong đó có ý thức tự giác. Điều này đã được Đảng ta thẳng thắn thừa nhận: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn biến phức tạp; khoảng cách giàu - nghèo, phân hóa xã hội ngày càng tăng, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp đáng lo ngại, làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng và Nhà nước”(5).

Sự suy giảm về những giá trị đạo đức tốt đẹp nói chung và ý thức tự giác của người dân nói riêng đòi hỏi Nhà nước cần phải tăng cường các giải pháp cứng rắn, mạnh mẽ trong quản lý xã hội, cần phải tăng cường sức mạnh và tính cưỡng chế của bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, việc quản lý xã hội của một số cơ quan chức năng Nhà nước trong thời gian qua dường như đi ngược lại với yêu cầu đó. Một mặt họ không ngừng kêu gọi nâng cao ý thức tự giác, sự tham gia tích cực từ phía người dân, nhưng mặt khác họ cũng sẵn sàng đổ lỗi cho ý thức kém của người dân và thoái thác trách nhiệm khi không hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều hiện tượng tiêu cực nảy sinh nếu không có sự phản ánh quyết liệt từ người dân và sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông thì rất khó bị lôi ra ánh sáng để xử lý theo pháp luật, mặc dù những tiêu cực đó vẫn diễn ra và không khó khăn để các cơ quan chức năng phát hiện.

Thực thi nhiệm vụ mà trông chờ hoàn toàn vào ý thức tự giác của người dân khi ý thức tự giác của người dân kém thì thất bại là điều khó tránh khỏi. Thực tế, một số lĩnh vực quản lý của Nhà nước đã không đạt được những mục tiêu mà người dân kỳ vọng. Vấn đề an toàn giao thông, tiêu cực trong giáo dục, an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất sách lậu... vẫn là những vấn đề nhức nhối trong xã hội. Điều này đã gây ra những bức xúc cho người dân, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Mặt khác nó làm cho những kẻ thoái hóa, biến chất ngày càng coi thường pháp luật, làm suy giảm ý thức tự giác của chính họ cũng như những người xung quanh.

Có thể nhận thấy, ý thức tự giác của người dân thấp là do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân chính là do sự yếu kém, buông lỏng trong quản lý của Nhà nước.

Trước đây, khi phân tích nguyên nhân dẫn đến ý thức tự giác của người dân Việt Nam còn thấp, đa số ý kiến cho rằng đó là do những điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam còn lạc hậu, xây dựng trên cơ sở nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, lại chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh nên tính cách tiểu nông, nhỏ lẻ, tự do, tùy tiện của một bộ phận đông đảo người dân vẫn còn tồn tại phổ biến. Điều này luôn đúng bởi trên quan điểm duy vật biện chứng thì vật chất quyết định ý thức, tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, điều kiện vật chất như thế nào sẽ hình thành ý thức như vậy. Tuy nhiên, nguyên nhân này hoàn toàn có thể khắc phục được nếu có một bộ máy nhà nước quản lý hiệu quả. Thực tế trong lịch sử dân tộc, trong nhiều giai đoạn lịch sử, điều kiện kinh tế - xã hội còn lạc hậu hơn bây giờ rất nhiều nhưng ý thức tự giác của người dân vẫn được phát huy cao độ. Điển hình là khí thế tự giác xông lên khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tinh thần sẵn sàng hy sinh của nhân dân trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ... Ngày nay, mặc dù ý thức tự giác của một bộ phận người dân Việt Nam còn chưa cao nhưng khi họ sang một số các quốc gia tiên tiến, ý thức của họ đã thay đổi mạnh mẽ. Ngược lại, có nhiều người khi sinh sống ở nước ngoài, ý thức chấp hành pháp luật rất cao nhưng khi về Việt Nam họ cũng có sự thay đổi rất nhiều. Điều này cho thấy sự quản lý của Nhà nước có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao ý thức tự giác của người dân. Việc nâng cao ý thức đội mũ bảo hiểm của người dân khi tham gia giao thông bằng xe môtô trong nhiều năm vừa qua là ví dụ điển hình cho vai trò này của Nhà nước. Điều này cũng chứng minh một thực tế không thể phủ nhận hiện nay là nếu ý thức tự giác của người dân thấp thì phần lớn là do sự yếu kém, sự buông lỏng trong quản lý của Nhà nước.

Thẳng thắn thừa nhận điều này để khẳng định vai trò của Nhà nước trong việc thay đổi hành vi, nâng cao ý thức tự giác của người dân, đồng thời giúp các cơ quan chức năng của Nhà nước nhìn thẳng vào sự thật, thấy được trách nhiệm, cũng như những hạn chế, yếu kém của mình và không thoái thác, đổ lỗi cho người dân khi thực thi nhiệm vụ.

Để vận dụng hiệu quả mối quan hệ biện chứng giữa ý thức tự giác của người dân và vai trò quản lý của Nhà nước trong thực tiễn Việt Nam hiện nay, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong bộ máy nhà nước. Chỉ có như vậy mới khắc phục được tình trạng thành tích thì nhận, còn khuyết điểm thì đổ lỗi chung cho ý thức kém của người dân, thoái thác trách nhiệm của mình. Việc đổ lỗi chung chung cho ý thức kém của người dân đồng nghĩa với việc sẽ không có ai phải chịu trách nhiệm, không có ai bị xử lý. Điều này lại càng làm cho tình trạng vi phạm pháp luật tăng lên, làm suy giảm ý thức tự giác của người dân.

Thứ hai, nâng cao sức mạnh, hiệu quả quản lý của Nhà nước, nhất là trong hoạt động kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật.

Vận dụng hiệu quả mối quan hệ biện chứng giữa ý thức tự giác của người dân và vai trò quản lý của Nhà nước cần phải nâng cao cả ý thức tự giác của người dân và hiệu quả quản lý của Nhà nước. Điều này đòi hỏi phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau, từ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội nhằm tạo ra cơ sở vật chất tiến bộ cho việc hình thành ý thức tiến bộ của người dân đến các giải pháp tăng cường công tác tuyền truyền, giáo dục, thuyết phục; giải pháp tăng cường hiệu quả quản lý của Nhà nước. Trong đó, giải pháp tăng cường sức mạnh, hiệu quả trong công tác quản lý của bộ máy nhà nước, nhất là trong kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật phải được đặc biệt coi trọng. Điều này đòi hỏi phải tăng cường sức mạnh và khả năng răn đe trong các chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Bởi thực tế hiện nay, rất nhiều người dân ý thức được các hành vi vi phạm pháp luật của mình nhưng do các chế tài xử lý quá nhẹ nên họ vẫn coi thường, cố tình vi phạm. Việc ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12- 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt là ví dụ điển hình cho giải pháp trên. Hiệu quả tích cực trong thực tiễn của Nghị định đã chứng minh cho sự cần thiết phải nâng cao tính răn đe trong các chế tài xử lý hành vi vi phạm. Nâng cao chế tài xử lý không phải là “làm khó”, “khắt khe” hay “trừng trị” người dân mà mục tiêu của nó là ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Và khi không còn các hành vi vi phạm pháp luật thì dù chế tài có nặng đến mấy cũng không bao giờ phải dùng đến. Đó mới là đích cuối cùng của các chế tài, vừa mang tính răn đe, vừa mang tính nhân văn cao đẹp.

Cùng với việc nâng cao sức mạnh của các chế tài, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời xử lý nghiêm minh các hành vi tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức khi lợi dụng các hành vi vi phạm pháp luật của người dân để trục lợi. Bởi chế tài dù có nặng đến mấy cũng sẽ không phát huy được hiệu quả nếu không tăng cường kiểm tra, giám sát, không phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật hoặc khi phát hiện, những người thực thi nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao lại bao che, lợi dụng để trục lợi.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2020

(1), (5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.126-127, 74.

(2) V.I.Lênin: Toàn tập, t.36, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.245.

(3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.38, 38.

ThS Nguyễn Quang Hoài Châu

Trường Đại học Tân Trào, Tuyên Quang

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền