Trang chủ    Thực tiễn    Đổi mới và hoàn thiện cơ chế thực hiện chính sách phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân các dân tộc thiểu số trong thời kỳ đổi mới
Thứ hai, 26 Tháng 10 2020 15:03
6073 Lượt xem

Đổi mới và hoàn thiện cơ chế thực hiện chính sách phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân các dân tộc thiểu số trong thời kỳ đổi mới

(LLCT) - Quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam coi con người là nhân tố quyết định sự phát triển, được thể hiện trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam có 54 dân tộc anh em, trong đó có 50 dân tộc sinh sống ở vùng núi, vùng biên giới, kinh tế - xã hội phát triển chậm, đời sống vật chất và tinh thần còn nhiều thiếu thốn, việc chăm sóc y tế còn gặp nhiều khó khăn. Bài viết đánh giá thực trạng việc thực hiện chính sách của Đảng về phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân ở vùng các dân tộc thiểu số (DTTS) trong thời kỳ đổi mới và đề xuất giải pháp đổi mới và hoàn thiện cơ chế thực hiện chính sách này trong thời gian tới.

Từ khóa: chính sách phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, dân tộc thiểu số, thời kỳ đổi mới.

1. Quan điểm của Đảng về phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân

Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi con người là nhân tố quyết định sự phát triển. Quan điểm đó được quán triệt trong nhiều chính sách phát triển kinh tế- xã hội, trong đó, chính sách bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cộng đồng được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là ưu tiên hàng đầu. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta khẳng định: “Sức khỏe của nhân dân, tương lai của giống nòi là mối quan tâm thường xuyên của Đảng và Nhà nước ta, là trách nhiệm của tất cả các ngành, các đoàn thể, là trách nhiệm và lợi ích thiết thân của mỗi công dân” và chủ trương “tiếp tục quán triệt các quan điểm y học dự phòng, kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền và phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”,... tập trung sức nâng cao chất lượng các hoạt động y tế và đạt được tiến bộ rõ rệt trong việc chăm sóc sức khỏe của nhân dân”(1).

Quá trình đổi mới nhận thức về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân thể hiện tập trung tại Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23-2-2005 của Bộ Chính trị khóa IX về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Đảng ta đề ra mục tiêu của công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân là: “Giảm tỷ lệ mắc bệnh, tật và tử vong, nâng cao sức khỏe, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng giống nòi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực, hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở và thói quen giữ gìn sức khỏe của nhân dân, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(2).

Đảng xác định 5 quan điểm chỉ đạo công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới:

Một là, sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là hoạt động nhân đạo, trực tiếp bảo đảm nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước.

Quan điểm này đòi hỏi kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với phát triển con người nói chung và sức khỏe con người nói riêng, là cơ sở để khẳng định tăng trưởng kinh tế không chỉ gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách mà còn cần được bảo đảm trong từng chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển kinh tế. Phát triển kinh tế - xã hội bền vững là yêu cầu khách quan; phát triển kinh tế phải gắn với môi trường xã hội, môi trường sinh thái tự nhiên; đặc biệt là gắn với công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Mục đích của phát triển kinh tế - xã hội là bảo đảm cho con người sự phát triển toàn diện, thỏa mãn mọi nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần, từng bước cải thiện đời sống nhân dân. Những thành quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội phải được đưa đến cho mỗi thành viên trong xã hội, thông qua việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe.

Hai là, đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển, nhằm tạo cơ hội thuận lợi cho mọi người dân được bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe với chất lượng ngày càng cao, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Sự công bằng của hệ thống y tế, trước tiên, bắt nguồn từ sự công bằng trong các văn bản pháp quy trong lĩnh vực y tế, coi chăm sóc sức khỏe cộng đồng là một giá trị, một nhiệm vụ và gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng nghĩa với việc bảo đảm cho mỗi thành viên trong cộng đồng được thừa hưởng những thành quả của sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cũng chính là mục tiêu của quá trình phát triển.

Quan điểm công bằng trong phát triển hệ thống y tế còn được thể hiện cụ thể ở sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, bảo đảm mọi người dân, đặc biệt người nghèo, đồng bào DTTS, trẻ em dưới 6 tuổi, các đối tượng chính sách, người dân vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và các nhóm người dễ tổn thương được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản có chất lượng.

Phát triển bảo hiểm y tế toàn dân, nhằm từng bước đạt tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe, thực hiện sự chia sẻ giữa người khỏe với người ốm, người giàu với người nghèo, người trong độ tuổi lao động với trẻ em, người già; công bằng trong đãi ngộ đối với cán bộ y tế.

Ba là, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cộng đồng là trách nhiệm của Nhà nước nhưng đồng thời cũng là bổn phận của mỗi người dân, mỗi gia đình, của mỗi lực lượng kinh tế - xã hội và của cả cộng đồng. Đồng thời, cũng là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội, trong đó ngành y tế giữ vai trò nòng cốt về chuyên môn và kỹ thuật.

Đảng nhấn mạnh vai trò quản lý vĩ mô của Nhà nước đối với việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, định hướng phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân thông qua hệ thống pháp luật và chính sách: điều tiết, phân bổ nguồn lực, quản lý chất lượng dịch vụ y tế và giá dịch vụ y tế; kết hợp hài hòa giữa củng cố mạng lưới y tế cơ sở với phát triển y tế chuyên sâu, giữa phát triển y tế công lập với y tế ngoài công lập, giữa y học hiện đại với y học cổ truyền. Nhà nước sử dụng nguồn ngân sách nhằm tổ chức thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Thực hiện chăm sóc sức khỏe toàn diện: gắn phòng bệnh với chữa bệnh, phục hồi chức năng và tập luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe. Phát triển đồng thời y tế phổ cập và y tế chuyên sâu; kết hợp đông y và tây y.

Xã hội hóa các hoạt động chăm sóc sức khỏe gắn với tăng cường đầu tư của Nhà nước; thực hiện tốt việc trợ giúp cho các đối tượng chính sách và người nghèo trong chăm sóc và nâng cao sức khỏe.

Bốn là, nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Mỗi cán bộ, nhân viên y tế phải không ngừng nâng cao đạo đức nghề nghiệp và năng lực chuyên môn, xứng đáng với sự tin cậy và tôn vinh của xã hội, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là người mẹ hiền”(3).

Cụ thể hóa mục tiêu và quan điểm chỉ đạo về công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, qua các đại hội, Đảng đã cụ thể hóa mục tiêu này phù hợp với đặc điểm từng giai đoạn cụ thể. Trong văn kiện Đại hội X (2006), Đảng cho rằng: “Phát triển hệ thống y tế công bằng và hiệu quả, bảo đảm mọi người dân được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe”(4). Đến Đại hội XI (2011), Đảng chủ trương phát triển y tế cả bề rộng lẫn chất lượng: “Phát triển mạnh sự nghiệp y tế, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân”(5). Tại Đại hội XII (2016), Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Tiếp tục đổi mới chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, chế độ thai sản, nghỉ dưỡng, khám, chữa bệnh, bình đẳng giới. Thực hiện tốt chiến lược dân số, gia đình, chương trình hành động vì trẻ em... đầu tư nâng cao chất lượng dân số, chỉ số phát triển con người, bảo đảm tổng tỷ suất sinh thay thế, giảm dần sự mất cân bằng tỷ lệ giới tính khi sinh và bảo đảm quyền trẻ em” (...) “Huy động các nguồn lực, tiếp tục xây dựng, phát triển hệ thống bệnh viện, trạm y tế, phòng khám bệnh, coi trọng chăm sóc sức khỏe ban đầu. Phát triển hệ thống y tế dự phòng và các dịch vụ y tế hiện đại. Phát triển y học dân tộc, có chính sách khuyến khích thích đáng sản xuất và chữa bệnh bằng thuốc nam. Tiếp tục bảo đảm công bằng, giảm chênh lệch mới trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc nhân dân giữa các các địa bàn, các nhóm đối tượng”(6).

2. Thực trạng công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân các DTTS

Trong thời kỳ đổi mới, để phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi, Nhà nước đã ban hành hệ thống các luật, văn bản quy phạm pháp luật nhằm hỗ trợ phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi, trong đó có những chính sách phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân các DTTS(7). Nhờ đó, nhiều mục tiêu phát triển các DTTS đạt được những kết quả đáng khích lệ. Lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho đồng bào các tộc người, nhất là ở vùng sâu, vùng xa đạt được những tiến bộ.

Về lĩnh vực khám, chữa bệnh cho nhân dân. Hệ thống bệnh viện được xây dựng từ tuyến tỉnh đến huyện, ngoài bệnh viện công lập, nhiều bệnh viện ngoài công lập được xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho khám và chữa bệnh của người dân. Đến năm 2018, riêng 14 tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc có 39.728 giường bệnh, trong đó, công lập 38.755 giường, ngoài công lập 973 giường; số bác sỹ có 12.079 người, trong đó, tuyến công lập có 10.030 bác sỹ, tuyến ngoài công lập 1.149 bác sỹ. Ở khu vực Tây Nguyên có 13.245 giường bệnh, trong đó, công lập 12.265 giường, ngoài công lập 980 giường; số bác sỹ 3.990 người, trong đó tuyến công lập có 3.724 bác sỹ, tuyến ngoài công lập có 266 bác sỹ(8).

Về công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Các chính sách về công tác y tế thôn, bản, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, chính sách bảo hiểm y tế miễn phí cho người nghèo và người DTTS, đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở, phát triển đội ngũ y, bác sỹ công tác ở các cơ sở vùng miền núi, vùng các tộc người thiểu số, v.v. được quan tâm.

Đến năm 2015, 4.113 xã ở vùng dân tộc và miền núi nước ta có trạm y tế (đạt tỷ lệ 100%), trong đó số trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế là 1.885 (đạt tỷ lệ 45,8%); số thôn có nhân viên y tế là 41.121 (đạt tỷ lệ 85%); có 2.845 trạm y tế có bác sỹ (đạt tỷ lệ 69,2%). Tổng số cán bộ nhân viên y tế làm việc tại các trạm y tế của các xã là 26.557 người, trong đó có 3.258 bác sỹ, 15.212 y sỹ/y tá/điều dưỡng viên, 4.212 nữ hộ sinh, 2.128 dược sỹ, 606 dược tá và 1.141 nhân viên; có 85% số thôn có nhân viên y tế. Số người dân tộc thiểu số có thẻ BHYT là 5.070.598 (chiếm tỷ lệ 44,8%); tỷ lệ phụ nữ DTTS từ 15- 49 tuổi có đến cơ sở y tế khám thai đạt 70,9%; tỷ lệ phụ nữ đến cơ sở y tế sinh đẻ chiếm 63,6%(9).

Công tác tiêm chủng mở rộng được thực hiện: các bệnh bại liệt, thiếu vitamin A, uốn ván sơ sinh cơ bản được thanh toán; các bệnh bướu cổ, sốt rét ở vùng DTTS giảm rõ rệt, vì vậy, các chỉ số sức khỏe cộng đồng được nâng lên.

Số liệu điều tra về công tác tiêm chủng mở rộng cho thấy: 99,8% số xã có trẻ em người DTTS được tiêm chủng mở rộng, trong đó số xã có trẻ em được tiêm chủng từ 90% trở lên là 3395 xã (đạt tỷ lệ 82,28%). Đến năm 2018, số trẻ em dưới một tuổi được tiêm chủng ở vùng trung du và miền núi phía bắc đạt 95,04%; ở Tây Nguyên: 93,6%(10). Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm từ 42% năm 1995 xuống còn 25% năm 2005, xuống 19% năm 2009; năm 2015 là 252.303 em, chiếm tỷ lệ 19,6%(11).

Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng dân tộc và miền núi còn những hạn chế, nhiều vấn đề đặt ra rất gay gắt, đó là:

Chất lượng dân số vùng DTTS thấp, trừ người Hoa, tuổi thọ bình quân 52 dân tộc thiểu số đều thấp hơn tuổi thọ bình quân cả nước 3,35 năm (tuổi thọ bình quân cả nước là 73,28 tuổi), trong đó, 16 dân tộc thiểu số rất ít người có tuổi thọ rất thấp so với bình quân cả nước, như dân tộc La Hủ tuổi thọ bình quân là 57,57 tuổi; dân tộc Lự: 59,34 tuổi; dân tộc Mảng: 60,24 tuổi; dân tộc Si La: 61,27 tuổi; dân tộc Cơ Lao 61,81 tuổi; dân tộc Rơ Măm: 61,75%(12). Nguy cơ suy thoái giống nòi do hiện tượng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống còn phổ biến ở một số dân tộc vùng cao, vùng sâu như Lô Lô, Hà Nhì, Phù Lá, Chứt, Ê Đê, Chu Ru; đặc biệt là các dân tộc Si La (Điện Biên, Lai Châu), Lô Lô, Pu Péo (Hà Giang), Rơ Măm, Brâu (Kon Tum) là những dân tộc có số dân dưới 1.000 người.

Tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng còn rất cao. Số liệu năm 2018 cho thấy, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng ở vùng trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cao nhất cả nước. Ở vùng trung du và miền núi phía Bắc, tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng là 19,3% tính theo cân nặng theo tuổi, 30,9% tính theo chiều cao theo tuổi, 7,8% tính theo cân nặng theo chiều cao; ở Tây Nguyên tỷ lệ lần lượt là 21,2%, 33,6%, 6,8%; các số liệu trung bình của cả nước là 13,2%, 24,3%, 6,1%(13).

Hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe cùng với đội ngũ cán bộ y tế vùng dân tộc và miền núi còn thiếu và yếu nhiều mặt, chưa bảo đảm về quy mô cũng như khả năng khám chữa bệnh, nhất là những loại bệnh nặng. Trang thiết bị y tế thiếu thốn và lạc hậu, hệ thống bệnh viện, bệnh xá phân bố chưa hợp lý, chưa thuận tiện cho dân, phần lớn người nghèo vùng dân tộc và miền núi không tiếp cận được dịch vụ y tế có chất lượng tốt.

Cơ chế, chính sách bảo hiểm y tế, thu viện phí và khám chữa bệnh cho người nghèo còn nhiều thiếu sót. Người dân phàn nàn rằng, trạm y tế của địa phương còn thiếu đội ngũ y bác sĩ, lại thiếu nhiệt tình khi dân ốm đau.

Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ trạm y tế cơ sở (xã, phường) có bác sĩ ở các vùng miền núi đặc biệt thấp: vùng Tây Bắc mới đạt 37,4%, Tây Nguyên 46,3%; tại 61 huyện nghèo nhất nước, tỷ lệ trạm y tế cơ sở có bác sĩ là 34,5% (trung bình cả nước là 65,9%)(14).

Nhu cầu khám chữa bệnh của người dân các tộc người thiểu số rất lớn nhưng khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế của họ còn rất hạn chế nên tình trạng khá nhiều địa phương miền núi không sử dụng hết kinh phí khám chữa bệnh cho người DTTS. Chất lượng các dịch vụ y tế cung cấp, nhất là tuyến xã còn thấp. Đội ngũ cán bộ y tế vừa thiếu về số lượng, vừa hạn chế về năng lực chuyên môn, nhất là cán bộ người DTTS. Đây là những thách thức không nhỏ trong công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các tộc người thiểu số.

Các tệ nạn có xu hướng xâm nhập vào giới trẻ, thanh, thiếu niên và cả học sinh người DTTS. Theo kết quả điều tra 53 dân tộc cho biết, ở vùng DTTS có 39,43% số xã có người nghiện ma túy, trong đó 0,25% người DTTS nghiện ma túy; 34,62% số xã có người nhiễm HIV, 0,12% người DTTS nhiễm HIV. Tỷ lệ tương ứng ở các vùng như sau: Vùng Trung du và miền núi phía Bắc là 56,74%, 0,39% và 46,06, 0,12%; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung: 30,71%, 0,21% và 46,06%, 0,19%; vùng Nam Bộ: 31,25%, 0,07% và 24,22%, 0,05%. Có 14 tỉnh, thành phố có hơn 50% số xã có người DTTS nghiện ma túy, có 9 tỉnh, thành phố có hơn 50% số xã có người DTTS nhiễm HIV. Đặc biệt ở những địa phương trọng điểm về buôn bán ma túy, tỷ lệ này càng cao, như Bắc Cạn: 66,39% và 59,02%; Điện Biên: 96,83% và 76,98%; Lai Châu: 77,78% và 66,67%; Sơn La: 74,38% và 80,30%; Thái Nguyên: 78,15 và 63,03%; Nghệ An: 66,21% và 54,48%(15). Đến thời điểm năm 2018, theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, chỉ riêng các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc có thêm 1.510 người nhiễm HIV/AIDS, chiếm 14,46% số người nhiễm mới của cả nước; có 35.727 người nhiễm HIV/AIDS còn sống, chiếm gần 17% cả nước; có 290,0 người nhiễm HIV/AIDS/100.000 dân, cao hơn tỷ lệ trung bình của cả nước là 222,1 người nhiễm HIV/AIDS/100.000 dân(16).

Tình hình khó khăn của lĩnh vực y tế vùng dân tộc và miền núi do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan, do địa hình vùng núi rộng; các phong tục, tập quán còn nặng nề, lạc hậu đã ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân, nhất là sức khỏe sinh sản của các DTTS.

Kinh tế phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, đời sống nhân dân còn khó khăn, làm tăng sự bất bình đẳng trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội, trong đó có dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà đồng bào DTTS có nhu cầu rất lớn.

Về chủ quan, việc đầu tư nguồn lực để phát triển y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân còn hạn chế; số cán bộ có trình độ chuyên sâu thiếu trầm trọng, nhất là cán bộ người địa phương; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế theo chế độ cử tuyển gặp nhiều bất cập do chỉ tiêu giao không ổn định, thiếu kinh phí...; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế thiếu và chưa đồng bộ; công tác phòng, chống dịch bệnh chưa đáp ứng yêu cầu bởi nhận thức của đồng bào còn hạn chế, phong tục, tập quán lạc hậu; do thiếu thông tin về chính sách bảo hiểm y tế nên tần suất khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của đồng bào thấp, kết dư quỹ bảo hiểm y tế lớn trong khi người dân lại chưa được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản.

3. Đổi mới và hoàn thiện cơ chế thực hiện chính sách phát triển y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân các DTTS

Thứ nhất, rà soát các chính sách y tế chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các DTTS theo 3 nhóm: ưu tiên giải quyết các vấn đề sức khỏe của người nghèo và đồng bào DTTS; tăng cường khả năng tiếp cận cũng như cung cấp dịch vụ y tế có chất lượng phục vụ đồng bào; giảm gánh nặng chi phí chăm sóc sức khỏe cho người nghèo và đồng bào DTTS.

Thứ hai, xây dựng một số chính sách đặc thù trong chăm sóc sức khỏe, dân số và kế hoạch hóa gia đình vùng dân tộc, miền núi, như: hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho bà mẹ có thai và trẻ em người DTTS suy dinh dưỡng nặng tại những gia đình có hoàn cảnh khó khăn cư trú ở vùng sâu, vùng xa; triển khai thực hiện các mô hình nâng cao chất lượng dân số các dân tộc rất ít người...; chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện chương trình vệ sinh môi trường nông thôn vùng dân tộc, miền núi; các chính sách y tế liên quan đến vùng dân tộc, miền núi; triển khai thực hiện theo dõi, kiểm tra, trao đổi thông tin về y tế, sức khỏe, dân số, dinh dưỡng, địa danh các khu vực huyện, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nghiên cứu các chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe vùng dân tộc và miền núi; rà soát để sửa đổi, bổ sung và xây dựng chính sách y tế cho từng thời kỳ và chính sách dài hạn đến 2030.

Thứ ba, xây dựng hệ thống chính sách phát triển y tế vùng dân tộc và miền núi như chính sách đầu tư tài chính; đào tạo cán bộ, phát triển nguồn nhân lực ngành y tế vùng dân tộc và miền núi; chính sách đặc thù đối với chăm sóc sức khỏe, dân số và kế hoạch hóa gia đình vùng dân tộc, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn từ nay đến năm 2030 và giai đoạn tiếp theo. Có chính sách tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt đối với nhân lực y tế cho vùng khó khăn, vùng núi của các tỉnh phía Bắc, khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long theo chế độ cử tuyển. Xây dựng các chỉ tiêu giảm tỷ lệ mắc, chết và lây lan do HIV/AIDS vào hệ thống các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; đưa chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe và dân số kế hoạch hóa gia đình vào nội dung an sinh xã hội.

Thứ tư, thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, góp phần hỗ trợ khám chữa bệnh cho đồng bào các DTTS. Khắc phục bất cập trong quản lý bảo hiểm y tế, xác định đúng đối tượng được hưởng bảo hiểm y tế. Hằng năm, các cơ quan chức năng cùng các ngành có liên quan của từng địa phương rà soát, lập danh sách và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng người DTTS ở từng xã, phường, thị trấn, tránh tình trạng cấp trùng thẻ cho người được hưởng. Khắc phục tình trạng cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người DTTS ở các địa phương chậm và chưa kịp thời.

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng cách đầu tư các trang thiết bị, đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ y, bác sĩ; đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm bảo đảm tốt quyền lợi khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế của đồng bào DTTS.

Tạo điều kiện cho đồng bào DTTS và hộ nghèo sinh sống ở khu vực có điều kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn khi có bệnh nặng cần chuyển lên tuyến trên không cần giấy chuyển viện tại bệnh viện, trung tâm y tế tuyến cơ sở, giúp người bệnh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được tiếp cận với kỹ thuật khám, chữa bệnh hiện đại.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình; nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS để hiểu quyền lợi và trách nhiệm khi sử dụng thẻ bảo hiểm y tế.

Thứ năm, xây dựng mô hình y tế chăm sóc sức khỏe phù hợp với điều kiện vùng dân tộc và miền núi. Trước hết, ưu tiên chính sách và nguồn lực cho y tế vùng khó khăn. Đối với các tỉnh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cần có chính sách ưu tiên đầu tư các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ xây dựng và nâng cấp các bệnh viện tuyến huyện, kể cả một số bệnh viện đa khoa và chuyên khoa. Tranh thủ các nguồn ODA để đầu tư xây dựng và trang bị cho các trạm y tế xã, bệnh viện huyện, tỉnh; đào tạo nguồn bác sỹ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, tiến sỹ, thạc sỹ y khoa phục vụ cho các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Có chính sách đối với cán bộ y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn với mức phụ cấp ưu đãi, thu hút 70% mức lương theo ngạch, bậc; hỗ trợ phụ cấp 0,5 lương cơ bản đối với nhân viên y tế thôn, bản tại các vùng khó khăn. Đặc biệt, chú trọng xây dựng mạng lưới đội ngũ cô đỡ thôn, bản thông qua chương trình đào tạo cô đỡ ở thôn, bản. Tạo sự chuyển biến trong công tác y tế chăm sóc sức khỏe người dân tại các vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tăng tỷ lệ bác sĩ/vạn dân; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, chuyển giao công nghệ cho bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh. Các bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện tuyến trung ương như bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai, Hòa Bình... vươn lên tự xử lý các tình huống can thiệp tim mạch, chấn thương sọ não, phẫu trị, hóa trị về u bướu thay vì phải chuyển lên tuyến trên như trước đây. Chuyển giao và chuẩn hóa một số kỹ thuật như kỹ thuật hồi sức cấp cứu, hồi sức sơ sinh, kỹ năng phẫu thuật, xét nghiệm, kỹ thuật chụp X quang, siêu âm cho các bệnh viện tuyến huyện.

Tạo điều kiện để người dân vùng núi được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao. Hỗ trợ toàn diện và từng bước chuyển giao kỹ thuật y tế hiện đại cho bệnh viện đa khoa các tỉnh miền núi ở các lĩnh vực: tim mạch, ngoại - chấn thương, ung bướu, nội tiết - thần kinh, hồi sức tích cực - chống độc, huyết học.

Củng cố mạng lưới y tế cơ sở, không để các trạm y tế quá xa khu dân cư sinh sống, tạo điều kiện cho người dân đến cấp cứu, thăm khám được kịp thời, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, điều trị nội trú của nhân dân cũng như của người nghèo. Đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ y tế xã, thôn, bản là người tại chỗ bảo đảm đủ trình độ, năng lực chuyên môn để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, tăng cường dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi.

Xây dựng mô hình y tế thôn, bản giúp thay đổi nhận thức của người dân các DTTS về chăm sóc sức khỏe. Triển khai các dự án về phát triển y tế thôn, bản, góp phần làm thay đổi về nhận thức cũng như hiểu biết của người dân ở các xã đặc biệt khó khăn, đặc biệt là phụ nữ DTTS về sức khỏe sinh sản.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2020

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.93.

(2), (3) ĐCSVN: Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23-2-2005 của Bộ Chính trị BCHTW (khóa IX) về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, http://thuvienphapluat.vn.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.102.

(5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.128.

(6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.139.

(7) Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, đến năm 2017, có khoảng 66 luật và hơn 200 văn bản dưới luật có nội dung liên quan đến lĩnh vực công tác dân tộc, từ đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục đến an ninh và quốc phòng... vùng DTTS và miền núi. Từ năm 1986 đến năm 2013, các chính sách đặc thù hỗ trợ vùng DTTS và vùng đặc biệt khó khăn đã được thể chế qua 160 văn bản quy phạm pháp luật gồm 14 nghị định, 40 quyết định, 27 văn bản phê duyệt đề án; các bộ ban hành 51 văn bản và 26 thông tư liên tịch; từ năm 2014 đến nay, tuy số liệu chưa đầy đủ, Chính phủ tiếp tục được ban hành 1 nghị quyết, 8 quyết định về chính sách đối với DTTS, các Bộ ban hành nhiều thông tư thực hiện. Các chính sách và chương trình được thiết kế và thực hiện hỗ trợ đã giải quyết nhiều vấn đề kinh tế - xã hội và hướng vào thực hiện nhiều mục tiêu phát triển toàn diện các DTTS. Nguồn: Trương Minh Dục: Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu đề tài cấp quốc gia “Xu hướng biến đổi quan hệ dân tộc: Những vấn đề đặt ra và định hướng chính sách”, mã số KX.04.21/16-20.

(8), (10), (13), (16) Tổng Cục Thống kê: Niên giám Thống kê 2018, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2019, tr.815-818, 819-820, 822-823, 824-825.

(9), (11), (12), (14) Ủy ban Dân tộc: Kết quả điều tra kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số tại thời điểm 1-7-2015, Biểu số 12a, 13, 14a, 48, 49, 51, 16, 10a, 18, Hà Nội, 2015.

(15) Lê Duy Sớm: Thực trạng mạng lưới y tế về chăm sóc sức khỏe sinh sản ở Việt Nam, http://dangcongsan.vn.

PGS, TS Trương Minh Dục

Học viện Chính trị khu vực III

TS Vũ Thế Tùng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền