Trang chủ    Thực tiễn    Thực trạng thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý và một số đề nghị
Thứ hai, 26 Tháng 10 2020 15:19
5254 Lượt xem

Thực trạng thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý và một số đề nghị

(LLCT) - Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu của công cuộc đổi mới ở các ngành, các cấp luôn là vấn đề hết sức quan trọng. Gần đây, việc tổ chức thực hiện Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn cán bộ lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng” được quan tâm đặc biệt nhằm phát hiện, thu hút, trọng dụng những người có đức, có tài, phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực. Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng chỉ ra những hạn chế cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung. Bài viết đề cập đến các nội dung này và những vấn đề cần nghiên cứu, giải quyết để chủ trương thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý đạt được mục tiêu đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, uy tín và năng lực, ngang tầm nhiệm vụ.

Từ khóa: lãnh đạo, quản lý; thi tuyển lãnh đạo.

1. Chủ trương thí điểm thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý

Xây dựng đội ngũ cán bộ các ngành, các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý (LĐQL) có chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công cuộc đổi mới ở các ngành, các cấp luôn là vấn đề đặc biệt quan trọng và cấp thiết. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã nhận định: sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về Chiến lược cán bộ, đội ngũ cán bộ các cấp có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; cơ cấu độ tuổi, giới tính, dân tộc, ngành nghề, lĩnh vực công tác có sự cân đối, hợp lý hơn; nguồn cán bộ quy hoạch khá dồi dào, cơ bản bảo đảm sự chuyển tiếp giữa các thế hệ.  

Nội dung này được quán triệt tại Kết luận số 37-KL/TW ngày 02-02-2009 của Hội nghị Trung ương 9 khóa X “về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Kết luận số 64-KL/TW ngày 28-5-2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI “về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”; Thông báo số 202-TB/TW ngày 26-5-2015 của Bộ Chính trị về Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”.

Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng” được tổ chức thực hiện nhằm phát hiện, thu hút, trọng dụng những người có đức, có tài, phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm công tác; đóng góp trí tuệ, sức lực cho sự phát triển bền vững của đất nước; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ LĐQL cấp vụ, cấp sở, cấp phòng; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ LĐQL; hạn chế và loại trừ dần dần tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ LĐQL tại các Bộ, ban, ngành, địa phương.

Trên cơ sở đó, sau Công văn số 2499-CV/BTCTW ngày 31-3-2017 của Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ đã ban hành Công văn số 2424/BNV-CCVC ngày 09-5-2017 hướng dẫn cụ thể việc triển khai thực hiện Đề án đối với các cơ quan Trung ương và địa phương. Trong đó, hướng dẫn cụ thể về đối tượng; hồ sơ tổ chức thi tuyển LĐQL; nội dung, hình thức, quy trình, thủ tục thi tuyển; xác định người trúng tuyển qua thi tuyển...

2. Thực trạng thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý thời gian qua

a. Một số kết quả

Đối với các cơ quan Trung ương, theo chỉ đạo của Ban Bí thư tại Công văn số 3135-CV/VPTW ngày 16-1-2017 của Văn phòng Trung ương Đảng về việc triển khai thực hiện Đề án thì có 14 cơ quan Trung ương được chọn thực hiện thí điểm đổi mới phương thức tuyển chọn LĐQL cấp Vụ và cấp phòng , gồm: Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Qua gần 3 năm triển khai thực hiện Đề án, kết quả khối trung ương có 12/14 cơ quan Trung ương tổ chức thi tuyển đối với 29 chức danh cán bộ LĐQL cấp vụ và cấp phòng với 42 ứng viên trúng tuyển (cấp vụ 32, cấp phòng 10). Các cơ quan Trung ương đã tổ chức thi tuyển gồm: Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải(1), Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế. Trong đó, 03 cơ quan được đánh giá cao trong tổ chức thực hiện là Bộ giao thông vận tải (10 vị trí); Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ (6 vị trí).

Đối với địa phương, 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chọn thực hiện thí điểm đổi mới phương thức tuyển chọn LĐQL cấp sở, cấp phòng, gồm: Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, Kiên Giang, Bến Tre; các thành phố Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh.

Trong đó, có 17/22 địa phương tổ chức thi tuyển 86 chức danh cán bộ LĐQL cấp sở và cấp phòng với 368 ứng viên trúng tuyển (cấp sở 33, cấp phòng 335). Các tỉnh, thành phố đã tổ chức thực hiện Đề án đạt kết quả, gồm: Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Ninh, Hải Phòng(2), Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, thành phố Cần Thơ, Bến Tre.

Đến nay có 13 địa phương trong danh sách thí điểm có báo cáo số liệu cụ thể các chức danh đã thực hiện thi tuyển (Bảng 2). Trong số đó có 5 tỉnh, thành phố được đánh giá cao trong tổ chức thực hiện Đề án(3), trong đó thực hiện tốt nhất là Quảng Ninh. Quảng Ninh là tỉnh duy nhất trong cả nước quy định các chức danh thực hiện thí điểm thi tuyển để bổ nhiệm mới gồm hầu hết các chức danh lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị của tỉnh với 129 vị trí; tiếp đến là Ninh Bình 26 vị trí; Đà Nẵng 22 vị trí; Bình Dương 22 vị trí; Lào Cai 15 vị trí.  Ngoài ra, một số địa phương vẫn đang tiếp tục thực hiện chủ trương trên. Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang tiến hành các bước để thực hiện thi tuyển 06 vị trí Phó Giám đốc các Sở: Nội vụ, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông; Phó Ban Hỗ trợ và xúc tiến đầu tư, Phó Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh(4).

Như vậy, việc thí điểm thi tuyển là chủ trương đúng đắn của Đảng, góp phần quan trọng tăng cường dân chủ và sự lãnh đạo tập trung thống nhất của cấp ủy trong công tác cán bộ, củng cố và nâng cao lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Ngoài ra, người tham gia thi tuyển chức danh LĐQL có cơ hội thử thách, tự đánh giá, sát hạch bản thân, từ đó có kế hoạch đào tạo - bồi dưỡng nhằm đáp ứng yêu cầu của chức danh cán bộ LĐQL. Các cơ quan thí điểm đã kết hợp chặt chẽ việc thực hiện Đề án với công tác tổ chức, cán bộ của cấp ủy, nhất là công tác lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ LĐQL với việc xây dựng những nội dung của vị trí việc làm. Hội đồng thi tuyển được thành lập đúng quy định, có quy chế làm việc rõ ràng, cụ thể.

b. Những hạn chế, khó khăn trong tổ chức thực hiện

Về quy định đối tượng đăng ký dự tuyển

Thứ nhất, Đề án quy định không thực hiện thi tuyển đối với chức danh được xác định là cán bộ theo quy định của Luật Cán bộ, công chức(5). Vì vậy, việc thi tuyển chức danh thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và bổ nhiệm vào vị trí đó sẽ gặp vướng mắc vì họ chưa được Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu.

Thứ hai, đối với trường hợp viên chức đăng ký thi tuyển vào vị trí việc làm công chức nếu trúng tuyển, trước khi bổ nhiệm phải được xét chuyển từ viên chức sang công chức và phải thông qua kiểm tra, sát hạch theo quy định. Nếu không đủ điều kiện xét chuyển từ viên chức sang công chức thì không thể bổ nhiệm được.

Thứ ba, có sự bất hợp lý giữa người đang là cán bộ LĐQL và người không là cán bộ LĐQL đăng ký tham dự thi tuyển. Theo quy định, đối tượng đăng ký tham gia dự tuyển nếu đang giữ chức vụ LĐQL thì được dự tuyển ở vị trí LĐQL cao hơn không quá 2 cấp so với chức vụ hiện giữ(6). Như vậy, nếu các vụ có phòng trực thuộc thì trưởng phòng và phó trưởng phòng chỉ có thể dự tuyển chức danh cao nhất tương ứng là vụ trưởng và phó vụ trưởng. Trong khi đó, đối với vụ không có phòng trực thuộc thì công chức chuyên môn có thể dự tuyển thẳng vị trí vụ trưởng. Điều đó dẫn tới bất công giữa người đang giữ chức vụ LĐQL và người không giữ chức vụ LĐQL.

Thứ tư, việc quy định người đăng ký tham gia thi tuyển nếu không thuộc đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm chức danh tuyển chọn thì phải được tập thể lãnh đạo của đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn đề cử dẫn tới khó khăn cho những người ở cơ quan khác muốn đăng ký thi tuyển nhưng không được tập thể lãnh đạo cơ quan tuyển chọn đề cử. Quy định này hạn chế nguồn bên ngoài dẫn tới mục tiêu mở rộng nguồn ứng viên tham gia thi tuyển nhằm nâng cao chất lượng ứng viên khó đạt được.

Thứ năm, việc quy định bắt buộc dự thi đối với những người là công chức, viên chức trong quy hoạch chức danh LĐQL đủ điều kiện tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh lãnh đạo của cơ quan, đơn vị đó. Nếu không đăng ký dự thi thì họ không được đăng ký dự thi vào các chức danh khác và hằng năm khi rà soát sẽ bị xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch. Quy định này chưa nêu rõ nếu ứng viên đạt điểm thi viết từ 50 điểm trở lên thì bắt buộc phải tham dự thi phần thi trình bày đề án. Do đó, có thể xảy ra hiện tượng ứng viên chỉ tham dự phần thi viết để không bị đưa ra khỏi quy hoạch, nhưng không tiếp tục tham dự thi trình bày đề án.

Về tổ chức thực hiện

Một là, văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện còn chưa cụ thể một số nội dung như tiêu chuẩn chức danh thi tuyển; tiêu chuẩn, điều kiện của người tham gia Hội đồng thi tuyển; tỷ lệ thành viên Hội đồng là cán bộ LĐQL cơ quan, đơn vị, địa phương; việc quyết định ứng viên trúng tuyển qua thi tuyển khi có từ hai ứng viên trở lên đạt số điểm bằng nhau.

Hai là, về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thi tuyển. Theo quy định đối với các cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn mà do cấp ủy lãnh đạo toàn diện thì phải có ít nhất 70% số thành viên trong Ban Thường vụ cấp ủy (hoặc Ban Lãnh đạo trong trường hợp không do cấp ủy lãnh đạo toàn diện) tham gia Hội đồng thi tuyển. Tuy nhiên, việc quy định cơ quan do cấp ủy lãnh đạo toàn diện và cơ quan không do cấp ủy lãnh đạo toàn diện còn dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Ngoài ra, việc quy định toàn bộ thành viên Hội đồng tham gia phần thi trình bày Đề án cũng tạo ra bất cập trong tổ chức thực hiện, nhất là với những Hội đồng có số lượng thành viên nhiều(7). Mặt khác, thành viên tham gia Hội đồng thi tuyển có chuyên môn khác nhau nên việc đánh giá ứng viên thi tuyển một chức danh cụ thể sẽ khó khăn. Quy định này cũng làm hạn chế việc mời các chuyên gia, nhà khoa học am hiểu về chuyên ngành, lĩnh vực của người tham gia thi tuyển tham gia Hội đồng thi tuyển.

Ba là, Đề án quy định khi tổ chức thi tuyển phải có từ 2 người trở lên tham gia dự tuyển vào 1 chức danh tuyển chọn nhằm bảo đảm tính cạnh tranh. Từ đó có thể xuất hiện hai trường hợp sau: (1) đến ngày tổ chức thi có 1 người bỏ dự thi; (2) ứng viên cố tình bỏ thi ngay khi thi viết hoặc bỏ thi trình bày đề án mặc dù đã đạt điểm thi viết, đủ điều kiện tham dự thi trình bày đề án. Trường hợp đó Hội đồng thi tuyển vẫn tổ chức thi theo kế hoạch đã phê duyệt nhưng sẽ dẫn tới không đạt được mục đích của việc thi tuyển là nhằm tạo sự cạnh tranh trong công tác tuyển chọn lãnh đạo.

3. Một số đề nghị

Thứ nhất, mở rộng phạm vi thi tuyển LĐQL trên cơ sở xác định đồng bộ hệ thống vị trí việc làm và các vị trí cần thi tuyển theo đúng chủ trương của Đảng về công tác cán bộ

Cần xác định tổng thể chỉ tiêu quy định tỷ lệ các vị trí LĐQL phải thông qua thi tuyển để triển khai trong các năm tiếp theo cho các khối cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở đó, các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, lựa chọn số lượng vị trí LĐQL, loại hình cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý phải thực hiện tuyển chọn thông qua thi tuyển để tổ chức thực hiện theo hướgn dẫn của Bộ Nội vụ và Ban Tổ chức Trung ương. Để bảo đảm tính hệ thống cần kết hợp chặt chẽ việc thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý với việc xây dựng vị trí việc làm tại cơ quan, đơn vị. Thực hiện tốt việc xây dựng vị trí việc làm và xác định rõ khung năng lực đáp ứng vị trí việc làm đó sẽ tạo thuận lợi cho việc thi tuyển cán bộ LĐQL đạt kết quả, các cơ quan, đơn vị sẽ chủ động trong việc xác định tiêu chuẩn, điều kiện cho các chức danh để chuẩn hóa nhằm hỗ trợ công tác chuẩn bị tổ chức thi tuyển. Đồng thời, các cơ quan quản lý có thẩm quyền cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn cụ thể việc thi tuyển chức danh LĐQL đảm bảo phù hợp và thống nhất với các quy định của Đảng về công tác cán bộ, trong đó có Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19-12-2017 của Ban Chấp hành Trung ương “về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử”. Cần thống nhất điều kiện người tham gia dự tuyển phải được quy hoạch vào chức danh tuyển chọn hoặc tương đương chức danh tuyển chọn. Mặt khác, cần bỏ quy định việc cán bộ được quy hoạch, đủ điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm không đăng ký tham gia thi tuyển thì bị rà soát, đưa ra khỏi quy hoạch để tránh việc đăng ký dự thi chỉ mang tính hình thức.

Thứ hai, rà soát cơ cấu tổ chức các cơ quan và trước mắt có thể tạm dừng việc bổ nhiệm một số chức danh lãnh đạo, quản lý để tiếp tục thực hiện thi tuyển

Hiện nay, một số cơ quan, đơn vị được chọn thực hiện thí điểm Đề án thi tuyển các chức danh LĐQL đồng thời cũng đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 18 - NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 Khoá XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả” và Nghị quyết số 19 - NQ/TW ngày 25-10-2017 “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”. Theo đó, các cơ quan này đang tiến hành rà soát cơ cấu tổ chức các phòng, ban, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc và số lượng lãnh đạo cấp phó theo chủ trương tinh gọn đầu mối, giảm biên chế, nâng cao năng lực, hiệu quả điều hành phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong khi đó, theo quy định việc thí điểm thực hiện Đề án kết thúc vào năm 2020 nên các cơ quan, đơn vị này khó hoàn thành việc tổ chức thi tuyển cán bộ LĐQL đúng tiến độ. Do vậy, các cơ quan, đơn vị này cần tính đến phương án tạm thời dừng việc bổ nhiệm, đề xuất bổ nhiệm đối với các chức danh LĐQL sau sắp xếp theo chủ trương tinh gọn đầu mối để chuyển sang thi tuyển nhằm đáp ứng mục tiêu đề ra.

Thứ ba, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nội dung, hình thức, quy trình thi tuyển

Về nội dung, thi tuyển chức danh LĐQL được thực hiện thông qua tổ chức thi viết và trình bày đề án nhưng khó bao quát hết quá trình công tác, cống hiến, nên khó đánh giá được đầy đủ, toàn diện về trình độ, phẩm chất, năng lực của các ứng viên. Do đó, cần tập trung thiết kế khung nội dung và tiêu chí đánh giá phần trình bày đề án của ứng viên theo chủ đề cụ thể. Đồng thời, chi tiết hóa nội dung trình bày chương trình hành động của ứng viên nếu trúng tuyển chức danh LĐQL. Quy định rõ hơn về tiêu chuẩn, cơ cấu Hội đồng thi tuyển, giảm tỷ lệ thành viên Hội đồng thi tuyển là lãnh đạo đơn vị, cấp ủy đơn vị để tăng tỷ lệ các chuyên gia, nhà khoa học am hiểu về chuyên môn tham gia Hội đồng thi tuyển.

Về hình thức, cần thiết kế theo hướng hạn chế phần thi kiến thức chung, tập trung thiết kế thang đo nhằm đánh giá năng lực quản lý, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của chức danh tuyển chọn. Do đó, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Công văn số 2424/BNV-CCVC của Bộ nội vụ theo hướng giảm thiểu phần thi viết trong quy trình thi tuyển, tập trung thực hiện việc bảo vệ đề án hoặc chương trình hành động của từng ứng

cử viên.

Về quy trình, việc tổ chức thi tuyển chức danh LĐQL trải qua nhiều bước, từ xin chủ trương tổ chức thi tuyển, xây dựng kế hoạch thi, thông báo thi, nhận hồ sơ dự thi, thẩm định lý lịch ứng viên dự thi, tổ chức thi viết, thi trình bày đề án và tiến hành các thủ tục, quy trình bổ nhiệm, thường kéo dài từ 3-5 tháng với sự tham gia của nhiều cơ quan, nhiều thành viên Hội đồng và các ban giúp việc Hội đồng dẫn tới căng thẳng cho cả thí sinh và hội đồng thi. Do đó, cần rút gọn quy trình tổ chức thi tuyển để rút ngắn thời gian làm quy trình thông qua thi tuyển; có hướng dẫn cụ thể việc xử lý các trường hợp đặc biệt như có nhiều ứng viên có số điểm cao bằng nhau. Đồng thời, quy định rõ cách thức, quy trình, quy chế tổ chức thi tuyển phù hợp đối với từng đối tượng thi tuyển (cấp vụ/sở/phòng) cho phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2020

(1), (2) Thực hiện trước khi có Đề án.

(3) Tổ chức thi tuyển từ 15 vị trí trở lên.

(4) Báo cáo của Vụ Công chức viên chức, Bộ Nội vụ.

(5) Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định người đứng đầu các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện phải là thành viên Uỷ ban nhân dân và do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu.

(6) Công văn số 2424/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ ngày 09/5/2017 về việc hướng dẫn thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, cấp Sở, cấp phòng.

(7) Hội đồng thi đối với lãnh đạo cấp phòng tối đa 11 người; cấp Vụ, cấp Sở tối đa 17 người.

TS Đào Thị Thanh Thủy

Khoa Chính trị học,

Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền