Trang chủ    Thực tiễn    Thực thi chính sách tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu tại Thành phố Cần Thơ
Thứ hai, 30 Tháng 11 2020 13:38
1952 Lượt xem

Thực thi chính sách tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu tại Thành phố Cần Thơ

(LLCT) - Để ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), thời gian qua, Thành phố Cần Thơ đã xây dựng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách mang tính đặc thù, liên quan đến tài chính ứng phó với BĐKH. Bài viết phân tích việc thực thi các chính sách tài chính ứng phó với BĐKH tại Thành phố Cần Thơ; chỉ ra những hạn chế từ đó đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi chính sách tài chính ứng phó với BĐKH tại Cần Thơ.

Ảnh: Những ngôi nhà ven sông tại huyện Phong Điền trước nguy cơ sạt lở cao

Thành phố Cần Thơ nằm ở trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long, với dân số khoảng 1,2 triệu người, GDP bình quân đầu người năm 2020 ước tính đạt 97 triệu đồng và tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2016-2020 trung bình là 7,53%. Cơ cấu kinh tế tại Cần Thơ theo khu vực I, II, III năm 2020 ước đạt 7,24% - 32,17% - 60,05%. Cùng với các tỉnh khác của đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Cần Thơ đã và đang phải đối mặt với những tác động của BĐKH. Các biểu hiện của BĐKH ở Cần Thơ bao gồm: nhiệt độ không khí tăng; lượng mưa giảm; mức độ ngập lụt và hạn hán, xâm nhập mặn tăng; giông lốc và bão, ngập do thủy triều; xói lở bờ sông. BĐKH đã tạo nên nhiều tác động tiêu cực, đe dọa phát triển bền vững của Thành phố.

Sớm nhận thấy các tác động tiêu cực của BĐKH, Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 6-2-2012 Về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn Thành phố Cần Thơnhằm chỉ đạo một cách triệt để công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH.

Ngày 14-11-2013, UBND thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình số 39-CTr/TU ngày 25-7-2013 của Thành ủy về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đến năm 2020. Trong đó có danh sách các đề án, dự án thuộc lĩnh vực ứng phó BDKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Cùng với đó, để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2010-2015Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020, Thành phốđã xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậucủa thành phố Cần Thơ giai đoạn 2010-2015Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2030, đề ra những định hướng cho việc chủ động hơn trong ứng phó BĐKH.

Thành phốđã bước đầu thực hiện việc lồng ghép vấn đề BĐKH vàoChiến lược phát triển tổng thể kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, và các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương giai đoạn 2011-2015, 2016-2020; kế hoạch phát triển các ngành: nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, kế hoạch và đầu tư, giao thông, xây dựng, cácquy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là cấp huyện và cấp xã.

Thực hiện Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ Về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, trong đó hai nội dung chính là giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng BĐKH, UBND Thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại Thành phố Cần Thơ. Kế hoạch được thiết kế dựa trên khung hướng dẫn thống nhất gồm: (i) mục tiêu kế hoạch; (ii) nội dung thực hiện: nhiệm vụ giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và nhiệm vụ thích ứng với BĐKH trong hai giai đoạn 2017-2020 và 2021-2025; nhiệm vụ chuẩn bị nguồn lực tài chính thực hiện dự án, chương trình; nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách; (iii) tổ chức thực hiện, giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối chủ trì, phối hợp với các sở liên quan và các UBND quận/huyện, thành phố thực hiện kế hoạch theo thẩm quyền được giao.

Nhằm phát triển bền vững các địa phương đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh BĐKH và ứng phó với các thách thức từ sự phát triển nội tại của vùng và khu vực thượng nguồn, ngày 13-4-2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 417/QĐ-TTg Về việc Ban hành Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP, ngày 17-11-2017 Về Phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Chương trình được thiết kế gồm 6 nội dung với 55 đề án, chương trình, dự án, nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách kèm theo nguồn lực tài chính cần thực hiện, trong đó, nhiều dự án thực hiện ở Thành phố Cần Thơ.

Để triển khai thực thi chính sách ứng phó BĐKH nói chung và tài chính ứng phó BĐKH nói riêng, căn cứ vào Quyết định 158/2008/QĐ-TTg ngày 2-12-2008, UBND thành phố Cần Thơ đã thành lập Ban Chỉ đạo Ứng phó biến đổi khí hậu (gọi tắt là Ban Chỉ đạo Quyết định 158), do đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường làm Phó Trưởng ban thường trực, thành viên là lãnh đạo các cơ quan sở/ngành của thành phố.

Ngày 17-5-2017, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ ban hành Quyết định số 1301/QĐ-UBND thành lập Văn phòng Công tác Biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ - cơ quan chuyên trách, giúp việc cho Ban Chỉ đạo Quyết định 158, trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Ban Chỉ đạo Quyết định 158 thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực có vai trò chủ trì phối hợp với các sở/ngành, quận/huyện trong thành phố thực hiện triển khai các nhiệm vụ ứng phó BĐKH. Ban Chỉ đạo Quyết định 158 đã yêu cầu các đơn vị đề xuất các dự án, nhiệm vụ cấp bách, kèm nhu cầu tài chính tương ứng về ứng phó với BĐKH thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình. Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp và tham mưu cho Ban Chỉ đạo Quyết định 158 thành lập Hội đồng đánh giá, lựa chọn ra các danh mục dự án, nhiệm vụ cấp bách và đề xuất kinh phí dự kiến theo hướng dẫn của Quyết định số 1485/QĐ-BKHĐT ngày 17-10-2013 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Về việc ban hành khung hướng dẫn lựa chọn ưu tiên thích ứng với biến đổi khí hậu trong lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở danh mục các dự án, nhiệm vụ, kinh phí đề xuất do Ban chỉ đạo 158 lựa chọn, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp nhu cầu, phối hợp với Sở Tài chính đưa vào danh mục dự án đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư công hằng năm, từ đó trình UBND thành phố; UBND thành phố trình HĐND cho ý kiến và phê duyệt danh mục dự án đầu tư công trung hạn. Sau khi được HĐND phê duyệt, UBND thành phố sẽ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp và phân bổ nguồn lực tài chính. Trên cơ sở tổng hợp của các Bộ, Chính phủ sẽ trình Quốc hội phê chuẩn kế hoạch đầu tư công trung hạn của các Bộ/ngành và địa phương.

Theo đó, trong giai đoạn 2010-2015, Thành phố Cần Thơ đã huy động được 1,8 tỷ đồng từ nguồn vốn địa phương; 1,5 triệu USDtừ nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế như Quỹ Rockefeller, tổ chức CSIRO - Úc, Ngân hàng Thế giới (1).

Trong giai đoạn 2016-2020, thực hiện Hợp phần Biến đổi khí hậu thuộc Chương trình mục tiêu quốc giaứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh, Thành phố Cần Thơ đã huy động được hơn 262 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là hơn 253 tỷ đồng, ngân sách địa phương là hơn 7 tỷ đồng(2).

Bên cạnh đó, các nhiệm vụ chủ yếu củaKế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậuđược lồng ghép với thực hiện các nhiệm vụ chuyên ngành khác(3).

Ngoài các dự án trong Hợp phần BĐKH thuộc Chương trình mục tiêu quốc giaứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh,giai đoạn 2016-2020, thành phố còn huy động được nguồn lực lớn cho thực hiện các dự án ứng phó với BĐKHtheo Chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH (SP-RCC), các dự án liên quan tới phát triển đô thị bền vững ứng phó với BĐKH, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên...với tổng vốn phân bổ theo kế hoạch là 10.827,924 tỷ đồng(4), nhiều nhất trongcác tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Có thể kể đến các dự án trọng điểm là:

      Dự án Kè sông Cần Thơ - Ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ do Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tài trợ với tổng kinh phí đầu tư trên 810,73 tỷ đồng (tương đương hơn 33,78 triệu EUR); trong đó, vốn vay ODA từ AFD hơn 462,4 tỷ đồng, vốn AFD viện trợ không hoàn lại 7,2 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng ngân sách địa phương.

      Dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng đô thị từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới với tổng mức đầu tư hơn 7,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn ODA từ WB là 250 triệu USD, tương đương hơn 5,6 nghìn tỷ đồng; vốn không hoàn lại từ SECO: 10 triệu USD, tương đương 227,900 tỷ đồng; vốn đối ứng hơn 1,4 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 62 triệu USD.

          Các công trình thuộc quy hoạch phòng chống sạt lở bờ sông, rạch trên địa bàn thành phố Cần Thơ với tổng kinh phí:871,385 tỷ đồng từ vốn ngân sách của Trung ương và địa phương

          Dự án Thí điểm thuyền thu gom rác thải tự động trên sông do Tổ chức làm sạch biển (TOC), Hà Lan tài trợ với tổng kinh phí hơn 19 tỷ đồng (tương đương 855.941USD), trong đó:vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài không hoàn lại là hơn 14 tỷ đồng, vốn đối ứng hơn 5 tỷ đồng.

      Theo Đánh giá đầu tư công cho biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh tại đồng bằng sông Cửu Long của Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2019, chỉ tính riêng 2 năm 2016 và 2017, Thành phố Cần Thơ đã có 96 dự án lớn, nhỏ liên quan đến ứng phó BĐKH, tổng chi là 1.946,36 tỷ đồng với cơ cấu vốn là(5):

Năm

Vốn cho BĐKH (tỷ đồng)

Vốn theo quyết định phân bổ của Bộ KH&ĐT

Tỷ lệ đầu tư cho BĐKH so với tổng NS

NSĐP

Sổ xố kiến thiết và vốn khác

NSTW cho BĐKH và tăng trưởng xanh

NSTW khác

ODA cho BĐKH và tăng trưởng xanh

Khác

Tổng ngân sách

(tỷ đồng)

2016

553,89

49%

27%

7%

3%

7%

8%

3.887,1

14,2%

2017

1.392,47

38%

33%

4%

0%

25%

0%

3.804,9

36,6%

      Việc huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cho ứng phó với BĐKH ở Cần Thơ còn rất khiêm tốn. Phần lớn các kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của Thành phố mới chỉ đề cập đến mục tiêu thu hút đầu tư của doanh nghiệp và tư nhân mà chưa có giải pháp cụ thể. Theo đánh giá đầu tư công cho biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh tại đồng bằng sông Cửu Long, trong tổng nguồn vốn cho 10 dự án lớn nhất liên quan đến ứng phó với BĐKH năm 2016-2017 của Thành phố Cần Thơ, nguồn vốn khác, trong đó có vốn huy động từ khu vực tư nhân chỉ chiếm 13,1%(6):

Nguồn vốn

Năm 2016

Năm 2017

Tổng

Tỷ lệ

Vốn NSĐP

75,695

195,953

271,648

16%

Vốn NSTW

59,733

260,000

319,733

18,8

ODA

144,996

422,290

567,286

33,4%

Vốn từ SXKT

0,170

254,886

255,056

15,0%

Phát hành TPCP

62,500

0

62,500

3,7%

Khác

81,00

141,185

222,185

13,1%

Tổng

424,094

1.274,314

1.698,408

100%

Đơn vị: Tỷ đồng      

Qua bảng số liệu cho thấy, nguồn vốn ODA đóng góp lớn nhất cho các dự án ứng phó với BĐKH (chiếm 33,4% tổng nguồn vốn), thứ 2 là vốn từ ngân sách trung ương, sau đó là vốn từ ngân sách địa phương.

Về cơ cấu đầu tư, có 11 lĩnh vực liên quan đến BĐKH được Thành phố ưu tiên đầu tư, trong đó đầu tư cho phát triển đô thị bền vững chiếm 69,1%; quản lý bền vững tài nguyên nước chiếm 12,4%, thủy lợi 9,7%, giao thông 3,5%(7). Đây là 4 lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất, chiếm 90% tổng chi cho BĐKH của Thành phố.

Trong các dự án, đầu tư cho thích ứng chiếm 96,55% tổng đầu tư cho ứng phó với BĐKH, chỉ có 3,45% các dự án cho mục tiêu giảm nhẹ và kết hợp thích ứng và giảm nhẹ BĐKH(8). Phần lớn các dự án kết hợp 2 mục tiêu thuộc lĩnh vực quản lý, xử lý chất thải, nước thải.

Quá trình thực thi các chính sách tài chính ứng phó BĐKH tại Thành phố Cần Thơ đã thu được nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn tồn tại không ít những hạn chế cần khắc phục, đó là:

Một là,việc lồng ghép tài chính cho BĐKH vào các quy hoạch, chiến lược phát triển tổng thể kinh tế - xã hộiở địa phương còn hạn chế. Sự phối hợp liên ngành, liên tỉnh trong thực thi chính sách chưa được quan tâm đúng mức.Các chính sách tài chính được ban hành theo thể thức “tùy nghi”là chủ yếu, không bắt buộc phải thực hiện, và thiếu các chế tài ràng buộc địa phương phải thực hiện.

Hai là,hạn chế trong công tác xét duyệt các dự án, hành động ứng phó với BĐKH.Khung hướng dẫn lựa chọn các dự án, hành động ứng phó với BĐKH hướng tới xác lập ưu tiên BĐKH trong các dự án ưu tiên của Kế hoạch phát triển KT-XH chứ không phải là lựa chọn các dự án về BĐKH được ưu tiên cao nhất. Các dự án phù hợp với BĐKH không được xác định rõ ràng với các mục tiêu BĐKH cụ thể trong quy trình lập kế hoạch và dự trù ngân sách hiện nay.

Ba là,hạn chế trong công tác huy động, phân bổ nguồn lực thực thi chính sách. Mụctiêu huy động đa dạng các nguồn lực thường chỉ mang tính định tính, chưa có có tiêu chí định lượng rõ ràng. Việc huy động nguồn lực từ khu vực doanh nghiệp mới dừng lại ở mục tiêu, chưa có kế hoạch cụ thể. Quá trình thực hiện chính sách cho thấy, Thành phố Cần Thơ chưa có một cơ chế huy động nguồn lực thực thi chính sách bền vững, chủ yếu là phụ thuộc vào đầu tư từ ngân sách Trung ương, xét duyệt theo cơ chế bao cấp, xin cho.

Việc phân bổ tài chính chủ yếu là dành cho hoạt động thích ứng BĐKH, các dự án dành cho mục tiêu giảm nhẹ và kết hợp giảm nhẹ và thích ứng còn rất ít.

Sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong quá trình bố trí nguồn lực và sử dụng vốn theo quy định của Thông tư 03/2013/TTLT-BTNMT-BTC-BKHĐT về hướng dẫn cơ chế quản lý nguồn vốn chương trình hỗ trợ ứng phó BĐKH chưa thực sự chặt chẽ và có hiệu quả.

Bốn là,hạn chế trongcông tác đánh giá, giám sát thực hiện. Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội không trực tiếp thảo luận về các phát hiện kiểm toán với các cơ quan Chính phủ, vì vậy các hoạtđộng tiếp tục triển khai và theo dõi còn hạn chế ở cấp Trung ương và bị bỏ quên ở cấp tỉnh.

Hạn chế nguồn lực của kiểm toán Nhà nước ảnh hưởng đến chất lượng công tác đánh giá,giám sát thực hiện các dự án, hành động ứng phó với BĐKH. Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện được chưa đến 50% các công trình, dự án mỗi năm.

Để nâng cao hiệu quả thực thi chính sách tài chính ứng phó với BĐKH tại Cần Thơ cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần thay đổi phương thức huy động các nguồn lực tài chính cho các nhiệm vụ, dự án thích nghi với BĐKH.

Nghiên cứu thành lập Quỹ ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh thành phố Cần Thơ với cơ chế quản lý, hoạt động rõ ràng, để huy động những nguồn vốn cấp bách, dành riêng cho các dự án ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh.

(i) Nguyên tắc tài chính: đóng góp tự nguyện; đóng góp theo lợi ích của bên tham gia; đóng góp theo pháp luật về ngân sách; có hỗ trợ và khuyến khích từ ngân sách Trung ương.

(ii) Hình thức tổ chức: trên cơ sở thỏa thuận đóp góp, các bên chuyển tiền vào tài khoản chung do Văn phòng Ban chỉ đạo Ứng phó với BĐKH quản lý theo pháp luật ngân sách.

(iii) Nguồn hình thành: huy động vốn tư nhân; ngân sách tỉnh đóng góp; Trung ương hỗ trợ; tổ chức quốc tế và phi chính phủ; huy động vốn thông qua đổi mới, nghiên cứu, nhằm tạo chuyển biến về sinh kế, thay đổi các tập quán, sử dụng tiết kiệm nguồn nước, có lợi cho môi trường, tăng cường quản lý khu vực ven biển nhờ công nghệ mới.

Thứ hai, đối với huy động các nguồn lực tài chính cho xây dựng kết cấu hạ tầng ứng phó với BĐKH. Chính phủ phân cấp mạnh hơn cho địa phương trong việc chủ động các nguồn lực, phân bổ các nguồn lực tài chính cho các dự án ứng phó với BĐKH cấp bách cần ưu tiên thực hiện; cho phép Cần Thơ thực thiện thí điểm các dự án BT trong lĩnh vực ứng phó với BĐKH.

Thứ ba,tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc thực hiện chính sách thíchứng với biến đổi khí hậu thông qua các dự án PPP.Các dự án ứng phó với BĐKH thường kéo dài và lợi nhuận thấp, vì thế, Chính phủ cần có cam kết về thể chế, bảo đảm lợi ích và hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư. Đây là chìaa khóa để mở cửa cho nguồn tài chính dưới dạng PPP vào các dự án ứng phó với BĐKH.

Thứ tư, hoàn thiện cơ chế phân bổ, sử dụng nguồn lực tài chính choứng phó với BĐKH. Các dự án đầu tư và phát triển hạ tầng tại Cần Thơphải bảo đảm tính liên tỉnh, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình hợp lý. Trước mắt,ưu tiên các công trình cấp bách, các công trình có tính chất động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hộiở địa phương.

Thứ năm,đối với giảm nhẹ BĐKH, Chính phủ cần xây dựng chế tài nhằm thúc đẩy doanh nghiệp thay đổi phương thức hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng thân thiện với môi trường, cắt giảm lượng khí phát thải nhà kính. Theo đó, Chính phủ có thể xem xét biện pháp đánh thuế cácbon: đánh thuế sử dụng nguyên liệu sản sinh nhiều khí cácbon và tạo ưu đãi trong đầu tư vào nguồn năng lượng tái tạo.

Thứ sáu,tăng cường công tác giám sát, đánh giá việc thực hiện chính sách ở cấp địa phương, bảo đảm phân bổ nguồn vốn hợp lý, kịp thời. Việc đánh giá bao gồm đánh giá ban đầu, đánh giá giữa kỳ và đánh giá kết thúc quá trình đầu tư các nhiệm vụ, dự án.

__________________

(1) UBND thành phố Cần Thơ: Báo cáo tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2010-2015, Cần Thơ, 2016, tr.5.

(2), (3) Sở Tài nguyên và Môi trường Cần Thơ: Về việc đánh giá tình hình thực hiện Hợp phần Biến đổi khí hậu thuộc CTMT ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020, Cần Thơ, 2020, tr.3-5, 2.

(4), (5), (6), (7), (8) Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Đánh giá đầu tư công cho biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh tại đồng bằng sông Cửu Long, Hà Nội, 2019, tr.56, 46, 69, 58, 67.

Nguyễn Thị Thúy Thảo

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 
Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền