Trang chủ    Thực tiễn    Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới tỉnh Khánh Hòa: thành tựu và một số giải pháp
Chủ nhật, 13 Tháng 12 2020 10:03
1675 Lượt xem

Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới tỉnh Khánh Hòa: thành tựu và một số giải pháp

(LLCT) - Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới văn hóa là một trongnhững tiêu chí quan trọnghàng đầu nhằm tạo dựng môi trường lành mạnh, góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc,hướng tới mục tiêu của xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần cho người dân.

1.Những kết quả đạt được

Khánh Hòa là tỉnh có bề dày lịch sử trên 350 năm hình thành và phát triển. Dân số Khánh Hòa năm 2019 có 1.231.107 người, trong đó có 711.099 người sống ở khu vực nông thôn (chiếm 57,8% dân số toàn tỉnh). Có 32 dân tộc cùng sinh sống. Khu vực nông thôn là tầng nền lưu giữ, bảo vệ, trao truyền các giá trị văn hóa của dân tộc qua các thế hệ, là "ngôi nhà cổ" của nền văn hóa Việt Nam. Vì vậy, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới là một vấn đề lớn, hệ trọng liên quan đến chiến lược xây dựng và phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Để giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều chủ trương, giải pháp. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã xây dựng Chương trình hành động về công tác “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, trong đó nhấn mạnh: “Thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh; tập trung nghiên cứu, sưu tầm các giá trị văn hóa phi vật thể. Triển khai đồng bộ, có hiệu quả hoạt động quảng bá các loại hình văn hóa truyền thống độc đáo của Khánh Hòa đến với du khách trong và ngoài nước”(1).Tiếp đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVIIcũngđã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa của tỉnh Khánh Hòa: “Phát triển văn hóa - xã hội theo hướng bền vững, quan tâm công tác bảo tồn, phát huy và phát triển nền văn hóa truyền thống, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử”.

Thực hiện mục tiêu phát triển văn hóa, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 629/QĐ-UBND ngày 13-3-2012 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Chương trình thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020; Quyết định số 31/2012/QĐ-UBND ngày 19-9-2012 của UBND tỉnh Ban hành Quy định tiêu chí và mức đạt tiêu chí danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”; Quyết định số 07/2014/QĐ-UBND ngày 3-3-2014 của UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quy định tiêu chí và mức đạt tiêu chí danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”.

Những chủ trương quan trọng nêu trên đã được hiện thực hóa và đạt những kết quả khích lệ. Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về ý nghĩa, vai trò của việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc được đầy đủ, sâu sắc hơn. Môi trường văn hóa ngày càng trong sạch, lành mạnh; an ninh trật tự ở vùng nông thôn được giữ vững, ổn định; tệ nạn xã hội được ngăn chặn và xử lý kịp thời; các danh hiệu văn hóa ngày càng được chú trọng nâng cao cả về số lượng và chất lượng; hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao từng bước hoàn thiện đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Điều đó đã làm thay đổi bộ mặt ở nông thôn, góp phần tích cực đến công tác tuyên truyền, vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; công tác phát huy các giá trị di sản văn hóa được quan tâm bảo tồn và phát triển; các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp, tình làng nghĩa xóm, tư tưởng, đạo đức, lối sống được trân trọng và đề cao ở các gia đình, cá nhân trong cộng đồng nhằm giáo dục thế hệ trẻ xây dựng nhân cách toàn diện hướng đến chân - thiện - mỹ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Năm 2015, có 825/997 thôn, tổ dân phố được công nhận văn hóa, đạt tỷ lệ 83%;  có 22 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới (đạt tỷ lệ 23%) cũng chính là các xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Năm 2018 có 843/989 thôn, tổ dân phố được công nhận thôn, tổ dân phố văn hóa, đạt tỷ lệ 85%. Bình quân tỷ lệ gia đình được công nhận gia đình văn hóa hàng năm đạt 90%, thôn, tổ dân phố đạt hơn 70 %.

Đến tháng 2-2020, đã có 90/93 xã xây dựng nông thôn mới đạt chuẩn về tiêu chí văn hóa(2). Tính đến tháng 9-2020, tỉnh Khánh Hòa có 49/92 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 06 xã đạt từ 15 - 19 tiêu chí (chiếm 6,5% tổng số xã); 24 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí (chiếm 26% tổng số xã); 13 xã đạt từ 5-9 tiêu chí (chiếm 14,1%). Bình quân chung toàn tỉnh là 15,6 tiêu chí/xã, dự kiến cuối năm 2020 là 16,5 tiêu chí/xã, vượt mục tiêu tại Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy là 0,5 tiêu chí/xã(3).

Về công tác quy hoạch nông thôn mới:

Đến tháng 9-2020,có 92/92 xã(100% tổng số xã) đạt tiêu chí quy hoạch.Chất lượng các đồ án quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới cơ bản đáp ứng về định hướng tổ chức không gian, xác định được nhu cầu sử dụng đất, bố trí vùng sản xuất và hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ sản xuất hàng hóa nông nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp và dịch vụ; bố trí các hệ thống thủy lợi kết hợp với giao thông; quy hoạch phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng văn minh, bảo tồn được bản sắc văn hóa(4).

Xây dựng cơ sở hạ tầng văn hóa - xã hội

Sau 10 năm (2010-2020) triển khai thực hiện, cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và sản xuất cho người dân. Đến nay, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Mặt đường các xãđược bê tông hoặc nhựa hóa đạt trên50% ở vùng miền núi và trên 95% ở vùng đồng bằng. 100% hộ nông dân được sử dụng điện, 94% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn Tỉnh đã được chú trọng đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu giao lưu, trao đổi, hưởng thụ văn hóa, luyện tập thể dục, thể thao của các tầng lớp nhân dân. Từ năm 2011-2019, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ, tỉnh Khánh Hòa đã đầu tư xây dựng 120 công trình cơ sở vật chất văn hóa với tổng mức đầu tư 98.540 triệu đồng. Hạ tầng bưu chính, viễn thông và internet được các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông đầu tư tới trung tâm 100% các xã trên địa bàn(5).

Đến tháng 9-2020, có 65/92 xã đạt tiêu chí Giao thông (tăng 28 xã so với 2015), 88/93 xã đạt tiêu chí Thủy lợi (tăng 14 xã so với năm 2015),  91/92 xã đạt tiêu chí Điện, 73/92 xã đạt tiêu chí Trường học (tăng 23 xã so với năm 2015), 54/93 xã đạt tiêu chí Cơ sở vật chất văn hóa (tăng 28 xã so với năm 2015), 85/93 xã đạt tiêu chí Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (tăng 28 xã so với năm 2015) 92/92 xã đạt tiêu chí Thông tin và truyền thông, 58/92 xã đạt tiêu chí về Nhà ở dân cư (6).

Về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đặc biệt là chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng mang lại giá trị lớn, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo tiền đề xây dựng những nhãn hiệu nông sản đặc trưng cho toàn tỉnh như: sầu riêng, chôm chôm Khánh Sơn; bưởi da xanh Khánh Vĩnh; xoài Cam Lâm...Từ đó,tạo những bước chuyển biến tích cực trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung,bền vữngnhằm mang lại hiệu quả kinh tế. Các mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được tập trung nhân rộng. Thu nhập của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tỉnh là 13,4 triệu đồng/người/năm. Đến năm  2019 là 35 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,68% (năm 2015) xuống còn 4,95% (năm 2018). Đến cuối năm 2019, trên địa bàn tỉnh còn 10.143 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 3,06%)(7).

Đến tháng 9-2020, có 54/92 xã đạt tiêu chí Thu nhập (tăng 18 xã so với năm 2015), có 66/92 xã đạt tiêu chí Hộ nghèo (giảm 2 xã so với năm 2015),  92/92 xã đạt tiêu chí Lao động có việc làm (tăng 10 xã so với năm 2015), 62/93 xã đạt tiêu chí Tổ chức sản xuất (giảm 12 xã so với năm 2015)(9).

Về văn hóa, giáo dục, y tế

Qua triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên. Đến nay, toàn tỉnh có 91 nhà văn hóa, 102 khu thểthao xã và 437 nhà văn hóa khu thểthao thôn; trong đó có trên 20% nhà văn hóa, khu thể thao đạt chuẩn theo quy định;trên 30%số người dân nông thôn tham gia thường xuvên các hoạt động văn hóa, thể thao; đã có 88% số hộ gia đình văn hóa giữ vững và phát huy danh hiệu "Gia đình văn hóa", trong đó có số gia đình văn hóa tiêu biểu, làm giàu từ sản xuất nông nghiệp hàng hóa đạt 19%; có 65% số làng, thôn giữ vững và phát huy hiệu quả văn hóa, trong đó có trên 40% thôn, làng đạt chuẩn cơ sở vật chất hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn.

Đến nay, các xãđềuđã đạt chuẩn trong công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiêu học, phổcập giáo dục trung học cơ sở. Môi trường, chất lượng, hiệu quả giáo dục các xã vùng nông thôn không ngừng được củng cố, duy trì và phát triển bền vững; hệ thống, quy mô mạng lưới trường lớp được phát triển rộng khắp theo hướng chuẩn hóa, chú trọng chất lượng và bảo đảm điều kiện để tổ chức các hoạt động giáo dục toàn diện.

Chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn ngày càng được nâng lên. Giai đoạn 2011-2019, được sự tài trợ của Tổ chức Atlantic Philanthropies và từ nguồn ngân sách cấp tỉnh, cơ sở vật chất và trang thiết bị của 137 trạm y tế trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng mới, đầu tư nâng cấp với tổng kinh phí khoảng 1.059,6tỷ đồng,bảo đảm cho việc triển khai Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã đến năm 2020.

Đến tháng 9-2020, có 92/92 xã đạt tiêu chí Văn hóa (tăng 8 xã so với năm 2015 và 34 xã so với năm 2011), 75/92 xã đạt tiêu chí Giáo dục và đào tạo, 72/93 xã đạt tiêu chí Y tế(10);67/92 xã đạt tiêu chí Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, 86/92 xã đạt tiêu chí Quốc phòng-An ninh(10).

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, chưa phát huy được sức mạnh nội lực từ nhân dân; kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các địa phương không đồng đều.Đặc biệt là hai huyện miền núi (Khánh Sơn, Khánh Vĩnh) các tiêu chí đạt rất thấp, thậm chí ở huyện Khánh Sơn chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới; kinh tế hợp tác ở nông thôn có phát triển nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu tổ chức lại sản xuất; liên kết hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn hạn chế…

Việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới còn nhiều khó khăn nhất định:

 “Cấp ủy Đảng, chính quyền một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa nhận thức, quán triệt đầy đủ, toàn diện mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của văn hóa nói chung và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nói riêng, nên thiếu quan tâm chỉ đạo sâu sát; Ban Chỉ đạo chưa làm tốt vai trò tham mưu, chưa tạo được sự phối hợp chặt chẽ với cấp ủy và chính quyền địa phương để chỉ đạo, hướng dẫn những biện pháp triển khai tích cực thực hiện các nội dung của phong trào, nhiều nơi còn khoán trắng cho cán bộ văn hóa thông tin”(11).

Công tác tuyên truyền, vận động chưa được triển khai sâu rộng để thu hút quần chúng tham gia; cơ chế, chính sách xã hội hóa chưa đủ mạnh để động viên, khuyến khích nhân dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; các hiện tượng tiêu cực ở một số địa phương chưa được chấn chỉnh kịp thời.

Một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, trách nhiệm trong thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, chưa coi trọng các danh hiệu văn hóa; ý thức chấp hành pháp luật của người dân ở nông thôn chưa cao; tình trangtệ nạn xã hội nhiều nơi chưa được đẩy lùi. Một số hộ gia đình thực hiện chưa tốt quy định về việc cưới, tang và lễ hội; số ngườisinh con thứ 3 trở lên ở một số nơi vẫn còn cao, ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.

Một số địa phương chỉ quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất văn hóa để đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong khi đó, các thiết chế văn hóa xây dựng xong chưa hoạt động hiệu quả, chưa thực sự là nơi sinh hoạt văn hóa của người dân. Thậm chí, nhiều nhà văn hóa xây xong chỉ để phục vụ cho các cuộc hội họp.

2. Giải pháp giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ở nông thôn tỉnhKhánh Hòa

Trong thời gian tới, để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ở nông thôn tỉnhKhánh Hòa, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa nói chung, giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống nói riêngđối với phát triển kinh tế-xã hội. Cần nhận thức sâu sắc văn hóa là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực của quá trình phát triển; văn hóa phải được đặt ngang với kinh tế, chính trị, xã hội; đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển lâu dàì. Việc nâng cao nhận thức được thực hiện qua nhiều kênh đa dạng như tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng; thông qua cácbuổi học chuyên đề, các đợt sinh hoạt chính trị, sinh hoạt của Đảng bộ, chi bộ; qua nghiên cứu, tìm hiểu và tổng kết thực tiễn; qua học tập kinh nghiệm, mô hình quản lý văn hóa của các nước tiên tiến. Các chương trình học tập, nghiên cứu thực tiễn phải có kế hoạch, lộ trình và tổng kết rút kinh nghiệm, tránh hình thức, lãng phí.

Các cơ quan chức năng (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Phòng văn hóa các huyện) và các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương cần xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung,hình thức tuyên truyền đa dạng, thiết thực,hiệu quả, phù hợp với đặc thù từng vùng miền, trong đó tập trung vào việc hướng dẫn nhân dân thực hiện nếp sống mới, xây dựng gia đình, làng, khu phố văn hóa đi đôi với không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng đời sống văn hóa nông thôn. Thiết lậpmạng lướicộng tác viên tuyên truyền ở từng làng, khu phố với những chính sách ưu đãi, hỗ trợ về tiền lương, bảo hiểm xã hội và có cơ chế, chính sách cho hoạt động đặc thù của họ, tránh tình trạng “khoán trắng” cho cán bộ văn hóa thông tin. Đồng thời, phát huy vai trò của các tổ chức hội, đoàn thể địa phương, nhất là Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên trong việc nâng cao hiệu quả tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, ý thức tự giác và nhất là ý thức văn hóa của người dân địa phươngtrong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Đổi mới và đa dạng hóa nội dung và phương thức tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí gắn với thực tiễn đời sống xã hội và nhu cầu của người dân. Các trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, hệ thống các cơ sở thờ tự, không gian diễn xướng, trình diễn nghi lễ, lễ hội, hệ thống thư viện cần được quan tâm, đầu tư hơn nữa để thông qua hoạt động của các thiết chế, nhất là hoạt động trình diễn, sinh hoạt văn hóa truyền thống, trình chiếu các bộ phim lịch sử… sẽ góp phần giáo dục một cách hiệu quả nhất, giúp người dân thấy được tầm quan trọng của văn hóa nói chung và những lĩnh vực cụ thể của đời sống văn hóa nói riêng, gắn liền với tâm thức, đời sống tinh thần của cộng đồng.

Phát huy vai trò của các nghệ nhân và các chủ thể sáng tạo văn hóa; tôn vinh và có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho các nghệ nhân trong thực hành, truyền dạy di sản.

Phát triển du lịch nông thôn. Khánh Hòa là tỉnh có thế mạnh về du lịch, vì thế phát triển du lịch nông thôn phải gắn với việc khai thác các giá trị của nông nghiệp truyền thống, đồng thời gắn với việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống. Việc bảo tồn các làng nghề truyền thốngvà phát huy lễ hội truyền thống gắn với phát triển du lịch, thông qua các hình thức: kiểm kê, chọn lọc và hướng dẫn đồng bào phục dựng các lễ hội truyền thống, trò diễn dân gian phù hợp với văn hóa truyền thống và thuần phong mỹ tục, tạo điều kiện thuận lợi để các chủ nhân văn hóa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương mình.

__________________ 

 (1) Chương trình hành động Số 23 -CTr/TU của Tỉnh ủy, ngày 23 -10-2014 về công tác “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

 (2)  Báo cáo số 113/BC-SVHTT, ngày 19 -3 -2019 “Tổng kết 10 năm thực hiện thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn2010 -2020.

(3), (4), (6), (7), (8), (9), (10) Tỉnh ủy Khánh Hòa (2020), Báo cáo số 468-BC/TU ngày 1-10-2020 của Tỉnh ủy về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 11-7-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (khóa XVII) về Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 -2020.

(5) UBND tỉnh Khánh Hòa (2019), Báo cáo số 177/BC-UBND ngày 10-10-2019 tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011-2020.

(11) Báo cáo số 36/BC-SVHTT, ngày 19 -3 -2019 “Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020”.

TS Đặng Kim Oanh

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Phan Thị Hồng

Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền