Trang chủ    Thực tiễn    Tỉnh ủy Ninh Bình lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bền vững
Thứ tư, 16 Tháng 12 2020 15:01
1653 Lượt xem

Tỉnh ủy Ninh Bình lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bền vững

(LLCT) - Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một chủ trương quan trọng được Đảng ta quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trong tiến trình đổi mới đất nước 35 năm qua. Thực hiện chủ trương của Đảng, Tỉnh ủy Ninh Bình từ khi tái lập Tỉnh luôn tập trung lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng và quyết định. Trong thời gian tới cần tổng thể các giải pháp để tăng cường sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Ninh Bình trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế đáp ứng sự phát triển bền vững của Ninh Bình thời kỳ hội nhập hiện nay.

Trong đường lối đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta luôn xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt với mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế theo hướng CNH, HĐH; đổi mới kinh tế trước hết là đổi mới cơ chế, đổi mới cơ cấu kinh tế chuyển dần từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế có cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng,cơ cấu kinh tế của nước ta chuyển dịch theo hướng CNH, HĐH, phát huy lợi thế so sánh ngành và vùng lãnh thổ. Nhờ đó sau 35 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số làm nông nghiệp, Việt Nam đã xây dựng được cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đáp ứng cho sự nghiệp CNH, HĐH, tạo ra môi trường thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển dài hạn và bền vững.

Ninh Bình là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, được tái lập từ năm 1992. Ninh Bình có nhiều thuận lợi cho việc phát triển kinh tế nhanh và toàn diện như vị trí địa lý, địa hình đa dạng, có nhiều tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng du lịch phong phú… Ninh Bình đã và đang quan tâm, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đạt được những thành tựu đáng kể: tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng cao qua các năm, cơ cấu kinh tế bước đầu chuyển dịch theo hướng CNH, HĐH. Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên.

Để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH đạt hiệu quả cao, thực sự tạo đà cho sự phát triển nền kinh tế, đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các cấp, trong đó tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng chủ trương, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chiến lược, kế hoạch, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh và lãnh đạo thực hiện thành công chủ trương, giải pháp đó.

Để lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế có hiệu quả, trước hết Tỉnh ủy xác định mục tiêu chiến lược, xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý trong chiến lược phát triển dài hạn và từng giai đoạn theo hướng CNH, HĐH và phát triển bền vững.

Trên cơ sở mục tiêu chiến lược đã xác định, Tỉnh ủy đề ra các chủ trương, nhiệm vụ cụ thể, đề ra kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho từng thời kỳ và chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện thành công những chủ trương đó.

Lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của vùng. Xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý cần dựa trên cơ sở khoa học và sáng tạo, căn cứ vào đặc điểm và những tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh.

Thứ hai, lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng trong việc đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng và huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn.

Kết cấu hạ tầng là tổng thể những điều kiện tạo ra, phục vụ cho việc phân bố và hoạt động của các ngành sản xuất, đồng thời cũng phục vụ cho việc phân bố và sinh sống của dân cư, bao gồm vận tải, bưu điện, công trình đường sá, cầu cống, cảng sông và cảng biển, kho tàng, cơ sở năng lượng, hệ thống tưới tiêu, phát triển giáo dục chung và giáo dục nghề nghiệp, khoa học, các khu vực dịch vụ, bảo vệ sức khỏe… Mỗi ngành nhất định do đặc điểm của sản phẩm, đặc điểm và trình độ công nghệ còn đòi hỏi kết cấu hạ tầng kinh tế riêng thích ứng. Ví dụ: đối với kết cấu hạ tầng kinh tế nông nghiệp thì mạng lưới thủy lợi được ưu tiên, với ngành du lịch mạng lưới dịch vụ và phương tiện giao thông là những nhân tố quan trọng hàng đầu, đối với ngành công nghiệp thì điện, nước, tài chính, ngân hàng,… là những yếu tố giữ vai trò nổi trội. Kết cấu hạ tầng được coi là tiền đề, là đòn bẩy của mọi hoạt động kinh tế. Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế tạo điều kiện vật chất - kỹ thuật cho đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại nhằm phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất và xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý.

Tỉnh ủy lãnh đạo chính quyền thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về phát triển kinh tế, trong đó tăng cường đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và huy động, sử dụng hợp lý các nguồn vốn. Xác định phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu trong phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch dài hạn và trung hạn. Đầu tư hợp lý làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thực hiện đúng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua việc xác định chủ trương, mục tiêu và chiến lược sẽ định hướng việc tăng cường khuyến khích hoặc hạn chế đầu tư đối với các ngành, vùng cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển.

Thứ ba, lãnh đạo xây dựng tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho các ngành kinh tế.

Xây dựng tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công hoạt động trên các lĩnh vực kinh tế là nhiệm vụ quan trọng. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý các đơn vị kinh tế nhà nước và các đơn vị kinh tế tư nhân, thuộc thẩm quyền của các cấp ủy và tổ chức đảng được phân cấp quản lý. Tỉnh ủy thực hiện việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, đồng thời phân cấp cho các cơ sở cấp dưới quản lý các đối tượng cán bộ thuộc quyền.

Bên cạnh việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cần xây dựng đội ngũ chuyên gia, tham mưu, giúp việc cho các cơ quan lãnh đạo, quản lý trong các hoạt động kinh tế; đồng thời có chủ trương, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế. Đào tạo, bồi dưỡng các cán bộ, đảng viên, cấp ủy đảng ở cơ sở một cách khoa học để có đủ năng lực làm tốt chức năng quản lý, chức năng lập quy hoạch, kế hoạch đối với từng dự án, từng chương trình phát triển kinh tế.

Thứ tư, lãnh đạo, chỉ đạo việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển dịch cơ cấu kinh tếtheo hướng CNH, HĐH, kinh tế tri thức, CMCN 4.0, đảm bảo phát triển bền vững.

Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, tận dụng những thành tựu của thế giới để rút ngắn khoảng cách phát triển. Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất sẽ làm tăng năng suất lao động, tăng tỷ trọng chất xám trong hàng hóa, dịch vụ và giá trị của hàng hóa, dịch vụ được nâng cao, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tỉnh ủy Ninh Bình lựa chọn ưu tiên các loại công nghệ tiên tiến hiện đại như công nghệ sinh học phục vụ cho yêu cầu phát triển nông, lâm, thủy sản; công nghệ chế biến thực phẩm, dây chuyền công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng hiện đại; phát triển du lịch thông lịch trên nền tảng công nghệ số,…

Thứ năm, lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, thường xuyên tiến hành sơ kết, tổng kết và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế được coi là một khâu đột phá để phát triển kinh tế, là một trong những chủ trương lớn của Tỉnh ủy Ninh Bình. Do vậy, trong quá trình thực hiện, Tỉnh ủy cầnthận trọng, tiến hành từng bước, tổng kết thành những bài học kinh nghiệm có tính lý luận để chỉ đạo trên diện rộng. Việc học tập kinh nghiệm xây dựng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ các địa phương có tiềm năng, thế mạnh tương đồng và đã thực hiện thành công việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế  như Thanh Hóa, Hải Phòng, Vĩnh Phúc,… giúp cho Tỉnh ủy Ninh Bình có được những bài học kinh nghiệm và vận dụng vào tình hình thực tế của địa phương. Từ các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, phù hợp với điều kiện của Tỉnh sau khi được nhân rộng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập của người dân và thúc đẩy nền kinh tế của Tỉnh phát triển.

Kết quả Tỉnh ủy Ninh Bình lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời gian qua có thể được khái quát ở những mặt công tác sau:

Một là, cơ cấu thành phần kinh tế cũng có sự chuyển dịch theo hướng tích cực.Kinh tế tư nhân được phát triển không hạn chế về quy mô và địa bàn hoạt động trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Các doanh nghiệp nhà nước đã được tổ chức, sắp xếp lại, thay đổi hình thức sở hữu quản lý… theo hướng bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn. Các doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng được tạo điều kiện phát triển cả về số lượng và quy mô. Năm 2019, tổng vốn đầu tư phát triển của Tỉnh đạt 21.875 tỷ đồng, gấp 486,1 lần năm 1992, bình quân hàng năm thời kỳ 1992 - 2016 tăng 29,40%. Trong đó: vốn nhà nước đạt 3.586 tỷ đồng, gấp 179,3 lần, bình quân tăng 24,14%; vốn ngoài nhà nước đạt 17.255 tỷ đồng, gấp 2.465 lần, bình quân tăng 38,46%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1.034 tỷ đồng, gấp 57,4 lần, bình quân tăng 18,39%. Ninh Bình đãhuy động và sử dụng các nguồn lực có hiệu quả, tạo đà cho tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Hai là, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tếđã có tác động sâu sắc đến phát triển kinh tế - xã hội ở Ninh Bình. Tổng sản phẩm trong Tỉnh (GRDP) tăng liên tục qua các năm và đạt cao hơn tốc độ bình quân của cả nước qua các thời kỳ. Trong đó, giai đoạn 2010-2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 11,7%, giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,03% (vượt mục tiêu đặt ra là 8%/năm), thuộc nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao của khu vực đồng bằng sông Hồng, cao hơn mức chung cả nước (bình quân 6,8%/năm). Quy mô nền kinh tế được mở rộng, độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn; Năm 2019, tổng sản phẩm GRDP theo giá hiện hành đạt 64.465 tỷ đồng, gấp 1,68 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người đạt 64,8 triệu đồng (khoảng 2.780 USD/người), gấp 1,57 lần so với năm 2015, bằng 92,7% so với bình quân chung cả nước (khoảng 3.000 USD).

Ba là, chuyển dịch cơ cấu kinh tếcó tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của Tỉnh.Thực tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã kéo theo hàng loạt sự thay đổi và tác động đến cơ cấu ngành, cơ cấu vùng, cơ cấu thành phần kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu vốn đầu tư, cơ cấu xuất khẩu, đời sống văn hóa, thu nhập, mức sống dân cư,… Theo kết quả khảo sát mức sống kinh tế hộ gia đình năm 2018, thu nhập bình quân 1 người/1 tháng tính chung toàn tỉnh đạt 3.361 nghìn đồng, gấp gần 9,3 lần so với năm 1992. Trong đó khu vực thành thị đạt 4.541 nghìn đồng, gấp 7,3 lần so với năm 1992; khu vực nông thôn đạt 3.045 nghìn đồng, gấp 9,5 lần so với năm 1992. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều toàn tỉnh là 3,6%. Như vậy, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH đã góp phần làm tăng mức sống bình quân của dân cư trên địa bàn Tỉnh, qua đó góp phần quan trọng để xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Thời gian tới, khi đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng hơn trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0, Ninh Bình đứng trước nhiều cơ hội mới nhưng cũng không ít những khó khăn, thách thức. Chính vì vậy, để thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế  đạt hiệu quả cao hơn nữa, Đảng bộ và chính quyền các cấp tỉnh Ninh Bình cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò lãnh đạo của các cấp đối với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tiếp tục đổi mới nội dung lãnh đạo đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong giai đoạn hiện nay trong đó chú trọng chính sách thu hút đầu tư về công nghệ và nguồn lực từ trong và ngoài nước. Lãnh đạo chỉ đạo việc ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển các ngành kinh tế theo hướng CNH, HĐH, đi đôi với việc bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh quốc phòng, an toàn xã hội. Đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài phù hợp với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH, đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế tri thức.

__________________

Tài liệu tham khảo:

1. ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016.

2. Tỉnh ủy Ninh Bình (2015), Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ninh Bình.

3. Tỉnh ủy Ninh Bình (2011), Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XX, Ninh Bình.

4. Tỉnh ủy Ninh Bình (2015), Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXI, Ninh Bình.

5. Đỗ Thị Thanh Loan (2016), Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

TẠ MINH HỒNG

 

Ban Tổ chức Huyện ủy Hoa Lư

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền