Trang chủ    Thực tiễn    Một số giải pháp cơ bản tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh tế ở Việt Nam theo yêu cầu hội nhập của WTO
Thứ năm, 29 Tháng 8 2013 14:02
2353 Lượt xem

Một số giải pháp cơ bản tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh tế ở Việt Nam theo yêu cầu hội nhập của WTO

(LLCT) - Sau khi trở thành thành viên chính thức của WTO, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện cắt giảm thuế quan về hàng hóa và dịch vụ theo lộ trình đã cam kết. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn một số bất cập cần khắc phục, giải quyết triệt để để hội nhập sâu, rộng hơn trong tổ chức này.

1. Đánh giá thực trạng hoàn thiện môi trường kinh tế ở Việt Nam theo yêu cầu hội nhập của WTO

Sau khi trở thành thành viên chính thức của WTO, Việt Nam đã ban hành và cập nhật định kỳ nhiều văn bản pháp quy để thực hiện cắt giảm thuế quan về hàng hóa và dịch vụ theo lộ trình đã cam kết như cam kết cắt giảm thuế quan và thuế xuất nhập khẩu đối với hàng hóa được quy định tại các Quyết định số 39/2006/QĐ-BTC ngày 28-7-2006; Biểu thuế xuất nhập khẩu kèm Quyết định số 78/2006/QĐ-BTC ngày 29-12-2006 của Bộ Tài chính; Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi kèm Quyết định số 106/2007/
QĐ-BTC ngày 20-12-2007 và Biểu thuế xuất khẩu và danh mục sửa đổi biểu thuế nhập khẩu ưu đãi kèm Quyết định số 123/2008/QĐ-BTC ngày 26-12-2008; Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi kèm Thông tư số 216/2009/TT-BTCngày 12-11-2009; Thôngtư số 63/2010/TT-BTC ngày 22-4-2010 hướng dẫn việc điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng; Thông tư số 65/2010/TT-BTC ngày 22-4-2010 sửa đổi mức thuế suất,thuế nhập khẩu mặt hàng xe ôtô thuộc nhóm 8...

Mức thuế suất hiện đang áp dụng đối với hàng nông sản nhập khẩu của Việt Nam bằng hoặc thấp hơn so với mức cam kết đến cuối năm 2009. Thuế đánh vào thịt gia cầm giảm từ 20% xuống 12%, thịt bò từ 20% xuống 12%, thịt lợn từ 30% xuống 20%, ngô từ 5% xuống 3%, trứng các loại gia cầm từ 30% xuống 20%, thấp gần bằng mức cam kết thuế quan năm 2012. Việt Nam đã thực thi cam kết hạn ngạch thuế quan đối với các sản phẩm trứng chim và trứng gia cầm, đường mía, đường củ cải, đường sucroza tinh khiết về mặt hóa học ở thể rắn, xóa bỏ toàn bộ trợ cấp nông nghiệp ngay khi gia nhập WTO. Tuy nhiên, trong khuôn khổ Hiệp định nông nghiệp Việt Nam đang bảo lưu hai hình thức trợ cấp xuất khẩu được WTO cho phép áp dụng đối với các nước đang phát triển là: trợ cấp để giảm chi phí tiếp thị, bao gồm cả chi phí xử lý, nâng cấp, tái chế sản phẩm, chi phí vận tải quốc tế, cước phí vận chuyển; và ưu đãi về cước phí vận tải trong nước và quốc tế đối với hàng xuất khẩu hơn hàng nội địa.

Môi trường chính sách đã được cải thiện một bước nhằm đơn giản hóa thủ tục tín dụng thương mại để người sản xuất có thể tiếp cận vốn vay thuận lợi hơn. Chính sách về bảo lãnh tín dụng đã được quy định tại Quyết định số 14/2009/QĐ-TTg. Về quy trình cho vay, điều kiện vay, mức vay và trả nợ... đã có những quy định khá rõ, đặc biệt năm 2009 Nhà nước đã ban hành một loạt các văn bản quan trọng như Quyết định số 131/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ lãi suất; Quyết định 497/
2009/QĐ-TTg về hỗ trợ lãi suất cho mua vật tư, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Trong lĩnh vực dịch vụ, có mức độ mở cửa tương đối nhanh là dịch vụ bưu chính viễn thông, ngân hàng, phân phối, bảo hiểm... Khung pháp lý để phát triển thị trường hàng hóa - dịch vụ, thị trường sức lao động, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, thị trường khoa học và công nghệ... tiếp tục được hoàn thiện.

Nhìn chung thời gian qua, môi trường kinh tế của Việt Nam đã có những cải thiện tích cực. Song theo yêu cầu của WTO, môi trường kinh tế của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Cụ thể:

Môi trường kinh doanh của Việt Nam đứng thứ 93 trong tổng số 183 nước được xếp hạng, nhưng xét về bảo vệ nhà đầu tư thì Việt Nam xếp ở vị trí 172, về khía cạnh nộp thuế Việt Nam xếp thứ 147, về giao dịch qua biên giới xếp ở vị trí 74 - tụt 2 hạng so với năm 2009 (theo đánh giá của WB và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) năm 2010). Trong 10 tiêu chí được WB đưa ra đánh giá gồm: thành lập một doanh nghiệp, giải quyết vấn đề giấy phép xây dựng, tuyển dụng và sa thải lao động, đăng ký tài sản, vay vốn tín dụng, bảo vệ nhà đầu tư, nộp thuế, thương mại quốc tế, thực thi hợp đồng và giải thể doanh nghiệp, thì Việt Nam đã cải thiện được 2 lĩnh vực. Đó là, cắt giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 28% xuống còn 25% và loại bỏ thuế thu nhập bổ sung đối với hoạt động chuyển nhượng đất đai. Cũng theo WB, năm 2009 trong khi các nước đã tiến hành cải cách rất nhiều, thì mặc dù đã có cố gắng nhưng thực tế Việt Nam chỉ cải cách được rất ít, do vậy các nước đã vượt Việt Nam. Chẳng hạn, vay vốn tín dụng từ hạng 27 tụt xuống 30, tiêu chí thành lập doanh nghiệp cũng bị tụt hạng từ 109 xuống 116(1).

Hệ thống luật pháp và chính sách kinh tế vẫn còn thiếu, chưa nhất quán. Các mức thuế suất nhập khẩu phân tán, còn có sự chênh lệch lớn gây khó khăn trong quản lý thu thuế, vô tình khuyến khích thêm hiện tượng trốn thuế, gian lận thương mại. Trong quá trình thực hiện lộ trình cắt giảm thuế và trợ cấp sản xuất, ngành nông nghiệp chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Các chính sách hỗ trợ của Việt Nam trong thời gian qua thường mang tính tình thế, chưa theo một chương trình tổng thể. Theo WTO, lẽ ra đối tượng được hỗ trợ là người sản xuất thì Việt Nam lại thường hỗ trợ cho doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, mà chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước. Sự hỗ trợ cho người sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là đối với nông dân nghèo và vùng khó khăn. Một số chính sách hỗ trợ mà WTO cho phép như hỗ trợ người sản xuất về hưu, hỗ trợ thu nhập cho nông dân khi giá cả xuống thấp lại chưa được áp dụng. Chính sách về bảo lãnh tín dụng khó thực hiện đối với các doanh nghiệp trong nông nghiệp và hộ, trang trại vì quy mô nhỏ, không có đủ điều kiện đáp ứng các yêu cầu bảo lãnh để tiếp cận tín dụng có hiệu quả. Chính sách tín dụng ưu đãi chủ yếu vẫn hướng vào các doanh nghiệp lớn.

2. Một số giải pháp cơ bản nhằm tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh tế ở Việt Nam theo yêu cầu của WTO

Hoàn thiện các chính sách và khuôn khổ pháp lý. Cần hoàn thiện hệ thống luật và chính sách theo hướng: ban hành thêm một số luật còn thiếu nhằm đảm bảo tính bình đẳng trong cạnh tranh; đồng thời hệ thống các chính sách phải phù hợp với thực tiễn. Khuôn khổ pháp lý phải bảo đảm nhất quán, đồng bộ, ổn định và đặc biệt phải đảm bảo thực thi trong thực tế; phải nhất quán với đường lối, quan điểm của Đảng. Khung pháp lý phải đồng bộ giữa các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh, giữa các cơ quan quản lý, khắc phục tình trạng các văn bản mâu thuẫn, chồng chéo nhau. Hệ thống luật phápphải rõ ràng, ổn định và mang tính cạnh tranh cao,từng bước phù hợp với thông lệ, tập quán quốc tế và theo 16 hiệp định đa phương của WTO mà Việt Nam đã cam kết. Khẩn trương rà soát các văn bản hướng dẫn thi hành luật để loại bỏ những văn bản chồng chéo, trùng lắp, trái ngược nhau, không phù hợp với thực tiễn và thiếu tính khả thi. Nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật để có hiệu lực tương đối ổn định trong một thời gian nhất định. Cần ưu tiên các văn bản pháp luật và các thiết chế như: đối xử tối huệ quốc, đối xử quốc gia, các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp và các biện pháp đối kháng trong thương mại quốc tế.

Hoàn thiện pháp luật về sở hữu nhằm thể chế hóa đường lối phát triển kinh tế thị trường với nhiều hình thức sở hữu. Pháp luật về sở hữu cần làm rõ nội hàm cụ thể của sở hữu, xác định rõ và đầy đủ các quyền của chủ sở hữu, quyền của người sử dụng, cơ chế quản lý tài sản. Hoàn thiện pháp luật về thanh tra, kiểm tra và kiểm soát hành chính nhằm chấm dứt tình trạng thanh tra chồng chéo, gây khó khăn, phiền hà hoặc buông lỏng, bỏ trống nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Pháp luật về hợp đồng cần phải tiến tới hòa hợp với pháp luật hợp đồng của các quốc gia trong nền kinh tế thế giới và phải được đặt trong mối quan hệ với tập quán, thông lệ thương mại quốc tế.

Hoàn thiện pháp luật thương mại tạo cơ sở pháp lý đáp ứng yêu cầu tự do hóa thương mại, đầu tư và dịch vụ. Hoàn thiện pháp luật về tài chính công. Luật ngân sách nhà nước cần tiếp tục thực hiện theo hướng công khai, minh bạch; xác định rõ nguồn thu và cơ cấu chi của ngân sách trung ương và địa phương; sử dụng đúng và hiệu quả các nguồn thu từ ngân sách.

Hoàn thiện cơ chế bảo vệ quyền tự do kinh doanh, tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, phù hợp với các cam kết quốc tế, những yêu cầu, nguyên tắc của WTO về đối xử quốc gia và tối huệ quốc. Hoàn thiện các văn bản dưới luật và các thủ tục hành chính cần thiết để triển khai việc hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh...

Nhà nước tạo khung pháp lý hoàn chỉnh về thị trường bất động sản. Phải có các biện pháp ngăn chặn tình trạng đầu cơ bất động sản, đẩy giá nhà, đất quá cao so với giá trị thật. Để thị trường này hoạt động thông suốt thì vai trò của ngân hàng thương mại là hết sức quan trọng. Việc xây dựng khung chính sách cho thị trường chứng khoán phải được tính đến nhiều khía cạnh, nhằm tạo ra một môi trường pháp lý phù hợp với những yêu cầu của thị trường chứng khoán vàcác yếu tố có liên quan đến quá trình vận hành của thị trường này.

Đưa các giao dịch chứng khoán phi tập trung vào phạm vi quản lý, kiểm soát của Nhà nước. Nâng cao năng lực dự báo, tăng tính minh bạch và chống các giao dịch phi pháp, các hành vi rửa tiền, nhiễu loạn thị trường chứng khoán. Đảm bảo cho các nhà đầu tư được bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin thị trường bất động sản một cách hữu hiệu.

Cần ban hành, bổ sung và sửa đổi chính sách, các văn bản pháp quy, quy định hiện hành có liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp. Chính phủ và các bộ phận hữu quan ban hành kịp thời, chuẩn xác những văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa việc thi hành luật, pháp lệnh, đặc biệt luật doanh nghiệp, luật đất đai, luật đầu tư, luật ngân hàng...Việc hoàn thiện hệ thống luật pháp về thị trường sức lao động cần được bắt đầu từ việc nghiên cứu thực hiện các luật có liên quan đã được ban hành, nhất là luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động (2006) và các văn bản dưới luật tương ứng.

Hoàn thiện và khai thác tốt các khoản thu thuế nội địa, từng bước cơ cấu lại các sắc thuế gián thu đối với hàng nhập khẩu. Các sắc thuế cần khuyến khích nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, hàng tiêu dùng thiết yếu. Cần nâng cao năng lực dự báo để xác định đúng mặt hàng cần xuất nhập khẩu trong từng giai đoạn cụ thể.

Chính sách tín dụng cần ưu tiên cho các cơ sở sản xuất, xuất khẩu sử dụng nhiều lao động tại chỗ, tận dụng nguyên vật liệu địa phương, sản xuất hàng thiết yếu, hàng có triển vọng xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu thu mua hàng xuất khẩu, thực hiện các hợp đồng xuất khẩu có hiệu quả. Việc điều hành tỷ giá giữa đồng Việt Nam với ngoại tệ cần linh hoạt để giữ ổn định ở mức hợp lý tỷ giá hối đoái.

Xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật.Chú trọng đầu tư phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao trình độ dân trí, khoa học công nghệ và sức khỏe của con người, mở rộng quy mô các trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Tạo điều kiện cho thị trường khoa học công nghệ phát triển đạt trình độ tiên tiến hiện đại. Xây dựng kế hoạch đào tạo và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ về: kỹ năng định giá công nghệ, thẩm định công nghệ, phát hiện các vi phạm cũng như giải quyết các tranh chấp về sở hữu trí tuệ...xử lý nghiêm các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, tăng tính tự chủ của doanh nghiệp trong mua bán, lựa chọn công nghệ.

Cần phải chú trọng xây dựng và nâng cao chất lượng hệ thống giao thông vận tải, đường cáp quang truyền dẫn, cảng trung chuyển quốc tế, tiếp tục hiện đại hóa hệ thống sân bay, bến cảng, bưu chính viễn thông có tính khu vực và quốc tế. Hình thành mạng lưới kết cấu hạ tầng liên kết và hiện đại, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Đẩy mạnh ứng dụng các phương thức phát triển hiện đại như thương mại điện tử, công nghệ thông tin trong các hoạt động kinh tế. Xây dựng và củng cố các tiêu chuẩn quản trị chất lượng như ISO, HACCP, ISO-14000, GMP...

Đẩy mạnh cải cách hành chính. Thủ tục hành chính phải đơn giản, thuận tiện, được thể chế hóa để nghiêm minh, tránh tùy tiện trong thực hiện, trước mắt cần tập trung cải cách thủ tục đăng ký kinh doanh, thủ tục trong hoạt động xuất nhập khẩu, thủ tục vay vốn tín dụng... Việc thẩm định và cấp giấy phép đầu tư phải theo đúng quy định của Nhà nước, tránh phiền hà, trở ngại cho các nhà đầu tư. Trong lĩnh vực đất đai, loại bỏ những thủ tục rườm rà, cản trở việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất, nhất là các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các đô thị và các thủ tục giao đất, thuê đất, phê duyệt dự án.

Cải tiến chế độ tài chính doanh nghiệp, đây là giải pháp quan trọng để tạo ra một "sân chơi" lành mạnh, công bằng, khuyến khích các loại hình doanh nghiệp cùng phát triển. Để hàng hóa có chất lượng cao đưa vào giao dịch trên thị trường thì công việc kiểm toán của doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam và điều lệ kế toán nhà nước phù hợp với thông lệ quốc tế, làm cơ sở cho kiểm toán viên kiểm tra và xác định độ trung thực và hợp lý của các báo cáo tài chính, phục vụ các tổ chức và nhà đầu tư hiệu quả.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận Chính trị số 1- 2011

(1)World Bank vàIFC (2009). Doing business 2010: Vietnam, World Bank, Washington D.C.

PGS,TS Hoàng Thị Bích Loan

Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền