Trang chủ    Thực tiễn    Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nâng cao chất lượng hoạt động khoa học, đáp ứng yêu cầu tình hình mới
Thứ hai, 18 Tháng 1 2021 10:01
1121 Lượt xem

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nâng cao chất lượng hoạt động khoa học, đáp ứng yêu cầu tình hình mới

(LLCT) - Nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ quan trọng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và đóng góp vào công tác tư tưởng lý luận của Đảng. Trong năm 2020, công tác khoa học của Học viện đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cung cấp luận cứ khoa học phục vụ hoạt động hoạch định chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện nội dung chương trình học tập, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, qua đó nâng tầm vị thế và uy tín của Học viện.

Từ khóa:hoạt động khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

1. Hoạt động khoa học của Học viện năm 2020

Năm 2020, Học viện đẩy mạnh đổi mới toàn diện và đồng bộ các mặt công tác; chủ động nghiên cứu, kiến nghị các luận cứ khoa học phục vụ cho việc dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và tư vấn, góp ý cho Dự thảo Báo cáo Chính trị của Đảng bộ các tỉnh, thành phố.nHọc viện đã thành lập Ban Chỉ đạo 35 và Văn phòng Ban Chỉ đạo 35; nhấn mạnh nâng cao chất lượng nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới là yêu cầu cấp thiết và là nhiệm vụ trọng tâm của công tác nghiên cứu khoa học của Học viện.

Năm 2020, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều hoạt động khoa học của Học viện không thể triển khai, phải điều chuyển sang các nội dung, nhiệm vụ khác, ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động, biến khó khăn thành thời cơ, Học viện đã tận dụng thời gian thực hiện giãn cách xã hội, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giúp hoạt động khoa học được đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng so với các năm trước, kết quả cụ thể như sau:

Một là, hoạt động nghiên cứu, thực hiện đề tài, nhiệm vụ khoa học

Năm 2020, Học viện đã triển khai trên 600 đề tài, nhiệm vụ khoa học. Trong đó, có 272 đề án, đề tài, nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia, Ban Bí thư giao, cấp bộ và cơ sở; 80 hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học các cấp, khoảng 50 nhiệm vụ nghiên cứu khảo sát, thực tế cấp Học viện và cơ sở, 7 nhiệm vụ xây dựng Báo cáo kiến nghị và 66 nhiệm vụ tư vấn, góp ý Dự thảo Báo cáo chính trị Đảng bộ các địa phương/đơn vị và theo yêu cầu Ban, bộ, ngành và một số nhiệm vụ đột xuất khác do Giám đốc giao... 

Nhìn chung, đa số đề tài, nhiệm vụ khoa học được triển khai thực hiện nghiêm túc, bảo đảm tiến độ. Chất lượng nghiên cứu từng bước được nâng cao, thể hiện qua kết quả nghiệm thu đánh giá, đặc biệt là tính ứng dụng của đề tài. Các chương trình trọng điểm đã có nhiều đóng góp quan trọng cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cung cấp luận cứ khoa học phục vụ họat động hoạch định chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ngoài ra, Học viện đã tổ chức một số diễn đàn khoa học có sự tham gia của các học giả uy tín với các bài viết được đánh giá cao.

Trước tác động của đại dịch COVID-19, cơ quan quản lý khoa học đã kịp thời tham mưu, điều chỉnh nội dung, kinh phí một số hoạt động không thể triển khai do dịch bệnh. Tính đến hết năm 2020, ngoài 1 đề tài cấp Bộ được gia hạn, 71/74 đề tài khoa học từ cấp Bộ trở lên ( chiếm 95,9%) có thời hạn nghiệm thu năm 2020 đã nghiệm thu chính thức hoặc đã nộp sản phẩm, đang bố trí lịch nghiệm thu chính thức.

Hệ thống đề tài cơ sở phân cấp được các đơn vị quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng, qua đó đóng góp cho công tác đào tạo, bồi dưỡng của đơn vị nói riêng và Học viện nói chung. Cácđề tài đã góp phần củng cố tiềm lực khoa học, bồi dưỡng kỹ năng nghiên cứu cho đội ngũ cán bộ khoa học trẻ; góp phần đổi mới, hoàn thiện nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy môn học; bổ sung vào hệ thống tư liệu, bài giảng, tài liệu tham khảo. Một số đơn vị có nhiều sáng kiến trong xây dựng các hệ thống đề tài phân cấp phục vụ cho nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của đơn vị, tiêu biểu như: Viện Kinh tế, Viện Xây dựng Đảng, Viện Triết học, Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị khu vực III...

Theo số liệu thống kê, trong số 151 đề tài cấp cơ sở do các đơn vị khoa học trong hệ thống Học viện triển khai năm 2019, có 131/151 đề tài (86,75%) được ứng dụng vào nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng của đơn vị; 15/20 đơn vị đạt 100% số lượng đề tài đã được ứng dụng.

Đặc biệt, năm 2020, Học viện đã triển khai một hướng nghiên cứu khoa học mới, đó là thực hiện hình thức đánh giá, tổng kết các mô hình hay, các cách làm mới trên cơ sở đặt hàng của Học viện hoặc do viện chuyên ngành chủ động đề xuất, như: tổng kết về công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở qua sự kiện Đồng Tâm, hay tổng kết về mô hình tự quản “Hội quán”, “Cà phê doanh nhân”...

Hai là, hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo các cấp

 Trong năm 2020, toàn Học viện đã tổ chức 26 hội nghị, hội thảo cấp quốc gia và Học viện. Một số hội nghị, hội thảo, tọa đàm có quy mô lớn, tính chất quan trọng, đã thay đổi hình thức tổ chức, từ trực tiếp sang trực tuyến, nhờ đó có tính lan tỏa xã hội cao. 

Chất lượng bài viết của hội thảo được nâng cao, đặc biệt là các bài dự thảo cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước do các Tiểu ban xây dựng dự thảo thực hiện, góp phần quan trọng vào công tác tuyên truyền lý luận của Đảng, khẳng định vai trò của Học viện trong công tác lý luận và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước. Nhiều hội thảo đã đưa ra đề những xuất, kiến nghị mới, có giá trị lý luận và thực tiễn cho việc hoạch định chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cũng như phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu, quản lý khoa học.

Ba là,hoạt động nghiên cứu đổi mới, hoàn thiện nội dung chương trình học tập, giáo trình các hệ lớp của Học viện.

Hiện tại, Học viện đang tổ chức biên tập và thẩm định tài liệu các bài giảng Lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII của Đảng, phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy của Học viện. Các đơn vị đã chú trọng phát huy kết quả nghiên cứu khoa học vào công tác đào tạo, bồi dưỡng; tập trung hoàn thiện, cập nhật giáo án, đưa các luận điểm mới trong dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII vào các bài giảng, các nội dung thảo luận.

Bốn là, hoạt động kiến nghị, tư vấn khoa học

Trong năm 2020, Học viện có 14 báo cáo gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và các Tiểu ban soạn thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; tổ chức xây dựng hàng chục bản báo cáo kiến nghị cho các ban, bộ, ngành, địa phương; nghiên cứu góp ý cho 40 dự thảo văn bản của Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành; góp ý cho Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ một số địa phương/đơn vị thông qua hình thức văn bản (27 bản tổng hợp góp ý), tổ chức tọa đàm, hội thảo hoặc trực tiếp đóng góp ý kiến khi tham gia các Đoàn công tác của Ban Bí thư.

Năm là,hoạt động khoa học với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Với việc triển khai các đề tài thuộc Chương trình trọng điểm cấp quốc gia KX02 “Nghiên cứu tổng kết, đề xuất bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin - cấu phần quan trọng của nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh mới”,  Chương trình cấp bộ trọng điểm giai đoạn 2019-2020 Nghiên cứu đề xuất định hướng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận và văn học, nghệ thuật”, Đề án cấp bộ trọng điểm năm 2020 - 2025 “Nghiên cứu, tổ chức biên soạn bộ sách phổ thông về tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới đất nước”… và một số lượng lớn các công trình khoa học đã được xuất bản thành sách và các bài đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước, website “Việt Nam Thịnh Vượng” (thinhvuongvietnam.com) và Fanpage Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh...,hoạt động khoa học của Học viện đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch (từ tháng 4 đến tháng 12-2020, đã đăng tải gần 2.500 bài viết, trong đó có khoảng 250 bài viết mới và hơn 2.200 tin, bài). Bên cạnh đó, Học viện còn thiết lập mối quan hệ phối hợp với các đơn vị, địa phương trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch như: Bộ Tư lệnh 86, Trường Đại học Chính trị - Bộ Quốc phòng, Cục An ninh chính trị nội bộ Bộ Công an.

Sáu là, hoàn thiện Quy chế quản lý khoa học

Trong năm qua, công tác quản lý hoạt động khoa học của Học viện có nhiều đổi mới; Quy chế quản lý khoa học tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện theo hướng bảo đảm chặt chẽ về mặt quản lý nhà nước; khuyến khích, hỗ trợ các cá nhân, nhóm nghiên cứu và các đơn vị trong hoạt động khoa học. Đẩy mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị quản lý khoa học ngành dọc từ Trung tâm tới các Học viện trực thuộc, giữa cơ quan quản lý khoa học với các đơn vị chức năng và các viện chuyên ngành trong hoạt động quản lý và nghiên cứu khoa học. Chủ động, kịp thời tham mưu Ban Giám đốc Học viện điều chỉnh nội dung, kế hoạch, kinh phí triển khai một số hoạt động khoa học chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hoạt động liên kết, hợp tác trong nước và quốc tế về khoa học cũng như công tác tạp chí xuất bản được đổi mới, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho các hoạt động khoa học của Học viện.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, song hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Mức độ tham gia hoạt động khoa học của các đơn vị trong hệ thống Học viện chưa đồng đều. Một số đơn vị chưa tích cực thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, chưa quan tâm đúng mức đến công tác xây dựng báo cáo kiến nghị và ứng dụng kết quả nghiên cứu trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của đơn vị.

Quy chế quản lý khoa học chưa thực sự tạo động lực phát huy tiềm năng trí tuệ, sự sáng tạo của cán bộ nghiên cứu cũng như thúc đẩy vai trò, trách nhiệm của Hội đồng khoa học các đơn vị; chưa giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng và nhiệm vụ nghiên cứu khoa học ở Học viện. Công tác quản lý đối với một số đề tài, nhiệm vụ khoa học phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa chặt chẽ, chủ yếu “khoán” cho chủ nhiệm, khi đánh giá nghiệm thu lại nể nang.

Kết quả hợp tác nghiên cứu khoa học với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Học viện. Số lượng đề tài, công trình khoa học, dự án phối hợp nghiên cứu với các bên đối tác còn hạn chế, nội dung chưa phong phú, chưa có cơ chế hợp tác toàn diện, sâu sắc. Chưa thu hút được nhiều nguồn lực nước ngoài (tài chính và nhân lực khoa học trình độ cao) cho nghiên cứu khoa học của Học viện.

Sự phối hợp giữa các đơn vị có chuyên ngành gần trong tổ chức hội thảo, tọa đàm chưa chặt chẽ, thiếu cơ chế hợp tác toàn diện; tinh thần, ý thức của một số cán bộ tham dự chưa nghiêm túc, tính trách nhiệm chưa cao, chưa lĩnh hội được ý nghĩa và lợi ích thiết thực của việc tham gia các hoạt động khoa học này.

2. Phương hướng nâng cao chất lượng hoạt động khoa học của Học viện

Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ, Học viện xác định những hướng công tác khoa học trong năm 2021 là:

Một là,đẩy mạnh hoạt động khoa học của Học viện đáp ứng yêu cầu tình hình mới, gắn với tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội III của Đảng bộ Học viện. Tập trung nghiên cứu, vận dụng chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chuẩn bị cho tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011. Chú trọng đặt hàng các báo cáo kiến nghị theo những luận điểm mới trong Văn kiện Nghị quyết XIII của Đảng, chắt lọc kết quả Chương trình KX02 giai đoạn 2016-2020 báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư; thực hiện Đề án xây dựng bộ sách phổ thông để tuyên truyền, giới thiệu nền tảng tư tưởng của Đảng và đường lối đổi mới đất nước.

Hai là,các hoạt động khoa học bám sát và quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các nghị quyết của Đảng về khoa học - công nghệ và công tác lý luận. Làm tốt vai trò nghiên cứu, phát triển lý luận, cụ thể hóa các quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổng kết thực tiễn, phân tích hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đi sâu nghiên cứu, phân tích các quan điểm cơ bản, những điểm mới của các văn kiện, mục tiêu, giải pháp, định hướng trong nghị quyết của Đảng.

Ba là,nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học nhằm phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Trung ương Đảng giao cho Học viện. Đề cao tính hiệu quả, nâng cao tính ứng dụng và ý nghĩa thực tiễn của các công trình nghiên cứu khoa học, trên cơ sở đó đóng góp vào các chủ trương, quyết sách chiến lược của Đảng, Nhà nước, cũng như trực tiếp ứng dụng vào công tác đào tạo, bồi dưỡng của Học viện. Để làm được điều đó, việc lựa chọn đề tài nghiên cứu sẽ bám sát các nội dung cụ thể trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng; chú trọng vai trò tư vấn của hội đồng khoa học, quy trình nghiệm thu khách quan, chính xác, công bằng; coi tính ứng dụng là một tiêu chí quan trọng để đánh giá đề tài.

Bốn là,tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý khoa học theo hướng phát huy tiềm năng trí tuệ, tạo môi trường dân chủ và tạo động lực nhằm nâng cao chất lượng các công trình khoa học. Hoàn thiện quy định cụ thể, riêng biệt cho việc quản lý đối với các hình thức thực hiện đề tài, nhiệm vụ khoa học; tổ chức hội nghị, hội thảo; đổi mới chương trình học tập; kiến nghị, tư vấn khoa học. Xây dựng cơ chế khuyến khích, động viên các nhà khoa học công bố quốc tế, tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Tổ chức đánh giá và trao giải thưởng cho các công trình khoa học có chất lượng cao nhằm động viên, khuyến khích cán bộ nghiên cứu, giảng dạy tích cực tham gia nghiên cứu khoa học.

Năm là,tích cực, chủ động khai thác và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất và các nguồn kinh phí phục vụ hoạt động khoa học của Học viện. Hằng năm, cần căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ và nguồn lực kinh phí để bố trí các hoạt động cho phù hợp, ưu tiên cho các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Tăng cường hoạt động phối hợp, liên kết với các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước nhằm thu hút nguồn lực cho nghiên cứu khoa học của Học viện. Tiếp tục tăng cường công tác thông tin khoa học, nhất là thông tin trên môi trường số hóa; nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế và hợp tác với các ban, bộ, ngành, địa phương trong nghiên cứu khoa học. Đầu tư xây dựng phòng Hội thảo đạt chuẩn quốc tế kết nối với các tổ chức quốc tế.

Nguyễn Thị Thùy Linh

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền