Trang chủ    Thực tiễn    Về sáng kiến an ninh hàng hải (MSI) của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á
Thứ hai, 18 Tháng 1 2021 16:14
2092 Lượt xem

Về sáng kiến an ninh hàng hải (MSI) của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á

(LLCT) - Biển Đông và eo biển Malacca có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng ở khu vực Đông Nam Á cũng như trên thế giới. Những năm gần đây, ngoài vấn nạn cướp biển, buôn bán vũ khí trái phép, thì vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh hải, lãnh thổ trên Biển Đông đã và đang làm cho vùng biển này trở nên mất an toàn hơn bao giờ hết. Điều này không chỉ khiến các nước thành viên ASEAN quan ngại, mà nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ cũng hết sức quan tâm. Sáng kiến An ninh Hàng hải (MSI) ra đời là sự phản ánh thái độ cũng như toan tính chiến lược về an ninh mới của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á.

Từ khóa: MSI, Mỹ, Đông Nam Á.

1. Sự ra đời Sáng kiến An ninh Hàng hải (MSI)

Ngày 30-5-2015, trong phiên thảo luận tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter lúc đó có bài phát biểu với tựa đề “Mỹ và các thách thức đối với an ninh châu Á - Thái Bình Dương”. Ông bày tỏ thái độ quan ngại trước những hành động bồi đắp đảo nhân tạo và đòi hỏi chủ quyền “vô lý” của Trung Quốc trên Biển Đông: “Đến giờ vẫn chưa rõ là Trung Quốc sẽ còn đi đến đâu. Đó là nguyên nhân vùng biển này đang trở thành nguồn cơn căng thẳng ở khu vực”. Ông cũng khẳng định: “Chúng ta phải tăng cường năng lực của kiến trúc an ninh khu vực, đặc biệt là về an ninh hàng hải”; Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ quyền tự do hàng hải, tự do hàng không ở Biển Đông: “Mỹ sẽ đến, bằng máy bay, tàu và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép. Bởi sau cùng, việc biến mấy đá ngầm thành sân bay không tạo ra chủ quyền và cho phép Trung Quốc ngăn cản tự do hàng hải hay hàng không”(1).

Để khẳng định các cam kết của Mỹ, Bộ trưởng Ashton Carter đã giới thiệu “Sáng kiến An ninh Hàng hải” (Maritime Security Initiative - MSI) mới của Mỹ ở Đông Nam Á trên cơ sở đề xuất của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ do Thượng nghị sỹ John Mc Cain đứng đầu và được Quốc hội Mỹ phê chuẩn với khoản ngân sách 425 triệu USD. Mục đích ra đời của MSI là nhằm nâng cao năng lực kiểm soát biển của Mỹ và năng lực hải quân cho một số nước thuộc ASEAN trong bối cảnh thách thức an ninh hàng hải trên Biển Đông ngày một tăng cao.

Tờ The Diplomat trong bài viết “US Kicks off New Maritime Security Initiative for Southeast Asia” ngày 16-10-2016 cho biết: trong 425 triệu USD, Mỹ sẽ chi 50 triệu USD cho năm tài chính 2016, 75 triệu USD cho năm tài chính 2017 và 100 triệu USD cho mỗi năm tài khóa 2018, 2019 và 2020. Sáng kiến này chủ yếu tập trung ở 5 quốc gia là Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam, cùng với các đối tác Singapore, Brunei và Đài Loan(2).

2. MSI là sự tiếp nối các sáng kiến trước đó của Mỹ ở Đông Nam Á

Trước khi MSI ra đời, Mỹ đã triển khai một số chính sách an ninh biển ở khu vực Đông Nam Á đáng chú ý sau:

Sáng kiến An ninh Hàng hải khu vực (Regional Maritime Security Initiative - RMSI). Ra đời vào tháng 3-2004, RMSI là sáng kiến của Bộ Quốc phòng Mỹ, nhằm mục đích thu thập thông tin quân sự và tình báo, phát triển mối quan hệ với các đối tác ở khu vực, giám sát và đánh chặn các mối đe dọa hàng hải xuyên quốc gia. RMSI được triển khai thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (2004 - 2010): Mỹ phát triển hợp tác với các quốc gia trong khu vực nhằm đối phó với những mối đe dọa trên biển. Giai đoạn 2 (2010 - 2020): Mỹ triển khai xây dựng hệ thống theo dõi và kiểm soát eo biển Malacca và Biển Đông, gia tăng khả năng bảo đảm an ninh vùng biển quốc tế cũng như lãnh hải của mỗi nước(3). Tuy nhiên, RMSI đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Malaysia và

Indonesia. Hai quốc gia này cho rằng RMSI sẽ dẫn tới việc vi phạm chủ quyền và bị lệ thuộc vào quốc gia bên ngoài, mặc dù phía Mỹ sau đó khẳng định: (1) RMSI không phải là hiệp ước hay liên minh; (2) RMSI không dẫn tới lực lượng thường trực tuần tra khu vực Thái Bình Dương; (3) RMSI không phải là thách thức với quốc gia có chủ quyền; (4) RMSI hoạt động trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.

Trên thực tế, RMSI là sự tiếp nối của Sáng kiến An ninh phổ biến (Proliferation Security Initiative - PSI) được Tổng thống Mỹ G.W.Bush đưa ra tháng 5-2003. Mục tiêu của PSI là nhằm ngăn chặn việc vận chuyển các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt và các vật liệu liên quan, trong đó có các biện pháp ngăn chặn, khám xét và bắt giữ các tàu thuyền, máy bay bị nghi ngờ ở phạm vi toàn thế giới. Từ 11 quốc gia ban đầu, tính đến nay đã có 104 quốc gia chính thức tham gia, trong đó có nhiều quốc gia Đông Nam Á kể cả Việt Nam... Tuy nhiên, sáng kiến PSI của Mỹ cũng gặp phải sự phản đối bởi một số quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia. Các quốc gia này cho rằng, PSI đã vi phạm Điều 19, 23 và 88 trong Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS, 1982).

Sáng kiến An ninh Container (Container

Security Initiative - CSI) là chương trình do Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ thuộc Bộ An ninh Nội địa đề xuất vào tháng 1-2002 với mục đích “giải quyết những mối đe doạ an ninh biên giới và thương mại toàn cầu do các phần tử khủng bố có khả năng sử dụng các container vận chuyển bằng đường biển để mua bán vũ khí”(4). CSI đã đề xuất cơ chế an ninh bảo đảm tất cả các container tiềm ẩn rủi ro phải được nhận diện và kiểm tra tại các cảng xuất ở nước ngoài trước khi chất lên tàu tới Mỹ. Sáng kiến này cho phép Hải quan Mỹ cử nhân viên tới làm việc tại cảng của các nước tham gia CSI để kiểm tra hàng hóa trước khi xuất khẩu đến Mỹ. Theo Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ, đã có 36 cảng biển lớn trên thế giới tham gia vào CSI. Tại Đông Nam Á, có một số cảng của Thái Lan, Singapore và Malaysia gia nhập CSI.

Ngoài những sáng kiến kể trên, phía Mỹ cũng đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch hợp tác an ninh biển ở khu vực như: Chương trình huấn luyện, đào tạo quân sự quốc tế (IMET); Chương trình hợp tác hải quân chống khủng bố (CIPAT); Chương trình huấn luyện hợp tác Đông Nam Á (SEACAT); Nhóm chuyên gia ADMM về An ninh biển (EAG-MS, 2011); Nhóm chuyên gia (EWG) về An ninh Hàng hải (2013); Hội nghị Tư lệnh Hải quân Tây Thái Bình Dương (WPNS, 1987); Hội nghị Hải quân Ấn Độ Dương và Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương (USPACOM),v.v. nhằm nâng cao năng lực an ninh - quốc phòng cho các nước thành viên ASEAN đặc biệt là năng lực kiểm soát an ninh trên khu vực Biển Đông.

3. Mục đích của Mỹ

Một là, Mỹ muốn tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm nâng cao khả năng giám sát các hoạt động ở khu vực. Nếu như sáng kiến RMSI (2004) tập trung các nguồn lực để kiểm soát eo biển Malacca, thì MSI (2015) thể hiện nỗ lực ở phạm vi rộng lớn hơn là toàn bộ Biển Đông. Trong 5 quốc gia ASEAN mà MSI ưu tiên, Philippines là quốc gia được Mỹ xác định là trọng tâm của sáng kiến với nhiều dự án lớn như: Dự án xây dựng Trung tâm hàng hải và tác chiến chung (AIS); Dự án nâng cao mạng lưới thông tin liên lạc; Dự án đào tạo tăng cường quan hệ giữa lực lượng chỉ huy và kiểm soát (C2); Dự án Cảnh sát biển (PCG) và Trung tâm Giám sát biển quốc gia của Philippines (NCWC); Dự án nâng cao năng lực tình báo, trinh sát và giám sát (ISR).

Với Malaysia, Mỹ trang bị cho nước này hệ thống thông tin liên lạc an toàn, hệ thống dữ liệu hoạt động chung của Quân đội (MAF) để kết nối Trung tâm hoạt động bay Hoàng gia Malaysia với các lực lượng tác chiến và Bộ chỉ huy. Mỹ cũng lắp đặt hệ thống liên lạc an toàn cho Bộ chỉ huy Hạm đội của Hải quân Malaysia tại căn cứ hải quân Lumut, nâng cấp Trung tâm tác chiến tổng hợp.

Với Indonesia, Mỹ hỗ trợ các thiết bị di động để thu thập, đánh giá, phân tích và báo cáo tin tức cho Trung tâm chỉ huy hàng hải Indonesia, từ đó giúp phân tích thông tin, kết nối dữ liệu và phối hợp hoạt động tốt hơn trong cứu trợ thiên tai và hỗ trợ nhân đạo. Lực lượng Không quân Thái Bình Dương và Vệ binh Quốc gia Hawaii cũng sẽ hợp tác với Không quân và Hải quân

Indonesia về hoạt động bay luân phiên và phòng không radar mặt đất.

Đối với Thái Lan, quốc gia này sẽ nhận được sự trợ giúp của Mỹ nhằm tăng cường năng lực chỉ huy và kiểm soát giữa Quân đội Thái Lan với các Bộ chỉ huy trực thuộc. Với Việt Nam, Mỹ cử chuyên gia hỗ trợ huấn luyện sử dụng máy bay không người lái, thiết bị an ninh, hệ thống tìm kiếm cứu nạn trên biển SAROPS, giúp đỡ về năng lực thực thi pháp luật trên biển cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam,v.v.(5).

Hai là, thông qua viện trợ, Mỹ có thể bán khí tài quân sự, dễ bề triển khai các hoạt động quân sự và ký thỏa ước an ninh với một số quốc gia Đông Nam Á. Kể từ năm 1991 đến năm 2015, Mỹ duy trì hoạt động viện trợ an ninh cho khu vực Đông Nam Á thông qua các chương trình: Hỗ trợ tài chính quân sự nước ngoài (FMF); Tài trợ bán thiết bị quân sự (FMS); Giáo dục và huấn luyện quân sự quốc tế (IMET), v.v. Tính riêng năm 2010 và năm 2015, (viện trợ an ninh của Mỹ cho khu vực là 182,1 triệu USD và 147,6 triệu USD)(6). Tuy nhiên, gói tài chính 425 triệu USD của sáng kiến MSI là nguồn kinh phí độc lập, không có trong kế hoạch trước đó và là nguồn của Bộ Ngoại giao chứ không phải của Bộ Quốc phòng hay Cơ quan Phát triển Quốc tế (USAID) của Mỹ. Điều này phản ánh, Mỹ tăng mức quan tâm tới lĩnh vực an ninh biển của Đông Nam Á, tăng hoạt động bổ trợ cho chiến lược “xoay trục” và những chương trình khác ở khu vực. Ngoài ra, Mỹ cũng là nhà cung cấp khí tài quân sự hiện đại cho nhiều nước đối tác ở Đông Nam Á. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), trong giai đoạn 2010 - 2017, Mỹ đã bán vũ khí cho Đông Nam Á với trị giá là 4,58 tỷ USD (chiếm 6% doanh số toàn cầu của Washington). Năm 2012, trong quá trình thực hiện chính sách chuyển trọng tâm sang châu Á, Cơ quan hợp tác quốc phòng - an ninh Mỹ (DSCA) đã trình Quốc hội đề xuất bán vũ khí trang bị trị giá 30 tỷ USD cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Thái Lan đạt được thỏa thuận mua gói vũ khí trị giá 253 triệu USD; Indonesia là 1,73 tỷ USD; Singapore với gói mua 435 triệu USD; riêng Philippines, Mỹ cam kết “hỗ trợ tối đa và kịp thời trong tiến hành hiện đại hóa lực lượng vũ trang Philippines nhất là về không quân và hải quân, xây dựng thế trận phòng thủ có độ tin cậy cao để đối phó với sự “xâm lấn” của Trung Quốc ở Biển Đông”(7).

Hằng năm, Mỹ cũng thường xuyên tổ chức các cuộc diễn tập quân sự thường niên ở khu vực. Năm 2012, “Mỹ tiến hành khoảng 200 cuộc diễn tập song phương và đa phương với 24 nước, trong đó có các cuộc diễn tập với các quốc gia Đông Nam Á như: Cobra Gold, Carat, Người gác đền Angkor, Cope Tiger, Balikatan,v.v.”(8), “Riêng năm 2015, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ đã tổ chức khoảng 175 cuộc diễn tập quân sự song phương và đa phương; tiến hành hơn 500 cuộc giao lưu của các sĩ quan quân đội cấp cao và tổ chức hội thảo quân sự”(9), trong đó đa phần các hoạt động diễn ra ở khu vực Đông Nam Á và trên Biển Đông. Thông qua các hoạt động này, Mỹ từng bước thắt chặt quan hệ an ninh với nhiều quốc gia Đông Nam Á. Tính riêng năm 2012 - 2013, “Mỹ đã ký mới và ký lại khoảng 30 thỏa thuận hợp tác an ninh quân sự với các nước trong khu vực”(10) trong đó có các nước như Philippines, Singapore và Thái Lan.

Ba là, chính sách của Mỹ tập trung vào nhóm các nước là đồng minh, đối tác quan trọng và có vị trí chiến lược trên khu vực Biển Đông. Kurt M.Campbell - cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương, kiến trúc sư trưởng trong chính sách “Xoay Trục” đã từng viết: “Chính sách của Mỹ ở châu Á từ lâu tập trung vào khu vực Đông Bắc Á, nhưng một phần quan trọng của Chiến lược Xoay Trục sang châu Á thật ra lại là việc tái tổ chức sự tập trung ở bên trong châu Á về phía các nước Đông Nam Á,... Quan trọng nhất, Đông Nam Á cũng là khu vực có các đối tác tiềm năng đầy hứa hẹn mà Mỹ cần thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn, đặc biệt là

Indonesia, Việt Nam, Malaysia và Brunei”(11). Chính vì vậy, dựa trên cơ sở mức độ quan hệ, Mỹ đã chia các quốc gia Đông Nam Á thành ba nhóm nước chính là: (1) Nhóm đồng minh thân thiết gồm Thái Lan và Philippines; (2) Nhóm đối tác chiến lược là Singapore; (3) Nhóm đối tác chiến lược tiềm năng là Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Và trong sáng kiến MSI cũng vậy, chính sách an ninh biển của Mỹ vẫn chủ yếu tập trung ở những nước có vị trí chiến lược án ngữ trên khu vực Biển Đông và eo biển Malacca. Ngoài Philippines và Thái Lan - hai quốc gia có hiệp ước quân sự và là “đồng minh ngoài NATO” của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á; Singapore - nước có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh, nơi Mỹ đã xây dựng được mối quan hệ chính trị, an ninh vững chắc, Mỹ cũng đẩy mạnh tăng cường quan hệ với các quốc gia như Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Brunei.

Bốn là, thông qua MSI, Mỹ muốn tìm kiếm vai trò lớn hơn của ASEAN trong các vấn đề an ninh khu vực. Nếu như trước đây, sự ủng hộ của Mỹ với ARF được xem là “sự thử nghiệm phương thức lãnh đạo mới” của Mỹ với ASEAN, thì sau một thời gian, mô hình cơ chế an ninh đa phương của ASEAN ngày càng phát huy tính hiệu quả, khẳng định được vị thế trong định hình cấu trúc an ninh mới cho toàn khu vực đã làm thay đổi tư duy an ninh của Mỹ về ASEAN. Từ chỗ chỉ coi trọng cơ chế an ninh tay đôi dựa trên mô hình “trục và nan hoa”, dưới thời chính quyền Tổng thống Obama, Mỹ đã coi trọng cơ chế an ninh đa phương của ASEAN và đặt nó ngang tầm với cơ chế song phương. Chính quyền Obama đã tuyên bố rằng: “Washington xem xét ASEAN là đầu mối cho các vấn đề khu vực”(12) và ASEAN là “đối tác thiết yếu”, giữ vai trò trung tâm trong “cấu trúc khu vực mới”. Phía Mỹ nhận định: “Trong số các tổ chức đan xen nhau ngày càng tăng về số lượng trong khu vực, có lẽ tổ chức quan trọng nhất là ASEAN”, và “Mỹ quay trở lại sự tập trung với ASEAN”(13). Mỹ ủng hộ các cơ chế hợp tác an ninh của ASEAN như ARF, EAS, ADMM+, v.v., trong đó có vấn đề Biển Đông; ủng hộ đa phương hóa, quốc tế hóa tranh chấp trên Biển Đông, thẳng thừng bác bỏ các yêu sách “đường lưỡi bò” từ phía Trung Quốc, thắt chặt hơn nữa quan hệ với ASEAN, xác định Đông Nam Á là một trọng tâm, mắt xích quan trọng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Năm là, mục đích cao nhất của MSI là kiềm chế Trung Quốc. Mỹ đã nhận thấy sự “trỗi dậy” của Trung Quốc trong phát triển lực lượng quân đội, nhất là lực lượng hải quân, không quân. Việc nước này triển khai chiến lược “đại dương xanh”, chiến lược “hải quyền”, xây dựng “chuỗi ngọc trai”, bồi đắp trái phép các “đảo nhân tạo” trên biển nhằm mở rộng “không gian sinh tồn”, cùng với những đòi hỏi chủ quyền vô lý ở khu vực Biển Đông đã đe dọa nghiêm trọng tới an ninh khu vực và các lợi ích của Mỹ. Vì vậy, Mỹ từng bước triển khai các hoạt động nhằm đối phó với Trung Quốc. Không chỉ thắt chặt quan hệ với các nước đồng minh, đối tác, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật để nâng cao khả năng giám sát khu vực Biển Đông, Mỹ còn triển khai nhiều hoạt động như coi vấn đề Biển Đông ngang hàng với vấn đề eo biển Đài Loan và bán đảo Triều Tiên: “Đông Bắc Á nổi bật với vấn đề Bán đảo Triều Tiên, và Đông Nam Á là vấn đề Biển Đông”(14) và tuyên bố “quyền đi lại tự do trên Biển Đông và đó là lợi ích quốc gia của Mỹ”(15). Các cuộc tập trận quân sự ở khu vực vì vậy cũng được Mỹ tăng cường: “Khu vực Đông Nam Á đã trở thành khu vực diễn tập quân sự nhiều nhất trên toàn cầu”(16). Điều đáng nói là, Trung Quốc đã trở thành mục tiêu số 1 của Mỹ về tần suất, phạm vi và phương thức do thám. Theo thống kê, năm 2009, Mỹ chỉ thực hiện hơn 260 vụ do thám Trung Quốc, nhưng đến năm 2014, đã lên hơn 1200 vụ (trung bình mỗi ngày 3 vụ)(17), con số này vượt qua mức độ trinh sát của Mỹ đối với Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc ngày 25-11-2016 thì: “quân đội Mỹ đã thiết lập 7 nhóm, gồm nhiều căn cứ quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương, chiếm 50% tổng số căn cứ quân sự của Mỹ ở nước ngoài”(18). Trên cơ sở đó, Mỹ đã xây dựng cơ chế an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương thành bốn cấp độ: Cấp độ 1 là Mỹ - Nhật Bản; Cấp độ 2 là Mỹ - Australia, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines; Cấp độ 3 là Mỹ -

Singapore, Indonesia; Cấp độ 4 là Mỹ và các quốc gia khác. Riêng tại Đông Nam Á, Mỹ đã điều chỉnh, bố trí lại lực lượng và các căn cứ quân sự. Theo đó, Mỹ đã từng bước thiết lập các căn cứ quân sự hay các cơ sở tạm trú tại Thái Lan, Philippines, Singapore và tăng cường quan hệ an ninh với Indonesia, Malaysia và Việt Nam dựa trên các thỏa thuận hợp tác giữa các bên.

Nhìn chung, mục đích sáng kiến MSI đã phản ánh mục tiêu mà chính quyền Tổng thống Obama đã theo đuổi dựa trên 3 trụ cột là ngoại giao, pháp lý và quân sự, cũng như 5 vấn đề cơ bản về Biển Đông là: Luật quốc tế; kiềm chế, ngăn chặn; khuyến khích; cam kết ngoại giao và sử dụng công cụ ASEAN. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Trump lên cầm quyền (1-2017), chính sách an ninh của Mỹ ở khu vực và trong vấn đề Biển Đông đã có sự điều chỉnh đáng kể và mạnh mẽ hơn so với thời Tổng thống Obama. Không chỉ phê bình “Chính quyền Obama đã bất lực trong chính sách về Biển Đông”, Trump còn tuyên bố: “Trung Quốc không nên và không thể lộng hành, muốn làm gì thì làm ở Biển Đông”(19). Trên thực tế, Biển Đông đã trở thành một phần quan trọng trong chiến lược Ấ Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở rộng của chính quyền Trump. Các hoạt động tập trận, tuần tra ở khu vực được Mỹ triển khai theo hướng tăng quy mô và tần suất, quan hệ an ninh với các đối tác trong khu vực cũng được Mỹ đẩy mạnh. Đặc biệt, chính quyền Trump đã đưa ra chủ trương xây dựng chiến lược quốc gia về Biển Đông và đẩy mạnh tăng cường sức mạnh lực lượng hải quân, chuyển hoạt động “trên biển” sang hoạt động “từ biển”, từ “triển khai tuyến đầu” sang “hiện diện tuyến đầu” và “làm chủ trên biển” thay cho “kiểm soát trên biển”, điều đó cho thấy thái độ kiên quyết của Mỹ trong vấn đề Biển Đông trước những hành động lấn tới của Trung Quốc.

4. Đối sách của Việt Nam

Một là, hợp tác an ninh trên biển với Mỹ phải dựa trên Cơ chế đối thoại thường niên về Chính trị - An ninh - Quốc phòng (2008), Cơ chế Đối thoại Chính sách Quốc phòng (2010), nội dung khuôn khổ Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng Việt Nam - Mỹ (2011) và Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam - Mỹ (2015) cũng như thành quả 20 năm quan hệ quốc phòng - an ninh Việt - Mỹ (1995 - 2015) và chuẩn mực, quy định chung của Liên Hợp quốc về an ninh, an toàn hàng hải.

Hai là, cần nhận diện, nắm bắt được chính sách an ninh biển của Mỹ đối với Việt Nam để xây dựng mối quan hệ phù hợp dựa trên lợi ích chung của cả Việt Nam, Mỹ và ASEAN. Về cơ bản, chính sách an ninh biển của Mỹ đối với Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu dựa trên lợi ích vị trí địa chiến lược của Việt Nam trên biển - quốc gia có 3260 km đường bờ biển và chiếm khoảng 1 triệu km2 diện tích Biển Đông. Mỹ muốn thông qua Việt Nam để tăng cường khả năng hiện diện trên Biển Đông, kiềm chế tham vọng và ảnh hưởng của Trung Quốc.

Ba là, Việt Nam cần tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác đối ngoại quân sự quốc phòng với Mỹ để bảo vệ các lợi ích hợp pháp trên biển của Việt Nam. Thời gian qua, tranh thủ sự quan tâm của Mỹ trong vấn đề an ninh, an toàn hàng hải trên khu vực Biển Đông, Việt Nam đã nhận được khá nhiều sự giúp đỡ của Mỹ trong các chương trình, hoạt động viện trợ vũ khí trang bị, giáo dục đào tạo, đặc biệt là những giúp đỡ trong nâng cao năng lực chấp pháp, thực thi pháp luật trên biển cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh vấn đề chủ quyền và lợi ích hợp pháp trên biển liên tục đứng trước những thử thách, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động để bảo vệ những lợi ích hợp pháp trên biển của mình.

Bốn là, tăng cường hợp tác an ninh trên biển với Mỹ trên cơ sở giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, tuân thủ nguyên tắc “ba không” trong quốc phòng. Việt Nam không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia. Việt Nam cần giữ vững nguyên tắc độc lập, tự chủ và dựa vào sức mình là chính để bảo vệ Tổ quốc, đồng thời tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ những lợi ích chính đáng của Việt Nam.

Năm là, trong bối cảnh cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn ở khu vực ngày một gay gắt, vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông có chiều hướng phức tạp hơn, Việt Nam cần xử lý khéo léo, cân bằng các mối quan hệ, tránh xung đột lợi ích với Mỹ và Trung Quốc. Nếu quá thân thiết với Mỹ, Trung Quốc sẽ có các hành động, đặc biệt là trên khu vực Biển Đông vì cho rằng Việt Nam dựa vào nước lớn để chống lại họ. Ngược lại, nếu coi Trung Quốc là quan hệ số 1, Việt Nam sẽ mất nhiều cơ hội trong hợp tác với Mỹ và các nước đồng minh. Vì vậy, bảo đảm cân bằng lợi ích của cả Mỹ và Trung Quốc là cách tốt nhất để Việt Nam tránh khỏi tình trạng bị kẹt giữa các cường quốc.

Tóm lại, MSI là sự tiếp nối việc triển khai chính sách an ninh biển của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á, là một thành tố hỗ trợ chính sách “xoay trục” chuyển trọng tâm sang châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ. Tuy nhiên, việc triển khai MSI không hề đơn giản trong bối cảnh ngân sách quốc phòng Mỹ tiếp tục bị cắt giảm do khó khăn về kinh tế. Bên cạnh đó, Tổng thống Trump sau khi lên nắm quyền đã có sự điều chỉnh chính sách an ninh ở khu vực cũng như trong vấn đề Biển Đông trước bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết liệt hơn trong đòi hỏi chủ quyền trên biển tại đây.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2020

(1) Prashanth Parameswran: “US Launches New Maritime Security Initiative at Shangri-La Dialogue 2015”, The Diplomat, đăng ngày 2-6-2015.

(2) Prashanth Parameswran: “US Kicks off New Maritime Security Initiative for Southeast Asia”, The Diplomat, đăng ngày 2-4-2016.

(3) Nguyễn Thị Huệ: Về tham vọng của Mỹ đối với eo biển Malacca, Tạp chí Kiến thức Quốc phòng Hiện đại, số 10 - 2004, tr.29.

(4) Sáng kiến an ninh Công ten nơ của Mỹ, https://www.customs.gov.vn/Lists/TinHoatDong/ViewDetails.aspx?ID=17486&Category=Tin%20n.

(5) Những nước ASEAN nào nằm trong Sáng kiến An ninh Hàng hải Mỹ 2016, https://vov.vn/the-gioi/nhung-nuoc-asean-nao-nam-trong-sang-kien-an-ninh-hang-hai-my-2016-510016.vov.

(6) Mỹ giảm chi hỗ trợ an ninh cho Đông Nam Á, https://thanhnien.vn/the-gioi/my-giam-chi-ho-tro-an-ninh-cho-dong-nam-a-699343.html.

(7) Nguyễn Văn Lập: Một số vấn đề xung quanh Hiệp định tăng cường hợp tác quốc phòng Mỹ - Philippines, Tạp chí Kiến thức Quốc phòng Hiện đại, số 8 - 2014, tr.44.

(8), (10) Nguyễn Xuân Khu: Đánh giá chiến lược chuyển trọng tâm sang châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ từ đầu năm 2012 đến nay, Tạp chí Quan hệ quốc phòng, quý III/2013, tr.50, 49.

(9), (17), (18) Phạm Ngọc Thắng: Sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương qua cách nhìn của Trung Quốc, Tạp chí Kiến thức Quốc phòng Hiện đại, số 1 - 2017, tr.55, 54, 54.

(11), (13) Kurt M. Campbell (Nguyễn Hồng Quang, Nguyễn Văn Sảnh, Nguyễn Thu Phương, Nguyễn Tuấn Linh dịch và hiệu đính): Xoay Trục: Tương lai nghệ thuật lãnh đạo của Mỹ ở châu Á, in lần thứ 1, Nxb Trẻ TP.Hồ Chí Minh, 2017, tr.370, 385-386.

(12), (14) Đặng Đình Quý (chủ biên): Tranh chấp Biển Đông luật pháp, địa chính trị và hợp tác quốc tế, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2012, tr.53, 54.

(15) Trần Khánh: Vai trò của ASEAN trong ngăn ngừa xung đột ở Biển Đông, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 10 - 2012, tr.5.

(16) Quang Huy: Mỹ quay trở lại Đông Nam Á có tác động thế nào đối với an ninh Biển Đông, Tạp chí Quan hệ quốc phòng, số 1 - 2011, tr.38.

(19) https://vn.sputniknews.com/opinion/20190

2057010820-chinh-sach-bien-dong-thoi-ong-trump-my-co-lam-nen-chuyen-voi-trung-quoc-viet-nam-se-ra-sao/.

TS Trần Tuấn Sơn

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Thiếu tá, ThS Vũ Đức Tho

Trường Sĩ quan Chính trị - Bộ Quốc phòng

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền