Trang chủ    Thực tiễn    Một số kết quả nổi bật trong công tác trường chính trị, trường bộ, ngành năm 2020
Thứ hai, 18 Tháng 1 2021 16:40
1504 Lượt xem

Một số kết quả nổi bật trong công tác trường chính trị, trường bộ, ngành năm 2020

(LLCT) - Năm 2020, là năm thứ 2 thực hiện Quy định số 09-QĐi/TW của Ban Bí thư, với sự phối hợp hiệu quả của các tỉnh ủy, thành ủy, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tiếp tục tập trung chỉ đạo đổi mới đồng bộ, toàn diện công tác trường chính trị, trường bộ, ngành: bổ sung, hoàn thiện nội dung chương trình, giáo trình; tăng cường quản lý hệ thống, hướng dẫn chuyên môn; hoàn thiện thể chế công tác trường chính trị…Nhờ đó, các trường chính trị, trường bộ, ngành đạt được những kết quả khá toàn diện, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở.

1. Những kết quả nổi bật

Thứ nhất, tập trung đổi mới, hoàn thiện nội dungchương trình, giáo trìnhtrung cấp lý luận chính trị, các chương trình bồi dưỡng cấp ủy cơ sở

Một trong nhữngnhiệm vụ trọng tâm của Học viện trong công tác trường chính trị năm 2020là tập trung triển khai xây dựng khung chương trình, biên soạn giáo trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở (hệ Trung cấp lý luận chính trị); chương trình và tài liệu Bồi dưỡng cấp ủycơ sở;Bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp cơ sở. Trong đó, chương trình, giáo trìnhđào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở (hệ Trung cấp lý luận chính trị)được nghiên cứu xây dựng theo hướng đổi mới toàn diện, tăng cường nội dung lý luận, giảm nghiệp vụ cụ thể; tăng cường trao đổi, thảo luận, giảm thuyết trình; phân chia lại kiến thức trong chương trình thành các khối kiến thức và học phần; điều chỉnh lại tên các bài học, chuyên đề báo cáo...Đểngay sau Đại hội XIIIcủa Đảng, trên cơ sở cập nhật quan điểm, chủ trương mới của Văn kiện Đại hội, chương trình, giáo trình sẽ được nghiệm thu.

Ngày 18-9-2020, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh kýQuyết định số 3263-QĐ/HVCTQG ban hành Chương trình Bồi dưỡng cấp ủy cơ sở. Học viện đã xuất bản và phát hành tài liệu Bồi dưỡng cấp ủy cơ sở.Mỗi chuyên đề được xây dựng nhằm cung cấp phương pháp luận, cơ sởchính trị, pháp lý để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra. Nội dung các chuyên đềcập nhật được những vấn đề lý luận, thực tiễn mới; quy trình, các bước thực hiện, kỹ năng, nghiệp vụ công tác đảng của cấp ủy viên cơ sở…

Trên cơ sở sơ kết việc tổ chức biên soạn tập bài giảng tình hình, nhiệm vụ địa phương (hoặc ngành),ngày 18-9-2020, Giám đốc Học viện ban hành Hướng dẫn số 313-HD/HVCTQGvềbiên soạn tập bài giảng “Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, phát triển địa phương (hoặc ngành)” trong Chương trình Trung cấp Lý luận chính trị bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, sát mục tiêu đào tạo, phù hợp với thực tiễn của từng địa phương (hoặc ngành), cập nhật được nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp. Hướng dẫn của Học viện ban hành lần này có nhiều nội dung được đổi mới: thay đổi tên học phần; bổ sung mục tiêu của học phần; thay đổi cơ cấu chuyên đề, bổ sung chuyên đề mới: Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Việc triển khai thực hiệnbài bản, khoa học, nghiêm túc, đồng bộ: từ khâu xây dựng kế hoạch, khảo sát(lấy ý kiến của học viên, giảng viên, ban giám hiệu các trường chính trị, một số cấp ủyđịa phương từ cấp xã đến cấp huyện), xây dựng khungchương trình, đề cương, lấy ý kiếnphản hồi về dự thảo.Học viện đã huy động các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm thực tiễn,lãnh đạo, giảng viên các trường chính trị tham giaxây dựng chương trình, biên soạn giáo trình, tài liệu bồi dưỡng. Cáctrường chính trị được Học viện và các tỉnh ủy, thành ủygiao nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện thống nhất chương trình bồi dưỡng cấp ủy cơ sở do Học viện ấn hành.         Những đổi mới đó vừa bảo đảm nội dung chương trình, giáo trình, tài liệu có tính khoa học, cập nhật, hiện đại, phù hợp các đối tượng, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn mới; vừa thể hiện được vai trò quản lý hệ thống của Học viện trong công tác trường chính trị nói chung, công tác xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình, tài liệu bồi dưỡng nói riêng.

Thứ hai, tăng cường quản lý hệ thống, hướng dẫn chuyên môn đối với các trường chính trị, trường bộ, ngành

Trong năm 2020, các đoàn công tác của Ban Giám đốcHọc viện đã làm việc với tỉnh ủyvà trường chínhcác tỉnh:Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh… về việc triển khai thực hiện các quy định, kết luận của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Riêng với việc thực hiện Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13-11-2018 của Ban Bí thư (khóaXII) về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sau khi Đoàn công tác của Ban Giám đốc Học viện làm việc với Thành ủyThành phố Hồ Chí Minh, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy theo đúng quy định của Trung ương về công tác trường chính trị, có tính tới các yếu tố đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh và Học viện Cán bộ Thành phố. Đây là một thành công lớn của Học viện thể hiện rõ nét sự chỉ đạo, quản lý có tính hệ thống, công tác phối hợp chặt chẽ giữa Học viện và các tỉnh ủy, thành ủy.

Đoàn công tác của Ban Giám đốc Học viện tham dự 10 Hội nghị tổng kết phong trào thi đua năm 2020 và Tổng kết 05 năm tổ chức và hoạt động của Cụm thi đua giai đoạn 2015-2020 của 10 cụm thi đua, ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được, nắm bắt khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức phong trào thi đua, các đề xuất, kiến nghị của các trường, các cụm để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho các trường.

Học viện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt công tác quản lý hoạt động đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính của các trường bộ, ngành. Trên cơ sở kiểm tra, rà soát, nắm tình hình, tổng hợp báo cáo kết quả công tác đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính từ năm 2018 đến nay của 11 trường bộ, ngành, Giám đốc Học viện ban hành Công văn số 1395-CV/HVCTQG về một số yêu cầu về công tác đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Theo đó, yêu cầu các trường bộ, ngành thực hiện đúng, đủ nội dung chương trình, thời gian đào tạo và tuân thủ nghiêm quy chế quản lý đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính.

Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện thể chế công tác trường chính trị

Để có cơ sở hoàn thiện thể chế công tác trường chính trị trên các lĩnh vực, đáp ứng kịp thời yêu cầu tình hình mới, Học viện chú trọng công tác tổng kết, sơ kết các mặt công tác trường chính trị: Tổ chức sơ kết, đánh giá 02 năm thực hiện Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13-11-2018 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tổng kết 05 năm tổ chức và hoạt động của Cụm thi đua các trường chính trị cấp tỉnh, trường bộ, ngànhgiai đoạn 2015-2020; Sơ kết triển khai thực hiện Quy chế quản lý đào tạo (ban hành kèm theo Quyết định số 2252-QĐ/HVCTQG ngày 2-5-2019)và Quy chế quản lý hoạt động bồi dưỡng (ban hành kèm theo Quyết định số 4874-QĐ/HVCTQG ngày 30-9-2020);tham giatổng kết Quy định số 256-QĐ/TW ngày 16-9-2009 của Ban Bí thư về xác định trình độ lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên và các văn bản quy định về tiêu chuẩn, đối tượng và phân cấp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị (2009-2020), trên cơ sở đó tham mưu cho Ban Bí thư về vấn đề xác định trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên giai đoạn sắp tới… Trên cơ sở các kết quả sơ kết, Học viện kịp thời nắm bắt những thuận lợi, khó khăn vướng mắc; những nội dungchưa phù hợp, bất cập của quy địnhhiện hành. Kết quả sơ kết là cơ sở thực tiễn quan trọng để Học viện tiếp tụcđổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo cáctrường chính trị sát thực tiễn hơn, tổ chức hướng dẫn các trường chính trị kịp thời và hiệu quả hơn, tăng cườngquản lý hệ thống của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với các trường chính trị trên cả nước nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.

Ngày4-11-2020, Giám đốc Học viện ban hành Kế hoạch số 406-KH/HVCTQG triển khai xây dựng Quy định tiêu chí trường chính trị chuẩn và quy trình công nhận trường chính trị chuẩn.Để bảo đảm tính khả thi, sát thực tiễn, Học viện đặc biệt chú trọng các hoạt động khảo sát, lấy ý kiến góp ý của các trường chính trị và các cơ quan, đơn vị liên quan vào Dự thảo Quy định.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế đã có nhiều đổi mới theo hướng chủ động, quyết liệt trong tham mưu; chặt chẽ, linh hoạt trong phối hợp; phát huy tối đa sự tham gia của các trường chính trị, trường bộ, ngành, nhằm tạo thể chế tốt nhất để nâng cao chất lượng toàn diện các mặt công tác, hướng đến xây dựng trường chính trị chuẩn.

Thứ tư, hoạt động nâng cao chất lượng cán bộ, giảng viên của các trường chính trị, trường bộ, ngành

Năm 2020, Học viện tiếp tục đẩy mạnhđổi mới về nội dung chương trình và cách thức tổ chức thực hiện các lớptập huấn, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên trường chính trị cấp tỉnh, trường bộ, ngành. Học viện đã xây dựng các chương trình tập huấn, bồi dưỡng cho từng đối tượng cụ thể: Ban Giám hiệu; cán bộ lãnh đạo, quản lý khoa, phòng; cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý đào tạo của trường chính trị, trường bộ, ngành. Nội dung chương trình được thiết kế theo hướng chú trọng tính cập nhật và kỹ năng, phương pháp; không bị trùng lắp, vừa cập nhật kiến thức lý luận, thực tiễn, vừa bồi dưỡng kỹ năng công tác cụ thể, sát hợp yêu cầu của người học.

Việctổ chức thực hiện chương trình tập huấn, bồi dưỡng có nhiều đổi mới theo hướng tăng cường kết nối với các trường trước, trong và sau tập huấn; chú trọng mời giảng viên, báo cáo viên là các đồng chí lãnh đạo Học viện, lãnh đạo các viện chuyên ngành, các chuyên gia thực tiễn tâm huyết, giàu kinh nghiệm. Các chuyến đi nghiên cứu thực tế của lớp tập huấn, bồi dưỡng gắn với các đơn vị, địa phương có mô hình tiêu biểu, điển hình; các chuyên đề báo cáo thực tế mang tính cập nhật cao...  Kết thúc mỗi lớp tập huấn, bồi dưỡng, Học viện đều lấy ý kiến phản hồi của người học để đánh giá chất lượng chương trình, bài giảng, các đề xuất, kiến nghị từ các trường, làm cơ sở để định hướng nội dung bồi dưỡng trong thời gian tiếp theo.

Năm 2020, Học viện đã tổ chức13lớp bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho 637 lượtcán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên trường chính trị, trường bộ, ngành; 03 lớp Bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minhcho giảng viên trường chính trị các tỉnh: Đắk Lắk, Lào Cai, Nghệ An; 03 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch dành cho ban giám hiệu; trưởng, phó trưởng khoa, phòng; đội ngũ giảng viên các trường chính trị; hướng dẫn các trường chính trị thành lập các Tổ thực hiện Nghị quyết 35,lập chuyên trang "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng" trên website nhà trường(1)

Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Học viện, các trường chính trị, trường bộ, ngành đã đổi mới đồng bộ các khâu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, từ công tác tuyển sinh, mở lớp, quản lý học viên, thực hiện nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức giảng dạy… Các trường chính trị đã tổ chứctổng số 3.118lớp đào tạo, bồi dưỡng với 268.945học viên (tăng 121,84% về số lớp, 135,82% về số học viên so với năm 2019), đáp ứng yêu cầu chuẩn hoá trình độ lý luận chính trị cho công tác nhân sự đại hội cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, nhiều trường thực hiện tốt việc đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng. Một số trường đã chủ động xây dựng các chương trình, đề án trình tỉnh ủy, thành ủy phê duyệt, như: Đề án phát triển trường đến năm 2030 và những năm tiếp theo của Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng; Đề án tổng thể phát triểnTrường Chính trị Nguyễn Văn Linh (tỉnh Hưng Yên) giai đoạn 2020-2030 và những năm tiếptheo; Đề án xây dựng chương trình bồi dưỡng cán bộ chủ chốt ở cơ sở của Trường Chính trị tỉnh Nghệ An… Do vậy đã tập trung được nguồn lực cao nhất cho triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Nhiệm vụ bồi dưỡng đã được các trường đã thực hiện tốt, với các loại hình lớp phong phú, đa dạng, như: bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạchchuyên viên, chuyên viên chính;bồi dưỡng cán bộ chủ chốt của hệ thống chính trị cơ sở;bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng, chính quyền, đoàn thể; chương trình bồi dưỡng theo chức danh;các lớp cập nhật kiến thức, bồi dưỡng cán bộ dự nguồn… Đặc biệt, nhiều trường đã đảm nhận và tổ chức thành công các chương trình bồi dưỡng mới và khó, như: bồi dưỡng cán bộ dự nguồn cấp ủy cấp huyện (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội…); bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo nữ, cán bộ dân tộc thiểu số (Yên Bái, Tiền Giang, An Giang)...

Một sốtrường chính trị tỉnh, thành phố đã khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất,tăng cường mở các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính bằng hình thức đào tạo tập trung tại trường.Việc thực hiện nội dung chương trình, giáo trình, quy chế, quy định về quản lý đào tạo được các trường thực hiện theo đúng quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Cáctrường đãthực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều biện pháp đổi mới công tác quản lý đào tạo; đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, hiện đại, tăng cường kiểm tra việc dạy, học, thăm lớp, dự giờ, lấy ý kiến phản hồi từ người học. Công tác kiểm tra, đánh giá ngày càng chặt chẽ, nền nếp, nghiêm túc, toàn diện, thực chất hơn.

Hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của các trường chính trị đã có những đóng góp quan trọng cho việc hoạch định chủ trương, chính sách của địa phương và phục vụ có hiệu quả cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số hạn chế, bất cập đòi hỏi Học viện và các trường chính trị, trường bộ, ngành tập trung khắc phục, đó là:

Học viện chưa ban hành được đầy đủ các khung chương trình, tài liệu bồi dưỡng nên các trường chính trị gặp một số khó khăn trong công tác tổ chức mở lớp(2).Việc theo dõi, kiểm tra thực hiện nội dung chương trình; quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng và các quy định, hướng dẫn của Học viện có liên quan còn chưa thường xuyên. Công tác hướng dẫn các trường triển khai nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn chưa được coi trọng đúng mức. Việc bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho cán bộ giảng viên các trường còn hạn chế.

 Một số trường chưa thực hiện nghiêm quy chế quản lý đào tạo về quy mô, độ tuổi học Trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Số lượng lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính với hình thức đào tạo tập trung tại trường còn chiếm tỷ lệ thấp so với các lớp không tập trung.

Một số trường chưa quan tâm chỉ đạo việc bổ sung, cập nhật kiến thức mới, nhất là tinh thần Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII vào bài giảng. Công tác kiểm tra, đánh giá giảng viên có lúc, có nơi chưa thường xuyên, kịp thời, chưa thực sự tạo động lực cho giảng viên phấn đấu nâng cao trình độ.

Số lượng đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cấp bộ còn quá ít, chất lượng nghiên cứu chưa cao. Việc tham gia vàotổng kết thực tiễn, tư vấn hoạch định chủ trương, chính sách chođịa phươngcòn hạn chế, chưa có nhiều đóng góp vàoxây dựng nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh, thành phố.

2. Một số nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chất lượng công tác trường chính trị trong thời gian tới

-Đối với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Tiếp tục đổi mới đồng bộ, toàn diện nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng các mặt công tác trường chính trị; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn của Học viện đối với các trường chính trị, trường bộ, ngành. Hoàn thiện đồng bộ thể chế về công tác trường chính trị,bám sát thực tiễn là khâu đột phá; xây dựng chương trình,giáo trình là nhiệm vụ trọng tâm; đào tạo,bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, giảng viên các trường chính trị, trường bộ, ngànhlà nhiệm vụ then chốt. Sớm hoàn thành việc xây dựng, hoàn thiện dự thảo Quy địnhtiêu chí trường chính trị chuẩn và quy trình công nhận trường chính trị chuẩn trình Ban Bí thư bảo đảm đúng tiến độ. Hướng dẫn các trườngxây dựng đề án trường chính trị chuẩn.

Đẩy mạnh kết nối hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị cấp tỉnh, trường bộ, ngành, trung tâm chính trị cấp huyện. Tổ chức các đoàn công tác của lãnh đạo Học viện làm việc với các tỉnh ủy, thành ủy,  trường chính trị về công tác trường chính trị và một số mặt công tác khác. Trên cơ sở đó, tăng cường chỉ đạo, quản lý, kết nốihệ thống, phát huy ngày càng hiệu quả vai trò của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung, công tác trường chính trị nói riêng. Hoàn thành việc triển khai cầu truyền hình trực tuyến giữa Học viện và các trường chính trị cấp tỉnh.

Tập trung hoàn thiện chương trình, giáo trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở (hệ Trung cấp lý luận chính trị) theo phương châm cơ bản, hệ thống, thực tiễn, hiện đại, đặc biệt bảo đảm cập nhật nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tổ chức thẩm định, xuất bản tập bài giảng Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, phát triển địa phương đúng quy trình, bảo đảm chất lượng; kịp thời đưa vào tổ chức giảng dạy đồng bộ với giáo trình Trung cấp lý luận chính trị. Xây dựng và ban hành một số chương trình bồi dưỡng: bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ thuộc diện ban thường vụ huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy thuộc tỉnh và tương đương quản lý (đối tượng 4); chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp cơ sở…

Tiếp tục hoàn thiện quy chế quản lý đào tạo, quy chế quản lý hoạt động bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hướng dẫn các trường chính trị, trường bộ, ngành thực hiện nghiêm các quy chế, quy định, hướng dẫn của Học viện nhằmtăng cường kỷ cương, nền nếp trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.

Tăng cường các hoạt động hướng dẫn các trường đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Chú trọng việc hướng dẫn cách thức xây dựng đề tài bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương; cách thức quản lý, triển khai các nhiệm vụ khoa học.Vụ Các trường chính trị tỉnh phát huy vai trò là cầu nối giữa các đơn vị nghiên cứu của Học viện với các trường chính trị trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên trường chính trị được tham gia các hoạt động khoa học của Học viện.

Tiếp tục thực hiện có chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ về xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên các trường chính trị tỉnh theo Đề án nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2019 - 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Đề án 587). Trong đó, đặc biệt chú trọng bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và giảng viên các trường chính trị cấp tỉnh.

- Đối với các trường chính trị tỉnh, thành phố, trường cán bộ của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương

Các trường chính trị, trường bộ, ngành tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đổi mới nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn nhằm phục vụ có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, tham mưu tư vấn, hoạch định chính sách cho địa phương. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn mới.

Chủ động tham mưu cho tỉnh ủy, thành ủy xây dựng đề án trường chính trị chuẩn. Tập trung hoàn thiện các tiêu chí về thể chế; đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ giảng viên; đào tạo, bồi dưỡng; nghiên cứu khoa học; cơ sở vật chất - kỹ thuật; văn hóa trường Đảng.

Thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo, hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về chuyên môn, nghiệp vụ và các công tác khác có liên quan, nhất là việc thực hiện chương trình, quy chế quản lý đào tạo, bảo đảm đủ giáo trình cho học viên do Học viện phát hành. Triển khai các lớp bồi dưỡng chức danh cho cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở sau khi đại hội đảng các cấp tổ chức thành công. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giảng dạy, học tập.

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, tích cực tham gia tư vấn chính sách cho các tỉnh ủy, thành ủy, lãnh đạo bộ, ngành, thể hiện rõ vai trò là một cơ quan nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Bên cạnh những đề tài phục vụ giảng dạy, học tập, chú trọng nghiên cứu những đề tài phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Các trường, các cụm thi đua triển khai có hiệu quả phong trào thi đua giai đoạn 2020-2025“Đoàn kết - Kỷ cương - Gương mẫu - Sáng tạo - Hiệu quả” và kế hoạch hoạt động thi đua giai đoạn 2020 - 2025,bảo đảm hoạt độngthi đua thực sự thiết thực, thực chất, có sức lan tỏa, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và các mặt công tác khác của nhà trường.

Tham gia tích cực và có chất lượng Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố lần thứ VII do Học viện tổ chức tại Bắc Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu.

__________________

(1) An Giang, Bến Tre, Bình Phước, Kiên Giang, Kon Tum, Long An, Nghệ An, Ninh Thuận, Quảng Trị, Yên Bái.

(2) Chương trình cập nhật kiến thức bồi dưỡng cán bộ thuộc diện ban thường vụ huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy thuộc tỉnh và tương đương quản lý (đối tượng 4); chương trình bồi dưỡng theo chức danh cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở

ThS Lê Minh Phương

Tạp chí Lý luận chính trị

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền