Trang chủ    Thực tiễn    Thực trạng xung đột đất đai vùng dân tộc thiểu số ở nước ta
Thứ năm, 21 Tháng 1 2021 10:03
7001 Lượt xem

Thực trạng xung đột đất đai vùng dân tộc thiểu số ở nước ta

(LLCT) - Trong những năm qua, do chính sách, pháp luật về đất đai của Nhà nước còn nhiều bất cập so với thực tiễn; công tác quản lý đất đai ở một số địa phương còn lỏng lẻo... đã dẫn đến các vụ việc xung đột đất đai nói chung, xung đột đất đai vùng dân tộc thiểu số nói riêng, gây ra những điểm nóng chính trị - xã hội phức tạp. Bài viết tập trung làm rõ thực trạng xung đột đất đai ở vùng dân tộc thiểu số Việt Nam hiện nay thông qua phân tích 5 hình thức xung đột đất đai chủ yếu, những nguyên nhân, yếu kém trong quản lý đất đai.

Ảnh minh họa

Từ khóa: xung đột đất đai, vùng dân tộc thiểu số.

1. Các loại hình xung đột đất đai vùng dân tộc thiểu số

Qua nghiên cứu, khảo sát thực tế cho thấy xung đột đất đai ở vùng dân tộc thiểu số có những hình thức chủ yếu sau:

Thứ nhất, xung đột liên quan đến đền bù, giải tỏa, giải phóng mặt bằng, tái định cư trong quá trình triển khai các dự án kinh tế

Hiện nay, ở tất cả các vùng tộc người thiểu số, tuy nhiều ít khác nhau nhưng đều có các dự án kinh tế được triển khai. Chính quyền các địa phương đều cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư. Việc tiến hành giải phóng mặt bằng thông qua đền bù đất đai, tái định cư là một công việc khó khăn, không chỉ ở vùng tộc người thiểu số mà trên quy mô toàn quốc. Thực tế cho thấy, nơi nào mời gọi đầu tư nhiều, càng giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa, tái định cư càng nhiều, càng tăng nguy cơ xung đột đất đai.

Lào Cai là một tỉnh miền núi phía Tây Bắc có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao thứ hai trong 14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Cùng với tốc độ phát triển đó, Lào Cai đứng trước nhiều thách thức trong đó có những vấn đề liên quan đến xung đột đất đai. Ngoài những vấn đề tương tự như các tỉnh Tây Bắc khác thì đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư là vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong nhân dân. Có thể thấy, ở đâu có đền bù giải phóng mặt bằng, có dự án phát triển là có mâu thuẫn, có khiếu kiện về đất đai.

Ở Tây Nguyên, việc đền bù giải phóng mặt bằng để xây dựng đường dây truyền tải điện chỉ đạt từ 50 đến 70% giá trị thực, trong đó bồi thường rừng, hoa màu trên đất mang tính cào bằng khiến cho người dân thiệt thòi, bức xúc. Những chậm trễ, sai phạm trong quá trình giải phóng mặt bằng lại chưa có chế tài để quy trách nhiệm. Vì vậy, quyền lợi của người dân bị thiệt thòi mà tiến độ dự án cũng khó đảm bảo.

Tại Kon Tum, tuyến kết nối từ đường Hồ Chí Minh đi quốc lộ 24 và tuyến tránh đường Hồ Chí Minh qua thành phố Kon Tum là hai dự án giao thông trọng điểm của tỉnh Kon Tum trong năm 2018. Hiện cả hai dự án này đều chưa thể khởi công xây dựng do công tác lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng có nhiều sai phạm. Điển hình là việc cán bộ lập phương án đền bù với “giá trên trời”, có biểu hiện trục lợi, móc nối chuyển nhượng đất đai, tác động vào việc không công nhận giá đất đích thực tạo ra điểm nóng trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Sự việc nghiêm trọng đến mức tháng 9-2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum phải chấm dứt hiệu lực quyết định phê duyệt giá đất, dừng phương án bồi thường để thực hiện lại(1).

Ở An Giang, do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và nhu cầu sử dụng đất của người dân tăng lên, đất đai ngày càng có giá trị làm phát sinh các tranh chấp, nhất là việc tranh chấp đất đai liên quan đến bà con người Khmer. Mặt khác, do việc cho thuê, mượn, cầm cố đất đai, việc trưng dụng, trưng thu, trưng mua, thu hồi đất không có quyết định, chưa hoặc đã bồi thường nhưng không lưu giữ hồ sơ nên thiếu cơ sở xác định... làm cho tình trạng tranh chấp đất gia tăng. Số vụ việc mang tính chất phức tạp, gay gắt chiếm tỷ lệ cao. Do đó, trong nhiều năm, nhất là giai đoạn từ năm 2010 trở về trước, trên toàn Tỉnh có trên dưới 100 quyết định giải quyết tranh chấp đất đai có hiệu lực pháp luật phải thực hiện. Trong đó có sự kiện điển hình là bà con người Khmer ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên đồng loạt “đòi đất”, gây ra điểm nóng chính trị - xã hội vào năm 2000 - 2001.

Thứ hai, xung đột đất đai liên quan đến điều chỉnh địa giới, mốc giới hành chính

Việc tách, nhập tỉnh, huyện, xã về mặt hành chính đặt ra những thách thức không nhỏ về quản lý đất đai, nhất là ở địa bàn Tây Bắc, nơi có nhiều tỉnh, huyện, xã bị chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính. Ở tỉnh Điện Biên, hiện nay trong số 13 điểm tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính đã có 10 điểm có phương án giải quyết và 3 điểm chưa có phương án giải quyết. Khi xảy ra tranh chấp, các cấp ủy, chính quyền đã bàn bạc, thống nhất phương án thực hiện để hạn chế các điểm nóng xảy ra. Mặc dù vậy, vẫn xảy ra những xung đột gay gắt, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn, đến sản xuất và đời sống của bà con đồng bào tộc người thiểu số.

Huyện Mường Nhé từ khi thành lập huyện năm 2002 đến nay cũng có nhiều vụ xung đột đất đai liên quan đến việc chia tách huyện, chia tách xã. Khi chia tách đơn vị hành chính có những hộ dân ở bên xã này nhưng lại cắt đất cho xã khác, do đó, trong quá trình sản xuất xảy ra tranh chấp. Ở bản Na Su, xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông đã xảy ra tranh chấp đất đai do điều chỉnh địa giới hành chính từ năm 2000 nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết xong.

Năm 2000, nhân dân hai bản Na Su và bản Huổi My, xã Sam Kha, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La xảy ra tình trạng xâm canh, tranh chấp 80 ha đất nương và 2 ha đất ruộng của bản Na Su khai hoang trước đó. Có thể thấy, xung đột đất đai, bên cạnh nguyên nhân nhận thức hạn chế của người dân còn có nguyên nhân từ tình trạng du canh, du cư tự do của một bộ phận dân cư.

Thứ ba, không xác định được quyền sử dụng đất, ranh giới nương rẫy trong quá trình canh tác, không cấp được sổ đỏ hoặc cấp sai, chồng lấn

Việc quản lý đất đai không chặt chẽ, sự mơ hồ về nguồn gốc đất đai, đất không cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc đất cấp trong sổ không đúng thực tế, đất đai không có giấy tờ; một bộ phận người dân còn thiếu hiểu biết, thờ ơ với việc đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, năng lực cán bộ quản lý đất đai yếu kém, việc thay đổi ranh giới các địa phương liên tục... là những vấn đề đặt ra từ lâu, chậm được giải quyết, là căn nguyên dẫn đến xung đột, khiếu kiện kéo dài, gây mất an ninh trật tự đời sống.

Theo số liệu của Ủy ban nhân dân xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên, trên địa bàn còn đến 70% số hộ chưa làm được sổ đỏ. Từ năm 2007 đến nay, trên địa bàn Tỉnh xảy ra gần 2.500 vụ tranh chấp, trong đó có 86 vụ liên quan đến địa giới hành chính, còn lại là tranh chấp đất đai trong nhân dân. Từ năm 2016 đến nay có hơn 40 vụ tranh chấp phức tạp về đất đai, trong đó gây chết 4 người, bị thương nặng 6 người; nhiều vụ có tính chất tập thể kéo dài tới hàng chục năm(2). Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu vẫn là từ lợi ích kinh tế và do công tác quản lý đất đai ở cơ sở còn nhiều yếu kém, có nơi bị buông lỏng, thậm chí còn giải quyết tùy tiện, sai pháp luật.

Tại tỉnh Sơn La, nhiều vụ tranh chấp đất kéo dài hàng chục năm. Điển hình như vụ tranh chấp đất giữa người dân bản Huổi My, xã Sam Kha, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La và người dân bản Na Su, Chua Ta A, Chua Ta B (xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) kéo dài tới 30 năm; nhiều lần xảy ra ẩu đả, xô xát, đốt lán nương, thậm chí nổ súng, nổ mìn... giữa người dân hai bên. Các huyện vùng sâu, vùng xa như các huyện 30a, tỷ lệ cấp giấy ở vùng sâu, vùng xa như đất nương rẫy của các hộ hoặc đất ở nông thôn của các bản, nếu phải thực hiện nghĩa vụ tài chính thì người dân cũng không mặn mà về việc lấy giấy chứng nhận. Vì vậy, cũng có một số huyện tồn lại một số giấy chứng nhận đã ký nhưng chưa trao cho những người sử dụng đất.

Ở tỉnh Yên Bái, mỗi năm, một huyện lớn như Văn Yên cấp khoảng 2.500 - 3.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chủ yếu cấp cho người dân các xã vùng thấp, còn ở các xã vùng cao rất ít; có xã có năm chỉ cấp được 5 đến 7 sổ đỏ. Do thủ tục làm sổ đỏ vẫn còn phức tạp nên người dân chưa tự giác đi làm.

Thứ tư, xung đột về quyền trong quản lý đất đai (giữa luật tục, tập quán và pháp luật về đất đai)

Nếu như ở Tây Bắc, vẫn còn tình trạng du canh, du cư tự do, đốt rừng thì ở Tây Nguyên tình hình phức tạp hơn. Một mặt, phương thức quản lý đất đai của các tộc người thiểu số Tây Nguyên theo sở hữu cộng đồng, là đặc trưng của chế độ mẫu hệ. Chế độ mẫu hệ cản trở quá trình tham gia bình đẳng của người đàn ông vào các quá trình kinh tế, gây khó khăn cho việc thực hiện pháp luật trong vận hành nền kinh tế ở Tây Nguyên. Mặt khác, việc đổi mới cơ chế quản lý chuyển đổi sang mô hình các công ty nông, lâm nghiệp (từ năm 2003) vẫn mang tính hình thức, chưa tách biệt rõ ràng giữa chức năng kinh tế với chức năng hành chính. Hiện nay, nhiều nông, lâm trường, công ty từ chối nhận thêm đất hoặc vì không đủ năng lực sản xuất, hoặc vì chưa thể hoàn chỉnh được hồ sơ để làm thủ tục giao đất, thuê đất, cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Vì vậy, một diện tích không nhỏ đất đai còn để hoang hóa, trong khi nhiều người dân đang thiếu đất sản xuất.

Tình trạng yếu kém về quản lý đất đai ở Tây Nguyên là nguyên nhân chủ yếu làm cho nguy cơ xung đột xã hội tăng lên.

Với quỹ đất có hạn, nhu cầu sử dụng đất cho phát triển kinh tế - xã hội tăng nhanh, việc thiếu một cơ chế quản lý đúng đắn làm cho giá đất thực và giá đất ảo tăng cao. Trong bối cảnh đó, việc đền bù, thu hồi đất ở nhiều nơi không minh bạch, thiếu hợp lý, không công bằng, tình trạng tham nhũng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai, giải quyết đền bù... đã tạo ra những mâu thuẫn, xung đột, tranh chấp đất đai gay gắt hơn giữa các nhóm dân cư, hoặc giữa nhân dân và chính quyền. Từ sau năm 1975 đến nay, những vụ tranh chấp đất đai lớn nhỏ ở Tây Nguyên có thể lên đến hàng nghìn vụ. Khiếu nại về đất đai chiếm đến 95% số đơn khiếu nại(3). Tính đến hết năm 2018, theo số liệu khảo sát thực tế, trên địa bàn Tây Nguyên vẫn diễn ra khoảng 90 vụ tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai đang giải quyết(4).

Từ thực trạng và thách thức trên cho thấy việc đảm bảo nhu cầu đất sản xuất, nhất là quyền quản lý sử dụng rừng và đất rừng cho hộ gia đình và không gian văn hóa rừng cho cộng đồng là vấn đề đặc biệt quan trọng. Cơ cấu xã hội-tộc người, văn hóa truyền thống và tập quán sản xuất của mỗi cộng đồng tộc người ở Tây Nguyên đều gắn bó mật thiết với rừng. Việc đảm bảo “không gian sinh tồn”, không gian văn hóa gắn với rừng và đất rừng cho cộng đồng để bà con không “thiếu đất” sản xuất là điều kiện tiên quyết cho quản lý xung đột xã hội và sự phát triển bền vững Tây Nguyên.

Nếu ở Tây Bắc, Tây Nam Bộ, người dân nói chung, đồng bào các tộc người thiểu số nói riêng sử dụng đất theo tập quán thì ở Tây Nguyên chủ yếu theo luật tục. Vấn đề đặt ra là tập quán và luật tục đã từng tồn tại qua nhiều đời đến nay đã không còn phù hợp với quy định của pháp luật. Hơn nữa, hệ thống pháp luật đất đai không những không bao chứa được những vấn đề của tập quán và luật tục mà còn xung đột với chúng. Hiến pháp và Luật Đất đai hiện nay chưa thể giải quyết hết các vấn đề về quan hệ đất đai do chưa phù hợp với tình hình thực tế. Ở đây, vấn đề đặt ra là thực tiễn lịch sử, chứ không đơn thuần là vấn đề nhận thức. Mặt khác, do tác động của các luồng thông tin bị nhiễu, thiếu chính xác, bị kẻ xấu lợi dụng, xuyên tạc, kích động... dẫn đến hiểu sai chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đất đai.

Thứ năm, xung đột lợi ích trong các quan hệ đất đai

Ở Tây Bắc, trong những năm đầu thế kỷ XX, đất rừng gần như vô chủ. Khoảng 3 triệu người dân du canh, du cư tự do đốt rừng làm nương, làm rẫy khiến cho phần lớn rừng ở Tây Bắc bị tàn phá, suy giảm nghiêm trọng. Ngày nay, khi đã có chủ trương giao đất, giao rừng, có kinh phí khoán bảo vệ rừng, người dân muốn được giao nhiều đất, nhiều rừng hơn. Rừng từ vô chủ, trở thành đối tượng tranh chấp. Ở Tây Bắc, rừng đã phục hồi màu xanh, tuy nhiên cũng xuất hiện nhiều vụ tranh chấp căng thẳng do tranh giành diện tích đất trồng rừng. Chính do lợi ích trồng rừng, tranh chấp đất đai mà từ đây vấn đề địa giới hành chính trở nên đặc biệt quan trọng ở Tây Bắc.

Sau năm 1975, Tây Nguyên như một vùng đất đang ngủ, được đánh thức, thay đổi. Mục tiêu của các chương trình phát triển Tây Nguyên là đưa sản lượng một số loại cây công nghiệp của Việt Nam như cà phê, cao su, hồ tiêu... lên hàng đầu thế giới; dân cư Tây Nguyên tăng lên 4 lần, cách thức làm kinh tế của các tộc người thiểu số có nhiều thay đổi tích cực, đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ nghèo giảm... Tuy vậy, thách thức đặt ra là quá trình khai thác và phát triển đó đã làm thay đổi căn bản quan hệ đất đai ở Tây Nguyên.

Nhà nước với tư cách là người đại diện cho chủ sở hữu toàn dân về đất đai ở Tây Nguyên là một chủ thể phức hợp bao gồm các cơ quan quyền lực nhà nước từ Trung ương đến cấp xã... Các chủ thể này, cho đến nay vẫn chưa được quy định rõ quy mô, hình thức, tính chất sử dụng đất đai nói chung và ở Tây Nguyên nói riêng.

Sau năm 1975, lợi ích từ đất đai được coi là lợi ích quốc gia, được thống nhất, tập trung và thường được đặt cao hơn lợi ích của các cộng đồng, cá nhân. Nhằm tối đa hóa lợi ích quốc gia, Nhà nước chú trọng việc giao đất rừng cho các đơn vị kinh tế nhà nước (nông, lâm trường) sử dụng, khai thác như một hình thức “quốc hữu hóa”. Tuy nhiên, quá trình này được thực hiện một cách thiếu tính toán đầy đủ lợi ích của các cộng đồng dựa trên “quyền sở hữu” truyền thống.

Ở Tây Nguyên, các nông, lâm trường làm ăn thua lỗ, không mang lại lợi ích kinh tế cho Nhà nước. Nhà nước không có nguồn thu từ các nông, lâm trường này để giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội mới nảy sinh do sự thu hẹp đất đai của các cộng đồng. Đời sống của công nhân các nông, lâm trường không được bảo đảm, đất rừng bị khai thác bừa bãi, tính trung bình mỗi năm rừng bị thu hẹp 26.000 ha(5), độ che phủ hiện nay chỉ còn dưới 50%; lượng nước ngầm trong đất trở nên cạn kiệt, lượng nước tưới giảm, suy giảm thảm thực vật, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người sản xuất, mà trước hết là các tộc người thiểu số. Người dân Tây Nguyên bị “nghèo” đi trong nền “kinh tế rừng” truyền thống, trong lúc chưa có sinh kế thay thế hiệu quả, chưa thể và chưa có điều kiện để thích nghi hoặc chuyển sang nền sản xuất hiện đại.

Hiện nay, đồng bào các tộc người thiểu số còn 326.909 hộ, trong đó có 32.975 hộ thiếu đất ở, 293.934 hộ thiếu đất sản xuất cần được hỗ trợ. Chính phủ cần thực hiện tiếp chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho các hộ thiểu số còn thiếu đất trong giai đoạn 2013-2015(6).

Việc di dân từ nơi khác đến Tây Nguyên là một đòi hỏi khách quan trong quá trình khai thác và phát triển Tây Nguyên. Trước đây, với một diện tích tự nhiên gần 5,5 triệu ha và với cư dân tại chỗ khoảng 1 triệu người (trước 1975), thì một người có thể sống trong diện tích đất rừng 5,5 ha. Nếu dân số tăng lên 5,5 triệu người (do di dân có kế hoạch và tự do) thì mỗi người chỉ còn sống trong một không gian rừng với diện tích 1 ha. Trong bối cảnh như vậy, “không có chỗ để duy trì chế độ chiếm hữu và quản lý sử dụng cộng đồng như trước”(7).

Do tình trạng “mạnh ai nấy được” diễn ra khá phổ biến, dẫn đến các tộc người thiểu số Tây Nguyên vốn chưa thích nghi với điều kiện sản xuất thị trường hiện đại đã bị “nghèo đi” theo cả nghĩa tương đối và tuyệt đối, làm tăng mâu thuẫn xã hội, tăng nguy cơ xung đột xã hội. Trong lúc tỷ lệ số hộ nghèo tuyệt đối ở Tây Nguyên đã giảm từ gần 50 % năm 2006, hiện nay chỉ còn dưới 15%, thì tỷ lệ hộ nghèo tương đối của người dân các tộc người thiểu số, chiếm từ 52% đến 70% trong tổng số hộ nghèo ở Tây Nguyên(8).

Ở Sóc Trăng, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, do lợi ích cục bộ đã dẫn đến nhiều trường hợp vi phạm pháp luật đất đai. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có trên 5.300 thửa đất của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và công nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích 11.907,69 ha. Trong đó, tổ chức kinh tế 266 thửa; tổ chức tôn giáo 711 thửa; cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức sự nghiệp công và an ninh - quốc phòng 4.337 thửa... Có 299 thửa đất đang tranh chấp, lấn chiếm với diện tích là 182,11 ha. Các cơ quan, tổ chức được Nhà nước giao, cho thuê nhưng chưa sử dụng hết với tổng diện tích 60,73 ha (tương đương 153 thửa). Có 02 tổ chức kinh tế chưa đưa đất vào sử dụng, đã bị cấp có thẩm quyền ra quyết định thu hồi; 25 tổ chức kinh tế sử dụng đất không hiệu quả, trong đó thành phố Sóc Trăng có trên 10 tổ chức, thị xã Vĩnh Châu có 9 tổ chức, huyện Long Phú có 02 tổ chức(9)... Tình hình sử dụng đất sai mục đích của các hộ gia đình, cá nhân ở Sóc Trăng cũng khá nghiêm trọng. Các hộ tự chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang làm nhà ở và đất phi nông nghiệp khác có 10.909 hộ, với diện tích 279,09 ha.

2. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến xung đột đất đai ở vùng tộc người thiểu số

Thứ nhất, do giá cả đền bù giải phóng mặt bằng chưa hợp lý. Mặc dù có một số ít trường hợp được khai tăng lên để trục lợi, trên thực tế, giá cả bồi thường đất đai cho người dân chưa ngang với giá thị trường tại cùng thời điểm. Nhiều nghiên cứu cho rằng giá đền bù nhìn chung đạt khoảng từ 50% đến 70% giá thị trường.

Thứ hai, do ranh giới đất giữa các hộ gia đình, bản, xã xác định không rõ ràng, thiếu căn cứ pháp lý, thiếu hồ sơ quản lý đất đai, thiếu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc cấp sai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công tác quản lý về đất đai của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở, đặc biệt là đất nương rẫy còn buông lỏng, chưa chặt chẽ, máy móc, theo cách làm ở vùng đồng bằng, đô thị.

Thứ ba, có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa luật tục, tập quán sử dụng đất với pháp luật và các quy phạm hành chính trong quản lý đất đai vùng các tộc người thiểu số. Bà con các tộc người thiểu số quan niệm sở hữu đất đai theo luật tục hoặc tập quán. Nhiều khu vực, nhân dân đã sinh sống, canh tác ổn định qua nhiều đời nhưng khi phân chia lại địa giới hành chính đã không tính tới điều đó; người dân coi đất mà họ sử dụng là của họ, người dân chưa từng làm sổ đỏ và chưa hiểu về cấp sổ đỏ gây khó khăn cho quản lý đất đai;

Thứ tư, trong quá trình thực hiện các chủ trương lớn của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai... các cơ quan quản lý nhà nước đã thiếu chặt chẽ, đơn giản, thậm chí tùy tiện,... gây hậu quả lớn cho quá trình quản lý đất đai về sau mà việc giải quyết triệt để là vô cùng khó khăn và lâu dài.

Thứ năm, chế độ quản lý đất đai thiếu nhất quán, nhiều thay đổi, chưa phù hợp với quan hệ đất đai trong thực tiễn. Hiện nay, Hiến pháp, Luật Đất đai cũng như các nghị định hướng dẫn thi hành và các quy định khác của Nhà nước đều chưa đủ căn cứ để giải quyết nhiều vấn đề đặt ra trong xung đột đất đai nói chung, xung đột đất đai vùng tộc người thiểu số nói riêng, dẫn đến sự lúng túng của chính quyền các cấp trong công tác quản lý. Nhiều tranh chấp, xung đột đất đai kéo dài, không thể giải quyết dứt điểm.

__________________

 

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2020

(1) https://taynguyen247.com/kon-tum-dieu-tra-can-bo-lap-phuong-an-den-bu-gia-tren-troi-12003-8.html.

(2) http://thanhtra.angiang.gov.vn/wps/portal/

Home/2018/chi-tiet.

(3) https://www.vietnamplus.vn/con-nhieu-ton-tai-trong-cong-tac-quan-ly-dat-dai-o-taynguyen.

 (4) Kon Tum: 13 vụ, Gia Lai:12 vụ; Đắk Lắk: 22 vụ. Đắk Nông: 9 vụ, Lâm Đồng: 34 vụ.

(5) https://baotintuc.vn/goc-nhin/he-luy-cua-nan-pha-rung-20160324215533172.htm.

(6) http://speri.org/info/354/Dat-va-rung-doi-voi-dong-bao-dan-toc-thieu-so-927.html.

(7) https://vie.vass.gov.vn/.../Vấn đề và quản lý sử dụng đất đai ở Tây Nguyên.

(8) http://daidoanket.vn/xa-hoi/khu-vuc-mien-trung-tay-nguyen-con-144-ti-le-ho-ngheo tintuc407987.

 

(9) https://baotainguyenmoitruong.vn/soc-trang-con-nhieu-truong-hop-vi-pham-phap-luat-dat-dai-230581.html.

TS Nguyễn Thị Thanh Dung

Viện Chính trị học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền