Trang chủ    Thực tiễn    Xu hướng vận động của đầu tư trực tiếp nước ngoài - Cơ hội và thách thức cho tỉnh Bắc Ninh
Thứ năm, 21 Tháng 1 2021 15:56
3203 Lượt xem

Xu hướng vận động của đầu tư trực tiếp nước ngoài - Cơ hội và thách thức cho tỉnh Bắc Ninh

(LLCT) - Từ những phân tích về xu hướng vận động của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên thế giới và ở Việt Nam thời gian qua, bài viết chỉ ra những cơ hội và thách thức mà Bắc Ninh đang và sẽ phải đối mặt trong việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài ở giai đoạn tiếp theo, đề xuất một số khuyến nghị mà Bắc Ninh cần thực hiện để có thể khai thác tối đa những tiềm năng mà FDI mang lại, đồng thời tận dụng những cơ hội của xu hướng chuyển dịch dòng vốn quốc tế trên cơ sở phát huy tối đa những lợi thế của địa phương.

Khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh

Từ khóa: đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam, Bắc Ninh.

1. Xu hướng vận động của FDI trên thế giới

Đầu tư trực tiếp nước ngoài là một nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Không chỉ kịp thời bổ sung cho nguồn vốn trong nước, FDI còn là kênh trao đổi, chuyển giao công nghệ và kỹ năng tổ chức, quản lý tiên tiến; đồng thời còn mở ra những cơ hội tiếp cận với các thị trường quốc tế. Với nhiều quốc gia đang phát triển, FDI đã vượt qua vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA để chiếm tỷ trọng đóng góp lớn nhất trong vốn đầu tư nước ngoài(1). Xu hướng vận động chung của dòng vốn FDI toàn cầu thời gian qua đã cho thấy nhiều biến đổi phức tạp. Nghiên cứu của UNCTAD (2019) về tình hình FDI thế giới giai đoạn từ năm 2007 đến 2018 (inward FDI) đã khái quát một số điểm nổi bật như sau:

Thứ nhất, sau ba lần sụt giảm liên tiếp vào các năm 2017, 2018 và 2019, dòng vốn FDI toàn cầu đã chạm mức thấp nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, ước tính chỉ đạt 1,2 nghìn tỷ USD năm 2018, giảm 19% so với 1,47 nghìn tỷ USD năm 2017(2).

Biểu đồ 1 cho thấy, xét về con số tuyệt đối, dòng vốn FDI đi vào nhóm nước phát triển chiếm tỷ trọng lớn nhất trong hầu hết các năm. Điều này được lý giải bởi, hoạt động đầu tư nước ngoài ở các nước này chủ yếu tập trung vào các ngành có quy mô và yêu cầu về vốn lớn như: sản xuất thiết bị công nghệ thông tin và truyền thông, sản phẩm xăng dầu, sản xuất ô tô và dịch vụ tài chính. Tuy nhiên kể từ năm 2015, lượng vốn FDI đổ vào các quốc gia này có xu hướng giảm liên tục, từ gần 1,2 nghìn tỷ USD xuống còn 451 tỷ USD vào năm 2018 - đây là nhân tố chính khiến dòng vốn FDI sụt giảm trên quy mô toàn cầu. Nguyên nhân chính của xu hướng này bắt nguồn từ việc một số lượng lớn các công ty xuyên quốc gia của Mỹ đã quyết định hồi hương sau khi dự luật cải cách thuế thu nhập doanh nghiệp được Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua vào năm 2017. Điều này đã gây ra một sự sụt giảm vốn FDI lên đến 73% ở châu Âu, điều chưa từng xảy ra từ những năm 1990.

Trong khi đó, FDI đổ vào các nước đang phát triển lại có xu hướng tăng nhẹ, ngoại trừ các năm từ 2008 đến 2010 do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Năm 2018, các quốc gia đang phát triển chiếm tới 58% lượng vốn đầu tư FDI trên thế giới và một nửa trong số các quốc gia nhận đầu tư nhiều nhất năm 2017 và 2018 cũng thuộc về khối nước đang phát triển, cụ thể là: Ấn Độ, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, và Brazil (Xem biểu đồ 2)(3).

Thứ hai, giá trị các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) biến động liên tục từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Năm 2018, giá trị M&A tăng 19% so với 2017, đạt mức cao thứ ba kể từ năm 2007, bởi các các công ty đa quốc gia tiếp tục tận dụng lợi thế của mình về chi phí tín dụng thấp cũng như vị thế thanh khoản cao. Báo cáo của UNCTAD cũng ghi nhận, một phần ba số thương vụ M&A được thực hiện bởi các công ty đa quốc gia của Mỹ. Doanh số M&A ròng tăng lên 822 tỷ USD vào năm 2018, chủ yếu do hoạt động mua bán trong lĩnh vực dịch vụ (tăng 35% so với 2017, lên đến 462 tỷ USD) và khu vực thứ nhất của nền kinh tế (tăng 65% so với 2017, ước tính 40 tỷ USD). Đặc biệt, mua bán tài sản liên quan đến hoạt động tài chính và bảo hiểm, dầu thô và khí gas tự nhiên tăng mạnh. Ngược lại, M&A trong lĩnh vực sản xuất có xu hướng giảm nhẹ (giảm 2%, 320 tỷ USD). Cùng với sự gia tăng về tổng giá trị M&A, quy mô mỗi thương vụ M&A cũng tăng lên. Cụ thể, báo cáo này chỉ ra, quy mô trung bình năm 2018 là 128 triệu USD, tăng khoảng 30% so với 2017. Số thương vụ M&A lớn hơn 3 tỷ USD tăng từ 63 thương vụ năm 2017 lên đến 80 thương vụ năm 2018, tập trung vào một số ngành công nghiệp như phương tiện truyền thông, thuốc và viễn thông.

Thứ ba, giá trị tổng số dự án đầu tư FDI mới đã phục hồi như dự kiến sau khủng hoảng nhưng cơ bản vẫn còn khá yếu.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã làm cho giá trị dự án đầu tư mới giảm mạnh từ 1.298 tỷ USD năm 2008 xuống còn 955 tỷ USD năm 2009, sau đó tiếp tục dao động cho đến nay. Tuy nhiên, có thể thấy, sau năm 2012, xu hướng chính là tăng nhẹ, ngoại trừ sự sụt giảm tương đối mạnh vào năm 2017 - ước tính đạt 701 tỷ USD, là mức thấp nhất kể từ năm 2013 đến nay.

Thứ tư, lợi nhuận thu được từ vốn FDI giảm trên tất cả các khu vực(4).

Năm 2017, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn FDI chạm mức thấp nhất trong giai đoạn 2012-2017 ở tất cả các khu vực trên thế giới. Nhóm các quốc gia đang phát triển, Đông Á và Đông Nam Á đứng đầu về tỷ lệ lợi nhuận trên vốn FDI, đạt mức khoảng 11% giai đoạn từ 2012-2015. Năm 2016 và 2017, tỷ lệ này giảm nhẹ cùng với xu hướng chung của toàn cầu, lần lượt là 10,3% và 10,1%. Do vậy, dự đoán trong thời gian tới, vốn FDI tuy có thể giảm nhẹ nhưng khu vực Đông Á và Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) vẫn sẽ là một điểm hấp dẫn đầu tư FDI với lợi thế về tỷ lệ lợi nhuận trên vốn FDI so với các khu vực còn lại trên thế giới.

Thứ năm, về lĩnh vực đầu tư, hoạt động FDI toàn cầu trong thời gian vừa qua chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp dựa trên dịch vụ như: công nghệ và dịch vụ công nghệ thông tin (chiếm 12,8% tổng số dự án FDI trên toàn thế giới); dịch vụ doanh nghiệp (10,5%); công nghiệp dệt (8,6%); dịch vụ tài chính (7,7%); thiết bị, dụng cụ, máy móc công nghiệp (5,9%); truyền thông (5,3%)(5). Riêng khu vực ASEAN, các lĩnh vực thu hút FDI trong thời gian qua có sự thay đổi nhất định.

Hoạt động FDI ở các nước ASEAN cho thấy xu hướng chuyển dần từ lĩnh vực sản xuất sang lĩnh vực dịch vụ. Năm 2017 đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu đầu tư, theo đó thương mại bán buôn và bán lẻ đã vượt qua tài chính và sản xuất - vốn là hai ngành có truyền thống thu hút FDI nhiều nhất, để trở thành ngành nghề đứng đầu trong việc hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, một số hoạt động đầu tư nổi bật khác trong thời gian từ năm 2017 trở lại đây là: chăm sóc sức khỏe, R&D, giáo dục, thương mại điện tử, và đặc biệt là công nghệ tài chính. Dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đây được xem là một xu hướng đầu tư phù hợp, nhằm hướng tới khai thác những thành tựu của khoa học, công nghệ cũng như phát triển, đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển bền vững.  

Trong thời gian tới, một số nhân tố rủi ro đối với hoạt động FDI như: sự xấu đi của bối cảnh kinh tế vĩ mô; điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt; căng thẳng thương mại tăng cường; một số nền kinh tế mới nổi dễ bị tổn thương trước các cú sốc của thị trường tài chính; xu hướng bảo hộ thương mại; tác động của nền kinh tế số; sự sụt giảm mạnh mẽ chỉ số hoàn vốn FDI trong suốt 5 năm qua, UNCTAD dự đoán trong trung hạn, dòng vốn FDI nhiều khả năng sẽ không thể phục hồi như mong muốn. Tuy nhiên, một số điểm sáng về các tiêu chí liên quan đến FDI đối với khu vực Đông Nam Á như: giá trị thương vụ mua bán và sáp nhập, giá trị các dự án đầu tư mới hằng năm, tỷ lệ hoàn vốn đầu tư FDI, hoàn toàn có thể cho phép chúng ta hy vọng về một thời kỳ tăng trưởng trong thu hút FDI tại khu vực này, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, xu hướng đầu tư vào các ngành nghề và lĩnh vực cũng có nhiều sự thay đổi dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đây cũng là điểm cần lưu ý khi triển khai những kế hoạch, chiến lược thu hút FDI trong bối cảnh mới đối với các quốc gia trong khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng.

2. Xu hướng vận động của đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam

Năm 1987, Luật Đầu tư nước ngoài được Quốc hội thông qua tạo tiền đề quan trọng cho việc mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần tích cực để Việt Nam bắt đầu xây dựng và hoàn thiện nền tảng thể chế ban đầu về đầu tư kinh doanh và kinh tế thị trường. Trong giai đoạn này, đầu tư nước ngoài nói chung và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nói riêng là nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, thúc đẩy Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế thế giới, từ đó đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn, khủng hoảng(6).

Năm 1990, lượng FDI đổ vào Việt Nam chỉ đạt 180 triệu USD, thì đến năm 1997, nhờ vào sự năng động chung của khu vực và công cuộc cải cách nhanh chóng của Việt Nam, vốn FDI đã tăng lên 2,6 tỷ USD. Sau khi sụt giảm sâu do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, dòng vốn FDI đã bắt đầu tăng mạnh trở lại từ năm 2003, và đạt mức 2,3 tỷ đô la vào năm 2006(7). Tuy nhiên về cơ bản, FDI của Việt Nam trong giai đoạn 1986-2006 vẫn thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực như Thái Lan và Malaysia.

Năm 2007, sự kiện Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã tạo ra làn sóng FDI thứ hai đổ về trong nước, đặc biệt là từ các nhà đầu tư Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Cụ thể là, năm 2008, Việt Nam thu hút được 1.171 dự án với tổng vốn đăng ký lên đến 71,7 tỷ USD, gần bằng số vốn FDI lũy kế của giai đoạn 1988-2007 là 77,8 tỷ USD. Tuy nhiên, bước sang năm 2009 và 2010, dưới ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, dòng vốn FDI vào Việt Nam bị sụt giảm đáng kể.

Giai đoạn từ 2011 đến nay, FDI ở Việt Nam đã cho thấy có xu hướng phục hồi và cải thiện sau khủng hoảng. Đây là kết quả đạt được nhờ tiến trình tích cực, chủ động hội nhập quốc tế toàn diện và đẩy mạnh tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam. Theo báo cáo của UNCTAD về đầu tư khu vực châu Á, Việt Nam là quốc gia duy nhất có dòng FDI đổ về trong nước liên tục tăng qua các năm, trong đó Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN là ba nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, chiếm 67% tổng lượng FDI, tập trung chủ yếu vào công nghiệp chế biến, chế tạo. Thành phố Hồ Chí Minh, với những điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, là cửa ngõ giao thương quốc tế, có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển, có nguồn nhân lực chất lượng cao và đồng thời là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, vẫn là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với 963 dự án và tổng vốn đăng ký là 6.745,4 triệu USD, chiếm 17,5% tổng vốn đầu tư. Bình Dương xếp thứ hai với 554 dự án FDI, tuy nhiên với tổng vốn đầu tư là 2.835,3 tỷ USD (chiếm 7,6% tổng vốn đầu tư) lại xếp thứ ba sau Bắc Ninh với 3.623,7 tỷ USD (chiếm 9,8% tổng vốn đầu tư)(7).

Với việc ký kết và thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, Việt Nam sẽ ngày càng thu hút được nhiều vốn FDI hơn nữa. Bởi lẽ, các mạng lưới hiệp định thương mại này không chỉ là cơ hội để chúng ta tiếp cận thuận lợi hơn với những thị trường quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ..., mà còn giúp chúng ta thu hút các nhà đầu tư thuộc nhóm tìm kiếm hiệu quả (Efficiency-seeking) bởi các nhà đầu tư này thường hướng việc sản xuất hàng hóa hoặc dịch vụ ở Việt Nam, từ đó xuất khẩu sang thị trường thứ ba và được hưởng các ưu đãi về thuế quan. Tuy nhiên, xu hướng này cũng mang lại những thách thức cho hoạt động thu hút FDI ở Việt Nam khi chúng ta phải đối mặt với sự cạnh tranh tương đối gay gắt đến từ các nước đối tác trong khu vực mậu dịch tự do FTA về địa bàn sản xuất và dịch vụ xuất khẩu. Hơn thế nữa, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn tồn tại nhiều rào cản với các nhà đầu tư nước ngoài như vấn đề về khung pháp lý và các điều kiện kinh doanh còn chưa nhất quán, thiếu tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, chi phí hoạt động kinh doanh cao và nhất là khâu thực thi kém hiệu quả. Do đó, đòi hỏi Chính phủ trong thời gian tới phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh thu hút dòng vốn FDI cho Việt Nam(8).

3. Cơ hội và thách thức đối với Bắc Ninh trong thu hút FDI thời gian tới

Trước hết, Bắc Ninh có nhiều lợi thế so sánh về vị trí địa lý so với các địa phương khác trong cả nước. Là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, Bắc Ninh nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và là cửa ngõ phía Đông Bắc của thủ đô Hà Nội, tiếp giáp với các trung tâm kinh tế lớn của phía Bắc. Đồng thời, Tỉnh cũng có hệ thống giao thông thuận lợi với hệ thống đường cao tốc Hà Nội - Bắc Ninh, các tuyến đường liên tỉnh quan trọng và nằm rất gần sân bay quốc tế Nội Bài và cảng biển Hải Phòng.

Bên cạnh lợi thế về vị trí địa lý, trong thời gian qua, Bắc Ninh còn liên tục cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là về thể chế và cơ sở vật chất kỹ thuật.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Bắc Ninh trong những năm gần đây luôn đạt từ mức khá trở lên, riêng giai đoạn từ 2009-2014, Tỉnh xếp hạng tốt và rất tốt. Năm 2018, chỉ số PCI của Bắc Ninh cũng đạt mức cao nhất kể từ năm 2010 với 64,5 điểm. Một số điểm thành phần về cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, thể chế pháp lý và đào tạo lao động có xu hướng tăng dần, đây là một trong những điểm cộng trong thu hút FDI của Tỉnh. Với vị trí địa lý và môi trường kinh doanh tích cực như vậy, Bắc Ninh luôn nằm trong những điểm sáng về thu hút đầu tư FDI trong cả nước thời gian qua.

Tuy nhiên, Bắc Ninh cũng gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ với một số địa phương khác trong thu hút vốn FDI, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc có Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng và Vĩnh Phúc. Năm 2018, Quảng Ninh dẫn đầu về chỉ số PCI trong cả nước với 70,36 điểm, trong khi đó, Hà Nội và Vĩnh Phúc lần lượt giữ vị trí số 9 và 13 với 65,40 và 64,55 điểm. Bắc Ninh với 64,5 điểm, là điểm số PCI cao nhất của Tỉnh kể từ năm 2010 nhưng chỉ xếp thứ 15 trong cả nước. Xếp hạng PCI này đã thể hiện rõ tình hình thu hút FDI thực tế của các địa phương.

Biểu đồ 8 về số lượng dự án FDI mới và số vốn đăng ký trên địa bàn Bắc Ninh giai đoạn 2009-2018, có thể thấy, số lượng dự án đầu tư mới có xu hướng tăng, từ gần 50 dự án năm 2009 đến gần 200 dự án năm 2017, nhưng lại có xu hướng sụt giảm trong năm 2018. Về số vốn đăng ký, sau giai đoạn tăng liên tục từ 2009 đến 2014, năm 2015 số liệu này giảm sâu đến 232 triệu USD (chỉ bằng 1/6 so với năm 2014), sau đó tăng nhẹ vào năm 2016 và tiếp tục duy trì xu hướng giảm từ năm 2017. Nhìn chung, sự sụt giảm dòng vốn FDI đầu tư của Bắc Ninh từ 2016 đến nay là một hiện tượng hoàn toàn trái ngược với xu hướng liên tục tăng của dòng vốn FDI trên cả nước. Thực tế này cho thấy, Bắc Ninh đang có dấu hiệu “hụt hơi” trong cuộc cạnh tranh thu hút FDI so với những địa phương khác. Việc cải cách môi trường đầu tư đem lại nhiều kết quả tích cực, nhưng nhìn chung, tốc độ thay đổi còn chậm, đòi hỏi Bắc Ninh cần nỗ lực hơn nữa để bắt kịp với các tỉnh, thành phố khác trong khu vực nói riêng và trên cả nước nói chung. Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng quan tâm hơn đến các lĩnh vực ngoài sản xuất như công nghệ thông tin, dịch vụ doanh nghiệp, truyền thông, tài chính hay bất động sản. Khu vực sản xuất nhận FDI trong cả nước tuy vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất song có xu hướng sụt giảm mạnh trong những năm gần đây dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong khi đó, các lĩnh vực đầu tư chủ yếu của Bắc Ninh là công nghiệp chế biến, chế tạo và điện tử, ngoài ra phần lớn là các dự án vệ tinh, dự án phụ trợ sản xuất cho các tập đoàn. Bắc Ninh chủ trương “Tập trung vào các ngành nghề chính là điện tử, chế tạo, chế biến hướng tới mục tiêu hình thành trung tâm điện tử của cả nước và khu vực”(9). Lĩnh vực điện tử viễn thông với sự xuất hiện của nhiều “ông lớn” trên thế giới như Samsung, Microsoft, Canon, Nokia... đã đem lại nhiều kết quả tích cực cho kinh tế địa phương, là một trong những yếu tố quan trọng nhất đưa Bắc Ninh từ một tỉnh thuần nông trở thành một tỉnh công nghiệp trong thời gian qua. Tuy nhiên, với xu hướng chuyển dịch ngành nghề đầu tư của FDI trên thế giới và Việt Nam hiện nay, chủ trương này nếu vẫn tiếp tục được duy trì, nhiều khả năng sẽ trở thành một lực cản, gây bất lợi trong việc kêu gọi và thu hút FDI mới của tỉnh. Giai đoạn tiếp theo, Bắc Ninh cần sớm điều chỉnh định hướng chiến lược về thu hút FDI, dựa trên các yếu tố mới về chất lượng dịch vụ và chuỗi cung ứng, với sự tham gia của chính quyền địa phương trong các cam kết về trách nhiệm xã hội. Ngoài ra, cần đẩy mạnh liên kết kinh tế trong nước và khu vực FDI, tăng cường chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư FDI, tích cực phát triển công nghệ hạ tầng và bồi dưỡng nguồn lao động chất lượng cao cung cấp cho các khu công nghiệp. Có như vậy, Bắc Ninh mới có thể khai thác tối đa những tiềm năng mà FDI mang lại, đồng thời tận dụng những cơ hội của xu hướng chuyển dịch dòng vốn quốc tế trên cơ sở phát huy tối đa những lợi thế của địa phương.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2020

(1) UNCTAD: Asean investment report 2016 Foreign Direct Investment and MSME Linkages, 2016, https://unctad.org/en/PublicationsLibrary/unctad_asean_air2016d1.pdf.

(2) Trang Trần: Bắc Ninh dẫn đầu về thu hút FDI trong quý I, 2019, http://kinhtevadubao.vn/chi-tiet/92-13755-bac-ninh-dan-dau-ve-thu-hut-fdi-trong-quy-i.html.

(3) VCCI, USAID: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2018, 2019, http://pci2018.pcivietnam.vn/uploads/2019/BaoCaoPCI2018_VIE.pdf.

(4) UNCTAD: World investment report 2018, Investment and new industrial policies, 2018, https://unctad.org/en/PublicationsLibrary/wir2018_en.pdf.

(5) Bộ kế hoạch và đầu tư: Dự thảo Chiến lược và định hướng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, giai đoạn 2018-2030, 3-2018.

(6) Nguyễn Chí Dũng: Tầm nhìn mới, cơ hội mới cho đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, “30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam Tầm nhìn và cơ hội mới trong kỷ nguyên mới”, Bộ Kế hoạch và đầu tư, 2018, tr4-10.

(7) Tổng cục thống kê: Đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp giấy phép năm 2019 phân theo địa phương. https://www.gso.gov.vn/SLTK/Selection.

aspx?rxid=8f161760-9ba0-4c6d-8898xfdef1a92c072&px_db=04.+%c4%90%e1%ba%a7u+t%c6%b0&px_type=PX&px_language=vi&px_tableid=04.+%c4%90%e1%ba%a7u+t%c6%b0%5cV04.17.px.

(8) Cục đầu tư nước ngoài: Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2018, https://dautunuocngoai.

gov.vn/TinBai/6108/Tinh-hinh-thu-hut-Dau-tu-nuoc-ngoai-nam-2018.

 (9) Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Bắc Ninh: Báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài các năm từ 2009-2018.

 

(10) Nguyễn Phương Bắc: Khu vực FDI tạo nên những điều nổi bật của Bắc Ninh. https://baodauthau.vn/khu-vuc-fdi-tao-nen-nhung-dieu-noi-bat-cua-bac-ninh-post58912.html, 2018.

ThS Hà Thị Vân Anh

ThS Nguyễn Thị Quỳnh Anh

Viện Kinh tế chính trị học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền