Trang chủ    Thực tiễn    Bước đầu đánh giá về việc thực hiện Quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên
Thứ tư, 24 Tháng 2 2021 08:48
6251 Lượt xem

Bước đầu đánh giá về việc thực hiện Quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên

(LLCT) - Ngày 25-10-2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Sau 2 năm thực hiện Quy định số 08-QĐi/TW đã thu được những kết quả tuy bước đầu nhưng vô cùng quan trọng và có ý nghĩa. Bài viết tập trung phân tích tình hình thực hiện và bước đầu đánh giá việc thực hiện quy định; đưa ra một số giải pháp nâng cao việc nêu gương trong Đảng.

Từ khóa: nêu gương trong Đảng, đánh giá việc thực hiện nêu gương trong Đảng.

Nêu gương là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng để Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và toàn thể xã hội. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến việc giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên về đạo đức, Người đặc biệt coi trọng phương thức nêu gương, coi nêu gương là biện pháp  quan trọng trong việc hình thành đạo đức xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(1). Coi trọng phương thức nêu gương, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về nêu gương:

Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19-12-2016 của Bộ chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

1. Một số nội dung cơ bản về quy định nêu gương

Quy định nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên gồm những quy tắc, chuẩn mực trong xử sự; những tiêu chuẩn, thủ tục về nêu gương được Đảng ban hành nhằm yêu cầu cán bộ, đảng viên phải tuân thủ. Trong đó, yêu cầu cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu trong công việc, cuộc sống để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc; nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ. Đối với người đứng đầu, quy định nêu gương nhằm kiểm tra, giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, chấn chỉnh, xử lý đối với những trường hợp chưa thực hiện đúng quy định, vi phạm đạo đức, lối sống, thoái hóa, biến chất,“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Qua đó, động viên, khuyến khích và phát hiện, nhân rộng điển hình tốt trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực.

Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6- 2012 của Ban Bí thư nhằm thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay” và Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã đưa ra 7 nội dung mà cán bộ, đảng viên phải nêu gương, đó là: nêu gương về tư tưởng chính trị; nêu gương về đạo đức, lối sống, tác phong; nêu gương về tự phê bình và phê bình; nêu gương về quan hệ với nhân dân; nêu gương về trách nhiệm trong công tác; nêu gương về ý thức tổ chức kỷ luật; và nêu gương về đoàn kết nội bộ.

Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19-12- 2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên đã quy định một số việc cụ thể, yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thực hiện như cấm lợi dụng một số sự kiện để tổ chức ăn uống, “tiệc tùng”, tặng, nhận quà với động cơ vụ lợi; khi tổ chức cưới hỏi, ma chay, giỗ tết... phải đơn giản, tiết kiệm, bảo đảm nếp sống văn hóa mới, không ăn uống, “chè chén” xa hoa, lãng phí, gây phản cảm trong xã hội..., các địa phương, cơ quan, đơn vị, khi có đoàn công tác đến, phải thực hiện nghiêm các quy định về chế độ lễ tân, chế độ công tác, không lãng phí...

Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đã nêu 8 điều Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện và 8 điều Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống.

Những quy định này cùng với nhiều nghị quyết, chỉ thị, cuộc vận động của Đảng đã tạo nên hệ thống các tiêu chí, chuẩn mực trong quan hệ đồng chí, đồng nghiệp, quan hệ với nhân dân để đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải gương mẫu thực hiện, rèn luyện. Đó là những căn cứ chính trị, pháp lý về thực hiện nêu gương của cán bộ, đảng viên hiện nay.

2. Đánh giá của đảng viên về thực hiện quy định nêu gương của Đảng

Thực hiện quy định nêu gương của Đảng thể hiện ở cách làm việc, cách thức tổ chức công việc, hành vi đấu tranh chống những biểu hiện lệch lạc, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên, hành vi phê bình và tự phê bình trong Đảng, hành vi chống những luận điệu xuyên tạc, sai trái của thế lực thù địch. Đó là cán bộ, đảng viên kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, bản vị, độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân; chạy hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy phiếu tín nhiệm; tham nhũng, hối lộ dưới mọi hình thức; tặng quà, nhận quà vì vụ lợi; lãng phí công quỹ, tài sản, phương tiện, nhân lực và thời gian làm việc; để vợ (chồng), bố, mẹ, con, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi.

Để lấy ý kiến đánh giá của đảng viên về mức độ nghiêm túc trong thực hiện các quyết định nêu gương ở cơ quan, đơn vị địa phương nơi đảng viên công tác, chúng tôi nêu lại những nội dung quan trọng trong các quy định về nêu gương. Các cuộc điều tra được tiến hành ở các ban đảng trực thuộc Trung ương và các đảng viên đang công tác tại các cơ quan Đảng cấp tỉnh, huyện ở Tuyên Quang, Nam Định, Nghệ An, Đà Nẵng, Kon Tum, An Giang. Với mỗi nội dung có 5 mức đánh giá từ rất tốt, tốt, bình thường, không tốt lắm, rất không tốt.  Kết quả điều tra cho thấy:

Thứ nhất, với nội dung quy định “Không lợi dụng tổ chức giao lưu, liên hoan, gặp mặt, chúc mừng, mít tinh, kỷ niệm ngày truyền thống, khai giảng, bế giảng, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, thuyên chuyển công tác, v.v. để ăn uống, tiệc tùng”, có hơn một nửa số đảng viên được hỏi cho rằng quy định này đã được thực hiện từ “tốt” đến “rất tốt”. Cụ thể, 41,5% đảng viên cho rằng việc thực hiện quy định này ở mức “tốt”, trong khi có 11,3% trả lời đánh giá thực hiện “rất tốt”.  Tuy nhiên, vẫn còn 17,8% đảng viên cho rằng việc thực hiện quy định này tại địa phương, đơn vị mình là “không tốt” hoặc “rất không tốt”, trong đó số đảng viên đánh giá việc thực hiện ở mức “rất không tốt” là 4,7%.

Thứ hai, với nội dung quy định “Không tổ chức giao lưu, liên hoan, gặp mặt, chúc mừng, mít tinh, kỷ niệm ngày truyền thống, khai giảng, bế giảng, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, thuyên chuyển công tác, v.v. để tặng, nhận quà với động cơ vụ lợi”, số đảng viên đánh giá địa phương, đơn vị thực hiện “tốt” chiếm tỷ lệ cao nhất, 40,7%, tiếp đó là tỷ lệ đảng viên đánh giá thực hiện ở mức “bình thường”, 12,7% đánh giá thực hiện rất tốt, trong khi còn 3,5% đánh giá thực hiện “rất không tốt”, 11,3% đánh giá việc thực hiện “không tốt lắm”.

Thứ ba, với nội dung quy định “Tổ chức cưới hỏi, ma chay, giỗ, tết, sinh nhật, v.v. đơn giản, tiết kiệm, bảo đảm nếp sống văn hóa mới”, có 32,5% số đảng viên được hỏi đánh giá được thực hiện ở mức “bình thường”; 38,9% đánh giá thực hiện “tốt”; 9,7% đánh giá thực hiện “rất tốt”; trong khi vẫn còn 4,7% số người trả lời đánh giá việc thực hiện là “rất không tốt” và 14,2% đánh giá ở mức “không tốt”. Như vậy, dù đa số đảng viên đánh giá tích cực về việc thực hiện quy định này nhưng số đảng viên đánh giá tiêu cực cũng khá lớn.

Thứ tư, về quy định “Không lợi dụng cưới hỏi, ma chay, giỗ, tết, sinh nhật, v.v. để tặng, nhận quà với động cơ vụ lợi”. Có 51,7% số đảng viên được hỏi đánh giá việc thực hiện quy định này ở mức “rất tốt” hoặc “tốt”, trong đó 42,7% đánh giá thực hiện “tốt”, 14,4% đánh giá thực hiện “rất tốt”. Nhưng vẫn còn đến 14,4% số đảng viên trả lời câu hỏi cho biết, nội dung này được thực hiện “rất không tốt” hoặc “không tốt”, trong đó “rất không tốt” là  5,7%. Có 28,5% đảng viên được hỏi cho rằng, việc thực hiện quy định này ở mức “bình thường”.

Thứ năm, về quy định “không tổ chức đoàn xe đưa đón, khẩu hiệu, trải thảm, tặng quà và tổ chức ăn uống lãng phí”, có tới 49,9% số đảng viên được hỏi trả lời địa phương, đơn vị mình thực hiện ở mức “tốt” và 21% đảng viên được hỏi đánh giá việc thực hiện nội dung này ở mức “rất tốt”, trong khi có 6,4% đảng viên trả lời đánh giá ở mức “không tốt lắm” và 5,4% trả lời cho rằng việc thực hiện quy định này “rất không tốt”. Có thể nói, đây là nội dung nhận được tỷ lệ đánh giá tích cực cao nhất trong các nội dung của quy định nêu gương.

Như vậy, qua khảo sát cho thấy, việc thực hiện các nội dung cơ bản của quy định nêu gương mới được khoảng trên 50% đảng viên đánh giá ở mức “tốt”, hoặc “rất tốt”, trong khi vẫn có khoảng 10-20% số đảng viên được hỏi cho rằng việc thực hiện các quy định này là “không tốt” hoặc “rất không tốt”. Để có căn cứ đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện quy định này, chúng tôi đặt thêm một số câu hỏi để tìm hiểu nguyên nhân của những nhận định trên.

Với câu hỏi yêu cầu đảng viên đánh giá về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, có 70,1% cho rằng Đảng đã làm “tốt” hoặc “rất tốt” công tác này trong khi có khoảng 8% đảng viên đánh giá công tác này đã thực hiện “không tốt” hoặc “rất không tốt”.

Với câu hỏi đánh giá mức độ nhận thức của cán bộ về trách nhiệm nêu gương của bản thân, có 63,2% ý kiến người trả lời cho là “chưa tốt, chưa rõ”. Điều này cho thấy, đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay chưa được trang bị tốt kiến thức về trách nhiệm nêu gương.

Với câu hỏi về vai trò tích cực của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí trong tuyên tuyền, phổ biến, giám sát thực hiện các quy định nêu gương, có 47,6% số đảng viên được hỏi cho rằng việc thực hiện giám sát đã được thực hiện tốt; 12,5% đánh giá ở mức rất tốt, 30,7% đánh giá ở mức bình thường, trong khi cũng có 9,2% đảng viên đánh giá chưa tốt đối với công tác giám sát, phản biện xã hội.

3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện quy định nêu gương ở đội ngũ cán bộ, đảng viên

Một là, cần hợp nhất các quy định về nêu gương vào một quy định. Để thực hiện tốt nhiệm vụ nêu gương của mình, cán bộ, đảng viên phải hiểu rõ những nội dung trong quy định. Vì thế, để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, cán bộ, đảng viên nắm vững quy định nêu gương một cách dễ dàng, cần hợp nhất các quy định về nêu gương vào một văn bản. Hiện nay, nhiệm vụ nêu gương của cán bộ, đảng viên được quy định ở nhiều văn bản khác nhau, dẫn nối với nhau gây khó nhớ, khó nắm bắt, khó thực hiện. Ví dụ, Quy định số 08-QĐi/TW quy định cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương và Quy định số 55-QĐ/TW về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương. Tại Quy định số 101-QĐ/TW tiếp tục yêu cầu cán bộ, đảng viên “thực hiện nghiêm quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm và hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về thực hiện quy định này”. Hơn nữa, giữa Quy định số 08-QĐi/TW và Quy định số 101-QĐ/TW có nhiều nội dung trùng nhau.

Hai là, cấp ủy đảng tích cực giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện đúng, nghiêm quy định nêu gương. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp và Quy định số 47-QĐ/TW ngày 01-11-2011 về những điều đảng viên không được làm, đặc biệt là Quy định số 08 - QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, nhằm tạo sức lan tỏa mạnh và sự hưởng ứng nhiệt tình của đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân.

Ba là, xác định trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc triển khai thực hiện quy định nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên tại đơn vị mình phụ trách. Cần xác định đúng nội dung, nguyên tắc, phương pháp và phong cách nêu gương đối với cán bộ, đảng viên để xây dựng thành các quy định cụ thể về nêu gương sao cho sát hợp với chức năng, chức trách, nhiệm vụ của từng tổ chức, lực lượng và mỗi cán bộ, đảng viên trên từng cương vị công tác.

Bốn là, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên; tạo hợp lực đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong tình hình mới; tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện cơ chế quản lý và giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và của toàn dân trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí..

Năm là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Ủy ban Kiểm tra đảng các cấp trong xây dựng Đảng về tư tưởng và đạo đức. Không ngừng đổi mới nội dung, vận dụng linh hoạt các hình thức, biện pháp kiểm tra, giám sát trong Đảng, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý nghiêm minh mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn Đảng phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm, coi trọng và làm tốt các khâu, các bước trong quy trình công tác kiểm tra, giám sát, gắn kết chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng với việc tu dưỡng, rèn luyện về tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Sáu là, khen thưởng kịp thời những tập thể, những cán bộ, đảng viên thực hiện tốt quy định nêu gương để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ và ảnh hưởng tốt đến toàn thể nhân dân. Đồng thời, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2020* Bài viết là sản phẩm của Dự án “Điều tra, đánh giá quy chế, quy định trong Đảng phục vụ đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” do PGS, TS Lê Văn Chiến chủ nhiệm, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan chủ trì.

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.284.

PGS, TS Lê Văn Chiến

TS Trần Nhật Duật

Viện Lãnh đạo học và Chính sách công,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền