Trang chủ    Thực tiễn    Thực trạng và xu hướng di cư của người Chăm ở An Giang
Thứ tư, 24 Tháng 2 2021 08:53
2581 Lượt xem

Thực trạng và xu hướng di cư của người Chăm ở An Giang

(LLCT) - Di cư nói chung và di cư các dân tộc thiểu số nói riêng đang diễn ra dưới nhiều hình thức, nhiều khía cạnh phức tạp của cuộc sống. Di cư giúp phân bố lại dân cư, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng miền trong cả nước. Tuy nhiên, di cư cũng gây ra những áp lực xã hội như vấn đề nhà ở, việc làm, môi trường sống nơi người di cư đến. Trên cơ sở phân tích dữ liệu về đồng bào dân tộc Chăm tại tỉnh An Giang(1), bài viết mô tả thực trạng di cư và một số yếu tố chính ảnh hưởng tới vấn đề này, đồng thời xem xét các xu hướng có thể xảy ra đối với di cư của người Chăm. 

 Phụ nữ Chăm An Giang với nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Từ khóa: di cư, di dân, dân tộc thiểu số.

1. Thực trạng di cư của người Chăm tại An Giang

Theo Tổng điều tra dân số năm 2009(2) , dân tộc Chăm có 161.729 người, trong đó nam giới là 80.406 người và nữ giới là 81.323 người. Người Chăm cư trú rải rác trên các vùng lãnh thổ của đất nước, nhưng tập trung nhiều ở các tỉnh thuộc duyên hải miền Trung và Nam Trung Bộ, gắn với nền văn hóa Sa Huỳnh(3) và một số tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long.

Tỉnh có nhiều người Chăm sinh sống nhất là Ninh Thuận với gần 70 nghìn người, An Giang là tỉnh có nhiều người Chăm sinh sống nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long với hơn 14 nghìn người (năm 2009).

Người Chăm ở Việt Nam phân chia thành ba bộ phận chính(4): (1) Người Chăm Hroi, bộ phận này chưa chịu nhiều ảnh hưởng của tôn giáo thế giới, (2) Bộ phận theo đạo Phật, gọi là Chăm Kaphia (hay Chăm Chuh, Chăm Jak) và (3) Bộ phận theo đạo Hồi. Riêng bộ phận người Chăm theo đạo Hồi phân chia thành 2 nhánh nhỏ hơn là nhóm theo Hồi giáo Bà ni (Hồi giáo cũ), chủ yếu là nhóm người Chăm sinh sống ở Ninh Thuận, Bình Thuận và một số tỉnh miền Trung và nhóm người theo Hồi giáo Islam, chủ yếu là nhóm người Chăm sống ở khu vực Nam Bộ.

Người Chăm cư trú tại tỉnh An Giang thuộc nhóm theo Hồi giáo Islam và tập trung chủ yếu ở huyện An Phú. Toàn huyện An Phú  có 179.666 khẩu với 45.115 hộ, các dân tộc Kinh, Chăm, Hoa và Khmer. Dân tộc Chăm có 2.136 hộ với 8.069 khẩu, chiếm 4,5% dân số toàn huyện(5).

Theo tìm hiểu tại huyện An Phú cho thấy, hoạt động di cư của người Chăm ở đây rất đa dạng cả về hình thức và mục đích di cư. Kết quả thống kê của Ban Dân tộc tỉnh An giang(6) cho thấy toàn tỉnh có trên 19 nghìn người có hoạt động di cư, trong đó người Chăm là 3.429 người. Theo đó, di cư của người Chăm bao gồm cả di cư trong phạm vi quốc gia và di cư quốc tế.

Về di cư trong nước

Đối với di cư trong nước, người Chăm chủ yếu di cư với mục đích lao động, tìm kiếm thu nhập hoặc chăm sóc gia đình, những hoạt động như lao động trong các khu công nghiệp, buôn bán nhỏ và đi chăm sóc các thành viên trong gia đình.

Theo Báo cáo của huyện An Phú, trong năm 2018, di cư lao động trong nước có 374 hộ với 1.521 khẩu. Nhóm di cư lao động này chủ yếu đi làm ăn tại các khu công nghiệp và đi buôn bán. Cá biệt, người Chăm có văn hóa gắn kết gia đình, nên có những khu vực di cư của người Chăm đi cả gia đình và di cư theo cộng đồng. Nghiên cứu trường hợp xã Vĩnh Trường cho thấy, ấp Lama là nơi có nhiều người Chăm sinh sống, trong đó số người di cư lao động chiếm 80% nhân khẩu của ấp(7).

Người Chăm theo đạo Hồi Islam có tính cộng đồng, gia đình cao. Theo giáo lý đạo Hồi - Islam, người đàn ông là trụ cột gia đình, phải lo về kinh tế và người phụ nữ là người chăm sóc gia đình. Do đó, khi người Chăm di cư lao động thì họ đi theo cả gia đình. Báo cáo về hoạt động di cư của tỉnh An Giang cho thấy, hiện tại huyện An Phú, An Giang có cả cộng đồng ấp di cư đến nơi khác(8). Một số trường hợp, người Chăm di cư theo các con sông và hoạt động nghề “Chài cá”. Đây là nghề người Chăm có thế mạnh và thường xuyên hoạt động. Tuy nhiên, ở một số nơi, sông ngòi, kênh rạch không còn cá nữa nên nhiều người di chuyển sang địa phương khác theo dọc các con sông để đánh cá, hoặc làm thuê trên các tàu đánh cá ngoài biển.

Về di cư quốc tế

Di cư quốc tế của người Chăm khá phổ biến và đa dạng. Mục tiêu di cư quốc tế của người Chăm bao gồm đi học đạo Hồi Islam, xuất khẩu lao động, buôn bán và một số lấy chồng là người nước ngoài. Theo số liệu của Huyện An Phú, trong năm 2016, số người đi học đạo Hồi tại nước ngoài là 58 trường hợp; số người đi buôn bán tại nước ngoài là 1.109 trường hợp, chủ yếu là Campuchia và Malaysia; số người đi xuất khẩu lao động 14 trường hợp và số người lấy chồng người nước ngoài 17 trường hợp, chủ yếu là Campuchia(9). “Người Chăm thì đi di cư các nước rất là nhiều. Kể cả các nước Ả rập, Malaysia, nhiều nhất là Campuchia. Tổng số người làm ăn xa có 19.299 người, thì 4.039 người Chăm. Chuyện đi buôn bán nước ngoài như đi Campuchia là 106 hộ với 506 người,... có nhiều đồng bào Chăm đi theo nhiều, khoảng 450 hộ với 1.659 người đã rời địa phương đi, nhưng đi đâu thì cũng không biết nữa”(10).

Học đạo Hồi Islam, cụ thể là học kinh Koran, là yêu cầu bắt buộc đối với các tín đồ Hồi giáo. Tuy nhiên, trên thực tế ở Việt Nam, chưa có cơ sở đào tạo về kinh Koran, do đó, một số quốc gia theo đạo Hồi đã cung cấp các học bổng tài trợ cho một số tín đồ Hồi giáo là người dân tộc Chăm đi du học. Kết quả khảo sát cho biết “Đối với đồng bào dân tộc Chăm thì cũng có mối liên hệ với Campuchia, cũng theo đạo Islam. Đồng bào Chăm ở An Giang khác với đồng bào Chăm ở vùng khác. Ở vùng khác người Chăm theo đạo Bàlamôn, ở An Giang theo đạo Hồi giáo - Islam”(11), “đối với đi học đạo, người Chăm thì theo đạo Hồi giáo. Ở Việt Nam và miền Nam thì chưa có trường lớp dạy giáo lý, giáo điều của đạo. Do có nguồn tài trợ từ các nước, thì thông qua đó họ đi học. Các nước người Chăm đến học đạo như Ảrậpxêút, Malaysia và cả Campuchia cũng có”(12).

Đi buôn bán ở nước ngoài cũng là mục tiêu thu hút di cư nhiều. Người Chăm chủ yếu đi buôn bán nhỏ, họ mua các sản phẩm và đem đi bán cho người nước khác. Người Chăm có truyền thống sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như thổ cẩm, làm thực phẩm khô... Tuy nhiên, ngày nay chủ yếu người Chăm mua những sản phẩm này sau đó đem bán tại các nước khác, nhiều nhất là Campuchia và Malaysia. 

2. Một số yếu tố ảnh hưởng tới di cư của người Chăm ở An Giang

Thứ nhất, yếu tố điều kiện sản xuất. Điều kiện sản xuất của người Chăm rất khó khăn. Tại địa bàn khảo sát, hầu hết người Chăm không có đất để canh tác nông nghiệp. Hơn nữa sản xuất nông nghiệp không phải là “thế mạnh”, “nghề chính” của đồng bào người Chăm. Từ truyền thống, dân tộc Chăm chủ yếu sinh sống dựa trên các nghề “chài cá”, “buôn bán” và “thủ công mỹ nghệ”. Trong khi đó, các điều kiện phát huy sở trường không còn, sông không còn cá, thủ công mỹ nghệ không còn làm, chỉ còn lại duy nhất “mua bán”, vì vậy, điều kiện sản xuất là yếu tố đầu tiên ảnh hưởng tới sự di cư của người Chăm.

Thứ hai, đặc điểm tôn giáo của người Chăm. Người Chăm tại An Giang có đặc thù là theo đạo Hồi giáo - Islam. Theo “giáo lý” của tôn giáo này thì các tín đồ phải học kinh Koran, đây là kinh được viết bằng tiếng Ả rập. Trong khi đó, tại trong nước hiện chưa có cơ sở đào tạo về tiếng Ả rập nên một số người Chăm có được tài trợ đã đi du học tại các quốc gia nói tiếng Ả rập và theo đạo Hồi. Một trong những điểm khác của “văn hóa Hồi giáo” là đàn ông là trụ cột, phụ nữ là chăm sóc gia đình, do vậy, người Chăm khi di cư có xu hướng đưa cả gia đình đi cùng và sống thành cộng đồng.

Thứ ba, đặc điểm văn hóa người Chăm. Dân tộc Chăm có đặc điểm “đoàn kết dân tộc” cao, do đó khi một người, một gia đình người Chăm di cư có được những thay đổi tích cực sẽ “giới thiệu”, thu hút các cá nhân khác, gia đình khác cùng đi, họ sống theo cộng đồng, với quy mô gia đình lớn, cộng đồng tập trung.

3. Xu hướng di cư của người Chăm ở

An Giang

Từ những kết quả khảo sát có thể thấy xu hướng di cư của người Chăm có thể diễn ra như sau:

 Một là, xu hướng di cư ra nước ngoài. Một trong những điểm tương đối khác biệt của dân tộc Chăm với nhiều dân tộc thiểu số khác ở nước ta là họ sống định canh, định cư. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là trong cộng đồng người Chăm không diễn ra quá trình di cư. Do tác động của các thế lực thù địch và do những khó khăn về kinh tế, đời sống hoặc vì tín ngưỡng tôn giáo..., có một số người Chăm di tản, vượt biên hoặc xuất cảnh ra nước ngoài định cư.

Tại Mỹ, người Chăm có khoảng 5.000 người (kể cả người Chăm từ Campuchia di cư sang) sống rải rác tại nhiều tiểu bang khác nhau. Tại California có khoảng 2.000, tại Washington có khoảng 500.

Hiện nay, đã có một số thanh niên người Chăm ở Mỹ tốt nghiệp đại học và cao học, có việc làm ổn định, còn lại đa phần là lao động phổ thông. Đã có nhiều người trở về Việt Nam thăm thân nhân.

Hai là, người Chăm ở An Giang vẫn sẽ tiếp tục di cư đi “mua bán” trong và ngoài nước. Hiện tại, có thể thấy, cộng đồng người Chăm chưa có các điều kiện khác để phát triển kinh tế và “mua bán” vẫn là nghề quen thuộc của người Chăm.

Ba là, người Chăm ở An Giang sẽ tiếp tục di cư và hoạt động những nghề đơn giản. Trên thực tế, người Chăm ở An Giang có trình độ học vấn không cao, chủ yếu chỉ “biết chữ”, tức là có thể chỉ học hết tiểu học. Do yêu cầu tôn giáo nên đa số người Chăm, nhất là nhóm nghèo chủ yếu chỉ học biết chữ quốc ngữ sau đó học tiếng Ả Rập trong các cơ sở tôn giáo. Vì vậy, người Chăm di cư chủ yếu vẫn chỉ làm các việc giản đơn.

4. Một số khuyến nghị về giải pháp, chính sách trước thực trạng và xu hướng di cư của người Chăm ở An Giang

Thứ nhất, bảo đảm đất ở, đất canh tác, việc làm cho đồng bào Chăm di cư

Bảo đảm đất ở, đất canh tác cho đồng bào Chăm di cư tự do đến địa phương là vấn đề quan trọng, cấp thiết hiện nay. Bởi lẽ, có an cư, lạc nghiệp thì người dân mới không tiếp tục di dịch cư tự do nội vùng và ngoại vùng.

Những năm qua, chúng ta đã có các chương trình, đề án xây dựng các tiểu khu, các điểm tụ cư đối với đồng bào dân tộc thiểu số và đã thu được kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn gặp không ít khó khăn. Đó là những vấn đề về nguồn vốn,  đất đai tái định cư,  tập quán sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, rất cần có sự quan tâm hơn nữa của chính quyền địa phương nói riêng, của Đảng và Nhà nước nói chung về các vấn đề này.

Thực hiện đúng tiến độ và mục tiêu các dự án quy hoạch bố trí, sắp xếp ổn định dân cư đã được phê duyệt, các địa phương cần ưu tiên bố trí vốn ổn định dân cư theo hình thức xen ghép nhằm giảm chi phí và khắc phục khó khăn về quỹ đất.

Thứ hai, xây dựng thiết chế xã hội ở cơ sở và trong cộng đồng các dân tộc di cư tự do

Cùng với quản lý dân cư, bảo đảm đất ở, đất sản xuất cho người dân di cư là việc từng bước xây dựng, duy trì, phát huy các thiết chế xã hội ở cơ sở, tập trung vào việc gây dựng đội ngũ đảng viên, quần chúng cốt cán, người uy tín trong cộng đồng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở.

Song hành với xây dựng thiết chế chính trị là việc khơi dựng, phát huy thiết chế xã hội trong các cộng đồng người Chăm. Cần nhận thức rõ rằng, dân tộc Chăm có ý thức cộng đồng thân tộc rất mạnh. Đó là cội nguồn tâm linh, tinh thần và là cơ sở giúp cho cộng đồng tồn tại qua nhiều thế kỷ cho dù họ đã di cư qua nhiều vùng lãnh thổ.

Trong khơi dựng, phát huy thiết chế xã hội trong các cộng đồng người Chăm cần chú trọng khơi dựng, duy trì, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để thực hành quản lý dân cư tốt hơn, bền chặt hơn.

Thứ ba, quản lý dân nhập cư/ di cư, ổn định địa bàn

Để bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn trước xu hướng di cư tự do của đồng bào dân tộc Chăm đòi hỏi phải kiểm soát, quản lý dân cư, nhất là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số di dịch cư tự do. Đây là “cái gốc”, vấn đề “cốt lõi”.

Việc quản lý dân cư đối với dân tộc Chăm di cư đến các nơi khác đã, đang và sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Sự khó khăn đó bắt nguồn trước hết từ ý thức công dân, trình độ dân trí thấp, điều kiện sống còn nhiều khó khăn. Họ không có thói quen “đi báo, đến trình” và còn có những hành vi lảng tránh cán bộ cơ sở đến vận động vào khu định cư. Bên cạnh đó còn là những khó khăn trong việc thực hiện chương trình, đề án xây dựng các khu định cư cho đồng bào di cư tự do. Khi mà cơ sở hạ tầng chưa có thì khó có thể vận động người di cư tự do định cư và theo đó, khó có thể quản lý được dân cư. Chính vì vậy, chính quyền địa phương cần xây dựng chính sách về nhà ở cho nhóm đối tượng này, nhằm tạo dựng cho họ có cuộc sống ổn định.

Một khó khăn khác cũng cần khắc phục đó là, người dân di cư tự do thường sống rải rác, cách xa các khu trung tâm, nơi thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu. Do sống phân tán, ở vùng sâu, vùng xa nên họ thường bị kẻ xấu xúi dục, lôi kéo không hợp tác với chính quyền cơ sở trong việc quản lý dân cư. Chính quyền địa phương cần quan tâm, động viên, đặc biệt cần phổ biến, tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước, giúp họ nhận thức rõ vấn đề bảo đảm an ninh quốc gia. Bên cạnh đó cần tích cực giải quyết sớm vấn đề hộ tịch, hộ khẩu cho người di cư tự do. Nghĩa là phải tiến hành nhanh việc “hợp thức hóa” dân di cư tự do trên tinh thần không để người dân nào “sống ngoài vòng pháp luật” cho dù họ là người tự do dịch chuyển đến vùng đất mới r

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2020

(1), (8), (10), (11), (12) Kết quả khảo sát đề tài: Di dân các dân tộc thiểu số, những vấn đề đặt ra và giải pháp CTDT/2016-2020.

(2) Tổng cục Thống kê: Tổng điều tra dân số, 2009, Phần I.

(3), (4) Bùi Xuân Đính: Các tộc người ở Việt Nam, Nxb Thời Đại, Thành phố Hồ Chí Minh, 2012, tr.194, 195.

(5), (9) UBND huyện An Phú: Báo cáo tình hình công tác dân tộc, chính sách dân tộc, di cư dân tộc thiểu số, ngày 16-1-2019.

(6) Ban Dân tộc An Giang: Báo cáo tại buổi làm việc với đoàn nghiên cứu của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ngày 18-1-2019.

(7) UBND xã Vĩnh Trường: Báo cáo tình hình công tác dân tộc, chính sách dân tộc, di cư lao động của dân tộc Chăm xã Vĩnh Trường, ngày 16-1-2019.

TS Phạm Võ Quỳnh Hạnh

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền