Trang chủ    Thực tiễn    Chuyển đổi lao động - việc làm ở vùng Tây Nam Bộ
Thứ tư, 24 Tháng 2 2021 08:58
2050 Lượt xem

Chuyển đổi lao động - việc làm ở vùng Tây Nam Bộ

(LLCT) - Tây Nam Bộ là vùng nông nghiệp lớn của Việt Nam, tuy vậy, điều kiện sống của người lao động trong vùng lại rất khiêm tốn với mức thu nhập thấp, thiếu ổn định do thường xuyên phải đối mặt với thiên tai và hậu quả của biến đổi khí hậu. Để giải quyết vấn đề này, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, lao động - việc làm, bảo đảm sinh kế bền vững là một nhiệm vụ cấp thiết. Bài viết phân tích những yếu tố ảnh hưởng và những vấn đề đặt ra đối với lao động - việc làm vùng Tây Nam Bộ, từ đó đề xuất giải pháp chuyển đổi cơ cấu lao động - việc làm của vùng theo hướng bền vững.

Nhân lực chất lượng cao có vai trò rất quan trọng trong phát triển ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào các lĩnh vực đời sống xã hội của khu vực Tây Nam Bộ_Ảnh: Tư liệu

Từ khóa: Tây Nam Bộ, lao động - việc làm, chuyển đổi cơ cấu.

1. Những vấn đề kinh tế - xã hội ảnh hưởng tới lao động - việc làm vùng Tây Nam Bộ

Thứ nhất, vai trò của nông nghiệp đối với nền kinh tế.

Những lợi thế về điều kiện tự nhiên như nền khí hậu cận xích đạo, mưa nhiều, nắng nóng, hệ thống sông, kênh rạch chằng chịt và đường bờ biển dài giúp nông nghiệp đã và đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng Tây Nam Bộ với mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Trung bình hằng năm, vùng đóng góp gần 60% sản lượng lúa gạo, gần 50% sản lượng thủy sản quốc gia; đồng thời góp đến 90% lượng gạo và 60% sản lượng thủy sản cho xuất khẩu(1). Không chỉ thế, vùng còn đạt được kết quả tích cực trong sản xuất và xuất khẩu hoa quả tươi hoặc đã qua chế biến. Năm 2017, giá trị xuất khẩu trái cây và rau quả của vùng cán mốc 3 tỷ USD, và năm 2018 đã tăng lên đến 3,81 tỷ USD(2).

Tuy nhiên, những năm gần đây, lợi thế này của vùng đang phải đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu, với xâm nhập mặn ở vùng ven biển, đất phèn ở những vùng trũng thấp, thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt ở những vùng gần biển, và xói lở bờ sông, bờ biển xảy ra ở nhiều nơi. Trận hạn mặn lịch sử năm 2016, nước biển tràn sâu vào đất liền đến 80 km và phá hủy ít nhất 160.000 ha nông sản(3). Để hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực nêu trên, nhiều phương án kỹ thuật đã được xem xét như: xây dựng hệ thống đê ngăn mặn, cải tạo hệ thống thủy lợi, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, v.v.. Dù vậy, những ảnh hưởng từ các yếu tố tự nhiên lên phát triển kinh tế và sản xuất của vùng vẫn là nguy cơ chưa có biện pháp khắc phục triệt để.

Thứ hai, tiềm năng phát triển một số ngành công nghiệp và dịch vụ.

Sản xuất công nghiệp của vùng Tây Nam Bộ hiện nay chiếm tỷ trọng khoảng 20% GRDP năm 2018 của vùng. Các ngành công nghiệp chính là chế biến lương thực, thực phẩm, chiếm 65% cơ cấu công nghiệp vùng. Nhóm ngành công nghiệp phụ trợ cho sản xuất nông nghiệp - có vai trò không nhỏ trong hỗ trợ nâng cao năng suất nông nghiệp cũng như tạo cơ cấu công nghiệp hợp lý hơn cho vùng - lại có đóng góp rất mờ nhạt. Kết quả từ mô hình thí điểm cơ giới hóa ruộng lúa hay phân tích của Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho thấy, công nghiệp phụ trợ cho sản xuất nông nghiệp và cơ khí nông nghiệp công nghệ cao của vùng có tiềm năng phát triển rất lớn nhưng lại chưa được đầu tư đúng mức khiến chúng ta thậm chí “thua ngay trên sân nhà”(4).

Về dịch vụ, du lịch, Tây Nam Bộ những năm qua đã khai thác rất tốt mô hình du lịch sinh thái, trọng tâm là du lịch sông nước, miệt vườn, nhờ khai thác lợi thế của hệ thống rừng ngập mặn ven biển lớn nhất Việt Nam. Cùng với đó, dịch vụ xuất khẩu hàng hóa với các mặt hàng chủ lực là gạo, thủy sản và trái cây cũng rất có tiềm năng phát triển. Mặc dù nhu cầu vận tải hàng hóa xuất khẩu rất lớn, 80% khối lượng hàng xuất khẩu của vùng phải vận chuyển bằng đường bộ tới các cảng tại Thành phố Hồ Chí Minh, cả vùng mới chỉ có hơn 40 km đường cao tốc(5). Hệ thống kết cấu hạ tầng yếu kém và chậm được đầu tư là yếu tố cản trở chính khai thác tiềm năng kinh tế này.

Thứ ba, dân số và quy mô lực lượng lao động có xu hướng giảm.

Dân số vùng Tây Nam Bộ là khoảng 17,8 triệu người, tương đương 18,8% dân số cả nước, với số người trong độ tuổi lao động là 10,67 triệu lao động, chiếm 19,27% lực lượng lao động cả nước(6). Với đặc thù kinh tế dựa vào nông nghiệp và thủy sản là chủ yếu, vùng được đánh giá là có lợi thế về nguồn lao động dồi dào với chi phí thấp.

Tuy nhiên, vấn đề phát triển nguồn nhân lực của vùng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Những năm gần đây, tỷ lệ tăng dân số của vùng thấp nhất trong cả nước. Trong khi tốc độ tăng dân số của cả nước giảm nhẹ từ mức 1,2% của những năm 2000 xuống còn ổn định ở mức 1,0% trong mười năm trở lại đây, thì tốc độ tăng dân số của vùng Tây Nam Bộ giảm mạnh và liên tục, từ mức 1,0% của năm 1999 xuống còn 0,38% năm 2018(7). Sự sụt giảm này được lý giải bởi hai nguyên nhân: (i) tỷ lệ sinh trung bình của vùng luôn thấp nhất cả nước, chỉ ở mức 1,74% trong khi trung bình cả nước là 2,05% và mức cao nhất là 2,48% của của vùng Trung du và miền núi phía Bắc(8); (ii) mức tăng dân số cơ học của vùng liên tục giảm trong hơn 10 năm trở lại đây biểu hiện qua tỷ suất di cư thuần là -5,8% năm 2018(9). Điều này dự báo sự thiếu hụt lao động cho vùng Tây Nam Bộ trong thời gian tới.

Theo Quyết định số 492/QĐ-TTg ngày 16-4-2009 về phê duyệt đề án thành lập vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long nhấn mạnh, vùng là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản. Mặt khác, đề án cũng nhấn mạnh nhiệm vụ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm nhanh tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ cả trong GDP và cơ cấu lao động.

Song có thể thấy, cơ cấu kinh tế hiện tại của vùng Tây Nam Bộ đang gặp phải không ít khó khăn và lợi thế sẵn có của vùng đang mất dần giá trị. Do vậy, việc cơ cấu lại nền kinh tế để tạo động lực mới cho tăng trưởng là cần thiết, mà trọng tâm cần chú ý hai điểm sau: Một là, cần đánh giá đúng tầm quan trọng của ngành nông - lâm - ngư nghiệp của vùng và vai trò bảo đảm an ninh lương thực quốc gia tương quan với các vùng khác trong cả nước. Nông nghiệp cần hướng đến chuyên môn hóa và tập trung sản xuất; cùng với đó là tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến và công nghệ sinh học nhằm nâng cao năng suất lao động. Hai là, chuyển đổi cơ cấu kinh tế cần khuyến khích tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến và hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp và các ngành thương mại - dịch vụ như dịch vụ xuất nhập khẩu, dịch vụ du lịch gắn với sinh thái - nông nghiệp, nhằm khai thác tốt hơn lợi thế của vùng.

2. Thực trạng lao động - việc làm vùng Tây Nam Bộ hiện nay

Sau hơn 10 năm triển khai Quyết định 492/QĐ-TTg, vấn đề lao động - việc làm của vùng mặc dù đã có nhiều chuyển biến, nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, thể hiện ở những điểm sau:

Thứ nhất, cơ cấu lao động vẫn dựa vào nông nghiệp là chủ yếu với mức thu nhập thấp.

Theo số liệu năm 2018, lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của toàn vùng vẫn chiếm đến 42,2% lực lượng lao động; trong khi đó, lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chỉ chiếm tương ứng là 22,7% và 34,9%. Mặc dù gần một nửa lực lượng lao động của vùng làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng thu nhập từ nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 24,4% thu nhập của người lao động vùng đồng bằng sông Cửu Long, tương ứng là 877 nghìn đồng/tháng.

Trình độ nghề nghiệp của người lao động vẫn còn thấp trong tương quan với các vùng khác. Tỷ lệ lao động làm các công việc giản đơn, chưa qua đào tạo chiếm 56,8% lực lượng lao động, mức cao nhất cả nước. Tỷ trọng lao động làm các công việc đòi hỏi trình độ tay nghề trung - cao cấp như quản lý, thợ lành nghề hay sơ cấp như công nhân, thợ thủ công... lần lượt là 8,7% và 18,5%, cũng chỉ cao hơn mức tương ứng của vùng Tây Nguyên là 7,6% và 7,0%. Điều này cho thấy cơ cấu xã hội - nghề nghiệp của vùng vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào lĩnh vực nông nghiệp truyền thống.

Tình hình chuyển đổi lao động - việc làm vùng Tây Nam Bộ còn kém tích cực hơn khi xem xét mức thu nhập trung bình và trình độ tay nghề của người lao động làm việc trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Theo Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2018, thu nhập trung bình của người lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp năm 2018 chưa đến 3,5 triệu đồng/tháng, chỉ cao hơn mức tương ứng của vùng Tây Nguyên (507 nghìn đồng/tháng) và chưa đến 60% mức thu nhập trung bình của lao động phi nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng (xấp xỉ 6 triệu đồng/tháng).

Thứ hai, việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp vẫn chủ yếu nằm trong khu vực phi chính thức với mức thu nhập khiêm tốn, công việc không ổn định và thiếu sự bảo vệ cần thiết từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.

Tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực phi chính thức của vùng đồng bằng sông Cửu Long cao hơn khá nhiều so với mức trung bình của cả nước. Năm 2018, tỷ trọng lao động phi chính thức của cả nước khoảng trên 70% thì của khu vực Tây Nam Bộ lên đến 82,8%, đứng thứ hai chỉ sau Tây Nguyên (89,5%), tương đương với số tuyệt đối là 8,83 triệu lao động và bằng 21,6% số lao động phi chính thức của cả nước.

Điều này cho thấy sự thiếu bảo đảm về việc làm và ổn định trong thu nhập của người lao động. Thống kê số giờ lao động trung bình của cả nước cho thấy, thời gian làm việc bình quân của người lao động vùng Tây Nam Bộ chỉ là 42,9 tiếng/tuần, trong đó có đến 23,5% số lao động làm việc không đủ 40 tiếng/tuần. Số liệu này không chỉ ít hơn mức trung bình 45,3 tiếng/tuần của cả nước mà còn là vùng có số thời gian lao động trung bình thấp nhất(10).

Thứ ba, công tác đào tạo nguồn nhân lực chưa đạt yêu cầu.

Trong những năm gần đây, việc đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người lao động đã giúp cho trình độ của lực lượng lao động ở Tây Nam Bộ có những chuyển biến nhất định. Tỷ lệ lao động đang làm việc chưa qua đào tạo có xu hướng giảm từ 91,4% năm 2011 xuống còn 86,7% năm 2018. Tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên tăng nhiều nhất, từ 3,4% năm 2011 lên 6,2% năm 2018.

Tuy vậy, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của Tây Nam Bộ vẫn đang thấp nhất cả nước, chỉ tương đương 13,3% lực lượng lao động trong vùng, trong khi đó, con số này ở đồng bằng sông Hồng là 30,7% và Đông Nam Bộ là 27,9%. Chưa kể đến, cơ cấu đào tạo của vùng còn rất bất cập. Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ đại học trở lên chiếm đến 6,2%, gấp hơn 2 lần lao động có trình độ trung cấp hoặc đào tạo nghề (2,7%) và đặc biệt là lao động qua đào tạo cao đẳng chỉ đạt tỷ lệ 1,7%. Điều này cho thấy, chất lượng đội ngũ lao động đã qua đào tạo của vùng tuy có sự chuyển biến tích cực nhưng thiếu cân bằng và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Mặt khác, kết quả đào tạo phổ thông trong của vùng cũng tồn tại một số hạn chế. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vùng Tây Nam Bộ là vùng có cơ sở vật chất cho đào tạo phổ thông không đáp ứng được tiêu chuẩn đề ra, tỷ lệ phòng học/lớp, tỷ lệ phòng học kiên cố hóa của vùng là thấp nhất cả nước. Đáng lo ngại là, số học sinh tiểu học bỏ học của riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long chiếm tới hơn 55% của cả nước(11). Nếu tình trạng này không được khắc phục kịp thời thì việc đào tạo nghề cho lao động có nguy cơ tuyển sinh không đủ chi tiêu, vì thiếu lao động đạt chuẩn đầu vào tham gia học nghề.

Thứ tư, hiệu quả hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm còn thấp.

Theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc thành lập và hoạt động của các trung tâm tư vấn giới thiệu việc làm công lập tại các địa phương là bắt buộc nhằm bảo đảm vai trò hỗ trợ kết nối giữa người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, hoạt động của các trung tâm dịch vụ việc làm công lập ở các địa phương đã không phát huy được vai trò cần thiết.

Số liệu công bố của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2018 cho thấy, tỷ lệ lao động được giới thiệu việc làm thành công tại các Trung tâm dịch vụ việc làm công lập của cả nước là 12,88% và tỷ lệ này ở vùng Tây Nam Bộ chỉ đạt 1,91%. Một phần nguyên nhân của tình trạng này là phương thức tìm kiếm việc làm của người lao động trong vùng. Số liệu khảo sát cho thấy, phương thức tìm kiếm việc làm chủ yếu của người lao động trong vùng là do bạn bè/người thân giới thiệu (54,8%) hoặc tự tìm kiếm việc tự do (16,9%). Hai tỷ lệ này cao hơn hẳn so với mức chung của cả nước là 45% và 13,1% tương ứng. Mặt khác, tỷ lệ lao động tìm việc thông qua các trung tâm dịch vụ việc làm chỉ đạt 0,9%, trong so sánh với mức trung bình 3% của cả nước và mức cao nhất 5,2% của vùng Tây Nguyên.

3. Một số giải pháp thúc đẩy chuyển đổi lao động - việc làm vùng Tây Nam Bộ

Một là, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao năng suất lao động ngành nông nghiệp và tăng tỷ trọng lao động trong các ngành công nghiệp và dịch vụ.

Đối với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nam Bộ là nâng cao hiệu quả của sản xuất nông nghiệp đi liền với tăng tỷ trọng của các ngành công nghiệp và dịch vụ thì các chính sách cần thực hiện nhằm hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu lao động - việc làm là khuyến khích đầu tư thành lập và mở rộng các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực được ưu tiên, từ đó tạo ra nhiều việc làm cho người lao động trong các ngành này. Các giải pháp về chính sách có thể xem xét thực hiện: (i) đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở cho sản xuất kinh doanh; (ii) triển khai các chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài, các ngành khuyến khích phát triển; (iii) cải cách thủ tục hành chính liên quan tới doanh nghiệp và nâng cao chất lượng dịch vụ công nhằm tạo lập môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch.

Hai là, nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục - đào tạo nói chung và đào tạo nghề nói riêng.

Với đặc thù của thị trường lao động và đặc điểm kinh tế - xã hội vùng Tây Nam Bộ, đào tạo nâng cao chất lượng lao động bao gồm: (i) Các giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả của hệ thống giáo dục phổ thông, như: nâng cấp hạ tầng cơ sở về giáo dục cũng như các hỗ trợ về tài chính cần thiết để giảm nhanh tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học không được đến trường. Cùng với nguồn vốn từ ngân sách, cần tăng cường huy động sự chung tay từ cộng đồng và doanh nghiệp. (ii) Công tác đào tạo nghề cho người lao động cần được triển khai quyết liệt hơn. Trong đó, tập trung vào những kỹ năng chuyên môn được yêu cầu cho từng vị trí việc làm. Để thực hiện tốt hoạt động này, bên cạnh việc cải cách chương trình và phương thức đào tạo nghề, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần làm tốt công tác thông tin, phân tích, dự báo xu hướng nhu cầu về ngành nghề và vị trí việc làm trong tương lai.

Ba là, tăng cường các biện pháp nhằm giảm tỷ trọng lao động phi chính thức.

Quy mô quá lớn của lao động khu vực phi chính thức không chỉ gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý, điều hành thị trường lao động hay bảo vệ quyền lợi cho các bên tham gia thị trường mà còn khiến người lao động gặp nhiều khó khăn trong phát huy tối đa năng lực và cải thiện chất lượng sinh kế theo hướng bền vững. Các giải pháp cho vấn đề này là: (i) có chính sách khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm tự nguyện; (ii) có chính sách khuyến khích người sử dụng lao động chuyển đổi mô hình kinh tế hộ gia đình sang hình thức doanh nghiệp; hoặc (iii) có chính sách khuyến khích cả người lao động và người sử dụng lao động thực hiện giao kết quan hệ lao động bằng văn bản hợp đồng.

Bốn là, tăng cường hiệu quả kết nối cung cầu lao động trên thị trường thông qua các trung tâm giới thiệu và dịch vụ việc làm.

Khi đã có sự chuẩn bị tốt về nguồn cung lao động cũng như thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động trong vùng thì vai trò kết nối giữa cung và cầu trên thị trường lao động là đặc biệt quan trọng. Hoạt động này có thể được thực hiện thông qua (i) khuyến khích hoạt động của các tổ chức dịch vụ việc làm ngoài nhà nước như các doanh nghiệp môi giới việc làm; (ii) nâng cao hiệu quả của các trung tâm dịch vụ việc làm công lập.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2020

(1) Phạm Hải, Thu Hoa: Đồng bằng sông Cửu Long với vai trò bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, https://vovworld.vn/vi-VN/chuyen-cua-lang/dong-bang-song-cuu-long-voi-vai-tro-dam-bao-an-ninh-luong-thuc-quoc-gia-847470.vov.

(2) Duy Hưng: Đồng bằng sông Cửu Long: Sản xuất và xuất khẩu cây ăn trái bền vững, http://consosukien.vn/dong-bang-song-cuu-long-san-xuat-va-xuat-khau-cay-an-trai-ben-vung.htm

(3) Phúc Long: Dân đồng bằng sông Cửu Long dần bỏ xứ do biến đổi khí hậu, https://tuoitre.vn/dan-dbscl-dan-bo-xu-do-bien-doi-khi-hau-20180110085014275.htm

(4) Minh Anh: Tăng ứng dụng cơ khí cho nông nghiệp, https://nhandan.org.vn/thong-tin-doanh-nghiep/tang-ung-dung-co-khi-cho-nong-nghiep-372497.

(5) Nguyễn Văn Hùng: Vựa lúa lớn nhất, cá tôm nhiều nhất nhưng hạ tầng, nhà cửa tệ nhất, https://tuoitre.vn/vua-lua-lon-nhat-ca-tom-nhieu-nhat-nhung-ha-tang-nha-cua-te-nhat-20191102105621086.htm.

(6), (7), (8), (9) Tổng cục thống kê: Số liệu thống kê quốc gia 2018, https://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=723.

(10) Tổng cục Thống kê: Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2018, Nxb Thống kê.

(11) Tuệ Nguyễn, Minh Thu: Nơi các chỉ tiêu giáo dục đều thấp nhất cả nước, https://thanhnien.vn/giao-duc/noi-cac-chi-tieu-giao-duc-deu-thap-nhat-ca-nuoc-1139795.html.

 

ThS Lê Quỳnh Trang

Viện Kinh tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS Chu Thị Lê Anh

Học viện Chính trị khu vực I

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền