Trang chủ    Thực tiễn    Văn hóa với phát triển kinh tế biển bền vững
Thứ tư, 17 Tháng 3 2021 12:03
1522 Lượt xem

Văn hóa với phát triển kinh tế biển bền vững

(LLCT) - Kinh tế và văn hóa là hai phạm trù tương hỗ, biện chứng với nhau, phát triển kinh tế phải gắn với giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Kinh tế biển đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế Việt Nam. Bài viết phân tích những tác động của kinh tế biển đối với đời sống người dân vùng ven biển, từ đó rút ra bài học về phát triển kinh tế biển bền vững, bảo đảm phát huy các giá trị văn hóa biển.

Từ khóa: văn hóa, kinh tế biển, phát triển bền vững.

1. Kinh tế và văn hóa   

Mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa, vật chất và tinh thần thật không mới khi đã có nhiều trường phái, học thuyết bàn đến, từ Đông sang Tây... nhưng nó vẫn mới khi đối diện, so sánh với hiện tại và tương lai của đời sống xã hội. Mỗi cá nhân khi ứng xử với vấn đề này không giống nhau về quan niệm. Sự khác nhau đó chính là sự đa dạng về văn hóa.

Tuy nhiên, không có cá nhân nào là riêng biệt khi họ vẫn tìm thấy được tiếng nói chung về vật chất và tinh thần. Tiếng nói chung ấy tạo ra từng nhóm nhỏ, từng cộng đồng nhỏ rồi mở rộng ra thành tầng lớp, giai cấp, tộc người... Tiếng nói chung, hay còn gọi là điểm giao nhau về quan niệm ấy là khởi đầu của giá trị cho một cộng đồng. Giá trị là thuật ngữ cốt lõi của văn hóa và kinh tế. Giá trị sống với không gian và thời gian, thậm chí đôi khi chỉ là thời điểm. Cũng vì thế mà từ đó, cộng đồng này không giống cộng đồng kia, dân tộc/tộc người này không giống dân tộc/tộc người khác.

Vấn đề giữa kinh tế và văn hóa không chỉ dừng lại ở đó mà thường nảy sinh ở sự tranh cãi không có hồi kết về có trước/có sau, đi trước/đi sau về kinh tế và văn hóa; thái độ trọng/khinh về văn hóa và kinh tế trong đời sống hằng ngày cũng như trong quá trình hoạch định chính sách.

Đời sống cá nhân con người hay đời sống xã hội luôn tồn tại ở 2 phạm trù vật chất và tinh thần, có người cụ thể là nền tảng vật chất và nền tảng tinh thần. Biểu hiện của đời sống vật chất và đời sống tinh thần, đời sống kinh tế và đời sống văn hóa của mỗi cá nhân và xã hội cũng không giống nhau bao gồm cả hữu hình và vô hình, nhưng dù tồn tại ở hình thức nào thì kinh tế và văn hóa luôn tương hỗ, biện chứng với nhau. Với nền tảng là giá trị, văn hóa làm cho kinh tế phát triển bền vững; với biểu hiện là “lớp son hình thức” văn hóa tạo nên sự khác biệt trong kinh doanh. Chính vì vậy mà hoạt động kinh tế của con người, qua lịch sử, dù là ước muốn hướng đến sự bền vững vẫn mang “lớp son” đa dạng của văn hóa.

2. Biển - không gian sinh tồn của kinh tế và văn hóa

Biển là không gian sinh tồn của tự nhiên và con người. Khái niệm biển không đơn thuần chỉ là vùng nước gắn với các đại dương, nơi tạo ra ranh giới giữa đất liền với các vùng nước mặn.

Sự đa dạng sinh học gắn liền với sự đa dạng văn hóa. Các cá thể sinh học và con người được tạo hóa ban cho không gian sinh tồn là biển, là rừng và nhiều sinh thái khác. Hoạt động mưu sinh của con người trong các môi trường sinh thái khác nhau được cụ thể bằng các ứng xử: ứng xử với biển, ứng xử với rừng... Lịch sử cho thấy: con người, các cộng đồng đã ứng xử với biển bằng nhiều cách khác nhau bởi lẽ, điều kiện sinh kế, quan niệm, tín ngưỡng không giống nhau.

Việt Nam có một không gian biển vô cùng rộng lớn. Trong lịch sử, chủ thể hoạt động, ứng xử chủ yếu đối với biển Nam Trung Bộ là người Việt và người Chăm, những cộng đồng lấy biển làm sinh kế. Lịch sử sản xuất kinh tế biển của các cộng đồng cư dân biển, ven biển và đảo để lại nhiều kinh nghiệm quý giá như là những tri thức bản địa của mỗi cộng đồng dân cư.

Trong quá trình tương tác, ửng xử với biển, các cộng đồng dân cư không chỉ để lại một hệ thống quan niệm, tín ngưỡng, lối sống mà còn lưu lại các thiết chế văn hóa về đền miếu, đình chùa... và đi liền với nó là các sinh hoạt nghi lễ có ý nghĩ tâm linh biển. Tất cả những biểu hiện đó, dù là vật thể hay phi vật thể đều là hệ thống giá trị về văn hóa biển. Hệ thống giá trị đó được các cộng đồng dân cư hiện thực hóa trong các sinh hoạt, lối sống mang lại niềm vui và hạnh phúc. Đó là một trong nhiều tiêu chí của phát triển bền vững.

3. Những bài học về phát triền kinh tế biển bền vững

Phải thừa nhận rằng, trong thời gian gần đây, tăng trưởng kinh tế đã làm thay đổi rất nhiều, thậm chí đôi lúc làm đảo lộn đời sống xã hội. Các địa phương duyên hải miền Trung đã thật sự khởi sắc từ tốc độ tăng trưởng kinh tế, trong đó đáng nói nhất là ngành kinh tế du lịch, dịch vụ liên quan đến biển. Tuy nhiên, việc khẳng định sự thay đổi tích cực từ tăng trưởng kinh tế không phải để tạo ra ánh hào quang lộng lẫy mà che lấp những hiệu ứng tiêu cực của nó. Đó chính là những bài học về phát triển bền vững kinh tế biển.

Bài học thứ nhất: Kinh tế biển, nhất là kinh tế du lịch, dịch vụ, tăng trưởng nhanh đóng góp một phần quan trọng vào ngân sách các địa phương, tăng thu thập, tạo việc làm thời vụ cho một bộ phận dân cư; tuy nhiên, một bộ phận người dân địa phương, người “bản địa” mất dần cơ hội sinh kế, bị “tước đoạt” về không gian biển, lùi xa khỏi biển...

Từ khi ngành kinh tế du lịch, dịch vụ phát triển, chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu ngành kinh tế, các tỉnh duyên hải miền Trung đã tận dụng ưu thế vượt trội về tiềm năng biển, đảo để tăng trưởng kinh tế. Theo thống kê, các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước. Tại các tỉnh, thành phố ven biển, chỉ số phát triển con người cao hơn mức trung bình của cả nước; thu nhập bình quân đầu người gấp từ 1,2 lần trở lên so với thu nhập bình quân của cả nước(1). Kinh tế biển, mà cốt lõi là kinh tế du lịch, dịch vụ đã thay đổi mạnh mẽ diện mạo các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận...

Sự tăng trưởng nhanh chóng giúp cải thiện đời sống, nhưng cái giá phải trả cho nó không nhỏ. Việc ưu tiên phát triển kinh tế biển tạm thời nâng cao thu nhập cho người dân nhưng lâu dài đã tước đi cơ hội sinh kế và nhu cầu hưởng thụ từ biển. Họ buộc phải rời xa không gian biển để nhường chỗ cho những dự án lớn của các nhà đầu tư. Một số hộ dân sau khi tiêu hết số tiền đền bù giải tỏa buộc phải tiếp tục bán đất, bán nhà để lùi sâu vào những nơi hẻo lánh vì họ không có việc làm và đất đai để canh tác. Một số hộ dân còn trụ lại nhưng lại không được xuống biển vì rào chắn của các khu du lịch cao cấp, các sân golf... của các đại gia. Chúng ta rất dễ nhìn thấy sự phồn hoa của các khách sạn mọc lên che lấp cả núi sông, biển cả, đất trời... nhưng không dễ nhìn thấy những thân phận đói kém, đáng thương, bệnh tật đang kiếm sống từng ngày trong từng ngóc ngách của đời sống xã hội.

Kinh tế du lịch là mũi nhọn, đang là thời thượng nhưng không nên quá “dựa dẫm” vào nó. Một nhà nghiên cứu nước ngoài đã từng cảnh báo rằng: “Du lịch giống như ngọn lửa: nó có thể sưởi ấm nhưng cũng có thể đốt cháy nhà bạn”. Quả đúng như vậy. Trong những ngày cuối tháng 7-2020, Đà Nẵng và cả nước đã phải nỗ lực giải cứu hơn 80.000 khách du lịch vì phát hiện dịch COVID-19 tại Đà Nẵng. Mặt khác, vì thiếu bền vững nên khi có một biến cố xảy ra, chúng ta không kịp thích ứng và bộc lộ những khuyết tật, những lỗ hổng của các chính sách. Trường hợp COVID-19 là ví dụ điển hình. Khi khách du lịch bị COVID-19 tấn công, hàng triệu người ở các thành phố ven biển rơi vào thất nghiệp. Hình ảnh người dân xếp hàng nhận cứu trợ từ các nhà từ thiện, các nhà hảo tâm không chỉ toát lên tinh thần tương thân tương ái trong hoàn cảnh khó khăn của người Việt Nam mà còn chỉ ra đối tượng người nghèo, nhóm dễ bị tổn thương ở nước ta còn khá lớn. Chính vì vậy mà Chính phủ đã quyết định chi ra 62.000 tỷ để hỗ trợ cho người dân để hy vọng “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Bài học thứ hai: Việc khai thác không bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên để phục vụ tăng trưởng kinh tế đã gây ra tình trạng cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng.

Kinh tế biển hiện nay là chìa khóa phát triển đối với các tỉnh duyên hải miền Trung. Biển không chỉ mang lại nguồn lợi vật chất mà còn mang đến niềm vui, đời sống văn hóa tinh thần cho các cộng đồng dân cư. Không phải ngẫu nhiên mà Đà Nẵng đã xác định 3 lĩnh vực cần tập trung đẩy mạnh hàng đầu là du lịch dịch vụ biển, kinh tế hàng hải (logistics) và thủy sản. Khánh Hòa tập trung phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm gồm: khu vực Cam Ranh, thành phố Nha Trang và khu vực vịnh Vân Phong, trong đó lấy kinh tế biển làm nòng cốt.

Tuy nhiên, việc tăng trưởng dựa vào kinh tế biển thiếu chiều sâu, nhất thời chạy theo lợi nhuận, thiếu quy hoạch bền vững đã làm cho biển “chết” dần. Tính hai mặt của việc khai thác tài nguyên biển luôn là bài học về ứng xử với môi trường. Bãi biển đông đúc, tràn ngập khách du lịch cho thấy dấu hiệu tăng trưởng của một địa phương nhưng đằng sau nó là chất thải đủ loại hàng ngày xả ra biển;  các khách sạn chen chúc mọc lên sầm uất đã chia cắt không gian biển, chắn tầm nhìn ra biển; các khu công nghiệp mọc lên xả ra biển chất thải công nghiệp độc hại; dịch vụ lặn biển ngắm san hô làm bào mòn, giết chết các rạn san hô...

Theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc năm 2018, mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa (chiếm 6% toàn thế giới), đứng thứ 4 thế giới. Ngoài nước thải lẫn dầu với khối lượng lớn, trung bình mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 5.600 tấn rác thải dầu khí, trên 15 nghìn tấn dầu mỡ trôi nổi, trong đó 23 - 30% là chất thải rắn nguy hại chưa xử lý (năm 2006 - 2007 có khoảng 21.600 - 51.800 tấn dầu trôi nổi gây ô nhiễm biển Việt Nam, trong đó chỉ có 20 tỉnh, thành ven biển đã vớt và xử lý 1.721 tấn, số còn lại khuyếch tán, lan rộng, gây hậu quả cho thực vật và sinh vật biển)... Ô nhiễm rác thải biển không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng môi trường, hệ sinh thái mà còn tác động đến phát triển kinh tế, cộng đồng dân cư ven biển; đe dọa nguồn lợi hải sản. Trong vòng hơn 20 năm qua, Việt Nam đã mất 12% số rạn san hô; 48% số rạn san hô khác đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng... Đến nay, khoảng 100 loài sinh vật biển quý hiếm và có nguy cơ bị đe dọa ở nước ta đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và Danh mục đỏ IUCN để yêu cầu phải có biện pháp bảo vệ (37 loài cá biển, 6 loài san hô, 5 loài da gai, 4 loài tôm rồng, 1 loài sam, 21 loài ốc, 6 loài hai mảnh vỏ, 3 loài mực). Kết quả nghiên cứu của FAO và một số tổ chức quốc tế khác trong những năm gần đây đều chỉ ra rằng, khoảng hơn 80% lượng cá trên các vùng biển ven bờ và ngoài khơi của Việt Nam đã bị khai thác, trong đó có đến 25% lượng cá bị khai thác quá mức hoặc khai thác cạn kiệt...(2).

Nếu chúng ta không có tầm nhìn bền vững với phát triển kinh tế biển mà chỉ chuyên chú lợi ích, lợi nhuận... thì nhất định biển sẽ “chết” trong một thời gian không xa. Thực tế cho thấy, trong thời gian cách ly, giãn cách xã hội vì đại dịch COVID - 19, các bãi biển trở nên sạch, đẹp hơn, không khí trong lành hơn.

Bài học thứ ba: Phát triển kinh tế biển để tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân là điều cần thiết, nhưng đã để lại khoảng trống tinh thần, truyền thống, cội rễ bị đánh mất, suy thoái đạo đức, lối sống lai căng; thiết chế văn hóa truyền thống mai một, biến mất.

Sự đa dạng sinh học là tiền đề cho sự đa dạng văn hóa. Mỗi một phương thức sản xuất đều đi liền với một kiểu văn hóa nhất định. Văn hóa biển hình thành, phát triển cùng với lịch sử sinh tồn của các cư dân sinh sống ven biển. Các thiết chế văn hóa là những sáng tạo hữu hình của họ để ứng xử với biển. Các nghi lễ là biểu hiện thái độ sùng kính với biển.

Trong thời gian qua, tốc độ đô thị hóa khá nhanh của các đô thị duyên hải miền Trung đã thay đổi sâu sắc diện mạo đời sống vật chất và tinh thần của các cư dân sinh sống tại đây. Các khu nghỉ dưỡng cao cấp, khách sạn ven biển xuất hiện càng nhiều. Một số nơi được khoác cho các thương hiệu như thành phố đáng sống, bãi biển đẳng cấp thế giới...

Thế nhưng, ham muốn lợi nhuận đã coi thường tất cả và quét qua các làng biển bằng quá trình đô thị hóa. Hàng loạt các thiết chế, di sản văn hóa truyền thống gắn với tín ngưỡng về biển biến mất. Thi thoảng còn lại một số thiết chế thì lại mất tính thiêng vì không còn không gian thiêng, không còn thờ cúng bởi người dân bản địa với tư cách là chủ thể của các di sản(3). Nghĩa là người dân không còn tìm thấy giá trị trong chính di sản của mình, xa lạ hoặc không có cơ hội sống với di sản. Tâm thức về biển ngày càng phai nhạt, mơ hồ. Một số thiết chế văn hóa, thậm chí là di sản văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia cũng bị dời đi khỏi không gian biển để nhường chỗ cho tăng trưởng kinh tế, cụ thể là cho các đại gia xây dựng khách sạn.

Phát triển bền vững không thể lấy tiêu chí nhanh làm nhân tố duy nhất mà phải lấy tiêu chí hài hòa làm cốt lõi. Một địa phương có tăng trưởng kinh tế cao nhưng người dân bản địa không hạnh phúc, thậm chí cảm thấy bất an, bị tước đoạt thì không thể gọi là phát triển bền vững. Tăng trưởng nhanh bằng cách “cải tạo”, “cưỡng bức” tự nhiên là trạng thái ngạo mạn của con người với thiên nhiên, với tạo hóa; là thiếu công bằng khi thải ra biển tất cả những gì có thể thải được. Tăng trưởng nhanh để phủ nhận, tước bỏ quá khứ, vùi lấp truyền thống và ký ức văn hóa sẽ làm tổn thương tinh thần cho một cộng đồng có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa.

Hài hòa là trạng thái, mức độ kiểm soát, kiềm chế ham muốn của chủ thể. Sự kiểm soát dục vọng đó có thể bắt đầu từ từng cá nhân cho đến từng cộng đồng, xã hội; song, quan trọng nhất là đội ngũ xây dựng chính sách và quyết định các quyết sách của một địa phương hay quốc gia.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2020

(1) http://dangcongsan.vn/bien-dao-viet-nam/kinh-te-bien-xanh-viet-nam-can-tan-dung-hieu-qua-cac-loi-the-538855.html

(2) TS Đặng Trung Tú, ThS Phạm Thị Hà: Ô nhiễm môi trường biển Việt Nam - thực trạng và khuyến nghị, https://isponre.gov.vn/home/dien-dan/1789-o-nhiem-moi-truong-bien-viet-nam-thuc-trang-va-khuyen-nghi.

 

(3) Dọc bãi biển Mỹ Khê, thành phố Đà Nẵng còn sót lại một số thiết chế nhưng bị bỏ hoang, trở thành nơi trú ẩn của kẻ lang thang, ma túy...

PGS, TS Nguyễn Ngọc Hòa

Học viện Chính trị khu vực III

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền