Trang chủ    Thực tiễn    Những rào cản trong xây dựng chính phủ số ở Việt Nam hiện nay
Thứ ba, 23 Tháng 3 2021 14:12
5285 Lượt xem

Những rào cản trong xây dựng chính phủ số ở Việt Nam hiện nay

(LLCT) - Trong những năm gần đây, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và đã thu được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, vị trí của Việt Nam trên bản đồ phát triển Chính phủ điện tử chậm được cải thiện; phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Bài viết khái quát việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số ở Việt Nam, bước đầu chỉ ra các rào cản, đề xuất một số giải pháp khắc phục. 

Từ khóa: Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

1. Từ Chính phủ điện tử đến xây dựng Chính phủ số ở Việt Nam

Từ những năm đầu thế kỷ XXI, Đảng và Nhà nước đã coi phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới, tạo khả năng đi tắt, đón đầu để thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngày 1-7-2014, Bộ Chính trị khóa XI ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Nghị quyết nêu rõ: “Ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực, song có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới doanh nghiệp, người dân như giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp...”, đồng thời xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2020 “triển khai có hiệu quả chương trình cải cách hành chính, gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao và trong nhiều lĩnh vực”. Ngày 15-4-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1-7-2014 của Bộ Chính trị. Chính phủ đã xác định một trong các nhiệm vụ nhằm đạt được mục tiêu Nghị quyết 36-NQ/TW đề ra là: Xây dựng có hiệu quả Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao và trong nhiều lĩnh vực, gắn kết chặt chẽ với triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông. Tổ chức nhân rộng mô hình tiêu biểu Chính quyền điện tử. Tiếp đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14-10-2015 về Chính phủ điện tử.

Trước yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính để xây dựng và phát triển đất nước, Chính phủ điện tử đã từng bước được xây dựng và triển khai mạnh mẽ; trong đó nhiều nền tảng quan trọng do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ công nghệ đã được đưa vào vận hạnh hiệu quả; tăng cường họp, làm việc trực tuyến trên môi trường điện tử(1). Công nghệ thông tin được ứng dụng trong hoạt động của các cơ quan hành chính từ Trung ương đến địa phương theo hướng xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử. Theo báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử các bộ, ngành và Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngày 16-8-2020, công cuộc xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam đang có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 ngày càng tăng. Hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, Cổng Dịch vụ công quốc gia được khai trương và đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả bước đầu; công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng được cải thiện.

Tính từ ngày 9-12-2019 (Thủ tướng Chính phủ bấm nút khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia) đến cuối tháng 8 - 2020, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 1.039 dịch vụ công trực tuyến/6.842 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền. Cổng Dịch vụ công quốc gia nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân, doanh nghiệp, đạt trên 60 triệu lượt truy cập, trên 235 nghìn tài khoản đăng ký; hơn 15 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 295 nghìn hồ sơ thực hiện trực tuyến trên cổng; tiếp nhận, hỗ trợ trên 24 nghìn cuộc gọi và 7.800 phản ánh, kiến nghị. Từ tháng 3-2020, hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia được đưa vào vận hành, đến nay đã có 9 nghìn giao dịch. Riêng trong tháng 8-2020 có trên 3 nghìn giao dịch với số tiền khoảng 5 tỷ đồng(2).

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ: Kết quả triển khai nhiều nhiệm vụ về Chính phủ điện tử còn rất chậm và nhiều nơi thực hiện mang tính hình thức. Việc xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia, hạ tầng công nghệ thông tin làm nền tảng phục vụ phát triển Chính phủ điện tử rất chậm so với tiến độ cần có; các hệ thống thông tin dữ liệu còn cục bộ, chưa có kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin; chất lượng dữ liệu và thông tin chưa được cập nhật kịp thời, chính xác; nhiều hệ thống thông tin đã triển khai chưa bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, mức độ tin cậy của quốc gia trong giao dịch điện tử thấp. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn chạy theo số lượng trong khi tỷ lệ hồ sơ thực hiện trên thực tế còn rất thấp; việc giải quyết thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ công việc còn mang nặng tính thủ công, giấy tờ(3)...

Theo khảo sát của Liên Hợp quốc, vị trí của Việt Nam trên bản đồ phát triển Chính phủ điện tử chậm được cải thiện.

Trong bảng xếp hạng chỉ số phát triển Chính phủ điện tử cho thấy, Việt Nam đã duy trì được việc tăng hạng liên tục trong giai đoạn 2014 - 2020 từ vị trí 99 lên vị trí 86. Tuy nhiên, sự thăng hạng còn chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng. Năm 2020, Việt Nam có vị trí thứ 86 trong 193 quốc gia thành viên Liên Hợp quốc, tăng 2 bậc so với năm 2018. Chỉ số hạ tầng viễn thông xếp thứ 69, tăng 31 bậc so với năm 2018; chỉ số nguồn nhân lực xếp thứ 117, tăng 3 bậc so với năm 2018. Tuy nhiên, chỉ số dịch vụ trực tuyến xếp thứ 81, bị giảm 22 bậc so với năm 2018, xếp thứ 59)(5).

Trong nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số, ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Với tầm nhìn: “Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.

Vấn đề đặt ra là tại sao Việt Nam có quyết tâm chính trị lớn trong xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số nhưng kết quả đạt được trong thực tế chưa cao, vị trí của Việt Nam trên thế giới trong phát triển Chính phủ điện tử chậm được cải thiện... Để đạt được mục tiêu đặt ra trong “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đòi hỏi phải chỉ ra được những rào cản trong xây dựng Chính phủ số ở Việt Nam hiện nay, đồng thời đề ra những giải pháp khắc phục những rào cản đó.

2. Những rào cản trong xây dựng Chính phủ số ở Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, rào cản liên quan đến chính sách, pháp luật

Trong thời gian qua, một số văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành tạo cơ sở pháp lý cho xây dựng, phát triển Chính phủ số ở Việt Nam như Luật An ninh mạng; Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 8-4-2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; Nghị định 47/2020/NĐ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ quy định về các hoạt động quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước; Nghị định 30/2020/NĐ-CP ngày 5-3-2020... Như vậy, mặc dù chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử đã được Đảng và Nhà nước ta xác định từ những năm 2000 nhưng trong một thời gian dài nhiều vấn đề chưa được điều chỉnh để tạo cơ sở pháp lý cho phát triển Chính phủ điện tử như quy định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu, về định danh và xác thực điện tử; quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; quy định về văn bản điện tử; lưu trữ tài liệu điện tử của các cơ quan nhà nước; giá trị pháp lý của văn bản điện tử trong giao dịch hành chính và thanh toán; về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử... mới được quy định.

Trong thời đại công nghệ số hiện nay, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ mang tính đột phá trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng internet cao nhất thế giới, số lượng người sử dụng internet của Việt Nam đã đạt hơn 68 triệu người, chiếm hơn 2/3 dân số (70%), 65 triệu người hiện đang sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Do vậy, khi xây dựng Chính phủ điện tử cần xây dựng hành lang pháp lý phát triển Chính phủ điện tử dựa trên dữ liệu mở, ứng dụng các công nghệ hiện đại (như trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, giao diện lập trình ứng dụng mở...); vấn đề bảo vệ quyền con người, bảo vệ dữ liệu cá nhân đang ngày càng trở nên cấp thiết.

Sự thiếu hụt, chậm trễ trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh nội dung liên quan đến phát triển Chính phủ điện tử là rào cản trong xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử.

Thứ hai, rào cản từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Rào cản lớn nhất chính là từ một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức- nhân vật trung tâm của chính quyền số. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức khả năng sử dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc còn hạn chế, thói quen sử dụng văn bản giấy tờ, thói quen cát cứ dữ liệu, không chia sẻ thông tin...chưa được khắc phục.

Về phía người dân, doanh nghiệp: tỷ lệ doanh nghiệp, người dân hiểu biết, sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông còn thấp. Bên cạnh một bộ phận người dân chưa quen với công nghệ, chưa tiếp cận với dịch vụ công trực tuyến thì vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp, người dân có tâm lý muốn giải quyết công việc bằng cách nhờ vả quan hệ thân hữu hoặc “bôi trơn” cho nhanh được việc.

Chính phủ điện tử chỉ có thể phát huy hiệu quả tốt nhất khi được vận hành bởi những công chức và công dân 4.0. Vì vậy, những hạn chế trên đây chính là rào cản trong xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Thứ ba, rào cản về nguồn lực

Để bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, phát triển hạ tầng số (hạ tầng viễn thông, hạ tầng internet vạn vật, hạ tầng dữ liệu), nền tảng số (bao gồm các nền tảng như: tích hợp và chia sẻ dữ liệu, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, kết nối dịch vụ số hóa, chuối khối “blockchain”, định danh điện tử), thực hiện chuyển đổi số, bên cạnh việc có hành lang pháp lý, lộ trình, cơ chế thì cần có đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ công nghệ thông tin phù hợp; phải có đủ nguồn lực tài chính mới có thể phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay mức chi đầu tư cho chuyển đổi số tại Việt Nam còn thấp, chỉ chiếm từ 0,3 - 0,5% GDP. Trong khi mức đầu tư trung bình trên thế giới phải gấp ít nhất 3 lần như thế(6).

Để phá bỏ những rào cản nêu trên, cần sớm ban hành Luật Chính phủ điện tử; văn bản pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư của con người, bảo vệ an ninh cá nhân, điều chỉnh lĩnh vực ứng dụng các công nghệ hiện đại (như trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, giao diện lập trình ứng dụng mở...).

Tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để nâng cao nhận thức và năng lực trong xây dựng, điều hành Chính phủ điện tử. Tổ chức đào tạo, tập huấn cho người dân, doanh nghiệp trong khai thác, sử dụng các hệ thống thông tin, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Cần tạo lập niềm tin đối với cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp thông qua việc hình thành văn hóa số, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân. Có cơ chế khuyến khích thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ trong và ngoài nước tham gia xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Trong bối cảnh là một nước có nguồn lực còn hạn chế, Việt Nam cần có chính sách ưu tiên, tập trung nguồn lực đầu tư cho xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Có cơ chế đặc thù trong xã hội hóa đầu tư cho ứng dụng phát triển công nghệ thông tin xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Xác lập thứ tự ưu tiên để bảo đảm đầu tư hiệu quả nhất. Có phương pháp khoa học, khả thi để huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực trong và ngoài nước.

Trong bối cảnh thế giới có sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ như hiện nay thì để có thể đi tắt, đón đầu trong xây dựng Chính phủ số, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia có nhiều thành tựu trong xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Đồng thời, hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới để nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, nền tảng số.

Xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta cần được tập trung triển khai trong thời gian tới. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngoài quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi cần phải tháo gỡ, xóa bỏ những rào cản đang cản trở tiến trình xây dựng Chính phủ số, góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2020

(1) Báo cáo số 555/BC-CP ngày 19-10-2020 của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020; dự kiến kế hoạch năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2021-2025, http://datafile.chinhphu.vn/files/vbpq/2020/10/555.signed.pdf.

(2) https://ehealth.gov.vn/?action=News&newsId=52608.

(3) http://egov.chinhphu.vn/xay-dung-chinh-phu-dien-tu-huong-toi-chinh-phu-so-va-nen-kinh-te-so-o-viet-nam-a-NewsDetails-37599-14-186.html.

(4) https://www.un.org/en/development/desa/publications/2010-united-nations-e-government-survey.html.

https://www.un.org/en/development/desa/publications/connecting-governments-to-citizens.html. https://www.un.org/en/development/desa/publications/e-government-survey-2014.html. https://www.un.org/development/desa/publications/2016-e-government-survey.html.

http://egov.chinhphu.vn/Resources/2018_08_02/37598/E-Government-Survey-2018.pdf.

https://digitallibrary.un.org/record/3884686?ln=es

(5) https://digitallibrary.un.org/record/3884686?ln=es.

 

(6) https://vtv.vn/kinh-te/van-con-rao-can-trong-trien-khai-chinh-phu-dien-tu-20200918063141933.htm.

TS Đinh Thị Hương Giang

Viện Nhà nước và Pháp luật,

 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền