Trang chủ    Thực tiễn    Văn hóa chính trị Việt Nam trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19
Thứ ba, 23 Tháng 3 2021 14:19
3659 Lượt xem

Văn hóa chính trị Việt Nam trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19

(LLCT) - Đại dịch COVID-19 gây ra nhiều tổn thất nặng nề về sinh mệnh, kinh tế cũng như sự ổn định chính trị - xã hội ở quy mô toàn cầu. Bước vào cuộc chiến chống dịch bệnh với nhiều bất lợi, song Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực và được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Bên cạnh nhiều nguyên nhân của những thành công bước đầu đó, văn hóa chính trị là yếu tố đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa, tác động mạnh mẽ đến ý thức, hành vi của người dân và chính quyền trong việc phòng và chống dịch. Thông qua việc phân tích 4 chiều cạnh của văn hóa chính trị gồm: Chủ nghĩa cá nhân với chủ nghĩa tập thể; Khoảng cách quyền lực; Mức độ tránh sự bất định; Tính cương quyết với tính mềm dẻo, các đặc trưng văn hóa chính trị Việt Nam được bộc lộ và góp phần lý giải về kết quả phòng, chống dịch ở Việt Nam trong thời gian vừa qua.

 

Cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và 63 tỉnh, thành phố về việc đánh giá kết quả công tác phòng, chống dịch ngày 17-3-2021Từ khóa: văn hóa chính trị, đại dịch COVID-19.

Đại dịch COVID-19 là một thảm họa y tế toàn cầu, ảnh hưởng đến 215 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới(1). Số ca lây nhiễm và tử vong tăng mạnh mỗi ngày gây tổn hại đến sự phát triển của kinh tế toàn cầu và là nguồn cơn của các xung đột chính trị - xã hội ở nhiều quốc gia. Nó vừa là phép thử đối với năng lực của hệ thống chính trị vừa là phép thử đối với người dân, qua đó các đặc trưng văn hóa chính trị được bộc lộ với các giá trị đã được hun đúc suốt chiều dài lịch sử chính trị của dân tộc.

Việt Nam bước vào cuộc chiến chống dịch COVID-19 với nhiều bất lợi. Là quốc gia có đường biên giới dài với Trung Quốc - nơi khởi phát dịch; thời điểm bùng phát dịch bệnh diễn ra ngay thời điểm chuyển sang năm mới khiến cho nhu cầu di chuyển tăng cao giữa hai quốc gia vốn có chung truyền thống đón Tết Nguyên đán; trong khi nguồn lực y tế của Việt Nam còn nhiều hạn chế và vị trí lãnh đạo cao nhất của Bộ Y tế chưa kịp kiện toàn(2). Mặc dù vậy, cho đến nay, Việt Nam là một trong số các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm và tử vong vì đại dịch ở mức độ thấp(3). Để có được kết quả đó, những giá trị văn hóa chính trị Việt Nam đóng vai trò quan trọng.

1. Văn hóa chính trị và các chiều cạnh của nó

Có nhiều quan điểm khác nhau về văn hóa chính trị, song chủ yếu được tiếp cận theo hai hướng: hướng tiếp cận hành vi và hướng tiếp cận giá trị.

Tiêu biểu cho cách tiếp cận hành vi là quan niệm của Almond và Verba trong công trình Văn hóa công dân. Theo đó, văn hóa chính trị được chia thành ba loại: văn hóa chính trị thờ ơ, văn hóa chính trị tuân phục và văn hóa chính trị tham gia.

Hướng tiếp cận giá trị, văn hóa chính trị được hiểu là những giá trị được các cá nhân công dân trong một cộng đồng chia sẻ với nhau trong quá trình tham gia vào đời sống chính trị. “Văn hóa chính trị là một hệ thống các giá trị cơ bản, các tình cảm và tri thức tạo ra hình thức và nội dung cho một quá trình chính trị”(4) (Lucian Pye). Theo đó, văn hóa chính trị không đơn giản là thái độ, niềm tin mà là những giá trị cốt lõi được chưng cất trong quá trình tổ chức hoạt động sống chung của một cộng đồng, một quốc gia. Nó được định hình thông qua quá trình học hỏi từ xã hội và tham gia định hướng hành vi chính trị của mỗi công dân.

Mỗi cách tiếp cận nhấn mạnh một thành tố khác nhau của cấu trúc văn hóa chính trị, song văn hóa chính trị đều được hiểu là những giá trị được biểu hiện thông qua hành vi chính trị của người dân và của các chủ thể quyền lực nhà nước trong mối quan hệ tác động qua lại nhằm ứng xử với những vấn đề chung của cộng đồng ở mỗi một quốc gia. Xét đến cùng, chính trị là quá trình tổ chức ra sao để con người trong một xã hội sống chung với nhau. Quá trình đó diễn ra suốt chiều dài lịch sử chính trị của một dân tộc sẽ hun đúc và tạo ra các giá trị được biểu hiện thành các hành vi chính trị thông qua các chiều cạnh văn hóa chính trị khác nhau. Là yếu tố ẩn, văn hóa chính trị vốn khó nhận diện trong điều kiện bình thường, song qua các biến cố của đất nước, hay những sự kiện ảnh hưởng đến sự an nguy chung của cộng đồng thì các đặc trưng của văn hóa chính trị lại được bộc lộ và thể hiện vai trò của nó.

Văn hóa chính trị của mỗi quốc gia mang những đặc trưng riêng, và để nhận diện nó, các nghiên cứu văn hóa chính trị thường tập trung vào các chiều cạnh cụ thể, đồng thời nhấn mạnh đến mức độ của nó. Các nghiên cứu văn hóa chính trị tiêu biểu gần đây đều sử dụng các chiều cạnh nhằm xác định đặc trưng văn hóa chính trị của một quốc gia. Theo đó, các chiều cạnh được đề cập như: Chủ nghĩa tượng đài; Chủ nghĩa tập thể; Tinh thần đồng thuận; Tinh thần hợp tác; Tâm lý tránh sự bất định,... của Inglehart và Schwartz(5) dựa trên nền tảng nghiên cứu của Geert Hofstede(6).

Trong khung khổ bài viết này, nhằm làm nổi bật các đặc trưng văn hóa chính trị Việt Nam trong quá trình phòng, chống đại dịch COVID-19, văn hóa chính trị được xem xét ở 4 chiều cạnh: Chủ nghĩa cá nhân với chủ nghĩa tập thể; Khoảng cách quyền lực; Mức độ tránh sự bất định; Tính cương quyết với tính mềm dẻo.

Chiều cạnh thứ nhất, Chủ nghĩa cá nhân với chủ nghĩa tập thể nghĩa là, trong một cộng đồng hay một tổ chức sẽ định hình giá trị thiên về chủ nghĩa cá nhân - nhấn mạnh tính độc lập cá nhân và mức độ lỏng lẻo hơn trong liên kết cộng đồng; hoặc thiên về chủ nghĩa tập thể - nhấn mạnh tính cố kết cộng đồng và trách nhiệm chung.

Chiều cạnh thứ hai, Khoảng cách quyền lực nói đến khoảng cách thứ bậc do quyền lực tạo ra. Đó là khoảng cách quyền lực giữa nhà nước với người dân hay giữa các chủ thể quyền lực nhà nước với nhau. Khoảng cách quyền lực lớn hay nhỏ ảnh hưởng khác nhau đến các quan hệ chính trị và hiệu quả trong thực thi chính sách.

 Chiều cạnh thứ ba, Mức độ tránh sự bất định nói đến mức độ cao thấp trong ứng phó với các tình huống bất ngờ, không mang tính thông thường và khó đoán định.

Chiều cạnh thứ tư, Tính quyết đoán với tính mềm dẻo nghĩa là văn hóa chính trị của một quốc gia thiên về tính cương quyết, cứng rắn hay hay tính mềm dẻo, linh hoạt trong việc hoàn thành một nhiệm vụ chính trị.

2. Các chiều cạnh của văn hóa chính trị Việt Nam biểu hiện trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19

(i) Chủ nghĩa cá nhân với chủ nghĩa tập thể

Từ thời điểm dịch COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam cho đến nay, Việt Nam trải qua 2 đợt dịch(7). Xuyên suốt cả hai đợt dịch, người dân trong cả nước đều chấp hành các quy định và cảnh báo từ chính quyền với sự đồng thuận cao, tinh thần đoàn kết cùng quyết tâm “chống dịch như chống giặc”.

Đeo khẩu trang là một quy định nhằm bảo vệ các cá nhân khỏi dịch bệnh song nó cũng đồng thời là trách nhiệm của từng thành viên đối với cộng đồng. Với quy định này ở Việt Nam, hầu hết mọi người dân đều chấp hành một cách nghiêm túc ngay từ giai đoạn đầu chống dịch. Bên cạnh ý thức đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân và cộng đồng, nhiều cá nhân và tổ chức đã thực hiện phát khẩu trang miễn phí cho mọi người tại các địa điểm công cộng nhằm tăng cường khả năng chống dịch của cộng đồng. Vào giai đoạn cao điểm chống dịch, lo ngại nguồn cung khẩu trang khan hiếm, và nhằm tiết kiệm nguồn lực cho Nhà nước, nhiều người dân đã tình nguyện nhường những khẩu trang y tế cho lực lượng y bác sỹ và chỉ sử dụng khẩu trang vải có thể sử dụng nhiều lần. Một phản ứng gần như ngay lập tức của người dân trước tình huống ảnh hưởng đến cộng đồng, cũng như tinh thần hợp tác cao đối với những khuyến cáo của chính quyền là những biểu hiện của tinh thần tập thể và chủ nghĩa cộng đồng. Nó không thể là biểu hiện có tính ngẫu nhiên, mà là kết quả của một quá trình kết tinh trong suốt tiến trình chính trị của dân tộc.

Khác với chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa cá nhân coi trọng tự do cá nhân, quyền cá nhân trong việc ứng phó với những tình huống tác động đến sự an nguy của cả cộng đồng, cụ thể là các khuyến cáo y tế nhằm phòng chống dịch. Vào thời điểm dịch bệnh bùng phát và lây lan, người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới có thái độ thờ ơ, kỳ thị với hành vi đeo khẩu trang như biểu tượng của bệnh tật, đáng xua đuổi và thậm chí bị tấn công. Bởi thế, ngay trong thời điểm bùng phát dịch, việc đeo khẩu trang ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phương Tây, vẫn thuộc về quyền lựa chọn của mỗi cá nhân.

Không chỉ là ý thức bảo vệ bản thân và cộng đồng, Việt Nam còn chứng kiến sự tình nguyện huy động nguồn lực xã hội nhằm chia sẻ với Nhà nước trong nhiệm vụ chung là phòng, chống dịch. Hình ảnh Mẹ Việt Nam Anh hùng Đàm Thị Bảy, 100 tuổi (thôn 1, xã Hồng Kỳ) đã ủng hộ công tác phòng chống dịch COVID-19 xã Hồng Kỳ 1 triệu đồng(8) và nhiều nghĩa cử cao đẹp từ những người dân bình dị đã tạo nên sức lan tỏa tình người và tinh thần đoàn kết toàn dân trong những thời điểm khó khăn của đất nước. Ý tưởng “Siêu thị không đồng”(9) hay sáng kiến “Cây ATM gạo”(10) đã giúp được hàng trăm hộ nghèo bị ảnh hưởng trong thời gian dịch bệnh, đồng thời thể hiện sâu sắc truyền thống “lá lành đùm lá rách”, tương thân, tương ái của dân tộc Việt Nam. Các cá nhân đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện, góp tiền, trang thiết bị y tế và cả công sức cùng đội ngũ y tế chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19. Nguồn vốn xã hội này đã được huy động kịp thời và tạo động lực không nhỏ cho công tác chống dịch cả về vật chất lẫn tinh thần, khiến cuộc chiến chống dịch trở thành cuộc chiến của toàn dân với tinh thần đoàn kết vì dân tộc.

Thực tế trên cho thấy, đây không phải là biểu hiện của văn hóa chung chung mà là những giá trị văn hóa chính trị của dân tộc được bộc lộ mỗi khi có tình huống chính trị cần sự huy động nguồn vốn xã hội mạnh mẽ. Nó là sự kết tinh từ ý thức về nòi giống chung, về phương thức cố kết cộng đồng (nhà - làng - nước) và cả phương thức sinh tồn trong việc cùng nhau trị thủy và chống giặc ngoại xâm từ trong lịch sử.

(ii) Khoảng cách quyền lực

Khoảng cách quyền lực giữa nhà nước và người dân:

Hình ảnh Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban chỉ đạo với sự tận tâm tận lực, bình dị và gần gũi đã gây xúc động đối với mọi tầng lớp nhân dân; Lãnh đạo các địa phương có bệnh nhân nhiễm COVID-19 thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên người bệnh và gia đình; Đại diện tổ dân phố cùng người dân tổ chức vệ sinh, khử khuẩn trong khu dân cư; Các chiến sỹ nhường phòng ở, vật dụng hằng ngày cho những người cách ly tập trung tại các doanh trại quân đội... Tất cả là những biểu hiện của sự gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước với tư cách là chủ thể quyền lực với người dân; giữa Đảng lãnh đạo với lực lượng quân đội và nhân dân. Khoảng cách quyền lực thấp hiện hữu trong tình Quân - Dân, sự hòa quyện của ý Đảng - lòng Dân tạo thành một khối thống nhất và sức mạnh tổng hợp trong cuộc chiến phòng và chống dịch, đã làm nổi rõ đặc trưng văn hóa chính trị Việt Nam ở chiều cạnh này.

Khoảng cách quyền lực giữa các chủ thể quyền lực:

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh, cấp huyện với các nhiệm vụ rất cụ thể đã hiện thực hóa các chỉ đạo từ Ban Chỉ đạo Trung ương, đồng thời tiến hành công tác chỉ đạo đối với lực lượng chức năng tuyến cơ sở. Bên cạnh việc tuyên truyền nhắc nhở, các lực lượng chức năng tuyến cơ sở đã lập các chốt kiểm soát dịch nhằm hỗ trợ mạnh mẽ cho tuyến đầu chống dịch. Lực lượng quân đội dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, được huy động đảm nhiệm các nhiệm vụ vận chuyển người đến các địa điểm cách ly; cung ứng các dịch vụ ở khu cách ly và đặc biệt giám sát nghiêm ngặt đường biên giới với các quốc gia láng giềng. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền cho thấy sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của toàn hệ thống chính trị.

Có thể nói, khoảng cách quyền lực thấp là một biểu hiện nổi bật của văn hóa chính trị Việt Nam vốn được định hình từ trong lịch sử cho đến nay. Xuất phát từ truyền thống trị thủy và chống giặc ngoại xâm của cha ông vốn đòi hỏi sự đồng lòng và chung tay hành động của cá nhân và cộng đồng, của nhân dân và nhà nước. Trong thời kỳ hiện đại, đặc điểm của mô hình thể chế Việt Nam cho thấy quyền lực là tập trung và thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng. Điều này thể hiện sự gắn kết chặt chẽ giữa các cấp và tính thống nhất cao trong ý chí hành động của hệ thống chính trị. Khoảng cách quyền lực này đã tạo ra giá trị văn hóa chính trị vừa có sự tôn trọng thứ bậc và chấp hành đối với quyền lực, vừa có sự gắn kết và phối hợp hiệu quả giữa các cấp chính quyền và giữa chính quyền cơ sở với người dân trong quá trình thực hiện mục tiêu chung. Điều này giúp cho việc huy động nguồn lực dễ dàng, tránh được sự phân tán trong tổ chức và thực hiện, mang lại những hiệu quả thực sự.

(iii) Mức độ tránh tính bất định

Dân tộc Việt Nam vốn trải qua nhiều gián đoạn chính trị trong lịch sử với sự hưng thịnh rồi suy vong của các triều đại phong kiến và các cuộc xâm lược từ Trung Hoa và phương Tây. Do đó, tâm thức tránh sự bất định luôn thường trực và trở thành một chiều cạnh đặc trưng của văn hóa chính trị Việt Nam. Trong những tình huống chính trị đặc biệt có tính biến cố, ảnh hưởng trực diện đến sự an nguy chung của cộng đồng, và những hiện thực khó đoán định thì chiều cạnh này lại được biểu hiện rõ nét.

Có thể nói, giai đoạn 2 của đợt dịch thứ nhất (từ khi phát hiện ca bệnh số 17) là thời điểm mối lo ngại từ dịch bệnh tăng cao. Ngoài sự lo lắng về khả năng mắc bệnh, còn là mối lo về an ninh lương thực, an ninh y tế và hơn thế là sự an nguy về tính mạng. Chính tâm thức về sự bất định nếu dịch bệnh bùng phát và không thể kiểm soát là một phần nguyên nhân thôi thúc ý thức phòng, chống dịch của người dân. Tuy vậy, tâm thức tránh bất định cũng dẫn tới một thái cực khác khi người dân quá lo lắng cho sự an toàn đối với các nhu cầu thiết yếu, dẫn tới các hành vi như tích trữ đồ ăn, hoảng loạn khi có người nhiễm bệnh trong khu dân cư mình sinh sống. Điều này cho thấy mức độ cao về tránh sự bất định là một đặc trưng trong văn hóa chính trị Việt Nam và tác động của nó có tính hai mặt.

(iv) Tính cương quyết với tính mềm dẻo

Cuộc chiến chống COVID-19 ở Việt Nam vừa qua chứng kiến hàng loạt quyết định kịp thời và hiệu quả được đưa ra bám sát những diễn biến của tình hình dịch bệnh(11). Nó là kết quả của những tính toán kỹ lưỡng, sự phối hợp xử lý đầy cương quyết nhưng linh hoạt, quyết liệt nhưng mềm dẻo của các cấp chính quyền.

Tính cương quyết chống dịch được thể hiện trong việc truy tìm dấu vết F0, cách ly triệt để đối với những người về từ vùng dịch, cách ly toàn bộ một xã, một tuyến phố hay cả một bệnh viện tuyến cuối (Bệnh viện Bạch Mai), thậm chí một thành phố du lịch (Đà Nẵng) khi xuất hiện nhiều ca nhiễm trong cộng đồng. Vào đỉnh điểm của giai đoạn chống dịch ở đợt dịch thứ nhất, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg (31-3-2020), về thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày. Khi đợt dịch thứ hai bùng phát ở Đà Nẵng, nơi tập trung số lượng lớn khách du lịch từ nhiều tỉnh thành, Ban chỉ đạo đã nhanh chóng cách ly và xét nghiệm nhanh đối với hàng nghìn người trở về từ Đà Nẵng. Đối với những hành vi trốn cách ly, chống đối các quy định phòng dịch hay xuyên tạc sự thật về tình hình dịch bệnh đều bị xử lý nghiêm từ phạt hành chính đến phạt tù. Tóm lại, có thể thấy Chính phủ Việt Nam đã quyết liệt trong công tác phòng và chống dịch, đồng thời quyết đoán trong lãnh đạo, chỉ đạo, chấp nhận những hi sinh nhất định về kinh tế nhằm bảo vệ sự an toàn đối với sinh mệnh của nhân dân ở giai đoạn số ca bệnh tăng cao.

Song song với sự cương quyết phòng chống dịch, Chính phủ Việt Nam vẫn thể hiện sự linh hoạt và mềm dẻo trong công tác chỉ đạo ở cả hai đợt dịch và suốt các giai đoạn. Ở giai đoạn 1 của đợt dịch thứ nhất, mặc dù nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài rất lớn song trong bối cảnh đó các ca nhiễm ở nhiều quốc gia khác trên thế giới thấp và chính phủ cũng như người dân ở nhiều quốc gia vẫn chưa có những động thái quyết liệt nhằm ngăn chặn dịch. Điều đó khiến công tác phòng chống dịch từ bên ngoài cần có sự linh hoạt và mềm dẻo; vừa có thể phòng dịch vừa duy trì phát triển kinh tế, giao dịch thương mại và đối ngoại. Trong quá trình thực hiện cách ly người từ vùng dịch và vùng có nguy cơ lây nhiễm, Chính phủ Việt Nam đã đáp ứng các dịch vụ miễn phí ở khu cách ly nhằm tạo được động lực mạnh mẽ nhất để mọi người chấp hành. Đối với một quốc gia có nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nguồn ngân sách hạn hẹp song quyết định miễn phí vẫn được lựa chọn như một giải pháp tối ưu và được đánh giá là một cách tiếp cận chi phí thấp mang lại hiệu quả. Trong đợt dịch thứ 2, bùng phát giữa tháng 7-2020, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra chỉ đạo về việc áp dụng linh hoạt Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội và Chỉ thị 19 về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới(12), tùy từng hoàn cảnh khác nhau mà các địa phương triển khai dập dịch khác nhau(13). Điều này cho thấy sự chủ động ứng biến của Chính phủ giữa hai đợt dịch, nhằm vừa phòng chống dịch vừa duy trì đà phục hồi kinh tế ở từng địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Về đối ngoại, Chính phủ Việt Nam nhanh chóng thông báo đến chính phủ các quốc gia có các ca nhiễm bệnh khi về Việt Nam, đồng thời điện đàm với các quốc gia để phối hợp đối phó với diễn biến của dịch bệnh. Việc chữa trị thành công đối với ca bệnh là phi công người Anh đã trở thành biểu tượng cho nỗ lực chống dịch của Việt Nam, đồng thời nâng cao uy tín Việt Nam về tinh thần quốc tế và tính nhân văn cao đẹp.

3. Một vài vấn đề gợi mở

Thứ nhất, chủ nghĩa cộng đồng là một đặc trưng nổi trội, nhưng nó chỉ thực sự được phát huy mạnh mẽ khi mỗi người dân đều nhận thấy lợi ích chung của cộng đồng và dân tộc. Đặc biệt, khi nỗ lực của chính quyền thể hiện trong mọi quyết sách và hành động đều vì lợi ích và sự an toàn của người dân thì chủ nghĩa tập thể hay tính cộng đồng lại được thôi thúc và tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua đó, chính quyền cũng nhận được sự hỗ trợ từ nguồn vốn xã hội to lớn trong nhân dân cả về vật chất lẫn tinh thần.

Thứ hai, khoảng cách quyền lực thấp đã góp phần tạo ra sự phối hợp khăng khít chặt chẽ giữa các cấp chính quyền; sự tận tâm vì lợi ích chung của người đứng đầu cùng sự tin cậy lẫn nhau giữa nhà nước và người dân là nhân tố góp phần tạo ra những chuyển biến lớn trong hiệu quả hoạt động của toàn bộ hệ thống chính trị.

Thứ ba, mức độ tránh tính bất định cao của người dân sẽ là lực cản đối với công tác phòng chống dịch nếu người dân không tin tưởng vào chính quyền dẫn tới tâm lý hoảng loạn và gây mất ổn định chính trị xã hội. Tuy nhiên, nếu mức độ tránh tính bất định cao song được dẫn dắt với niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng và năng lực quản lý của chính quyền vì lợi ích của nhân dân thì sẽ góp phần tạo ra sự vững tâm và ý thức chấp hành tốt các quy định từ phía người dân.

Thứ tư, tính cương quyết với tính mềm dẻo nếu kết hợp một cách linh hoạt, phù hợp với từng hoàn cảnh và dựa trên lợi ích chính đáng của người dân thì sẽ luôn mang lại hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cả về đối nội lẫn đối ngoại. Tính cương quyết khác với sự chuyên quyền áp đặt; còn sự mềm dẻo, linh hoạt nhưng không thỏa hiệp là những bài học quý giá mà Đảng ta đã có được trong lịch sử chính trị Việt Nam từ trước đến nay.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2020

(1) Xem số liệu cập nhật tại https://www.worldometers.info/coronavirus/.

(2) Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chuyển công tác từ tháng 11-2019. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam được giao nhiệm vụ phụ trách và chỉ đạo ngành y tế và toàn dân trong suốt quá trình chống dịch.

(3) Việt Nam có 1.040 ca nhiễm, 309 người đang được điều trị, 695 người đã được chữa khỏi và số ca tử vong là 33. Dẫn theo Bộ Y tế, Thống kê tình hình dịch bện COVID-19, https://ncov.moh.gov.vn/, truy cập ngày 31-8-2020.

(4) Viện Chính trị học: Chính trị học những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.145

(5) Inglehart (1988), The Renaissance of Political Culture (Sự phục hưng của văn hóa chính trị), American Political Science Review, 82 (December 1988), 1203-30; Schwartz, S. H. (2006), A theory of cultural value orientations: Explication and applications (Một lý thuyết của những định hướng giá trị văn hóa: Kiến giải và ứng dụng), Comparative Sociology, 5 (2/3), 137-182.

(6) Geert Hofstede et al, Culture and Organizations, New York: Hill, (1997).

(7) Đợt dịch thứ nhất bắt đầu từ tháng 1-2020 đến 4-2020. Trong đợt này được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, ngày 23-1-2020, Việt Nam đã ghi nhận ca nhiễm covid-19 đầu tiên, bệnh nhân là người đi về từ vùng dịch. Kết thúc giai đoạn 1 với hơn 16 ca dương tính được chữa khỏi, Việt Nam bước sang giai đoạn 2 khi ca nhiễm thứ 17 được xác định, nhiều tuyến phố và khu dân cư ở trung tâm thủ đô bị phong tỏa. Giai đoạn 3 ghi nhận các ca nhiễm trong cộng đồng và mất dấu F0, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định về giãn cách xã hội trong vòng 15 ngày.

Đợt dịch thứ hai bắt đầu vào giữa tháng 7-2020 với các ca bệnh được phát hiện tại Đà Nẵng và mất dấu F0, đặc biệt đây là thời gian lưu lượng khách du lịch di chuyển đông, khiến cho dịch bệnh lây lan ra nhiều tỉnh thành, chấm dứt 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

(8) http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/964253/ba-me-viet-nam-anh-hung-100-tuoi-ung-ho-tien-chong-dich-covid-19.

(9) https://tuoitre.vn/sieu-thi-gia-0-dong-cho-nguoi-ngheo-20200414085458717.htm.

(10) http://dangcongsan.vn/xa-hoi/lan-toa-mo-hinh-atm-gao-cho-nguoi-ngheo-553120.html,

(11) Các quyết định được đưa ra trong thời gian chống dịch vừa qua:

- Ngày 29-1-2020, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Công văn số 79/CV-TW về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virut corona gây ra;

- Ngày 30-1-2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 170/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch covid-19, do Phó Thủ tưởng Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban Chỉ đạo;

- Ngày 1-2-2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 173/QĐ-TTg công bố dịch Covid-19;

- Ngày 18-3-2020, Thủ tướng ra quyết định dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, hạn chế các chuyến bay từ vùng dịch;

- Ngày 27-3-2020, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg yêu cầu quyết liệt thực hiện cao điểm chống dịch covid-19;

- Ngày 30-3-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài chung sức đẩy lùi đại dịch covid-19;

- Ngày 31-3-2020, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày.

- Ngày 24-4-2020, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 19/CT-TTg về việc nới lỏng các hạn chế, từng bước khôi phục hoạt động kinh tế xã hội, chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hạn.

 

(12) https://moh.gov.vn/hoat-dong-cua-lanh-dao-bo/-/asset_publisher/TW6LTp1ZtwaN/content/huong-dan-thuc-hien-chi-thi-16-ct-ttg-ve-cach-ly-xa-hoi.

 

(13) https://ncov.moh.gov.vn/web/guest/-/thu-tuong-tuy-hoan-canh-cu-the-cac-ia-phuong-ap-dung-chi-thi-19-hoac-16-voi-cac-o-dich-covid-19.

NCS Nguyễn Thị Hồng Minh

Viện Chính trị học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền