Trang chủ    Thực tiễn    Thực hiện pháp luật về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
Thứ ba, 23 Tháng 3 2021 14:25
6008 Lượt xem

Thực hiện pháp luật về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

(LLCT) - Hành lang pháp lý về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng của Việt Nam bước đầu đã được hình thành. Tuy nhiên, việc thi hành pháp luật về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng còn nhiều bất cập, hạn chế; sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc phòng ngừa, xử lý các vi phạm còn thiếu chuyên nghiệp. Bài viết tập trung làm rõ thực trạng thực hiện pháp luật về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này.

Từ khóa: bảo vệ trẻ em, không gian mạng, thực hiện pháp luật.

1. Quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Luật Trẻ em năm 2016 quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi. Như vậy, tất cả trẻ em dưới 16 tuổi, không phân biệt là công dân Việt Nam hay người nước ngoài sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều là đối tượng được Luật bảo vệ. Bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em(1).

Khái niệm không gian mạng được quy định trong Luật An ninh mạng năm 2018: Không gian mạng được hiểu là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng intenet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian(2).

Với tư cách là một bộ phận của pháp luật về trẻ em, pháp luật về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là tổng thể các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội trên không gian mạng, bảo đảm cho trẻ em có không gian mạng an toàn, lành mạnh; kiểm soát, phòng ngừa, xử lý các hành vi xâm hại trẻ em.

Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương, hiểu biết về các vấn đề xã hội, đặc biệt là vấn đề giới tính còn có mức độ. Thống kê của Liên Hợp quốc cho thấy, 1/3 số người dùng mạng internet trên thế giới là trẻ em. Cụ thể, trẻ em chiếm 1/5 số người sử dụng mạng internet ở các quốc gia phát triển; 1/3 đến 1/2 số người dùng tại các quốc gia đang phát triển và các quốc gia kém phát triển(3).

Việt Nam nằm trong số các quốc gia có lượng người dùng mạng internet lớn nhất thế giới với 64 triệu người, chiếm 66% dân số; trong đó, 1/3 người dùng ở độ tuổi 15 đến 24(4). Tuy chưa có con số thống kê chính thức nhưng tỷ lệ trẻ em sử dụng không gian mạng phản ánh thực tế rằng người trẻ luôn nhạy bén với công nghệ. Trong khi đó, đối tượng sử dụng không gian mạng để phạm tội ngày càng tinh vi. Tội phạm không cần lộ diện, không tốn nhiều công sức mà vẫn đạt được mục đích. Việc sử dụng không gian mạng nhiều nhưng chưa có kỹ năng cũng như nhận thức đầy đủ về tính hai mặt của không gian mạng khiến trẻ em luôn là đối tượng bị đe dọa, lạm dụng, bóc lột, lừa đảo.

Cùng với Luật An ninh mạng năm 2018, năm 2019, Việt Nam đã ký cam kết Tuyên bố về bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến trong ASEAN tạo ra hành lang pháp lý trong việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Nội dung quy định pháp luật bảo vệ trẻ em trên không gian mạng bao gồm:

Thứ nhất, trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia không gian mạng.

Thứ hai, trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng của các chủ thể gồm: (i) Chủ quản hệ thống thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng có trách nhiệm kiểm soát nội dung trên hệ thống thông tin hoặc trên dịch vụ để không gây nguy hại cho trẻ em; ngăn chặn việc chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; kịp thời thông báo, phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an để xử lý; (ii) Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong bảo đảm quyền của trẻ em trên không gian mạng, ngăn chặn thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em theo quy định của Luật An ninh mạng và pháp luật về trẻ em; (iii) Cơ quan, tổ chức, cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và cá nhân khác liên quan có trách nhiệm bảo đảm quyền của trẻ em, bảo vệ trẻ em khi tham gia không gian mạng theo quy định của pháp luật về trẻ em; (iv) Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và các cơ quan chức năng có trách nhiệm áp dụng biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi sử dụng không gian mạng gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em(5).

Thực hiện pháp luật về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng ở Việt Nam là tổng thể các hoạt động có mục đích của các chủ thể nhằm hiện thực hóa pháp luật qua các hoạt động cụ thể vì mục tiêu bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

2. Tình hình thực hiện pháp luật về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

a. Thực trạng tuân thủ pháp luật về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật Trẻ em năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 đã có những quy định về bảo vệ trẻ em. Gần đây, do tính chất phức tạp của không gian mạng, Luật An ninh mạng năm 2018 đã dành điều khoản riêng quy định bảo vệ trẻ em, quyền trẻ em trên không gian mạng. Như vậy, khung pháp lý bảo vệ trẻ em trên không gian mạng từng bước được hoàn thiện.

Tuy nhiên, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em qua mạng internet đang có chiều hướng gia tăng với diễn biến phức tạp. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2018, toàn quốc phát hiện 682 vụ xâm hại 735 trẻ em, trong đó xâm hại tình dục là 572 vụ và 562 em bị xâm hại(6). Tội phạm lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến liên quan đến các hành vi như: lợi dụng mạng internet để làm quen, dụ dỗ, mua chuộc các em chụp ảnh, quay phim khiêu dâm, gặp gỡ với mục đích xâm hại tình dục, sát hại trẻ em; phát tán phim, ảnh đồi trụy qua mạng internet,… Loại tội phạm nguy hiểm này được che đậy tinh vi, rất khó phát hiện.

Tội phạm liên quan đến lạm dụng tình dục trực tuyến đã vi phạm nghiêm trọng quy định trong Bộ luật hình sự ở Điều 147 Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm, quy định về hành vi lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức; Điều 326 Bộ luật hình sự về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy quy định về hành vi sản xuất, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo tranh ảnh phim có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy.

Thống kê cho thấy, mỗi ngày có hơn 720 nghìn hình ảnh xâm hại trẻ em được đưa lên mạng, hầu hết về bạo lực, xâm hại tình dục. Trong 4 tháng đầu năm 2020, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã tiếp nhận 125.314 cuộc gọi đến, đề nghị được tư vấn, hỗ trợ và can thiệp, trong đó, nhiều trường hợp bị xâm hại khi làm quen trên môi trường mạng. Tuy chưa có số liệu cụ thể về số trẻ bị xâm hại qua môi trường mạng, nhưng con số cuộc gọi cho thấy, nguyên nhân chính là nhiều trẻ em chưa được gia đình, nhà trường quan tâm đúng mức(7).

b. Thực trạng thi hành pháp luật về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Hiện nay, các cơ quan, tổ chức, cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và cá nhân liên quan đã tích cực tuyên truyền, giáo dục quyền của trẻ em, bảo vệ trẻ em khi tham gia không gian mạng theo quy định của pháp luật. Chủ động hướng dẫn các em kỹ năng biết cách phòng tránh rủi ro, các nguy cơ mà các em có thể gặp phải khi tham gia hoạt động trên không gian mạng.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ trẻ em trên không gian mạng của cơ quan có thẩm quyền nhiều lúc, nhiều nơi còn làm hình thức, chưa đáp ứng được yêu cầu. Nội dung, hình thức, phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng chưa sinh động, thiếu hình ảnh minh họa cụ thể, chậm đổi mới, chưa nắm bắt tình hình thực tế mà người dân và trẻ em quan tâm. Công tác tuyên truyền pháp luật chưa thường xuyên, chủ yếu diễn ra theo sự kiện hoặc lồng ghép thông qua diễn đàn, hội nghị, tập huấn mà chưa chú trọng mở rộng truyền thông đến địa bàn dân cư, hộ gia đình; truyền thông trên báo điện tử, các trang mạng xã hội chưa được quan tâm đúng mức.

Công tác thông tin, kỹ năng tuyên truyền về các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em đôi khi còn thiếu chính xác do không được hướng dẫn, kiểm tra, biên tập kỹ lưỡng trước khi đưa tin, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận. Nguồn lực thực hiện các hoạt động bảo đảm quyền được vui chơi giải trí của trẻ em còn hạn chế; trẻ em vẫn coi các hoạt động tương tác trên không gian mạng là sân chơi chủ yếu.

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin cùng với những diễn biến phức tạp của tội phạm công nghệ cao khiến trẻ em ngày càng đứng trước nhiều nguy cơ bị xâm hại. Trong khi đó, việc xây dựng, cải thiện môi trường mạng an toàn đối với trẻ em chưa được đầu tư thích đáng; việc phát triển các dịch vụ phòng ngừa, can thiệp và hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chưa được chú trọng; năng lực về khoa học công nghệ, tin học của đội ngũ cán bộ điều tra loại tội phạm này chưa cao; việc thu thập, đánh giá, sử dụng chứng cứ điện tử trong các vụ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng còn lúng túng và hiện chưa có chế độ thông tin báo cáo, thống kê chính thức về tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng(8).

c. Thực trạng sử dụng pháp luật về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Chủ quản hệ thống thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng thực hiện kiểm soát, sàng lọc nội dung do doanh nghiệp cung cấp để không gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em. Đồng thời, cập nhật liên tục với cơ quan quản lý nhà nước về trách nhiệm thực hiện kiểm soát và ngăn chặn các nội dung độc hại đối với trẻ em.

Tuy nhiên, việc phối hợp chia sẻ thông tin, báo cáo kết quả hoạt động và tình hình thực hiện quyền trẻ em theo trách nhiệm được giao của các bộ, ngành còn chậm và chưa đầy đủ dẫn đến công tác báo cáo, tổng hợp còn hạn chế. Cơ chế thông tin, báo cáo từ cơ sở về trung ương để phản ánh những vấn đề liên quan đến quyền của trẻ em chưa thông suốt, kịp thời. Vẫn còn nhiều vấn đề, vụ việc liên quan đến trẻ em chưa được nắm bắt, phản ánh đầy đủ.

Việc tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ và cộng tác viên làm công tác trẻ em còn gặp nhiều khó khăn do nguồn lực địa phương có hạn và cơ quan tổ chức tập huấn không hỗ trợ cho người học là cán bộ, công chức các cấp đi tập huấn theo cơ chế tài chính hiện hành, người học phải sử dụng ngân sách của cơ quan cử đi học.

Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ trợ giúp nạn nhân bị xâm hại tình dục; nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị buôn bán… còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; nguồn kinh phí hoạt động còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, trợ giúp đối tượng. Nhiều nhân viên không được đào tạo chuyên sâu về công tác xã hội nên còn hạn chế kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng và trợ giúp nạn nhân bị xâm hại(9).

d. Thực trạng áp dụng pháp luật về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Áp dụng pháp luật về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng được thực hiện bởi lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và các cơ quan chức năng. Trong ba năm qua, công an đã phát hiện và xử lý 156 vụ xâm hại trẻ em trên không gian mạng(10). Trên thực tế, con số chưa được phát hiện và xử lý còn lớn hơn nhiều.

Theo thống kê, từ ngày 1-1-2015 đến ngày 30-6-2019, cả nước có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, có 6.432 trẻ bị xâm hại tình dục; 857 trẻ bị bạo lực; 106 trẻ bị mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt; 1.314 trẻ bị xâm hại bằng các hình thức khác. Trong các vụ xâm hại này thì phổ biến nhất, để lại hậu quả nặng nề, gây bức xúc dư luận nhất là xâm hại tình dục, chiếm 75,4% tổng số vụ xâm hại trẻ em(11). Tình trạng xâm hại trẻ em đang tiếp tục gia tăng và biến tướng dưới nhiều hình thức ngày càng tinh vi.

Tại một số địa phương, công tác xử lý thông tin, tố giác hành vi xâm hại trẻ em chưa kịp thời. Cán bộ thiếu kỹ năng và kiến thức nghiệp vụ nên tham mưu công tác hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em bị xâm hại chưa đạt yêu cầu, ở một số địa phương chủ yếu là thăm hỏi, động viên, tặng quà, hỗ trợ tiền, chưa thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em.

Đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em ở cấp xã kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi nên hiệu quả chưa cao, chưa chuyên nghiệp. Đa số các Bộ chưa triển khai thanh tra chuyên đề về việc thực hiện pháp luật về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Đến năm 2018, Nghị định thay thế Nghị định số 144/2013/NĐ-CP ngày 29-10-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa được ban hành, do đó chưa có căn cứ để xử lý một số hành vi vi phạm quyền trẻ em, trong đó có hành vi xâm hại trẻ em chưa đến mức xử lý hình sự.

Các chứng cứ điện tử dễ bị tiêu hủy. Năng lực, kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ trinh sát, điều tra viên còn hạn chế nên khó thu thập được dữ liệu điện tử một cách nhanh chóng. Mặc dù Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã quy định cụ thể thời gian giám định đối với từng vụ việc, vụ án, tuy nhiên thực tế một số vụ án xâm hại tình dục trẻ em kết quả giám định còn kéo dài, chậm ra quyết định khởi tố vụ án. Việc thu thập dữ liệu điện tử nhằm giám định, sử dụng làm chứng cứ mới được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nên còn khó khăn, bỡ ngỡ trong việc thực hiện(12).

3. Một số giải pháp bảo đảm thực hiện pháp luật về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Để bảo đảm thực hiện pháp luật về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, trong thời gian tới cần thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp sau đây:

Thứ nhất, quán triệt đầy đủ tinh thần bảo vệ trẻ em quy định trong Hiến pháp năm 2013 và được cụ thể hóa ở hệ thống pháp luật về trẻ em. Nhà nước bảo hộ quyền lợi trẻ em. Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em(13). Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, chính sách bảo vệ trẻ em và chế tài xử lý nghiêm minh các loại tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Tăng cường kiểm soát bằng quy định pháp lý và thúc đẩy các giải pháp mang tính công nghệ và kỹ thuật như cảnh báo, ngăn chặn, tháo gỡ thông tin không phù hợp, gây hại cho trẻ em trên không gian mạng. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong bảo đảm quyền trẻ em.

Thứ hai, trẻ em cần được trang bị kiến thức, kỹ năng để tham gia không gian mạng an toàn. Điều này đòi hỏi các chủ thể như nhà trường, gia đình, xã hội phối hợp hướng dẫn, giáo dục, trang bị kỹ năng sử dụng không gian mạng; đồng thời, hướng dẫn các em kỹ năng bảo vệ bản thân trước các nguy cơ bị xâm hại. Triển khai, lồng ghép chương trình giáo dục về thực hiện pháp luật an ninh mạng vào các cấp học từ cấp tiểu học trở lên.

Thứ ba, tuyên truyền và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức trợ giúp trẻ em. Tận dụng lợi thế của không gian mạng để kịp thời truyền thông và nắm bắt những vấn đề của trẻ em. Hình thành những nhóm hỗ trợ trẻ em trên không gian mạng, đặc biệt cần có chế độ khuyến khích, động viên những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng tham gia bảo vệ trẻ em.

Thứ tư, đổi mới công tác tuyên truyền, ưu tiên thời điểm, thời lượng phát sóng các chương trình về chính sách, pháp luật bảo vệ trẻ em với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với các nhóm đối tượng. Xử lý nghiêm cơ quan, tổ chức, cá nhân, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em có hành vi vi phạm pháp luật về trẻ em, nhất là các hành vi xâm hại trẻ em, bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài các vụ việc vi phạm quyền trẻ em. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Thứ năm, Bộ Công an cần thường xuyên triển khai các biện pháp phòng, chống hành vi bạo lực, xâm hại tình dục, mua bán trẻ em. Chỉ đạo công an các địa phương tăng cường rà soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi bạo lực, xâm hại tình dục, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; quản lý, giáo dục người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Tuyên truyền phòng, chống ma túy trong thiếu niên, học sinh; xử lý nghiêm các trường hợp dụ dỗ, lôi kéo người chưa thành niên sử dụng trái phép ma túy.

Thứ sáu, Bộ Thông tin và Truyền thông cần nhanh chóng xây dựng Đề án bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Tiếp tục phát triển các công cụ kết nối giữa người dân, trẻ em với các cơ quan có trách nhiệm bảo vệ trẻ em; hình thành mạng lưới xã hội về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Xử lý nghiêm cơ quan báo chí, xuất bản, tổ chức, cá nhân hoạt động trên môi trường mạng có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ hình ảnh, thông tin đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em(14).

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2020

(1) Luật Trẻ em năm 2016, Hà Nội, 2016.

(2), (5) Luật An ninh mạng năm 2018, Hà Nội, 2018.

(3) Sonia Livingstone, John Carr and Jasmina Byrne: Global commision on internet governance, Paper series no 22, 2015, p.6.

(4), (10) https://baoquocte.vn/khan-thiet-bao-ve-tre-em-tren-moi-truong-mang-117055.html.

(6) http://kinhtedothi.vn/5-thang-dau-nam-2018-co-735-tre-em-bi-xam-hai-317976.html.

(7) http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/969555/tre-em-bi-xam-hai-tren-moi-truong-mang-thuc-trang-dang-bao-dong.

(8), (9), (12) Chính phủ: Báo cáo số 217/BC-CP ngày 14 tháng 5 năm 2020 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

(11) https://baotintuc.vn/xa-hoi/phat-dong-thang-hanh-dong-vi-tre-em-2020-20200601110158817.htm.

(13) Hiến pháp năm 2013, Hà Nội, 2013.

 

(14) Thủ tướng Chính phủ: Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26-5-2020 về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.

ThS Bùi Thị Long

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền