Trang chủ    Thực tiễn    Tiếp cận văn hóa với tính cách là một quyền cơ bản của con người
Thứ sáu, 27 Tháng 9 2013 14:03
5328 Lượt xem

Tiếp cận văn hóa với tính cách là một quyền cơ bản của con người

(LLCT) - Văn hoá là một trong bốn thành tố hay trụ cột của sự phát triển bền vững (kinh tế - văn hóa - xã hội - môi trường). Phát triển, suy đến cùng chính là nhằm giải phóng mọi năng lực vốn có của các cá nhân, nhờ đó giải phóng triệt để sức sản xuất của xã hội, thúc đẩy tiến bộ xã hội, đảm bảo và hiện thực hoá các quyền và tự do cơ bản của tất cả mọi người. Ngày nay trong các quyền con người, quyền tiếp cận văn hoá là một trong những quyền ngày càng được coi trọng trong việc phát triển và hoàn thiện nhân cách cá nhân của mỗi người, cũng như trong việc xác lập và sáng tạo giá trị văn hoá của cộng đồng người, của từng dân tộc và quốc gia dân tộc.

1. Văn hóa và quyền tiếp cận văn hóa

Văn hóa là một phạm trù rộng lớn,là một trong những lĩnh vực chủ yếu của đời sống xã hội của con người. Văn hoá là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong suốt quá trình lịch sử của xã hội loài người, là một hệ thống các giá trị phản ánh bước tiến, mức độ và trình độ nhân tính hóa và ý thức về tự do, sự sáng tạo và hoàn thiện nhân cách của con người. Hồ Chí Minh đã quan niệm: “Văn hoá là sự tổng hợp một phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng với những nhu cầu của đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”(1).

Cũng với cách hiểu và quan niệm trên, văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong việc xác lập bản sắc của một dân tộc. Theo đó, một dân tộc sẽ không tồn tại nếu cái bản sắc - nền văn hóa - của nó bị mai một, bị xâm lăng và đồng hóa. Cũng giống như sự đa dạng của sinh học quyết định đến sự sống còn của thiên nhiên, sự đa dạng văn hóa quyết định đến sự sống còn của loài người nói chung. Tôn trọng và bảo vệ sự đa dạng văn hóa là tôn trọng và bảo vệ chính con người và xã hội loài người.

Với tính cách là một bộ phận hợp nhất của hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần do chính con người sáng tạo ra, văn hóa hiện hữu sinh động và phổ biến trong các quan hệ giữa con người với giới tự nhiên, giữa các cá nhân với nhau và giữa cá nhân với xã hội. Văn hóacó vai trò vô cùng quan trọng trong việc xác lập đời sống tinh thần cho mỗi cá nhân và toàn xã hội; nó là cái làm cho con người trở nên ngày càng có nhân tính, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác với nhau chặt chẽ hơn trong quá trình sản xuất và đời sống xã hội.

Văn hoá là một trong bốn thành tố hay trụ cột của sự phát triển bền vững (kinh tế - văn hóa - xã hội - môi trường). Phát triển, suy đến cùng chính là nhằm giải phóng mọi năng lực vốn có của các cá nhân, nhờ đó giải phóng triệt để sức sản xuất của xã hội, thúc đẩy tiến bộ xã hội, đảm bảo và hiện thực hoá các quyền và tự do cơ bản của tất cả mọi người. Ngày nay trong các quyền con người, quyền tiếp cận văn hoá là một trong những quyền ngày càng được coi trọng trong việc phát triển và hoàn thiện nhân cách cá nhân của mỗi người, cũng như trong việc xác lập và sáng tạo giá trị văn hoá của cộng đồng người, của từng dân tộc và quốc gia dân tộc.

Kinh tế thị trường luôn có xu hướng đặt lợi nhuận và lợi ích kinh tế lên hàng đầu, và quá trình toàn cầu hoá kinh tế đã và đang đặt ra những thách thức đối với việc đảm bảo quyền tiếp cận văn hoá của những cộng đồng người nhất định và các quốc gia đang phát triển. Vấn đề bản quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ và việc thực thi những chính sách bảo hộ ngặt nghèo một mặt là cơ sở để bảo vệ lợi ích kinh tế và thúc đẩy quá trình sáng tạo và sản xuất, nhưng mặt khác nó có những tác động tiêu cực đến mức độ thụ hưởng giá trị văn hoá và thành tựu khoa học - kỹ thuật thế giới của những quốc gia đang phát triển cũng như những nhóm người có thu nhập thấp, người nghèo và những nhóm dễ bị tổn thương khác. Là một quốc gia thành viên của WTO, Việt Nam cũng phải tuân thủ những nguyên tắc và quy định của tổ chức này và của pháp luật quốc tế nói chung, trong đó chịu sự ràng buộc pháp lý chặt chẽ của TRIPS (Hiệp định về các quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại). Quyền tiếp cận văn hoá chỉ ra nghĩa vụ của Nhà nước phải đảm bảo quyền này cho mọi cá nhân và các cộng đồng người, đồng thời chỉ ra khả năng có thể tiếp cận được các giá trị và đời sống văn hoá trong điều kiện có thể chi trả được hoặc hoàn toàn miễn phí. Đáng tiếc, trong thực tế các sản phẩm văn hoá nói riêng và mọi hoạt động của đời sống văn hoá nói chung không dễ dàng đến được với tất cả mọi người vì những rào cản về thể chế (như khung khổ pháp luật, chính sách) cũng như khả năng thực thi trên thực tế (như điều kiện vật chất cần thiết, trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý và thực thi,...).  

Quyền tiếp cận văn hoá đặc biệt quan trọng đối với những nhóm người dễ bị tổn thương (người nghèo, người thu nhập thấp, nông dân, cộng đồng dân tộc thiểu số,...) và những cộng đồng, quốc gia đang phát triển - khu vực mà quá trình toàn cầu hoá văn hoá và nền kinh tế thị trường đang có nguy cơ làm mai một bản sắc văn hoá dân tộc, cũng như những trở ngại và tác động tiêu cực từ sự hội nhập và phát triển.

Xét về mặt quản lý xã hội, tiếp cận văn hoá hay tiếp cận dựa trên văn hóa là một phương pháp, công cụ trong hoạch định và thực thi chính sách và chương trình lấy văn hóa là trọng tâm của xuất phát điểm và đích hướng đến. Ngày nay, tiếp cận văn hoá là một phương pháp được áp dụng phổ biến trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển và trong bối cảnh thế giới toàn cầu hóa sâu sắc. Tiếp cận văn hoá là một đòi hỏi bức thiết của quá trình phát triển lấy con người làm mục đích; là phương tiện để làm “nhân bản hóa” các quan hệ sản xuất hiện đại. Trong xu thế thịnh hành của nền kinh tế thị trường và sự phát triển nóng và mất cân đối giữa các lĩnh vực của đời sống xã hội (kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường) đang diễn ra mạnh mẽ ở các quốc gia đang phát triển (trong đó có Việt Nam), tiếp cận văn hoá được xem như là một công cụ mạnh mẽ để tạo lập sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với hệ thống an sinh xã hội hiệu quả và bảo vệ môi trường hướng tới sự phát triển bền vững.

Đối với mỗi cá nhân, quyền tiếp cận văn hoá bao gồm các quyền được tôn trọng, được thụ hưởng và được tham gia vào quá trình sáng tạo ra các giá trị văn hoá; đồng thời, quyền tiếp cận văn hoá là quyền thụ hưởng các giá trị văn hoá. Quyền thụ hưởng, quyền thể hiện và thực hành văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc sáng tạo ra các giá trị văn hóa của cá nhân và cộng đồng. Quyền tiếp cận văn hoá, với tính cách là một quyền cơ bản của con người, chỉ ra những nguyên tắc bất di bất dịch: không phân biệt đối xử; bình đẳng về cơ hội thụ hưởng giá trị và thực hành đời sống văn hóa; trách nhiệm giải trình của chủ thể nghĩa vụ (nhà nước).

Quyền được thực hành văn hóa, được hưởng thụ và được tham gia vào sáng tạo ra các giá trị văn hóa có mối liên hệ chặt chẽ, không thể tách rời. Cá nhân sẽ không thể tham gia vào quá trình sáng tạo giá trị văn hóa nếu không được tiếp cận, được thực hành và hưởng thụ các giá trị do người khác hay cộng đồng sáng tạo ra.

Bảo đảm quyền tiếp cận văn hoá liên hệ mật thiết với việc bảo đảm các quyền tự do cơ bản khác, đặc biệt là quyền tiếp cận thông tin, quyền được giáo dục và quyền tự do biểu đạt. Trọng tâm của quyền con người nói chung và của quyền tiếp cận văn hoá nói riêng, đó là nguyên tắc bình đẳng. Bình đẳng không chỉ đơn thuần là sự đối xử một cách như nhau, mà điều quan trọng hơn là tôn trọng và thừa nhận sự khác biệt và đa dạng. Thực tiễn cho thấy điều này không dễ dàng trong quá trình phát triển xã hội dựa trên sự thống nhất chung của đa dạng các giá trị và nền văn hoá khác biệt.

2. Luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam về quyền tiếp cận văn hoá

Quyền con người nói chung, cũng như quyền tiếp cận văn hoá nói riêng, đã từ rất lâu được nghiên cứu trên phạm vi quốc tế, đặc biệt là từ khi ra đời của Tuyên ngôn thế giới về quyền con người và hàng loạt các công ước quốc tế về quyền con người trong những năm 60 và 70 của thế kỷ XX. Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 đã trịnh trọng tuyên bố “mọi người đều có quyền tự do tham gia vào đời sống văn hóa của cộng đồng” (Điều 27). Điều 15 (1) của Công ước quốc tế về quyền kinh tế - xã hội và văn hóa (ICESCR) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1996 đã quy định cụ thể về quyền văn hoá, theo đó quyền văn hóa được xem là những quyền của con người trên lĩnh vực văn hóa, bao gồm quyền: a) Được tham gia vào đời sống văn hoá; b) Được hưởng các lợi ích và những ứng ụng của tiến bộ khoa học phục vụ cho lợi ích con người; c) Được bảo hộ các quyền lợi về tinh thần và vật chất phái sinh từ bất kỳ sáng tạo khoa học, văn học, nghệ thuật nào của mình; d) Quyền tự do không thể bị tước bỏ khỏi hoạt động sáng tạo và nghiên cứu khoa học.

Những năm 60 và 70 của thế kỷ XX, các nhóm nghiên cứu về người bản địa, các dân tộc thiểu số cũng như các nhóm xã hội khác đã xây dựng những luận cứ khoa học về tình trạng đáng báo động của những nền văn hoá và giá trị văn hoá truyền thống của nhiều dân tộc và cộng đồng người trên thế giới. Đồng thời chỉ rõ cho thấy khả năng tiếp cận quyền về văn hoá của những cộng đồng người này bị hạn chế do những mặt trái của quá trình phát triển kinh tế thị trường và toàn cầu hoá. Các nhóm nghiên cứu của Liên hợp quốc về từng chủ đề cụ thể liên quan đến quyền của người bản địa và văn hoá đã giúp Liên hợp quốc xây dựng và cho ra đời hàng loạt các văn kiện quốc tế, nhằm tạo khung khổ pháp lý cho việc bảo vệ và thúc đẩy quyền tiếp cận văn hoácủa mọi cồng đồng. Chẳng hạn, Công ước của UNESCO về di sản văn hoá và thiên nhiên (thông qua năm 1972);Tuyên ngôn của Liên hợp quốc về bảo vệ những nhóm thiểu số về ngôn ngữ, tôn giáo, sắc tộc và dân tộc; Tuyên ngôn của Liên hợp quốc về quyền của các dân tộc bản địa...

Vào cuối thập niên 80 và 90 của thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, những thách thức toàn cầu đối với sự phát triển bền vững được nhấn mạnh trong các công trình nghiên cứu và diễn đàn chính trị quốc tế. UNESCO đã đặc biệt nhấn mạnh đến sự đa dạng các nền văn hoá và coi việc tôn trọng, bảo vệ và thực thi quyền tiếp cận văn hoá là nền tảng của việc tôn trọng và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người.

Tuyên ngôn thế giới về đa dạng văn hoá(2001) và Công ước về bảo vệ và thúc đẩy sự đa dạng các hình thức văn hoá của UNESCO, Công ước của UNESCO về bảo vệ di sản văn hoá và thiên nhiên thế giớiCông ước bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể, Công ước châu Âu về giá trị của di sản văn hoá đối với xã hội,... đều đề cập đến các quyền về tiếp cận văn hoá; đồng thời nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc phải tăng cường công tác giáo dục và phổ biến các giá trị và di sản văn hoá, bảo đảm quyền được tiếp cận các giá trị này của tất cả mọi người.

Việt Nam là một quốc gia tham gia tích cực và thực thi nghiêm chỉnh các vông ước quốc tế về quyền con người, bao gồm Công ước quốc tế về quyền kinh tế - xã hội và văn hóa. Các quy định quốc tế về quyền con người đã được nội luật hoá vào trong hệ thống pháp luật Việt Nam, được thông qua các chính sách, chương trình quốc gia và bảo đảm trong thực tiễn. Điều 50 của Hiến pháp năm 1992 quy định, “ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng”. Bộ luật Dân sự (1995), Luật Di sản văn hoá (2001), Luật Điện ảnh (2006), Luật Xuất bản (2004), Luật Khoa học và Công nghệ (2000),... đã cụ thể hoá những nguyên tắc hiến định về quyền tiếp cận văn hoá. Nhà nước cũng đã thông qua rất nhiều các chính sách và chương trình quốc gia nhằm thúc đẩy hoạt động sáng tạo và thụ hưởng các giá trị văn hoá.

Là một quốc gia đa dân tộc, nền văn hoá Việt Nam là sự kết tinh và tổng hoà của sự đa dạng văn hoá gữa các dân tộc anh em trải qua hàng ngàn năm hấp thụ và tiếp biến các giá trị văn hoá nội sinh và ngoại sinh. Việt Nam cũng là một quốc gia giàu bản sắc văn hoá và sở hữu những di sản văn hoá độc đáo của nhân loại, bao gồm những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, cùng với đó là hàng loạt các di sản văn hoá quốc gia. Quá trình đổi mới và phát triển trong suốt hơn hai thập kỷ qua đã góp phần to lớn vào việc hiện thực hoá các quyền con người nói chung và quyền tiếp cận văn hoá nói riêng. Đảng và Nhà nước ta luôn nhấn mạnh việc đặt con người là trung tâm của sự phát triển. Bảo đảm quyền con người nhằm giải phóng mọi năng lực vốn có của cá nhân là mục đích tự thân và sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình phát triển và hội nhập quốc tế. Thành tựu hơn 20 năm đổi mới đã cho thấy những bước tiến vượt bậc về mức độ thụ hưởng các quyền cơ bản của công dân, bao gồm các quyền về văn hoá. Hiển nhiên, sự mở rộng mức độ thụ hưởng các quyền con người ở Việt Nam có mối quan hệ chặt chẽ với quá trình phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội và trình độ dân trí của người dân. Mặc dù vậy, thực tiễn cho thấy mức độ thụ hưởng và sáng tạo giá trị văn hoá, đời sống văn hoá của các bộ phận tầng lớp nhân dân còn hạn chế, từ đó đòi hỏi công tác hoạch định chính sách, quản lý và thực thi, công tác giáo dục, phổ biến, tuyên truyền cần tiếp tục được điều chỉnh và không ngừng cải thiện.

_________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2013

(1)   Hồ Chí Minh:Toàn tập, t.3, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.431.

 

TS Hoàng Văn Nghĩa

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền