Trang chủ    Thực tiễn    Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch Thành phố Đà Nẵng trước tác động của đại dịch Covid-19
Thứ sáu, 23 Tháng 4 2021 08:09
1367 Lượt xem

Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch Thành phố Đà Nẵng trước tác động của đại dịch Covid-19

(LLCT) - Đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch. Sự bùng phát của làn sóng dịch lần thứ 2 trong thời gian cao điểm du lịch hè tại Đà Nẵng đã dẫn đến việc phải tạm dừng toàn bộ hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố, gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch. Do vậy, cần có các giải nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khắc tác động tiêu cực và khôi phục hoạt động du lịch của Thành phố.

Từ khóa: đại dịch COVID-19, doanh nghiệp du lịch, Đà Nẵng.

Với tổng diện tích tự nhiên 128.488 ha, dân số khoảng 1.134.310 người (theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019), Đà Nẵng là thành phố lớn thứ 4 Việt Nam. Nằm ở trung điểm của 3 di sản văn hóa thế giới là Cố đô Huế, Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn; thuộc tuyến đường biển và đường hàng không quốc tế trọng yếu, thành phố Đà Nẵng có vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch. Thành phố là 1 trong 12 đô thị du lịch của cả nước, với định hướng trở thành đô thị du lịch biển, trung tâm du lịch kết hợp hội nghị, sự kiện (MICE) và được bình chọn là “Thành phố đáng sống nhất Việt Nam”.

1. Ảnh hưởng của dịch COVID-2019 đến ngành du lịch thành phố Đà Nẵng

Từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 diễn biến nhanh và phức tạp làm giảm mạnh tốc độ tăng trưởng ngành du lịch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Sau khi Chính phủ cho phép khôi phục hoạt động du lịch nội địa, Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch Thành phố đã triển khai Chương trình kích cầu du lịch “Đà Nẵng tri ân - Danang Thank You 2020”, bước đầu đạt kết quả khả quan, đồng thời, chuẩn bị tổ chức sự kiện “Tuyệt vời Đà Nẵng” để tạo điểm nhấn hấp dẫn du khách, tạo đà thúc đẩy phục hồi ngành du lịch.

Tuy nhiên, sự bùng phát dịch COVID-19 lần 2 trong thời gian cao điểm du lịch hè tại Đà Nẵng đã dẫn đến việc phải tạm dừng toàn bộ hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố, thực hiện giãn cách xã hội, gây thiệt hại nặng nề cho các  doanh nghiệp du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch, cụ thể như sau:

Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp du lịch: Thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của UBND thành phố về phòng chống dịch COVID-19, từ 28-7-2020, toàn bộ các doanh nghiệp du lịch gồm 398 đơn vị kinh doanh lữ hành, 16 khu, điểm du lịch, 955/1080 cơ sở lưu trú, 350 đơn vị vận chuyển, 27 tàu du lịch phải tạm dừng hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, có 38 khách sạn được sử dụng để phục vụ các y bác sĩ, người nước ngoài trong công tác phòng chống dịch, 87 cơ sở lưu trú du lịch đang có khách dài hạn, khách công tác. Do gặp khó khăn trong kinh doanh, nên việc mua bán, chuyển nhượng bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn, căn hộ có xu hướng gia tăng. Theo thông tin sơ bộ, có khoảng 250-260 khách sạn/căn hộ/ biệt thự được rao bán, chiếm 24,7% tổng số khách sạn. 

Về thiệt hại của các doanh nghiệp: Năm 2020, thành phố đón khoảng 2,7 triệu lượt khách tham quan, du lịch, giảm 68,6% so cùng kỳ năm 2019. Trong đó khách quốc tế ước đạt hơn 686 nghìn lượt, giảm 80,5% so với năm 2019; khách nội địa ước đạt hơn 2,03 triệu lượt, giảm 60,6% so với năm 2019. Tổng thu du lịch ước đạt hơn 10 nghìn tỷ đồng, giảm 65,1% so với năm 2019. Các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ hoạt động cầm chừng, phải cắt giảm nhân sự, cho nhân viên nghỉ dài hạn; một số đơn vị phải tạm dừng hoạt động. Dự kiến năm 2020, ước thiệt hại tổng thu của cả ngành du lịch thành phố khoảng 26 nghìn tỷ đồng, trong đó, ước tổng thiệt hại (trực tiếp) tại các doanh nghiệp lữ hành khoảng 659 tỷ đồng, tại các cơ sở lưu trú du lịch khoảng 4.800 tỷ đồng, tại doanh nghiệp vận chuyển du lịch khoảng 518 tỷ đồng và các khu, điểm du lịch khoảng 827 tỷ đồng.

Về tình hình lao động bị ảnh hưởng: Với sự bùng phát dịch bệnh từ cuối tháng 7-2020 tại Đà Nẵng, tổng số lao động phải tạm ngừng việc, nghỉ việc từ đầu tháng 8-2020 ước khoảng 31.874 người, chiếm 62,5% tổng số lao động(1). Trong đó, số lao động tạm ngừng việc, nghỉ việc tại doanh nghiệp lữ hành khoảng 1.800/1848 lao động (chiếm 97,8%), tại các doanh nghiệp vận chuyển du lịch khoảng 2.599/3042 (chiếm 85,4%), tại các cơ sở lưu trú du lịch khoảng 25.983 người (tương ứng 93% so với cuối năm 2019). Các khu, điểm du lịch thuộc nhà nước duy trì được 100% nhân viên làm việc; các khu, điểm du lịch tư nhân chỉ bố trí 40% nhân viên làm việc luân phiên để bảo trì, bảo dưỡng tài sản và vệ sinh, chăm sóc cảnh quan, cho tạm nghỉ việc 60% nhân viên. Đội ngũ 4.578 hướng dẫn viên du lịch (3.381 hướng dẫn viên quốc tế và 1.197 hướng dẫn viên nội địa) không có việc làm, nhiều người phải chủ động chuyển sang ngành nghề khác. Phần lớn doanh nghiệp du lịch chỉ duy trì một bộ phận nhân viên để xử lý các hợp đồng, thủ tục hoàn, hủy tour và thủ tục liên quan; hỗ trợ lái xe phục vụ các bác sỹ, nhân viên y tế, bệnh nhân; các cơ sở lưu trú du lịch chủ yếu duy trì một số nhân viên và quản lý chủ chốt.

2. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch của thành phố Đà Nẵng

Trước sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với  kinh tế - xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng, Thành phố đã có những giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp như sau:

 - Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/QĐ-TTg ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, có 7 doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố được phê duyệt kinh phí hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương do dịch COVID-19 với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Cổ phần Dịch vụ Cáp treo Bà Nà với hơn 500 nhân viên được hỗ trợ gần 1 tỷ đồng. Ngoài ra, một số khu, điểm du lịch (Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, Khu du lịch Hòa Phú Thành...) đã thực hiện thủ tục đề nghị xét trợ cấp cho người lao động, đồng thời được miễn giảm tiền điện từ tháng 4 đến tháng 6-2020.

Ngày 5-5-2020, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng đã có văn bản gửi Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố đề nghị hướng dẫn hỗ trợ cho 322 hướng dẫn viên thuộc Chi hội Hướng dẫn viên du lịch miền Trung đang làm việc tại Đà Nẵng bị mất việc làm. Qua thông tin từ Hội Hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng, có 19/322 hướng dẫn viên đã nhận hỗ trợ đợt 1; một số địa phương (Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu; xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) không nhận hồ sơ xin hỗ trợ của hướng dẫn viên do chưa bảo đảm tiêu chí về đối tượng được hỗ trợ.

- Thông tư số 35/2020/TT-BTC ngày 5-5-2020 của Bộ Tài chính quy định kể từ ngày 5-5 đến ngày 31-12-2020, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa và thẻ hướng dẫn viên du lịch sẽ nộp phí bằng 50% mức thu phí quy định. Hiện nay, Sở Du lịch đã áp dụng miễn giảm cho 6 doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa và 360 hướng dẫn viên được hỗ trợ nộp phí cấp đổi thẻ hướng dẫn viên.

- Công văn số 2698/BCT-ĐTĐL ngày 16-4-2020 của Bộ Công thương về việc hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, được áp dụng trong 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6-2020). Sở Du lịch đã cung cấp và xác nhận danh sách các cơ sở lưu trú du lịch cho Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng và Điện lực địa phương. Tổng số tiền giảm đến tháng 6-2020 là gần 10 tỷ đồng (giảm 43%) cho khoảng 1 nghìn cơ sở lưu trú du lịch.

- HĐND thành phố Đà Nẵng ban hành Nghị quyết số 293/2020/NQ-HĐND, miễn giảm thu phí/lệ phí tham quan tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Bảo tàng Đà Nẵng và Bảo tàng Điêu khắc Chăm trong 3 tháng. Các điểm tham quan du lịch nêu trên bắt đầu miễn phí vé từ 1/6 theo Nghị quyết HĐND đã phục vụ khoảng 28 nghìn lượt khách.

- Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13-3-2020 của Ngân hàng nhà nước quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng dịch COVID-19. Các ngân hàng thương mại tùy thuộc chính sách mỗi đơn vị để có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phù hợp với thực tế.

- Công văn số 860/BHXH-BT ngày 17-3-2020 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về việc tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đến hết tháng 6-2020 hoặc tháng 12-2020 và không tính lãi phạt chậm nộp. Hiệp hội Du lịch thông tin một số doanh nghiệp du lịch đã được hỗ trợ chính sách về bảo hiểm xã hội, tuy nhiên vẫn còn doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đáp ứng các điều kiện, tiêu chí, dẫn đến việc chưa tiếp cận được chính sách.

- Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ quy định giảm 15% tiền thuê đất phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định, Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hằng năm phải ngừng kinh doanh từ 15 ngày trở lên do ảnh hưởng dịch COVID-19. Hiện nay, chính sách đang được UBND thành phố chỉ đạo các Sở, ngành chức năng tham mưu triển khai thực hiện.

- Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8-4-2020 của Chính phủ gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, áp dụng với đối tượng hoạt động kinh doanh du lịch (đại lý du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống, bảo tàng, hoạt động nghệ thuật, thể thao, vui chơi giải trí…) và Công văn số 897/TCT-QLN ngày 3-3-2020 của Tổng cục Thuế về việc gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19: Thời gian gia hạn nộp thuế tối đa không quá 2 năm, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế. Cục Thuế Thành phố đã triển khai thực hiện với hơn 8 nghìn doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, trong đó có hơn 3.500 doanh nghiệp, tổ chức và hơn 4.800 hộ kinh doanh cá thể.

3. Những vấn đề đặt ra trong thực thi chính sách và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động của dịch COVID - 2019

 a) Những vấn đề đặt ra trong thực thi chính sách hỗ trợ

Khó khăn trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ với người lao động thất nghiệp

Đối tượng thụ hưởng là người làm việc theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, lao động tự do bị mất việc làm. Chính sách chỉ áp dụng đối tượng thất nghiệp từ tháng 4-2020, tuy nhiên, trên thực tế, nhiều lao động đã thất nghiệp từ trước tháng 4-2020. Một số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, cho nhân viên nghỉ nhưng vẫn duy trì đóng BHXH để giữ chân người lao động, do đó, khi thực hiện thủ tục đề nghị hỗ trợ thất nghiệp, người lao động không thuộc đối tượng được hỗ trợ. Mức hỗ trợ lao động thất nghiệp tối đa 3 tháng, tuy nhiên, do dịch bệnh kéo dài, sau 3 tháng, người lao động vẫn gặp khó khăn do không có việc làm, không có thu nhập, đặc biệt là lao động có con nhỏ dưới 3 tuổi và hoàn cảnh khó khăn khác.

Khó khăn trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp: Dịch bệnh kéo dài khiến một số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, không có lãi để nộp thuế. Phần lớn các cơ sở lưu trú du lịch đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019, quý I/2020 chưa nộp, nhưng do không có doanh thu khi dịch bệnh bùng phát, số thuế được giãn nộp không đáng kể, do đó không có nhiều giá trị hỗ trợ.  Nhiều doanh nghiệp đề nghị được giãn thời hạn bảo hiểm xã hội và miễn trừ bảo hiểm trong giai đoạn khó khăn, tuy nhiên lại gặp trở ngại trong việc đáp ứng tiêu chí đối tượng thụ hưởng và trong quá trình thực hiện thủ tục. Hiện nay, chính sách giảm giá điện đã hết hiệu lực (áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6-2020); các cơ sở lưu trú du lịch, khu, điểm du lịch tuy đã tạm dừng hoạt động, không phát sinh doanh thu nhưng vẫn phải vận hành một số hệ thống thiết yếu, duy trì cơ sở vật chất, do đó gặp nhiều khó khăn khi phải đóng tiền điện định kỳ đúng thời hạn. Việc tiếp cận gói hỗ trợ tài chính gặp nhiều trở ngại do thủ tục phức tạp, phải báo cáo kiểm toán, đánh giá thiệt hại, chứng minh thanh khoản… Ngân hàng nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tuy nhiên với các doanh nghiệp thực hiện gói vay 16 nghìn tỷ trả lương nhân viên thì lãi suất giảm không đáng kể.

b) Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động của dịch COVID-2019

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch: Phổ biến, hướng dẫn thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và UBND thành phố trong việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Xây dựng, ban hành và triển khai Quy trình phòng, chống dịch trong hoạt động du lịch đến các doanh nghiệp du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch để thực hiện khi Chính phủ cho phép khai thác du lịch, nối lại các đường bay quốc tế.

Thứ hai, giải pháp hỗ trợ lao động trong ngành du lịch. Các cơ quan chức năng hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc về thủ tục, tạo điều kiện cho người lao động tại các doanh nghiệp du lịch thuận lợi thụ hưởng chính sách hỗ trợ. Cho phép hướng dẫn viên du lịch sau khi có giấy xác nhận thất nghiệp, nghỉ việc của Hội hướng dẫn viên hoặc doanh nghiệp du lịch có thể tiếp cận ngay chính sách hỗ trợ. Bổ sung chính sách hỗ trợ đối với người lao động sau khi hết thời hạn bảo hiểm thất nghiệp (tối đa 3 tháng) chịu ảnh hưởng kéo dài do dịch COVID-19 giai đoạn 2 và  chính sách hỗ trợ cho lao động có con nhỏ dưới 3 tuổi. Xem xét ban hành gói hỗ trợ lao động thất nghiệp tại các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Mở rộng đối tượng thuộc lao động tự do ngành nghề khác phục vụ du lịch (nhân viên nhà hàng…) được thụ hưởng chính sách hỗ trợ.

Thứ ba, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch: Hiệp hội Du lịch và các Hội thành viên hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ du lịch giải quyết việc hoàn, hủy dịch vụ (vé máy bay, khách sạn, vận chuyển, nhà hàng…) do ảnh hưởng rủi ro dịch bệnh, bảo đảm hài hòa lợi ích song phương; các doanh nghiệp kịp  thời phối hợp với Sở Du lịch và cơ quan chức năng khi xảy ra trường hợp tranh chấp, khiếu kiện.

Chính phủ và các ban, bộ, ngành liên quan cần điều chỉnh, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục và thời gian nhận hỗ trợ đối với các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, chính sách gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, chính sách giảm tiền thuê đất phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp, chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, áp dụng với đối tượng hoạt động kinh doanh du lịch (đại lý du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống, bảo tàng, hoạt động nghệ thuật, thể thao, vui chơi giải trí…).

Kiến nghị kéo dài thời gian hỗ trợ giảm giá điện, nước đến 6 tháng đầu năm 2021 để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là cơ sở lưu trú du lịch, bảo đảm khả năng vận hành hệ thống thiết yếu, duy trì chất lượng hạ tầng cơ sở và hỗ trợ cho doanh nghiệp tái khôi phục hoạt động kinh doanh sau ảnh hưởng dịch COVID-19. Tiếp tục cho phép các doanh nghiệp chậm nộp bảo hiểm xã hội và các loại bảo hiểm bắt buộc khác đến hết tháng 6-2021. Giảm 50% mức thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50% thuế VAT cho doanh  nghiệp du lịch đến hết tháng 6-2021; giảm chi phí môi trường cho doanh nghiệp du lịch, giảm thuế khoán cho các hộ kinh doanh cá thể trong năm 2021. Đơn giản hóa thủ tục hưởng chính sách hỗ trợ tại các ngân hàng để miễn hoặc giảm lãi suất tiền vay có điều kiện và gia hạn trả góp các khoản nợ ngắn hạn cho doanh nghiệp và cá nhân, bảo đảm doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động và không bị phá sản. Miễn, giảm thu phí giao thông đối với xe vận chuyển du lịch đến hết tháng 6-2021; miễn, giảm phí đăng kiểm định kỳ, phí sử dụng đường bộ và các khoản phí khác liên quan đối với xe vận chuyển du lịch. Giảm 30-50% tiền thuế sử dụng đất và tiền thuê đất cho các khách sạn và khu nghỉ dưỡng trong năm 2020 và 2021 và giãn thời gian nộp tiền thuê đất năm 2020 cho các doanh nghiệp còn nợ đến hết năm 2021.

Kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp Bộ Tài chính cho phép doanh nghiệp được rút 80% tiền ký quỹ kinh doanh lữ hành (tối đa đến tháng 12-2021) để hỗ trợ duy trì doanh nghiệp. Xem xét ban hành Thông tư áp dụng hoàn trả ký quỹ ngay sau khi thu hồi Giấy phép kinh doanh lữ hành từ tháng 9-2020 đến hết tháng 6-2021 để hỗ trợ doanh nghiệp chấm dứt kinh doanh.

Kiến nghị ban hành chính sách miễn phí tham quan các khu, điểm du lịch; miễn 100% phí quảng cáo treo băng rôn và phướn quảng cáo về các sản phẩm, dịch vụ, hoạt động phục vụ khách du lịch của doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng trong vòng 6 tháng sau khi Chính phủ cho phép hoạt động lại du lịch.

Tham mưu UBND Thành phố bố trí kinh phí đào tạo, tập huấn kiến thức và kỹ năng cho nguồn nhân lực trong ngành du lịch. Tổ chức các lớp đào tạo miễn phí hỗ trợ doanh nghiệp về nghiệp vụ, chiến lược ứng phó sau đại dịch; tổ chức các hội thảo tư duy dịch vụ ngành du lịch.

Thứ tư, giải pháp khôi phục hoạt động du lịch: Xây dựng kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch sau ảnh hưởng dịch COVID-19, định hướng tổ chức và quy trình hoạt động kinh doanh du lịch trong tình hình mới vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa khai thác kinh doanh. Triển khai Chương trình kích cầu du lịch Đà Nẵng năm 2021 để khôi phục hoạt động kinh doanh, tái thiết lập các thị trường khách du lịch, tập trung thu hút khách nội địa. Tham mưu UBND Thành phố xem xét, đăng cai hoặc tổ chức một số lễ hội/sự kiện, hội nghị lớn tầm quốc gia và quốc tế trong năm 2021 để kết hợp, quảng bá xúc tiến  du lịch. Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch quảng bá trên các kênh truyền thông của Sở Du lịch, phối hợp doanh nghiệp du lịch tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, các hoạt động ngoại giao... để quảng bá du lịch trong và ngoài nước. Đẩy mạnh liên kết hợp tác du lịch trong nước, quốc tế.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2021

(1) Sở Du lịch Thành phố Đà Nẵng: Báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp du lịch ảnh hưởng dịch Covid-19 và một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Đà Nẵng, 2020.

PGS, TS Lê Văn Đính

Học viện Chính trị khu vực III

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền