Trang chủ    Thực tiễn    Phản bác các quan điểm xuyên tạc, chia rẽ mối quan hệ Việt Nam - Campuchia
Thứ tư, 19 Tháng 5 2021 08:04
5206 Lượt xem

Phản bác các quan điểm xuyên tạc, chia rẽ mối quan hệ Việt Nam - Campuchia

(LLCT) - Kết quả phiên tòa xét xử Khmer Đỏ, phát ngôn của các nhà lãnh đạo Chính phủ Campuchia về nguyên nhân của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam Việt Nam (1975-1979) đã hoàn toàn bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch rằng “Việt Nam xâm lược, xâm lấn Campuchia”. Thực tế đây là cuộc chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc của quân dân Việt Nam và là chiến thắng của tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia. 

 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn thăm chính thức Việt Nam từ ngày 26-27/11/2018

Từ khóa: quan điểm sai trái, thù địch, quan hệ Việt Nam - Campuchia.

Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng có chung biên giới, cùng là thành viên ASEAN; có các yếu tố tự nhiên tạo thành thế liên kết chặt chẽ, tạo điều kiện để cùng tồn tại, phát triển và bảo vệ lẫn nhau trong quá trình dựng nước và giữ nước. Trong thời kỳ lịch sử cận, hiện đại, do điều kiện địa lý và hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, Việt Nam và Campuchia cùng phải đương đầu với các thế lực xâm lược có tiềm lực kinh tế, quân sự to lớn là Pháp, Nhật và Mỹ. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, sau đổi thành Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930 là bước ngoặt vĩ đại, đánh dấu mốc hình thành nên mối quan hệ mới. Đó không đơn thuần là mối quan hệ láng giềng gần gũi, mà được nâng lên thành tình bạn, tình anh em, tình đồng chí cùng chống chung kẻ thù xâm lược, vì mục tiêu giành và bảo vệ độc lập dân tộc. Trải qua các giai đoạn vận động đấu tranh giành chính quyền cách mạng (1930-1945), cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), đế quốc Mỹ (1954-1975), liên minh ba nước ra đời từ chính đòi hỏi khách quan của lịch sử và ngày càng thêm bền chặt. Thời gian qua, quan hệ Việt Nam - Campuchia tiếp tục được củng cố, phát triển trên nhiều lĩnh vực, trên cơ sở tôn trọng độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, cùng có lợi.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, bên cạnh các vấn đề riêng của mỗi nước, hai nước cùng bị tác động bởi các thách thức trong đó có sự chống phá của các thế lực thù địch đã xuyên tạc, chia rẽ quan hệ Việt Nam - Campuchia cụ thể như sau:

Ngày 22-11-2011, tòa án xét xử Khmer Đỏ tiếp tục phiên tòa. Bị cáo Nuon Chea nói trước phiên tòa: “Tất cả người dân Campuchia mọi thế hệ đều sẵn sàng và hy sinh xương máu để giữ gìn đất nước tồn tại, đặc biệt là để thoát khỏi sự xâm lược, kiểm soát và diệt chủng từ Việt Nam và các nước láng giềng. Trong giai đoạn năm 1960 - 1979, Việt Nam đã sử dụng đủ mưu kế để phá hoại cuộc cách mạng Campuchia và sự phát triển Campuchia Dân chủ”(1). Ông Nuon Chea ngụy biện: “Việt Nam có học thuyết làm chủ một nước nhỏ, dân số ít, yếu kém; xem thường một nước nhỏ và dân ít; Việt Nam đi theo học thuyết xâm lược, xâm chiếm đất đai, diệt chủng; Việt Nam ham muốn quyền lực và quyền lợi kinh tế; Việt Nam tổ chức Liên minh Đông Dương nhưng phải nằm dưới sự quản lý của Việt Nam thông qua láng giềng hữu nghị. Ngoài ra, còn có ý đồ nắm quyền trong khối ASEAN. Những yếu tố này đã khiến Việt Nam phải đóng vai trò quan trọng làm rối loạn tại Campuchia, Campuchia Dân chủ từ năm 1975 đến tháng 4 năm 1979. Campuchia yêu cầu Việt Nam chấm dứt tư tưởng làm chủ và nên cùng sống chung hòa bình...” và “Việt Nam còn xúi dục, kích động, chia rẽ, lôi kéo nhân dân và quân đội cách mạng Campuchia để nảy sinh sự bất đồng, gây rối loạn, phá hoại chính sách phát triển Campuchia”(2).

Kết quả tòa án xét xử Khmer Đỏ đã trả lời cho sự xuyên tạc, vu khống trắng trợn hòng chia rẽ quan hệ ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia của Nuon Chea và chứng minh cuộc chiến tranh chính nghĩa, bảo vệ Tổ quốc của quân và dân Việt Nam. Với kết luận của phiên tòa lịch sử tuyên Khmer Đỏ tội diệt chủng, thẩm phán Nil Nonn chủ trì phiên tòa tuyên đọc phán quyết, khẳng định chế độ Khmer Đỏ đã có chính sách tiêu diệt người Chăm và người Việt Nam để “tạo ra một xã hội vô thần và thuần nhất không phân chia giai cấp”(3). Và “Hai cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ bị kết án trong vụ án 002/02 vì đã tham gia một loạt tội ác như dùng nhục hình tra tấn và giết người tại các trung tâm an ninh và các khu vực hành quyết, cưỡng ép hôn nhân và cưỡng hiếp, tội diệt chủng cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi và người Việt Nam. Cùng với đó, hai ông Nuon Chea và Khieu Samphan còn vi phạm Công ước Geneva vì chính sách tra tấn, giết hại quân nhân và người dân Việt Nam”(4).

Trong cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia tháng 7-2013, nhằm tập hợp lực lượng và thu hút cử tri ủng hộ, Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia của ông Sam Rainsy đã đưa ra cương lĩnh: “Tăng cường biện pháp siết chặt quản lý người nước ngoài nhập cảnh trái phép, đặc biệt là người Việt Nam”. Sam Rainsy cũng nhiều lần lên tiếng cho rằng “Việt Nam đã xâm chiếm Campuchia, lấy đất của Campuchia ở vùng biên giới Tây Nam”(5). Trước những phát ngôn làm tổn thương tình cảm, nghĩa tình hai dân tộc, ông Phay Siphan, phát ngôn viên Văn phòng Chính phủ Campuchia phát biểu ngày 13-8-2013 rằng: Chính phủ Campuchia lấy làm tiếc vì trong chiến dịch tranh cử Quốc hội khóa V, ông Sam Rainsy đã có những phát biểu mang tính kích động, chia rẽ dân tộc Việt Nam và Campuchia. Ông Phay Siphan khẳng định quan điểm của Chính phủ Campuchia: người Việt Nam đã sinh sống nhiều đời tại Campuchia và có đủ giấy tờ là công dân Campuchia hợp pháp với đầy đủ quyền lợi được pháp luật bảo vệ...

Trong khi hai dân tộc Việt Nam - Campuchia vui mừng, phấn khởi kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Việt Nam và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7-1-1979 - 7-1-2019), thì trên internet và mạng xã hội vẫn có những tiếng nói lạc lõng xuyên tạc cuộc chiến tranh này. Họ phát tán luận điệu cũ rích: “Cuộc tấn công của quân đội Việt Nam (giải phóng Campuchia) là cuộc chiến tranh xâm lược”; Việt Nam đã “lấn chiếm Campuchia cả trên đất liền và biển, đảo”(6)...

Vậy đâu là nguyên nhân Việt Nam phải chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc (1975-1979) và đưa quân sang Campuchia? Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam kết thúc thắng lợi (30-4-1975), tháng 5-1975, quân Khmer Đỏ tấn công vào Tây Ninh và đảo Phú Quốc, hành quyết hàng trăm người ở đảo Thổ Chu, đe dọa nghiêm trọng an ninh chủ quyền của Việt Nam. Trước hành động xâm lược trắng trợn đó, quân dân Việt Nam bằng quyền tự vệ chính đáng của mình đã giáng trả đích đáng, đánh bật quân Khmer Đỏ về bên kia biên giới.

Để giải quyết những bất đồng và mâu thuẫn giữa hai nước, tháng 6-1975 nhận lời mời của Chính phủ Việt Nam, Pôn Pốt(7) dẫn đầu phái đoàn Chính phủ Campuchia Dân chủ sang thăm Việt Nam. Tuy nhiên, cuộc hội đàm giữa Pôn Pốt với Chính phủ Việt Nam thất bại do thái độ thiếu thiện chí của Pôn Pốt, hai bên đã không tìm ra được biện pháp để giải quyết bất đồng. Trong khi đó, tình hình xung đột biên giới ngày càng leo thang, Việt Nam nhiều lần gửi thư thúc giục thực hiện các cuộc gặp gỡ với mong muốn đàm phán với Campuchia Dân chủ nhằm thực hiện một giải pháp chính trị cho xung đột. Đặc biệt, trong tháng 8-1975, Tổng Bí thư Lê Duẩn thực hiện chuyến thăm Campuchia nhằm tháo gỡ những mâu thuẫn giữa hai nước, nhưng thiện chí hòa bình của Việt Nam đã bị thế lực Pôn Pốt - Ieng Sary đáp lại với thái độ thờ ơ thiếu thiện chí. Ngược lại Pôn Pốt - Ieng Sary họp bàn và đi đến chủ trương chống Việt Nam đến cùng và quyết định cho thành lập 15 sư đoàn để tấn công Việt Nam.

Năm 1977, Campuchia Dân chủ tuyên bố cắt đứt mọi quan hệ với Việt Nam, rút hết các nhân viên ngoại giao ở Việt Nam về nước, đồng thời yêu cầu các nhân viên ngoại giao Việt Nam phải rút khỏi Campuchia. Năm 1978, lực lượng Pôn Pốt thực hiện nhiều cuộc xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam ở Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, khu vực Tây Nguyên và gây ra nhiều vụ thảm sát đối với dân thường Việt Nam. Như vậy, tập đoàn Pôn Pốt đã phản bội nhân dân Campuchia, thực hiện chính sách diệt chủng và phá hoại truyền thống đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam - Campuchia. Tờ Phnom Penh Post dẫn lời ông Hun Many: “Thế giới không nên quên người dân Campuchia đã phải chịu đựng những gì. Trong khoảng thời gian 3 năm 8 tháng 20 ngày, bởi vì thế giới nhắm mắt làm ngơ với chúng tôi nên gần 3 triệu người vô tội đã chết dưới tay Khmer Đỏ. Trong khi tất cả đều đang chơi trò chính trị, người Campuchia đã cầu mong không quan trọng đó là ai và sự giúp đỡ đến từ đâu, chỉ cần chúng tôi được cứu khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Và rồi cuối cùng chỉ có nước láng giềng Việt Nam chìa tay ra giúp đỡ”(8).

Ngày 13-12-1978, Khmer Đỏ huy động khoảng 10 sư đoàn tấn công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia. Quân đội Việt Nam đã chặn đứng cuộc tiến công của lực lượng Pôn Pốt, tiêu diệt bộ phận quân Khmer Đỏ và đẩy lùi các cuộc tấn công lấn chiếm. Trước đó, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia thành lập (3-12-1978) đã lên tiếng kêu gọi toàn dân đứng lên chống chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Ieng Sary, đồng thời mong muốn “quân tình nguyện Việt Nam giúp đỡ nhân dân Campuchia đánh đổ lực lượng Pôn Pốt - Ieng Sary để cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng”(9). Đáp lại lời yêu cầu của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia và cũng là để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch phản công biên giới Tây Nam với quy mô lớn nhằm đánh đổ hoàn toàn lực lượng Pôn Pốt, giải phóng nhân dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng. Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói rằng: “Nếu Pôn Pốt không tấn công Việt Nam, tôi nghĩ chúng tôi sẽ không có được sự ủng hộ của Việt Nam để lật đổ chế độ Khmer Đỏ. Pôn Pốt đã vướng phải sai lầm là đã giết người dân của chính ông ta (kể cả những người gốc Việt) và phát động các cuộc tấn công vào Việt Nam... Đến khi ấy, Việt Nam đã quyết định giúp Campuchia. Đó là một cơ hội bằng vàng cho tôi, là cơ hội cho chúng tôi tuyển mộ các lực lượng vũ trang của mình từ những người lánh nạn Campuchia đã sang Việt Nam. Chính bản thân tôi đã không thể thuyết phục được Việt Nam. Nhưng khi Pôn Pốt tấn công thì Việt Nam phải trả đũa. Họ cảm thấy bị xúc phạm và đã quyết định giúp chúng tôi”(10).

Để thực hiện chiến dịch, Việt Nam huy động số lượng lớn phương tiện chiến tranh cùng lực lượng quân đội hùng hậu bao gồm lực lượng của Quân đoàn 2, Quân đoàn 3, Quân đoàn 4, Quân khu 5, Quân khu 7, Quân khu 9, Đoàn 901 không quân, Lữ đoàn hải quân đánh bộ 126 và Lữ đoàn hải quân đánh bộ 101... kết hợp với lực lượng của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia mở cuộc tấn công tổng lực chống lực lượng Khmer Đỏ. Tuy gặp phải sự kháng cự quyết liệt nhưng quân đội Việt Nam liên tục đánh bại quân Khmer Đỏ tại Takeo, Battambang, Siem Reap, Ratanakiri, Mondolkiri, Kompong Cham... Thực hiện quyền tự vệ chính đáng, quân tình nguyện Việt Nam đã chấp nhận mọi hy sinh, gian khổ, phối hợp với lực lượng Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia mở cuộc tổng tiến công giải phóng thủ đô Phnom Penh (7-1-1979) và toàn bộ đất nước Campuchia (17-1-1979).

Về nguyên nhân quân đội Việt Nam không rút về nước ngay trong năm 1979: Ngày 5-1-1979, 66 đại biểu của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia họp tại Mimot và đi tới thống nhất thành lập Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia. Sau khi Phnom Penh được giải phóng (7-1-1979), Hội đồng Cách mạng Campuchia (Chính phủ lâm thời) được thành lập do Heng Samrin làm Chủ tịch. Ngày 18-2-1979, đại diện Hội đồng Cách mạng Campuchia - Heng Samrin ký với Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng về Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác có giá trị trong vòng 25 năm, theo đó mong muốn quân đội Việt Nam tiếp tục ở lại để giúp nhân dân và Chính phủ Cách mạng Campuchia loại trừ sự quay lại của Khmer Đỏ và giúp Campuchia tái thiết đất nước. Hiệp ước cũng khẳng định “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Campuchia kiên trì chính sách quan hệ hữu nghị, láng giềng tốt với Thái Lan và các nước khác ở Đông Nam Á, tích cực góp phần vào hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực Đông Nam châu Á”(11).

Mặt khác, quân đội Việt Nam không rút về nước ngay trong năm 1979, theo Thủ tướng Campuchia Hun Sen giải thích: “Sau chiến thắng ngày 7-1-1979, nếu như theo kế hoạch ban đầu, bộ đội Việt Nam sẽ rút quân khỏi Campuchia ngay trong năm 1979. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Campuchia chưa đủ sức chống lại Pôn Pốt và cần thời gian để củng cố lực lượng cũng như khôi phục nền kinh tế của mình. Nếu Việt Nam rút quân và Pôn Pốt quay trở lại được thì sẽ càng nhiều người Campuchia bị giết”, và “Chính phủ Việt Nam không muốn để quân ở lại. Phía chúng tôi đã yêu cầu họ như thế...”(12).

Ý nghĩa lịch sử của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam xuất phát từ nhu cầu tự vệ chính đáng, có ý nghĩa lịch sử đặc biệt to lớn trong việc bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Trước hành động khiêu khích của lực lượng Pôn Pốt ở biên giới, Việt Nam đã rất kiềm chế và tỏ rõ tinh thần thiện chí, hợp tác hòa bình, hữu nghị giữa hai dân tộc. Bên cạnh đó, việc quân tình nguyện Việt Nam sang Campuchia và ở lại làm nhiệm vụ quốc tế là cần thiết nhằm ngăn chặn chế độ diệt chủng khôi phục trở lại. Điều này đã được các lãnh đạo của Campuchia khẳng định.

Đối với nhân dân Campuchia, việc Việt Nam đưa quân sang Campuchia đã xóa bỏ chế độ diệt chủng của tập toàn Pôn Pốt, cứu nhân dân Campuchia ra khỏi thảm họa diệt chủng, giành lại quyền được sống, quyền làm người và bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do thật sự, hồi sinh đất nước và dân tộc, xây dựng cuộc sống hòa bình, tươi đẹp.

Chiến thắng của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam của quân dân ta và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Pôn Pốt là chiến thắng của tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống Việt Nam - Campuchia. Ngày 2-1-2012, Thủ tướng Campuchia Hun Sen khi sang Việt Nam dự lễ khánh thành di tích lịch sử Sư đoàn 125 (quân đội Campuchia), tiền thân là lực lượng vũ trang Đoàn kết cứu nước Campuchia, tại ấp Suối Râm, xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, đã đặt câu hỏi trong bài phát biểu của mình: “Trên thế giới này có đất nước nào đã giúp nhân dân Campuchia, đặc biệt là giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt và ngăn cản sự quay lại của chúng?”. Ông đã trả lời câu hỏi: “Đúng vào lúc người dân Campuchia sắp chết, chỉ còn biết chắp tay khẩn cầu Tiên Phật tới cứu thì bộ đội tình nguyện Việt Nam đã đến. Bộ đội Việt Nam chính là đội quân nhà Phật”(13). Sự biết ơn của Chính phủ và nhân dân Campuchia đối với công lao của quân tình nguyện Việt Nam không chỉ nằm ở những tượng đài lịch sử, mà nằm sâu trong lòng mỗi người dân. Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia, Heng Samrin, trong Lễ kỷ niệm 35 năm ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng, tổ chức ngày 5-1-2014, đã xúc động chia sẻ: “Nhân dân Campuchia chúng tôi mãi mãi tri ân công lao đó và xin khắc ghi trong lịch sử của mình để nhắc nhở cho con cháu muôn đời sau. Bởi nếu không có sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Việt Nam thì nhân dân Campuchia chúng tôi chắc chắn không còn tên tuổi của mình trên thế giới này”(14).

Chiến thắng chế độ diệt chủng Pôn Pốt đã góp phần giữ vững hòa bình, ổn định ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Với thắng lợi ngày 7-1-1979, quan hệ hai nước Việt Nam - Campuchia chuyển sang thời kỳ mới - thời kỳ khôi phục, vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai nước dựa trên nguyên tắc hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của hai bên vì sự phát triển và phồn vinh của mỗi nước(15).

Thực tế, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam là cuộc chiến tranh bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng là cuộc chiến đấu bảo vệ sinh mạng - quyền con người của cả hai dân tộc Campuchia và Việt Nam; là cuộc chiến tranh chính nghĩa - cuộc chiến tranh tự vệ chính đáng, giáng trả kẻ thù xâm lược, ngoài ra không có mục tiêu nào khác.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2021

(1), (2) Xét xử ba thủ lĩnh cao cấp của chế độ Khmer Đỏ: Bị cáo Nuon Chea, nguyên Chủ tịch Quốc hội, Khieu Samphan, nguyên là người đứng đầu Nhà nước; Ieng Sary, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao và bà Ieng Thirith, cựu Bộ trưởng đặc trách các vấn đề xã hội.

(3), (4) Kim Thoa, Phiên tòa lịch sử tuyên Khmer Đỏ tội diệt chủng, https://tuoitre.vn/phien-toa-lich-su-tuyen-khmer-do-toi-diet-chung-20181117084405817.htm.

(5) Campuchia khởi động chiến dịch tranh cử Quốc hội khóa V, http://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/campuchia-khoi-dong-chien-dich-tranh-cu-quoc-hoi-khoa-v-192766.html.

(6) Cao Đức Thái, Không thể xuyên tạc giá trị cao cả chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng, http://tuyengiao.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/khong-the-xuyen-tac-gia-tri-cao-ca-chien-thang-chien-tranh-bao-ve-bien-gioi-tay-nam-cua-to-quoc-va-cung-quan-dan-117954.

(7) Pôn Pốt là người lãnh đạo Đảng Cộng sản Campuchia và là Thủ tướng Chính phủ Campuchia Dân chủ từ 1976-1979, nhưng cầm quyền không chính thức từ giữa năm 1975.

(8) Thanh niên điện tử: Nói Việt Nam xâm lược Campuchia là sai sự thật và không thể chấp nhận, https://thanhnien.vn/the-gioi/noi-viet-nam-xam-luoc-campuchia-la-sai-su-that-va-khong-the-chap-nhan-1089213.html.

(9) Ban khoa giáo Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh, 2009, Máu và Hoa - Tập 5.

(10), (13), (14) Lê Tiên Long, Thủ tướng Hun Sen: Không có bộ đội Việt Nam, chúng tôi sẽ chết, https://nld.com.vn/thoi-su/40-nam-chien-thang-chien-tranh-bao-ve-bien-gioi-tay-nam-thu-tuong-hun-sen-do-la-cuoc-chien-giai-phong-20190106205624571.htm.

(11) Báo Nhân dân, Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Campuchia, Thứ 2 - Số 9021, 1979, tr.4.

(12) (15) Minh Tuấn, Ý nghĩa lịch sử chiến thắng bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia, http://tuyengiao

binhphuoc.org.vn/y-nghia-lich-su-chien-thang-bao-ve-bien-gioi-tay-nam-cua-to-quoc-va-moi-quan-he-huu-nghi-viet-nam-campuchia.

Tài liệu tham khảo:

1. Báo Nhân dân (1979), Bộ Ngoại giao Campuchia ra tuyên bố về Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN, Chủ Nhật - Số 9160.

2. Báo Nhân dân (1980), Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước Campuchia, Lào, Việt Nam, Thứ 3 - Số 9342.

 

3. Lê Phụng Hoàng (2008), Lịch sử quan hệ quốc tế ở Đông Nam Á từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến cuối chiến tranh lạnh, Nxb Đại học Sư phạm, Hồ Chí Minh.

PGS, TS Nguyễn Thị Quế

Viện Quan hệ quốc tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền