Trang chủ    Thực tiễn    Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên mạng xã hội - Thực trạng và giải pháp
Thứ tư, 19 Tháng 5 2021 14:33
2905 Lượt xem

Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên mạng xã hội - Thực trạng và giải pháp

(LLCT) - Trong thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động đã triệt để lợi dụng sự phát triển của internet và mạng xã hội để tuyên truyền, phát tán các thông tin “xấu”, “độc” và các luận điệu sai trái, xuyên tạc nhằm tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, gây ra những tác động tiêu cực đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Do đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn những quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên và lâu dài của toàn hệ thống chính trị và toàn dân hiện nay. Bài viết góp phần làm rõ thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: nền tảng tư tưởng của Đảng; quan điểm sai trái, thù địch; mạng xã hội; bảo vệ; đấu tranh; Việt Nam.

1. Thực trạng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay

Trong bối cảnh các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội để chống phá cách mạng nước ta, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm đấu tranh ngăn chặn, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thứ nhất, kịp thời ban hành các nghị quyết, chỉ thị về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cùng với việc xây dựng và tổ chức thực hiện đường lối chính trị, Đảng ta luôn coi trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; ngày càng chú trọng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện nhiệm vụ quan trọng này. Theo đó, Đảng đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về vấn đề này, đặc biệt là: Chỉ thị 34-CT/TW, ngày 17-4-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) “Về tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa”; Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Trong đó, xác định bảy nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Đặc biệt, với việc Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng, chúng ta đã có hành lang pháp lý để quản lý không gian mạng, bảo đảm một môi trường mạng an toàn và lành mạnh.

Thứ hai, tăng cường quản lý chặt chẽ internet, mạng xã hội.

Trước sự hiện diện và phát triển nhanh chóng của các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam như Google, Facebook,... Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với người đại diện của các công ty chủ quản của các trang mạng xã hội tại Việt Nam, yêu cầu phối hợp để gỡ bỏ, ngăn chặn những nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, những nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Cùng với đó, nhiều cơ quan, bộ, ngành đã ban hành quy chế, quy định về tham gia mạng xã hội. Điển hình là Hội Nhà báo Việt Nam ban hành 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, trong đó Điều 5 Quy định về chuẩn mực và trách nhiệm của người làm báo khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.

Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ thành lập một số ban chỉ đạo tập trung, trực tiếp và tổ chức lực lượng đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch. Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 35, các Ban chỉ đạo 35 đã được thành lập ở các cấp từ Trung ương đến địa phương nhằm tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch.

Thứ ba, phát huy tốt vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Cùng với việc sử dụng báo in, báo điện tử, tạp chí, phát thanh, truyền hình, các cơ quan báo chí đã tổ chức lực lượng blogger, facebooker đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xấu độc trên mạng internet. Riêng các blogger, facebooker trong quân đội, công an đã đưa hàng nghìn bài viết lên các blog, fanpage, youtube cùng hàng vạn ý kiến bình luận trên mạng xã hội Facebook và trên báo điện tử trong nước và nước ngoài với nội dung đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, song nhìn nhận khách quan, Đảng ta đã chỉ rõ: Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phòng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ hiệu quả còn hạn chế.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xuyên tạc, sai trái, thù địch có thời điểm còn chậm, bị động, chưa giữ được nhịp độ thường xuyên, liên tục, trong điều kiện các thế lực thù địch lại liên tục có những thay đổi về lực lượng, phương thức và phương tiện chống phá.

Một số bài viết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có nội dung thông tin còn đơn giản, thiếu chiều sâu về tính lý luận, tính khoa học. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận có mặt còn lạc hậu, bất cập, chưa gắn chặt giữa nghiên cứu lý luận với đấu tranh lý luận khiến công tác đấu tranh chưa sắc bén, hiệu quả chưa cao.

Việc cung cấp thông tin chính thống để định hướng dư luận xã hội trước những đợt tấn công chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng trên mạng xã hội còn chậm, thiếu tính thời sự, hiệu quả đấu tranh không cao.

Việc tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân những kiến thức an ninh mạng cơ bản, nhận diện những trang mạng xã hội xấu độc còn chưa thật sự hiệu quả.

Công tác giáo dục lý luận chính trị, đào tạo đội ngũ cán bộ lý luận còn có những hạn chế. Trong mấy năm gần đây, số lượng người đăng ký vào học các ngành lý luận chính trị có xu hướng giảm, nhất là ở bậc sau đại học. Nếu không có giải pháp phù hợp, có thể dẫn đến sự hẫng hụt đội ngũ này trong thời gian tới. Điều này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch.

2. Một số giải pháp tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội ở Việt Nam trong thời gian tới

Để góp phần phát huy những thành tựu và khắc phục những hạn chế trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách đối với chủ thể lãnh đạo, quản lý và người sử dụng mạng xã hội

Cần tập trung xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng để nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn, phương thức chống phá của các thế lực thù địch; xây dựng cơ chế bảo vệ người tham gia đấu tranh.

Cần có quy định để phân biệt giữa những người tích cực tham gia đóng góp ý kiến mang tính xây dựng với những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Đây là vấn đề rất quan trọng để phát huy dân chủ, tăng cường trao đổi, đối thoại, phản biện để xây dựng và hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước.

Tiếp tục hoàn thiện các quy định về nêu gương trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên cấp cao trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, coi đây là một nội dung quan trọng đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của đảng viên. Đối với những trường hợp đảng viên (kể cả cán bộ cao cấp, nguyên lãnh đạo cao cấp) có những quan điểm lệch lạc, không đúng với đường lối, chủ trương của Đảng mà đã được tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục nhưng vẫn không chịu sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, cố tình vi phạm thì cần kiên quyết xử lý kỷ luật Đảng từ cảnh cáo tới cách chức, khai trừ, thậm chí xử lý hình sự theo quy định của pháp luật nếu vi phạm nghiêm trọng.

Hai là, xây dựng, đổi mới nội dung, phương thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội

Nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bảo đảm kết hợp giữa “xây” và “chống”. Xây là cơ bản, lâu dài, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả.

Trong thời gian tới, tăng cường xây dựng, mở rộng về nội dung, đa dạng về hình thức các trang thông tin của các cơ quan đảng, nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội trên mạng nhằm chiếm lĩnh trận địa không gian mạng. Chủ động đưa thông tin tích cực lên mạng xã hội, gồm những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giá trị, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược; thành tựu đổi mới đất nước; việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin vào Việt Nam; hình ảnh quê hương, đất nước, con người Việt Nam...

Chú trọng những luận cứ lý luận và thực tiễn để làm cơ sở cho đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Tăng cường đối thoại, thuyết phục; phát huy dân chủ trong nghiên cứu lý luận; tranh thủ ý kiến của những người có uy tín trong xã hội, trí thức, văn nghệ sỹ, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo.

Chú trọng tuyên truyền, lan tỏa các thông tin bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng qua mạng xã hội thông qua giới trẻ, đặc biệt là đội ngũ sinh viên, nguồn lực chất lượng cao của đất nước, để từ đó lan tỏa ra toàn xã hội. Ở các trường đào tạo lý luận chính trị, các Trường Đảng, có thể tổ chức các đội, nhóm sinh viên, học viên nòng cốt tham gia tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội. Có thể thông qua chi bộ hoặc tổ chức Đoàn Thanh niên để giao nhiệm vụ phù hợp, như “like”, “chia sẻ”, viết bài tuyên truyền,... những thông tin bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên mạng xã hội.

Tăng cường hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị qua các kênh truyền thông mới và trong hệ thống giáo dục quốc dân. Ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Tăng cường các hình thức tuyên truyền, giáo dục qua mạng xã hội, các hình thức học tập lý luận chính trị trực tuyến,...

Phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ giảng viên, chuyên gia và học viên của hệ thống Trường Đảng trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội. Tăng cường trách nhiệm của cán bộ, giảng viên, học viên khi tham gia mạng xã hội. Xác định rõ trách nhiệm mỗi cán bộ, giảng viên, học viên của hệ thống Trường Đảng là một chiến sĩ tiên phong trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, chủ động, tự giác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội. Chia sẻ, lan tỏa rộng rãi những kết quả nghiên cứu về lý luận chính trị, nội dung, phương thức mới bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội.

Phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông khi tham gia các diễn đàn trên mạng xã hội, tham gia trực tiếp vào cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội. Các cơ quan báo chí truyền thông cần chủ động, tích cực lan tỏa các thông tin chính thống, đúng đắn về các sự kiện, về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm định hướng dư luận xã hội, góp phần đẩy lùi các thông tin xấu độc trên mạng xã hội. Tăng cường ý thức trách nhiệm của đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên trên mạng xã hội.

Ba là, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nòng cốt bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội

Để phát huy vai trò của các chủ thể trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội, cần thực hiện một số giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nòng cốt, cụ thể như sau:

(1) Nghiên cứu nhu cầu và xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nòng cốt nhằm tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội. Nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng, lý luận về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cần nâng cao chất lượng và số lượng của đội ngũ này nhằm bảo đảm nền tảng tư tưởng của Đảng được bảo vệ và phát triển trong bối cảnh mới. Để làm được điều này, cần có chiến lược đào tạo đội ngũ cán bộ lý luận chính trị dài hạn, bài bản, ở trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, có trình độ ngoại ngữ và công nghệ thông tin tốt, có tiềm năng trở thành những chuyên gia lý luận giỏi trong lĩnh vực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Bên cạnh đó, cần có các chính sách tuyển sinh theo hướng tạo điều kiện để thu hút đầu vào và nâng cao chất lượng đầu ra các ngành lý luận chính trị. Có chính sách miễn học phí hoặc cấp học bổng theo số lượng chỉ tiêu nhất định cho các ngành đào tạo sau đại học về lý luận chính trị thuộc các lĩnh vực chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm thu hút đầu vào của các ngành này. Mặt khác, cần nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo các ngành lý luận chính trị thông qua việc chuẩn hóa chương trình, nội dung, phương thức đào tạo, tăng cường nghiên cứu khoa học đối với giảng viên của các ngành này.

 (2) Xác định rõ mục tiêu, chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nòng cốt; phân khúc rõ đối tượng đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo tính hệ thống, phù hợp với mục tiêu đào tạo và đầu vào của quá trình đào tạo, bồi dưỡng; đổi mới mạnh mẽ phương pháp và hình thức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nòng cốt thực hiện nhiệm vụ này.

(3) Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất- kỹ thuật cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nòng cốt bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội.

Để các giải pháp trên được thực thi hiệu quả, cần tạo cơ chế thuận lợi để tổ chức các khóa đào tạo văn bằng hai ở các bộ ngành và các địa phương các ngành đào tạo: Lý luận chính trị, báo chí truyền thông, công tác tư tưởng, quản lý hoạt động tư tưởng - văn hóa để bổ sung lực lượng nòng cốt bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch. Cần tập trung bồi dưỡng chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ nòng cốt, đặc biệt là đội ngũ cán bộ ở các cơ quan báo chí truyền thông nhằm phát huy hơn nữa vai trò của báo chí, truyền thông trong đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch; góp phần xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận và văn học, nghệ thuật. Bên cạnh đó, cần tìm kiếm các giải pháp tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng cho giảng viên, chuyên gia.

Bốn là, sử dụng sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội

Các cơ quan trong hệ thống chính trị phải thường xuyên bám sát các chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình, hàng năm cần xây dựng kế hoạch, chương trình, giải pháp cụ thể để thực hiện nội dung đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, rà soát để chủ động nắm tình hình, phát hiện sớm hoạt động của các đối tượng chống phá, xuyên tạc. Rà soát thường xuyên, nắm tình hình, kịp thời phát hiện các blog, facebook, website, các diễn đàn thường đăng tải các thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng.

Phát huy vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, ban tuyên giáo các cấp, Ban Chỉ đạo 35, cơ quan chức năng các cấp, nhất là vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Cấp ủy, chính quyền các cấp tích cực thông tin và tăng cường đối thoại với nhân dân; chủ động, linh hoạt tham gia các vấn đề cụ thể của xã hội. Thường xuyên duy trì, thực hiện có hiệu quả việc phối hợp với các cơ quan chức năng. Phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, tạo thế trận rộng khắp, chặt chẽ trong đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Nâng cao nhận thức và đề cao cảnh giác với các biểu hiện của bệnh giáo điều, cơ hội, thực dụng và xét lại trên mạng xã hội ngay trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội.

Tập trung xây dựng lực lượng toàn dân đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội, bao gồm đông đảo các chuyên gia, nhà lãnh đạo, quản lý, văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà giáo... và quần chúng nhân dân trong và ngoài nước, tạo thành một thế trận toàn dân vững chắc khiến cho các quan điểm sai trái, thù địch không còn “đất sống” trên mạng xã hội.

Năm là, hoàn thiện pháp luật về sử dụng internet và mạng xã hội, tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch

Hoàn thiện pháp luật về sử dụng internet và mạng xã hội, bảo đảm môi trường pháp lý bình đẳng và minh bạch, tạo ra khung pháp lý nhằm răn đe, xử lý cá nhân, tổ chức đưa thông tin giả mạo, xuyên tạc, phản động trên internet và mạng xã hội. Tăng cường hoạt động quản lý, kiểm soát đối với các trang mạng xã hội và chủ động sử dụng các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn việc truy cập vào các trang mạng “độc hại” một cách có hiệu quả.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị điện tử phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội.

__________________

 

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2021

PGS, TS Mai Đức Ngọc

 

Vụ Quản lý đào tạo,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền