Trang chủ    Thực tiễn    Một số đặc điểm kinh tế - xã hội trong phát triển đô thị vùng Tây Nam Bộ hiện nay
Thứ sáu, 21 Tháng 5 2021 16:04
6230 Lượt xem

Một số đặc điểm kinh tế - xã hội trong phát triển đô thị vùng Tây Nam Bộ hiện nay

(LLCT) - Đô thị hoá và phát triển đô thị vùng Tây Nam Bộ diễn ra chậm, là “điểm mờ” so với cả nước về đô thị hóa, thể hiện cụ thể là: tỷ lệ đô thị hóa thấp, tình trạng “siêu xuất cư” kéo dài, sông nước và sản xuất nông nghiệp vẫn là đặc trưng, hạn chế về nguồn lực. Để phát triển đô thị bền vững vùng Tây Nam Bộ cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực - yếu tố có vai trò quyết định.

Từ khoá: đô thị hoá, phát triển đô thị vùng Tây Nam Bộ.

Vùng Tây Nam Bộ (còn gọi là vùng đồng bằng sông Cửu Long) có tổng diện tích 40.548,2km² (chiếm 13% diện tích cả nước), với dân số 21,49 triệu người, chiếm gần 18% dân số cả nước(1).

Trong lĩnh vực phát triển đô thị, Tây Nam Bộ đã hình thành các vùng và hành lang phát triển không gian như vùng đô thị trung tâm, vùng phụ cận và vùng đối trọng. Hiện nay, toàn vùng Tây Nam Bộ có hơn 160 đô thị, phân bổ dọc theo các hành lang hệ thống sông chính. Đô thị của vùng Tây Nam Bộ có chung các đặc điểm là đặc trưng sông nước, tài nguyên nước, năng lượng tái tạo dồi dào. Vùng Tây Nam Bộ có thành tựu ấn tượng trong năm 2018 với mức tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7,8%, song Vùng vẫn còn là một “điểm mờ” của cả nước về đô thị hóa, thể hiện cụ thể ở các đặc trưng về kinh tế - xã hội và môi trường như sau:

1. Tỷ lệ đô thị hóa thấp

Trong các chỉ báo về phát triển đô thị, tỷ lệ dân số đô thị trên tổng số dân (còn gọi là tỷ lệ đô thị hóa) là chỉ báo trung tâm, cơ bản, phản ánh mức độ phát triển đô thị của một địa phương, một vùng hay một quốc gia. Xét theo chỉ báo này, điểm nổi bật đầu tiên của tình hình phát triển đô thị vùng Tây Nam Bộ là tỷ lệ đô thị hóa của Vùng khá thấp so với bình quân của cả nước với tỷ lệ dân số đô thị là 25,75% (chỉ cao hơn vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, (18,5%))(2).

Số liệu thống kê 4 năm (2015-2018) cho thấy, tỷ lệ dân số đô thị của vùng Tây Nam Bộ và của 13 tỉnh thành trong vùng tăng rất chậm (các cột đồ thị 4 năm của mỗi tỉnh, thành hầu như không có sự khác biệt).

Phân tích số liệu Biểu đồ 1 cho thấy, ngoại trừ Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương (và là trung tâm của vùng) có tỷ lệ dân số đô thị đạt 69,7% (2019), 12 tỉnh còn lại của vùng Tây Nam Bộ có thể chia làm 2 nhóm: Nhóm 1: gồm 6 tỉnh có tỷ lệ đô thị hoá thấp, từ 9,8% đến 18%, trong đó tỉnh có tỷ lệ đô thị hoá thấp nhất là Bến Tre; Nhóm 2: gồm 6 tỉnh còn lại có tỷ lệ đô thị hoá trung bình, từ 22%-30%. Hai tỉnh có tỷ lệ đô thị hoá cao nhất (2019) là An Giang (31,59%) và Sóc Trăng (32,99%).

2. Tình trạng “siêu xuất cư” (tỷ suất di cư thuần âm kéo dài)

Tỷ lệ đô thị hóa luôn có mối liên hệ mật thiết với tình trạng di cư, đặc biệt là tỷ suất di cư thuần, được tính bằng hiệu số giữa tỷ số nhập cư và tỷ suất xuất cư của một địa phương. Ở vùng Tây Nam Bộ, có mối quan hệ nhân quả giữa mức độ đô thị hoá và tỷ suất di cư thuần. Tình trạng tỷ lệ đô thị hoá và tốc độ đô thị hoá thấp một phần là nguyên nhân của tỷ suất di cư thuần âm (tỷ lệ nhập cư rất thấp, còn tỷ lệ xuất cư thì rất cao). Và đến lượt nó, tỷ suất di cư thuần âm lại khiến tỷ lệ đô thị hóa và tốc độ phát triển đô thị của vùng thấp hơn tương đối so với các vùng khác trong cả nước.

 

Theo kết quả so sánh 10 năm giữa 2 kỳ Tổng điều tra dân số và nhà ở 2009 và 2019, phân tích số liệu cho thấy, Tây Nam Bộ là vùng có tỷ suất di cư thuần âm lớn nhất: trong 5 năm (2014-2019), trung bình cứ 1.000 dân vùng Tây Nam Bộ thì có 40 người xuất cư ra khỏi vùng, cao nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, (tiếp đó là vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, (Bảng 2).

Hiện tượng này bắt nguồn từ sức ép lao động và việc làm (đặc biệt ở khu vực nông thôn), khi các khu công nghiệp và đô thị Tây Nam Bộ chưa phát triển đủ mạnh để tạo được nhiều việc làm phi nông nghiệp cho lực lượng lao động trẻ trong vùng. Di cư thiên về xuất cư, trước mắt sẽ giải quyết được vấn đề việc làm, thu nhập, đời sống của lực lượng lao động trẻ từ nông thôn. Nhưng trong tương lai sẽ dẫn đến sự thiếu hụt nhất định về lao động của Vùng khi tốc độ phát triển đô thị gia tăng. Nghịch lý là ở một số vùng nông thôn của Tây Nam Bộ, ruộng đất bị bỏ hoang hoặc sản xuất cầm chừng, không được cải tạo đúng cách. Đây là những thiệt hại không nhỏ đối với tài nguyên của vùng.

Nguyên nhân sâu xa của tình trạng xuất cư ở Tây Nam Bộ là do những điều kiện thuận lợi về đất đai, nguồn nước, khí hậu... đang ngày càng mất đi bởi nhiều thách thức, do tình trạng biến đối khí hậu và thay đổi nguồn nước sông Mekông gây ra, như: sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn,... Trong khi đó, mức độ đô thị hóa và tình trạng phát triển công nghiệp vẫn ở mức thấp. Cũng vì vậy mà sức hút đối với nhập cư ngoại vùng vào Tây Nam Bộ sẽ vẫn còn hạn chế trong tương lai gần.

Thời gian gần đây người di cư có xu hướng về lại nơi xuất cư do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp đóng cửa, hoặc một phần do trình độ thấp của lao động, không đáp ứng được yêu cầu của công việc trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 ở các đô thị lớn và các khu công nghiệp ở vùng Đông Nam Bộ. Điều này đặt ra nhiều vấn đề cho chính sách việc làm, đào tạo nghề, sinh kế và an sinh xã hội trong vùng vốn như là một vùng thiên về xuất cư(3).

3. Lợi thế đặc trưng sông nước và sản xuất nông nghiệp

Vùng Tây Nam Bộ có lợi thế nhiều sông nước, do đó cơ cấu kinh tế cũng như trọng tâm phát triển của vùng đang hướng tới là sản xuất nông nghiệp với 2 sản phẩm chính là “cây lúa và con tôm”. Tuy nhiên, chiến lược này chưa dễ được thay thế trong bối cảnh phát triển kinh tế hiện nay. Tái cơ cấu kinh tế của vùng và hầu hết các tỉnh đều dịch chuyển chậm, theo hướng khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng ngày càng cao, nông nghiệp giảm chậm, còn công nghiệp tăng rất chậm và chủ yếu là công nghiệp chế biến lúa gạo, thủy hải sản, xây dựng. Trật tự 3 khu vực kinh tế chính của Tây Nam Bộ hiện nay theo thứ tự giảm dần về tỷ trọng trong RGDP là: “Dịch vụ - Nông, lâm thủy sản - Công nghiệp và xây dựng”. Xu hướng này cũng chính là nguyên nhân và sự phản ánh của tốc độ đô thị hoá và phát triển đô thị còn khá chậm của vùng Tây Nam Bộ.

4. Hạn chế về nguồn nhân lực(4)

Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019, dân số vùng Tây Nam Bộ là 17.273.630 người, chiếm 17,95% dân số cả nước, với mật độ 423 người /km2, cao thứ 3 trong cả nước, chỉ sau vùng Đồng bằng sông Hồng (1.060), và vùng Đông Nam Bộ (757). Tỷ lệ tăng dân số bình quân giai đoạn 2009-2019 là 0,05% - thấp nhất cả nước (1,14%/năm). Chỉ số già hóa dân số của Vùng là 58,5% - cao nhất nước (48,8%), có thể được giải thích bởi tỷ suất di cư thuần (là hiệu số tỷ suất nhập cư trừ tỷ suất xuất cư) của Vùng -39,9% - cao nhất nước.

Tây Nam Bộ là vùng “trũng” về giáo dục, thể hiện cụ thể trong các chỉ số: Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết chữ là 94,2% - thấp hơn bình quân cả nước (95,8%), (chỉ cao hơn vùng Tây Nguyên (91,3%)); Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên đã tốt nghiệp THPT là 11,3% - thấp nhất cả nước; Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có trình độ chuyên môn kỹ thuật là 9,7% - thấp nhất cả nước. Tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường là 13,3% .

Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về chất lượng lao động của Tây Nam Bộ cũng khá thấp: Tỷ lệ lao động giản đơn là 35,9%, cao thứ ba trong cả nước, chỉ đứng sau Tây Nguyên (47,6%) và vùng Trung Du và miền núi phía Bắc (60,7%). Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, có bằng hoặc chứng chỉ là 13,6% - thấp nhất cả nước. Đây có thể là nguyên nhân chính của tình trạng “siêu xuất cư” - một vấn đề cần sớm có các giải pháp khắc phục để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa của vùng Tây Nam Bộ.

Nhìn chung, những đặc điểm của chất lượng nguồn nhân lực - một bộ phận của vốn con người - như mô tả ở trên đang là một yếu tố kìm hãm sự phát triển nói chung và đặc biệt, đối với tốc độ và chất lượng phát triển đô thị vùng Tây Nam Bộ. Có thể nói đây cũng là điểm “nghẽn” cho việc triển khai các quy hoạch phát triển đô thị trong Vùng thời gian tới.

5. Những đe dọa và thách thức từ môi trường và biến đổi khí hậu

Đặc trưng sông nước như là một lợi thế cho sản xuất nông nghiệp nhưng cũng là thách thức của Tây Nam Bộ khi nguy cơ bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nhiều hơn.

Biến đổi khí hậu có nguy cơ tác động xấu tới 3 lĩnh vực của phát triển đô thị vùng Tây Nam Bộ là: kết cấu hạ tầng; hoạt động kinh kế - việc làm; sức khỏe con người, môi trường sinh thái. Do đó, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp bách đang được đặt ra cho các đô thị khu vực này. Chỉ có thể phát triển các đô thị theo hướng bền vững nếu thực hiện đồng bộ và tích cực nhiều nhóm giải pháp, chính sách liên quan đến nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu cho các cấp chính quyền địa phương và người dân nơi đây.

Những đặc điểm kinh tế - xã hội như tỷ lệ đô thị hóa, tỷ suất di cư thuần, cấu trúc kinh tế đặc trưng vùng sông nước và chất lượng nguồn nhân lực,... cho thấy tốc độ phát triển đô thị vùng Tây Nam Bộ còn chậm; các chức năng kinh tế, công nghiệp chưa đa dạng, chưa tạo được nhiều việc làm phi nông nghiệp cho lực lượng lao động trẻ trong vùng, nhất là ở khu vực nông thôn. Đầu tư vào khu vực công nghiệp, những ngành nghề, lĩnh vực gắn với phát triển đô thị chưa nhiều.

Những đặc điểm kinh tế - xã hội nêu trên một phần cũng là kết quả của việc đầu tư cho công nghiệp hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa ở vùng Tây Nam Bộ còn “chưa tới ngưỡng”. Vùng Tây Nam Bộ vẫn thiếu vắng các đô thị hiện đại và các đô thị chưa đạt được tầm vóc kinh tế cần có để trở thành đòn bẩy thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng(5). Để sự phát triển của vùng Tây Nam Bộ, trong đó có phát triển đô thị bền vững, cần vượt qua tất cả các đặc điểm còn hạn chế trên. Trong đó, cần hết sức chú ý đến sự phát triển nguồn nhân lực, vốn con người - yếu tố có vai trò quyết định trong những giai đoạn phát triển của vùng, trước mắt cũng như lâu dài.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2021*

Bài viết là kết quả của Đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước “Tác động xã hội trong phát triển đô thị vùng Tây Nam Bộ”, mã số ĐT/14-19/X14, do Viện Xã hội học và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì.

(1), (2) Tổng cục Thống kê: Niên giám thống kê 2019, Nxb Thống kê.

(3) Lê Thanh Sang, 2020: Dân số và di dân vùng đồng bằng sông Cửu Long và hàm ý chính sách cho thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

(4) Nguyễn Ngọc Trân: Đồng bằng sông Cửu Long ở ngưỡng cửa năm Canh Tý - 2020, https://baodatviet.vn.

(5) Ngọc Mai: Tây Nam Bộ trong “cơn lốc” đô thị hóa: Chờ đợi mảnh ghép đô thị đồng bộ, https://vneconomy.vn.

GS, TS Trịnh Duy Luân

Hội Xã hội học Việt Nam

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền