Trang chủ    Thực tiễn    Từ cảnh báo của Ăngghen về thảm họa thiên nhiên nghĩ về vai trò của nhà nước đối với bảo vệ môi trường sinh thái
Thứ năm, 03 Tháng 10 2013 14:50
5414 Lượt xem

Từ cảnh báo của Ăngghen về thảm họa thiên nhiên nghĩ về vai trò của nhà nước đối với bảo vệ môi trường sinh thái

(LLCT) - Từ những năm 80 của thế kỷ XIX, Ăngghen đã nói đến sự “trả thù  của tự nhiên” đối với loài người rằng: “chúng ta cũng không nên quá tự hào về những thắng lợi của chúng ta đối với giới tự nhiên. Bởi vì cứ mỗi lần ta đạt được một thắng lợi, là mỗi lần giới tự nhiên trả thù lại chúng ta”. Không thể thống trị giới tự nhiên như một kẻ thù thống trị một dân tộc khác, như một người sống bên ngoài tự nhiên. Đáng tiếc, vì nhiều lý do khác nhau mà loài người đã quên đi những lời cảnh tỉnh đó. Hiện tại, vấn đề giáo dục môi trường dù đã được đưa vào giảng dạy trong các chương trình của hệ thống giáo dục, đào tạo, nhưng còn nhiều hạn chế, mới chỉ dừng ở mức tuyên truyền chưa đủ để mọi người dân nhận thức rằng: “Con người bất luận là văn minh hay hoang dã, đều là con đẻ của thiên nhiên chứ không phải là người chủ của thiên nhiên”

 

Cảnh báo của Ph.Ăngghen về thảm họa từ thiên nhiên

Từ những năm 80 của thế kỷ XIX, Ăngghen đã nói đến sự “trả thù  của tự nhiên” đối với loài người rằng: “chúng ta cũng không nên quá tự hào về những thắng lợi của chúng ta đối với giới tự nhiên. Bởi vì cứ mỗi lần ta đạt được một thắng lợi, là mỗi lần giới tự nhiên trả thù lại chúng ta”(1). Không thể thống trị giới tự nhiên như một kẻ thù thống trị một dân tộc khác, như một người sống bên ngoài tự nhiên. Đáng tiếc, vì nhiều lý do khác nhau mà loài người đã quên đi những lời cảnh tỉnh đó.

 Là một nhà biện chứng thiên tài, thông qua sự phân tích quá trình phát triển của thế giới vật chất, Ăngghen cho rằng nguồn gốc của loài người và xã hội là kết quả của sự phát triển tiếp tục của giới tự nhiên. Sự xuất hiện của công cụ lao động đã đánh dấu bước tiến dài “làm cho cái vực sâu giữa người và khỉ từ đó trở nên không thể vượt qua được”(2). Con người bắt đầu “tác động cải tạo ngược trở lại... đối với giới tự nhiên, tức là sản xuất”(3). Nhưng cũng chính từ đây, với hành động gọi là “cải tạo tự nhiên”, là “sản xuất” con người bắt đầu quá trình “thống trị tự nhiên”, tự tách mình ra khỏi tự nhiên, bắt đầu quên đi “bản thân chúng ta, với cả xương thịt, máu mủ và đầu óc chúng ta là thuộc về giới tự nhiên”(4). Vì miếng cơm manh áo, vì những khoản lợi nhuận hoặc trước mắt, hoặc kếch sù thu được từ tự nhiên mà con người đã bất chấp quy luật khi khai thác nó, làm ảnh hưởng đến sự cân bằng sinh thái, mà không thấy rằng điều này đã tác động trực tiếp tới sự sinh tồn của chính mình. Rất nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên đã bị khai thác cạn kiệt. Ngay cả nước là yếu tố sống còn đối với đời sống của con người cũng đang trong quá  trình cạn kiệt vì bị khai thác quá mức; nhiều thành phố bị lún, sụt vì bị khai thác quá độ. Nguồn tài nguyên nước đang mất dần đi một phần khác là hệ quả của rừng bị tàn phá... Tại sao con người vẫn tự hào là động vật duy nhất có thể tự nhận thức và kiểm soát những hành động của bản thân, nhưng lại không nhận thức và kiểm soát được những tác động tiêu cực mà mình gây ra với môi trường, cũng là gây ra với chính con người?. Ăngghen tin tưởng rằng: “khác với tất cả những sinh vật khác, là chúng ta nhận thức được quy luật của giới tự nhiên và có thể sử dụng quy luật đó một cách chính xác”, “biết được những hậu quả gần gũi cũng như xa xôi của những hành động sản xuất của chúng ta”(5). Song thực tế hiện nay con người vẫn tiếp tục hành xử như kiểu nền “kinh tế cướp đoạt” với thiên nhiên trên phương diện khai phá đến kiệt quệ nó mà không có sự hồi trả xứng đáng.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật - công nghệ, con người ngày càng có thêm điều kiện hiểu biết và khai thác thiên nhiên phục vụ cho mục đích của mình. Nhưng với khả năng hiện tại của con người thì không phải mọi bí mật của tự nhiên đều được giải mã hoàn toàn. Những biến động bất ngờ, kinh khủng của thiên nhiên đã chứng tỏ điều đó. Thậm chí ngay cả khi con người có thể chủ động trong quan hệ với thiên nhiên thì như Ăngghen nói vẫn “có một sự chênh lệch lớn giữa những mục đích đã định trước và những kết quả đạt được, ta vẫn thấy những hậu quả không dự kiến trước còn chiếm ưu thế, những lực lượng chưa kiểm soát được vẫn còn mạnh hơn nhiều so với những lực lượng được làm cho vận động một cách có kế hoạch và không thể nào khác thế được”(6). Thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản sau vụ động đất và sóng thần tháng 3-2011 đã chứng tỏ điều này. Hơn lúc nào hết loài người phải mau chóng cùng nhau thống nhất lợi ích chung trong quan hệ với tự nhiên. Không chỉ bởi môi trường không có biên giới mà còn vì tự nhiên - xã hội vốn là một hệ thống cân bằng tự điều chỉnh. Xã hội loài người sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu hệ thống này mất đi sự cân bằng đó.

Trong tác phẩm Biện chứng của tự nhiên, Ăngghen còn nêu lên tư tưởng rất quan trọng đối với sự tồn tại của con người - đó là sự thích nghi. Ăngghen phân tích sự sống và sự tiến hóa về thích nghi của con người với loài vật. Ông khẳng định, con người có thể chủ động thích nghi với môi trường và chỉ có con người mới đạt đến chỗ in dấu của mình vào giới tự nhiên. Ăngghen lưu ý trước khi cải tạo được tự nhiên thì con người đã phải thích nghi với nó. “Không có bất kỳ thực thể sống nào, kể cả con người, có thể ra khỏi sinh quyển sống được”(7). Ngay cả khi khả năng ấy là vô cùng to lớn, thì con người vẫn buộc phải “nhượng bộ” trong một giới hạn đáng kể với giới tự nhiên, bởi một lẽ rất đơn giản là con người không thể bất chấp các quy luật của tự nhiên.

Vai trò của nhà nước đối với bảo vệ môi trường sinh thái

Những cảnh báo của Ănghen về thảm họa từ thiên nhiên và những thí dụ thực tế về thảm họa này cho thấy cần có sự chuyển biến lớn của ý thức con người trong quan hệ với thiên nhiên.

Để xảy ra những thảm họa ấy trách nhiệm thuộc về những con người đang làm tổn hại tới môi trường sống của chính mình. Nhưng để giải quyết tình trạng này, bổn phận đầu tiên lại thuộc về nhà nước, với tư cách là người quản lý sự phát triển của xã hội.

 Nhận thức của thế giới về các hiểm nguy môi trường mà loài người đã và sẽ phải đương đầu ngày càng tiến bộ. Điều này thể hiện qua các hội nghị quốc tế về môi trường. Bắt đầu từ Hội nghị Liên hợp quốc về môi trường và phát triển họp tại  Rio de Janeiro năm 1992, đến nay, thế giới đã đi tới việc ký kết nhiều công ước quốc tế ưu tiên các vấn đề môi trường. Từ đây, môi trường và phát triển được thể hiện trong cùng một khái niệm: “phát triển bền vững” (PTBV) - phát triển phải bao gồm cả sự bền vững về môi trường.

 Liên hợp quốc định nghĩa PTBV là sự cố gắng đáp ứng nhu cầu của hôm nay mà không làm tổn hại tới khả năng thỏa mãn nhu cầu của các thế hệ tương lai. Liên hợp quốc cũng chỉ ra: để không trở thành khẩu hiệu suông, rỗng tuếch, khái niệm PTBV yêu cầu thừa nhận và quan tâm tới các quan hệ căng thẳng không thể tránh khỏi giữa ba phạm trù kinh tế, môi trường và xã hội và nhất định phải có sự tham gia, cam kết của chính phủ.Nghĩa là phải đặt “phát triển bền vững” trong mối quan hệ giữa ba phạm trù kinh tế, môi trường, xã hội và phải nhấn mạnh vai trò của Nhà nước vì chỉ có Nhà nước mới có thể giải quyết mâu thuẫn giữa ba yếu tố đó.

 Ở Việt Nam, chúng ta khẳng định vai trò của chính phủ trong sự PTBV là yếu tố quyết định. Ngày 6-1-2011, tại Hà Nội Chính phủ tổ chức Hội nghị PTBV lần thứ 3. Hội nghị đã trình bày báo cáo tổng kết tình hình thực hiện Định hướng chiến lược PTBV ở Việt Nam giai đoạn 2005-2010; giới thiệu dự thảo Định hướng chiến lược PTBV giai đoạn 2011-2020. Mục tiêu tổng quát PTBV mà chính phủ cam kết khá toàn diện như  đạt được sự đầy đủ về vật chất, sự giàu có về tinh thần và văn hóa, sự bình đẳng của công dân sự đồng thuận của xã hội,... Trong các mục tiêu đó có cả  sự hài hòa giữa con người và tự nhiên, phát triển phải kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa được ba mặt là phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Qua 6 năm thực hiện, chúng ta đã có nhiều cố gắng đảm bảo PTBV như hỗ trợ xây dựng và thực hiện Định hướng PTBV ở các địa phương và các ngành, nâng cao nhận thức và năng lực quản lý về PTBV. Hội nghị lần này nhằm đạt đến một sự cam kết mạnh mẽ hơn đối với việc thực hiện Định hướng PTBV. Cần sớm thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển từ tiêu hao đầu vào (vốn, đất đai, lao động) ở mức cao, sang nguyên tắc tiêu thụ ở mức thấp hơn nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng như cũ, tiến tới tăng trưởng cao hơn. Trong thực tế, kết thúc năm 2010, mặc dù tăng trưởng GDP đạt 6,8%, nhưng nền kinh tế bộc lộ nhiều yếu kém, trong đó nổi lên vấn đề tăng trưởng mạnh nhưng sản xuất tiêu tốn quá nhiều năng lượng (mức tiêu tốn năng lượng trên một đơn vị sản phẩm của Việt Nam cao gấp 1,5 đến 1,7 lần so với các nước trong khu vực), hoặc phần lớn tăng trưởng GDP vẫn chủ yếu dựa vào ngành khai thác lợi thế tài nguyên thiên nhiên. Do vậy đổi mới mô hình tăng trưởng để PTBV là yêu cầu cấp thiết. Trách nhiệm này trước hết thuộc về Nhà nước, về Chính phủ. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng nêu: phải thật sự coi trọng chất lượng, hiệu quả tăng trưởng và PTBV.

Vai trò của nhà nước đối với PTBV thể hiện ở những khía cạnh sau:

Thứ nhất, môi trường phải có chỗ đứng và được cụ thể hóa trong các chiến lược, chương trình, chính sách công của Chính phủ và các chính quyền địa phương. Trong phát triển phải chú ý cả hệ thống môi trường - kinh tế - xã hội, chú ý các mối quan hệ xã hội, quan hệ con người với thiên nhiên, quan hệ giữa hiện tại và tương lai; đặt môi trường - nguồn lực - xã hội trong cùng một hệ thống không tách rời. Chính phủ phải là nhạc trưởng chỉ huy, liên kết gắn bó các địa phương, các lĩnh vực khác nhau trong khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên để đảm bảo “phát triển bền vững”. Vì vậy, Nhà nước cần tăng cường quản lý quy hoạch và thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, quy hoạch sản xuất ngành phải thống nhất đồng bộ từ trung ương tới địa phương để tránh tình trạng khai thác tự nhiên theo kiểu tận thu, mạnh ai nấy làm tại các ngành, địa phương như hiện nay đang và sẽ gây ra những thảm họa cho môi trường sinh thái.

Thứ hai, Chính phủ phải thực hiện tốt chức năng của mình là quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát, điều tiết việc khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, thiên nhiên cũng như nâng cao chất lượng các sản phẩm khai thác từ tự nhiên. Nhà nước cần có những biện pháp cụ thể. Đó trước hết là ban hành những chính sách, luật pháp có liên quan đến môi trường sinh thái (MTST). Về hành động, Chính phủ phải có các chế tài xử phạt đối với các hành vi tiêu cực liên quan tới MTST.

Việt Nam đã có Luật Bảo vệ môi trường và các Nghị định của chính phủ về việc hướng dẫn thực hiện luật này như Nghị định 175/CP, Nghị định 26/CP về xử phạt vi phạm hành chính đối với bảo vệ môi trường, đã có khoảng 200 tiêu chuẩn về môi trường, các thành phần khác nhau của môi trường như rừng, nước, khoáng sản... đều có những luật và nghị định riêng. Song vẫn cần phải tổ chức triển khai thực hiện luật và chính sách đó một cách hữu hiệu hơn như phân công rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn của từng tổ chức đối với từng lĩnh việc, sự việc cụ thể để  không còn hiện tượng xả lũ của một số hồ thủy điện gây ra lụt lội ở các địa phương, nhưng không có chủ thể nào chịu trách nhiệm rõ ràng như thời gian qua.

Thứ ba, Chính phủ phải coi kinh tế là một loại công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu, quan trọng để phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Đó là các loại thuế, phí về môi trường; các tác động của nhà nước về chi phí và lợi ích trong các hoạt động kinh tế của các tổ chức kinh tế nhà nước, tư nhân nhằm gắn trách nhiệm của họ đối với bảo vệ môi trường. Buộc các sản phẩm phải có nhãn mác sinh thái, coi đó như một cam kết bảo vệ môi trường. Nhà nước cũng cần có những hỗ trợ về kinh tế để khuyến khích, giúp đỡ các nhà sản xuất khắc phục, xử lý ô nhiễm, sử dụng tiết kiệm tài nguyên v.v.. Bên cạnh đó, phải có các biện pháp, cơ chế xử phạt thật nặng, thích đáng những hành vi xâm phạm thiên nhiên. Hiện tượng khai thác ồ ạt tài nguyên cát, đào bới vàng và các kim loại quý hiếm, khai thác trầm hương, gỗ trái phép ở nhiều địa phương gây ra sự tan hoang về môi trường như hiện nay là không thể chấp nhận được. Để xảy ra hiện tượng này, trách nhiệm thuộc về chính quyền ở tất cả các cấp. Nguyên nhân của những hành động như trên suy cho cùng đều có nguồn gốc từ kinh tế. Đó là sự đói nghèo, thất học. Do vậy, chúng ta không thể nói đến MTST nếu không xóa hẳn đói nghèo. Đồng thời, cần khuyến khích các nhà đầu tư có nguồn lực thực hiện dự án chất lượng cao, tiết kiệm năng lượng, tạo ra các sản phẩm giá trị cao.

Thứ tư, Nhà nước cần có những chương trình, biện pháp, hành động cụ thể tích cực hơn nữa trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về  MTST và hiểm họa thiên nhiên. 

Hiện tại, vấn đề giáo dục môi trường dù đã được đưa vào giảng dạy trong các chương trình của hệ thống giáo dục, đào tạo, nhưng còn nhiều hạn chế, mới chỉ dừng ở mức tuyên truyền chưa đủ để mọi người dân nhận thức rằng: “Con người bất luận là văn minh hay hoang dã, đều là con đẻ của thiên nhiên chứ không phải là người chủ của thiên nhiên”(8).

____________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2011

(1),(2),(3),(4),(5),(6) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.1, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.317, 73, 73, 318, 319, 74.

(7) Sđd, t.2, tr.125.

(8)  Sđd, t.4, tr.171.

 

TS Đỗ Thị Ngọc Lan

Học viện Hành chính - cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền