Trang chủ    Thực tiễn    Giải pháp thích ứng với già hóa dân số nhanh ở Việt Nam
Thứ tư, 14 Tháng 7 2021 10:22
28866 Lượt xem

Giải pháp thích ứng với già hóa dân số nhanh ở Việt Nam

(LLCT) - Già hóa dân số phản ánh quá trình chuyển đổi cơ cấu dân số theo hướng tăng tỷ trọng dân số già, được thể hiện qua chỉ số già hóa. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh và điều này đã tạo ra những thách thức to lớn trong ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, đặt ra yêu cầu đổi mới trong các chính sách xã hội. Trên cơ sở phân tích thực trạng và nguyên nhân gia tăng dân số già ở Việt Nam, bài viết đề xuất các giải pháp thích ứng với già hóa dân số kịp thời, toàn diện.

Một quốc gia được coi là già hóa dân số khi số dân có độ tuổi từ 60 tuổi trở lên đạt 10% hoặc số dân có độ tuổi từ 65 trở lên đạt 7% tổng dân số. Việt Nam là một trong những quốc gia đang có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới: Việt Nam chỉ có 20 năm chuyển từ giai đoạn già hóa sang già, trong khi đó Nhật Bản là 26 năm, Mỹ là 65 năm, Thụy Điển có tới 85 năm. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2038, nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm khoảng 20% tổng dân số(1). Già hóa dân số nhanh sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, như: thị trường lao động, tài chính, nhu cầu về các hàng hóa, dịch vụ, giáo dục, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi... Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2019, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi; trong đó, tuổi thọ của nam giới là 71 tuổi, của nữ giới là 76,3 tuổi. Từ năm 1989 đến nay, tuổi thọ trung bình của Việt Nam liên tục tăng, từ 65,2 tuổi (1989) lên 73,6 tuổi (2019)(2).

Nhận rõ những tác động của già hóa dân số tới phát triển kinh tế - xã hội, Đại hội XIII của Đảng xác định “chuẩn bị điều kiện thích ứng với già hóa dân số”. Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 137/NQ- CP ngày 31-12-2017 về Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Công tác dân số trong tình hình mới; Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22-11-2019 về phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 13-10-2020 về phê duyệt Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 với mục tiêu chung là chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số, gồm: (1) ít nhất 50% số xã, phường đạt tiêu chí môi trường thân thiện với người cao tuổi; (2) khoảng 70% người cao tuổi trực tiếp sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, giảm nghèo có nhu cầu hỗ trợ được hướng dẫn về sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phương tiện sản xuất, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, vay vốn phát triển sản xuất; (3) 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, khám, chữa bệnh, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung(3).

2. Đặc điểm và những thách thức của già hóa dân số nhanh ở Việt Nam

Quá trình già hóa dân số ở Việt Nam hiện nay có những đặc điểm sau: (1) Người cao tuổi tăng nhanh cả về số lượng và tỷ trọng; (2) Nhóm người cao tuổi tăng nhanh nhất so với các nhóm tuổi khác cả về số lượng và tỷ trọng; (3) Tuổi thọ người cao tuổi tăng lên nhưng tuổi thọ khỏe mạnh thấp; (4) Chênh lệch lớn trong cơ cấu giới tính người cao tuổi, nữ hóa dân số cao tuổi; (5) Già hóa dân số nhanh làm rút ngắn thời kỳ dân số vàng; (6) Chỉ số già hóa dân số không đồng đều giữa các tỉnh và vùng; (7) Có tốc độ từ “già hóa” chuyển sang “già” nhanh chóng; (8) Già hóa dân số khi chưa phải là nước phát triển...

Chỉ số già hóa dân số ở Việt Nam thể hiện cụ thể trong tỷ trọng của trẻ em dưới 15 tuổi giảm và tỷ trọng của dân số từ 60 tuổi trở lên tăng và có xu hướng tăng nhanh trong hai thập kỷ qua. Chỉ số già hóa năm 2019 là 48,8%, tăng 13,3 điểm phần trăm so với năm 2009 và tăng hơn hai lần so với năm 1999. Đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng là hai vùng có chỉ số già hóa cao nhất cả nước (tương ứng là 58,5% và là 57,4%). Tây Nguyên là nơi có chỉ số già hóa thấp nhất so với các vùng còn lại trên cả nước (28,1%)(4) (Bảng 1).

Già hóa dân số nhanh đã tạo ra những thách thức to lớn đối với Việt Nam như: Già hóa dân số dẫn đến cấu trúc gia đình truyền thống thay đổi mạnh. Phần lớn người cao tuổi ở Việt Nam vẫn sống nương tựa vào con cháu trong khi tuổi thọ ngày càng cao, sinh ít con hơn và cũng ít quyền được lựa chọn chăm sóc và chỗ ở; Già hóa dân số khiến thời gian sống sau nghỉ hưu tăng lên, làm gia tăng áp lực lên hệ thống an sinh xã hội, nhất là về y tế và hệ thống trợ cấp lương hưu. Già hóa dân số tạo ra những thách thức trong phát triển kinh tế, nhất là về cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động giảm đi, cơ cấu nghề nghiệp sẽ thay đổi, gánh nặng kinh tế cho người lao động trẻ cũng cao hơn...; mô hình bệnh tật ở người cao tuổi thay đổi nhanh chóng, từ bệnh lây nhiễm sang bệnh không lây nhiễm với tính chất của một xã hội hiện đại; dân số già đến sớm trong khi nền kinh tế của đất nước đang trong thời kỳ thoát nghèo, người cao tuổi phải chịu nhiều gánh nặng bệnh tật, với chi phí y tế lớn và gây ra áp lực lớn đối với hệ thống y tế. Do đó, các chế độ, chính sách nhằm bảo đảm cho người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích, được chăm sóc chu đáo còn có khoảng cách khá lớn so với nhu cầu. Tình trạng bệnh tật đã ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm lý, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và sự hòa nhập cộng đồng của người cao tuổi. Đa số người cao tuổi nước ta chưa có thói quen khám bệnh định kỳ, vì vậy khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn khiến việc chữa trị rất khó khăn. Già hóa dân số đang đặt ra yêu cầu thay đổi trong chính sách về tuổi nghỉ hưu, chính sách dành cho lao động cao tuổi... để thu hút sử dụng có hiệu quả lực lượng lao động này đối với phát triển kinh tế - xã hội... Đây thực sự là những thách thức không nhỏ với Việt Nam trong bối cảnh “già hóa dân số” nhanh chóng như hiện nay.

Nguyên nhân gia tăng già hóa dân số ở Việt Nam hiện nay:

Một là, mô hình chính sách dân số kiểm soát mức sinh: mỗi cặp vợ chồng có từ 1 đến 2 con chưa đưa ra được dự báo những bất cập, giới hạn của nó, nhất là mục tiêu bảo đảm mức sinh thay thế và do đó không được điều chỉnh kịp thời, đúng đối tượng. Bên cạnh đó, do làm tốt công tác giảm sinh nên số lượng và tỷ lệ trẻ em trong cơ cấu dân số của Việt Nam ngày càng giảm. Thực tế là trong hơn một thập kỷ qua, Việt Nam vẫn duy trì mức sinh ổn định, xu hướng sinh hai con là phổ biến. Ước lượng Tổng tỷ suất sinh (TFR) từ kết quả Tổng điều tra năm 2019 là 2,09 con/phụ nữ, dưới mức sinh thay thế. Tỷ suất chết thô (CDR) của cả nước năm 2019 là 6,3 người chết/1000 dân, thấp hơn so với năm 2009 (6,8 người chết/1000 dân)(5). Việc duy trì dưới ngưỡng mức sinh thay thế trong nhiều năm trước mắt sẽ tác động tích cực đến mục tiêu kiểm soát việc bùng nổ dân số; tuy nhiên hệ lụy của nó sẽ góp phần thúc đẩy già hóa dân số.

Hai là,tỷ lệ người không kết hôn và kết hôn muộn ngày càng có xu hướng gia tăng và ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh trong dân số. Khi tỷ lệ sinh giảm đồng nghĩa với số người lao động trong tương lai cũng sẽ giảm.

Sự thay đổi trong quan niệm về giá trị hôn nhân và con cái trong xã hội Việt Nam góp phần làm gia tăng tình trạng trên. Trước đây, việc dựng vợ gả chồng, sinh nhiều con, phải có con trai… là những giá trị được đề cao của mỗi cá nhân trong xã hội. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay ở nhiều đô thị, nhóm trẻ tuổi đang dần dần có xu hướng coi trọng sự tự do của bản thân hơn là kết hôn, sinh con và lập gia đình. Với nhiều cặp vợ chồng, nếu như trước đây giá trị về thành công được thể hiện thông qua con cái, nhất là con trai thì ngày nay các giá trị đó đang dần bị thay thế bởi những giá trị cá nhân khác như “sống cho mình, vì mình nhiều hơn” đã phổ biến trong xã hội.

Những thành tựu về thực hiện bình đẳng giới đã làm cho địa vị của người phụ nữ Việt Nam có xu hướng được nâng cao. Nếu trước kia, người phụ nữ chỉ xoay quanh công việc gia đình, đến tuổi thì lấy chồng rồi sinh con, chăm sóc con; thì hiện nay xu hướng đó đang giảm đi. Phụ nữ hiện đại đã bước ra xã hội, được học, được đi làm và độc lập về nhiều mặt; trong đó có cả vấn đề tự quyết định hôn nhân và sinh con. Trong điều kiện phát triển hiện nay của Việt Nam, rất khó khăn để người phụ nữ đạt được mục tiêu kép “cân bằng giữa công việc và gia đình”. Do đó, không ít phụ nữ lựa chọn ưu tiên công việc hơn là những việc liên quan đến gia đình như kết hôn, sinh con...

Ba là,ở góc độ kinh tế, đặc biệt trong cuộc sống đô thị, gánh nặng tài chính để nuôi con trưởng thành khiến không ít cặp vợ chồng phải lựa chọn mô hình sinh muộn, sinh ít con. Thực tế cho thấy, để có những đứa con khỏe mạnh về thể chất, được học tập và có đủ kiến thức để phát triển trí tuệ và thành đạt khi trưởng thành, các cặp vợ chồng thường phải bỏ ra rất nhiều chi phí về kinh tế, thời gian, sức lực và trở thành gánh nặng trong không ít gia đình. Chính hệ thống giáo dục - đào tạo phát triển dẫn đến tỷ lệ học lên cao ngày càng nhiều ở Việt Nam. Tuy nhiên, khi việc học lên các bậc học cao trở thành điều hiển nhiên của xã hội thì gánh nặng về chi phí học tập cũng sẽ tăng theo. Kết quả Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, số người có trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở lên của cả nước chiếm 36,5% tổng dân số từ 15 tuổi trở lên, tăng gần hai lần so với năm 2009 (20,8%)(6). Do đó, không ít cặp vợ chồng lựa chọn mô hình sinh ít con để có cơ hội tăng đầu tư cho con cái đi học ở các bậc học cao hơn.

Bốn là,Việt Nam ngày càng đạt nhiều tiến bộ trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, tuổi thọ trung bình của người dân ngày càng cao nên tỷ lệ người già gia tăng. Kết quả các cuộc Tổng điều tra từ năm 1989 đến nay cho thấy, tuổi thọ trung bình của Việt Nam liên tục tăng, từ 65,2 tuổi (1989) lên 73,6 tuổi (2019). Chênh lệch về tuổi thọ trung bình giữa nam và nữ qua hai cuộc Tổng điều tra gần nhất hầu như không thay đổi nhiều, duy trì ở mức khoảng 5,4 năm. Kết quả Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2019, với quy mô dân số trên 96,2 triệu người, tăng 10,4 triệu người trong vòng một thập kỷ qua, tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên tăng nhanh nhất (chiếm 7,7%). Tỷ lệ người cao tuổi ở nhóm già nhất (nhóm từ 80 tuổi trở lên) ngày càng tăng(7). Mặt khác, xu hướng nâng cao ý thức và thực hiện hành vi chăm sóc sức khỏe của người dân và xã hội gia tăng. Ngày càng nhiều người Việt Nam có ý thức duy trì sức khỏe thông qua tập luyện, chế độ ăn uống, sinh hoạt, khám sức khỏe định kì...

Năm là,bên cạnh những thành tựu về sự lãnh đạo và chỉ đạo triển khai việc thực hiện chính sách dân số và phát triển, công tác này ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Chúng ta chưa thực sự chủ động nghiên cứu, xây dựng và thực hiện đồng bộ hệ thống chính sách nhằm phát huy các thời kỳ: “Dân số trẻ - Dân số vàng - Già hóa dân số - Dân số già”. Đặc biệt, một số cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng chưa nhận thức đúng, đầy đủ và kịp thời về vấn đề già hóa dân số và chính sách thích ứng với già hóa dân số để có thể chủ động thực hiện sớm và đồng bộ các biện pháp ứng phó với vấn đề này.

3. Một số giải pháp tăng cường thích ứng với già hóa dân số nhanh

Một là, thống nhất cách tiếp cận về già hóa dân số trong các nghiên cứu và xây dựng, quy hoạch chính sách dân số, gồm: đổi mới trong tư duy về giáo dục và đào tạo kỹ năng để thúc đẩy việc học tập suốt đời; trong việc quy định về độ tuổi nghỉ hưu cũng như cách nhìn nhận về “tuổi già”; khuyến khích người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế, đặc biệt là những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao; giảm thiểu thất nghiệp, góp phần giảm tỷ số phụ thuộc chung bao gồm cả phụ thuộc già; đổi mới trong xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút hiệu quả lực lượng lao động trong độ tuổi nghỉ hưu; thay đổi quan niệm và thái độ xã hội về già hóa và người cao tuổi, nhìn nhận người cao tuổi không phải từ góc độ những người nhận trợ cấp xã hội mà là những thành viên có đóng góp tích cực trong xã hội; chuyển hướng tiếp cận trong nghiên cứu gắn với việc giúp tuổi già vui vẻ và hạnh phúc; chấm dứt sự phân biệt dựa vào tuổi tác nhằm bảo đảm hòa nhập xã hội đối với người cao tuổi.

Hai là, nghiên cứu, sửa đổi, đồng bộ hóa các quy định giữa Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bình đẳng giới, Luật Người cao tuổi..., xây dựng và thông qua Luật Công tác xã hội. Đưa chỉ tiêu ứng phó với già hóa dân số là chỉ tiêu trong nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và tăng cường giám sát quá trình triển khai thực hiện. Xây dựng đồng bộ Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong tổng thể của Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 và Chiến lược gia đình Việt Nam đến năm 2030. Điều chỉnh và kết nối Đề án “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025” với Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản, Chiến lược quốc gia về Bảo vệ, Chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Trong đó, cần tập trung thực hiện Đề án ở các tỉnh, thành phố có tỷ lệ người cao tuổi cao; vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.

Ba là, tăng cường truyền thông giáo dục thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; xây dựng, phát triển phong trào chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Nâng cao ý thức và hiểu biết của các nhà quản lý, hoạch định chính sách cũng như của toàn bộ cộng đồng về những thách thức của già hóa dân số với đời sống của người cao tuổi nói riêng và toàn xã hội nói chung. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi người dân, gia đình và toàn xã hội trong việc phát huy vai trò, kinh nghiệm của người cao tuổi, thực hiện chăm sóc người cao tuổi, xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số. Những tác động của già hóa dân số cần được lồng ghép vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội do bộ, ngành, địa phương chủ trì xây dựng và thực hiện, nhằm giải quyết đồng bộ các chính sách tăng trưởng, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Bốn là, giải quyết đồng bộ các chính sách tăng trưởng, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội nhằm bảo đảm và cải thiện thu nhập của người cao tuổi từ lao động và hưu trí. Việt Nam có thể thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bằng việc tận dụng “cơ hội dân số vàng” đang có để có được một dân số già có thu nhập cao và sức khỏe tốt trong tương lai(8).

Năm là,tăng cường chăm sóc sức khỏe, xây dựng và mở rộng các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi với sự tham gia tích cực, chủ động của mọi thành phần xã hội và nâng cao năng lực quốc gia về chăm sóc người cao tuổi. Bảo đảm tất cả người cao tuổi được tiếp cận đến đầy đủ các dịch vụ xã hội và y tế thiết yếu, có thu nhập tối thiểu thông qua hệ thống an sinh xã hội quốc gia và các đầu tư xã hội khác. Các hoạt động này cần được dựa trên một tầm nhìn dài hạn, được hỗ trợ bởi các cam kết chính trị mạnh mẽ và một nguồn có ngân sách bảo đảm(9).

Sáu là,tăng cường vai trò và năng lực của các tổ chức chính trị - xã hội, chính trị - xã hội - nghề nghiệp trong việc xây dựng, vận động và thực hiện chính sách cho già hóa dân số và người cao tuổi. Các hoạt động vận động gia đình, cộng đồng và toàn xã hội tham gia chăm sóc người cao tuổi cần được thúc đẩy và nhân rộng; cần kết hợp với các cơ quan chuyên môn trong nghiên cứu và đề xuất việc đa dạng hóa cách thức, mô hình tổ chức cuộc sống cho người cao tuổi như sống cùng con cháu, sống tại nhà dưỡng lão hoặc tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng... Tổ chức các hoạt động cộng đồng cho người cao tuổi một cách thường xuyên nhằm nâng cao hiểu biết và đóng góp ý kiến của người cao tuổi với các chính sách của nhà nước cũng như đời sống của cộng đồng(10).

Bảy là,nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên quy mô cả nước, góp phần chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi, trong gia đình và xã hội. Các chương trình đào tạo người chăm sóc cho người cao tuổi (thành viên gia đình, bạn bè đồng niên) cần được xây dựng và phát triển từ cộng đồng. Hỗ trợ và tạo điều kiện thành lập Hội Người cao tuổi và Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau ở các địa phương để cung cấp cho người cao tuổi các dịch vụ miễn phí. Thúc đẩy văn hóa “người cao tuổi giúp người cao tuổi”, theo đó, người cao tuổi có thể giúp đỡ nhau làm tăng sự tham gia vào các hoạt động của hội, câu lạc bộ, ví dụ như hỗ trợ đi lại; thiết lập một cơ chế liên lạc giữa các hội, câu lạc bộ với cơ quan chính phủ có liên quan để người cao tuổi nhận ra tầm quan trọng của việc tham gia các hoạt động(11).

Tám là,xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia cho các nghiên cứu toàn diện về dân số cao tuổi. Đây là những cơ sở quan trọng cho việc xây dựng các chính sách, chương trình can thiệp thiết thực, có trọng tâm và hiệu quả; khắc phục những hạn chế trong sự kết nối chặt chẽ cần thiết của nghiên cứu và xây dựng, quy hoạch và thực thi chính sách dân số ở Việt Nam;  đồng thời cần thúc đẩy hỗ trợ các nỗ lực quốc tế và trong nước để tiến hành nghiên cứu so sánh về già hóa, nhằm bảo đảm cung cấp các số liệu và bằng chứng có tính nhạy cảm về giới và văn hóa cho quá trình xây dựng chính sách(12).

Chín là,tăng cường thay đổi trong nhận thức và các quy định về kết hôn và sinh con trong nhóm dân số trẻ để bảo đảm mức sinh thay thế trong dân số quốc gia; đồng thời cần đẩy mạnh những thói quen sức khỏe lành mạnh, bảo đảm các cơ hội về giáo dục và việc làm, tiếp cận các dịch vụ y tế và bao phủ an sinh xã hội cho tất cả những người lao động để từng bước cải thiện cuộc sống của họ khi về già bằng việc thực hiện đa dạng các giải pháp, nhất là về truyền thông; giải quyết vấn đề việc làm và nhà ở... Từ đó góp phần bảo đảm thực hiện thành công mục tiêu trung bình mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) sinh đủ hai con, bảo đảm mức sinh thay thế bền vững của đất nước. Quy mô gia đình 2 con phải trở thành chuẩn mực, giá trị hướng đến của toàn xã hội.

Mười là,tăng cường nghiên cứu phát triển và ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong việc thích ứng với già hóa dân số. Nâng cao công cụ tự động hóa thay thế cho con người trong lao động sản xuất, sinh hoạt cá nhân và y tế. Công nghệ tự động hóa được ứng dụng, vừa nâng cao năng suất lao động, vừa giảm được sự ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động trong môi trường độc hại, vừa giảm nhân công khi Việt Nam già hóa dân số.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2021

(1), (2), (4), (5), (6), (7) Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương: Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở thời điểm 0 giờ ngày 1-4-2019, Nxb Thống kê, Hà Nội.

(3) Thủ tướng Chính phủ: Quyết định phê duyệt Chiến lược dân số đến năm 2030.

(8), (11) Giang Thanh Long và Đỗ Thị Thu: Chính sách an sinh xã hội đối với già hóa dân số ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 2+3, 2019.

(9), (10) UNFPA (2012), Già hóa trong Thế kỷ 21: Thành tựu và Thách thức. Báo cáo tóm tắt. UNFPA-Exec-Summary VN.pdf.

(12) Trương Thị Ngọc Lan, Phạm Thị Giang: Thích ứng với già hóa dân số ở Việt Nam, https://www.quanlynhanuoc.vn/2020/11.

TS Đỗ Văn Quân

Viện Xã hội học và phát triển,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền