Trang chủ    Thực tiễn    Bình đẳng giới trong lao động chăm sóc và việc gia đình không được trả lương
Thứ ba, 20 Tháng 7 2021 15:22
5975 Lượt xem

Bình đẳng giới trong lao động chăm sóc và việc gia đình không được trả lương

(LLCT) - Bài viết phân tích và chỉ ra mối quan hệ tỷ lệ nghịch giữa lao động chăm sóc và việc trong gia đình không được trả lương (LĐCS & VGĐKL) với tăng trưởng kinh tế, thực hiện bình đẳng giới trong các lĩnh vực kinh tế và chính trị; từ đó khẳng định cần giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới trong vấn đề này thông qua việc ghi nhận, giảm thiểu và phân phối lại lao động chăm sóc không được trả lương thông qua các chính sách an sinh xã hội, cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ nhỏ, người bệnh và chính sách thai sản của nhà nước. 

Lao động chăm sóc và việc trong gia đình không được trả lương được dịch từ thuật ngữ tiếng Anh “Unpaid care and domestic work” hiện đang được các nhà nghiên cứu quan tâm. “Không được trả lương” có nghĩa là người thực hiện hoạt động không được bồi thường chính thức bằng tiền mặt hoặc hiện vật và công việc không được tính vào tổng sản phẩm quốc nội hoặc ước tính việc làm. “Chăm sóc” là các hoạt động phục vụ mọi người và hạnh phúc của họ; bao gồm cả chăm sóc cá nhân và các hoạt động liên quan như nấu ăn, dọn dẹp, giặt quần áo, chăm sóc sức khỏe gia đình và giáo dục (không chính thức) của hộ gia đình. “Trong gia đình” có nghĩa là công việc này diễn ra trong gia đình hoặc trong cộng đồng. “Lao động” là các hoạt động đòi hỏi tiêu tốn thời gian và năng lượng từ phía những người thực hiện các hoạt động(1).

LĐCS&VGĐKL là hoạt động cần thiết về mặt sinh học và xã hội để chuẩn bị cho mọi người tham gia vào hoạt động kinh tế và đóng góp cho sự thịnh vượng của hộ gia đình và cộng đồng. Nếu LĐCS&VGĐKL không được thực hiện, mọi người sẽ có ít thời gian hơn để ra ngoài làm việc trong hoạt động kinh tế, ít thời gian cho việc học tập, rèn luyện sức khỏe…Hơn nữa, một phần quan trọng của LĐCS&VGĐKL là nuôi dạy trẻ em, đảm nhận các trách nhiệm gia đình, cộng đồng và xã hội, xây dựng vốn con người và xã hội cần thiết cho xã hội hoạt động.

1. Lao động chăm sóc và việc gia đình không được trả lương và sự tham gia của nữ giới vào lĩnh vực kinh tế và chính trị

Nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã chỉ ra rằng, ở tất cả các quốc gia, phụ nữ làm công việc này nhiều hơn nam giới (Hình 1). Ở Việt Nam, theo kết quả điều tra lao động việc làm năm 2019, phụ nữ thực hiện LĐCS&VGĐKL nhiều hơn nam giới 2,1 lần(2).

Điều này thể hiện sự bất bình đẳng sâu sắc giữa phụ nữ và nam giới trong gia đình. Việc phụ nữ làm nhiều các công việc LĐCS&VGĐKL dẫn đến hệ lụy bất bình đẳng giới về kinh tế, chính trị, y tế và chăm sóc sức khỏe.

Khi ký Các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), Việt Nam đã nhận thức rõ vai trò của LĐCS&VGĐKL trong nền kinh tế. Việc thực hiện Mục tiêu SDG 5 đòi hỏi phải hiện thực hóa Chỉ tiêu SDG 5.4, trong đó nêu rõ tất cả những quốc gia ký và tán thành với SDGs đều phải công nhận, giảm và phân phối lại công việc này vì đây là điều kiện tiên quyết để đạt được sự trao quyền cho phụ nữ và cụ thể hơn là trao quyền kinh tế cho phụ nữ(3).

   - LĐCS&VGĐKL và thị trường lao động

Thông thường, tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động thấp hơn nam giới vì gánh nặng LĐCS&VGĐKL rơi vào phụ nữ. Các công việc liên quan đến LĐCS&VGĐKL khiến phụ nữ ít có khả năng làm việc vào buổi tối và cuối tuần, đi du lịch xa nhà… Phụ nữ thường phải chăm sóc trẻ em, đặc biệt là khi trẻ còn rất nhỏ và chăm sóc các thành viên trong gia đình bị ốm, tàn tật hoặc bố mẹ già. Điều này có nghĩa là các hoạt động kinh tế mà phụ nữ thực hiện phải linh hoạt, để họ có thể vừa đi làm, vừa thực hiện công việc gia đình. Do phụ nữ phải linh hoạt về thời gian khi tham gia các hoạt động kinh tế hay các công việc được trả lương ngoài xã hội, dẫn đến sự phân biệt nghề nghiệp trong thị trường lao động, và có thể làm phát sinh bất bình đẳng về giới trong thu nhập, phụ nữ nhận được ít tiền công lao động hơn so với nam giới trong cùng một công việc. Từ đó, có quan niệm cho rằng, phụ nữ tham gia thị trường lao động ít hiệu quả hơn nam giới, do đó, họ nên chuyên về thực hiện việc LĐCS&VGĐKL.

Như vậy, trách nhiệm của phụ nữ trong LĐCS&VGĐKL có thể dẫn đến tỷ lệ nữ giới tham gia thị trường lao động ít hơn nam giới, kinh nghiệm trong thị trường lao động ít hơn, phân biệt nghề nghiệp, khoảng cách giới trong thu nhập, và cuối cùng là trình độ học vấn, kiến thức và kỹ năng của phụ nữ thấp hơn do ít được đầu tư hơn.

- Lao động chăm sóc không được trả lương và sự tăng trưởng kinh tế

Trong các thuật ngữ kinh tế, LĐCS&VGĐKL có chi phí cơ hội: công việc trong hoạt động kinh tế bị mất đi khi một cá nhân đang thực hiện LĐCS&VGĐKL. Có nghĩa là, cả nguồn cung lao động khả dụng và thu nhập đều giảm khi công việc này được thực hiện. Điều này sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế. Trong ngắn hạn, nguồn tăng trưởng chính là nhu cầu chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ đòi hỏi có thu nhập. Tuy nhiên, nếu mọi người phải thực hiện LĐCS&VGĐKL thì khả năng tham gia hoạt động kinh tế của họ bị giảm sút, thu nhập và khả năng chi tiêu của họ vào hàng hóa và dịch vụ giảm, từ đó giảm nhu cầu, làm suy giảm tăng trưởng kinh tế.

Hơn nữa, thu nhập thấp hơn phát sinh từ việc cần phải thực hiện LĐCS&VGĐKL, có nghĩa là có ít tiền để đầu tư vào việc hình thành vốn nhân lực, làm giảm chất lượng của lực lượng lao động. Hậu quả của cả hai điều này dẫn đến tăng trưởng bị giảm. Về lâu dài, nguồn tăng trưởng chính là nguồn cung, trong đó có nguồn cung lao động liên quan đến số lượng và chất lượng của lực lượng lao động cùng với các công nghệ có sẵn cho lực lượng lao động mà họ có thể làm việc. Tuy nhiên, nếu mọi người phải thực hiện LĐCS&VGĐKL thì khả năng cung cấp năng lực làm việc trong hoạt động kinh tế của họ bị giảm, do đó số lượng và chất lượng lao động bị giảm. Một nguồn cung lao động giảm dần gây hậu quả tiêu cực cho tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù việc thực hiện LĐCS&VGĐKL là cần thiết cho cộng đồng và xã hội, nhưng sự bất bình đẳng giới trong phân công LĐCS&VGĐKL lại có tác động tiêu cực đến nền kinh tế do phụ nữ đã dành quá nhiều thời gian thực hiện công việc này, vì vậy đã hạn chế sự tham gia của phụ nữ vào những công việc được trả lương. Điều này ảnh hưởng đến tăng trưởng. Một hạn chế của chính sách an sinh xã hội hiện nay là thiếu sự công nhận mối quan hệ mang tính ràng buộc giữa LĐCS&VGĐKL để duy trì hộ gia đình và sự tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có sự tham gia vào lĩnh vực kinh tế và trao quyền kinh tế cho nữ giới.

- Lao động chăm sóc và việc gia đình không được trả lương và sự tham gia lãnh đạo, quản lý của nữ giới

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bất bình đẳng giới trong phân công LĐCS&VGĐKL ảnh hưởng tiêu cực đến cơ hội và chất lượng tham gia lãnh đạo, quản lý của nữ giới(4). Chênh lệch 5 năm về độ tuổi nghỉ hưu dẫn đến chênh lệch 5 năm về độ tuổi quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ cộng với thời gian nữ giới nghỉ thai sản 6 tháng để thực hiện lao động chăm sóc mỗi trẻ sơ sinh mà trung bình mỗi phụ nữ sinh con hai lần cùng với thời gian họ thực hiện các công việc lao động chăm sóc các thành viên khác trong gia đình, làm việc nhà hàng ngày đã hạn chế cơ hội tham gia lãnh đạo, quản lý của nữ giới. Như vậy, quỹ thời gian công tác thực tế của nữ giới giảm từ 7 đến 10 năm so với nam giới. Trong khi đó, các khâu trong quy trình công tác cán bộ từ tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng luân chuyển, biệt phái, đi thực tế dài hạn, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ ở Việt Nam được áp dụng giữa nam giới và nữ giới là như nhau (ngoại trừ quy định chênh lệch 5 năm về độ tuổi). Điều này có nghĩa là, để phấn đấu vươn lên vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, nữ giới cần phải tăng tốc về đích nhanh hơn nam giới từ 7 đến 10 năm về thời gian. Hạn chế cơ hội làm lãnh đạo, quản lý về thời gian từ những bất cập về chính sách và từ thực tiễn bất bình đẳng giới trong phân công LĐCS&VGĐKL là một khó khăn lớn trong việc thực hiện bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý, trong lĩnh vực chính trị.

LĐCS&VGĐKL còn hạn chế cơ hội tiếp cận các nguồn lực phi chính thức nhưng có ý nghĩa trong quá trình vươn lên làm lãnh đạo, quản lý của nữ giới(5). Các nguồn lực phi chính thức đó gồm nguồn lực về thời gian để tham gia các sự kiện ngoài giờ hành chính, tiếp khách, hoạt động thể thao, hoạt động hướng dẫn, dìu dắt tự nguyện được phát triển trong quá trình giao lưu và kết nối mạng lưới. Điều này có nghĩa là LĐCS&VGĐKL đã hạn chế cơ hội kết nối và mở rộng mạng lưới nghề nghiệp và mạng lưới lãnh đạo, quản lý của nữ giới.

2. Giải quyết bất bình đẳng giới trong lao động chăm sóc và việc nhà không được trả lương

2.1. Thể chế hóa quy định lao động chăm sóc và việc gia đình không được trả lương thuộc hệ thống an sinh xã hội

Các nghiên cứu đều chỉ ra mối tương quan tỷ lệ nghịch giữa LĐCS&VGĐKL và chi tiêu xã hội công cộng cho các dịch vụ hỗ trợ bình đẳng giới gồm dịch vụ chăm sóc trẻ nhỏ, chăm sóc người cao tuổi, người ốm, với chất lượng cao và giá thành hợp lý do có sự chia sẻ gánh nặng tài chính của nhà nước đối với các hộ gia đình. Trong các quốc gia thuộc OECD, 5 trong số 10 quốc gia có thời gian dành cho LĐCS&VGĐKL thấp nhất lại nằm trong 10 quốc gia có mức chi tiêu xã hội cao nhất trong khu vực công là Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Na Uy và Thụy Điển. 3 trong số các quốc gia này - Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển - nằm trong 5 quốc gia hàng đầu về Chỉ số khoảng cách giới thấp nhất. Điều này có nghĩa là, đầu tư và sử dụng chi tiêu công cộng vào các dịch vụ chăm sóc trẻ nhỏ và người cao tuổi nhằm giảm nhẹ gánh nặng chăm sóc và việc nhà không được trả lương cho nữ giới là một biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.

Ở nhiều quốc gia, người ta cho rằng, phụ nữ trong các gia đình sẽ cung cấp dịch vụ LĐCS&VGĐKL, trừ những lĩnh vực đòi hỏi kiến thức chuyên môn như y tế và giáo dục chính thức, hoặc trong những lĩnh vực liên quan đến sự phụ thuộc cao, chẳng hạn như chăm sóc người khuyết tật. Do đó, LĐCS&VGĐKL là rất quan trọng nhưng phần lớn không được công nhận là an sinh xã hội. Hơn nữa, việc thực hiện LĐCS&VGĐKL thường được kích hoạt bởi các khoản tiền an sinh xã hội, và theo cách này thì LĐCS&VGĐKL là một phần không thể thiếu đối với an sinh xã hội.

 Do vậy, cần ghi nhận LĐCS&VGĐKL như là một hình thức an sinh xã hội. An sinh xã hội thường được định nghĩa là tập hợp các chính sách và chương trình của Nhà nước được thiết kế để giảm nghèo và sự dễ bị tổn thương của người dân bằng cách thúc đẩy thị trường lao động hiệu quả, giảm thiểu rủi ro của mọi người và nâng cao năng lực của họ để bảo vệ bản thân khỏi các nguy cơ trong vòng đời và nơi làm việc và do đó giảm bị gián đoạn hoặc mất thu nhập.

Tại Việt Nam, các chính sách an sinh xã hội cốt lõi bao gồm trợ cấp xã hội, một số bảo hiểm xã hội và can thiệp thị trường lao động. LĐCS&VGĐKL là nền tảng của khuôn khổ an sinh xã hội: LĐCS&VGĐKL giúp giảm rủi ro của mọi người, là nguồn bảo vệ chống lại thu nhập bị gián đoạn hoặc bị mất và làm cho thị trường lao động hiệu quả hơn trong việc vận hành thông qua việc hỗ trợ năng lực của mọi người, giúp họ có khả năng ra ngoài làm việc.

Trong nhiều trường hợp, khối lượng công việc chăm sóc và việc nhà không được trả lương trong hộ gia đình quá lớn dẫn đến việc phụ nữ phải lựa chọn tạm thời không tham gia vào công việc lao động được trả lương ngoài xã hội (chẳng hạn như nghỉ không lương một thời gian) để tập trung thực hiện LĐCS&VGĐKL như trường hợp trong gia đình có người ốm nằm viện phải chăm sóc 24/24 giờ mỗi ngày. Những nhu cầu thiết yếu về dịch vụ chăm sóc này lại không được tích hợp vào trong các chương trình an sinh xã hội. Điều này có nghĩa là LĐCS&VGĐKL có vai trò như là một nguồn an sinh xã hội nhưng đã bị bỏ qua trong hoạch định chính sách an sinh xã hội. LĐCS&VGĐKL có ý nghĩa đối với sự hình thành vốn con người và xã hội, tiền lương và thu nhập, tăng trưởng kinh tế và hạnh phúc. Do đó, việc cung cấp dịch vụ chăm sóc có thể trở thành mục tiêu của các chương trình an sinh xã hội, trên cơ sở hiệu quả và công bằng. Khi công việc LĐCS&VGĐKL được công nhận là một khía cạnh thiết yếu của sự bình đẳng và hiệu quả trong xã hội, nó không còn được coi là “vấn đề của Phụ nữ”, mà là một vấn đề của toàn xã hội.

Như vậy, việc thiết kế, phát triển, thực hiện, giám sát và đánh giá các chương trình và chính sách an sinh xã hội phù hợp với giới ở Việt Nam cần dựa trên việc nhận ra vai trò trung tâm của quan hệ giới và LĐCS&VGĐKL ảnh hưởng đến nhu cầu và kết quả của an sinh xã hội. Ngoài ra, chính sách cần nhận ra vai trò thiết yếu của công việc này trong vai trò vừa là nguồn an sinh xã hội thiết yếu vừa là cơ chế chính mà qua đó an sinh xã hội được thực hiện.

2.2. Phân phối lại lao động chăm sóc và việc gia đình không được trả lương

Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện khá hiệu quả việc can thiệp chính sách an sinh xã hội nhằm giảm và phân phối lại lao động chăm sóc và việc gia đình không được trả lương. Chẳng hạn, Phần Lan có chính sách cung cấp dịch vụ chăm sóc mầm non/trẻ nhỏ từ sớm chất lượng cao và chính sách nghỉ thai sản cho cả cha mẹ. Theo chính sách này, trẻ em được đi nhà trẻ sớm và chính thức đi học muộn hơn lúc 7 tuổi giúp tăng cường sức khỏe tốt cho trẻ nhỏ và để các em có thêm thời gian học các kỹ năng xã hội cần thiết. Việc trẻ em đi học mẫu giáo từ nhỏ và đi học muộn tạo cơ hội thời gian cho cả mẹ và cha trở lại thị trường lao động sau khi thực hiện hết chính sách nghỉ thai sản cho cả mẹ và cha và chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực tương lai cho phát triển quốc gia. Học phí được nhà nước trợ cấp ở một mức nhất định trong một tháng (tương đương 40 giờ một tuần) và miễn phí cho những người có thu nhập thấp(6).

 Với chính sách nghỉ thai sản cho cả mẹ và cha ở Phần Lan, người mẹ được nghỉ sau sinh 4 tháng và người cha cũng được nghỉ thai sản sau khi vợ sinh 2 tháng và được hưởng nguyên lương. Ngay cả sau khi thời gian nghỉ phép của cha mẹ kết thúc, một phụ huynh vẫn có thể ở nhà và nhận được mức lương nhất định tương đương 450€/tháng và trở lại làm việc khi đứa trẻ lên ba tuổi. Việc cả cha và mẹ được nghỉ thai sản ở một khoảng thời gian dài có ý nghĩa nhất định giúp nữ giới giảm thiểu trách nhiệm chăm sóc trẻ nhỏ, do đó, có thêm cơ hội tham gia thị trường lao động, có thu nhập, trao quyền kinh tế cho nữ giới, đồng thời giúp nữ giới tiếp tục có đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của quốc gia và tham gia các hoạt động chính trị.

Việt Nam có một nền bảo hiểm y tế toàn diện và tiến bộ. Tuy nhiên, khi người bệnh, đặc biệt là người cao tuổi phải nằm bệnh viện lâu dài, bảo hiểm y tế có thể chi trả những hạng mục liên quan đến thuốc và giường bệnh nhưng dịch vụ chăm sóc người bệnh trong bệnh viện vẫn do người nhà bệnh nhân chịu trách nhiệm (trừ những trường hợp phải chăm sóc y tế đặc biệt và cách ly). Các thành viên trong gia đình có thể chia sẻ gánh nặng chăm sóc người bệnh trong một thời gian ngắn nhưng lâu dài, nhiều gia đình phải sử dụng phương án thuê dịch vụ chăm sóc người bệnh với chi phí khá cao (từ 400 nghìn/ngày). Đây là một áp lực kinh tế đối với những gia đình có thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Nhiều gia đình không đủ tiềm lực kinh tế sử dụng dịch vụ chăm sóc người bệnh nên thường cử những người phụ nữ trong gia đình, họ hàng chăm sóc. Việc này dẫn đến việc giảm sự tham gia vào thị trường lao động, giảm thu nhập của phụ nữ, giảm cơ hội đào tạo, bồi dưỡng và cơ hội, chất lượng tham gia lãnh đạo, quản lý của nữ giới. Nhà nước có thể cân nhắc cung cấp dịch vụ chăm sóc người ốm chất lượng cao, giá thành hợp lý nhằm chia sẻ áp lực tài chính và áp lực chăm sóc người bệnh cùng các hộ gia đình, góp phần giải phóng phụ nữ khỏi trách nhiệm chăm sóc, tham gia nhiều hơn vào hoạt động kinh tế có thu nhập, góp phần cho tăng trưởng kinh tế và thực hiện bình đẳng giới.

Nhà nước có thể cân nhắc những phương thức can thiệp chính sách an sinh xã hội của một số quốc gia trên thế giới trong việc giảm thiểu và phân phối lại gánh nặng lao động chăm sóc và việc nhà không được trả lương của nữ giới, từ đó thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của nữ giới vào thị trường lao động, tạo việc làm, thu nhập cá nhân, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy sự tham gia lãnh đạo, quản lý nhiều hơn của phụ nữ theo tinh thần SDGs mà Chính phủ đã ký kết. Các biện pháp giảm thiểu bất bình đẳng giới trong phân công lao động chăm sóc và việc nhà không được trả lương thông qua các dịch an sinh xã hội cũng đã được ghi nhận trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “phát triển các dịch vụ hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới”(7).

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2021

(1) UNDP (2012). Module 3: Unpaidwork, Tài liệu tập huấn, lưu hành nội bộ.

(2) Báo cáo số 474 ngày 6-10-2020 của Chính phủ: Báo cáo về việc thực mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2019 và giai đoạn 2011 - 2020, tr.9.

(3) Mục tiêu 5.4 nói rõ “Công nhận và coi trọng dịch vụ chăm sóc và công việc gia đình không được trả lương thông qua việc cung cấp các dịch vụ công cộng, cơ sở hạ tầng và các chính sách an sinh xã hội, đẩy mạnh chia sẻ trách nhiệm trong hộ gia đình và gia đình phù hợp ở mỗi quốc gia”.

(4), (5) Xem Louise Chappell, Lương Thu Hiền và các cộng sự (2020), Reaching the Apex: strengthening opportunities for women’s leadership in politics and public administration in Vietnam.

(6) Xem A. Haroon Akram-Lodhi (2019), Gender and the Economy in Vietnam (Tài liệu tập huấn lưu hành nội bộ).

 

(7) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.140.

TS Lương Thu Hiền

Trung tâm Nghiên cứu Giới và Lãnh đạo nữ,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền