Trang chủ    Thực tiễn    Phát huy nguồn lực trí thức người Việt Nam ở nước ngoài trong quá trình xây dựng Chính phủ kiến tạo
Thứ tư, 21 Tháng 7 2021 10:45
1416 Lượt xem

Phát huy nguồn lực trí thức người Việt Nam ở nước ngoài trong quá trình xây dựng Chính phủ kiến tạo

(LLCT) - Thời gian qua, khái niệm chính phủ kiến tạo thường xuyên được người đứng đầu chính phủ nhắc tới, đã tạo một hiệu ứng tích cực từ người dân, doanh nghiệp đến cán bộ, công chức. Với tư cách là một bộ phận không tách rời, là nguồn lực của dân tộc, người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và trí thức người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng sẽ có những đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng Chính phủ kiến tạo tại Việt Nam. Bài viết tập trung đề xuất các giải pháp phát huy nguồn lực trí thức người Việt Nam ở nước ngoài góp phần xây dựng chính phủ kiến tạo hiện nay.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ trí thức trẻ Việt Nam tại Pháp (tháng 3-2018) _Ảnh: qdnd.vn

Xây dựng chính phủ kiến tạo là công việc khó khăn, phức tạp, làm thay đổi căn bản, toàn diện phương thức hoạt động cũ sang phương thức hoạt động mới, do vậy đòi hỏi phải có hệ giải pháp đồng bộ, được sự đồng tình, ủng hộ của hệ thống chính trị và người dân. Quá trình này rất cần trí tuệ tổng hợp nội lực và ngoại lực với những ý kiến đóng góp, phản biện đa dạng, đa chiều. Trong các nguồn lực góp phần xây dựng Chính phủ kiến tạo thành công thì cộng đồng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực cần được quan tâm, khai thác.

1. Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài

Đánh giá khả năng đóng góp lớn nhất, quan trọng nhất của người Việt Nam ở nước ngoài vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trước hết phải nhắc đến là chất xám, trong đó, chất xám về tri thức khoa học và tri thức quản lý hiện đại là nguồn lực đất nước đang rất cần.

Cộng đồng người Việt Nam nói chung và trí thức người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng, nhìn chung là cộng đồng trẻ, năng động, nhanh chóng hòa nhập và đa số có xu hướng định cư lâu dài ở nước sở tại chủ yếu là Mỹ, Australia, Canada và các nước Tây Âu (khoảng 80% đã nhập quốc tịch nước cư trú nhưng hầu hết vẫn giữ quốc tịch Việt Nam). Bên cạnh đó, phần lớn người Việt tại Nga, Đông Âu vẫn coi cuộc sống là tạm cư, khi có điều kiện sẽ trở về nước. Tuy nhiên, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là cộng đồng phức tạp về thành phần xã hội, xu hướng chính trị, đa dạng về nghề nghiệp, tôn giáo, dân tộc, đặc biệt bị chi phối, phân hóa bởi sự khác biệt về giai tầng, chính kiến và hoàn cảnh ra đi cũng như cư trú ở các địa bàn khác nhau. Cộng đồng sinh sống phân tán, sinh hoạt cộng đồng có khó khăn, chính vì vậy, tính liên kết, gắn bó trong cộng đồng không cao; việc duy trì tiếng Việt và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống đang là thách thức lớn đối với tương lai của cộng đồng.

Về số lượng, hiện nay, có khoảng 10% trong số 4,5 triệu người Việt Nam đang sống và làm việc tại nước ngoài là trí thức được đào tạo về khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, phân bố ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Đội ngũ trí thức người Việt tại nước ngoài tập trung đông nhất ở các nước: Mỹ, Pháp, Australia, Canada, Đức, Nhật Bản, Nga..., những nước có trình độ khoa học công nghệ cao. Họ tham gia nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó một tỷ lệ rất lớn đang trực tiếp tham gia nghiên cứu khoa học thuộc các ngành mũi nhọn của nước sở tại.

Về đặc điểm trình độ và việc làm: là những người có trình độ cao, cơ bản được đào tạo ở trình độ đại học, trên đại học và công nhân kỹ thuật bậc cao, có kiến thức cập nhật về văn hóa, khoa học - công nghệ, quản lý kinh tế, quản lý nhà nước. Trong đó, nhiều người đạt được vị trí quan trọng trong các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện, công ty kinh doanh và các tổ chức quốc tế, thậm chí có những người tham gia làm việc và có chức vụ cao trong chính quyền nước sở tại.

Về thái độ, tư tưởng đối với quê hương, đất nước: bên cạnh một bộ phận do chưa hiểu đúng về tình hình đất nước nên còn có thái độ tiêu cực hoặc dè dặt đối với đất nước, thậm chí có một số ít người đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc thì đa phần cộng đồng luôn duy trì mối quan hệ gần gũi, nặng lòng với quê hương đất nước, mong muốn đất nước phát triển và hội nhập quốc tế nhanh chóng.

Về tính đặc thù lao động, sáng tạo của trí thức người Việt Nam ở nước ngoài: đặc thù chung của đội ngũ trí thức là lao động trí óc, mang tính sáng tạo. Đây chính là tài nguyên đặc biệt của mỗi quốc gia. Tính đặc biệt của tài nguyên chất xám thể hiện ở chỗ nếu biết khai thác thì hiệu quả kinh tế - xã hội sẽ vô cùng to lớn. Bên cạnh đó, trí thức đa phần là những người có lòng tự trọng cao, luôn sẵn lòng cống hiến tâm, tài vì sự phát triển của đất nước. 

Tiềm lực, tiềm năng của trí thức người Việt Nam ở nước ngoài rõ ràng là rất to lớn, cần được được khơi thông, khơi nguồn để dòng chảy đó góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Tạo cú hích trong lĩnh vực kinh tế, khoa học, công nghệ cũng như trong lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, quản lý nhà nước. Vì vậy, các chính sách được ban hành phải đủ mạnh, tạo một khung chế độ đãi ngộ cụ thể, hấp dẫn về điều kiện sống, làm việc và học tập cho trí thức người Việt Nam ở nước ngoài và gia đình, con em họ khi về nước làm việc.

2. Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng Chính phủ kiến tạo

Thứ nhất, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài hiến kế xây dựng mô hình Chính phủ kiến tạo

Ở Việt Nam, khái niệm Chính phủ kiến tạo được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu ra từ năm 2014 và được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường xuyên nhắc tới, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một khái niệm hoàn thiện, thống nhất.

Nội hàm khái niệm Chính phủ kiến tạo được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra tại phiên chất vấn Quốc hội ngày 18-11-2017, tựu trung ở những đặc điểm sau: Chính phủ chủ động; không làm thay thị trường; kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi; nói đi đôi với làm, siết chặt kỷ cương. Nội hàm này có thể hình dung cơ bản về chính phủ kiến tạo, nhưng không phải là nội hàm đóng mà là nội hàm mở, vẫn cần được bổ sung, hoàn thiện.

Về mô hình, Chính phủ kiến tạo Việt Nam phải mang tính đặc sắc của Việt Nam, cùng tính tiên tiến, hiệu quả, thiết thực của thế giới. Để xây dựng được mô hình đáp ứng những tiêu chí trên là không hề giản đơn, không thể nóng vội, cũng không được trì trệ kéo dài. Khó khăn đặt ra là trên thế giới chưa thực sự có mô hình nào tối ưu, đáp ứng được những tiêu chí Việt Nam mong muốn để tham khảo. Vì thế, nghiên cứu đa dạng các mô hình chính phủ hiện nay để Việt Nam có thể lựa chọn được yếu tố nào phù hợp sử dụng là điều cần lưu ý. Trong quá trình đó, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, kinh tế - xã hội đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo hiến kế, thu được những kết quả khả quan. Những hiến kế này có giá trị tham khảo, góp phần vào thành công của quá trình xây dựng Chính phủ kiến tạo.

Thứ hai, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia tư vấn cho Chính phủ kiến tạo

Xây dựng Chính phủ kiến tạo, một yếu tố rất quan trọng là phải có đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, hiện đại, tinh thông và có phẩm chất đạo đức, luôn luôn nói đi đôi với làm, đề cao trách nhiệm cá nhân, kỷ luật, kỷ cương. Hiện nay, việc sử dụng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài trong bộ máy chính quyền chưa được đặt ra, do nhiều lý do xuất phát từ quy định đến quan điểm, nhận thức.

Trên thế giới, việc sử dụng người nước ngoài và kiều dân tham gia chính quyền cũng chưa được áp dụng, ngoại trừ một vài nước có đề cập tới nhưng chủ yếu vì lý do chính trị nhiều hơn là lợi ích xã hội như trường hợp Ukraine. Tuy nhiên, sử dụng người nhập cư có quốc tịch tham gia chính quyền thì nhiều nước đã áp dụng, vấn đề này đặt ra khả năng Việt Nam có thể mời người nước ngoài hoặc người Việt Nam ở nước ngoài về nước, nhập quốc tịch Việt Nam và tham gia vào Chính phủ kiến tạo. Nhân sự trong chính quyền là một việc rất hệ trọng, nhạy cảm vì thế, đây chỉ là một ý kiến mang tính gợi mở, để trở thành hiện thực cần được tiếp tục nghiên cứu.

Mời trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào Chính phủ kiến tạo trong khuôn khổ hẹp, có thể áp dụng được như trường hợp nhân sự ở Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng (thành lập theo Quyết định số 1120/QĐ-TTg ngày 28-7-2017). Trong thời gian tới nên tiếp tục mời tham gia làm thành viên các Tổ Tư vấn khác của Thủ tướng và điều này mở ra khả năng áp dụng ở một số tỉnh, thành có nhu cầu.

Thứ ba, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp ý kiến vào xây dựng chính sách

Với tư cách là bộ phận không tách rời và là nguồn lực của đất nước, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài có quyền lợi, nghĩa vụ tham gia đóng góp ý kiến vào xây dựng chính sách. Do có những tri thức sâu sắc trên nhiều lĩnh vực và đặc thù hoàn cảnh xã hội họ sẽ có nhiều đóng góp ý kiến, kiến nghị mang tính toàn diện, thực tiễn, khách quan trong xây dựng chính sách. Chính phủ kiến tạo Việt Nam đang xây dựng vẫn là một vấn đề mới, thì ý kiến đóng góp của trí thức nói chung và của trí thức người Việt Nam ở nước ngoài là một kênh tham khảo cần được coi trọng.

3. Một số giải pháp

Một là, hoàn thiện cơ chế, chính sách

Quyết tâm của Đảng đã được thể hiện qua Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26-3-2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, cụ thể hóa qua Chương trình hành động của Chính phủ, là một bước chuyển mạnh mẽ đi từ tuy duy đến hành động của Nhà nước Việt Nam đối với vấn đề người Việt Nam ở nước ngoài. Tuy nhiên, vấn đề trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia như thế nào trong xây dựng chính quyền, làm việc trong chính quyền gần như chưa được đề cập tới, chưa được nghiên cứu, do đó, cũng chưa có chính sách cho vấn đề này.

Do vậy, cần xác định rõ những vướng mắc, cản trở sự đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và trí thức người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng, từ đó đưa ra giải pháp tháo gỡ, khơi thông. Giữa chính sách “khai thác” và vấn đề lợi ích chính đáng cần được xem xét thấu đáo, hài hòa, tránh tư duy một chiều nặng về “khai thác” nhẹ về lợi ích, làm như vậy người trí thức mới không có cảm giác bị “lợi dụng” mà sẵn sàng cống hiến cho cả hai mục tiêu: ích nước - lợi nhà. Trí thức thường rất nhạy cảm và tự trọng cao nên cùng với chính sách phù hợp cần khơi dậy lòng tự tôn dân tộc của người Việt Nam ở nước ngoài, phải đem lại cho họ cảm giác được trân trọng, xóa bỏ hoàn toàn mặc cảm thành phần. Từ đó, đóng góp của họ mới thực sự chân thành, hết lòng, hết sức, hiệu quả.

Hai là, xây dựng cơ sở dữ liệu và thành lập nhóm hoạt động

Hiện nay, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đang xây dựng cơ sở dữ liệu về trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, tập hợp danh sách trên 100.000 người có thông tin từng ngành, nghề và địa chỉ. Nhưng danh sách này còn khá khiêm tốn so với tổng số trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, vì vậy, cần đẩy nhanh tiến độ điều tra xã hội học và khi có dữ liệu tương đối cần giữ liên hệ thường xuyên với họ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng và sẵn sàng tham vấn những vấn đề trong nước đang cần thiết.

Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, có sự quan tâm nhất định tới vấn đề chính trị, tuy nhiên, tiếng nói của họ còn mang tính tự phát, lẻ tẻ, thiếu định hướng. Do đó, một tổ chức do Nhà nước thành lập, bảo trợ sẽ tập hợp được số lượng cũng như định hướng được nội dung sinh hoạt, chủ điểm, chủ đề nghiên cứu, bàn luận phù hợp với nhu cầu của đất nước.

Ba là, tổ chức hội thảo, đặt hàng nghiên cứu nội dung cụ thể, chuyên sâu

Hiện nay đã có nhiều hội thảo, gặp gỡ, trao đổi, đối thoại giữa Chính phủ, tỉnh, thành với người Việt Nam ở nước ngoài. Tuy nhiên, việc tổ chức và nội dung trao đổi khá rộng, vì vậy tính chuyên sâu, cụ thể chưa được phát huy.

Về nội dung, các vấn đề cụ thể mà Việt Nam đang quan tâm giải quyết như công tác đào tạo cán bộ, sử dụng cán bộ, cải cách hành chính, xây dựng chính sách… đã, đang được bàn thảo, thực hiện. Nhưng thực tế, tính hiệu quả chưa cao, chưa giải quyết được những vấn đề cấp bách, cũng như định hướng lâu dài. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu cách thức, nội dung phù hợp để giải quyết vấn đề này. Phát huy trí tuệ tổng hợp của dân tộc có thêm những ý kiến, góp ý, phản biện, đề xuất từ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài sẽ góp phần vào thành công trong quá trình xây dựng Chính phủ kiến tạo, phù hợp quan điểm của Đảng cũng như mong mỏi được đóng góp của đại đa số bà con kiều bào.

Về tổ chức, có thể linh hoạt tổ chức trong nước hoặc nước ngoài, nhưng cần đa dạng trí thức người Việt Nam ở nhiều nước khác nhau. Thực tiễn cho thấy không chỉ những cường quốc lớn mới có những thế mạnh, mà mỗi nước nhỏ hay yếu thế hơn đều có thế mạnh riêng của mình. Với phương châm cầu thị, việc tiếp nhận những điểm mạnh, điểm yếu của nhiều nước giúp các cấp lãnh đạo có cách nhìn đa dạng, cụ thể, tổng thể, từ đó làm kinh nghiệm quý báu để đưa ra những chủ trương phù hợp, tránh phiến diện, nôn nóng, làm nhanh, làm gấp hoặc trì trệ, quá thận trọng làm lỡ cơ hội.

Bốn là, tăng cường thông tin, tuyên truyền    

Luận điệu xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch mặc dù hiện nay không còn nhiều ảnh hưởng trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nhưng chúng lại có những thủ đoạn mới thâm độc, khó lường. Vì thế, Nhà nước cần tăng cường thông tin, tuyên truyền, đa dạng hình thức, nội dung, để trí thức người Việt Nam ở nước ngoài hiểu đúng tình hình đất nước, chính sách của Đảng và Nhà nước, tránh hoang mang, dao động, từ đó sẵn sàng đóng góp trí tuệ một cách vô tư, khách quan, thực chất.

Quá trình xây dựng Chính phủ kiến tạo là con đường dài, nhiều khó khăn. Nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của toàn dân chắc chắn sẽ thành công, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng đất nước, chấn hưng dân tộc.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2021

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Chính trị: Nghị quyết số 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, ngày 26-3-2004.

2. Trần Trọng Đăng Đàn: Người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ có “Việt Kiều”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005.

3. Bùi Thị Thu Hà: Công tác người Việt Nam ở nước ngoài của Đảng trong thời kỳ đổi mới, Tạp chí Giáo dục Lý luận, 2016, số 252.

4. Lê Quốc Lý: Xây dựng chính phủ kiến tạo - Thời cơ và thách thức đối với Việt Nam, Tạp chí Lý luận chính trị, 2017, số 4.

5. Nguyễn Thanh Sơn:Phát huy tiềm năng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Tạp chí Cộng sản, 2009, số 795.

9. Hồng Trà: “Chính phủ kiến tạo” tại Việt Nam qua định nghĩa của Thủ tướng, truy cập ngày 7-10-2020, https://vneconomy.vn/chinh-phu-kien-tao-tai-viet-nam-qua-dinh-nghia-cua-thu-tuong-2017111816395712.html.

TS Mai Quốc Dũng

 

Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền